Quyền lực và Tiến bộ (kỳ 1)

Daron Accemoglu và Simon Johnson

 

Lời giới thiệu

Hơn một năm nay báo chí và mạng xã hội Việt Nam tràn ngập tin về AI (trí tuệ nhân tạo) nhất là về CHAT GPT. Trong bối cảnh ấy một cuốn sách rất thời sự và quan trọng là cuốn thứ 66 của tủ sách SOS2,* QUYỀN LỰC và TIẾN BỘ (POWER and PROGRESS) của Daron Accemoglu và Simon Johnson được nhà xuất bản PublicAffair xuất bản tháng Năm 2023. Cuốn sách có tiêu đề phụ khá dài Cuộc Chiến đấu Ngàn-Năm của Chúng ta về Công nghệ và sự Thịnh vượng (Our Thousand-Year Struggle over Technology and Prosperity).

Sự phát triển công nghệ là một trong vài động lực chính của sự tiến bộ (sự cải thiện điều kiện sống của quảng đại quần chúng, của những người lao động hay sự thịnh vượng được chia sẻ).

Một câu chuyện rất phố biến là sự phát triển công nghệ mang lại sự tiến bộ một cách tự động. Các tác giả kể một câu chuyện có sắc thái hơn, sự phát triển công nghệ không tự động dẫn đến tiến bộ; để sự phát triển công nghệ dẫn đến tiến bộ cũng cần những điều kiện xã hội và thể chế phù hợp. Họ kể câu chuyện rất lý thú về lịch sử phát triển công nghệ từ thời Trung cổ cho đến ngày nay, kể cả AI.

Tính dễ uốn của công nghệ là một khái niệm các tác giả nhấn mạnh với ý rằng chiều của sự phát triển công nghệ có thể uốn theo những hướng khác nhau. Công nghệ có thể được hướng theo chiều trao quyền cho con người, tạo ra sự thịnh vượng cho những người lao động hay chỉ cho một số ít người và có thể làm hại số đông. Hướng phát triển công nghệ luôn là sự lựa chọn, không phải định mệnh. Những gì ảnh hưởng đến hướng của sự phát triển công nghệ? Đó là tầm nhìn, sức thuyết phục, sức mạnh kinh tế, chính trị và xã hội hay nói ngắn gọn là quyền lực (tiêu đề chính của cuốn sách nhấn mạnh khía cạnh quyền lực này của hướng phát triển công nghệ).

Cuộc đấu tranh quyền lực này đôi khi làm đổi hướng phát triển công nghệ theo hướng tạo ra sự thịnh vượng cho số đông và đôi khi không. Cuốn sách kể câu chuyện đấu tranh ngàn năm về công nghệ và sự thịnh vượng (đó là tiêu đề phụ của cuốn sách) một cách rất hấp dẫn và dễ hiểu.

Công nghệ càng đa năng (general-purpose tức là có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực) như động cơ (hơi nước rồi động cơ đốt trong), điện, máy tính (số) và Generative AI [AI Tạo sinh] (trong đó có các mô hình ngôn ngữ lớn mà ChatGPT của Open AI, Bard của Google là những ví dụ) thì hướng phát triển của công nghệ càng đa dạng và sự lựa chọn hướng công nghệ càng quan trọng đối với con người.

Sự phát triển công nghệ luôn đi cùng với tự động hóa, tức là dùng các công cụ công nghệ để thay thế công việc nào đó của con người. Các tác giả cho rằng để đạt sự thịnh vượng được chia sẻ thì nên tránh hướng công nghệ dẫn đến tự động hóa thái quá, chỉ nhằm để thay thế con người (nhất là sự tự động hóa tàm-tạm, tức là sự tự động hóa mang lại sự tăng năng suất không nhiều, ví dụ các kiosk tự thanh toán tại các siêu thị), ngược với hướng công nghệ dẫn đến tự động hóa tạo ra nhiều công việc mới cho người lao động, bổ sung hay tăng cường năng lực của họ (và tăng cao năng suất), nên được khuyến khích.

