Tụng ca cái buồn

Iosip Brodsky

Đây là bài nói của nhà thơ Nga sống tại Mỹ Iosif Brodsky (1940 – 1996) trước các học sinh tốt nghiệp trường trung học Darmouth College, Mỹ, tháng 6/1989. Ông phát biểu bài này hai năm sau khi nhận giải Nobel văn chương (1987).

*

Nhưng nếu anh không giữ được vương quốc của mình

Thì hãy đến nơi như cha anh từng đến

Nơi tư tưởng thì buộc tội còn tình cảm thì chế giễu.

Hãy tin vào cơn đau của mình…

Y.H. Auden

“Alonso nói với Ferdinant”

Một phần quan trọng của những gì đang ở phía trước các bạn sẽ bị thúc bách bởi cái buồn. Nguyên nhân khiến tôi muốn nói về nó với các bạn vào cái ngày long trọng này là ở chỗ, theo tôi, không một trường trung học nhân văn nào chuẩn bị cho các bạn đến với một tương lai như vậy; và Darmouth không phải là ngoại lệ. Các khoa học chính xác cũng như các khoa học nhân văn đều không có chương trình nào dạy cho các bạn về cái buồn. May lắm thì chúng cũng chỉ có thể cho các bạn làm quen với cái buồn bằng cách gợi ra nó. Nhưng một sự đụng chạm ngẫu nhiên như thế so với cơn bệnh nan y có là gì? Một giọng giảng bài đều đều ngán ngẩm phát ra từ bục giảng hoặc là một cuốn sách giáo khoa hoa mỹ đọc vào khiến buồn ngủ – chẳng là gì so với cả một sa mạc Sahara tâm lý đang bắt đầu ngay trong phòng ngủ của các bạn và che lấp cả chân trời.

306007223_5643290672394288_3035708358727136246_n

Chân dung Iosip Brodsky

Được biết đến dưới nhiều tên gọi – buồn bã, mềm yếu, thờ ơ, sầu muộn, chán chường, u uất, trống rỗng, mệt mỏi…, cái buồn là một hiện tượng phức tạp và xét tổng thể thì đó là sản phẩm của sự lặp lại. Trong trường hợp như thế dường như phương thuốc duy nhất trị buồn phải là thường xuyên sáng tạo và độc đáo. Tức là điều mà các bạn, những người trẻ tuổi kiêu căng, đã tính tới. Nhưng than ôi, cuộc sống không cho các bạn khả năng thế đâu, bởi vì cái chính trong cơ chế cuộc sống là sự lặp lại.

Tất nhiên có thể phản đối rằng khát vọng thường xuyên hướng tới sự độc đáo và sáng tạo là động cơ của tiến bộ và do đó của văn minh. Nhưng – và đây chính là ưu thế của cái nhìn hồi cố – động cơ đó không phải là cái giá trị nhất. Bởi vì, nếu ta chia lịch sử của giống loài ta theo các phát minh khoa học, bỏ qua những quan niệm đạo đức, thì kết quả sẽ không vui chút nào. Nói một cách cụ thể hơn, ta sẽ nhận được những thế kỷ cái buồn. Bản thân khái niệm sự độc đáo và sự mới mẻ đã cho thấy sự đơn điệu của một hiện thực chuẩn tắc, của một cuộc sống mà bài thơ chính của nó – không, phong cách chính của nó – là cái buồn.

Đây là cái làm cho cuộc sống khác với nghệ thuật mà kẻ thù độc ác nhất của nó chắc các bạn cũng biết là sự khuôn sáo. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên là nghệ thuật không thể dạy được cho các bạn cách chống lại cái buồn. Về đề tài này đã có một số tiểu thuyết được viết ra; hội họa thì ít hơn nữa; còn âm nhạc thì chủ yếu là vô nghĩa. Cách duy nhất làm cho nghệ thuật thành nơi trú ngụ tránh cái buồn, tránh cái đương lượng hiện sinh của khuôn sáo này, là tự mình trở thành nghệ sĩ. Mặc dù với số lượng các bạn đông đảo thế này thì viễn cảnh đó thật ít cám dỗ và ít có khả năng xảy ra.

