(Rút từ facebook của Nguyễn Trung Dân)
Bài thứ hai tôi viết cho báo, vẫn đổ, không in được. Có lẽ sự cẩn thận, lo đến nồi cơm, vị trí đã làm lãnh đạo báo không dám nói điều thực lòng cho dù những điều đó vẫn đang diễn ra. Thôi thì mời bạn bè FB đọc vậy.
Sáng ngày 17/1/2016, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ông Chủ tịch Liên đoàn Lao Động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên cho Khu Tượng đài kỷ niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa đặt tại núi Thới Lới, phía Đông Bắc đảo Lý Sơn, hòn đảo nay được xem là “đầu sóng ngọn gió” để đương đầu ra biển ghi dấu đất nước Việt Nam ở tận đảo Hoàng Sa. Có thể xem ở sự việc này, thời điểm này người Việt Nam công khai và mạnh mẽ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và Hoàng Sa đã bị quân Trung Quốc cướp từ trận hải chiến năm 1974 với 74 người lính Việt tử trận.
Cả nước xúc động dõi theo, lòng người dân Việt ở bất cứ nơi nào trên thế giới dõi theo, đều muốn rơi nước mắt khi chính người đứng đầu lực lượng lao động Việt xác định chết cho Tổ Quốc là người yêu nước, là Nghĩa sĩ cho dù đó là những người lính Việt Nam Cộng hòa. Với một quốc gia, thì người lao động mới là đa số, lực lượng lao động nói lên ý chí và mong muốn của toàn dân, chứ không phải một thiểu số nào cho dù là thiểu số có quyền. Về một ý nghĩa nào đó, việc làm này đã khẳng định chuyện giữa người Việt với nhau là chuyện trong nhà, còn bất kỳ kẻ nước ngoài nào xâm phạm đến tấc đất Quê hương đều là kẻ thù. Và chúng ta hẹn “Ngày mai sẽ gặp lại Hoàng Sa”! Dù ngày mai có thể là ngày mai, cũng có thể là một tương lai xa hơn, nhưng khi chúng ta đã khẳng định sẽ gặp lại nhau ở Hoàng Sa như lời chúc của người Do Thái khi chia tay nhau là “Năm sau về Jerusalem” (mà đã hơn hai ngàn năm bị xoá tên trên bản đồ) và họ đã làm được thì cớ gì chúng ta không lấy lại được Hoàng Sa khi mảnh đất Tổ Quốc này bị xâm chiếm hơn bốn mươi mốt năm.
Tổ quốc là gì mà chỉ “một câu hò cũng động trong tim”. Có người bạn thuyền nhân đã định cư nhiều chục năm ở Mỹ, thời gian ở Mỹ còn nhiều hơn thời gian ở quê hương, vậy mà nhớ nhà đến độ anh cho rải ở góc vườn một vùng cát trắng – như cát biển quê nhà An Bằng của anh – để thỉnh thoảng nằm ngủ cho đỡ nhớ. Ngày bắt đầu bịnh, anh như được tiếp sức, khỏe lên khi chân chạm đến sân bay Việt nam. Ngày anh mất, biết không thể đưa về chôn ở quê nhà, anh đã căn dặn thiêu xác anh và rải tro cốt xuống biển Miami, nhưng phải phía biển Thái Bình Dương để anh được trở lại đất nước mình. Tôi đã từng chứng kiến nhiều gia đình ở Mỹ, Úc, Canada… luôn đau đáu một điều là con cháu họ phải nói được tiếng Việt mà lẽ ra họ cần phải quên bởi những đày đọa, đau đớn họ đã trải qua! Vì vậy việc làm của Tổng Liên đoàn Lao động có ý nghĩa cực kỳ to lớn như lời Bác Hồ thuở nào đã nói: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một…”. Chân lý ấy với việc làm hôm nay là không hề thay đổi, mãi mãi có giá trị kêu gọi mọi người Việt cùng chung tay, góp sức giành lại vùng biển đảo, đất đai đang trong tay kẻ thù để xây dựng phát triển đất nước.
Có sự tình cờ nào không, hay mọi sự nói đến đất nước như đã đồng lòng. Hai ngày sau khi ông Chủ tịch Tổng Liên đoàn đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tượng đài, trên báo Giáo dục có bài viết “Tổ quốc là sức mạnh”. Bài báo nói cho cả tấm lòng dân Việt Nam: “Trung thành với Tổ Quốc sẽ không bị ràng buộc bởi đảng phái, phe cánh; sẽ không bị chi phối bởi những lợi ích nhỏ nhen hay những toan tính thấp hèn”. Giáo dục lòng yêu nước, trung thành với Tổ quốc chính đã đem lại cho con người, cho đất nước một niềm tin vào tương lai của Việt Nam, một tương lai tươi sáng cho một đất nước đã lắm khổ đau, chia rẽ. /.