Lại Nguyên Ân
Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771
II. Bùng nổ đổi mới. Cao trào và thoái trào đổi mới trong văn học
Trước Đại hội 6 (sau khi Lê Duẩn chết) việc dự thảo Báo cáo chính trị được thông báo; khẩu hiệu đổi mới được nêu ra (xem lại báo Nhân dân); người ta nói: thế giới XHCN đang đổi mới, ta cũng phải đổi mới, không đổi mới thì chết.
1/ Xã hội, chính trị
– Tháng 12/1986: Đại hội 6, Trường Chinh (quyền Tổng bí thư) đọc báo cáo chính trị, mở chính trị sang đổi mới. Bầu Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư Đảng. Đỗ Mười Thủ tướng.
– Chính trị: lúc đầu, đường lối đổi mới chỉ có tính cách tuyên truyền; sự phê phán cơ chế cũ về lý luận chính trị hầu như không được tiến hành. Nguyễn Văn Linh xúc tiếp nhiều địa phương, nói chuyện, tuyên truyền đổi mới. Các định hướng chung chung: đổi mới, nhìn thẳng sự thật, dân chủ hóa, “xóa bao cấp”, v.v.
– Đường lối: công nhận 5 thành phần kinh tế.
– Kinh tế: phong trào “bung ra” – cơ quan nhà nước tự động đi kinh doanh, bất chấp chức năng từng cơ quan là gì. Buôn gạo, thực phẩm Bắc-Nam. Buôn lậu qua biên giới Tây Nam và Bắc.
Làm hàng xuất khẩu trả nợ Liên Xô và Đông Âu, tư nhân liên kết các Công ty xí nghiệp thu lợi lớn. Cán bộ ngoại thương, ngân hàng, hải quan giàu lên. Chủ doanh nghiệp tư nhân xuất hiện: Công ty tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn. Nông nghiệp “khoán đến hộ gia đình” + thời tiết thuận suốt nhiều năm liền −> trúng mùa liên tục, từ thiếu đói lương thực đến đủ, rồi bắt đầu xuất khẩu gạo.
Hàng tiêu dùng phía Nam phát đạt, hàng hóa từ Sài Gòn đi khắp nước, nhưng chất lượng thường chỉ đủ để tiêu dùng trong nước.
Khoảng những năm 1990 mới có việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Cũng khoảng 1990, Đại hội Đảng VII (Tổng bí thư: Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt) mới rõ mô hình đổi mới ở Việt Nam:
+ thực hiện kinh tế hàng hóa thị trường, chấp nhận 5 thành phần kinh tế, mở cửa cho đầu tư nước ngoài.
+ chính trị đối ngoại: chính sách ngoại giao đa phương, quan hệ với những chế độ chính trị kiểu khác; “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”.
+ đối nội: giữ nguyên hệ thống chính trị kiểu cũ (Đảng độc quyền lãnh đạo đất nước, hệ thống Đảng – đoàn thể – chính quyền); giữ nguyên nguyên tắc hệ tư tưởng cũ, những định hướng giá trị cũ…
2/ Văn nghệ và đổi mới
A. Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương Đảng
– Trước kia, TW Đảng có cơ quan chuyên trách là Ban Tuyên giáo thuộc TW Đảng; sau 1954 tách đôi:
+ Ban Tuyên huấn TW (theo dõi công tác tư tưởng, văn hóa, văn nghệ)
+ Ban khoa giáo TW (theo dõi công tác khoa học, giáo dục).
+ Năm 1980 lập thêm Ban Văn hóa văn nghệ trung ương; trưởng ban: Trần Độ (1980-82), Hà Xuân Trường (1982-86);
– Sau Đại hội 6: Trần Độ (được bầu lại làm UV TW Đảng, vào Ban bí thư, phó chủ tịch quốc hội) về làm Trưởng ban Văn hóa văn nghệ TW. Ít lâu sau Nguyễn Văn Hạnh từ Thứ trưởng Bộ giáo dục về làm phó ban Văn hóa văn nghệ TW. (Hà Xuân Trường sau đó về làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; người thân tín với Hà Xuân Trường, thư ký ban Tư tưởng văn hóa là Nguyễn Thanh về hưu).
