Chủ nghĩa tư bản, một mình (kỳ 1)

 

BRANKO MILANOVIC

Nguyễn Quang A dịch

Nhà xuất bản Dân khí 2022

Tủ sách SOS2

 

Mục lục

CHƯƠNG 1: NHỮNG ĐƯỜNG NÉT CỦA THẾ GIỚI SAU-CHIẾN TRANH LẠNH            1

1.1 Chủ nghĩa tư bản như Hệ thống Kinh tế Xã hội Duy nhất            2

1.2 Sự lên của châu Á và sự Tái Cân bằng của Thế giới        5

CHƯƠNG 2: CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TÀI NĂNG TỰ DO12

2.1 Các Đặc điểm Chính của Chủ nghĩa Tư bản Tài năng Tự do       13

2.1a Các Chủ nghĩa Tư bản Lịch sử    13

2.1b Các Nguyên nhân có tính Hệ thống và Không có tính Hệ thống của sự Tăng Bất bình đẳng trong Chủ nghĩa tư bản Tài năng Tự do     21

2.2 Những Bất bình đẳng mang tính Hệ thống          24

2.2a Phần Gộp Tăng lên của Vốn trong Thu nhập Quốc gia  24

2.2b Sự Tập trung Cao của Sở hữu Vốn         26

2.2c Suất Lợi tức Cao hơn trên Tài sản của người Giàu        31

2.2d Sự Kết hợp Thu nhập Vốn cao và Thu nhập Lao động cao trong Cùng các Cá nhân     34

2.2e Sự Đồng Giao (Ghép đôi Lựa chọn) Lớn hơn     36

2.2f Sự Truyền lớn hơn Thu nhập và Của cải ngang các Thế hệ        40

2.3 Các Chính sách Xã hội Mới           42

2.3a Vì sao các Công cụ Thế kỷ 20 Không thể được Dùng để Giải quyết Bất bình đẳng Thu nhập Thế kỷ 21          42

2.3b Nhà nước Phúc lợi trong Thời đại Toàn cầu hóa           50

2.4 Giai cấp Thượng lưu Tự-Duy trì?56

CHƯƠNG 3: CHỦ NGHĨA TƯ BẢN CHÍNH TRỊ67

3.1 Chỗ của Chủ nghĩa cộng sản trong Lịch sử          67

3.1a Sự Bất lực của các Quan điểm Marxist và Tự do về Thế giới để Giải thích Chỗ của Chủ nghĩa cộng sản trong Lịch sử67

3.1b Làm sao để Đặt Chủ nghĩa cộng sản bên trong Lịch sử Thế kỷ thứ Hai mươi  74

3.2 Vì sao Cách mạng cộng sản Cần trở thành Chủ nghĩa tư bản với (một số Phần) của Thế giới thứ Ba?78

3.2a Vai trò của Cách mạng cộng sản trong Thế giới thứ Ba            78

3.2b Chủ nghĩa Cộng sản đã Thành công ở Đâu?       82

3.2c Trung Quốc Có là Tư bản chủ nghĩa?     86

3.3 Các Đặc điểm Chính của Chủ nghĩa tư bản chính trị       90

3.3a Ba Đặc trưng và Hai Mâu thuẫn mang tính Hệ thống   90

3.3b Các Nước nào Có Hệ thống Chủ nghĩa Tư bản Chính trị?          96

3.4 Một Tổng quan về Bất bình đẳng ở Trung Quốc  98

3.4a Bất Bình đẳng Tăng lên Xuyên suốt        98

3.4b Tham nhũng và Bất bình đẳng   106

3.5 Tính Lâu bền và sự Hấp dẫn Toàn cầu của Chủ nghĩa Tư bản Chính trị  112

3.5a Giai cấp Tư sản Sẽ có Cai trị Nhà nước Trung quốc?    112

3.5b Trung Quốc Sẽ “Xuất khẩu” Chủ nghĩa tư bản chính trị?           118

CHƯƠNG 4: TƯƠNG TÁC CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VÀ TOÀN CẦU HÓA     129

4.1 Lao động: Sự di cư            131

4.1a Định nghĩa Phần thưởng hay Rent tư cách công dân    131

4.1b Tư cách công dân như một Tài sản Kinh tế        134

4.1c Sự Di chuyển Tự do của các Nhân tố Sản xuất   136

4.1d Hòa giải các Nỗi lo của những người bản xứ với Mong muốn của những người Di cư           142

