Tọa đàm khoa học: Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của hoàng đế Gia Long

285251535_3098888747017286_657999639862186830_n

Hình ảnh tại buổi Tọa đàm

——

-Nguyễn Phúc Bảo Minh

Nhân dịp kỷ niệm 220 năm ngày vua Gia Long thống nhất đất nước và đặt niên hiệu Gia Long, ngày 2/5 năm Nhâm Dần tức ngày 31/5/2022.

Hôm qua, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khoa học "Công lao và những dấu ấn tích cực về lịch sử và văn hóa của Hoàng đế Gia Long (1802-2020) tại nhà hát Bến Xuân.

Ngài là Người khôi phục vương quyền của dòng họ Nguyễn, thống nhất đất nước và là người sáng lập vương triều Nguyễn

Trong buổi tham luận đã có đến 32 bài viết của các học giả trong và ngoài nước gửi về tham dự: Nguyễn Xuân Hoa, Phan Thanh Hải, Thụy Khuê, Lưu Trọng Văn, Thái Quang Trung, Võ Hương An, Choi Byung Wook, Hà Bình Liên và Trần Viết Ngạc, Phạm Thị Anh Nga, Trần Đại Vinh, Nguyễn Văn Đăng, Hồng Ngọc, Nguyễn Phước Bửu Nam, Linh Nguyễn, Hoàng Thị Anh Đào, Nguyễn Trung Tiến, Lê Thị Hoài Thanh, Nguyễn Hữu Tâm, Tôn Thất Hướng, Vĩnh Dũng, Trần Văn Dũng, Mai Văn Được, Phạm Đức Thành Dũng, Bửu Đông, Trần Hưng, Lê Thị An Hòa, Nguyễn Thanh Lợi, Lê Nam Trung Hiếu và Nguyễn Đắc Xuân.

Mục đích chính của thảo luận:

1. Trao đổi thêm về công lao thống nhất đất nước và vua Gia Long có vai trò như thế nào trong quá trình đó.

2. Sự ứng xử của vua Gia Long đối với các thế lực chính trị thời bấy giờ, đặc biệt với triều Tây Sơn,

3. Vấn đề về lãnh thổ và vấn đề "cõng rắn cắn gà nhà".

4. Vấn đề chọn người kế vị của vua Gia Long và vấn đề công thần cuối thời đức vua.

5. Con đường phát triển của đất nước theo kiểu Âu Tây hay theo kiểu phương Đông truyền thống.

6. Vai trò của vua Gia Long trong định đô, xây dựng kinh đô Huế.

7. Vấn đề quản lí đất nước theo kiểu phân quyền và tản quyền giữa hai triều Gia Long và Minh Mạng (thực tiễn và sự nối tiếp chính sách).

8. Vấn đề đoàn kết dân tộc, các thành phần cư dân, thu phục nhân tâm thời Gia Long.

9. Vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc, người Pháp và sự đóng góp của họ đối với Nguyễn Ánh.

10. Vấn đề khôn khéo trong ngoại giao của vua Gia Long.

——

TỔNG KẾT TỌA ĐÀM

“CÔNG LAO VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VỀ MẶT LỊCH SỬ CỦA HOÀNG ĐẾ GIA LONG”

TS. Phan Thanh Hải

Kính thưa quý vị đại biểu, các nhà nghiên cứu!

Kính thưa các vị là thành viên HĐ NPT Việt Nam!

Được BTC cuộc tọa đàm hôm nay giao cho nhiệm vụ viết bài tổng kết, tôi rất vui, nhưng không khỏi lo lắng, vui vì chỉ trong một thời gian ngắn BTC đã nhận được 32 bài viết với nội dung phong phú, trong đó có những bài viết rất công phu; còn lo lắng vì sợ bản thân không đủ sức tổng kết toàn bộ các vấn đề mà các tham luận đã đề cập và những vấn đề mà hôm nay chúng ta đã thảo luận. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng tóm tắt lại những nội dung chính.