Ban Văn hóa văn nghệ TW chuẩn bị cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ 17/10/1987 (danh sách trên 100 văn nghệ sĩ được mời là do Ban Văn hóa văn nghệ TW bàn với các Hội sáng tác rồi tiến hành mời; những người được mời có chuẩn bị bài phát biểu của mình).
– Sau ĐH. 6, TW Đảng có chủ trương các Hội sáng tác chuẩn bị Đại hội thường kỳ của mình. Ban Văn hóa văn nghệ TW thường tổ chức mời văn nghệ sĩ, nhà phê bình nghiên cứu dự các buổi thảo luận về các vấn đề cần đổi mới trong văn nghệ (nhất là trong các năm 1987, 1988, đầu 1989).
– Ban Văn hóa văn nghệ TW chuẩn bị cho Bộ chính trị TW Đảng ra Nghị quyết 05 về công tác văn hóa văn nghệ, trong đó vẫn tiếp tục đặt vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa văn nghệ, nhưng chủ trương giành tự do sáng tác cho văn nghệ sĩ nhiều hơn. Đặc biệt, Nghị quyết khoanh một “vùng cấm” hẹp (cấm một số đề tài, nội dung văn nghệ: tuyên truyền chiến tranh, bạo lực, khiêu dâm, kích dục, chống Tổ quốc và CNXH).
– Trước một loạt hiện tượng mới trong văn nghệ: nội dung mạnh mẽ của báo Văn nghệ do Nguyên Ngọc là Tổng biên tập; việc cho “nhạc tiền chiến” được trình diễn, v.v. −> dư luận “bảo thủ” phê phán ban Văn hóa văn nghệ TW hữu khuynh, không dẹp mà lại bênh các sáng tác có biểu hiện lệch lạc.
– Trần Độ trả lời phỏng vấn một số tờ báo (Tuổi trẻ Tp.HCM., Phụ nữ Tp. HCM.?) tỏ rõ ý bênh những hiện tượng văn nghệ mới (nếu có chê là ở chi tiết).
B. Văn nghệ
Cuối 1988 đầu 1989:
– Đại hội điện ảnh: Ban chấp hành mới. Đặng Nhật Minh – Tổng thư ký, trong BCH có Dương Thu Hương.
– Đại hội nghệ thuật tạo hình: Trong BCH mới có Nguyễn Quân, Đặng Thị Khuê.
– Nổi bật nhất là hoạt động của báo Văn nghệ (Hội Nhà văn) do Nguyên Ngọc tổng biên tập:
+ đăng một loạt bài phát biểu (hoặc gửi tới để phát biểu nhưng không kịp đọc) tại cuộc gặp với Tổng bí thư Đảng Nguyễn Văn Linh: Nguyên Ngọc, Hồ Ngọc, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Minh Châu…
+ đăng phỏng vấn các nhà văn về “tiến tới Đại hội nhà văn”: Xuân Cang, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, v.v. trong đó toát ra tinh thần phải đổi mới văn học và tổ chức hội nhà văn.
+ đăng bài vở dịch hoặc thông tin tình hình văn nghệ Liên Xô đổi mới: về hiện tượng Stalin, “thư Moskva” của Vương Trí Nhàn, trích tiểu thuyết Nga “Những đứa trẻ phố Arbat” của Rybakov.
+ Lý luận: bàn tròn đề tài “Văn nghệ và chính trị”, các bài lý luận của Lê Ngọc Trà.
+ Phê bình: đăng tải dư luận chung quanh “Bên kia bờ ảo vọng” của Dương Thu Hương, “Thời xa vắng” của Lê Lựu, chung quanh truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, nhất là 3 truyện đề tài lịch sử (Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết)
+ đăng tác phẩm: – truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài
– loạt phóng sự “Cái đêm hôm ấy đêm gì” về nạn cường hào ở nông thôn, “Vua lốp” về sự vùi dập những tư nhân làm ăn sáng tạo, về các di tích bị băng hoại, về đời sống cơ cực của giáo viên, … “Người đàn bà quỳ”, chuyện công lý đóng cửa trước nhân tính, …
+ đăng ý kiến bạn đọc: nhân thư của ông Đặng Bửu, một độc giả tỏ rõ suy nghĩ bảo thủ, đăng các phản ứng của bạn đọc: Đặng Bửu như nhân vật tập trung những nhận thức thủ cựu, bị đả phá. Dư luận “bảo thủ” cho là báo “Văn nghệ” đã đem một độc giả bình thường, có những nhận thức bình thường ra đấu tố.
