Bác Trọng và lão Am

(Rút từ facebook của Mạc Văn Trang)

 

Tổng kết Hội nghị Trung ương 5, TBT Nguyễn Phú Trọng cho biết, sáng tỏ một nhận thức mới: “Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân là một trong những động lực và đến nay là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”…

Trong khi đó lão Am (nhân vật chính trong tiểu thuyết Cái Sân gạch, của Đào Vũ), đã nhận biết điều này từ 1958, trước áp lực của phong trào hợp tác xã. Lão chỉ tán thành nông dân vào hợp tác xã cấp thấp (tức là chỉ cùng góp ruộng đất, công cụ, tổ chứ tập thể sản xuất và chia nhau lợi nhuận theo hai nhánh: công lao động và cổ phần đóng góp, quyền sở hữu ruộng đất, công cụ, vẫn của tư nhân). Lão Am kiên quyết phản đối hợp tác xã cấp cao (tức là công hữu hóa tất ruộng đất, trâu bò, nông cụ, biến nông dân thành vô sản). Lão bị quy kết là “bảo thủ, tư hữu”, vợ con Lão, gạt lão ra, để đi theo con đường xã hội chủ nghĩa… Lão Am đau xót nhất là con trâu mộng, mà lão dày công mua được và hết lòng yêu quý, chăm chút. Lão bảo công hữu hóa, cha chung không ai khóc; lắm sãi (cán bộ) không ai đóng cửa chùa… Rồi chết cả lũ! Quả nhiên lên hợp tác xã cấp cao. Công hữu hóa tất tần tật, ba năm sau, con trâu nhà Lão Am gầy trơ xương, đang kéo xe bò gạch, thì gục xuống chết. Hợp tác xã cấp cao, càng ra sức cải tiến, đổi mới quản lý hết theo nghị quyết này đến nghị quyết khác… dẫn đến cả nước ăn bo bo. Nông dân may mắn còn 5% ruộng đất hợp tác xã cho mỗi hộ mượn trồng rau mà sống sót, kết hợp với ăn rau má, củ chuối, mò cua bắt ốc…

Sau “Cái đêm hôm ấy đêm gì” và cả nước sắp chết đói, Đảng lại “bừng hiểu” “có nhận thức mới”: phải “Cởi trói cho nông dân”. (Nông dân bảo, mẹ cha thằng nào trói ông, mà bây giờ Đảng phải cởi trói?). Ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố xanh rờn: Mọi người hãy tự cứu lấy mình, trước khi Trời cứu” (!) (Ô hô, trước đó Đảng bảo chăm lo cho mỗi người dân từ cái kim sợi chỉ đến tư tưởng, nghĩ suy, tình cảm yêu ghét, cơ mà!? Cái đận ấy cũng mất 30 năm, Đảng mới có nhận thức mới đấy!

Và lại chia ruộng cho mỗi hộ theo nguyễn tắc Đảng bảo: “Có gần, có xa; có tốt, có xấu”. A há! Cả cánh đồng nát bét, lộn tùng phèo, mỗi nhà manh mún 5-6 mảnh ruộng, bát nháo. Lão Am sống lại thì cười vỡ bụng! Ấy thế mà chỉ cần “người nông dân tự canh tác trên mảnh đất của mình”, các cán bộ Đảng ngồi chơi xơi nước, chả phải lãnh đạo, lãnh điếc gì, mà cả nước no nê thừa mứa, còn xuất khẩu gạo. Rồi sau đó dân cũng tự biết đổi mới: “Dồn điền, đổi thửa” để mỗi nhà có vài ba mảnh ruộng cho ra tấm, ra miếng mà canh tác cơ giới hóa…

Lão Am chả biết lý luận gì sất, lão chỉ am hiểu cuộc sống, tin rằng: Quyền tư hữu ruộng đất, trâu bò, nông cụ … mới gắn bó người nông dân với sản xuất; của đau, con xót, người ta mới yêu quý, giữ gìn của nả; mới say mê làm ăn, tính toán sao để tiết kiệm, hiệu quả…Còn công hữu hóa là “cha chung không ai khóc”, “Vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy”, thì của nả như gió vào nhà trống, chết nhăn răng cả lũ!

Bác Trọng dầy công nghiên cứu, có lý luận uyên thâm, bác phân tích, khái quát hóa vấn đề, “Từ trực quan sinh động, đến tư duy trừu trượng” trải qua 30 năm, rất là trăn trở, tâm huyết. Rồi “Từ tư duy trừu tượng” (của bác Trọng) được trừu xuất, trở về thực tiễn khách quan, sinh động… Bây giờ toàn hệ thống chính trị, quán triệt, đồng loạt ra quân, “Vận dụng lý luận vào thực tiễn”! Đó là biện chứng của quá trình nhận thức marxit – leninit. Rất khoa học. Rất biện chứng! Rất cao siêu!
12/5/2017
MVT

Comments are closed.