Các tác giả cho rằng thay cho khái niệm trí tuệ nhân tạo, AI, mà nhắm tới việc tạo ra máy có năng lực trí tuệ ngang bằng với con người thậm chí vượt xa con người, thì khái niệm sự hữu ích máy (MU-Machine Usefullness) có thể có ích hơn. Theo các tác giả, hướng áp đảo hiện nay của công nghệ số, nhất là AI, nhắm tới việc tự động hóa thái quá, và thường là tự động hóa tàm-tạm, tới việc giám sát con người; đó là một sự lựa chọn hướng công nghệ không mang lại sự thịnh vượng được chia sẻ, làm tăng bất bình đẳng, gây sự phân cực; và vì thế nên cố gắng để làm thay đổi hướng này theo hướng sự hữu ích máy.

Để làm thay đổi hướng công nghệ các tác giả đưa ra một số gợi ý cho việc cân nhắc, thảo luận, tìm kiếm các phương pháp thích hợp: thay đổi chuyện kể; tăng cường sức mạnh đối trọng (sức mạnh mặc cả của những người lao động, các tổ chức công đoàn, xã hội dân sự, vân vân); các chính sách và quy định của nhà nước (thuế dữ liệu, thuế quảng cáo số, các trợ cấp cho nghiên cứu, triển khai, vân vân).

Tôi nghĩ cuốn sách này không chỉ lý thú, hấp dẫn, dễ đọc với số đông mà là một cuốn sách quan trọng cho rất nhiều người Việt Nam, tuy các tác giả ít đề cập đến tình hình của các nước đang phát triển (trừ phần nói về các công nghệ được phát triển ở phương Tây nhưng không thích hợp với các nước đang phát triển). Cuộc đấu tranh để làm thay đổi hướng công nghệ cần sự tham gia của số đông và xã hội dân sự có vai trò quan trọng trong việc xây dựng sức mạnh đối trọng, thảo luận, xây dựng các định chế tạo thuận lợi cho sự đổi hướng công nghệ và quan trọng nhất trong việc tạo ra và kể một câu chuyện khác về công nghệ, tránh bị rơi vào cái bẫy tầm nhìn làm chúng ta mù quáng mà những kẻ hùng mạnh giăng ra; nói ngắn gọn trong cuộc đấu tranh để trao quyền cho con người chứ không phải để hướng công nghệ theo hướng giám sát và thay thế con người.

                                                                                                                      3-02-2024

                                                                                                                  Nguyễn Quang A

 

image

 

Mục lục

 

.. 382

Lời giới thiệu.. iii

Mở đầu: Tiến bộ là Gì?. 1

1. Kiểm soát Công nghệ. 6

2. Tầm nhìn Kênh đào.. 25

3. Sức mạnh để Thuyết phục. 42

4. Nuôi dưỡng sự Khốn khổ.. 63

5. Một Loại Cách mạng Tầm trung. 89

6. Các nạn Nhân của sự Tiến bộ.. 111

7. Con đường Tranh cãi 135

8. Sự Thiệt hại Số.. 160

9. Cuộc Đấu tranh Nhân tạo.. 187

10. Nền Dân chủ Tan vỡ.. 213

11. Đổi hướng Công nghệ. 241

Các Ảnh.. 266

Tiểu luận Thư mục. 301

Phần I: Các Nguồn Tổng quát và Hậu Cảnh.. 301

Phần II: Các Nguồn và các Dẫn chiếu, theo Chương. 309

Tài liệu Tham khảo.. 343

Lời Cảm ơn.. 377

Ghi Công trạng Hình ảnh.. 379

Lời khen Quyền lực và Tiến bộ.. 382

 

Daron:

Tặng Aras, Arda, và Asu, cho một tương lai tốt hơn

Simon:

Lúc nào cũng tặng Lucie, Celia, và Mary

Nếu chúng ta kết hợp các tiềm năng máy của một nhà máy của chúng ta với sự đánh giá của những con người mà trên đó hệ thống nhà máy hiện thời của chúng ta dựa vào, chúng ta mau chóng gặp rắc rối với một cuộc cách mạng công nghiệp tàn ác hoàn toàn. Chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận các dữ kiện hơn là các ý thức hệ thời thượng nếu chúng ta muốn vượt qua thời kỳ này một cách bình yên vô sự.

                                                                                                      —Norbert Wiener, 1949

Mở đầu: Tiến bộ là Gì?

