2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 17)

Hoàng Hưng

171. Behaviour therapy: Liệu pháp hành vi

Một bộ sưu tập những kĩ thuật của liệu pháp tâm lí nhắm thay đổi các mẫu hành vi kém thích nghi hay không mong muốn, đặc biệt thông qua việc áp dụng các nguyên tắc điều kiện hoá và học tập. Giả định cơ bản là phần lớn các hình thức rối loạn tâm trí có thể được diễn gỉai như các mẫu hành vi kém thích nghi, những mẫu này là kết quả của các quá trình học tập, và việc xử lí đúng đắn những rối loạn ấy bao gồm xoá bỏ việc học những mẫu hành vi này và học những mẫu mới. Cũng gọi là behaviour modifications (sửa đổi hành vi).

172. Belief-bias effect: Hiệu ứng niềm tin-thiên kiến

Phát hiện then chốt làm bệ đỡ cho các mẫu suy lí dual-process (tiến trình hai mặt), bằng cách tạo ra một xung đột giữa suy luận logic và những niềm tin trước đó. Chẳng hạn, trong tam đoạn luận vô hiệu sau đây, kết luận xung đột với những niềm tin trước đó, và chỉ 10% sinh viên cho là nó có hiệu lực: “Không có nhà triệu phú nào là người làm việc vất vả. Một số người giàu là người làm việc vất vả. Vậy một số nhà triệu phú không phải là người giàu”. Trái lại, khi cũng kiểu suy luận này dựa trên những phát biểu mà kết luận thuận với những niềm tin trước đó, thì hơn 70% chấp nhận là có hiệu lực: “Không có chất gây nghiện nào là rẻ tiền. Một số thuốc lá là rẻ tiền. Vậy một số chất gây nghiện không phải là thuốc lá”. Điều này cho thấy người ta có xu hướng chịu ảnh hưởng của cả logic của các luận điểm và sự khả tín của các kết luận. Thuật ngữ được đưa vào năm 1980 trong một bài báo trên tờ Memory and Cognition – Trí nhớ và nhận thức của nhà Tâm lý học Mĩ Russell Revlin (1943-) và những người khác.

173. Bestiality: Sự thú dâm/ Thú tính

– Một kiểu tà dâm có đặc trưng là giao phối giữa người và thú vật. Cũng gọi là zoophilia hay zooerasty.

– Hành vi hay tính cách tàn bạo, dã man.

174. Beta personality factor: Nhân tố nhân cách Beta

Một nhân tố nổi lên từ Big Five personality factors – năm nhân tố lớn của nhân cách, gợi ý của nhà Tâm lý học Mĩ John M. Digman (1923-98) trong một bài báo trên tờ Journal of Personality and Social Psychology – Tập san Tâm lý học nhân cách và xã hội. Kết hợp tính hướng ngoại và cởi mở đối với trải nghiệm, và có thể thể hiện sự trưởng thành của cá nhân, hay điều kiện để phấn đấu giành quyền lực và sự làm chủ. Nhà Tâm lý học Mĩ Colin G. DeYoung (1976-) và những người khác thì cho rằng nó thể hiện tính mềm dẻo. So sánh với Alpha Personality Factor.

175. Bibliotherapy: Liệu pháp đọc

Các hình thức liệu pháp tâm lí trong đó việc đọc những văn bản được chỉ định là thành phần quan trọng của tiến trình chữa trị.

176. Big five: Năm nhân tố lớn

Những nhân tố được chấp nhận rộng rãi từ thập niên 1980 như những kích thước căn bản của nhân cách: extraversion – hướng ngoại, agreeableness – dễ chịu, conscientiousness – cẩn trọng, neuroticism – thần kinh nhạy cảm, và openess – cởi mở. Chứng cứ cho Năm nhân tố Lớn được bình điểm bởi nhà Tâm lý học Mỹ Lewis Robert Goldberg (1932-) trong bài báo có ảnh hưởng trên tờ American Psychologist – Nhà Tâm lý học Mĩ năm 1993. Cũng gọi là the five factor model (FFM)- hình mẫu năm nhân tố.

177. Binet-Simon scale: Thước đo Binet-Simon

Đo nghiệm chuẩn hoá đầu tiên về trí khôn, được xây dựng vào năm 1905 bởi hai nhà Tâm lý học Pháp Alfred Binet (1857-1911) và Théodore Simon (1873-1961). Bao gồm những mục nhằm đo năng lực theo dõi bài giảng, thực hiện sự phán đoán, và giải quyết những vấn đề khác nhau. Phiên bản cuối cùng gồm 54 mục xếp theo mức độ khó khăn, từ theo dõi chuyển động của một que diêm cháy, chỉ ra những bộ phận của cơ thể và đếm ngược từ số 20, đến việc tìm ra thời gian chỉ trên mặt đồng hồ nếu các kim giờ và phút bị đổi chỗ. Cũng gọi là Binet scale, tuy bất công với Simon là người góp phần quan trọng vào sự phát triển thước đo này.

178. Biophilia: Lòng yêu sự sống

Lòng yêu sự sống và các sinh thể. Từ này phổ biến từ khi được sử dụng bởi nhà tâm thần học Mỹ gốc Đức Erich Fromm (1900-80) trong sách The Heart of Man: Its Genius for Good and EvilTrái tim con người: thiên năng đối với cái thiện và cái ác (1965). So sánh với necrophilia – tâm thức bị quyến rũ bởi cái chết.

179. Biopsychology: Tâm lí học sinh học

Ngành Tâm lý học nghiên cứu sự tương tác giữa tâm trí và thân thể và các hiệu ứng của nó.

180. Bipolar disorders: Các rối loạn lưỡng cực

Một loại rối loạn tâm trạng có đặc trưng là những giai đoạn hưng cảm (mania) hay những giai đoạn pha trộn và thường là, tuy không nhất thiết, với những giai đoạn trầm cảm nặng. Ví dụ: các rối loạn lưỡng cực loại I – những giai đoạn trầm cảm nặng với những giai đoạn hưng cảm; các rối loạn lưỡng cực loại II – những giai đoạn trầm cảm nặng với những giai đoạn hypomania (hưng cảm nhẹ) hơn là hưng cảm; loại rối loạn cyclothymic (những triệu chứng hưng cảm nhẹ tách biệt với những triệu chứng trầm cảm). Cũng gọi là manic-depressive psychoses (loạn tâm hưng-trầm cảm).

Comments are closed.