Như bài Đề dẫn của PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, chủ đề của buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 220 năm vua Gia Long thống nhất đất nước, đặt niên hiệu Gia Long là “Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của vua Gia Long”, tuy nhiên căn cứ vào nội dung các tham luận thì chúng ta có thể tạm chia thành 5 chủ đề chính sau:

Chủ đề 1: Nguyễn Phúc Ánh – vua Gia Long là người có công lao to lớn, là người hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, khai sinh nước Việt Nam, khôi phục vương triều Nguyễn. Chủ đề này có 9 tham luận.

Chủ đề 2: Vua Gia Long- người đặt nền móng cho các chính sách nội trị, ngoại giao của triều Nguyễn. Chủ đề này có 7 tham luận.

Chủ đề 3: Vua Gia Long-người có công lớn trong việc xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam, mang tính pháp lý quốc tế cao. Chủ đề này có tham luận 3 tham luận.

Chủ đề 4: Vua Gia Long- người có công xây dựng kinh thành Huế, đặt nền tảng cho giáo dục Nho học và trọng dụng nhân tài. Chủ đề này có 3 bài viết

Chủ đề 5: Công lao, dấu ấn của vua Gia Long và một số đề xuất. Chủ đề này có 11 tham luận.

Ngoài ra, đến những phút cuối, BTC còn nhận thêm được bài viết của NNC Nguyễn Đắc Xuân và bài viết của nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn. Như vậy chúng ta có đến 34 bài viết, ý kiến.

Sau khi PGS.TS Bửu Nam phát biểu đặt vấn đề về chủ đề, ý nghĩa của buổi tọa đàm, chúng ta đã nghe Báo cáo đề dẫn của PGS.TS Nguyễn Văn Đăng và nghe ông Bửu Đông đọc ý kiến của Nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn nhận xét về hoàng đế Gia Long.

Phần ý kiến phát biểu tham luận của các tác giả: Chúng ta đã nghe ý kiến phát biểu của NNC Nguyễn Xuân Hoa. NNC Nguyễn Xuân Hoa có 2 bài tham luận nhưng ông chỉ trình bày nội dung tham luận chính: “Tầm nhìn chiến lược của vua Gia Long trong việc trị nước thời bình”. Đây là một bài viết rất công phu, phân tích kỹ tầm nhìn, đối sách của vị hoàng đế đầu triều trong việc cai trị đất nước, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc, đất nước giữ vai trò bá quyền ở phương Đông hồi bấy giờ và các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á (Xiêm, Vạn Tượng, Nam Chưởng). Vua Gia Long là người luôn giữ lập trường độc lập, tự chủ trong quan hệ ngoại giao đối với tất cả các quốc gia, kể cả đối với các nước phương tây như Anh, Pháp.

Trong chính sách đối nội, vua Gia Long có cách đối xử rất mềm dẻo linh hoạt đối với tướng lĩnh, nhân tài của Tây Sơn, với họ Trịnh, họ Lê. Ông thực hiện hàng loạt chính sách về nội trị để ổn định và phát triển đất nước (về hành chính, địa giới, về giáo dục, lễ nhạc…).

Tiếp theo là ý kiến của TS. Phan Thanh Hải về vua Gia Long-được đánh giá là nhân vật lịch sử vĩ đại nhất của Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Bài phát biểu của ông nhấn mạnh vào 3 nội dung: Sự chính danh trong kế thừa dòng họ Nguyễn của Nguyễn Phúc Ánh- vị chúa đời thứ 11 và cũng là vị hoàng đế đầu tiên; Những công lao đóng góp to lớn của nhà vua trong 18 năm ở ngôi hoàng đế; Và trách nhiệm tôn vinh vua Gia Long, các vị hoàng đế triều Nguyễn có công lao đối với đất nước của thế hệ chúng ta.

PGS.TS Bửu Nam không chỉ dẫn dắt vấn đề mà còn nêu lên ý kiến của mình về vua Gia Long, người có công lao to lớn trong việc thống nhất lãnh thổ, lãnh hải đất nước, đặt quốc hiệu, đặt nền tảng cho giáo dục, văn hóa… để lại nhiều di sản quý báu cho đất nước và cho Huế.

