Dino Buzzati và những ẩn dụ

Hồ Anh Thái

Đã đến lúc tác phẩm của Dino Buzzati nên được dịch thẳng từ tiếng Ý để thế hệ người đọc hôm nay có thể được tiếp cận và thưởng thức.

image

Gần ba chục năm trước, tôi đọc được một truyện ngắn của nhà văn Ý Dino Buzzati, đến giờ không tìm lại được văn bản nữa, chỉ nhớ motif một cô gái bỗng nhiên có cảm hứng được bay. Cô ta bèn bay ra ngoài cửa sổ tầng cao, cứ thế bay dần xuống dưới, qua cửa sổ những căn hộ. Cô nhìn thấy cuộc sống của những gia đình, những cặp vợ chồng, những đứa trẻ ở trong đó. Họ nhìn thấy cô, tương tác với cô, và cô cũng nghĩ ngợi về họ. Cô bay suốt từ những tầng cao xuống dần đến bên dưới, và khi gần đến mặt đất, thấy một người nói: có một cô gái vừa bay qua cửa sổ. Người bên cạnh nói lại: đâu nào, một bà già đấy chứ (truyện Cô gái bay xuống dưới).

Một chuyến bay qua nhân gian là vừa vặn trải qua một kiếp người. Một ý tưởng bình thường lại được thể hiện bằng ẩn dụ độc đáo và bay bổng. Nhờ truyện ngắn này mà tôi bắt đầu tìm đọc Dino Buzzati (1906 – 1972).

Dino Buzzati được biết đến rộng rãi trên thế giới nhờ tiểu thuyết Hoang mạc Tartar vào thập kỷ 1940, kể câu chuyện một sĩ quan trẻ được điều đến bảo vệ pháo đài biên giới dường như bỏ hoang. Tưởng là chỉ ở đó bốn tháng, nhưng rốt cuộc vì những lý do lạ thường, ông ta không thể ra khỏi cái pháo đài đã bị bỏ quên bên hoang mạc. Cứ thế cho đến hết đời, ông ta chờ một cuộc tấn công không bao giờ xảy ra.

Phương pháp hiện thực kỳ ảo (magical realism) được Dino Buzzati sử dụng hiệu quả nhất ở truyện ngắn. Những motif vừa rất thật vừa hư ảo lạ lùng dày đặc trong tác phẩm của ông. Có chuyện một nhà báo nhờ câu thần chú mà muốn đi đâu chỉ cần nghĩ đến nơi đó: đang ở nhà mà muốn đến phòng làm việc thì chớp mắt là đến ngay, rồi đến phòng ở của các ngôi sao, vào ngân hàng, vào cửa hàng trang sức, đến bảo tàng toàn tranh quý, đến những đất nước xa xôi (Phép màu vô hiệu). Trong khu vườn rộng của gia đình, nhân vật thỉnh thoảng đi dạo lại gặp những ụ đất bỗng nhiên mọc lên. Đấy là mộ của những người thân mới mất ở đâu đó xa xôi, và theo năm tháng, trong vườn mọc lên rất nhiều ụ đất như vậy (Những ụ đất trong vườn). Một người vợ tự nhiên mọc cánh và có thể bay lên được, bèn bị chồng giam giữ trong nhà. Theo một ông cha đạo thì đấy là đôi cánh thiên thần và người phụ nữ bị quỷ ám. Một lần cô ta đang bí mật bay lên thì được một chàng trai trong vùng đang đi săn nhìn thấy và giải nguyền (Phu nhân bá tước mọc cánh). Thấy chồng say mê xe hơi, người vợ bèn lẳng lặng tự biến thành một chiếc xe đẹp, cho đến khi người chồng muốn bán xe đi để mua xe khác (Cuộc tự sát trong công viên).

Có lẽ từ motif ông lão đánh cá và con cá vàng, Dino Buzzati đã dựng lên truyện ngắn Chiếc áo có phép lạ, trong bối cảnh hiện đại: người đàn ông may một bộ quần áo mới. Khi mặc áo, hễ thò tay vào túi áo là rút ra được một tờ giấy bạc, mỗi lần rút ra một tờ, cứ thế rút mỏi tay được 58 triệu đồng. Sáng hôm sau trên báo đưa tin một chiếc xe bọc thép của nhà băng bị cướp, mất 58 triệu. Không mê tín, ông ta lại rút tiếp 135 triệu, sáng hôm sau tìm báo đọc thì có tin một tòa nhà bị cháy, két bạc trong đó có hơn 130 triệu tiền mặt. Cứ thế nhiều lần, ông ta giàu lên, mua biệt thự, mua bộ sưu tập hội họa quý, mua xe sang trọng… Nhưng rồi khi nghe tin một bà già về hưu tự tử vì mất 30.000 đồng lương hưu thì người đàn ông quyết định đem đốt chiếc áo có bùa phép. Đốt xong chiếc áo trong rừng, quay ra xe thì không thấy xe, đi bộ về nhà thì biệt thự cũng đã biến mất, về nhà cũ lục tìm hòm tiền thì hòm trống rỗng, sổ tiết kiệm cũng đã bị rút hết…