 

Hàng ngày, chúng ta nghe từ các nhà điều hành, các nhà báo, các chính trị gia, và thậm chí một số đồng nghiệp của chúng tôi ở MIT rằng chúng ta đang không ngừng hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, nhờ những sự tiến bộ chưa từng thấy về công nghệ. Đây là điện thoại mới của bạn. Kia là ô tô điện mới nhất. Chào mừng thế hệ tiếp theo của media xã hội. Và chẳng bao lâu, có lẽ, những tiến bộ khoa học có thể giải quyết bệnh ung thư, sự nóng lên toàn cầu, và thậm chí sự nghèo đói.

Tất nhiên, các vấn đề vẫn còn đó, kể cả sự bất bình đẳng, sự ô nhiễm, và chủ nghĩa cực đoan khắp toàn cầu. Nhưng đấy là những sự đau đẻ của một thế giới tốt đẹp hơn. Dù sao đi nữa, chúng ta được bảo, các lực công nghệ là không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể chặn chúng dù chúng ta có muốn, và hết sức không nên thử. Tốt hơn hãy thay đổi bản thân chúng ta—chẳng hạn, bằng việc đầu tư vào các kỹ năng sẽ được đánh giá cao trong tương lai. Nếu vẫn còn các vấn đề, các nhà khởi nghiệp tài năng và các nhà khoa học sẽ sáng chế ra các giải pháp—các robot có năng lực hơn, trí tuệ nhân tạo mức-con người, và bất kể sự đột phá nào cần đến.

Mọi người hiểu rằng không phải mọi thứ được Bill Gates, Elon Musk, hay thậm chí Steve Jobs hứa hẹn sẽ có thể xảy ra. Nhưng, như một thế giới, chúng ta đã thấm vào chủ nghĩa lạc quan công nghệ của họ. Mọi người ở mọi nơi nên đổi mới nhiều nhất có thể, tìm ra cái có kết quả, và dũa các cạnh thô ráp muộn hơn.

chúng ta ĐÃ ở đây trước, nhiều lần rồi. Một ví dụ sống động bắt đầu trong 1791, khi Jeremy Bentham đề xuất panopticon, một thiết kế nhà tù. Trong một tòa nhà vòng tròn và với sự chiếu sáng thích hợp, Bentham lập luận, các cai tù ở trung tâm có thể tạo ra cảm tưởng về việc theo dõi liên tục mọi người, mà bản thân các cai tù không bị quan sát—một cách được cho là rất hiệu quả (chi phí thấp) để đảm bảo hành vi tốt.

Thoạt tiên ý tưởng đã tìm thấy sức kéo nào đó với chính phủ Anh, nhưng không có đủ sự tài trợ, và phiên bản gốc đã chẳng bao giờ được xây dựng. Tuy nhiên, panopticon đã thu hút trí tưởng tượng hiện đại. Đối với triết gia Pháp Michel Foucault, nó là một biểu tượng của sự giám sát áp bức ở tâm của các xã hội công nghiệp. Trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell, nó hoạt đông như công cụ toàn năng để kiểm soát xã hội. Trong phim Marvel Guardians of the Galaxy (Những người Bảo vệ Thiên hà), nó tỏ ra là một thiết kế thiếu sót tạo thuận lợi cho một sự vượt ngục tài tình.

Trước khi panopticon được đề xuất như một nhà tù, nó đã là một nhà máy. Ý tưởng xuất phát từ Samuel Bentham, em trai của Jeremy và một kỹ sư hàng hải lão luyện khi đó làm việc cho Hoàng tử Grigory Potemkin ở Nga. Ý tưởng của Samuel là để cho phép vài giám sát viên theo dõi càng nhiều công nhân càng tốt. Đóng góp của Jeremy là để mở rộng nguyên lý đó ra nhiều loại tổ chức. Như ông giải thích cho một người bạn, “Bạn sẽ ngạc nhiên khi bạn thấy tính hiệu quả mà mưu mẹo đơn giản và có vẻ hiển nhiên này hứa hẹn cho công việc của các trường học, các xí nghiệp, các Nhà tù, và thậm chí các Bệnh viện…”.