Nhưng thậm chí nếu các bạn có sải bước hùng hậu đông đảo đến bên máy chữ, giá vẽ và cây đàn thì các bạn vẫn không ngăn được mình hoàn toàn khỏi cái buồn. Nếu mẹ của cái buồn là sự lặp lại thì các bạn, những người trẻ tuổi kiêu căng, sẽ nhanh chóng bị ngạt thở bởi sự không được thừa nhận và tiền nong ít ỏi, bởi vì cả hai cái đó luôn luôn đi cùng nghệ thuật. Về mặt này viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc thua xa công việc ở văn phòng luật sư, nhà băng hay thậm chí ở phòng thí nghiệm.

Cố nhiên, đấy lại chính là sức mạnh cứu vớt của nghệ thuật. Do là không lợi nhuận nên nó trở thành nạn nhân của nhân khẩu học một cách khá là miễn cưỡng. Bởi vì nếu, như chúng ta đã nói, sự lặp lại là mẹ của cái buồn thì nhân khẩu học (cái này trong cuộc sống của các bạn sẽ đóng một vai trò lớn hơn bất kỳ môn học nào mà các bạn đã được học ở đây) lại là bậc sinh thành thứ hai của nó. Có lẽ điều này nghe ra có vẻ yếm thế, nhưng tôi già gấp đôi các bạn và trước mắt tôi dân số quả đất đã tăng lên gấp đôi. Đến lúc các bạn bằng tuổi tôi, nó sẽ tăng lên gấp bốn và hoàn toàn không như các bạn chờ đợi. Chẳng hạn, đến năm 2000 sẽ diễn ra một sự phân bố lại về văn hóa-tộc người và đó sẽ là một thử thách cho lòng nhân ái của các bạn.

Nhưng điều đó sẽ làm giảm viễn cảnh sự độc đáo và sáng tạo như là cách chống lại cái buồn. Nhưng thậm chí trong một thế giới đơn sắc hơn thì sự độc đáo và sáng tạo lại cũng gặp rắc rối khác là chúng được đền bù. Chỉ cần các bạn có khả năng về một thứ nào đó là bạn sẽ giàu lên khá nhanh chóng. Dù muốn hay không đi nữa, phần lớn các bạn đều biết theo kinh nghiệm riêng rằng không ai bị cái buồn nhấn chìm bằng những người giàu có, bởi vì tiền bạc mua được thời gian, mà thời gian thì có thuộc tính lặp lại. Giả sử các bạn không mong nghèo khổ – nếu không các bạn đã chẳng vào trường trung học – thì có thể là cái buồn sẽ rượt kịp bạn ngay khi các bạn có được những công cụ đầu tiên để tự thỏa mãn.

Nhờ kỹ thuật hiện đại những công cụ này nhiều đến mức như là đồng nghĩa với cái buồn. Do chức năng của chúng – giúp bạn quên đi thời gian dư thừa – nên số lượng của chúng thật hùng hậu. Cũng thật hùng hậu là cách sử dụng khả năng mua bán của các bạn mà đỉnh điểm của nó là các bạn đến đây dưới tiếng sột soạt, vo vo của một số phương tiện mà các bậc cha mẹ và họ hàng bạn đang cầm chắc trong tay. Đó là một cảnh tượng tiên tri, thưa quý bà và quý ông ra trường năm 1989, bởi vì các bạn đang bước vào một thế giới nơi việc ghi lại sự kiện sẽ thu nhỏ chính sự kiện – cái thế giới của video, stereo, điều khiển từ xa, của những bộ quần áo và thiết bị tập luyện giúp các bạn có được hình dáng để lại sống tiếp quá khứ riêng của mình hay của ai đó: niềm thích thú đóng hộp đòi hỏi phải có da thịt sống.

Tất cả những cái gì bộc lộ sự đều đều thì luôn chứa cái buồn. Điều này trong một mức độ lớn đúng cả cho tiền bạc, cũng như các tờ giấy bạc và việc sở hữu chúng. Lẽ dĩ nhiên tôi không có ý tuyên bố nghèo khổ là cách thoát khỏi cái buồn, dù cho có lẽ thánh Francisc đã làm được thế. Nhưng dù cho sự nghèo túng vây quanh bạn, ý định tạo ra những dòng tu mới cũng không hấp dẫn mấy nữa trong thời buổi truyền đạo qua video ngày nay. Thêm nữa, hỡi những người trẻ tuổi kiêu căng, các bạn sẽ khao khát làm điều tốt cho Nam Phi hơn là cho người láng giềng, và sẵn sàng từ chối ly nước chanh yêu thích hơn là đi vào một khu phố bần cùng. Vì thế không ai đề nghị các bạn nghèo khổ. Tất cả những gì có thể đề nghị với các bạn, đó là: hãy thận trọng với tiền bạc, bởi vì con số không trong tài khoản có thể biến thành đương lượng tinh thần của các bạn.

