Các chủ làng ở Thừa Thiên Huế (kỳ 3 – hết)

Chủ làng Ka-Tu ở Ư Ràng

Nguyễn Văn Chính

(Trích ghi chép dân tộc học trong chuyến điền dã ở Nam Đông, Huế, mùa hè 1999)

Ngay trên con đường vào làng Ư-ràng (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) sừng sững một ngôi nhà gươl của người Ka-tu mới được dựng cách đây một năm. Lăn lóc ở phía dưới gầm sàn là cây cột thiêng (tnol) có trang trí nhiều hình vẽ huyền bí của người Ka-tu mà năm ngoái họ dùng để cột trâu trong lễ hiến sinh nhân dịp khánh thành ngôi nhà này. Người làng nói ngôi nhà gươl hiện nay đã bị cải biên nhiều so với nhà gươl truyền thống. Nó không có hành lang bao quanh dành cho phụ nữ và trẻ con như trước kia và sàn của nó quá cao so với kiểu nhà cũ trong khi mái nhà thì lại thấp hơn. Trên vách tường nhà gươl thấy có treo một cái đầu trâu còn nguyên cặp sừng và nhiều đạo cụ mà đội văn nghệ dùng trong hội làng năm ngoái.

Theo hẹn, ông trưởng thôn đã có mặt tại nhà làng cùng với chủ nhiệm hợp tác xã, một người Ka-tu quê ở A-lưới mới sang đây lập nghiệp. Những câu chuyện xoay quanh phong tục tập quán của người Ka-tu cuối cùng lại trở về với chủ đề tổ chức xã hội cổ truyền và vai trò của chủ làng. Trưởng thôn nói buổi chiều ông sẽ dẫn chúng tôi đi gặp người chủ làng cũ.

Thực ra, đã từ lâu người Ka-tu ở Ư-ràng không còn chủ làng theo đúng nghĩa của nó. Nhưng dân làng cứ thích gọi A-rắt Vét là chủ làng vì ông đã từng làm chủ làng từ thời họ còn sinh sống ở thượng nguồn sông Hương, vùng đất giáp với nước Lào. A-rắt Vét sống trong ngôi nhà lợp ngói khá to trên nền đất, được dựng lên sau khi làng chuyển từ trên núi về đây định cư được vài năm. Trước đây, cũng giống như ngôi nhà dài truyền thống, có đến 6 hộ gia đình là các em trai và con của A-rắt Vét cùng chung sống dưới mái nhà này, do ông làm takor (chủ nhà). Ở không gian cư trú quây quần này, ông là người lớn tuổi quyền uy nhất, thường ngày con cháu gọi ông là a-bướp. Hiện tại, bốn hộ đã tách ra làm nhà riêng và ở đó chỉ còn lại hai bếp của hai con trai ông cùng với vợ con của họ. Trong cùng khuôn viên này còn có ba căn nhà khác của các em trai của a-bướp và con cái của họ. A-rắt Vét không ngủ ở ngôi nhà to rộng của mình mà thường có mặt ở nhà sàn của người con trai cả của bà vợ hai tên là A-rắt Thương mới được làm cách đây vài năm. Trưởng thôn nói ngôi nhà lớn của A-rắt Vét là một hình thức nhà dài cuối cùng của Ư-ràng mà ngày nay còn có thể quan sát được. Bây giờ thì nó trở thành tài sản chung của tất cả các thành viên đã từng chung sống một thời dưới mái nhà này.

