Trí thức – hèn yếu hay hèn hạ?

Trần Gia Ninh

(Thế sự phiếm đàm hay nôm na là Tán gẫu chuyện đời. Bài dài, khó đọc. Người viết đã mệt óc, người đọc sẽ mệt hơn. Xin cân nhắc trước khi đọc, kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe).

Martin Luther King nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Nhưng vì sao người tốt lại thường phải im lặng?

STASI là tên gọi tắt của Staatssiherheitsdienst, cơ quan mật vụ Đông Đức, từng là một cơ quan mật vụ hàng đầu thế giới. Mức độ kìm kẹp của STASI đối với trí thức Đức phải nói là rất khiếp, chặt chẽ hơn ta nhiều. Tôi mời bạn tôi sang VN làm việc, mọi thứ xong xuôi nhưng ông bạn không được sang Việt Nam vì máy bay thời đó phải transit Karashi, và ông này trong danh sách của STASI là không được phép qua một nước thuộc phe bên kia. STASI báo cho ông ta biết như vậy, không giấu giếm. Nước Đức rất sợ trí thức bỏ chạy, vì họ biết rõ vai trò trí thức. Vào năm 1989, tôi từng cãi nhau với cậu bạn W. phụ trách đối ngoại của viện Hàn Lâm Khoa học Đức, mà cậu ta không giấu giiếm là STASI. Tôi bảo rằng DDR chắc chắn sẽ sụp. Cậu ta bảo tôi, không bao giờ, DDR không phải Ba Lan, vì trí thức Đức vẫn im lặng. Nhưng chỉ mấy tuần sau đó, khi mà Hungari mở cửa biên giới với Áo, thì hàng vạn kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học Đông Đức ùn ùn kéo nhau theo đường Hungari sang Tây Đức. DDR tê liệt. Lúc đó thì cậu ta mới thừa nhận là đã nhận định sai. Chỉ ít lâu sau là bức tường Berlin sụp đổ.

Tôi còn nhớ rất rõ, chiều 22/8/1968 sau khi từ giảng đường khoa Vật Lý của trường Đại học Humboldt trở về, hai anh bạn của tôi ở cùng phòng thí nghiệm vội vàng thu dọn đồ đạc. Một anh vừa bảo vệ tiến sĩ xong, còn anh nữa thì sắp bảo vệ. Họ bảo:

– Tran (họ gọi tên tôi như vậy), từ biệt mày nhé, mai chúng tao đi rồi. Tôi hỏi sao vậy? Lutzt, anh bạn sắp bảo vệ nói:

– Chúng tao nay thuộc diện politischer Unzuverlässigkeit (Không đáng tin cậy về mặt chính trị). Mày biết rồi đấy, hôm qua quân đội Liên Xô và khối Warzava kéo vào Tiệp Khắc rồi. Bọn tao được lệnh không được phát biểu gì khi sinh viên hỏi. Nhưng tao thì tao không chịu, sáng nay giờ lên lớp, tao bảo với sinh viên là tao phản đối quân đội DDR tham gia kéo quân vào Praha. Nước Đức không được xâm lược một nước khác nữa, ít nhất là phải như vậy. Thế là chúng tao không được phép giảng dạy nữa và phải đi khỏi trường.

– Mày đi đâu bây giờ?

– À, không lo, Giáo sư chủ nhiệm đã giới thiệu tao về nhà máy WF, nơi ông ta kiêm Giám đốc Kỹ thuật.

– Mày bỏ luận án ư?

– Không, ông GS bảo tiếc là ông ấy không được quyền giữ tao lại trường, nhưng hứa vẫn tạo điều kiện để tao hoàn thành luận án. Còn thằng kia, nó xong Tiến sĩ rồi, ông GS giới thiệu nó về Viện Hàn lâm.

– Thế thì chúng mày sướng rồi, về đó lương cao hơn nhiều mà!

– Nhưng giờ chúng tao được STASI ghi vào hồ sơ là politischer Unzuverlässigkeit! Thây kệ, tao cóc cần, không ai có thể bắt tao thay đổi quan điểm cả!

Tôi nhận thấy, dù là được STASI tin tưởng hay nghi ngờ thì họ vẫn làm việc hết sức có trách nhiệm, cống hiến hết mình cho xã hội, không ai muốn ăn bám cả. Phải chăng đó là một đặc điểm của trí thức Đức.

Họ cũng HÈN vì yếu thế, không chống lại được quyền lực, nhưng họ không HẠ mình khuất phục quyền lực.