NNC Nguyễn Quang Trung Tiến nói rõ quan điểm của mình về đóng góp to lớn của vua Gia Long đối với việc xác lập chủ quyền của Việt Nam về biển đảo nói chung, 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, đó là sự xác lập chủ quyền về mặt nhà nước một cách chính thống (từ năm 1816). Tác giả nhấn mạnh, nghiên cứu về biển đảo hiện nay cần phải trang bị đầy đủ các kiến thức về công pháp quốc tế để có sức thuyết phục và có giá trị khoa học.

Ông Tôn Thất Hướng (nguyên trưởng phòng Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam) trong ý kiến phát biểu của mình cũng nhấn mạnh, Quảng Nam rất coi trọng các di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa thời Nguyễn. Qua tìm hiểu thấy rõ chính sách thu phục nhân tài của vua Gia Long đối với các tướng lĩnh Tây Sơn qua 2 ví dụ: Nhân vật Nguyễn Văn Trương (1 trong ngũ hổ tướng của triều Gia Long) và Trần Văn Thái (thượng thư bộ Công). Quảng Nam có Hội An cũng liên quan nhiều đến thời Tây Sơn và thời Nguyễn, nhưng các di tích, di sản thì liên quan nhiều đến thời Nguyễn, chính sách an dân của chúa Nguyễn Phúc Ánh- vua Gia Long. Quảng Nam từ 2020 đã đưa tên vua Gia Long vào Ngân hàng tên đường phố.

Ông Trương Đình Ngộ có nêu câu hỏi, một đất nước pháp trị thì phải có luật pháp. Trong lịch sử Việt Nam, sau Luật Hồng Đức thời Lê thì đến thời Nguyễn ta mới có một bộ luật hoàn bị là Luật Gia Long (Hoàng triều luật lệ). Vậy, đến nay giới nghiên cứu Việt Nam đã ai nghiên cứu, so sánh tính tích cực của bộ Luật này với pháp luật hiện nay hay các bộ luật khác?

Giải đáp một phần câu hỏi này, trong phần phát biểu của mình NNC Trần Đại Vinh nêu vai trò của pháp luật thời Gia Long thông qua một ví dụ cụ thể là làng Phù Bài của TTH (lưu trữ gần 2 vạn trang tư liệu Hán Nôm), trong đó có cả bản gốc chữ Hán của bộ Hoàng Việt luật lệ cùng cả một hệ thống văn bản pháp luật, hành chính liên quan.

NNC Trần Đại Vinh cũng cho rằng, Vua Gia Long rất quan tâm đến việc thu phục nhân tài để chuẩn bị cho công cuộc chấn hưng văn hóa, giáo dục sau chiến tranh. Chính vua Gia Long đã tạo ra một sinh khí mới rất tích cực, sối nổi sau thời kỳ dài đất nước bị chia cắt, loạn lạc, nhiều giá trị truyền thống bị suy đồi, xuống cấp. Tiêu biểu và là sản phẩm của nền giáo dục tiến bộ đầu thời Nguyễn là Nguyễn Công Trứ, một người có nhân sinh quan và tinh thần nhập thế rất tích cực thể hiện qua thơ văn, trước tác của ông.

Thời Gia Long tuy chỉ có thi hương, tuyển chọn đến bậc Cử nhân, nhưng hơn 220 Cử nhân của thời Nguyễn hầu như đều trở thành những trụ cột của thời Nguyễn, tiêu biểu như Lê Văn Đức, Đặng Văn Hòa, Trương Đăng Quế, Nguyễn Công Trứ, Hà Duy Phiên… Chấn hưng văn hóa từ giáo dục chính là từ đó.

Bên cạnh đó còn là vấn đề chấn hưng phong tục cho nhân dân, việc ban hành Điều lệ hương đảng cho các làng xã từ rất sớm của vua Gia Long thể hiện điều này.

Một công lao lớn khác của hoàng đế Gia Long là thiết kế quy hoạch kinh thành Huế và lăng Thiên Thụ được NNC Phạm Đức Thành Dũng đề cập trong tham luận của mình. Ông đặc biệt nhấn mạnh vào việc quy hoạch kinh thành Huế, những đặc điểm ưu việt nổi bật còn giá trị đến tận ngày nay.