4.2 Vốn: các Chuỗi Giá trị Toàn cầu   148

4.3 Nhà nước Phúc lợi: sự Sống sót    155

4.4 Tham nhũng khắp Thế giới           160

4.4a Ba Lý do cho Tham nhũng trong Thời đại Toàn cầu hóa           163

4.4b Vì sao Chẳng gì được Làm để Kiểm soát Tham nhũng  173

CHƯƠNG 5: TƯƠNG LAI CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TOÀN CẦU        176

5.1 Tính Phi Đạo đức Không thể tránh khỏi của Chủ nghĩa tư bản được siêu-Thương mại hóa      176

5.1a Chủ nghĩa tư bản của Max Weber         176

5.1b Đạo lý Thuê ngoài (Outsourcing Morality)         180

5.1c “Không có Thay thế (Alternative) Nào”  184

5.2 Nguyên tử hóa và Hàng hóa hóa  187

5.2a Tính Hữu ích Giảm đi của Gia đình        187

5.2b Cuộc sống Riêng tư như Chủ nghĩa Tư bản hàng Ngày190

5.2c Quyền Thống trị của Chủ nghĩa tư bản  197

5.3 Nỗi sợ Vô căn cứ về Tiến bộ công nghệ   198

5.3a Cả mớ Ngụy biện Lao động và sự Bất lực của Chúng ta để Hình dung Tương lai        198

5.3b Các Vấn đề với Thu nhập Cơ bản Phổ quát        202

5.4 Luxe et Volupté (Xa hoa và Thú vị)           206

5.4a Hai Kịch bản: Chiến tranh và Hòa Bình  206

5.4b Chủ nghĩa Tư bản Chính trị vs. Chủ nghĩa Tư bản Tự do           208

5.4c Bất bình đẳng Toàn cầu và Các Thay đổi Địa chính trị  211

5.4d Các Ghi chú Kết thúc về Hệ thống Xã hội mà Tới đó Cuốn sách này Có thể Dẫn đến   215

PHỤ LỤC A: CHỖ CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN TRONG LỊCH SỬ TOÀN CẦU221

PHỤ LỤC B: SIÊU-THƯƠNG MẠI HÓA VÀ “BÀN TAY VÔ HÌNH” CỦA ADAM SMITH227

PHỤ LỤC C:  VÀI VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ ĐỊNH NGHĨA      231

GHI CHÚ          237

TÀI LIỆU THAM KHẢO261

LỜI CẢM ƠN   277

INDEX  279


 

 clip_image002[6]


Lời giới thiệu

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ 59 của tủ sách SOS2,* cuốn CHỦ NGHĨA TƯ BẢN, MỘT MÌNH – Tương lai của Hệ thống Cai trị Thế giới (CAPITALISM, ALONE – Future of the System That Rules the World) của Branko Milanovic do Havard University Press xuất bản năm 2019.

Đây là cuốn thứ hai của Branko Milanovic trong tủ sách này. Tất nhiên việc đọc cuốn trước Bất bình đẳng toàn cầu của ông sẽ giúp ích cho việc đọc cuốn này vì ông bàn nhiều về bất bình đẳng trong các hệ thống tư bản chủ nghĩa khác nhau.

Chủ nghĩa tư bản được tác giả hiểu rất sát với định nghĩa của Karl Marx và Max Weber: đó là hệ thống kinh tế dựa trên (a) tư liệu sản xuất (tư bản, vốn) chủ yếu thuộc sở hữu tư nhân; (b) [các chủ sở hữu] vốn thuê lao động tự do về mặt pháp lý (tức là về pháp lý không có lao động cưỡng bức); (c) sự điều phối kinh tế là phân tán.

Trước đây đã có nhiều phương thức sản xuất. Hiện nay chỉ còn lại duy nhất phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa! Nói cách khác tất cả các nền kinh tế trên thế giới ngày nay đều là các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Sự lên của Trung Quốc và của Ấn Độ cũng như các nước Asean trong thời gian khoảng 40 năm qua đã dẫn đến quá trình tái cân bằng sức mạnh kinh tế tương đối giữa vùng này với Tây Âu và Bắc Mỹ quay lại mức tương đối của chúng trước Cách mạng Công nghiệp. Đấy là 2 diễn tiến nổi bật nhất của thế giới sau Chiến tranh Lạnh.