(Nói chuyện ngoài lề một chút: Ông thầy của tôi, Robert Rompe, vốn là một nhà Vật lý Đức bị bắt về Liên Xô sau chiến tranh, như là chiến lợi phẩm cho bên thắng trận. Thế mà dù là tù nhân, ông vẫn hết lòng, hết sức làm việc, cống hiến cho nền khoa học và công nghiệp Liên Xô, đến mức được Liên Xô tặng huân chương Lenin và bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Hết hạn tù, ông lại xin trở về Đức. Cũng lạ là những nhà khoa học Đức bị bắt về Mỹ thì cũng đóng góp rất lớn cho khoa học và công nghiệp của Mỹ, nhưng khi hết hạn tù thì đa số đều ở lại Mỹ, không về lại Tây Đức, như W. von Braun trở thành cha đẻ của tên lửa và du hành vũ trụ Mỹ. Có thể tinh thần tự do dân chủ của Mỹ hợp với trí thức hơn.)

Cũng có thể là STASI của Đức kìm kẹp rất mạnh, nhưng truyền thống văn minh của Đức là ngăn chặn sự phản kháng chứ không phải là tìm mọi cách khuất phục tư tưởng của họ. Có thể vì vậy mà Angela Merkel, là một nhà Vật lý ở Đông Berlin cùng thời đó, về sau đã trở thành một thủ tướng có uy tín, lâu đời nhất của nước Đức thống nhất bây giờ.

Cũng nên nhớ rằng, thời đó nhờ có một đội ngũ trí thức chuyên môn cao mà nền kinh tế DDR là dẫn đầu phe XHCN, vượt xa Liên Xô rất nhiều, mặc dù Liên Xô có nền khoa học khá cao và đội ngũ trí thức đáng nể