Sự hấp dẫn của panopticon là dễ để hiểu—nếu bạn chịu trách nhiệm—và đã không bị những người đương thời bỏ qua. Sự giám sát tốt hơn sẽ dẫn đến hành vi tuân thủ hơn, và đã dễ hình dung điều này có thể vì lợi ích rộng hơn của xã hội. Jeremy Bentham đã là một nhà từ thiện, được cổ vũ bởi các sơ đồ để cải thiện tính hiệu quả xã hội và giúp mọi người đến sự hạnh phúc lớn hơn, ít nhất như ông thấy nó. Ngày nay Bentham được công nhận như nhà sáng lập của triết học vị lợi (utilitarianism), mà có nghĩa là tối đa hóa phúc lợi kết hợp của tất cả mọi người trong xã hội. Nếu một số người có thể bị bòn rút một chút để đổi lại cho một ít người nhận được rất nhiều, đó là một sự cải thiện đáng xem xét.

Panopticon đã không chỉ là về hiệu quả hay lợi ích chung, tuy vậy. Sự giám sát trong các nhà máy đã ngụ ý việc khiến các công nhân lao động chăm chỉ hơn, và không cần trả họ lương cao hơn để thúc đẩy nỗ lực lớn hơn.

Hệ thống nhà máy lan nhanh trong nửa thứ hai của thế kỉ thứ mười tám khắp nước Anh. Mặc dù họ đã không vội vã lắp đặt các panopticon, nhiều chủ sử dụng lao động đã tổ chức công việc phù hợp với cách tiếp cận chung của Bentham. Các xí nghiệp dệt đã tiếp quản các hoạt động trước đó được các thợ dệt khéo tay thực hiện và đã chia chúng ra một cách tinh tế hơn, với các yếu tố then chốt bây giờ được các máy mới thực hiện. Các chủ nhà máy đã thuê các công nhân không có kỹ năng, kể cả phụ nữ và trẻ em nhỏ, để thực hiện các nhiệm vụ đơn giản lặp đi lặp lại, như kéo một chiếc tay cầm, trong thời gian lên đến mười bốn giờ một ngày. Họ cũng đã giám sát lực lượng lao động này sát sao, để không ai làm chậm sự sản xuất. Và họ đã trả lương thấp.

Các công nhân đã phàn nàn về các điều kiện và nỗ lực gây sụn lưng. Quá đáng nhất đối với nhiều người đã là các quy tắc họ phải theo trong các nhà máy. Một thợ dệt diễn đạt theo cách này trong 1834: “Không ai muốn làm việc trong một máy dệt, họ không thích nó, tiếng lách cách và ồn ào đến mức nó hầu như khiến một số người bị điên lên; và tiếp nữa, thợ phải chịu kỉ luật mà một thợ dệt khung cửi chẳng bao giờ phải chịu”.

Máy móc mới biến các công nhân thành các bánh răng đơn thuần. Như một thợ dệt khác đã làm chứng trước một ủy ban quốc hội trong tháng Tư 1835, “tôi quyết tâm về phần mình, rằng nếu họ sẽ sáng chế ra các máy để thay thế lao động chân tay, họ phải tìm những đứa con trai bằng sắt để chăm sóc chúng.”

Đối với Jeremy Bentham, là hiển nhiên rằng những sự cải thiện công nghệ đã cho phép các trường học, các nhà máy, các nhà tù, và các bệnh viện hoạt động tốt hơn, và điều này là có lợi cho tất cả mọi người. Với ngôn ngữ văn hoa, quần áo sang trọng, và chiếc mũ ngộ nghĩnh của ông, Bentham sẽ là một nhân vật kỳ quặc ở Thung lũng Silicon hiện đại, nhưng tư duy của ông là hết sức thời thượng. Các công nghệ mới, theo cách nhìn này về thế giới, mở rộng các năng lực con người và, khi áp dụng khắp nền kinh tế, làm tăng hết sức tính hiệu quả và năng suất. Thế thì, logic tiếp tục, xã hội sớm muộn sẽ tìm ra một cách để chia sẻ các lợi lộc này, tạo ra lợi ích cho hầu như tất cả mọi người.