Tác giả đưa ra sáu đặc điểm để phân loại các chủ nghĩa tư bản khác nhau. Sáu đặc điểm này là:

1.     Phần của thu nhập vốn tăng lên trong sản phẩm ròng

2.     Sự tập trung cao của sở hữu vốn

3.     Các cá nhân nhiều vốn là những người giàu (thu nhập)

4.     Những người giàu thu nhập vốn cũng là những người giàu thu nhập lao động (tác giả sáng tác ra từ mới, homoploutia (cùng giàu), để mô tả hiện tượng này.

5.     Người giàu (hay có tiềm năng giàu) thu nhập kết hôn với nhau (sự đồng giao-homogamy hay sự ghép đôi lựa chọn –assortative mating).

6.     Tương quan cao giữa thu nhập của cha mẹ và thu nhập của con cái (sự truyền lợi thế giữa thế hệ).  

Dựa vào 6 đặc điểm trên tác giả phân loại các chủ nghĩa tư bản đã tồn tại sau Cách mạng Công nghiệp đến nay như sau: (Bảng 2.1) được sao lại dưới đây với: CNTBCĐ = chủ nghĩa tư bản cổ điển; CNTBDCXH = chủ nghĩa tư bản dân chủ xã hội; CNTBTNTD = chủ nghĩa tư bản tài năng tự do; 1 là có đặc tính, 0 là không có đặc tính đó; 1* là có đặc tính đó ở chừng mực nhất định hay trong một số trường hợp.

Về tên gọi CNTBCĐ hay CNTBDCXH chắc không gây khó hiểu gì cho bạn đọc vì thuật ngữ dùng ở đây là khá quen thuộc. Tuy nhiên CNTBTNTD (TN-Tài năng-Meritocratic và TD-Tự do-Liberal) được tác giả sử dụng theo nghĩa hẹp theo cách dùng hai từ này của John Rawls (TN liên quan đến mặt phân phối và chỉ có nghĩa rằng không có ràng buộc pháp lý nào hạn chế bất kể ai để đạt được địa vị mình xứng đáng trong xã hội (tức là ai cũng có tự do tự nhiên [natural liberty] với tài năng của mình); tự do (liberal) nhắc đến mặt tính di động xã hội (tức là tự do xã hội: xã hội phải tạo điều kiện để cho mọi người sự bình đẳng cơ hội, người nghèo hay có xuất xứ không thuận lợi nếu có tài năng vẫn có thể leo lên).

Hình thức chủ nghĩa tư bản

 

 

CNTBCĐ

 

CNTBDCXH

 

CNTBTNTD

Nền kinh tế đại diện

 

Anh trước 1914

 

Mỹ, châu Âu sau CTTGI

 

Mỹ đầu thế kỷ 21

1. Phần thu nhập vốn tăng

 

1

 

0

 

1

2. Sở hữu vốn tập trung cao

 

1

 

1

 

1

3. Các cá nhân dư dả vốn là giàu

 

1

 

1

 

1

4. Homoploutia

 

0

 

0

 

1

5. Homogamy

 

1*

 

0

 

1

6. Sự truyền lợi thế giữa thế hệ

 

1

 

1*

 

1

Trong chủ nghĩa tư bản cổ điển (CNTBCĐ-classical capitalism), hay chủ nghĩa tư bản Marx-Ricardo, đặc điểm 1, 2, 3 và 6 rất mạnh (1 đậm) và hoàn toàn không có homoploutia (0 đậm) mà đơn giản có nghĩa là giai cấp lao động và giai cấp tư bản là tách nhau hoàn toàn, không có những người vừa giàu về thu nhập vốn và vừa giàu về thu nhập lao động. Sự ghép đôi lựa chọn có nhưng ở chừng mực.

