(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)
Mỗi người có cách yêu nước và thân phận yêu nước của mình. Một vài lần xuống đường nên gã thấy cần phải có những hành khúc thích hợp cổ động khí thế công chúng, khơi gợi lòng yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc, gã viết một bài thơ theo nội dung trên gửi cho nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy hào hứng lắm. Trong một thời gian ngắn ông đã gửi cho gã bản phổ nhạc bài thơ này. Ông hẹn gã tại một quán cafe trên đường Ngô Thời Nhiệm để hát cho gã nghe. Nghe giọng hát của ông lão tuổi 90 vẫn đầy nhiệt huyết với đất nước cùng âm hưởng giai điệu hào hùng của một thời gã rơm rớm nước mắt. Nhưng rồi một người con trai của ông đã khẩn khoản yêu cầu gã giữ lấy bài hát này như một kỉ niệm, một ghi nhận tấm lòng của nhạc sĩ với đất nước trong lúc vận nước sôi động nhưng đừng phổ biến. Nhạc sĩ nhìn gã với ánh mắt ngượng ngùng khó tả. Gã hiểu thông điệp của ánh mắt ấy bên ngoài: Thôi cậu ạ, mấy đứa con của tôi nó ngại cho tôi những ngày cuối đời ở đây cho bình yên. Nhưng thực chất bên trong là nỗi niềm khác mà chỉ một người cha suốt đời thương các con, vì các con, lo cho các con bình yên như Phạm Duy mới có được. Ông muốn gã hãy cố gắng hiểu cho ông khi chính ông chấp nhận lời đề nghị trên là vì ai.
Bao nhiêu năm trôi qua rồi đến giờ phút này trong gã vẫn còn ám ảnh ánh mắt ấy của Phạm Duy.
Bao nhiêu năm trôi qua rồi gã còn giữ nguyên bản nhạc của ông và thực hiện cái cam kết không công bố.
Ôi, thân phận yêu nước của một người… già!
Và bây gã thật hạnh phúc khi đọc những bài viết của Tuấn Khanh trong loạt thư tâm tình về lòng yêu nước với các bạn trẻ.
Đất nước những ngày này còn quá ít những tài năng trẻ, những bạn trẻ đồng hành, có được tiếng nói, hành động chính nghĩa, trung trực nào phải biết nâng niu, trân quý.
Khi đọc bức thư mới nhất của Tuấn Khanh gửi cho các bạn trẻ gã buột miệng thành lời: Chào Tuấn Khanh!
Xin chào những dòng viết tâm huyết và ở một tầm nhân văn cấp thiết cho lúc này của vận hội đất nước trước nguy cơ mất còn:
“Nếu bạn biết cau mày trước những điều vô pháp, biết tức giận trước các vấn nạn của xã hội chung quanh mình và không ngại bày tỏ về lẽ phải và sự thật, thì lòng yêu nước đã rọi những tia sáng đầu tiên lấp lánh trong trái tim bạn. Clarence Darrow (1857-1938), luật sư và nhà cải cách lỗi lạc của Hoa Kỳ có nói rằng “Tinh thần yêu nước thật sự được bắt đầu từ việc căm ghét sự bất công ngay trên mảnh đất quê hương của mình, hơn bất cứ nơi nào khác”. Vậy, hãy bắt đầu sống như một người yêu nước ngay khi bạn nhận thức được về hơi thở của mình, con đường đi dưới chân mình. Khi bạn vượt lên cao, nhìn thấy được những điều chung quanh mình và khao khát lên tiếng, đó là sự thức tỉnh lớn lao mà chỉ có duy lòng yêu nước cao quý mới có thể thúc đẩy bạn – vào bất kỳ thời điểm nào, và đôi khi, tự thân chứ không màng đến một người đồng hành…
Đừng nghĩ Việt Nam chỉ có kẻ thù là Bắc Kinh với nụ cười nham hiểm trên môi họ, mà kẻ thù của chúng ta, đôi khi nằm ngay trên đất nước mình với những thỏa hiệp, hám danh lợi, phản bội và sẵn sàng bán rẻ tổ quốc với những lời ngụy biện ngu xuẩn…
Bạn và tôi, chúng ta cần sống như những người yêu nước thức tỉnh trước thời cuộc.
Ngọn lửa thức tỉnh về lòng yêu nước trong tim bạn chính là điều cao quý nhất – sẽ giúp bạn nhận ra mọi thứ – mà không cần phải khoác lên mình bất kỳ chiếc áo lộng lẫy nào của danh hiệu nhà ái quốc được phong tặng.
Và vì sao chúng ta phải yêu nước trong thức tỉnh?
Nếu không thức tỉnh trước những lời ngụy trá, những hứa hẹn mật ngọt… chúng ta sẽ trở thành những kẻ ái quốc u mê: những kẻ ái quốc vui vì được đập cánh, rộ lên theo mùa của lễ hội. Có rất nhiều bài học về lòng yêu nước trên thế giới này. Tôi không thể kể hết cho bạn. Nhưng yêu nước, bản chất của nó là khi bạn nhận ra mình mang danh dự, trách nhiệm với tổ quốc mình chứ không vì một ai, hay vì một đảng phái nào.
Tôi thích ông già nhà văn Mark Twain lắm, vì ông rất tàn nhẫn trong ngôn ngữ, nhưng ít có gì có thể diễn đạt hay như ông. Chẳng hạn với câu nói nổi tiếng của ông “Hãy luôn trung thành với Tổ quốc. Và chỉ trung thành với chính quyền, một khi nó xứng đáng với điều đó”.Bạn hỏi tôi phải nên hành động như thế nào. Tôi khó có thể trả lời toàn ý cho bạn về điều này. Tôi cũng không muốn khuyên bạn xuống đường biểu tình, vì bạn có thể là một người bồng bột. Nhưng nếu bạn bắt gặp một ai đó trên đường phố đang giương khẩu hiệu chống Bắc Kinh xâm lược, hay phản đối sự tồn tại phi nhân và phi lý của Formosa chẳng hạn, hãy chào và dành cho người yêu nước ấy một nụ cười. Đó là một nụ cười thật sự ấm áp để bạn, tôi, và người ấy cùng hiểu với nhau trong niềm hy vọng, rằng, dân tộc chúng ta, quê hương chúng ta đang thức tỉnh.
Một lần nữa gã chào Tuấn Khanh!
***
Đây Bạch Đằng! Đây Chi Lăng! Hồn thiêng núi sông.
Đây Trường Sơn! Đây Biển Đông! Nam quốc sơn hà mẹ ta ở đó… con ta ở đó, những người ta yêu, ta thương ở đó.
Dù máu nhuốm đỏ ngàn sóng Biển Đông…
Tổ quốc hay ô nhục?
Độc lập hay gông xiềng?
Tự do hay nô lệ?
Hùng mạnh hay yếu hèn?
Tuổi trẻ ơi lên đường! Lên đường!
Chúng ta thề: Quyết giành lại từng mảnh đất, từng tấc biển, từng tâm hồn, từng giọt sương, từng niềm kiêu hãnh cho quê hương.
(Lời một bài thơ của gã dành cho các bạn trẻ).
Dù bạn là ai, hãy chìa bàn tay cho tôi nắm, Đất nước cần lắm những bàn tay!
(Cũng là lời trong một bài thơ của gã dành cho các bạn trẻ).