Giải Nobel Hòa bình: Narges Mohammadi, nhà hoạt động người Iran đang bị tù tội, là người đoạt giải năm 2023

The New York Times, ngày 6/10/2023

Bản dịch của Văn Việt

Nhà hoạt động đang thụ án 10 năm ở Tehran được vinh danh “vì cuộc đấu tranh của bà chống lại sự áp bức phụ nữ ở Iran”.

clip_image001

Reihane Taravati/Middle East Images, via Agence France-Presse — Getty Images.

Những điều cần biết về giải thưởng năm nay

Farnaz Fassihi và Aaron Boxerman

Narges Mohammadi, một nhà hoạt động người Iran, được vinh danh với Giải Nobel Hòa bình năm 2023 hôm thứ Sáu “vì cuộc đấu tranh của bà chống lại sự áp bức phụ nữ ở Iran và cuộc đấu tranh của bà nhằm thúc đẩy nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người”.

Thông báo được theo dõi chặt chẽ, do Ủy ban Nobel Na Uy ở Oslo đưa ra sau các cuộc biểu tình do phụ nữ lãnh đạo ở Iran và làm chấn động đất nước sau cái chết của một thanh niên 22 tuổi bị cảnh sát đạo đức nước này bắt giữ.

Liên Hợp Quốc tính toán rằng hàng trăm người đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp sau đó của chính phủ, trong đó có ít nhất 44 trẻ vị thành niên, trong khi khoảng 20.000 người Iran bị bắt giữ.

Ủy ban cho biết: “Giải thưởng hòa bình năm nay cũng công nhận hàng trăm nghìn người, vào năm trước, đã biểu tình chống lại chính sách phân biệt đối xử và áp bức nhắm vào phụ nữ của chế độ thần quyền Iran. Khẩu hiệu được những người biểu tình sử dụng – “Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do” [Woman, Life, Freedom] – biểu lộ một cách phù hợp những cống hiến và việc làm của Narges Mohammadi”.

Mohammadi đã thề sẽ ở lại Iran và tiếp tục hoạt động của mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải dành phần đời còn lại trong tù. Bà nói: “Sát cánh bên những người mẹ dũng cảm của Iran, tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại nạn phân biệt đối xử không ngừng, sự chuyên chế và áp bức về giới tính của chính phủ tôn giáo đàn áp cho đến khi phụ nữ được giải phóng”.

Theo ủy ban Nobel, có 351 ứng viên cho giải thưởng năm nay, con số cao thứ hai từ trước đến nay. Bà Mohammadi cùng với 137 người đoạt giải được nêu tên kể từ khi giải thưởng bắt đầu vào năm 1901, trong danh sách bao gồm Tổng thống Barack Obama; Nelson Mandela và F.W. de Klerk; và Mẹ Teresa.

Narges Mohammadi là ai?

Farnaz Fassihi

clip_image002

Một bức ảnh không ghi ngày tháng của Narges Mohammadi. Ảnh: Gia đình Mohammed, qua Reuters

Narges Mohammadi, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhất ở Iran, đã cống hiến sự nghiệp của mình để chống lại sự đàn áp của chính phủ với trọng tâm là quyền của phụ nữ. Bà hiện đang thụ án 10 năm tù tại Nhà tù Evin ở Tehran vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”.

30 năm hoạt động của bà nhằm mang lại sự thay đổi cho người dân Iran một cách ôn hoà thông qua giáo dục, vận động và bất tuân dân sự cũng như củng cố xã hội dân sự, nhưng bà đã phải trả giá đắt: sự tự do, sức khỏe và sự xa cách với chồng, con và cha mẹ.

Ngay cả khi ở trong tù, bà Mohammadi, 51 tuổi, vẫn là một trong những người chỉ trích thẳng thắn nhất chính phủ Iran. Bà đã tổ chức các cuộc biểu tình và biểu tình ngồi như một phần của cuộc nổi dậy do phụ nữ lãnh đạo làm rung chuyển Iran năm ngoái, viết bài và tổ chức toạ đàm hàng tuần cho các nữ tù nhân về quyền của họ.

Bà Mohammadi nói trong một tuyên bố bằng văn bản với The New York Times: “Sự ủng hộ và công nhận toàn cầu đối với hoạt động ủng hộ nhân quyền của tôi khiến tôi quyết tâm hơn, có trách nhiệm hơn, đam mê hơn và hy vọng hơn. Tôi cũng hy vọng sự công nhận này sẽ khiến người Iran phản kháng để thay đổi mạnh mẽ hơn và có tổ chức hơn. Chiến thắng đang đến gần”.

