Các chủ làng ở Thừa Thiên Huế (kỳ 2)

Nguyễn Văn Chính

Chủ làng A Roàng & tục săn đầu người Ta Ôi ở A Lưới

(Trích ghi chép trong chuyến điền dã dân tộc học ở A lưới tháng 6/1999)

Người Ta-ôi đầu tiên mà tôi gặp ở thôn A-roàng (huyện A-lưới) là chủ tịch xã A-viết Nùng. Nước da ngăm đen, dáng người thấp đậm, và giọng nói chân tình, anh thu hút sự chú ý của tôi bởi nụ cười luôn thường trực trên môi, đôi mắt mở to rất sáng và đặc biệt là trên dái tai vẫn còn hai cái lỗ to đã được đục sẵn nhưng không thấy đeo cái gì. Có lẽ đấy là dấu vết duy nhất còn lại của một tập tục đã thuộc về quá vãng: tục cà răng căng tai vốn rất phổ biến ở nhóm Ta Ôi trước kia.

Hình như ban lãnh đạo xã có ý định thu xếp cho nhóm nghiên cứu chúng tôi ăn nghỉ tại ngôi nhà rông của làng mới khánh thành năm ngoái nên A-viết Nùng hơi bị lúng túng khi nghe các thành viên trong nhóm bày tỏ mong muốn được cùng ăn cùng ở trong các nhà dân. Bản lĩnh lãnh đạo của một cán bộ xã có kinh nghiệm đã giúp anh nhanh chóng qua khỏi phút giây lúng túng: “Được, rồi sẽ tính, cứ vào nghỉ ở nhà rông chút đã”. Nói vậy rồi anh bỗng bỏ đi đâu đấy. Mãi khoảng nửa tiếng sau anh mới trở lại, lần này có một người già dáng nhỏ thó đi cùng. Anh giới thiệu đấy là Kôn Nul, chủ làng và là bố vợ của anh. A-viết Nùng xin lỗi đã để chúng tôi chờ lâu vì anh phải đi gặp chủ làng để xin phép ông cho anh em trong nhóm nghiên cứu được ở trong nhà dân, và bây giờ thì đã thu xếp xong. Hóa ra ông Chủ tịch xã đại diện cho quyền uy nhà nước vẫn phải kính cẩn tôn trọng quy định của tập tục.

Chủ làng cười hiền từ, làm lộ một hàm răng đã vơi gần hết bộ răng cửa, có lẽ đấy là hậu quả của tục cà răng, một loại nghi lễ thành đinh mà giờ đây thế hệ con cháu ông không còn thực hành nữa. Ông đặc biệt có đôi mắt rất sáng, một vầng trán rộng và dáng điệu vui tươi, rất hóm hỉnh. Khi chúng tôi mời ông ăn bắp ngô luộc, mắt ông bỗng sáng lên như cười và ông nói vui: “Cứ ăn đi, răng miềng còn chưa mọc!”. Nói rồi ông đi ra khỏi nhà rông. Hình như ông về nhà để bắt gà vì khi quay lại, tôi thấy ông ôm một con gà trống mào cờ đỏ chót trước ngực. Ông giải thích: “Con gà này là để làm lễ cúng Yàng, tối nay dân làng sẽ có văn nghệ vui chơi để đón khách quý”.

Chúng tôi được thu xếp ở trong nhà của chủ làng và rõ ràng đây là một cơ may hiếm có để giúp tôi có thể học hỏi được nhiều hơn nữa từ ông. Chính trong ngôi nhà sàn đẹp đẽ của mình, ông đã nhường cho chúng tôi những chiếc giường có màn, còn ông lui về chỗ ưa thích của mình ở bên bếp lửa được làm ở phía sau, nối với ngôi nhà chính bằng một cầu thang ngắn.

Chủ làng (sa rai vel) năm nay đã trên tám mươi tuổi. Ông có hai vợ. Người vợ đầu đã quá cố và hiện tại, ông đang ở với bà vợ hai. Ông đã hiến dâng hơn nửa cuộc đời mình cho cách mạng. Trong ngôi nhà sàn khang trang nhất làng của ông, hàng tá giấy khen, bằng khen của chính phủ treo và dán quanh tường đã tự nó nói lên điều ấy. Chủ tịch xã A-viết Nùng nói rằng đã từ lâu, làng không bầu chủ làng như ngày xưa nữa:

“Mình đã có chính quyền của dân rồi. Gần đây lại có thêm một chức danh mới là trưởng thôn. Vậy thì bầu chủ làng để làm gì? Nhưng công tác quản lý địa phương luôn gặp khó khăn. Những công việc phải giải quyết ở đây đâu chỉ có làm ăn. Nhiều vấn đề liên quan đến phong tục tập quán nảy sinh trong đời sống hàng ngày của người dân đòi hỏi người lãnh đạo phải có uy tín, am tường lý lẽ, phong tục và kinh nghiệm thực tế mới có thể giải quyết được. Người dân thường chỉ tin vào chủ làng, vì trong con mắt của họ, chỉ có chủ làng là người am hiểu luật tục và đủ uy tín để giải quyết những công việc như vậy. Vì thế, từ khi có sự tham gia của chủ làng vào công việc tập thể, mọi việc đã trở lại tốt đẹp”.