Nói đến Liên Xô, kỷ niệm đáng nhớ bất ngờ nhất với tôi là một lần ngẫu nhiên được làm thượng khách của… Gorbachev. Đó là vào mùa hè năm 1987, tôi nhận được giấy mời sang Moscow dự hội nghị khoa học, vé và ăn ở do Liên Xô đài thọ. Như mọi lần, sau khi check-in lên máy bay của AEROFLOT, tôi loay hoay tìm chỗ ngồi, thì bỗng nghe loa gọi tên tôi yêu cầu ra khỏi máy bay, có việc. Lo lắng đi ra thì thấy nhân viên hỏi tên tuổi, xem vé và yêu cầu tôi chỉ cho họ hành lý của tôi. Họ rút hành lý ra, tôi lo quá, nhưng rồi thấy họ lại mời tôi lên tàu bay, ngồi vào ghế hạng nhất… cả đời chưa được hưởng, lạ thật. Hạ cánh, đã có người cầm biển đề tên mình đứng đón, đưa hộ chiếu cho họ rồi được dẫn qua phòng VIP. Một lát sau đã được mời lên xe nhận lại hộ chiếu và điểm qua hành lý đã được mang lên xe sẵn, chạy về khách sạn Russia sang trọng nhất Moscow thời bấy giờ. Hóa ra cuộc hội nghị này không bình thường mà là hội nghị thế giới về giải trì quân bị do Gorbachev chủ trì. Khách dự hội nghị được mời đích danh, là các nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà khoa học… của gần trăm nước trên thế giới (chẳng hiểu vì sao mình lại lọt vào đây!). Hội nghị tổ chức trong điện Kremlin. Ghế đã ghi tên từng người, tôi thấy có đến gần 300 đại biểu. Ngày đầu là nghe một bài diễn văn suốt buổi sáng của Goorbachev về giải trừ vũ khí và chính sách bảo vệ hòa bình cùng các đề xuất của Liên Xô. Buổi chiều nghe tham luận của một số tên tuổi nổi tiếng như Graham Greene nhà văn Anh (tác giả Người Mỹ thầm lặng), Klaus Fuchs (nhà Vật lý Đức hai mang làm bom nguyên tử cho Mỹ, Anh và nghe nói làm gián điệp nguyên tử cho Liên Xô) và vài người nữa tôi quên mất tên… Ngày thứ hai là hoạt động của các sections, tôi được phân vào sections Khoa học và Giải trừ quân bị, nhóm chuyên môn chủ yếu là các nhà Vật lý. Buổi chiều và tối là thông qua tuyên bố ủng hộ Gorbachev và chiêu đãi. May mắn là tôi cùng nhóm với Klaus Fuchs (mà tôi đã gặp ở Berlin) và một nhân vật đặc biệt là Andrey Sakharov, cha đẻ của bom nhiệt hạch Liên Xô, anh hùng lao động, giải thưởng Lenin, Viện sĩ Viên Hàn lâm. Ông là người từ năm 1973 lúc đương chức, đã phê phán sự độc tài mất dân chủ của chế độ Soviet, chống lại sự đàn áp nhân quyền ở Liên Xô và từ 1980 bị quản thúc ở Gorki. Nửa năm trước, tức cuối 1986 đầu 87 Gorbachev đã ra lệnh thả ông. Bấy giờ, lúc tôi ngồi đối mặt với ông thì ông đã là một cụ già 76 tuổi, nhưng rất minh mẫn, đã thuyết trình hàng giờ tại thảo luận về xu hương phát triển bom nguyên tử-khinh khí và kiến nghị Liên Xô-Mỹ cần ký hiệp định giải trừ tai họa này như thế nào. Thật đáng khâm phục, một trí thức lớn, đang ở đỉnh cao quyền lực và danh vọng mà đã từ bỏ để đấu tranh cho quyền con người; bị dụ dỗ rút lui ý kiến không thành, nên bị đàn áp tinh thần rồi giam cầm cả thập kỷ, ba bốn lần tuyệt thực để bảo vệ chính kiến… Xã hội Liên Xô và cả thế giới phải cảm ơn ông, một trí thức Nga chân chính. Nước Nga không thiếu những trí thức như ông. Nhà thiết kế máy bay nổi tiếng Tupolev bị Stalin bắt giam năm 1937 vu cho tội danh gián điệp và ủng hộ đảng phản động (thực ra là vì bất đồng chính kiến), nhưng ở trong tù, khi tổ quốc lâm nguy, ông vẫn tiến hành thiết kế máy bay chiến đấu. Stalin phải ra lệnh lập cho ông phòng thiết kế ở trong tù, điều đến tất cả các kỹ sư cũ của phòng thiết kế mà ông từng lãnh đạo để cùng ông làm việc… Những máy bay chiến đấu Nga nổi tiếng ra đời và sau chiến tranh là loạt máy bay dân dụng TU xuất xưởng mang tên ông, ba lần anh hùng lao động, 7 lần huân chương Lenin, thế nhưng mãi đến khi Stalin chết năm 1953 ông mới chính thức được tha. Một trí thức chí khí, bất khuất nhưng giàu lòng yêu nước, đã đóng góp bao nhiêu thành quả khoa học và công nghiệp cho đất nước. Còn có thể kể thêm rất nhiều thí dụ nữa về trí thức Nga, ví dụ như Boris Pasternak tác giả tiểu thuyết Dr Zhivago nổi tiếng (xuất bản ở nước ngoài), với tư tưởng tự do bác ái, chống lại khuynh hướng văn học Soviet đương đại. Ông đoạt giải thưởng Nobel, ông thà không đi nhận Nobel chứ không chịu rời đất nước, tổ quốc của ông, vì nếu ông ra khỏi biên giới thì không được quay về nước Nga nữa. Những trí thức nga, họ có tư tưởng triết lý sống của họ bất chấp đàn áp dù họ có thể HÈN vì không chống lại được kẻ áp bức, không chống lại được KGB, nhưng họ không HẠ mình khuất phục cường quyền. Và đó chính là những đốm lửa nhỏ để đốt lên ngọn lửa làm động lực đưa xã hội tiến lên nền văn minh cao hơn. Nên nhớ KGB là cực kỳ kinh khủng, là thầy của STASI, còn STASI là một trong các thầy của mật vụ Việt Nam.

Tuy là học trò nhưng mật vụ Việt Nam lại có thể xem là cao tay hơn trong xử lý trí thức, nhờ vận dụng truyền thống Phương Đông.

