Inrasara: Từ 24.000 tiến sĩ đến chuyện… Đàng Ngọc Thủy

[Chuyện Đàng Ngọc Thủy kì cuối. Bàn thêm về sự lên tiếng]

(Rút từ facebook của Inrasara)

 

Hai sự thể có gì liên can không? Tưởng không, nhưng có.
Cá chết, quần chúng chờ cơ quan hữu trách cho biết nguyên do. Chờ hết thấu, mọi người kêu réo 24.000 tiến sĩ đâu rồi? Kêu, để báo động thảm trạng giáo dục VN thì đúng. Còn ở đây, là kêu sai. Sai, bởi kêu bao đồng, trật mục tiêu. Trong khi mục tiêu phải là: Tiến sĩ ngành hóa-sinh trong Bộ Công nghệ & Môi trường; kêu trúng đích hơn phải là: Quan đầu ngành Hà Tĩnh: Tại sao ống xả Formosa duyệt một nơi, làm một nẻo?…
Chuyện Đàng Ngọc Thủy, các bạn Cham cũng réo tiến sĩ, trí thức, nhà nghiên cứu, các người ăn nên làm ra… Hai chuyện khác nhau, nhưng trật mục tiêu theo cùng kiểu.

1. Trước hết xin bàn về bình luận của nữ sĩ Mylan Che Chế Mỹ Lan.
Về bài “Đòi người, làm gì?”, ở phần Đại biểu Quốc hội và các cơ quan đại diện Dân tộc thiểu số, CML viết: “Đợi đến mấy người này đòi, chắc em Thủy qua thế giới bên kia rồi. Những người gọi là đại diện cho dân tộc Cham đâu có tiếng nói cho Cham bao giờ. Một lũ bù nhìn”.
Đúng! Tôi hiểu CML. Hai nhiệm kì rồi, và nhiều năm trước đó nữa, họ có làm gì ra hồn cho cộng đồng đâu, mà kêu, mà đợi? Dẫu sao, theo tôi, ta vẫn cứ kêu, kêu nhưng KHÔNG ĐỢI. Tại sao?
Họ là Đại diện chính thống cho Cham [dù là “bù nhìn”], do Cham bầu lên [dù là bầu lấy lệ], mình cần thông tin cho họ biết. Không phải cầu may, mà để đánh động: Chúng tôi đã cho ông/ bà biết rồi đó nhé. Thứ hai, báo cho biết để thách thức sự vô cảm của họ, phần nào – nếu được: lay động lương tri của họ; đồng thời để rèn giũa sức kiên trì của ta, và nhất là để nhắc ta chớ ảo tưởng.

2. Về trí thức. Ta càng không giận lẫy. Giận lẫy chẳng giải quyết được gì cả.
Khi gặp vấn đề, quần chúng luôn ngóng về giới trí thức, những nhân vật có tiếng, chờ đợi tiếng nói của họ. Ở đâu cũng thế. Vậy trí thức Cham là ai? Thái độ, quan điểm họ thế nào? Ở chỗ quen thân, tôi có thể phân thành phần này làm mấy loại sau, tuần tự:
– Dạng chỉ đam mê chuyên môn, vô tư với các vấn đề xã hội.
– Dạng lo sợ cho nồi cơm, biết nhưng không dám nói.
– Dạng không quen suy nghĩ chuyện xã hội, sẵn sàng thuận theo (như kí phản đối) nếu có ai làm sẵn. Dạng này tuy chuyên môn giỏi nhưng yếu về lí luận, có tham gia lên tiếng, chỉ rối chuyện thêm.
– Cuối cùng là dạng trí thức dám nói và biết nói.
Nghĩa là còn lại RẤT ÍT. Xã hội nào cũng vậy thôi. Thế nên, không cần thiết mỉa mai hay oán trách trí thức. Làm vậy, cộng đồng càng phân hóa, họ càng xa rời quần chúng hơn. Còn nếu muốn phê phán, nhắm vào kẻ cơ hội, hai ba lưỡi mới trúng mục tiêu.

3. Kinh nghiệm của tôi
Vụ Kháng thư Điện Hạt nhân, hầu hết trí thức Cham quen thân với tôi không kí, tôi chưa một lần phiền trách họ. Riêng thầy Tỷ khi biết chuyện, nhắc tôi sao không nói cho thầy biết. Tôi nghĩ đó là chuyện “phản động” hơi to, nên trí thức nào biết [trí thức đúng nghĩa là người biết] thì nấy lên tiếng hay kí tên là tốt hơn. Thông tin, không khéo tôi bị quy vào tội tuyên truyền chống phá, tội lắm.
Vụ Ghur Bini làng Boh Dơng, là vấn đề hợp ý Đảng lòng dân, nên tôi “dám” nhắc bác Hổ nhờ nhạc sĩ Amư Nhân viết bài [bởi đó còn là vấn đề của làng anh], tôi đăng lên web để tạo thêm sức nặng. Đợi mãi không thấy. Nhưng tôi không hề oán trách anh ấy.

4. Khác
Trí thức là kẻ lên tiếng/ góp tiếng nói. Nhưng có thể do mãi ngồi bàn giấy, ít quan tâm đến xung quanh nên nhiều vụ việc họ không hay. Thay vì trách cứ, tốt hơn khi hữu sự, ta hãy thông tin sự vụ đến họ – đích danh, chớ có kêu bao đồng.
Không bạo động. Bài học lịch sử thời Hậu-Minh Mệnh ta nằm lòng rồi: rước họa vào thân là chính. Thái độ và hành xử của các bạn trẻ về Chuyện Đàng Ngọc Thủy vừa qua là đúng mực: kịp thời, ôn hòa nhưng quyết liệt, rất đáng gương sáng.
Cuối cùng, theo tôi ta không phê phán hay tố cáo chung chung. Phê phán “chế độ”, “cộng sản” thì vô số người làm rồi, làm vô số lần ở vô số nơi rồi, ta không cần thêm nắm cát nhỏ vào sa mạc. Mà chỉ đấu tranh cho chuyện cụ thể, phê phán về thái độ và cách hành xử cụ thể đang diễn ra.

Tạm kết ở đây được rồi.
Kajap karo – Thuk siam.

Comments are closed.