Còn về sự nghèo khổ thì cái buồn là phần nghiệt ngã nhất trong những bất hạnh của nó và việc trốn chạy khỏi nó mang những hình thức mạnh mẽ hơn: nổi loạn hoặc ma túy. Cả hai hình thức này đều tạm thời bởi vì nỗi bất hạnh của nghèo khổ là bất tận; cả hai do tính bất tận đó nên đều phải trả giá đắt. Nói chung, người tiêm heroin vào mạch máu làm việc đó chủ yếu cũng theo nguyên nhân giống như các bạn mua cái video: đều là để tránh thời gian dư thừa. Nhưng cái khác là ở chỗ anh ta chi nhiều hơn thu và các phương tiện giải thoát của anh ta trở nên dư thừa như cái anh ta thoát ra, là nhanh hơn các phương tiện của các bạn. Nhìn chung, sự khác biệt về xúc giác giữa mũi kim tiêm và nút bấm stereo cũng gần tương ứng sự khác biệt giữa độ sắc và độ cùn của ảnh hưởng thời gian đến người không có của và người có của. Nói gọn lại, dù giàu hay nghèo thì sớm muộn các bạn cũng phải đau khổ vì dư thừa thời gian.

Tương lai có thể là những người có của, các bạn rồi sẽ bị buồn chán vì công việc, vì bạn bè, vì vợ chồng, vì tình nhân, vì phong cảnh ngoài cửa sổ, vì đồ đạc hay giấy dán tường trong nhà, vì suy nghĩ, vì chính các bạn. Và rồi các bạn sẽ cố tìm con đường giải thoát. Ngoài những thứ đồ chơi mang lại sự thỏa mãn nêu trên, các bạn còn có thể thay đổi nơi làm việc, chỗ ở, người quen, đất nước, khí hậu; các bạn cũng có thể sống cảnh tạp hôn, vùi mình vào rượu, đi du lịch, học cách làm bếp, nghiện ma túy, nghiền ngẫm phân tâm học.

Các bạn có thể làm tất cả những việc đó cùng lúc; và đôi khi điều đó có thể giúp bạn. Tất nhiên là cho đến một ngày khi bạn thức dậy trong phòng ngủ giữa một gia đình mới và những lớp giấy dán tường khác, tại một quốc gia và khí hậu khác, với hàng đống lời khuyên của hãng du lịch và nhà phân tâm học, nhưng vẫn với tâm trạng ủ rũ nhìn ánh ngày chiếu qua ô cửa sổ. Các bạn duỗi đôi giày thể thao ra và nhận thấy chúng thiếu dây, mà như thế thì các bạn không khác gì diện mạo quen thuộc. Tùy thuộc vào thể trạng hay tuổi tác, các bạn sẽ hoặc là lo lắng, hoặc là thỏa hiệp với cảm giác quen thuộc này; hoặc là thêm một lần nữa băng qua bóng ma của những sự thay đổi.

Chứng loạn thần kinh chức năng và sự trầm uất đi vào vốn từ của các bạn; các viên thuốc nằm trong tủ thuốc nhà các bạn. Thực chất, không có gì là xấu trong việc biến cuộc sống thành sự thường xuyên tìm kiếm những sự lựa chọn, sự thay đổi xoành xoạch công việc, vợ chồng, hoàn cảnh, v.v, với điều kiện là các bạn tự cho phép mình được nuôi dưỡng và rối rắm trong các hồi ức. Tình thế này thực chất đã được ca ngợi khá nhiều trên màn ảnh và trong thơ ca lãng mạn. Nhưng trở ngại là ở chỗ chẳng mấy chốc sự tìm kiếm này biến thành một công việc chính yếu, và nhu cầu về sự lựa chọn của các bạn trở nên ngang với một liều ma túy hàng ngày.