Năm vừa qua, tại khu VIP của Bệnh viện Việt Xô, nơi mà các bệnh nhân chúng tôi thường nói đó là chút dấu tích cuối cùng của ân huệ bao cấp, tôi gặp một bệnh nhân đặc biệt. Ông người nhỏ nhắn, cặp mắt sắc tinh nhanh, dáng đi nhanh nhen. Suốt ngày ông không nằm một chỗ mà đi lại khắp hành lang bệnh viện. Gặp tôi, ông hồ hởi bắt tay và tự giới thiệu bằng giong trọ trẹ: ”Tôi, Bộ trưởng XYZ đây, xin chào, anh có khỏe không”. Tôi biết ông này, nhưng không nghĩ ông lại biết mình, ông chỉ hơn kém tôi vài tuổi. Vừa định nói chuyện với ông, thì chị áo vàng (tức là Oshin người nhà thuê phục vụ ở bệnh viện) hớt hải chạy tới, nói rằng ông không biết gì đâu, chỉ suốt ngày đi vòng quanh, cháu theo bở hơi tai mà cũng không kịp, gặp ai ông cũng chỉ nói một câu như thế. Hỏi, người ta bảo ông Bộ trưởng bị bệnh gì trong não nên sinh ra hành động vô thức như vậy, mặc dù trông ông rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn… Ông này là một trí thức hiếm hoi, dòng dõi trâm anh của đất Nghệ Tĩnh, học rất giỏi, một Tiến sĩ Luật của Liên Xô, thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Tuy Liên Xô đào tạo, nhưng ông thông hiểu luật pháp cả phương Tây lẫn phương Ta, tư duy sáng sủa và tư tưởng khá độc lập, chẳng hiểu làm sao mà người như ông ta lọt lưới được Trung hương cho làm đến chức Bộ trưởng, và ông đã có khá nhiều đóng góp thầm lặng khi đã “gài” được nhiều điều khoản khá tiến bộ vào hiến pháp và các bộ luật lớn. Tất nhiên ông cũng không đủ khả năng để chống lại các điều khoản phi lý. Đấy là lúc đương chức. Khi đã về “làm người tử tế” thì ông đã có điều kiện và không ngần ngại đấu tranh cho quan điểm của mình. Ông đã công khai yêu cầu bỏ điều 4 Hiến pháp. Ông là một thành viên trong nhóm 72 nhân sĩ trí thức năm 2013 đệ trình chính thức với nhà nước và quốc dân đồng bào một bản kiến nghị về sửa đổi hiến pháp kèm theo một bản dự thảo Hiến pháp hoàn chỉnh do nhóm 72 độc lập soạn thảo. Chính ông là người đại diện chính thức của nhóm 72 trao bản kiến nghị kèm hiến pháp đó cho Quốc hội nhân dịp lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 2013. Sau này người ta quen gọi đấy là Kiến nghị 72. Chuyện này đã một thời xôn xao chính trường và công luận Việt Nam, làm lãnh đạo nhà nước đau đầu. Một người bạn tôi, cũng là bạn thân của ông Bộ trưởng đồng thời là một thành viên tích cực trong nhóm soạn thảo kiến nghị (kèm Hiến pháp) 72, kể cho tôi nghe rằng hầu hết các quan chức cao cấp từ Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội lẫn những thành viên cao cấp đương chức và về hưu của nhà nước Việt Nam đã thay nhau đến nhà ông vận động ông rút lại ý kiến, rút khỏi hoạt động của nhóm 72 nhân sĩ trí thức, nhưng vô hiệu, ông vẫn giữ ý kiến của mình. Nhưng rồi một hôm bỗng thấy ông xuất hiện trên TV trong một cuộc phỏng vấn, và ông biện minh loanh quanh và cuối cùng gần như đồng ý làm theo những gì người ta yêu cầu…. Clip này chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên TV. Mọi người giật mình, ngán ngẫm và chê trách ông Bộ trưởng này HÈN HẠ quá… Bạn tôi sau đó nói cho tôi biết rằng đừng nên trách ông ấy nữa mà tội nghiệp… Không ai làm ông lay chuyển được thì có cơ quan chức năng ra tay. Con trai ông là một thường dân, nghe nói là doanh nhân, nhân viên hay một quản lý cấp thấp trong một doanh nghiệp nhà nướcgì đó. Ở ta, thường dân ai mà chẳng là một tù nhân dự bị, nhất lại là doanh nhân hay cán bộ quèn của doanh nghiệp nhà nước! Và cơ quan chức năng đã “nói chuyện” với thường dân… và họ cũng đã đến gặp ông… hoặc là ông nghe lời, hoặc là con ông sẽ…. Ông phải lựa chọn. Cá nhân ông có thể chịu mọi thứ được, nhưng là người cha, ông không thể nhìn con ông vì ông mà chịu truy tội oan uổng được… Ông đã bị bẻ gãy, hạ mình khuất phục, lên TV và nói… Ông bất lực, đau buồn, tức giận và ân hận… Rồi ông ấy trở nên người ngây dại, vô thức vì bị bệnh gì đó trong não, … chỉ có y học hiện đại hay có trời mới biết được. Nhưng có điều chắc chắn biết được, đó là căn bệnh của ông nay vô phương cứu chữa. Than ôi, số phận một trí thức có trách nhiệm! Thương thay!

Như bất kỳ ở đâu, trí thức Việt Nam cũng HÈN vì yếu thế, không đủ sức chống lại quyền lực. Nhưng khác ở chỗ trí thức Việt Nam bị bẻ gãy ý chí, phải HẠ mình khuất phục quyền lực, bị kẻ cầm quyền coi khinh.