+ Biếm họa của báo “Văn nghệ” – phương diện duy nhất cho thấy giới họa sĩ cũng đem hội họa tham gia đổi mới nhận thức chính trị của xã hội.
– Hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm “Văn nghệ” :
+ triển lãm minh họa báo “Văn nghệ” (tranh minh họa truyện ngắn đăng báo Văn nghệ từ trước đến nay, cho thấy Văn Cao, Sĩ Ngọc, Bùi Xuân Phái và các lớp họa sĩ trẻ hơn đều xuất hiện trong phần tranh minh họa báo Văn nghệ)
+ nhạc tiền chiến do báo “Văn nghệ” tổ chức biểu diễn trong lễ kỷ niệm, trên thực tế là mở ra việc dòng nhạc này được trở lại với công chúng miền Bắc.
Phần nội dung lễ kỷ niệm có lúc diễn ra sự đối đáp mang tính tranh luận (Nguyễn Đinh Thi – Xuân Cang) về phương hướng của tờ Văn nghệ hiện tại (Nguyễn Đình Thi tố cáo tờ báo thoát khỏi sự kiểm soát của cơ quan chủ quản là lãnh đạo Hội Nhà văn; Xuân Cang bênh vực báo, phê Nguyễn Đình Thi). Báo còn tổ chức trong phạm vi hẹp tại tòa soạn các buổi nói chuyện và biểu diễn của Trần Tiến, lúc ấy đang thử nghiệm nhạc rock với các đề tài có nội dung phản kháng xã hội: trẻ em nghèo khổ, hải quan trấn lột, … khi đó đang không được phép biểu diễn công khai.
– Sách văn học:
– Một số tác giả rơi vào im lặng được khôi phục qua sách xuất bản: Tuyển tập Nguyễn Bính cuối 1986, Tuyển tập Hàn Mặc Tử, Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (cuối 1987);
(Nguyễn Bính /1918-1966/ nhà thơ tiền chiến, đi Nam, tập kết ra Bắc, được Tố Hữu cấp tiền làm báo Trăm hoa để đối lại xu hướng NV-GP hồi 1956 nhưng không được việc, lại gần như bị coi là tòng phạm; khi xử lý NV-GP, Nguyễn Bính bị buộc phải về sống ở quê Nam Định, giao cho Ty (= Sở) văn hóa tỉnh quản lý, cho làm cộng tác biên tập tờ tập san văn nghệ của tỉnh, 1966 chết trong đói khổ)
(Hàn Mặc Tử /1912-1940/ nhà thơ tiền chiến xuất sắc, nhưng giới nghiên cứu theo quan điểm marxism-lennism cho là thơ suy đồi, tắc tị)
(Vũ Trọng Phụng /1912-1939/, nhà văn nhà báo xuất sắc hồi những năm 1930-40; hồi 1958-1960, người ta cho rằng ông từng cộng tác với phe Troskyt, viết bài đả kích ĐCS Liên Xô… nên không cho in tác phẩm, không cho dạy trong nhà trường).
– Ly thân (1989) của Trần Mạnh Hảo, hưởng ứng đổi mới theo lối chửi bới cái cũ một cách tầm thường, vô tình tạo cớ cho phái bảo thủ bôi nhọ đổi mới.
– Thiên đường mù của Dương Thu Hương (in 1988, phát hành 1989 sau Đại hội nhà văn IV) nói sự thất vọng với thực trạng cuộc sống XHCN.
– Miền hoang tưởng của Đào Nguyễn (bút danh của Nguyễn Xuân Khánh), Nxb. Đà Nẵng, 1988; Phan Tứ và một số cây bút miền Trung phê nặng là phản động; biên tập viên sách này (Trần Kỳ Trung) bị kỷ luật.
