Giới thiệu “Zu Hause sein” của Minh-Khai Phan-Thi

Tác giả: Minh-Khai Phan-Thị
Tựa sách: Zu Hause sein (tạm dịch: Ở nhà)
Xuất bản: 2007, Diana Verlag (www.diana-verlag.de)
ISBN: 978-3-453-29025-9
Sách dày 270 trang, bìa cứng
Người điểm sách: Tôn Thất Thông

Zu Hause sein von Minh-Khai Phan-Thi portofrei bei bücher.de bestellen

Hôm nay chủ nhật, trời lạnh, nằm trong chăn ấm đọc nốt những trang cuối cùng của cuốn Zu Hause sein. Gấp sách lại. Nhắm mắt để nhớ lại một bé gái 3-4 tuổi trong đêm văn nghệ đại hội thể thao năm nào (hình như 1978) tại Darmstadt cũng như vài lần họp Tết sau đó. Lớn thì ai cũng trưởng thành và khôn ra, đấy là lẽ thường, nhưng khi đọc xong cuốn sách tôi cũng không khỏi ngạc nhiên đến thú vị, thấy lòng mình êm ả với một niềm hạnh phúc đơn sơ: bé gái ngày xưa bây giờ đã thành một nhân vật đáng được ca ngợi, thán phục, và cũng xin chia vui với cha mẹ của tác giả, người bạn lâu năm của tôi ở München, Berlin.

Hơn một nửa cuốn sách, dạng hồi ký, kể về đời sống của hai đại gia đình bên nội (ở Saigon) và bên ngoại (hồi đó còn ở Long Khánh). Văn đơn sơ, giản dị, không cường điệu dông dài, không diễn đạt rườm rà, không thêm thắt tình tiết, Minh-Khai trải rộng lòng mình ra trang giấy để say sưa về những khám phá này tới những khám phá khác về cái mà chúng ta gọi là “giá trị Việt Nam”, sau 3-4 lần về thăm nhà đi chung với cha mẹ. Cái chân thật và tình yêu của Minh Khai đối với những người trong hai đại gia đình đã làm người đọc ngạc nhiên đến thú vị. Và có phải đây chính là tinh hoa của giá trị Việt Nam mà chúng ta muốn đề cao?

Bất chợt đến gần cuối sách, Minh-Khai bỗng trở lại cái nhiệt tình mà chúng ta đã quen thuộc từ những năm đầu 90: đam mê, tự lôi cuốn mình vào những viễn ảnh ấp ủ từ nhỏ, khi Minh-Khai viết lại sự hình thành của phim tư liệu về Việt Nam Mein Vietnam – Land und kein Krieg (tạm dịch: Quê hương tôi – Đất nước và không phải chiến tranh) vào năm 2002-2003, trong đó Minh-Khai vừa là người viết kịch bản để làm phim cho đài truyền hình ZDF, cũng vừa là đạo diễn và giám đốc sản xuất.

Đọc xong sách tôi tự đặt câu hỏi: Động lực nào đã thúc đẩy Minh-Khai viết tác phẩm quí báu này? Thông điệp gì Minh-Khai muốn gởi đến độc giả? Để trả lời hai câu hỏi này có lẽ phải viết nhiều trang giấy, e rằng người đọc sẽ ngán”. Tôi chỉ muốn tóm tắt trong vài câu:

Về câu hỏi thứ nhất, có lẽ động lực lớn nhất là tình thương yêu giữa những thành viên trong hai đại gia đình của Ba & Mẹ, mà trong đó trên đường đi tìm bản sắc khi chưa đến tuổi trưởng thành, Minh-Khai đã ý thức rằng mình là một thành viên. Mặc dù Minh-Khai, như tác giả thừa nhận, không cảm thông với lối sống trật tự trên dưới, nhưng điều đó không ngăn cản sự gắn bó thiết tha của mình vào cấu trúc gia đình đó khi về Việt Nam. Người đọc cũng có cảm tuởng rằng, Minh-Khai muốn viết thay cho Ba Mẹ một vài điều, mà bản thân hai bạn này chưa có cơ hội để làm. Và hình như Minh-Khai muốn cám ơn hai đại gia đình đã ban cho mình những trải nghiệm tuyệt vời khi sống trong đó.