Tuy nhiên, còn một lối thoát khỏi tình thế này. Có thể lối thoát đó không phải là tốt nhất, theo quan điểm của các bạn, và không nhất thiết là an toàn, nhưng nó trực tiếp và không đắt giá. Ai trong số các bạn đã đọc bài thơ “A Servant to Servants” của Robert Frost hẳn nhớ câu này: “He says the best way out is always through” (“Hắn nói cách thoát ra tốt nhất là luôn luôn băng qua”). Và điều tôi định nói hôm nay là biến tấu về đề tài này.

Khi cái buồn xâm chiếm anh, hãy đắm chìm vào nó. Hãy để nó đè bẹp anh; hãy ngụp lặn trong nó đến tận đáy. Nói chung, nguyên tắc xử lý những sự khó chịu là: càng nhanh chạm tới đáy thì càng nhanh nổi lên. Tư tưởng ở đây, nói theo lời một nhà thơ Anh ngữ nổi tiếng khác, là hãy nhìn thẳng vào điều tồi tệ. Nguyên nhân khiến cái buồn đáng phải được chăm chú soi xét như vậy là ở chỗ nó thể hiện một thứ thời gian thuần túy, không thể phân chia trong tất cả vẻ tráng lệ đơn điệu, dư thừa, lặp lại của nó.

Cái buồn có thể nói là ô cửa cho các bạn nhìn vào thời gian, nhìn vào các thuộc tính của thời gian mà chúng ta thường có thiên hướng xem nhẹ đến mức đe dọa sự cân bằng tâm hồn. Nói ngắn gọn, đó là ô cửa cho các bạn nhìn vào sự vô tận của thời gian, tức là nhìn vào sự nhỏ nhoi của các bạn ở trong nó. Có thể điều này giải thích vì sao ta thường hay sợ hãi những buổi chiều lẻ loi, sững sờ, vì sao ta mê mẩn ngắm nhìn làn bụi bay trong nắng, và ở đâu đó có tiếng đồng hồ tích tắc, trời nóng, còn sức mạnh ý chí thì tiêu tan.

Một khi ô cửa đó đã mở ra thì đừng tìm cách đóng nó lại; ngược lại, hãy mở rộng nó hơn nữa. Bởi vì cái buồn nói bằng ngôn ngữ của thời gian, và nó có nhiệm vụ dạy cho các bạn bài học quý giá nhất trong cuộc đời các bạn – bài học mà các bạn không học được ở đây, trên những bãi cỏ xanh này – bài học về sự nhỏ nhoi vô cùng của các bạn. Nó quý giá đối với các bạn, cũng như đối với những người các bạn sẽ tiếp xúc. “Ngươi là hữu hạn”, – thời gian nói với các bạn qua giọng cái buồn, “vì thế ngươi có làm gì đi nữa thì ta thấy cũng vô ích thôi”. Nói thế nghe chẳng du dương chút nào đối với lỗ tai các bạn; nhưng cảm giác về sự vô bổ, về ý nghĩa nhỏ nhoi của ngay cả những hành động cao cả nhất, nhiệt huyết nhất tốt hơn là ảo tưởng cho rằng những hành động đó có kết quả và vì thế mà mình có thể kiêu căng tự phụ.

Bởi vì cái buồn là sự thâm nhập của thời gian vào hệ thống các giá trị của chúng ta. Nó đem sự tồn tại của các bạn đặt vào sự tồn tại của nó, vào một viễn cảnh mà kết quả cuối cùng là sự chính xác và sự nhẫn nhịn. Cần chú ý, cái đầu sinh ra cái sau. Bạn càng biết rõ sự lớn lao của mình thì bạn càng nhẫn nhịn hơn và đồng cảm hơn đối với những người như mình, đối với hạt bụi bay trong nắng hay nằm im lìm trên cái bàn của bạn. Ôi, trong những hạt bụi ấy có biết bao cuộc đời! Không phải là nhìn từ góc độ của các bạn, mà từ góc độ của chúng. Các bạn đối với chúng cũng như là thời gian đối với chúng ta; vì thế chúng có vẻ rất nhỏ bé.

“Hãy nhớ tới tôi, –

Hạt bụi thì thầm

Không gì có thể đi xa hơn trật tự tâm hồn của mỗi người trong các bạn, hỡi những người trẻ tuổi và kiêu căng, bằng tâm trạng được diễn tả trong bài thơ hai câu này của nhà thơ Đức Peter Huchel nay đã qua đời.