– Trước Đại hội nhà văn IV (sau khi cách chức Tổng biên tập Văn nghệ của Nguyên Ngọc), BCH Hội khôi phục hội tịch cho các hội viên Nhân văn-Giai phẩm bằng cách đề nghị họ làm đơn lại, kết nạp lại: Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh…
Lý luận phê bình khởi sắc: rất nhiều thảo luận tranh luận, tại Ban Văn hóa văn nghệ TW, tại Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà Văn, tại Bàn tròn báo “Văn nghệ”; Ví dụ: tại thảo luận về phê bình ở Ban Lý luận phê bình Hội Nhà Văn khoảng 1987: Nguyễn Đức Nam đề nghị xóa bỏ chủ nghĩa hiện thực XHCN, coi nó là giả, gò bó sáng tác… Hoàng Xuân Nhị nêu nhận xét cố giữ trong óc lâu nay: Trong xã hội XHCN cũng có tha hóa, người cách mạng cũng tha hóa.
Lý luận phê bình được triển khai trên các báo khác:
– Báo Quân đội nhân dân đăng bài về đổi mới phê bình của Lại Nguyên Ân; bài này dẫn tới tranh luận về đổi mới tư duy lý luận trên Văn nghệ quân đội 87-89: Phan Cự Đệ, Lại Nguyên Ân, Đào Anh San, Phạm Xuân Nguyên…
– Tạp chí Sông Hương: các bài về đổi mới lý luận, tranh luận trước thềm đại hội của Lại Nguyên Ân, Lữ Phương…
Hưởng ứng báo Văn nghệ trên các tờ báo Trung, Nam:
– Langbian (Đà Lạt) đăng lại đề dẫn của Nguyên Ngọc (hồi 1979).
– Nha Trang ra phụ san Cánh én bênh Văn nghệ và Nguyên Ngọc
– Các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền phong,… hưởng ứng Văn nghệ, phê bình BCH Hội Nhà Văn (do Nguyễn Đình Thi đứng đầu đang chống báo Văn nghệ).
– Trại sáng tác Vũng Tàu: đụng độ già/trẻ, “bảo thủ”/“đổi mới”: thơ chân dung Nguyên Hồng của Trần Mạnh Hảo, chuyện yêu đương tự do của Nguyễn Quang Thân – Dạ Ngân bị phái già chê là quá tự do phóng túng.
– Báo Giáo viên nhân dân, ra một phụ trương, đề cập một số tác giả, tác phẩm văn học bị trù dập trước đây: Vũ Trọng Phung, Nguyễn Bính, “Vào đời” và Hà Minh Tuân, v.v.
– Kịch Lưu Quang Vũ chiếm lĩnh sân khấu cả nước. Công chúng đông đảo đi xem. Nhiều hồi ức của đạo diễn, diễn viên 10 năm qua cho rằng đây là thời kỳ hoàng kim của sân khấu Việt Nam: có công chúng đông đảo, nội dung các vấn đề đời sống trong kịch được hưởng ứng rộng rãi. Hầu hết các vở đều động chạm đến “cơ chế cũ” kìm hãm sản xuất, trái với tình người, trình bày biếm họa và phê phán những đại diện của cơ chế ấy (hống hách, giả đạo đức, cứng nhắc…). Các vở kịch như là sự cộng hưởng với các nội dụng phóng sự, ký sự đăng Văn nghệ.
– Điện ảnh tài liệu chính luận có những tác phẩm tốt: Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy, Đường dây lên sông Đà của Lê Mạnh Thích…
– Phim truyện Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông của Đặng Nhật Minh.
– Hội họa: Hoạt động của BCH Hội Nghệ sĩ tạo hình mới (Nguyễn Quân trong Ban thư ký có vai trò rất quan trọng): mở triển lãm cá nhân họa sĩ lần đầu tiên từ sau 1954 ở miền Bắc. Đợt đầu giành cho các bậc thầy thuộc lớp họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liêm, Nguyễn Sáng… Từ triển lãm cá nhân −> mở ra hệ thống galery tư nhân, cơ sở giới thiệu và mua bán tranh. Đời sống mỹ thuật (hội họa, điêu khắc) vượt khỏi khuôn khổ điều khiển của Hội (tính chất nhà nước), trở về dạng đời sống nghệ thuật như ở mọi nước tự do, phát triển.
– Hoạt động hội thảo về “chống tiêu cực”, “dân chủ”, “đổi mới” tại các CLB Đảng dân chủ, CLB Đảng xã hội ở Hà Nội, tại trụ sở Mặt trận Tổ quốc ở Tp. HCM. (xem trên các báo đương thời: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Độc lập, Tổ quốc).
