Bản thảo (kỳ 3)

Nguyễn Đức Tùng

12. chúng ta hãy đi, trên những con đường bỏ hoang một nửa

let us go, through certain half deserted streets

T. S. Eliot

13. người ta viết là để chống lại một điều gì. hãy cám ơn điều gì.

14. trước khi có việt nam, không có cà phê đá.

15. the world is too much with us; late and soon.

William Wordsworth.

16. hôm nay ngày sinh nhật canada. tôi được nghỉ một ngày. tôi ngồi nghe chương trình nhạc ngoài trời. chúng tôi ngồi trên vệ đường lát đá được lau dọn sạch sẽ từ hôm qua. người ngồi bên tôi là một gã đàn ông nửa trắng nửa đen, da ngăm ngăm, như dân Ai cập thua trận, không đẹp không xấu, bạn có thể gặp bất kỳ ở đâu. tôi tự hỏi bạn cần biết gì về một người trước khi yêu thích người ấy. đối với người đàn ông này, tôi không biết tôi có ưa thích anh ta hay không. thế rồi khi anh ta cúi xuống nhặt một thứ gì như mẩu bánh bích quy và cho ngay vào miệng, và quay người nhìn tôi xin lỗi vì động tác ấy làm anh chạm vào người tôi, tôi nhận ra ngay lập tức tôi yêu mến anh ta.

17. dân tộc cần tìm đường trở lại với nhân loại sau khi đã đi lạc đường suốt mấy mươi năm.

18. Cái bát

Tôi đăm đăm nhìn cái bát

Cho đến khi một chữ bật ra

19. hà nội

con gái hà nội quá đẹp

con trai hà nội quá lịch sự

thị trưởng hà nội quá ngu

hồ gươm quá xấu (trừ khi vắng người)

dân hà nội thích nói xấu lãnh đạo

giới nghiên cứu văn học hà nội không hiểu gì về Việt nam Cộng hoà mà họ cũng không cần hiểu

ca sĩ hà nội thích hát opera và vung tay lên

và xoay người hai vòng

19. Nhạc tính:

Đọc thơ như thế nào?

– Đọc lớn lên.

Sự vui thú vang lên cùng với âm thanh của nó, điều này khác với việc đọc một bài thơ trong im lặng.

Tuy nhiên, không có một bài thơ nào được đọc trong im lặng, ngay cả khi một người khác đứng bên cạnh không hề nghe được một tiếng động nào cả. Một bài thơ nào khi được đọc nó cũng được đọc thầm, những chữ của nó vang lên trong tâm trí của người đọc như những âm thanh.

Các câu thơ thường được nhớ nhiều khi nào chúng vần với nhau ở các chữ cuối, nhưng thực ra những vần khác cũng quan trọng: vần lưng, vần ở những phụ âm đầu tiên. Sự đối xứng trong một câu hoặc giữa hai câu, thường gặp hơn trong thơ ngày trước, thực ra cũng là một cách hiệp vần. Các nhà thơ đi tìm chữ cho câu thơ, trong khi đi tìm nghĩa của chúng, cũng cùng một lúc đi tìm âm thanh của chúng. Tôi nhấn mạnh, cùng một lúc, không phải trước hay sau. Nếu một người chỉ đi tìm nghĩa, đó là sự sắp đặt máy móc và tư duy thơ biến thành sự sao chép các tư tưởng trừu tượng. Nhưng tư duy thơ là một tư duy hình ảnh, tư duy nhạc tính. Người đọc thơ bao giờ cũng là người lắng nghe âm nhạc trong thơ. Đó là vì sao nhiều người thích một câu thơ mà không hiểu tại sao.

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức

Đối với nghệ thuật làm thơ, câu khởi đầu là quan trọng nhất, nó phải vừa rất mới, vừa rất cũ.

Phải tự nhiên, nhưng phải bất ngờ.

Trước đó không ai nói thế trong thơ, thế nhưng ai cũng nghĩ mình đã từng nói thế, mà không ai nói thế.

Như vậy nhà thơ phải bắt được một thói quen ngôn ngữ, một thói lãng mạn đã được chấp nhận, một khung ý tưởng đã được hình thành trong một nền văn hóa, và khai thác từ trong những khả năng tiềm ẩn ấy một lối nói cho mình. Lối nói trong thơ bao giờ cũng là lối suy nghĩ. Tự nhi ên hay không? Tự nhi ên, vì không có chữ n ào gò ép, thuận v ới ti ếng Vi ệt. Nhưng bất ng ờ, vì tr ư ớc do chua ai nói.