Là người Ý, Dino Buzzati cũng mượn bối cảnh tôn giáo để xây dựng một ẩn dụ về phẩm chất khiêm cung tột cùng của con người. Trong truyện Đức khiêm nhường, tác giả kể chuyện một tu sĩ sống ẩn dật nhận lời nghe một linh mục trẻ xưng tội. Anh ta thú nhận rằng mới được phong linh mục và khi nghe giáo dân thưa gửi bằng câu “kính cha” thì lòng thấy vui sướng. Đây không phải là tội, tu sĩ ẩn dật giải thích. Từ đó cứ mấy năm một lần lại thấy linh mục kia đến xưng tội, rằng ông ta đã sung sướng khi được giáo dân nói “thưa cha”, nâng dần lên thành “đức cha tôn quý”, rồi “đức thánh cha”, danh xưng chỉ nói với giáo hoàng. Mỗi lần như vậy, ẩn sĩ lại cười thầm vị linh mục lẩm cẩm và tin rằng giáo dân vùng ấy đùa cợt ông linh mục quá mức. Nhiều năm sau, ẩn sĩ gần đất xa trời, bèn tìm đến Rome để được một lần nhìn thấy tòa thánh Vatican. Ở trong tòa thánh, bởi vì mắt đã kém, khi giáo hoàng đến gần, ẩn sĩ mới nhận ra: “Ôi, con đấy à, chàng linh mục nhỏ bé đáng thương của ta – Ông già xúc động kêu lên”. Và đấy là lần đầu tiên, ẩn sĩ thấy vị “linh mục” nọ không vui sướng như đã nhiều lần thú tội, mà giáo hoàng (đó chính là giáo hoàng) đang nắm lấy tay ẩn sĩ mà khóc.

Thì ra vị linh mục trẻ kia suốt đời ăn năn vì mỗi lần lên chức lại “bị” giáo dân thưa gửi quá cung kính, ngay cả khi lên đến chức bậc cao trọng nhất. Sự khiêm nhường tột cùng này, tất nhiên, chỉ là đức tính tồn tại trong tưởng tượng của nhà văn.

Trí tưởng tượng không ranh giới của Dino Buzzati cũng dành chỗ cho nghề văn của ông. Trong Bí mật nhà văn có một nhà văn thành công rực rỡ, được tụng ca và có thể tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn. Đến đấy thì bừng tỉnh ngộ: “Tiếng tăm, danh vọng, sự thán phục, ngưỡng mộ, uy tín quốc tế – chính những điều mà tôi đã toàn tâm toàn lực hướng tới – chợt hiện ra trước mắt tôi trong sự vô nghĩa trần trụi, nhỏ nhoi”. Mặt trái của vinh quang xuất hiện: sự hâm mộ phù phiếm, sự phiền hà, đặc biệt là thành công của mình lại là nỗi đau khổ của đồng nghiệp… Giác ngộ rồi, nhà văn quyết định dành nửa đời còn lại để từ bỏ thành công, mà chủ ý viết ra những tác phẩm kém cỏi, viết đều đặn, năm sau kém hơn năm trước. Các tác phẩm kém cỏi đều đều ra đời, giải thoát cho đồng nghiệp của ông nỗi thống khổ và “gánh nặng của lòng ghen ghét”… “Giờ đây bao trùm lên tôi là những đợt sóng yêu thương và lòng biết ơn chân thành ấm áp. Trong giọng nói của bạn bè, tôi lại nhận ra âm điệu trong sáng, tươi vui, hào phóng”.

Nhưng trong bản di chúc, nhà văn có nói về trách nhiệm với nhân loại, ý chí không phụ lòng người đọc chân chính. Bằng ấy năm giả vờ làm một nhà văn tồi, ông vẫn ráo riết và kiên trì viết những tác phẩm đỉnh cao xứng đáng với tài năng đích thực của mình, “những cuốn sách đó đủ khả năng nâng tôi đến tận những đỉnh cao nhất của vinh quang”. Sau khi ông qua đời, người thân mở chiếc rương lớn và nhìn thấy ở đó mười hai tập giấy dày, mỗi tập hàng trăm trang. Đấy là những kiệt tác của nhà văn. Thì ra bao nhiêu năm qua ông viết ra những tác phẩm kém chỉ để cho đồng nghiệp thôi ghen ghét, nhưng ông vẫn âm thầm viết những tác phẩm đúng với tài năng của mình mà không xuất bản… Tôi không kể đoạn kết câu chuyện, để cho người đọc của Dino Buzzati sẽ tự khám phá xem có những gì trong đó.

Năm 2001, Tuyển tập tác phẩm của Dino Buzzati ra mắt người đọc Việt Nam, hầu hết tiểu thuyết và truyện ngắn trong đó đều dịch qua một số thứ tiếng Đông Âu. Từ đó đến nay, bản dịch tác phẩm của Dino Buzzati chưa được in lại. Đã đến lúc tác phẩm của ông nên được dịch thẳng từ tiếng Ý để thế hệ người đọc hôm nay có thể được tiếp cận và thưởng thức.

 

——

* Đọc lại Tuyển tập tác phẩm của Dino Buzzati, Đoàn Tử Huyến và nhiều người dịch, Đông Tây và NXB Hội Nhà văn.

Comments are closed.