Adam Smith, người cha sáng lập thế kỉ thứ mười tám của kinh tế học hiện đại, cũng đã có thể gia nhập hội đồng quản trị của một quỹ đầu tư vốn mạo hiểm hay viết cho tờ Forbes. Theo quan điểm của ông, các máy móc tốt hơn sẽ hầu như tự động dẫn đến lương cao hơn:

Do hậu quả của máy móc tốt hơn, sự khéo tay lớn hơn, và một sự phân công và phân bố công việc tốt hơn, tất cả các thứ đó là các tác động tự nhiên của sự cải thiện, một lượng lao động nhỏ hơn nhiều trở nên cần thiết cho việc thực hiện bất kể phần công việc cá biệt nào, và thế nhưng, do hậu quả của các hoàn cảnh phát triển của xã hội, giá thực của lao động sẽ tăng rất đáng kể…

Dù sao đi nữa, sự kháng cự là vô ích. Edmund Burke, người đương thời của Bentham và Smith, đã nhắc đến các luật thương mại như “các luật tự nhiên, và do đó các luật của Chúa.”

Làm sao bạn có thể kháng cự lại các quy luật của Chúa? Làm sao bạn có thể cưỡng lại cuộc diễu hành không thể dừng lại của công nghệ? Và dù sao đi nữa, vì sao lại kháng cự những tiến bộ này?

BẤT CHẤP TẤT CẢ sự lạc quan này, hàng ngàn năm qua của lịch sử đầy dẫy các sáng chế mới mà không mang lại gì giống sự thịnh vượng chung:

• Một loạt cải thiện công nghệ trong nền nông nghiệp cổ đại và đầu hiện đại, kể cả những chiếc cày tốt hơn, sự luân canh thông minh hơn, sự dùng nhiều ngựa hơn, và các cối xay được cải thiện nhiều, đã tạo ra hầu như không lợi ích nào cho các nông dân, chiếm gần 90 phần trăm dân cư.

• Những tiến bộ trong thiết kế tàu thủy Âu châu từ cuối Thời Trung Cổ đã cho phép thương mại xuyên đại dương và tạo ra các cơ nghiệp khổng lồ cho một số người Âu châu. Nhưng cùng loại tàu biển cũng đã chở hàng trệu người bị bắt làm nô lệ từ châu Phi sang Thế giới Mới và đã làm cho có thể để xây dựng các hệ thống áp bức kéo dài hàng thế hệ và đã tạo ra các di sản khủng khiếp kéo dài đến ngày nay.

Các nhà máy dệt của đầu cách mạng công nghiệp Anh đã tạo ra sự giàu có lớn cho một số ít người nhưng đã không tăng thu nhập công nhân trong hầu như một trăm năm. Ngược lại, như bản thân các công nhân dệt đã hiểu sâu sắc, giờ làm việc đã kéo dài và các điều kiện đã kinh khủng, cả ở nhà máy và trong các thành phố chen chúc.

• Máy tỉa hột bông đã là một sự đổi mới cách mạng, tăng hết sức năng suất của sự trồng bông và biến Hoa Kỳ thành nhà xuất khẩu bông lớn nhất thế giới. Cùng sáng chế đã tăng cường sự tàn bạo của chế độ nô lệ khi các đồn điền bông lan ra khắp miền Nam nước Mỹ.

• Vào cuối thế kỉ thứ mười chín, nhà hóa học Đức Fritz Haber đã phát triển các phân bón nhân tạo làm tăng sản lượng nông nghiệp. Sau đó, Haber và các nhà khoa học khác đã dùng cùng các ý tưởng để thiết kế các vũ khí hóa học đã giết và làm thương tật hàng trăm ngàn người trên các chiến trường Chiến tranh Thế giới I.

• Như chúng tôi thảo luận trong phần hai của cuốn sách này, những bước tiến ngoạn mục về máy tính đã làm giàu một nhóm nhỏ nhà khởi nghiệp và các ông trùm kinh doanh trong vài thập niên qua, còn hầu hết những người Mỹ không có giáo dục đại học đã bị bỏ lại sau, và nhiều người thậm chí đã thấy thu nhập thực của họ giảm sút.

Một số bạn đọc có thể phản đối tại điểm này: Rốt cuộc chẳng phải chúng ta đã được lợi to lớn từ công nghiệp hóa? Chẳng phải chúng ta thịnh vượng hơn các thế hệ sớm hơn, đã làm việc cực nhọc vì một khoản tiền còm và thường đã chết đói, nhờ những sự cải thiện về cách chúng ta sản xuất hàng hóa và dịch vụ?

