Cười cái gì?

Trần Ngọc Hiếu

(Viết lảm nhảm trước lúc lại bị deadline gí tận mặt)

Trước tết, mình và bạn Đinh Trần Tuấn Linh có tranh luận về cái gọi là văn hóa cười của người Việt. Cãi xong để đó. Ai ngờ đến Tết nó lại chủ đề thời sự liên quan đến Táo quân và Xuân Bắc.

Thật sự mà nói, Táo quân là một chương trình có tiếng vang. Nhất là ở những năm đầu tiên. Tiếng cười Táo quân, theo cách hiểu của mình, gần với tiếng cười có chức năng can gián vốn khá phổ biến trong sân khấu dân gian và đến tận kịch của Lưu Quang Vũ vẫn còn mang hơi hướng này. Thậm chí, có người còn cho rằng về bản chất, Táo Quân là một chương trình hài mang tính chính luận (dù dịch ra tiếng Anh thì chắc phải dịch là political comedy, ở đó, chữ political mang một hàm ý sâu sắc hơn nhiều chuyện đem các vấn đề thời sự ra bới móc).

Nhưng tại sao tiếng cười Táo quân ngày càng khó cười, bất kể nỗ lực của những người làm kịch bản và tài năng diễn xuất của những sao sân khấu hàng đầu của miền Bắc? Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng, Chí Trung… đều là những diễn viên thực tài (dù quả thật, chắc trừ Chí Trung, cả ba người còn lại đều chưa có những vai diễn lớn như những bậc đàn anh Trần Tiến, Trọng Khôi, Trần Vân, Anh Tú… đã làm được). Có người bảo tiếng cười Táo quân mất đi tính thời sự do hàng loạt các vấn đề nhức nhối xã hội đã bị bóc mẽ, giải thiêng hàng ngày gắn liền với sự lên ngôi của mạng xã hội. Đó là một lý do. Rồi có người bảo là do kiểm duyệt. Táo quân là hề chèo đã bị chính thống hóa, vì thế nó mất đi sức mạnh của tiếng cười đả phá, tiếng cười có khả năng tống tiễn thời đại một cách vui vẻ, như định nghĩa trứ danh của Marx. Tiếng cười Táo quân là tiếng cười chính trị bị thiến, sắc sảo cỡ nào cũng khó mà "lên" được.

Nhưng mình cho rằng còn một lý do khác. Tiếng cười Táo quân sở dĩ còn cười được khi những vấn đề bị biến thành đối tượng châm chích của nó chỉ là những khuyết tật và có khả năng được chữa lành. Nhưng khi nó là vấn đề của cả hệ thống, cái hệ thống cho phép tiếng cười ấy được vang lên công khai vào thời khắc thiêng liêng nhất trong năm, phủ sóng toàn quốc, cười kiểu Táo quân trở nên vô dụng. Nó thỏa hiệp, nó đành phải lấn sang những khía cạnh thô thiển khác để gây cười, chẳng hạn như những biểu đạt đầy định kiến về giới. Tiếng cười Táo quân bị quy hoạch vào chính thống trở thành tiếng cười mua vui cho đến giờ giao thừa. Mà đã mua vui thì đừng sắc sảo, cay đắng, chua chát làm gì. Dân ta vốn không thích hài hước đen.

Đó cũng chính là lý do mà nhiều người so bì Táo quân VTV với Tào quân HTV ngày nào, rằng tiếng cười miền Nam đời hơn, thật hơn, không phải gồng lên bởi tính chiến đấu. Đó cũng chính là lý do hài Trấn Thành, Trường Giang lúc nào cũng hút khách hơn. Thậm chí cả BB Trần, Minh Dự, Hải Triều… Cười phát quên luôn, cười cộng thêm tí triết lý cảm thương, cười những vặt vãnh hàng ngày của đời người. Tiếng cười né chính trị và tiếng cười lách chính trị… những tiếng cười kiểu đó, vui thì có vui, nhưng có lẽ sự ba phải của nó đồng lõa với những cơ chế kiểm soát nhiều hơn. Nó khó làm người ta hả hê như một tiếng cười carnival làm tan rã cả thời trung cổ.

Bao giờ chúng ta được cười như thế đây?

T.N.H

Nguồn: FB Trần Ngọc Hiếu

Comments are closed.