Chồng của bà Mohammadi cũng là nhà hoạt động nhân quyền, Taghi Rahmani, cùng hai đứa con song sinh 16 tuổi của bà, Ali và Kiana, sống lưu vong ở Pháp. Bà đã không gặp con mình trong tám năm.

Ông Rahmani trong tuần này đã cho biết rằng giải thưởng Nobel sẽ là sự ghi nhận cho hàng chục năm hoạt động của vợ ông ở Iran, nhưng sự công nhận sẽ lớn hơn chính Mohammadi.

Ông Rahmani nói trong một cuộc phỏng vấn: “Đây cũng là giải thưởng dành cho tất cả các nhà hoạt động nhân quyền, những người đã đấu tranh cho sự thay đổi ở Iran trong nhiều thập kỷ trong một xã hội có nền luật pháp bất công. Đó là sự công nhận của phong trào Women, Life, Freedom ở Iran”.

Bà Mohammadi là người phụ nữ Iran thứ hai được trao giải Nobel Hòa bình. Shirin Ebadi, một luật sư nhân quyền, đồng thời là cố vấn và đồng nghiệp lâu năm của bà Mohammadi, đã nhận được giải thưởng vào năm 2003. Hai người phụ nữ này đã làm việc cùng nhau ở Iran tại tổ chức Defenders of Human Rights Center, do bà Ebadi thành lập năm 2001. Tổ chức này đã đóng cửa trong một cuộc đột kích bạo lực vào năm 2009.

Bà Mohammadi sinh năm 1972 tại thành phố Zanjan miền trung Iran trong một gia đình trung lưu, bảy năm trước Cách mạng Iran. Con đường hoạt động của bà bắt đầu từ hai ký ức thời thơ ấu: mẹ bà nhét trái cây vào giỏ nhựa màu đỏ để cùng anh trai đến thăm nhà tù hàng tuần, và mẹ bà ngồi trên sàn gần màn hình tivi để nghe tên những tù nhân bị hành quyết mỗi ngày.

Bà học vật lý tại một trường đại học ở Qazvin, Iran, nơi bà nhanh chóng tham gia hoạt động xã hội, thành lập một nhóm đi bộ đường dài dành cho phụ nữ và một nhóm khác tập trung vào việc thúc đẩy tinh thần cộng đồng tích cực của người dân. Bà gặp chồng mình, một nhân vật nổi tiếng trong giới trí thức Iran, khi tham gia một lớp học ngầm do ông dạy về xã hội dân sự. Cặp đôi này luân phiên ra vào nhà tù trong phần lớn cuộc hôn nhân của họ và đã không ở bên nhau như một gia đình cùng với con cái kể từ khi chúng mới chập chững biết đi.

Bà Mohammadi đã giành được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải Tự do Sáng tác PEN/Barbey tại buổi dạ tiệc thường niên ở New York năm nay. Liên Hợp Quốc cũng vinh danh bà là một trong ba người nhận Giải thưởng Tự do Báo chí Thế giới vào tháng 5.

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn với The Times hồi đầu năm nay: “Tôi phải giữ tầm mắt ở đường chân trời và ở tương lai mặc dù những bức tường nhà tù cao và gần và cản trở tầm nhìn của tôi”.

Bà đánh mất sự nghiệp, gia đình và tự do, và tiếp tục chiến đấu

Farnaz Fassihi

clip_image004

Narges Mohammadi tại nhà riêng ở Tehran vào năm ngoái trong thời gian tạm ra khỏi nhà tù để chữa bệnh. Ảnh: Reihane Taravati

Khi Narges Mohammadi chỉ là một cô bé, mẹ bà đã dặn bà đừng bao giờ tham gia chính trị. Cái giá phải trả cho việc chống lại hệ thống ở một quốc gia như Iran sẽ là quá cao.

Lời cảnh báo đó đã được chứng minh là thật.

Tình trạng bị cầm tù hiện tại của bà hầu như không phải là lần đầu bà gặp phải với cách đối xử khắc nghiệt của Iran dành cho những người bất đồng chính kiến.

Trong 30 năm qua, chính phủ Iran đã nhiều lần trừng phạt bà vì những hoạt động và bài viết của bà, tước đi hầu hết những gì bà yêu quý – sự nghiệp kỹ sư, sức khỏe, thời gian dành cho bố mẹ, chồng và các con, và sự tự do của bà.

Lần cuối cùng Mohammadi nghe thấy giọng nói của hai đứa con song sinh 16 tuổi Ali và Kiana là hơn một năm trước. Lần cuối cùng bà ôm con trai và con gái trong tay đã cách đây 8 năm. Chồng bà, Taghi Rahmani, 63 tuổi, cũng là một nhà văn và nhà hoạt động nổi tiếng từng bị bỏ tù 14 năm ở Iran, hiện sống lưu vong ở Pháp cùng với hai con.