Quả thực, những gì A-viết Nùng nói đã được chúng tôi kiểm chứng qua các quan sát trong suốt thời gian lưu lại trên thực địa. Về nguyên tắc, chủ làng chỉ là một nhân vật của quá khứ. Ông không phải là một chức sắc được nhà nước giao cho quyền lực cai quản làng bản. Tuy nhiên, vẫn có những công việc mà trưởng thôn không thể làm thay chủ làng được. Chẳng hạn, chủ trì các nghi lễ hiến tế ở nhà rông, thay mặt cả làng làm lễ cúng mùa, cúng rừng, cúng các Yàng, và hoà giải các vụ xích mích hoặc tranh chấp do vi phạm luật tục gây ra. Tất cả các công việc đại loại như vậy, người dân hoặc lãnh đạo địa phương đều phải xin ý kiến của chủ làng. Và chỉ đến khi chủ làng không giải quyết được thì sự vụ mới được đưa ra chính quyền cấp cao hơn. Ngoài chức năng “tư vấn tập quán” ra, chủ làng không có đặc quyền đặc lợi nào khác. Thế nhưng trong con mắt của dân làng, không phải trưởng thôn mà chính chủ làng mới là nhân vật có thế lực. Ảnh hưởng của ông mạnh đến nỗi ở bên cạnh ông, trưởng thôn chỉ còn giống như một người thi hành công vụ, làm công việc của một thư lại, ghi chép các khoản chi tiêu trong các buổi lễ lạt, đón tiếp khách và huy động dân chúng khi được phép của chủ làng. Như tôi vẫn thường thấy, trong các bữa ăn tập thể hoặc sinh hoạt cộng đồng ở nhà rông, chủ làng thường xuyên có mặt. Người ta thường mời ông ăn hoặc uống trước tiên và dành cho ông chỗ ngồi xứng với địa vị của ông. Mỗi khi từ nhà riêng đi ra nhà rông, chủ làng thường che ô, bất kể khi đó là ngày hay đêm, mưa hay nắng mặc dù cái ô ấy có vẻ không còn lành lặn nữa. Ông rất có ý thức về điều này vì hình như việc mang theo người chiếc ô có một ý nghĩa nào đấy, giống như một thứ biểu tượng cho quyền lực của một người tôn quý của cộng đồng mà giờ đây đã chỉ còn là quá vãng, bởi chỉ riêng việc mang chiếc ô ấy thôi cũng đã làm cho ông nổi bật lên trong đám đông những người dân làng ở xung quanh.

TỤC SĂN ĐẦU CỦA NGƯỜI TA ÔI

“Dân tộc Ta-ôi mình ngày xưa thích đánh nhau lắm”. Chủ làng A-roàng Kôn Nul mở đầu câu chuyện của mình một cách hài hước như vậy. Ông bảo những gì ông biết về tục săn đầu xưa kia của tộc người mình là do bố ông, cũng là một chủ làng có uy quyền trong vùng, kể lại, chứ bản thân ông cũng chưa từng chứng kiến. Câu chuyện của ông giúp gợi lại một tập tục của cộng đồng đã bị chìm sâu vào quá khứ, đến nỗi giờ đây chỉ còn lại như cổ tích, nhưng vẫn còn giá trị như một ví dụ tốt để hiểu được vai trò quân sự của chủ làng và tính cố kết cộng đồng qua một tập tục mà hiểu biết của giới dân tộc học đến nay vẫn còn rất mơ hồ và không có sự giải thích thống nhất: Tục săn đầu.