Tôi dẫn nó ra đây không phải vì muốn gợi lên trong các bạn lòng ham muốn những vật nhỏ bé – hạt mầm và cây cỏ, hạt cát và con muỗi – nhỏ nhưng vô số. Tôi dẫn ra những dòng thơ ấy vì tôi thích chúng, vì đọc chúng tôi nhận biết mình và mọi cơ thể sống là cái sẽ biến khỏi bề mặt hữu hình. “Hãy nhớ tới tôi”, – hạt bụi nói. Và ta nghe thấy ở đây một ám dụ rằng nếu ta nhận biết chính mình từ thời gian thì thời gian đến lượt nó cũng có thể nhận biết điều gì đó từ chúng ta. Điều đó có thể là gì? Nhường nó về tầm quan trọng, ta vượt nó về sự tinh nhạy.

Trở nên nhỏ nhoi nghĩa là gì. Nếu cần có nỗi buồn làm tê liệt ý chí để gợi lên điều đó, khi đó nỗi buồn muôn năm. Các bạn là nhỏ nhoi bởi vì các bạn là hữu hạn. Nhưng một vật càng hữu hạn thì nó càng tích chứa sự sống, cảm xúc, niềm vui, nỗi sợ, sự đồng cảm. Bởi vì cái vô tận không sống động, không cảm xúc. Nỗi buồn của các bạn, ít nhất nói lên điều đó. Vì nỗi buồn của các bạn là nỗi buồn về sự vô tận.

Trong trường hợp như thế hãy kính trọng nguồn gốc của nó và cố gắng không ít hơn tôn trọng nguồn gốc của mình. Bởi vì chính sự linh cảm thấy cái vô tận vô hồn này lý giải cường độ của những cảm xúc con người, những cái thường đưa tới sự thụ thai cuộc sống mới. Điều đó không có nghĩa các bạn được thụ thai từ nỗi buồn hay cái hữu hạn sinh ra cái hữu hạn (dù hai điều này nghe ra đều giống thật). Đúng hơn, điều đó gợi lên ý nghĩ rằng sự đam mê là đặc quyền của cái nhỏ nhoi.

Vì thế hãy gắng trở nên đam mê, hãy để sự điềm nhiên cho các chòm sao. Đam mê trước hết là thuốc tránh buồn. Và tất nhiên còn có nỗi đau – người bạn đường thông thường mang tính thể xác hơn là tinh thần của đam mê; dù tôi không chúc cho các bạn cả điều này điều kia. Nhưng khi các bạn bị đau, các bạn sẽ biết rằng ít ra các bạn không bị lừa dối (bởi cơ thể hay tâm hồn của mình). Ngoài ra, cái tốt trong nỗi buồn, nỗi chán và trong cảm giác về tính chất vô nghĩa của sự tồn tại của mình hay của tất cả những cái khác là ở chỗ đó không phải là sự lừa dối.

Các bạn cũng có thể thử làm thám tử hay chiến binh – cái hướng đến chỗ mà trước đó các bạn không đến được bằng ngôn từ/thị giác/tâm tưởng – cái kéo dài dù chỉ vài tiếng đồng hồ. Hãy tránh ti vi, nhất là chuyển kênh: đó là sự dư thừa bằng xương bằng thịt. Nhưng nếu các phương tiện này không tác động thì hãy thả mặc nó, “hãy ném tâm hồn mình vào bóng tối dày đặc”. Hãy mở rộng vòng ôm hoặc để cho nỗi buồn nỗi chán luôn lớn hơn các bạn ôm lấy mình. Hiển nhiên, các bạn sẽ nghẹt thở trong những vòng ôm này, nhưng hãy gắng chịu đựng hết mức có thể rồi sẽ đỡ hơn. Cái chính là đừng nghĩ các bạn sơ suất ở đâu đó để sửa chữa lỗi lầm. Không, như nhà thơ đã nói: “Hãy tin vào nỗi đau của mình”. Những vòng ôm tai hại khủng khiếp này không phải là sai lầm. Và tất cả những gì khiến các bạn lo lắng cũng vậy. Hãy luôn nhớ rằng trên thế giới này không có vòng ôm nào mà rốt cuộc không mở ra.

