2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 55)

Hoàng Hưng

551. Extrinsic interest: (sự) Quan tâm, lợi ích ngoại tại

Sự dấn thân vào một nhiệm vụ hay hành vi được kích thích bởi niềm tin rằng thực hiện nó một cách hiệu quả sẽ đem đến phần thưởng hay phòng ngừa sự trừng phạt, hơn là thoả mãn bên trong (nội tại) (intrinsic satisfaction) do thực hiện tốt nhiệm vụ vì lợi ích tự thân của nó.

552. Extrinsic religion: Tôn giáo ngoại tại

Định hướng tôn giáo trong đó tôn giáo chủ yếu là phương tiện cho những mục đích khác, như phúc lợi xã hội hay cá nhân, hơn là mục đích tự nó (giới thiệu bởi Gordon W.Allport)

553. Eye-hand coordination: (sự) Điều hợp mắt-tay

Vận hành hài hoà của mắt và bàn tay trong việc nắm bắt và mò tìm đồ vật và thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt. Vào độ 6 tháng tuổi, phần lớn trẻ có thể nắm bắt một vật trong tầm tay, mặc dù việc sử dụng đầy đủ ngón cái thì sau đó mới phát triển vào khoảng từ 8 đến 12 tháng tuổi.

554. Eye-movement desensitization and reprocessing: (việc) Giải mẫn cảm và tái xử lí mắt-chuyển động

Một hình thức liệu pháp tâm lí thoạt đầu nhắm trị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lí (PTSD) và đôi khi áp dụng cho những rối loạn lo âu khác. Khi áp dụng cho PTSD, người bệnh thoạt tiên được yêu cầu thị hiện hay nhớ lại trải nghiệm chấn thương một cách sống động nhất và nói thành lời, như tôi cảm thấy mình sắp chết, tóm tắt tác động tâm lí của nó. Sau đó người bệnh định mức độ lo âu của mình theo thang 0-10 SUD (Subjective Units of Distress – các đơn vị trầm cảm chủ quan) và đưa ra một tuyên bố tích cực tóm tắt một đáp ứng mong muốn đối với tình huống tưởng tượng, như tôi có thể sống sót, và định mức độ tin tưởng vào mong muốn ấy theo thang 0-8 của Hiệu lực Thức nhận (Validity of Cognition). Sau những bước chuẩn bị ấy, người bệnh tập trung nhìn vào một vật và theo dõi chuyển động của nó khi người chữa trị di chuyển nó đi đi lại lại theo các nhóm 12-14 chuyển động sang hai bên trước mặt người bệnh, với nhịp khoảng 2 chuyển động một giây. Sau mỗi nhóm chuyển động, người bệnh được yêu cầu xoá sạch thị ảnh hoặc kí ức, hít vào sâu, và xem lại định mức SUD và Hiệu lực Thức nhận. Diễn trình này tiếp tục cho đến khi mức SUD giảm xuống dưới 2 và Hiệu lực Thức nhận lên trên 6. Kĩ thuật này được phát triển vào năm 1987 và giới thiệu vào năm 1989 bởi nhà Tâm lý học Mĩ Francine Shapiro (1948-), người tình cờ phát hiện thấy chuyển động đi đi lại lại của con mắt làm giảm sự lo âu của chính mình. Viết tắt: EMDR.

555. Eyewitness misinformation effect: Hiệu ứng lệch lạc thông tin của chứng nhân

Hiện tượng thông tin lệch lạc sau sự kiện có tác động bóp méo sự nhớ lại sự kiện của chứng nhân, như khi nạn nhân một vụ tấn công tính dục sau đó được nghe kể rằng có một nghi phạm bị bắt trên cánh tay trái có hình xăm, thế là người ấy tin rằng mình nhớ có nhìn thấy hình xăm trên cánh tay kẻ tấn công mình. Hiệu ứng có thể là do thông tin sau sự kiện đè lên kí ức đầu tiên, hay chứng nhân trở nên lầm lẫn về nguồn các thông tin khác nhau mà kí ức đầu tiên không nhất thiết bị khiếm khuyết. Các diễn trình này được nghiên cứu một cách hệ thống đầu tiên bởi các nhà Tâm lý học Mĩ Elizabeth F. Loftus (1944-) và John Palmer (1954-), họ đã tường trình các phát hiện của mình trên tờ Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior (Tập san Học và Hành vi Ngôn từ) năm 1974, và hiệu ứng được thảo luận dài trong sách Eyewitness Testimony (Lời chứng mắt thấy) của Loftus năm 1979. Trong thí nghiệm gốc, người tham dự xem một video ghi lại cảnh 2 chiếc xe hơi đâm nhau, và được hỏi rằng 2 xe đi với tốc độ thế nào khi chúng va chạm hay đâm xầm vào nhau. Khi từ đâm xầm được dùng, những người tham dự nhìn chung đoán tốc độ của xe là 7 dặm/giờ nhanh hơn so với tốc độ được đoán khi dùng từ va chạm, và 1 tuần sau đó, khi từ đâm xầm được dùng, thì có 32% người tham dự nhớ sai là có hình ảnh kính xe vỡ so với 14% người tham dự nhớ như thế khi từ va chạm được dùng.