Kôn Nul bảo có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định “săn đầu” nhưng nói chung, đấy không phải là một hành động cá nhân, nó trước hết là một loại hành động trừng phạt hay báo thù tập thể, một thứ nghi lễ để tạ lỗi thần linh và phải được thần linh cho phép. Lúc ban đầu, sự việc có thể chỉ là một sự vi phạm các kiêng kỵ nào đó, ví dụ một cá nhân hay tập thể thuộc làng khác hoặc dân tộc khác không may vào làng vào rẫy trong lúc làng đang có cữ (taboo) như có đám ma, đang cúng rừng, cúng rẫy, hoặc có sự nghi ngờ do lúa hay súc vật bị đánh cắp, v.v. Những vi phạm luật tục kiểu này nói chung đều phải tạ lỗi thần linh và người gây ra vi phạm phải trả giá theo yêu cầu của người bị hại, thường là một con vật như gà, lợn, dê, bò hay trâu để cúng thần linh, tuỳ theo tính chất nặng nhẹ. Khi xích mích không thể giải quyết được bằng đàm phán theo cách làm lễ tạ tội, chủ làng phải tổ chức họp làng để tìm biện pháp giải quyết. Điều quan trọng là người ta không thể cho qua các hành động vi phạm luật tục nên khi cách hoà giải và ép buộc không có kết quả thì biện pháp cuối cùng là trừng phạt bằng vũ lực. Khi quyết định trừng phạt làng khác bằng biện pháp vũ lực được tập thể làng chấp thuận, chủ làng có trách nhiệm tổ chức các tráng đinh thành một nhóm hành động để bàn tính kế hoạch tấn công. Mục tiêu được xác định đầu tiên thường là nhà của cá nhân người vi phạm. Nhưng trong trường hợp này, bên bị tấn công luôn luôn đề phòng và nhận được sự giúp đỡ của cả làng bằng cách dựng các bẫy sập, hào sâu và bãi chông nên nhóm hành động không bao giờ dám đột nhập vào làng. Vũ khí thông thường mà họ chuẩn bị tấn công là những mũi tên có gắn bùi nhùi làm từ cây pui bắn từ xa vào mục tiêu là các mái nhà lợp tranh nhằm đốt nhà. Trong trường hợp bị chống trả hoặc không đạt được mục đích tấn công, người ta sẽ tổ chức phục kích, "ah pooh ka chiết", nghĩa đen là đập chết. Một nhóm nhỏ các tráng đinh thiện chiến được trang bị khel (khiên), co’s (lao) và p’ninh (tên), đặc biệt là tên tẩm thuốc độc (pis p’chil) phục kích ở ngoài làng và sẽ giết chết bất kỳ người đàn ông nào ở làng đó mà nhóm phục kích gặp. Tuy nhiên, theo tập tục, nhóm phục kích không được giết phụ nữ, vì người Ta Ôi tin rằng máu của họ đã bị uế tạp, không thể dùng vào lễ hiến sinh để tạ lỗi thần linh. Trước khi đi phục kích, người chủ làng làm lễ cầu xin thần linh phù hộ và dùng chiếc chiêng cà để bói xem sự thành bại thế nào. Nếu điềm báo tốt thì nhóm phục kích mới ra đi. Khi thắng lợi trở về, người ta sẽ cắt lấy đầu, tay và chân của kẻ bị săn treo lên một cây cao ở đầu làng, còn thân xác thì chôn đi. Người ta tin rằng cái đầu và tay chân của kẻ bị giết hại sẽ trở thành vị thần canh giữ cho sự bình yên của làng và bất kỳ kẻ nào có ý đồ tấn công làng đều được cái đầu này báo trước bằng những tiếng huýt gió. Sau cuộc săn đầu thắng lợi, chủ làng sẽ làm một lễ hiến sinh các đấng thần linh bằng một con trâu. Tất cả làng đều tham dự vào lễ mừng chiến thắng bằng cách tham gia vào bữa ăn chung thịt con trâu. Koon Nul nói với tôi khi người ta ăn thịt trâu, trong tâm tưởng họ, mọi người đều tin rằng họ đang ăn thịt của kẻ thù (!) Trong lúc ở nhà rông, các chiến binh còn ăn mừng bằng cách nhảy vòng tròn quanh ché rượu một điệu vũ dân dã theo nhịp điệu của chiêng và trống. Trong lúc nhảy múa, họ thường được một người đi theo tiếp rượu và thức ăn. (Tôi đã học và tham gia vào điệu nhẩy truyền thống này ở nhà rông A Roàng, sẽ kể lại ở một tút khác)

Không có thông tin nào về tục săn đầu đã từng tồn tại ở nhóm người Pakoh. Những người thông thạo luật tục ở nhóm tộc người này cho rằng người Pacoh thường tổ chức liên minh các làng hoặc thiên về hoà giải để xử lý xích mích giữa các làng. Người Ka-tu ở Ư-ràng vẫn còn nhớ rõ tục săn đầu từng rất thịnh hành ở dân tộc này và cũng như ở người Ta-ôi, nó chỉ mới mất đi trong khoảng những năm 1945-50 khi họ lần đầu tiên tiếp xúc với chính quyền cách mạng. Tuy nhiên, những khó khăn trong trò chuyện với người dân do sự dàn xếp của chính quyền địa phương không cho phép chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về tập quán này của người Ka-tu ở Ư ràng.

Nguồn: FB GS Nguyễn Văn Chính

Comments are closed.