Tôi bước vào ngôi nhà sàn thưng bằng các tấm vỏ cây a-duông chắc nịch, trên đó có một bếp lửa đang bập bùng cháy. Ngồi bên bếp lửa là người đàn ông cao lớn có tên là A-rắt Vét, đã từng là chủ làng Ư-ràng. Hình như ông không được khoẻ vì khi ông ngồi phải tựa lưng vào một dải băng vải chăng ngang như một cái võng phía sau lưng. Trên vách phía sau ông là hai chiếc chiêng đồng phủ đầy bụi. Có lẽ đã từ lâu lắm không ai sờ mó gì đến chúng. Vì trời nóng nên ông chỉ vận độc một chiếc quần đùi. Nhìn khổ người của ông, tôi đoán xưa kia ông chắc hẳn phải là một chàng trai cường tráng. Dù đôi mắt đã mờ đục, nhưng nhìn vào mái tóc bồng bềnh lãng tử và đôi cánh tay dài, tôi đã tưởng tượng về một chủ làng oai hùng xưa kia, khi ông còn ở tuổi tráng niên. Ông bảo đã bước sang tuổi 97 làm tôi hơi nghi ngờ, ông bèn đưa chứng minh thư ghi ông sinh năm 1902 làm tôi giật mình. Nét thời gian dường như thể hiện rõ nhất ở hàm răng chỉ còn lại vài cái làm cho giọng nói của ông thường bị méo đi. Dẫu vậy, ông vẫn rất minh mẫn. Con trai ông than phiền rằng dù đã nhiều tuổi nhưng ông vẫn cứ đi rừng thường xuyên. Và sau mỗi chuyến đi trở về thì ông lại bị sốt rét hành hạ. Nhưng ông không thích ở nhà quá lâu.

A-rắt Vét chỉ tôi ngồi xuống bên bếp lửa, rồi quay lại với tay lấy một cái can nhựa trong góc bếp, bên trong đựng một thứ nước trắng đục như nước gạo. Ông rót nước ra bát mời tôi, và bảo: “Bây giờ món rượu đoác này để mời khách quý thôi. Trước kia sống trong rừng thì ngày nào cũng có uống. Giờ muốn lấy phải đi xa lắm.” Đã đi qua các bản làng của người Ta Ôi và Pakoh nên tôi biết món rượu này. Vào mùa con ong đi lấy mật, từ khoảng tháng 3 trở đi, cũng là lúc cây đoác trổ hoa. Loại cây này có tên địa phương là tà vạt, người Kinh gọi là cây báng hay cây móc gì đấy. Người ta chờ cho cả buồng hoa đoác bung nở thì cắt toàn bộ cái buồng ấy đi, chỉ giữ lại phần cuống của buồng hoa. Sau đó họ dùng dao cứa vào chỗ cuống của buồng hoa để cho nước của cây đoác ứa ra, rồi dùng ống bương hoặc chai nhựa hứng lấy nước tứa ra hàng đêm từ chỗ này, mang về uống. Mỗi cây đoác có thể cho ra thứ nước thần thánh này trong vài tháng liên tục, có khi lấy được hàng chục lít nước mỗi vụ. Nước đoác tự lên men, có độ cồn nhẹ như bia hơi và mùi thơm nhẹ như hoa rừng, là một thức uống thần thánh của dân bản địa, uống nhiều cũng có thể lâng lâng như say rượu, nhưng để lâu thì chua không uống được.

A-rắt Vét nhấp một ngụm nước đoác, rồi than: “Nói về văn hóa truyền thống ư? Cái ấy xưa cũ rồi, giờ bọn trẻ chả còn giữ lại được cái gì nữa đâu ông ạ. Hồi người Ka-tu còn sống trên đầu ngọn nước, ở thượng nguồn sông Hương, là những ngày vàng son đã xưa cũ rồi.” Tôi bảo ông chỉ ra một vài thay đổi, ông bảo: Nhà dài không còn, chủ làng không còn, Giàng cũng hết thiêng, luật tục cha ông người biết người không, rừng đã hết, đến thức ăn thức uống cũng thay đổi… Nói một lúc, ông bỗng hăng lên, không biết vì ngấm men rượu đoác hay vì tiếc nuối một thời vàng son đã thành quá vãng, ông làm một thôi, mặc kệ cái giọng đã méo mó của mình:

“Đấy, người Ka Tu có cái điệu múa thiêng để tạ ơn Giàng sau mỗi vụ lúa rẫy. Mỗi khi hội làng, trai gái đi vòng tròn quanh cây nêu, có chiêng trống làm nhịp, bước đi nhún nhảy, gái dịu dàng, giai hùng dũng, nó thiêng liêng lắm. Thế mà giờ cứ chiêng trống lên là múa, ngày nào cũng múa, tây, ta đều múa. Du lịch quần đùi cởi trần cứ múa, cứ rượu, cứ thịt, tràn cu mây. Thế thì còn gọi gì là biết ơn Giàng, còn gì là hồn cốt cha ông?”