Là một câu hỏi, một lời mời gọi, và là một điều gì khác nữa, vì đó là một câu mơ hồ, phiếm định, phù hợp với khung cảnh mùa thu, khung cảnh ước lệ.

Đó là một ước lệ hoàn toàn được chấp nhận vào thời buổi ấy. Ngày nay nếu có ai viết thế, chúng ta thấy là sáo, sáo rỗng. Tưởng tượng một nhà thơ còn trẻ bây giờ viết :

Dưới trăng mờ thổn thức.

Nghe rất chướng, bây giờ không ai dám viết thế. Nhưng Lưu Trọng Lư đã hạ câu thơ thứ hai ấy vào năm 1930, vào lúc mà mùa thu phải dẫn tới trăng mờ, chú ý rằng chữ thu và chữ mờ vần với nhau rất khéo và lỏng lẻo, và nó kết thúc bằng hai chữ vần trắc với âm hưởng rất mạnh.

Không có gì ngạc nhiên là nhiều người tin rằng thơ chính là một loại văn chương có vần, và có vần đối với họ là vần cuối của một câu. Thực ra tính âm nhạc của một bài thơ được quyết định bởi các thành tố, các nguyên âm, phụ âm của mỗi chữ. Nhà thơ có tài là người biết xếp đặt các chữ, làm chúng phối hợp với nhau, làm vang lên các âm tiết như các nốt nhạc.

Em không nghe rạo rực

Trong thơ thường người ta tránh các vần quá chặt, và một nửacác nhà thơ đều biết cách tránh chúng dễ dàng, trừ một nửa số kia. Ví dụ Quang Dũng:

Em ở thành sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

“Về” và “đi” vần với nhau một cách lỏng lẻo. Chỉ khi nào cần nhấn mạnh, làm vang lên một nốt nhạc, như khi bạn đập mạnh tay xuống phím đàn dương cầm thì mới có lối hợp vần chặt. Như Xuân Diệu:

Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung

Có ai đàn lẻ để tơ chùng

Như thế là quá lắm, nhưng vần ở đây là vần bằng. Lưu Trọng Lư chọn vần trắc. Không những thế, ngay cả những vần sau ông cũng chọn vần trắc:

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ

Các chữ dùng tất nhiên là cũ kỹ. Ngay cả vào thời ấy, trong thơ người ta đã dùng những chữ mới hơn nhiều. Hãy xem chính Lưu Trọng Lư:

Yêu hết một mùa đông

Không một lần đã nói

“Yêu hết”, “không một lần”, “đã nói”, là cách nói mới.

Qua rồi mùa ân ái

Đàn sếu đã sang sông

Là những hình ảnh mới.

Nhưng trong bài Tiếng thu, năm chữ, gồm hai đoạn, đoạn thứ nhất gồm năm câu, đoạn thứ hai bốn câu, tác giả rõ ràng đã cố ý sử dụng những hình ảnh quy ước, lối nói quy ước, các chữ cũ, như thể đó là một sự cố ý đầy nghệ thuật. Vì vậy mà câu mở đầu của đoạn thứ hai cũng phải vần với câu cuối của đoạn thứ nhất ở vần cuối cùng:

Em không nghe rừng thu

So với câu thứ nhất của đoạn đầu chỉ khác chữ thứ tư, rõ ràng sự lặp lại, hay nghệ thuật trùng điệp, là một dụng tâm của tác giả, chữ thu được lặp lại một lần nữa.

Lá thu kêu xào xạc

Như có thể dự đoán được, vần trắc được lặp lại ở đây, rất mạnh, nó kéo cả đoạn thơ đi:

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Toàn bài gồm chín câu, nhưng xét về mặt văn phạm, thực ra chỉ là một câu kéo dài, và câu cuối dùng một hình ảnh cũng cổ điển, kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

Các vần cuối câu được sử dụng nhưng Lưu Trọng Lư còn chú ý nhiều hơn đến sự hợp vần của các chữ khác, trong đó sự trùng điệp là quan trọng nhất: trùng điệp về hình ảnh, một nhóm câu, sự trở đi trở lại để mô tả “nhân vật” của bài thơ: con nai đạp lá vàng. Đây là một bài thơ tình mà cũng là thơ tả cảnh, không có tư tưởng sâu sắc, không có triết lý gì nhiều, tứ và chữ đều cũ, nhưng được phối hợp tuyệt diệu làm lên bức tranh đẹp, bản hòa âm hoàn hảo, một bản đàn làm say đắm lòng người.

Sự say đắm ấy dựa hẳn vào yếu tố sau đây: tâm thức của người Việt Nam đối với mùa thu, về hình ảnh rừng thu, trăng mờ, lá vàng, hươu nai. Bây giờ người ta gọi là tâm thức liên văn bản.