Lý luận nghệ thuật và phê bình mỹ thuật không tỏ ra bứt phá mạnh về xã hội – chính trị nhưng trở nên đổi mới đáng kể ở chiều sâu quan niệm: Thái Bá Vân, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Lương Xuân Đoàn…
So với các ngành văn nghệ khác, nghệ thuật tạo hình được giải phóng khỏi cơ chế cũ nhiều nhất. Công bố tác phẩm tại galery mình gửi tác phẩm hoặc tại xưởng vẽ, tại nhà mình (khách mua, khách xem có thể đến), hầu như không qua kiểm duyệt; khi khách mua mang ra ngoài nước, hải quan ít xét nét nếu không phải là đồ cổ. Mọi đề tài hầu như đều được làm, kể cả nude, abstract, cái người muốn kiểm duyệt sợ là đề tài trực tiếp động đến chính trị: các họa sĩ không vẽ (ở hội họa Việt Nam không có hội họa châm biếm chính trị như hội họa Trung Quốc sau cách mạng văn hóa; − có thể đây cũng là một chỗ yếu, một thiếu sót trong cảm hứng chính trị của họa sĩ Việt Nam). Mức độ tự do sáng tác (trên thực tế) này có thể là một trong những lý do để nghệ thuật tạo hình Việt Nam cuối thế kỷ 20 được một số chuyên gia nước ngoài nhận xét là có thành tựu khá nhất ở Đông Nam Á (Anatoly Sokolov cũng nhận xét như vậy).
C/ Thoái trào
– Dư luận xã hội, báo chí nhất là ở Tp.HCM. nhấn mạnh nhiệm vụ chống tiêu cực, đề cao dân chủ −> những quan chức lo ngại.
– Trần Xuân Bách, ủy viên Bộ chính trị TW, trả lời phỏng vấn lấp lửng, có vẻ chấp nhận đa nguyên chính trị (political pluralism); số đông Ủy viên TW phản đối, phê phán. Dư luận đồn rằng có những viên tướng rút súng đặt lên bàn dọa bắn bỏ những ai chủ trương đa nguyên chính trị (đa nguyên tức là họ mất quyền); Trần Xuân Bách bị cách khỏi Bộ Chính trị, khỏi ủy viên BCH Trung ương Đảng, xin làm đảng viên thường.
– Nguyễn Văn Linh thay đổi thái độ (cũng là thay đổi lập trường): tuyên bố Đảng CSVN không chấp nhận đa nguyên chính trị; chửi Dương Thu Hương là “con đĩ chống Đảng”, gọi Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy là “thằng”…
Quyết định thay vị trí trưởng ban Văn hóa văn nghệ Trung ương Đảng của Trần Độ, cử Trần Trọng Tân (phó bí thư thành ủy Hồ Chí Minh) ra làm trưởng ban Tuyên huấn TW (thay Đào Duy Tùng) đồng thời kiêm trưởng ban Văn hóa văn nghệ Trung ương, sau đó (1989) sáp nhập Ban văn hóa văn nghệ TW vào Ban Tuyên huấn TW, đổi tên thành Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương.
– Ở Hội Nhà văn Việt Nam: Nguyễn Đình Thi tích cực vận động để kiểm điểm sai lầm “cực đoan” của báo Văn nghệ từ đầu đổi mới đến lúc đó, cuối cùng cách chức Tổng biên tập của Nguyên Ngọc, cử Hữu Thỉnh tạm thay. Báo Văn nghệ từ lúc đó chuyển động theo hướng ngược lại: triển khai loạt bài “uốn nắn” các đề tài và vấn đề bị coi là sai lầm lúc trước. Sau đó tiến hành Đại hội nhà văn 4.
– Một số hoạt động của các nhà văn và dư luận nhà báo ủng hộ đổi mới:
+ Tp.HCM., các báo đòi chất vấn Hội Nhà văn vì chuyện cách chức Nguyên Ngọc.
+ Phú Khánh: Tờ báo ra phụ trương Cánh én về sự kiện này.
+ Ở Lâm Đồng: Bùi Minh Quốc lấy chữ ký phản đối cách chức Nguyên Ngọc, cũng bị kỷ luật và bị cách chức chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng.
– Diễn đàn Đại hội 4 Hội Nhà văn:
– 24/20/1989:
+ Trước khi khai mạc, hội viên cả nước được triệu tập về học chính trị 4 ngày tại Hội trường Ba Đình.