Đấy là ông đang nói về vũ điệu “tung tung” và “yă yă” nổi tiếng của người Ka Tu, gần đây bị người Kinh nhại tiếng ra thành “tung tung đá đá”. Tôi đã nghe nhiều người nói về vũ điệu này. Thực ra đây là hai điệu múa thiêng, tung tung là điệu múa dành cho nam giới, và ya ya dành cho nữ giới. Ý nghĩa của điệu múa thiêng này đã được các nhà dân tộc học Pháp của viện Viễn đông Bác cổ mô tả từ những năm đầu thập kỷ ba mươi của thế kỷ trước. Những người đàn ông tráng niên tập hợp thành một vòng tròn quanh cây nêu trước nhà gươl, dùng tiếng trống và tiếng chiêng giữ nhịp, họ hạ thấp người và nhún nhảy theo nhịp tiến lên hai bước, lùi lại một bước, và cứ thế đi vòng quanh cây nêu theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Nếu nhìn cách di chuyển, có thể hình dung ra điệu múa tung tung mô phỏng cảnh những người đàn ông Ka Tu đi săn hay là những chiến binh đang bảo vệ xóm làng vậy. Trong khi đó, điệu ya ya chỉ dành cho nữ giới. Vào ngày hội làng mừng mùa, những cô gái đẹp nhất được lựa chọn múa điệu ya ya để thay mặt dân làng tạ ơn Giàng đã cho họ mùa màng và bảo vệ họ khỏi tai ương. Các cô gái trong bộ váy áo đẹp nhất, hai tay để ngửa lên trời, lòng bàn tay có những hạt lúa mới. Khi di chuyển, họ nâng tay lên và hạ tay xuống nhịp nhàng cùng với bước chân nhún nhảy bước đi, nhưng không được để những hạt lúa rơi ra khỏi lòng bàn tay. Họ cũng đi thành một vòng tròn quanh cây nêu và cũng lấy trống và chiêng giữ nhịp. Đây là điệu múa nghi lễ để tạ ơn thần linh, vì thế có tính thiêng. Nhưng giờ đây, mùa vụ đã thay đổi. Xưa kia dân làng chỉ làm một vụ lúa rẫy, thu hoạch xong là vào hội làng. Bây giờ lúa nước, một năm hai ba vụ, chủ làng cũng bối rối không biết tổ chức hội làng vào vụ nào. Rồi thì dân du lịch tràn đến, điệu múa thiêng biến thành điệu múa dân dã và dung tục, ai nhẩy cứ nhảy, đến Giàng cũng hết chịu nổi về độ chịu chơi của đám trẻ…

Nghe câu chuyện của ông với nhiều ưu tư về truyền thống và biến đổi, tôi rời bếp lửa cùng A-rắt Vét đi ra bên ngoài. Điều gây ấn tượng nhất đập ngay vào mắt tôi trong khuôn viên cư trú của ông là một đôi áo quan đúc sẵn bằng xi-măng đặt song song ngay bên sườn căn nhà sàn. Một cái lớn hơn phía trên có tạc hình đầu lợn và phía cuối là đuôi lợn. Xung quanh quan tài có đắp hình rồng chầu. Chiếc quan tài nhỏ hơn trông giống như một khúc gỗ tròn không có trang trí đặc biệt nào. Trưởng thôn giải thích đây là cỗ hậu sự dành cho chủ làng và vợ ông. Những người bình thường khi chết chỉ được khâm liệm trong một tấm chiếu đan bằng vỏ cây a-chắc…

