Thơ Tuệ Sỹ

Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng

Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều

Cách nay ít lâu, tôi được TS Bùi Chí Trung chuyển tận tay tập thơ Thiên Lý Độc Hành với lời đề tặng của Thầy Tuệ Sỹ.

Đây là tác phẩm thơ Tuệ Sỹ được soạn thảo công phu và được trình bày vô cùng trang nhã.

Thơ được dịch ra 3 ngôn ngữ Nhật, Anh, Pháp với các dịch giả: Bùi Chí Trung, Nguyễn Phước Nguyên, Dominique de Miscault.

Ngoài thơ và các bài viết, trong sách còn có thủ bút Hán-Nôm của Tuệ Sỹ, ảnh của Hạnh Viên và tranh minh họa của Đào Nguyên Dạ Thảo.

 

Screenshot 2023-11-28 101954

*

Hôm nay, lật giở từng trang sách, nhìn từng bức ảnh, đọc từng bài thơ, chợt nhớ cuộc hạnh ngộ ngắn ngủi với Thầy. Một sáng nọ, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn chở Thầy trên chiếc Monkey huyền thoại của mình, ghé lại nơi làm việc của tôi.

Khi ngồi tiếp trà hai vị khách đặc biệt, tôi không ngừng tự hỏi, làm sao có được sự hòa hợp giữa hai con người này, giữa sự trầm lắng, ưu nhã Tuệ Sỹ và sự gai góc, nóng nảy  Nguyễn Đức Sơn.

Giờ đây, tôi đã hiểu: Thầy có thể hòa hợp với tất thảy chúng sinh.

 

405475596_1009048573537836_3850910526782447340_n

 

*

Để tiễn bước thầy, xin mời đọc những vần thơ của Thầy và bài viết của Thầy Hạnh Viên, trích từ Thi phẩm Thiên lý độc hành.

                                                                                    Sài Gòn ngày 25/11/2023

                                                                                                Ý Nhi

Thiên Lý Độc Hành  

Thơ Tuệ Sỹ

 

1.

Ta về một cõi tâm không

Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn

Còn yêu một thuở đi hoang

Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya

 

400812145_1013162146460666_7288608753683236043_n

 

2.

Ta đi dẫm nắng bên đèo

Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều

Nguyên sơ là dáng yêu kiều

Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ

Còn đây góc núi trơ vơ

Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao

 

3.

Bên đèo khuất miễu cô hồn

Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng

Cây già bóng tối bò lan

Ta ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao

 

4.

Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn

Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn

Bởi ta hồn đá phơi màu nắng

Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn

 

400731333_237768359167270_593094385767840839_n

 

5.

Từ thuở hồng hoang ta ở đâu

Quanh ta cây lá đã thay màu

Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở

Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau

 

6.

Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông

Rừng mây xanh ngất tạnh vô cùng

Từ ta trải áo đường mưa bụi

Tưởng thấy tiền thân trên bến không

 

7.

Khi về ngả nón chào nhau

Bên đèo còn hẹn rừng lau đợi chờ

Trầm luân từ buổi ban sơ

Thân sau ta vẫn bơ vơ bụi đường

 

8.

Bóng tối sập mưa rừng tuôn thác đổ

Đường chênh vênh vách đá dọa nghiêng trời

Ta lầm lũi bóng ma tròn thế kỷ

Rủ nhau đi cùng tận cõi luân hồi

Khắp phố thị ngày xưa ta ruổi ngựa

Ngang qua đây ma quỷ khóc thành bầy

Lên hay xuống mắt mù theo nước lũ

Dẫm bàn chân lăn cát sỏi cùng trôi

Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu

Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi

Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu

Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi

 

400025811_1083883782780399_1857434899792817991_n

 

9.

Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng

Ta về phố thị bởi tình chung

Trao đời hương nhụy phơi hồn đá

Thăm thẳm mù khơi sương mấy tầng

 

10.

Một thời thân đá cuội

Nắng chảy dọc theo suối

Cọng lau già trầm ngâm

Hỏi người bao nhiêu tuổi

 

400654913_652786367022894_4641262798053642779_n

 

11.

Bước đi nghe cỏ động

Đi mãi thành tâm không

Hun hút rừng như mộng

Chập chùng mây khói trông

 

12.

Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày

Mù trong dư ảnh lá rừng bay

Dõi theo lối cũ bên triền đá

Sao vẫn còn in dấu lạc loài

 

368057261_900561648257068_2145135089434482762_n

13.

Khi về anh nhớ cài quai nón

Mưa lạnh đèo cao không cõi người

 

T. S

***

Nối Gót Thiên Lý Độc Hành

                                                                  Hạnh Viên

 

400790504_629005602780841_3342376275791510054_n

Một buổi sáng cuối thu năm 2011, đang ngồi trong quán cà-phê sách ở Đà Lạt tôi nhận được mẫu tin của thầy gởi qua email, chỉ ngắn gọn mấy dòng:

Tôi đi lang thang theo đám mây trôi, phương trời vô định. Bờ sông, hốc núi, đâu cũng là chỗ vùi thây. Một chút duyên còn ràng buộc thì còn có cơ hội ngộ, đời này hoặc đời sau.

Thị ngạn am vô trụ xứ.

Thư được gởi đi từ chiều hôm trước, nghĩa là tối đó ông đã lang thang đâu đó ngoài bến xe, tìm một chuyến xe nào bất cứ, đi đến một nơi nào khả dĩ, không hẹn trước. Chuyến đi của ông thầy tu không chùa, không đệ tử, không cần nơi đến. Ra đi như vậy, ngoài những ẩn tình riêng chung, nhưng kỳ cùng nó là một thôi thúc một bó buộc đã sẵn có tự bao giờ. Và trở về, cũng là một thôi thúc, bó buộc khác.

Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng

Ta về phố thị bởi tình chung

Trao đời hương nhụy phơi hồn đá

Thăm thẳm mù khơi sương mấy tầng

Thiên lý độc hành, chuỗi thơ 13 bài, hình thành sau chuyến đi ấy. Nó mở đầu bằng sự trở về, và kết thúc bằng lời gởi gắm một bước chân khác lên đường. Đi cho hết con đường thăm thẳm nhân sinh trường mộng. Hai câu kết để ta đóng lại tập thơ mà không đóng lại được những tâm tình khắc khoải, tương điệu trước một vệt nắng chiều hay một ánh sao xa lay lất cuối trời. Lời nhắn nhủ ân cần không phải là sự êm đềm khép lại cánh cổng vườn nhà sau khi người con đã trở về, nó mở ra lối sau chỉ về một phương trời miên man cô tịch

Mưa lạnh

đèo cao

không cõi người.

Phương trời mờ ảo với ánh sao đêm làm đèn soi lối, lấy ánh trăng trên cỏ làm chiếu mà nằm, để sáng ra tiếp tục cuộc đi mà không biết đêm nay sẽ ở đâu, có ‘may mắn’ tìm được một chỗ ngủ kín gió không. Có khi chỗ đó là cái miếu cô hồn bên đèo vắng, có khi là phía sau cái bệ con sư tử đá khổng lồ trước cổng tam quan một ngôi chùa, nơi có một hốc nhỏ đủ cho một người nằm khuất tầm nhìn khách qua đường. Nghỉ chân và chợp mắt, để ba giờ sáng thức dậy thu vén đi tiếp trước khi nhịp sống đô thị trở lại nơi này cho một ngày mới.

Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày

Mù trong dư ảnh lá rừng bay…

Cái mùi hoang liêu dặm trường nó huyễn hoặc, hấp dẫn như mùi trái cây chín dại ven đường khi đói, như mấy gói lạc rang của một thanh niên tốt bụng đưa cho, để chiều lên đèo, “vì ở đó trong tầm bán kính mười cây số không có nhà ai”, anh ta nói. Mấy gói lạc rang, đủ cho một ngày đi qua cái đèo hoang vu này.

Sau này họa hoằn được nghe kể về chuyến đi, tôi thấy thật khó viết được gì chân xác về những bài thơ này; đó là những con đường nắng chát, bụi bặm, những bầu trời tối sầm trĩu nặng mây đen, những chiều bụng đói, những đêm hun hút ngó về một quê hương nào đã mất. Đó không phải là trang giấy trắng để ta cặm cụi ghi chú vài ý tưởng mộng mơ. Tập thơ này với tôi không phải để đọc, để hiểu hay để viết về; chỉ cần nhìn, cảm, và tưởng tượng. Tôi không lo khi đọc mà không hiểu thơ nói gì, nhưng đáng buồn nếu không tưởng tượng được khung trời nào trong những câu

Từ ta trải áo đường mưa bụi

Tưởng thấy tiền thân trên bến không

Mưa, nắng, gió, bụi, những bước chân miệt mài đi qua rừng, qua phố, để làm gì, để tìm gì? Tìm gì trong màu hoàng hôn phơi trên hồn đá, cái bóng người xiêu đổ bên bờ lau sậy phất phơ nỗi buồn viễn xứ? Xứ sở nào của người, của đá, của những bông lau theo gió bay trắng bốn phương ngàn…

Nắng, bụi, gió, mưa. Thiên nhai hà xứ vô phương thảo(*).Cuối trời vạn nẻo nơi nào mà không có cỏ thơm. Một đứa bé chạy theo dúi vào tay ông một cái bánh ngọt, chỉ tay về ngôi nhà lụp xụp bên vệ đường: má con biểu đưa cho ông. Cái tình người nó tự nhiên như cỏ non xanh tận chân trời. Cỏ xanh và hoa lau trắng, màu trắng hoang mang cả trời cô lữ. Giữa dòng ngựa xe phố thị hay trước thảo nguyên xanh ngút ngàn, ở đâu cũng có lúc bất chợt cảm thấy lạc loài, thấy tháng ngày hư ảo, ta muốn đi tìm một cái gì đó khác, đo đếm xem khoảng cách bao xa giữa hai bờ mộng thực; có người đi trong chiều nắng quái, kẻ khác đi trong những giấc mộng khẽ khàng. Nhìn đám bụi mờ dưới bước chân đi, ta không biết đó là tha hương hay là cố quận.

Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu

Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi

Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu

Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi

Ánh trăng sau cơn mưa hiện ra lấp lánh trên cỏ, như trải ra tấm chiếu hoa gấm ngọc ngà.

Nghìn năm sau… kể chuyện Thiên lý độc hành, có người ngay thẳng và thực tế sẽ hỏi: Đi như vậy, tự đọa đày như vậy để làm gì? Những bước chân vô định kia có để lại chút dấu vết nào nơi đá cuội ven đường? Có lẽ không, hoặc có để lại một giấc mơ bên hiên nhà tạm trú đêm qua, không biết mưa lũ cao nguyên rồi sẽ cuốn phăng nó về đâu. Mà Thiên lý độc hành là gì? Đâu phải chỉ là một chuyến đi. Cuộc đi không có lúc khởi hành, không có nơi đến thì làm sao có sự kết thúc trở về.

Khi về anh nhớ cài quai nón

Mưa lạnh đèo cao không cõi người…

Mùa hạ Canh tý, PL. 2564

                                                                                                            Hạnh Viên



(*)天涯何處無芳草 thơ Tô Đông Pha

 

Comments are closed.