Tôi cũng nhấn mạnh thêm rằng, quy hoạch kinh thành Huế thời Gia Long đã kế thừa liên tục ý tưởng quy hoạch một đô thị-thủ phủ, đô thị- kinh đô có từ thời chúa Nguyễn, bắt đầu từ chúa Nguyễn Phúc Lan, năm 1636; tất nhiên, quy mô kinh thành Huế với tư cách là một kinh đô của một quốc gia thống nhất với lãnh thổ rộng lớn hơn bao giờ hết đã được nâng lên rất nhiều. Quy hoạch kinh đô Huế vô cùng độc đáo, vì đó là kiểu quy hoạch đô thị cân bằng ÂM- DƯƠNG, có cả phần Dương cơ (kinh thành và các thiết chế của triều đình ở phía đông, phía mặt trời mọc) và Âm phần (vùng lăng tẩm đền miếu ở phía tây, tây nam, phía mặt trời lặn, cũng là ở thượng nguồn sông Hương. Và sông Hương là dòng sông đóng vai trò kết nối, rất độc đáo!

TS. Thái Quang Trung thì phân tích làm rõ hơn chính sách của vua Gia Long đi từ tản quyền đến tập quyền, là một chính sách hợp lý trong bối cảnh đất nước đầu thế kỷ XIX, thực chất vua Gia Long đã thống nhất đất nước toàn vẹn.

TS. Lê Nam Trung Hiếu phân tích cách đánh giá của học giả người Mỹ nổi tiếng George Dutton về phong trào Tây Sơn và cả vua Gia Long qua tác phẩm “Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn” trong đó nhấn mạnh vào 2 điểm: Lực lượng tham gia phong trào Tây Sơn không chỉ là nông dân và các tầng lớp lao động mà còn có hải tặc Trung Hoa; thứ 2 là, sự chi phối của thuyết “thiên triều chư hầu” trong bối cảnh đó để thấy rằng, xem xét việc cắt đất, dâng đất, cầu viện…không thể áp dụng quan điểm hiện đại để phán xét, đánh giá. Ông đề xuất nên đưa sự kiện quan trọng thời Gia Long, trong đó có sựu kiện xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1816 vào sách giáo khoa.

Cuối cùng, PGS.TS Nguyễn Văn Đăng nêu quan điểm của mình về cuộc tọa đàm, những khó khăn trong việc đưa kết quả của các hội thảo, tọa đàm khoa học vào sách giáo khoa và chương trình giáo dục… Đối với quan điểm đánh giá về vua Gia Long, ông cho rằng chính vua Gia Long là người “khai sinh” ra nước Việt Nam (cả về việc đặt Quốc hiệu và xác lập lãnh thổ). Vua Gia Long là người đặt nền móng trên nhiều phương diện để sau đó, vua Minh Mạng là người hoàn thiện, tạo nên những thành tựu rất lớn trên nhiều phương diện: Hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền, giáo dục khoa cử, văn học nghệ thuật, kiến trúc di sản…

Như vậy, tại Tọa đàm hôm nay, chúng ta đã nghe 12 ý kiến phát biểu thảo luận về chủ đề công lao, dấu ấn của vua Gia Long (chiếm hơn 1/3 trên tổng số bài tham luận mà BTC đã nhận được). Đó là chưa kể trong các phần dẫn dắt của chủ tọa đoàn (PGS.TS Bửu Nam) cũng đã nêu, diễn giải thêm nội dung của một số tham luận của các tác giả khác không có mặt hay không tham gia phát biểu (như bài viết của nhà văn Thụy Khuê, GS.TS Choi Beyung Wook…). Chỉ trong khuôn khổ 1 tọa đàm kéo dài vài tiếng đồng hồ thì đó là một nỗ lực rất lớn của BTC và tất cả quý vị tham gia.

PGS.TS. Nguyễn Phước Bửu Nam cũng nêu lên 3 đề xuất: 1- Đề nghị có sự đánh giá công bằng, khách quan đối với vua Gia Long nói riêng và triều Nguyễn nói chung. Đối với việc đánh giá về triều Nguyễn cần cụ thể, khách quan và xem xét cụ thể từng đời vua chứ không vơ đũa cả nắm; 2- Cần thay đổi các nội dung không phù hợp trong sách giáo khoa và các tài liệu sử dụng cho giáo dục hiện nay về lịch sử triều Nguyễn, về vua Gia Long… để đảm bảo tính khách quan, công bằng; và 3- Cần có sự tôn vinh một cách thích đáng vua Gia Long và các vị vua triều Nguyễn có công với đất nước, dân tộc, không chỉ ở Huế mà còn ở tầm quốc gia.