Nếu các bạn thấy tất cả những điều tôi nói đây đều ảm đạm, các bạn không hiểu ảm đạm là gì. Nếu các bạn coi chúng là không đáng kể, tôi hy vọng thời gian sẽ chứng minh các bạn đúng. Nếu các bạn coi chúng là không thích hợp cho một sự kiện trọng thể thế này, tôi không đồng ý với các bạn.

Tôi sẽ đồng ý, việc các bạn có mặt ở đây là một sự kiện đáng đánh dấu, nhưng nó đánh dấu sự rời đi của các bạn. Sang ngày mai các bạn sẽ không ở đây nữa vì cha mẹ các bạn chỉ trả tiền cho bốn năm học, không thừa một ngày. Do đó các bạn sẽ còn phải đi tiếp đến một nơi khác, xây dựng sự nghiệp, kiếm tiền bạc, lập gia đình, đón nhận số phận duy nhất của mình. Mà ở cái nơi khác ấy, dù là giữa trăng sao, tại các vùng chí tuyến hay ở Vermont kề bên sẽ chẳng ai hay biết gì về buổi lễ hôm nay trên bãi cỏ ở Darmouth này. Thậm chí còn không thể chắc là âm thanh dàn nhạc của các bạn vọng đến được White River Junction.

Các bạn, những học sinh ra trường năm 1989, sẽ rời khỏi nơi này. Các bạn sẽ bước vào một thế giới dân cư đông đúc hơn chốn hẻo lánh này, ở đó các bạn sẽ được chú ý ít hơn như các bạn từng quen trong bốn năm học vừa qua. Các bạn hoàn toàn được bộc lộ mình. Nếu nói về giá trị bản thân, các bạn có thể nhanh chóng đánh giá được khi so sánh con số 1100 các bạn với 4,9 tỷ người trên thế giới. Do đó trong sự kiện này nên khôn ngoan, biết điều là hợp, như tiếng kèn đồng vậy.

Tôi không chúc các bạn gì cả, ngoài hạnh phúc. Nhưng sẽ có rất nhiều những giờ khắc tăm tối, và tệ hơn nữa là chán chường, sinh ra bởi hoàn cảnh bên ngoài cũng như bởi chính đầu óc của các bạn. Các bạn sẽ phải tìm cách chống lại nó để đứng vững; đó là điều tôi đang gắng giúp các bạn tại đây bằng chút sức lực nhỏ nhoi của mình, dù hiển nhiên thế vẫn là không đủ.

Bởi vì trước mặt các bạn là một chuyến viễn du quan trọng nhưng mệt mỏi; có thể nói hôm nay các bạn đã ngồi lên một chuyến tàu chạy không có lịch trình. Không ai có thể nói cái gì đang chờ đón các bạn ở phía trước, ít nhất là những người ở phía sau các bạn. Nhưng điều duy nhất họ có thể làm bạn tin là chuyến đi này một chiều. Vì thế hãy gắng tìm được điều an ủi từ ý nghĩ rằng dù ga này hay ga khác có khó chịu đến đâu chăng nữa, tàu dừng lại ở đấy không phải là vĩnh viễn. Vì thế các bạn không bao giờ bị kẹt lại – ngay cả khi các bạn thấy dường như mình bị mắc kẹt; chỗ này hôm nay sẽ trở thành quá khứ của các bạn. Từ nay nó sẽ ngày càng nhỏ dần đối với các bạn, bởi vì chuyến tàu này chuyển động không ngừng. Nó sẽ ngày càng nhỏ dần đối với các bạn, ngay cả khi các bạn thấy dường như mình bị kẹt lại… Vì thế hãy nhìn nó lần cuối, khi mà nó còn nguyên những dáng nét bình thường, khi mà nó chưa là tấm ảnh. Hãy nhìn nó với tất cả sự dịu dàng mà các bạn có thể, bởi vì các bạn đang nhìn quá khứ của mình. Hãy nhìn thẳng vào điều tốt nhất, nếu có thể nói vậy. Bởi vì tôi nghi ngờ rằng có khi nào đó các bạn sẽ thấy nơi nào khác tốt hơn ở đây.

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga

Tạp chí Znamya, số 4/1996

Nguồn: FB Phạm Xuân Nguyên

Comments are closed.