Trong chủ nghĩa tư bản dân chủ xã hội, sức mạnh của phong trào lao động và ảnh hưởng của các đảng cánh tả mà đặc trưng 1 (phần của thu nhập vốn không tăng lên (và củng cố niềm tin vào quy luật Bowley 30% thu nhập cho vốn và 70% thu nhập cho lao động), các đặc trưng 4 và 5 cũng chưa xuất hiện. Nhưng kể từ cuối thế kỷ thứ hai mươi sự xuất hiện của cả homoploutiahomogamy (đặc điểm 4 và 5) cũng như sự tăng lên của phần thu nhập vốn (đặc điểm 1) đã là những nét chính của sự tiến hóa từ chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do sang chủ nghĩa tư bản tài năng tự do. Những thay đổi này là kết quả của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do (chính sách giảm thuế, sự tham gia mạnh của phụ nữ vào giáo dục và lực lượng lao động, v.v.) và chính cả năm đặc trưng mang tính hệ thống đó làm cho bất bình đẳng thu nhập và điểm 6 càng nghiêm trọng hơn trong chủ nghĩa tư bản tài năng tự do (nói cách khác cả 6 đặc trưng hiện diện trong chủ nghĩa tư bản tài năng tự do). Phân tích tiến triển của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do (mà trước tiên là Mỹ hiện nay) nhất là các vấn đề bất bình đẳng được tác giả tiến hành rất công phu và súc tích trong chương 2 của cuốn sách.

Tác giả cũng đề cập đến chủ nghĩa tư bản nhân dân (people’s capitalism [theo cách gọi của bà M. Thacher])chủ nghĩa tư bản bình quân chủ nghĩa (egalitarian capitalism) hai kiểu chủ nghĩa tư bản chưa từng xuất hiện trong lịch sử như ba hình thức kể trên nhưng có thể tưởng tượng được như khả năng cho sự tiến hóa của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do. Những phân tích về các khuyến nghị chính sách của ông (tuy không phải mới) về phi tập trung hay làm đồng đều hơn các quyền hưởng (endowments) về vốn và giáo dục [đánh thuế thừa kế, thuế tài sản, khuyến khích tăng sở hữu tài sản tài chính như cổ phần của tầng lớp trung lưu, người làm công; tăng quy mô và chất lượng giáo dục công,…] về phá vỡ sự hình thành giai cấp thượng lưu [hạn chế, tốt nhất là cấm, các doanh nghiệp tài trợ chính trị; tài trợ cho các đảng chính trị và vận động chính trị chỉ từ công quỹ] để sửa chữa các khuyết tật mang tính hệ thống, sự bất bình đẳng nhức nhối của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do để hướng tới chủ nghĩa tư bản nhân dân hay chủ nghĩa tư bản quân bình là rất đáng lưu ý.

Một loại chủ nghĩa tư bản nữa từ lâu được Max Weber gọi là chủ nghĩa tư bản chính trị (political capitalism). Theo tác giả, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Singapore, Malaysia, một số nước Phi châu đang theo chủ nghĩa tư bản chính trị.

Một phần rất lý thú của cuốn sách là sự diễn giải rất mới của Branko Milanovic về vai trò của chủ nghĩa cộng sản: nó đã thất bại hoàn toàn ở các nước giàu (như ý định ban đầu của nó theo diễn giải của Karl Marx về cách mạng xã hội, cách mạng vô sản thành công ở các nước tiên tiến dẫn đến xã hội cộng sản) nhưng đã thành công trong một số nước nghèo trong việc tiến hành đồng thời 2 cuộc cách mạng dân tộc và cách mạng xã hội (với ý định lên xã hội chủ nghĩa), ý tưởng sáng tạo của Lenin về hai dòng thác cách mạng. Nhưng trên thực tế, Lenin lại là “kẻ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” vĩ đại nhất và những người theo ông với việc thực hiện 2 cuộc cách mạng đó đã ra tạo điều kiện cho các nước đó tiến lên chủ nghĩa tư bản. Giả như không có ý tưởng đó của Lenin và không có các đảng cộng sản thành công ở một số nước Thế giới thứ Ban, thì sự tiến lên chủ nghĩa tư bản ở đó sẽ chậm hơn nhiều! Sự trớ trêu, hay sự xảo trá lịch sử (theo cách gọi của tác giả) có lẽ là một thí dụ hay nhất về hậu quả không lường trước của một ý tưởng hay chính sách. Toàn bộ chương ba được dành để bàn về chủ nghĩa tư bản chính trị (chủ yếu về nước tiêu biểu là Trung Quốc và Việt Nam cũng được nhắc tới nhiều như nước tiêu biểu và bạn đọc có thể và nên liên hệ với Việt Nam khi đọc). Theo tác giả, đặc trưng của chủ nghĩa tư bản chính trị là:

(1) Bộ máy quan liêu (chính quyền) hiệu quả

(2) Thiếu vắng luật trị (rule of law)

(3) Sự tự trị của nhà nước

Hệ quả là tham nhũng tràn lan và là một đặc điểm nội tại của hệ thống.