Kính thưa quý vị đại biểu, quý vị khách quý!

Như vậy có thể khẳng định, cuộc tọa đàm của chúng ta chiều hôm nay đã thành công tốt đẹp. Các vấn đề đặt ra cơ bản đều được đề cập, giải quyết; không khí buổi tọa đàm hấp dẫn, lôi cuốn dù thời tiết không thuận lợi. Sau cuộc tọa đàm này, chúng tôi đề nghi các tác giả tiếp tục hoàn thiện bài viết/tham luận/ý kiến của mình để gửi lại BTC. Hy vọng chúng ta sẽ có một tập kỷ yếu, hay cao hơn là một cuốn sách có giá trị về vua Gia Long, vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn.

Thay mặt mặt BTC, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của tất cả quý vị, trân trọng cảm ơn ông Trương Đình Ngộ và bà Huyền Tôn Nữ Cẩm Hồng, chủ của nhà hát Bến Xuân đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức cuộc tọa đàm này.

Xin kính chúc sức khỏe tất cả quý vị!

Thay mặt BTC, Ban chủ trì tọa đàm

P.T.H

—–

Giới thiệu một bài tham luận của tác giả Lưu Trọng Văn:

SỰ THẬT SẼ LUÔN LÀ SỰ THẬT!

– Lưu Trọng Văn

Sẽ còn nhiều câu hỏi về đức vua Gia Long. Một vị vua qua đời 200 năm rồi mà vẫn buộc thế hệ hôm nay phải đặt nhiều câu hỏi sống còn về Ngài, chứng tỏ Ngài có vai trò, vị trí quan trọng lớn đến mức nào đối với Lịch sử Dân tộc và đối với sự phát triển của Dân tộc.

Nhưng dù ngổn ngang muôn câu hỏi lật lại lịch sử đúng hay sai thì bất kì ai khách quan khoa học đều khó mà chối cãi những gì Ngài đã để lại cho Quốc gia, Dân tộc.

Dưới triều đại của Ngài Đất nước được thống nhất và bờ cõi, biển đảo rộng lớn chưa từng có.

Ngài là vị vua được đa số người Dân từ Huế trở vào kính trọng, tôn thờ, yêu mến nhất suốt chiều dài Lịch sử Dân tộc.

Ngài đã mở đầu cho một nền Văn hoá triều Nguyễn với tầm cao về mọi mặt âm nhạc, kiến

trúc quy hoạch, ẩm thực, phật pháp, văn chương…và góp phần làm phong phú sâu sắc nền văn hoá Dân tộc.

Ngài đã thiết lập chủ quyền và giữ cho Quốc gia được bình yên không cho bất cứ kẻ thù nào xâm lấn kể cả biển

đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi. Ngài đã giữ và bảo vệ đảo Phú Quốc hòn ngọc vô giá cho Đất nước bất chấp dòm ngó của Xiêm La.

Ngài đã tạo cho cộng đồng người Hoa hoà nhập tình anh em với người Việt, đóng góp xây dựng Đất nước Việt.

Ngài đã chọn đúng người kế vị là vua Minh Mạng để nối nghiệp lớn, nối chí lớn của mình vì quyền lợi và sự hưng thịnh Quốc gia.

Ngài chọn Huế làm kinh đô Việt Nam, đã tạo nên một Di sản tuyệt vời đầy dấu ấn văn hoá Việt cho Dân tộc và là niềm tự hào to lớn của Dân tộc muôn đời sau.

Sự thật sẽ luôn là Sự thật!

Thật bất công với Ngài nếu ai đó soi kính lúp khuôn mẫu chính trị chủ quan của một thời để phán xét người của muôn thời.

LTV

 

Nguồn FB BửuNam NguyễnPhước

Comments are closed.