(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)
Chủ nhật vừa rồi gã tới rạp Phú Nhuận coi kịch của em Hồng Vân.
Năm 1986 cha gã có đêm thơ ở đây khi rạp chưa xây mà chỉ có cái hội trường Nhà Văn hóa. Vì phải nhận quá nhiều hoa của bạn bè, cha gã cứ ra sân khấu hoài nên ngất xỉu.
Lúc ấy mạ gã rất bình tĩnh lấy dầu gió xoa thái dương cha gã, trong lúc quả thật gã rất lo hãi, tay gã cứ run run. Nhà thơ Chế Lan Viên xoa nóng chân cha gã, còn nhạc sĩ Trần Kiết Tường tái mét mặt. Bó hoa mà cha gã nhận rồi bị ngất chính là bó hoa của ông tác giả “trông vời lưng núi” này.
Xe cứu thương tới. Tiếng còi hú của nó mọi lần gã nghe ngoài đường có phần dửng dưng giờ đây… nhói.
Nhìn cha gã trên băng cứu thương lả đi. Gã chạy theo. Mạ gã ngăn lại. Con thay cha tiếp tục chương trình thơ của cha đi. Có gì mạ lo. Mạ gã bao giờ cũng thế, bình tĩnh xử lý từng việc một. Cha gã từng thú nhận ông chính là đứa con thứ… chín của mạ gã mà.
Xe cứu thương lao về phía bệnh viện Thống Nhất.
Gã nhấp nhổm trở lại đêm thơ.
Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng víu nợ thi nhân?
Nghệ sĩ Vân Khanh ngâm. Giọng Huế.
Thạch Cầm đàn tranh. Cây đàn mạ gã thường đàn cho cha gã nghe những đêm trăng bên Văn Miếu.
Nhưng những câu thơ ấy cha gã lại giành cho Phùng Thị Cúc, tức Điềm Phùng Thị – nhà điêu khắc tài danh sau này.
Đôi mắt em lặng buồn… nhìn thôi mà chẳng nói.
Câu thơ cho Phùng Thị Cúc.
Tiếng còi hụ của xe cứu thương.
Mắt em là một dòng sông.
Câu thơ cho mạ gã.
Gã vẫn chỉ nghe tiếng còi hụ của xe cứu thương.
Thuyền anh bơi lặn trong dòng mắt em.
Gã cho cuộc thơ tan sớm. Lao tới bệnh viện.
Giời ạ, cha gã đang đọc thơ cho mấy cô y tá.
Giờ đây hoa hoang dại
Bên sông rụng tơi bời
Đã qua rồi cơn mộng
Đừng vỗ nữa tình ơi!
Mạ gã cười, làm răng nỏ vỗ nữa, mình hè?
***
Vở kịch gã xem Giông tố. Gã thích cái tên này hơn cái tên mà em Hồng Vân lấy là “Đàn bà dễ mấy tay”.
Năm 1936, ở tuổi 24, Vũ Trọng Phụng cho ra đời một lúc bốn tiểu thuyết: Giông tố, Làm đĩ, Số đỏ, Vỡ đê.
Giông tố nói về “phẩm hạnh” của một ông nghị – Nghị Hách, tàn ác, hoang dâm nhưng lại được tôn vinh là một đại biểu của dân là một đức quan phụ mẫu của dân.
Còn Thị Mịch, một thôn nữ bị ngài quan phụ mẫu kia hiếp, thì khốn nạn kiếp dân hơn Thị Nở. Bởi Thị Nở còn được anh Chí Phèo giăng hoa bởi ái tình.
Cha gã kể cho gã nghe, thời trẻ nhà văn mà cha gã quý mến nhất về nhân cách là Vũ Trọng Phụng lúc nào cũng hừng hực dấn thân vì kẻ bất hạnh, vì người cùng khổ.
Cha gã và Vũ Trọng Phụng mở một tờ báo. Giông tố được in nhiều kỳ trên báo chấn động khắp dân trường và quan trường.
Sớm ấy, cha gã và Vũ Trọng Phụng tới tòa soạn thì chợt Vũ Trọng Phụng hoảng hốt nói:
Lư ơi, con chó đái vào cổng tòa soạn mình kìa!
Cha gã cười, thì sao?
Điềm xấu, Lư ơi!
Vũ Trọng Phụng chạy về nhà in bảo đem báo mới in đi phát hành ngay.
Còi hụ cảnh sát.
Những “min oong, min đơ” súng ống tề chỉnh bao vây tòa soạn và nhà in. Vũ Trọng Phụng vì tin vào điềm xấu con chó đái nên nằng nặc kéo cha gã chạy về Khâm Thiên rúc vào phòng mấy nàng cô đầu…trốn.
Giông tố bị cấm phát hành, tờ báo bị tịch thu.
Nhưng rồi cha gã và Vũ Trọng Phụng không chịu thua, kiếm một tờ báo khác in tiếp Giông tố nhưng đổi tên là “Thị Mịch” qua mặt được kiểm duyệt của Pháp.
Hề hề, nghe xong, gã cười.
Cha gã hỏi, con cười cái gì, con chó đái ấy à?
Dạ không.
Hồi đó kiểm duyệt của thực dân cha và chú Phụng lừa được, chứ bây giờ ấy à…
***
Về mạ hè. Cha gã nói với mạ gã khi tất cả những tiếng còi hú đã tắt.
Cha gã rời phòng bệnh.
Mạ gã dìu cha gã đi.
Mấy cô y tá nhòm theo.
Anh thiệt sướng ha, có cha mẹ còn… yêu nhau.
26.8.2015