Những đau khổ và mất mát mà bà phải chịu đựng không làm suy giảm quyết tâm của bà tiếp tục nỗ lực vì sự thay đổi.

Một cửa sổ nhỏ trong phòng giam của bà ở khu phụ nữ nhà tù Evin mở ra quang cảnh những ngọn núi bao quanh nhà tù ở phía bắc Tehran. Năm nay mùa xuân mang đến nhiều mưa hơn và những ngọn đồi thoai thoải phủ đầy hoa dại.

“Tôi ngồi trước cửa sổ mỗi ngày, nhìn chằm chằm vào cây xanh và mơ về một Iran tự do”, Mohammadi nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hiếm hoi và trái phép từ trong nhà tù Evin vào tháng Tư. “Người ta càng trừng phạt tôi, họ càng lấy đi của tôi nhiều thứ, tôi càng quyết tâm chiến đấu cho đến khi chúng tôi đạt được dân chủ, tự do và không hơn không kém”.

Gia đình nhà hoạt động Iran vui mừng từ xa nhưng vẫn lo sợ cho

Juliette Guéron-Gabrielle, từ Paris

clip_image006

Ali Rahmani và Taghi Rahmani, con trai và chồng của Narges Mohammadi, đứng cạnh những bức ảnh gia đình trong căn hộ của họ ở Paris ngay sau khi công bố giải Nobel vào thứ Sáu. Ảnh: Juliette Guéron-Gabrielle/The New York Times

Ali, con trai 16 tuổi của Narges Mohammadi, sống ở Paris, đang đi học khi Giải Nobel Hòa bình được công bố hôm thứ Sáu. Anh liên tục truy cập điện thoại của mình dưới gầm bàn cho đến khi đồng hồ điểm 11 giờ sáng – và tên mẹ anh ấy hiện lên trên màn hình.

“Trái tim tôi như ngừng đập”, Ali nói sau đó trong một cuộc phỏng vấn tại căn hộ ở Paris, nơi anh và em gái song sinh Kiana, sống với cha của họ, Taghi Rahmani, chồng của Mohammadi.

Ali đã xa mẹ từ năm 2015 và nói chuyện với bà lần cuối cách đây hơn một năm. Anh nói thêm: “Tôi không thể hét lên trong lớp, nhưng tôi rất hạnh phúc”. Bà đang thụ án 10 năm tại Nhà tù Evin ở Tehran vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”.

Căn hộ nhỏ của gia đình luôn nhộn nhịp khi khách và phóng viên chen chúc ra vào, cũng như khi ông Rahmani thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn qua điện thoại bằng tiếng Ba Tư với các cơ quan báo chí từ khắp nơi trên thế giới, tay cầm trà bạc hà và chia sẻ sôcôla.

“Chúng tôi muốn tiếng nói của người dân Iran được khuếch đại từ bên trong”, ông Rahmani nói thông qua một thông dịch viên, khi ngồi trên chiếc ghế dài màu xanh, không xa bức ảnh đóng khung của ông và vợ đặt trên giá sách.

Ông cho biết ông và các con vẫn chưa nói chuyện với bà Mohammadi về tin tức giải Nobel của bà, vì họ không thể gọi điện đến nhà tù nơi bà bị giam giữ.

Ali nói thêm: “Hàng ngày chúng tôi đều lo sợ cho mẹ. Giải Nobel là một dấu hiệu để bà tiếp tục, không từ bỏ cuộc chiến”.

Ali mô tả mẹ anh là người “cực kỳ tốt bụng” và cực kỳ kiên quyết, “người luôn nói sự thật, ngay cả khi bị chĩa súng vào đầu”.

Anh cho biết mẹ anh muốn ở lại Iran và tiếp tục vận động nhân quyền. Nhưng hoạt động này đã phải trả giá đắt, còn gia đình ngày càng lo sợ cho sự an toàn của bà và phải sống ở một đất nước tách biệt với bà.

Ali nói: “Đây là một phần của hệ thống tra tấn vô hình của Iran, là cách mà họ muốn hành hạ con người”.

clip_image008

Christian Hartmann/Reuters

Farnaz Fassihi

Chính quyền Iran chưa phản ứng công khai trước tin tức về giải thưởng của Mohammadi. Một nhà phân tích theo đường lối cứng rắn, cũng là cố vấn cho nhóm đàm phán hạt nhân của Tehran và là người đã bảo vệ hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ, Mohammad Marandi, đã viết trên X: “Phương Tây đã thất bại trong hoạt động thay đổi chế độ của mình, và điều này sẽ không thay đổi được gì. Nó chỉ cho thấy các thực thể khác nhau ở phương Tây được liên kết với nhau như thế nào”.