Về câu hỏi thứ hai, chúng ta có thể nhận ra được vài thông điệp Minh-Khai muốn gởi đến độc giả – chủ yếu là độc giả trong xã hội Đức – mà trong đó thông điệp rõ nét nhất có lẽ muốn hướng tầm nhìn của độc giả về một giá trị đáng chú ý hơn, thoát ra khỏi tầm nhìn đầy tính định kiến: Việt Nam không phải chỉ có chiến tranh, thuốc khai hoang, bom Napal, boat people, mà Việt Nam có những giá trị khác độc đáo hơn, mà người Tây phương cần biết. Những giá trị này nằm tiềm ẩn trong những thành viên bình thường trong xã hội, trong những đại gia đình còn biết gìn giữ cái giá trị từ mấy chục năm qua. Vì một lý do nào đó – có lẽ do tính thực dụng, cũng có thể do tư duy – mà những giá trị này bị bỏ quên một cách đáng tiếc, đã đến lúc cần vực nó dậy từ cơn ngủ mê. Minh-Khai, một con én có làm nên mùa xuân được chăng? Dù sao cũng là điều đáng khuyến khích, và chúng ta có thể cám ơn Minh-Khai đã làm thay chúng ta những điều không làm được. (Một ghi chú không quan trọng: Trong các thông điệp này, nếu Minh-Khai ít dùng các khái niệm và từ ngữ Việt Nam làm độc giả Tây phương khựng lại vài giây khi đọc đến, thì có lẽ tác dụng sẽ còn cao hơn nhiều lần).

Nói tóm lại, đây là một cuốn sách nên đọc và giới thiệu cho bạn bè Đức. Sách càng nên đọc đối với những ai có con trong lứa tuổi vị thành niên. Cuốn sách mang đến cho giới trẻ một bài học quí giá trong quan hệ hằng ngày với cha mẹ: Trong những tranh luận để đạt ý muốn đối với cha mẹ, không cần thiết phải hung hãn, mà nhiều lúc phản ứng dịu dàng và tôn trọng người khác lại có kết quả. (Đâu phải chỉ riêng cho vị thành niên? Thế hệ chúng ta cũng có thể học được điều này lắm chứ?).

Sách rất nên đọc vì thế hệ cha mẹ (U50-U60) sẽ nhận thức rõ hơn rằng, những người làm công việc như Minh-Khai đóng góp rất tích cực vào nhận thức của xã hội Đức đối với hình ảnh người Việt Nam. Không nhất thiết phải là luật sư, bác sĩ hay kỹ sư, sự đóng góp của những người như Minh-Khai trong khía cạnh này cao hơn nhiều. Một sứ mệnh không ai giao cho và Minh-Khai cũng không tự gánh lên vai mình, nhưng rõ ràng đây là một sứ mệnh tuyệt vời, đáng trân trọng. Một đầu cầu không thể thiếu được để hoà nhập những con người thuộc hai nền văn hóa khác nhau. Chọn lựa con đường này là một chọn lựa chông gai, nhưng đáng mừng thay, Minh-Khai đã thành công và được đền bù xứng đáng, và chúng ta cũng hưởng lây.

Nói tóm lại nên trữ trong nhà cuốn sách này, cho mình, cho con cái còn tuổi vị thành niên và thỉnh thoảng có dịp thì giới thiệu với bạn bè Đức.

Ghi chú thêm: Minh-Khai, ngoài sự thành công như là một tác giả có năng lực, còn là một người dẫn chương trình (MC) được ưa thích trên TV và những cuộc meeting lớn, một diễn viên nữ trong những loạt phim được ưa chuộng của đài truyền hình ZDF, là đạo diễn của phim do tự mình viết kịch bản và sản xuất cho ZDF, v.v. Tóm lại cũng là một “Who-is-who” trong giới truyền thông Đức.

Nguồn: https://diendankhaiphong.org/zu-haus-sein-minh-khai/

Comments are closed.