A-rắt Vét nói rằng ông còn có một ngôi nhà làm trên trang trại ở khu lâm trường 38, cách làng gần một ngày đường đi bộ. Đây là nơi mà dân Ư-ràng những năm đầu 90 tràn vào làm rẫy. Chỉ từ khi khu rừng quốc gia Bạch Mã được thành lập gần khu vực này thì họ mới bị bật về làng. Riêng ông vẫn trụ lại. A-rắt Vét có 2 vợ và 14 người con (9 con gái và 5 con trai). Người con trai út của ông hiện đang học trung học ở Huế. Ông nói nếu không đi theo cách mạng thì chắc ông sẽ còn có nhiều vợ và nhiều con hơn. Dân làng cho biết người chủ làng trước A-rắt Vét đã từng có đến 8 người vợ và mấy chục người con. Người vợ đầu của A-rắt Vét đã mất từ lâu và ông hiện đang sống với người vợ thứ hai, được ông giao cho cai quản trang trại ở tiểu khu 38. A-rắt Vét cho biết trong khu trại của ông, ngoài sắn và ngô còn có một bầy dê 25 con, 7 con trâu, hai con bò và khoảng 30 con lợn. Một đàn gà đông đúc của ông mới bị dịch chết sạch làm ông đau thắt cả ruột. Ông đang nuôi ở nhà một đàn nhỏ và hy vọng sẽ gây lại đàn gà ở tiểu khu 38. Năm ngoái ông mới bán 3 con bò, 5 con heo to và 4 con dê, được hơn một chục triệu. Vì ông là a-bướp (chủ nhà) nên số súc vật này cũng là tài sản chung của các hộ thành viên dưới sự quản lý của ông. Và số tiền thu được từ bán súc vật cũng được dùng chi tiêu chung cho các hộ thành viên.

A-rắt Vét không thích nói về vai trò của ông trong làng hiện nay. Có vẻ như ông muốn hướng câu chuyện về những ngày vàng son khi trước. Ông tự hào là người làng đầu tiên học nói tiếng Pháp để giao dịch với các quan Tây đóng đồn ở Hương Thuỷ. Câu chuyện cuộc đời của ông và cái cách mà ông kể chuyện cho thấy ông biết khá nhiều, rất lưu loát và tự tin, khác xa với những người cùng thế hệ ông còn đang sống trong làng mà chúng tôi đã gặp. Ông nói về những tập quán và luật tục của người Ka-tu trước đây mà theo ông hiện nay đã phai nhạt đi nhiều vì lớp trẻ gần như không còn chú ý học hỏi nữa. Theo ông, người Ka-tu ngày xưa quản lý dân làng theo một hình thức dân chủ hơn bây giờ. Các hộ thành viên trong một nhà dài thường uỷ thác cho người chủ nhà (a-bướp) thay mặt họ bầu chọn chủ làng. Các a-bướp lựa chọn người chủ làng rất kỹ càng, dựa trên cơ sở hiểu biết và năng lực hành động của người ấy chứ không chịu để cho bất kỳ một sức ép nào tác động đến sự bầu bán. Người chủ làng nói chung không có đặc quyền nào ngoài các việc làng như thay mặt cộng đồng tế lễ thần linh và giải quyết các xích mích hay tranh chấp nảy sinh trong làng hoặc với các làng khác. Thế nhưng ông ta có thể sẽ bị phế truất ngay nếu trong thời gian làm chủ làng mà gặp chuyện chẳng may như mất mùa hay dịch bệnh. Gần đây, chính quyền địa phương lập ra một chức danh mới gọi là trưởng thôn, chủ yếu làm những công việc nặng về hành chính. Bản thân cái từ này không có trong vốn từ vựng của người Ka-tu nên người ta đành gọi nó theo tiếng Việt.

Rời ngôi nhà sàn của A-rắt Vét, tôi có cảm giác như vị trí “người thủ lĩnh tinh thần” của ông trong làng giờ đây đã bị lung lay, một phần vì tuổi tác, nhưng phần khác vì người trưởng thôn hiện nay, vốn là con trai một chủ làng hùng mạnh xưa kia, đã tạo được một ảnh hưởng nào đó trong đời sống của cộng đồng. Không giống như nhiều trưởng thôn chỉ là cái bóng mờ nhạt của các chủ làng dầy dạn kinh nghiệm, trưởng thôn Ư-ràng trên thực tế đã đóng vai một chủ làng kiểu mới. Như một quy luật của dòng đời, ông đại diện cho một lực lượng mới đang vượt lên thay cho lớp người thông thái cũ, và vai trò mà ông đang sắm cũng có dáng dấp của một chủ làng truyền thống. Dẫu sao, trong con mắt của dân chúng, người chủ làng đại diện cho họ không chỉ là một nhân vật quyền uy và thông thái. Ông trước hết phải là người đại diện cho sức mạnh tinh thần của dân tộc. Và một nhân vật như vậy hình như không còn nữa trong đời sống của người Ka-tu ở Ư-ràng.

Nguồn: FB GS Nguyễn Văn Chính

Comments are closed.