Các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản chính trị là:

Thứ nhất, sự va chạm giữa các đặc trưng có tính hệ thống (1) và (2), cụ thể là sự mâu thuẫn giữa nhu cầu quản lý khách quan (impersonal) công việc đòi hỏi một bộ máy quan liêu tốt và việc áp dụng luật tùy ý.

Thứ hai, mâu thuẫn giữa tham nhũng tràn lan do sự vắng mặt luật trị gây ra và cơ sở trên đó tính chính đáng của hệ thống dựa vào.

Tác giả phân tích các tương tác của chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa trong chương 4. Rất đáng lưu ý là những phân tích về chuỗi giá trị (hay chuỗi cung) gắn với sự di chuyển của vốn, và vấn đề di cư (sự di chuyển của lao động). Toàn cầu hóa đầy đủ đòi hỏi sự di chuyển tự do của cả hai nhân tố sản xuất: vốn và lao động. Vốn hầu như đã được di chuyển tự do, song lao động thì chưa (tạo ra vấn đề nhập cư căng thẳng ở nhiều nơi). Phân tích của tác giả về toàn cầu hóa và tham nhũng cũng đáng lưu ý. Tác giả đưa ra những khuyến nghị chính sách có vẻ khá cực đoan nhưng có thể sát với thực tiễn.

Từ việc phân tích các đặc tính của các hệ thống tư bản chủ nghĩa tác giả dành chương cuối để phác họa những diễn biến đang diễn ra (từ sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào không gian riêng tư của người dân, sự hàng hóa hóa rất nhiều hoạt động con người và đưa ra vài tiên đoán về sự diễn biến có thể của chủ nghĩa tư bản trong thời gian tới). Vì không ai có thể tiên đoán được sự phát triển công nghệ và vì sự diễn tiến xã hội phụ thuộc vào các ý tưởng và hành động của con người nên về nguyên tắc không thể tiên đoán được các diễn tiến xã hội. Thay vào đó có thể nêu ra một số kịch bản khả dĩ để xem xét.

Đây là một cuốn sách chứa nhiều ý tưởng rất sâu sắc và có thể khiêu khích hay gây tranh cãi. Rất đáng đọc và rất hữu ích cho tất cả những ai muốn tìm con đường phát triển lành mạnh cho đất nước và thế giới, nhất là các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế học, các nhà báo, các sinh viên, các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, và những người quan tâm khác.

Tôi chân thành giới thiệu với quý vị cuốn sách rất đáng đọc thứ hai này của Blanko Milanovic.  

17-6-2022

Nguyễn Quang A


 



* Những cuốn trước:

1. Kornai János, Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.

2. Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.

  ……….

41. Triệu Tử Dương, Tù nhân bí mật của Nhà nước – Nhật ký bí mật của Triệu Tử dương, NXB Dân Khí, 2019

42. Gabriel Zucman, Của cải Giấu giếm của các Quốc gia, NXB Dân Khí, 2019

43. Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, Chiến thắng của sự Bất công:

  ………

48. Tom Hartman, Lịch sử bị Che giấu của Chính thể Đầu sỏ Mỹ: Đòi lại nền Dân chủ của Chúng ta từ Giai cấp Thống trị. NXB Dân Khí, 2021

49. Adam Jetlesson, Công tắc Ngắt: sự Lên của Thượng Viện Hiện đại và sự làm Què nền Dân chủ Mỹ, NXB Dân Khí, 2021

50. Kornai János, Suy ngẫm, 2021

51. Slavoj Žižek, Đại Dịch! – Covid-19 làm lung lay thế giới, NXB Dân Khí, 2021

52. Slavoj Žižek, Đại Dịch! 2 – Biên niên sử của một thời đã mất, NXB Dân Khí, 2021

53. Amartya Sen, Quê Nhà trong Thế giới, NXB Dân Khí, 2021

54. Desmond Shum, Roulete Đỏ, NXB Dân Khí, 2021

55. Katherine M. Gehl và Michael E. Porter, Ngành Chính trị, NXB Dân Khí, 2021

56. Ronald Inglehart và Christian Welzel, Hiện đại hóa, sự Thay đổi Văn hóa và Dân chủ, NXB Dân Khí, 2022

57. Ronald Inglehart, Sự Tiến hóa Văn hóa, NXB Dân Khí, 2022

58. Blanko Milanovic, Bất bình đẳng Toàn cầu, NXB Dân Khí, 2022

Comments are closed.