Leily Nikounazar

Maryam Foumani, một nhà báo người Iran và là nhà hoạt động vì quyền phụ nữ sống ở London, cho biết trong một bài đăng trên X rằng giải thưởng dành cho Mohammadi cho thấy “thế giới đã lắng nghe tiếng nói của xã hội dân sự bên trong Iran”. Dù “trước nhà tù hay sau những bức tường của nó, trong nghĩa trang hay trên đường phố, Narges vẫn là tiếng nói lớn của sự phản kháng và công lý, và tôi rất vui khi giọng nói này cộng hưởng với #woman-life-freedom”, một tham chiếu đến phong trào phản kháng do phụ nữ lãnh đạo ở Iran. “Xin chúc mừng tất cả chúng ta”.

clip_image010

Mohammadi là người phụ nữ thứ 19 nhận được giải thưởng này

Shashank Bengali

clip_image011

Những người phụ nữ đoạt giải Hòa bình khác bao gồm, từ trên cùng bên trái, Malala Yousafzai, Rigoberta Menchú, Wangari Maathai và Maria Ressa. Ảnh: Joy Malone/Getty Images; Luis Soto/Associated Press; Salvatore Di Nolfi/Keystone, via Associated Press; Jam Sta Rosa/Agence France-Presse — Getty Images

Narges Mohammadi là người phụ nữ thứ 19 được chọn cho giải Nobel Hòa bình trong lịch sử.

Quỹ Nobel, cơ quan quản lý các giải thưởng, đã thừa nhận rằng sự mất cân bằng giới tính giữa các giải Nobel khác nhau trong năm 2017 và Göran Hansson, phó chủ tịch ban giám đốc của quỹ, đã hứa rằng bắt đầu từ năm 2018, ủy ban sẽ thực hiện các bước để giải quyết vấn đề này.

Ông nói: “Tôi hy vọng rằng trong 5 hoặc 10 năm nữa, chúng ta sẽ thấy một tình hình rất khác”.

Hơn 100 cá nhân đã nhận được Giải Nobel Hòa bình kể từ khi giải thành lập vào năm 1901, giải thưởng này cũng đã được trao cho các tổ chức. Người phụ nữ đầu tiên nhận giải là Bertha von Suttner, một nhà văn người Áo, nhân vật hàng đầu trong phong trào hòa bình non trẻ ở châu Âu. Bà được công nhận vào năm 1905, hai năm sau khi Marie Curie trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel về vật lý.

Phải 26 năm sau, một người phụ nữ khác mới được chọn cho giải thưởng: Jane Addams người Mỹ, được coi là người sáng lập công tác xã hội hiện đại và là người ủng hộ cho các mối quan tâm với trẻ em và bà mẹ. Bà chia sẻ giải thưởng năm 1931 với Nicholas Murray Butler, người đứng đầu Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

Những phụ nữ khác được vinh danh bao gồm nhà báo Philippines Maria Ressa, người được xướng tên vào năm 2021; Mẹ Teresa năm 1979; nhà cải cách luật pháp Shirin Ebadi của Iran năm 2003; nhà bảo vệ môi trường người Kenya Wangari Maathai năm 2004; và năm 2014, nhà hoạt động giáo dục Malala Yousafzai, người trẻ nhất nhận được giải thưởng.

Năm 2011, ba phụ nữ cùng chia sẻ giải thưởng: Ellen Johnson Sirleaf, cựu tổng thống Liberia; Leymah Gbowee, một nhà hoạt động vì hòa bình đến từ Liberia; và Tawakkol Karman, một nhà báo đến từ Yemen, người đã trở thành gương mặt đại diện cho cuộc nổi dậy “Mùa xuân Ả Rập” ở đất nước bà.

Dưới đây là những người phụ nữ khác đoạt giải:

1946 – Emily Greene Balch, nhà kinh tế học, nhà xã hội học, nhà hòa bình và nhà giáo dục người Mỹ

1976 – Betty Williams và Meiread Corrigan, những người sáng lập phong trào hòa bình ở Bắc Ireland

1982 – Alva Myrdal, nhà ngoại giao và người ủng hộ giải trừ quân bị người Thụy Điển

1991 – Aung San Suu Kyi, nhà hoạt động dân chủ ở Myanmar

1992 – Rigoberta Menchú Tum, người ủng hộ hàng đầu cho quyền và văn hóa Maya

1997 – Jody Williams, nhà hoạt động giải trừ quân bị người Mỹ đã vận động bãi bỏ mìn

2018 – Nadia Murad, nhà hoạt động Yazidi đến từ miền bắc Iraq, người đã thoát khỏi ách nô lệ của Nhà nước Hồi giáo và lãnh đạo chiến dịch chống lại việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh.

Comments are closed.