+ Tiếp đó Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị nhà văn đảng viên, chuẩn bị cho Đại hội chính thức.
– 28/10/1989:
Đại hội chính thức là nơi va chạm kịch liệt: hội viên chia 2 phái: “đổi mới”, “bảo thủ”.
– Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự, và ở lại theo dõi nhiều phiên Đại hội: Đỗ Mười, Lê Đức Thọ, Đào Duy Tùng… Ban bí thư: Hoàng Tùng… trực theo dõi diễn biến đại hội.
– Diễn văn chào mừng: Đỗ Mười (thủ tướng, ủy viên BCT) thay mặt Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đọc.
+ Xung quanh việc bầu Đoàn chủ tịch: tranh cãi kịch liệt. Tô Hoài bị tố cáo là nhượng bộ phe bảo thủ (hôm sau đi Cairo nhưng vẫn không thông báo, im lặng để được bầu vào Chủ tịch đoàn, tức là nhường ghế cho “phe bảo thủ” đang nắm chủ động).
+ Báo cáo chính thức của Nguyễn Đình Thi gây phản ứng khác nhau ở hai phái.
+ Tham luận tại Đại hội: rất nhiều, lên diễn đàn và phát biểu tại chỗ…
Phe “đổi mới”: Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo, Trần Thùy Mai, Vũ Bão, Diệp Minh Tuyền, v.v. và v.v.
Phe “bảo thủ”: Mai Ngữ, Phạm Tường Hạnh, Anh Đức, Mai Quốc Liên, v.v. và v.v..
– Nguyễn Văn Hạnh đọc thư của Trần Độ, “một tuyên cáo thất bại trong danh dự”.
– Tranh luận về bầu cử ban chấp hành mới và bầu trực tiếp Tổng thư ký hay không? Có những ý kiến tuyệt hay: nhà thơ già Vũ Đình Liên đề nghị coi việc đại hội trực tiếp bầu Tổng thư ký như nguyên tắc hiến định (principe constitutionnelle) của Hội Nhà văn. Nhưng cuối cùng dưới tác động của cấp trên, biểu quyết có vẻ nghiêng về bầu gián tiếp. (Đại hội bầu BCH và BCH họp bầu ra Tổng thư ký) – biểu quyết giơ tay, đoàn thư ký đi đếm…
– Vận động hậu trường:
+ Anh Đức, Mai Quốc Liên đi gặp Phạm Văn Đồng nói “bọn họ” sắp phá tan Hội Nhà Văn.
+ Các hội viên phe đổi mới gặp vận động Nguyễn Khoa Điềm không rút khỏi danh sách bầu cử để bầu Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng thư ký, coi như ứng viên của phe đổi mới; Nguyễn Khoa Điềm không nhận (do có tác động trước khi ra họp ĐH), nói: theo nguyên tắc đảng, đã hứa làm công tác ở tỉnh… −> Phe đổi mới không tìm được ngọn cờ.
+ Một số buổi tiếp xúc của lãnh đạo Đảng (vào buổi tối) với một số nhà văn: các nhà văn lớn tuổi như Nguyễn Văn Bổng đề nghị Đảng tin anh em trẻ, tin là ĐH không đưa tới việc gì nặng nề…
– Bầu cử 2 lần: bầu cử lần 1 có kết quả lúc 21 giờ: trúng 6: Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Vũ Tú Nam, Chính Hữu, Xuân Cang, Nguyễn Khải;
Trong đêm người ta thấy có nhiều vận động hậu trường, sáng hôm sau bầu thêm được: Hữu Mai, Hữu Thỉnh, Ngọc Tú. BCH họp bầu Tổng thư ký: Vũ Tú Nam.
– “Diễn ca đại hội” của Nguyễn Duy (được làm xong từng phần ngay tại đại hội) bình về diễn văn bế mạc của Nguyễn Đình Thi: “Buồn thay kẻ ở người đi / Lặng nghe bác Nguyễn Đình Thi tiễn mình”.
– Có thể coi Đại hội nhà văn là cuộc đụng độ cuối cùng khi xu thế khép lại đã rõ, nhưng không gian đại hội còn cho phép những người có tư tưởng đổi mới trong giới nhà văn bày tỏ thái độ của mình. Kết thúc đại hội nhà văn là mở đầu thời kỳ chấn chỉnh, khép lại.