Tôi vừa nói thơ tình, thực ra trong bài thơ không hề nhắc tới tình yêu đôi lứa. Nhưng vì người nói, cũng là tác giả, cất lời với em, có thể nói là một thiếu nữ, nên bạn hình dung thấy cuộc đối thoại giữa hai người, trước khung cảnh mùa thu, lời mời gọi, sự âu yếm ngấm ngầm. Có hai nhân vật nam và nữ không được mô tả trong bài thơ nhưng bạn hình dung họ có mặt ở đó, chứng kiến mùa thu như một bài thơ, như một tình yêu. Bài thơ là một kho tàng, nhưng khác với thiên nhiên đã mất, nó vĩnh viễn ở đó, lúc nào bạn cũng có thể trở lại, tìm thấy. Nghe nói rằng Lưu Trọng Lư đã có lúc từ bỏ những hươu nai và những bài thơ tiền chiến. Hành động ấy có thể do bị ép buộc, nhưng cũng có thể là thành thật. Tôi nghĩ Hoài Thanh cũng thành thật khi đốt Thi nhân Việt Nam. Một thế hệ sáng chói tự nguyện vong thân. Những người không chịu vong thân thì đã ra đi như Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương. Không có gì bất biến, không có gì cấm người ta đi ngược lại. Đọc Di cảo Chế Lan viên thì biết ông tìm cách đi ngược lại, nhưng chỉ nửa vời: có lẽ vì ông khôn ngoan quá. Riêng Lưu Trọng Lư, thì tôi tin chắc về sau thế nào cũng có lúc ông trở lại với mùa thu, đi tìm tuổi trẻ của mình, đi tìm sự ngây thơ như tình yêu đầu đời.

Các nhà thơ đều yêu âm nhạc của ngôn ngữ.

Tình yêu đối với âm nhạc không có một mục đích nào khác, nó chỉ phục vụ cho chính nó.

Khi tôi đọc những câu thơ vần với nhau, tôi có một niềm vui thú, thích lặp lại chúng, hệt như khi tôi hát thầm một ca khúc mà mình yêu mến. Tất nhiên trong thơ, âm nhạc không đi một mình, chúng bao giờ cũng vang lên giữa các chữ, lồng lộng trong bóng của các chữ, như tiếng chuông vang lên từ đại hồng chung sẽ ngân nga trong hoa.

Ngày nay các nhà thơ không chú ý lắm đến tính nhạc trong thơ, mà người đọc đương đại cũng bỏ lơ chúng. Đó là điều đáng tiếc. Thực ra vần, điệu, nhạc điệu, tiếng động của các chữ, góp phần tạo ra nghĩa của một bài thơ, một thứ nghĩa khác nằm ngoài từ điển. Những người đọc nhiều lần bài Tiếng thu thế nào cũng thuộc một hai câu của nó, thế nào cũng nhớ lại hình ảnh của nó và chúng trở thành nỗi ám ảnh.

Thực ra các nhà thơ tài năng hiện nay không hoàn toàn bỏ rơi nhạc điệu: họ biến đổi chúng. Các vần không chặt như trước, không nhất thiết phải là vần cuối, các câu không ngâm lên được, nhưng giữa chúng có sự hòa hợp, vì vậy tuy thơ ngày một gần với văn xuôi, nó vẫn giữ được cho mình một môi trường riêng biệt, giàu âm thanh, kể cả trong thơ xuôi. Vần cuối của câu ngày càng bị các nhà thơ buông bỏ, nhất là trong thơ tự do, nhưng các kiểu vần khác vẫn được sử dụng. Một bài thơ tương tự không thể làm lại được nữa. Những bài thơ khác của Lưu Trọng Lư cũng không hề giống với bài thơ Tiếng thu, đó là những bài thơ được đóng khung vào không gian và thời gian trên nền mẫu của các nguyên mẫu văn hóa.

Bài thơ nói về cảnh thu buồn, tàn tạ, chia ly, nhưng ngạc nhiên thay lại đầy sức sống, sự tươi rói của tình yêu, của bức tranh đẹp, khi đọc lên bạn cảm thấy hứng khởi, đầy cảm giác tạ ơn đối với đời sống, nó làm bạn chú ý trở lại, làm bạn quay về cái đẹp và sự thanh bình vốn là cội nguồn của con người, ở đó sự rung động của các chữ nguyên sơ còn vang lên không ngớt từ thế hệ này qua thế hệ khác.

N.Đ.T

(Còn tiếp)

Comments are closed.