Hoàng Hưng
391. Dialectical behaviour (behavior) therapy: Liệu pháp hành vi biện chứng
Một hình thức liệu pháp hành vi nhận thức được thiết kế đặc biệt để chữa trị chứng rối loạn nhân cách khó xếp loại và đôi khi chữa trị những chứng rối loạn nhân cách khác, mục tiêu quan trọng nhất là giảm thiểu hành vi gần gụi với tự tử và những hành vi khác đe doạ sinh mạng. Trong những buổi chữa trị hằng tuần cho cá nhân và nhóm, và giữa những kì chữa trị qua điện thoại, nhà chữa trị củng cố hành vi thích nghi, dạy cho người bệnh cách quản lí các chấn thương xúc cảm và thực hành chánh niệm. Liệu pháp được đưa vào bởi nhà Tâm lý học Mĩ Marsha M. Linehan (1943-) và nhiều đồng nghiệp trong sách Archives of General Therapy (Lưu trữ về liệu pháp tổng quát) năm 1991.
392. Diana complex: Phức cảm Diana
[trong Tâm lý học cá nhân của nhà tâm thần học Áo Alfred Adler (1870-1937) và các môn đồ]: Ước muốn bị dồn nén của người phụ nữ muốn là nam giới. Đặt theo tên Diana, nữ thần săn bắn La Mã (săn bắn được coi là công việc mang nam tính một cách điển hình).
393. Difference threshold: Ngưỡng phân biệt
[trong tâm vật lí]: Sự thay đổi nhỏ nhất có thể nhận biết trong một kích thích hay sự khác biệt giữa hai kích thích có thể được nhận biết một cách đáng tin cậy, thường được xác định là sự khác biệt có độ chính xác 75%, mặc dù cũng có những tỉ số khác được sử dụng. Cũng gọi là difference linen (DL), discrimination threshold hay just noticeable difference (jnd).
394. Differential reinforcement: (sự) Củng cố khu biệt
[trong operant conditioning – điều kiện hoá tác động]: Sự củng cố phụ thuộc vào nhiều hơn một đáp ứng đơn nhất, như khi một con chuột được củng cố do ấn vào một đòn bẩy khi có một kiểu tín hiệu (mà không phải là kiểu tín hiệu khác). Có tác dụng xác định những loại phân biệt nào sinh vật có thể có.
395. Digit-symbol test: Đo nghiệm dùng biểu tượng thay con số
Một kiểu đo nghiệm trí khôn (hoặc bài đo nghiệm phụ về trí khôn) trong đó người được đo nghiệm học một bảng mã mà mỗi con số được tượng trưng bằng một biểu tượng – chẳng hạn, 1 có thể tượng trưng bằng ngôi sao, 2 bằng hình vuông, 3 bằng tam giác… – và sau đó cố thay những biểu tượng đúng bằng một loạt con số một cách nhanh và chuẩn xác hết mức có thể. Cũng gọi là symbol-digit test hay coding test (đo nghiệm về mã hoá).
396. Dionysian: (mang tính) Tửu thần
Bộc phát và không được kiểm soát; trong triết học của triết gia Đức Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900), nói về hay liên quan đến những phẩm tính sáng tạo của tính bộc phát (tự phát), phi lí và vứt bỏ kỉ luật. Đặt theo tên Dinonysus, thần rượu vang đem đến sự mê li ngây ngất. Trái với Apollonian (mang tính Dương thần).
397. Direct analysis: (sự) Phân tích trực tiếp
Một kĩ thuật phân tâm học trong đó người phân tích trình bày những diễn giải cho người bệnh một cách thẳng thừng, toan tính giao tiếp trực tiếp với cái vô thức của người bệnh. Chẳng hạn, người phân tích có thể diễn giải phức cảm Oedipus của một nam bệnh nhân như sau: “Ông muốn… mẹ mình và cắt bỏ bìu… của cha mình”. Được đưa vào năm 1946 bởi nhà Tâm lý học Mĩ John Nathaniel Rosen (1902-83), ông tuyên bố rằng kĩ thuật này đặc biệt hữu hiệu để trị chứng tâm thần phân liệt, trong đó cái vô thức lấn lướt những sự phòng vệ của người bệnh, nhưng vào đầu những năm 1980 nó bị tranh cãi rất nhiều và Rosen ngưng áp dụng nó. Kĩ thuật này được thảo luận chi tiết trong sách Direct Analysis: Selected Papers – Phân tích trực tiếp: các luận văn chọn lọc (1953).
398. Directed association: (sự) Liên tưởng có chỉ đạo
[trong Tâm lý học phân tích]: Việc sử dụng ngôn ngữ và những khái niệm một cách có ý thức, gắn với thực tế, là đặc trưng của truyền thông tri thức, trình bày khoa học và lương tri. Liên quan chặt chẽ với tiến trình thứ hai của phân tâm học. Carl Gustav Jung (1875-1861) thảo luận dài về khái niệm này, tương phản nó với fantasy thinking (tư duy phóng tưởng).
399. Discontinuity theory: Thuyết gián đoạn
Một lí thuyết về việc học đề xuất bởi nhà Tâm lý học Mĩ Karl Spencer Lashley (1890-1958), theo đó một động vật / người không học từng bước (ngày càng cao) về kích thích mà mình gặp, mà hình thành những giả thuyết và chỉ học về một kích thích trong mối quan hệ với những giả thuyết đang có của mình, khiến cho một tiến trình học có thể bao gồm những bước nhảy đột ngột, vì một giả thuyết được thay thế bằng một giả thuyết khác.
400. Discourse analysis: (sự) Phân tích diễn ngôn
Một phương pháp nghiên cứu định lượng và một lĩnh vực nghiên cứu chuyên về hiểu mọi hình thức tương tác nói và văn bản viết. Nó coi ngôn ngữ như một hoạt động xây dựng thực tại hơn là chỉ mô tả hay nói đến nó, và cách tiếp cận của nó về mặt lí thuyết bị ảnh hưởng bởi lí thuyết về tháo rỡ, ngữ nghĩa học và hành động nói, và có xu hướng là mang tính phê phán những lí thuyết truyền thống và những phương pháp luận về nghiên cứu của Tâm lý học. Việc nghiên cứu tập trung vào những qui tắc chính xác chỉ huy tần suất của những đơn vị ngôn ngữ có thể được phép và những khía cạnh ngôn ngữ như discourse marker (cụm từ xen giữa các ngữ đoạn) như “bạn thấy đấy”, “ý tôi là”…