Vì sao trí thức Việt Nam nói chung không những HÈN YẾU mà còn HÈN HẠ, dễ bị khuất phục và bị những kẻ nắm quyền lực coi thường? Và vì sao lựa chọn của trí thức Việt Nam duy nhất là an phận, thủ thường, trẻ hoặc già, cao hay thấp, vô danh hay nổi tiếng cũng vậy cả!

John Adams (1735 – 1826) Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ đã nói: Sự sợ hãi là nền tảng của hầu hết các bộ máy chính quyền (Fear is the foundation of most governments.). Và các chính quyền phong kiến ngày xưa hay chuyên chính ngày nay ở Phương Đông đặc biệt vận dụng nguyên lý này rất xuất sắc, nhờ đã tận dụng tối đa truyền thống đàn áp của Phương Đông.

Hình luật của các chế độ phong kiến Trung Quốc cũng như Việt Nam xưa vận hành theo kiểu tộc hình, dựa trên nguyên tắc pháp lý lấy gia tộc làm cơ sở. "一榮俱榮,一損俱損 – Nhất vinh câu vinh, nhất tổn câu tổn – Vinh cùng hưởng, mất cùng chịu mất”. Một người làm quan (vinh) đặc quyền lan tới tận tam thân lục thích. Một người có tội thì bố mẹ vợ con đều liên đới chịu trách nhiệm, không chỉ nhục tổ tông mà vạ đến người thân, liên lụy đến cả gia tộc. Tộc hình thường sử dụng nhất là “tru di tam tộc”, tức là diệt ba họ bao gồm bố mẹ, vợ con, anh em. Vào cuối triều đại Tần, Thừa tướng Li Tư và hoạn quan đã giết Lý Tư là Triệu Cao đều bị tru di tam tộc. Ngoài ra còn có hình phạt tru di ngũ tộc, thất tộc, cửu tộc, v.v. Ví dụ như Thái tử nước Yên sau vụ Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng bất thành, phải chịu tội tru di thất tộc. Ở Việt Nam thì vụ án Lệ Chi Viên, tru di cả ba họ Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ là một thí dụ điển hình.

Trong lịch sử luật hình sự Trung Quốc (Việt Nam ta chép nguyên luật này), ngoài hình thức tru di tam tộc còn có thêm các quy định gọi là Thân tộc liên tọa 親族連坐 (hay còn gọi là Duyên tọa 緣坐), Tịch một 籍沒 (kê biên và tịch thu), v.v. Duyên tọa 緣坐, tức một người phạm tội thì kéo theo truy tội cả thân thuộc, gia tộc. Tịch một 籍沒 là chế tài kê biên và tịch thu mọi tài sản của mọi thành viên gia đình sung công, kể cả gia nhân và nô bộc. Từ sau thời nhà Đường thì hễ xử duyên tọa 緣坐 thì đều đi kèm tịch một籍沒, cho nên theo thói quen nói duyên tọa cũng tức là đồng nghĩa với tịch một.

Miếng võ này của ngày xưa đã được các cơ quan quyền lực của các chế độ chuyên chính phương đông ngày nay (Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam…) kế thừa, thành thục và và phát huy hết công lực, đặc biết là đối với trí thức, vị trí số một trong “Trí, Phú, Địa, Hào”. Điều đó giải thích vì sao ở ta có rất nhiều trí thức có hiểu biết, có chính kiến nhưng không dám lên tiếng khi đương chức đã đành, ngay cả khi đã về vườn, tự do không ràng buộc cũng không dám lên tiếng. Trí thức nào mà chẳng có gia đình, người thân!

Miếng võ này không có ở văn hóa Âu Tây (Đức, Nga, …). Ở đó ai làm kẻ ấy chịu. Vì thế, dù cũng trong cái nôi chuyên chính, toàn trị, trí thức Nga, Đông Đức, Ba lan, Hung, Tiệp… chỉ HÈN YẾU mà không HÈN HẠ. Còn trí thức ta thì không những HÈN YẾU mà còn HÈN HẠ vậy! Họ chỉ có lựa chọn duy nhất là IM LẶNG. Dù ai cũng biết rằng

“Sự áp bức chỉ tồn tại được nhờ sự im lặng.

Oppression can only survive through silence.”

P/S:

HÈN HẠ: Yếu kém và đáng khinh. Despicable Weakness, contemptible Weakness; 可鄙弱性 (khả bỉ nhược tính)

HÈN YẾU: không đủ sức và khả năng để làm việc gì. Weakness; 弱性 (nhược tính)

Nguồn: FB Trần Gia Ninh

Comments are closed.