Đúng, chúng ta khấm khá hơn các tổ tiên của chúng ta rất nhiều. Ngay cả những người nghèo trong các xã hội Tây phương được hưởng các tiêu chuẩn sống ngày nay cao hơn ba thế kỉ trước rất nhiều, và chúng ta sống khỏe mạnh hơn, có cuộc sống dài hơn nhiều, với các tiện nghi mà những người sống vài trăm năm trước thậm chí không thể tưởng tượng nổi. Và, tất nhiên, tiến bộ khoa học và công nghệ là một phần quan trọng của câu chuyện đó và sẽ phải là nền tảng của bất kể quá trình chia sẻ lợi lộc tương lai nào. Nhưng sự thịnh vượng có cơ sở rộng của quá khứ đã không là kết quả của bất kể lợi lộc tự động, được bảo đảm nào của tiến bộ công nghệ. Đúng hơn, sự thịnh vượng chung đã nổi lên bởi vì, và chỉ khi, hướng của những tiến bộ công nghệ và cách tiếp cận của xã hội để phân chia các lợi lộc bị đẩy khỏi những dàn xếp phục vụ chủ yếu cho một elite hẹp. Chúng ta là những người hưởng thụ tiến bộ, chủ yếu bởi vì các bậc tiền bối của chúng ta đã khiến tiến bộ đó phục vụ cho nhiều người hơn. Như nhà văn và nhà cấp tiến thế kỉ thứ mười tám John Thelwall nhận ra, khi các công nhân tụ tập trong các nhà máy và các thành phố, đã trở nên dễ hơn cho họ để tập hợp xung quanh các lợi ích chung và đưa ra các đòi hỏi cho sự tham gia bình đẳng hơn vào các lợi lộc từ sự tăng trưởng kinh tế:

Sự thực là, sự độc quyền đó, và sự tích tụ tư bản ghê tởm vào vài bàn tay, giống tất cả các bệnh không hoàn toàn chí tử, mang các mầm chữa trong sự tàn ác riêng của chúng. Do chính bản chất của mình con người có tính xã hội và thích trò chuyện cởi mở—hãnh diện để bày tỏ chút kiến thức họ có, và háo hức để mở rộng kho tàng kiến thức của mình khi có cơ hội. Bất cứ thứ gì ép những người đó lại với nhau, vì thế, mặc dù nó có thể gây ra một số tật xấu, là thuận lợi cho sự truyền bá kiến thức, và cuối cùng thúc đẩy sự tự do con người. Vì thế mỗi xưởng và xí nghiệp lớn là một loại xã hội chính trị, mà không đạo luật nghị viện nào có thể bắt nó câm miệng, và không quan hành chính nào có thể giải tán nó.

Sự cạnh tranh bầu cử, sự nổi lên của các công đoàn, và pháp luật để bảo vệ các quyền của các công nhân đã làm thay đổi cách sản xuất được tổ chức và tiền lương được định ở nước Anh thế kỉ thứ mười chín. Kết hợp với sự đến của một làn sóng mới về sự đổi mới từ Hoa Kỳ, chúng cũng tạo ra một hướng mới của công nghệ—tập trung vào sự tăng năng suất công nhân hơn là chỉ sự thay thế máy móc cho những nhiệm vụ chúng được dùng để thực hiện hay sáng chế ra những cách mới để giám sát họ. Trong thế kỉ tiếp theo, công nghệ này đã lan ra khắp Tây Âu và sau đó khắp thế giới.

Hầu hết mọi người khắp toàn cầu ngày nay khấm khá hơn các tổ tiên của chúng ta bởi vì các công dân và các công nhân trong các xã hội công nghiệp sớm đã tổ chức, đã thách thức các lựa chọn bị elite-chi phối về công nghệ và các điều kiện làm việc, và đã buộc những cách chia sẻ công bằng hơn lợi lộc từ những sự cải thiện kỹ thuật.

Ngày nay chúng ta cần làm cùng thế lần nữa.