556. Facework: (việc) Giữ thể diện, diện kiến tương tác

– Trong tương tác xã hội, một tập hợp hành vi chiến lược nhằm duy trì cả tư cách bản thân và tư cách của người đối tác, đối thoại. Bao gồm sự lịch thiếp, chiều ý, khéo léo, tránh những chủ đề khó khăn, và sử dụng nửa-sự thật và lời nói dối vô hại (“white lies”).

– Tương tác mặt đối mặt giữa những người dấn thân vào kinh doanh, chính trị, ngoại giao và những hoạt động có mục tiêu. Những tương tác này có thể bao gồm trao đổi nhỏ và trò chuyện cá nhân cũng như thảo luận nghị trình chính thức.

557. Facial feedback hypothesis: Giả thuyết phản hồi qua vẻ mặt

Giả thuyết cho rằng biểu hiện trên mặt liên kết với một cảm xúc cụ thể có xu hướng sinh ra cảm xúc ấy. Từ một nhận xét của nhà tự nhiên học người Anh Charles Robert Darwin (1809-82) trong sách The Expression of the Emotions in Man and Animals (Biểu hiện cảm xúc ở người và động vật) (1872), nhà Tâm lý học Mĩ William James (1842-1910) nhấn mạnh rằng các biểu hiện cơ thể thực sự gây ra cảm xúc (trong thuyết James-Lange). Những nghiên cứu gần đây cho thấy cả kích thích điện với các cơ mặt để gây ra biểu hiện nhân tạo cũng như việc tạm thời làm tê liệt cơ mặt bằng cách tiêm Botox đều tác động tới cảm xúc. Trong một bài viết trên tờ Journal of Personality and Social Psychology – (Tập san Nhân cách và Tâm lý học xã hội) (1988), nhà Tâm lý học Đức Fritz Strack (1950-) và 2 đồng nghiệp chỉ ra rằng ngay cả việc cắn 1 cây bút bên cạnh miệng làm cho miệng bị ép thành tư thế gần như mỉm cười cũng có xu hướng gây ra cảm xúc tích cực.

558. Facial vision: Cái nhìn bằng cảm giác mặt

Sự nhận biết các vật trở ngại mà không nhìn thấy, nơi những người mù, thường cảm thấy như một cảm giác xúc giác ở vùng mặt; các thí nghiệm cho thấy có thể giải thích bằng những sóng âm dội lại và hoàn toàn do thính giác trung chuyển. Triết gia Pháp Denis Diderot (1713-84) trong một lá thư viết năm 1749, đầu tiên qui cho đầu dây thần kinh mặt, nhưng các thí nghiệm sau đó xác lập rằng điều này là nhờ sự định vị bằng tiếng vang (echolocation).

559. Factitiuos disorder: Rối loạn giả cách

Một rối loạn tâm trí có đặc trưng là một mẫu liên miên những triệu chứng giả cách và/ hoặc những tổn thương tự gây ra để làm như rối loạn, mà không có một tình trạng thể chất hay tâm trí được xác nhận, và không có bất kì động cơ kinh tế hay sự khuyến khích nào từ bên ngoài. Động cơ là được chữa trị, được nhập viện, hay đóng vai người ốm để được phẫu thuật.

560. Failure neurosis: Chứng loạn thần kinh thất bại

Thuật ngữ được giới thiệu bởi nhà phân tâm học Pháp René Laforgue (1894-1962) để nói một lớp rối loạn có đặc trưng là hành vi có vẻ tính toán nhằm đem hoạ đến cho bản thân và không có năng lực chấp nhận những điều mà mình ham muốn mãnh liệt. Hội chứng này là sự mở rộng và đi sâu vào những ý tưởng thoạt tiên được Sigmund Freud (1856-1939) đưa ra trong bài viết “Vài kiểu tính cách gặp được trong công việc phân tích tâm lí”. Cũng gọi là failure syndrome (hội chứng thất bại).

Comments are closed.