Tin tốt là các công cụ không thể tin nổi là sẵn có cho chúng ta, kể cả chụp ảnh cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging-MRI), các vaccine mRNA, các robot công nghiệp, internet, sức mạnh tính toán to lớn, và lượng dữ liệu đồ sộ về các thứ chúng ta đã không thể đo được trước kia. Chúng ta có thể dùng các đổi mới này để giải quyết các vấn đề thực tế—nhưng chỉ nếu các năng lực gây kinh hoàng này được tập trung vào việc giúp đỡ mọi người. Tuy vậy, đấy không phải là hướng mà chúng ta hiện thời đang hướng tới.

Bất chấp lịch sử dạy chúng ta cái gì, chuyện kể chi phối ngày nay quay lại tới cái gì đó rất gần với cái đã phổ biến ở nước Anh 250 năm trước. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thậm chí còn lạc quan một cách mù quáng hơn và tinh hoa chủ nghĩa hơn về công nghệ so với thời của Jeremy Bentham, Adam Smith, và Edmund Burke. Như chúng tôi lập tư liệu trong Chương 1, những người đưa ra các quyết định lớn lại lần nữa bị điếc đối với sự đau khổ được tạo ra nhân danh sự tiến bộ.

Chúng tôi viết cuốn sách này để cho thấy rằng tiến bộ chẳng bao giờ là tự động cả. “Sự tiến bộ” của ngày hôm nay lần nữa đang làm giàu cho một nhóm nhỏ doanh nhân và nhà đầu tư, trong khi hầu hết mọi người bị tước quyền và được lợi ít.

Một tầm nhìn mới, bao hàm hơn về công nghệ có thể nổi lên chỉ nếu cơ sở của quyền lực xã hội thay đổi. Điều này đòi hỏi, như trong thế kỉ thứ mười chín, sự nổi lên của các phản lý lẽ và các tổ chức mà có thể đứng lên chống lại minh triết quy ước. Đối đầu với tầm nhìn phổ biến và giành lấy hướng đi công nghệ khỏi sự kiểm soát của một elite hẹp có thể thậm chí còn khó khăn hơn nó đã là tại nước Anh và nước Mỹ thế kỉ thứ mười chín. Nhưng nó không ít cốt yếu hơn.


* Những cuốn trước:

1. Kornai János, Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.

2. Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.

……….

23. Daron Accemoglu, James A Robinson, Vì sao các Quốc gia Thất bại, 2012 (NXB trẻ có bản dịch khác được xuất bản 2013)

…….

41. Triệu Tử Dương, Tù nhân bí mật của Nhà nước – Nhật ký bí mật của Triệu Tử dương, NXB Dân Khí, 2019

42. Gabriel Zucman, Của cải Giấu giếm của các Quốc gia, NXB Dân Khí, 2019

43. Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, Chiến thắng của sự Bất công:

………

53. Amartya Sen, Quê Nhà trong Thế giới, NXB Dân Khí, 2021

54. Desmond Shum, Roulete Đỏ, NXB Dân Khí, 2021

55. Katherine M. Gehl và Michael E. Porter, Ngành Chính trị, NXB Dân Khí, 2021

56. Ronald Inglehart và Christian Welzel, Hiện đại hóa, sự Thay đổi Văn hóa và Dân chủ, NXB Dân Khí, 2022

57. Ronald Inglehart, Sự Tiến hóa Văn hóa, NXB Dân Khí, 2022

58. Blanko Milanovic, Bất bình đẳng Toàn cầu, NXB Dân Khí, 2022

59. Blanko Milanovic, Chủ nghĩa tư bản, Một mình, NXB Dân Khí, 2022

60. Julia Cagé, Cứu Media, NXB Dân Khí, 2022

61. Moisés Naím, Sự Trả thù của Quyền lực, NXB Dân Khí, 2022

62. David Van Reybrouck, Chống Bầu cử – Biện hộ cho Dân chủ, NXB Dân Khí, 2022

63. John Gastil và Eric Olin Wright biên tập, Cơ quan Lập pháp bằng rút Thăm, NXB Dân Khí, 2023

64. Timothy Snyder, Đường tới không-Tự do, NXB Dân Khí, 2023

65. Yves Sintomer, Chính phủ Tình cờ, NXB Dân Khí, 2023

 

(Còn tiếp)

Comments are closed.