2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 71)

Hoàng Hưng

711. Hedonic contingency hypothesis: Giả thuyết về khả năng gây khoái cảm

Lý thuyết về tình cảm và thông tin, cho rằng người ta xem xét hàm ý gây khoái cảm của thông tin khi quyết định việc đi sâu khai thác thông tin. Khi người ta có tâm trạng tích cực, họ có xu hướng chú ý cao độ đến tác động của thông tin với tâm trạng của mình. Nếu thông tin được coi là hưng phấn, họ sẽ dấn vào khai thác hết mức để duy trì tâm trạng tích cực của mình, nếu thông tin được coi là không vui, thì sẽ ít khai thác. Khi người ta có tâm trạng tiêu cực, họ có xu hướng ít chú ý khai thác các hậu quả gây khoái cảm vì thông tin có thể khiến họ trở nên tích cực hơn.

712. Helplessness theory: Thuyết bất lực

Thuyết cho rằng người gặp đi gặp lại các tình huống căng thẳng vượt tầm kiểm soát sẽ mất khả năng quyết định hay dấn thân hiệu quả vào hành vi có mục đích.

713. Here and now: Bây giờ, ở đây

Trong tâm lý liệu pháp, gồm liệu pháp nhận thức, tình cảm, và ứng xử nổi lên ở bất kì thời điểm nào trong liệu trình, cũng như mối quan hệ giữa nhà trị liệu với người bệnh ở một thời điểm tương ứng. Khi cách tiếp cận “bây giờ ở đây” được sử dụng trong tâm lý liệu pháp, người ta nhấn mạnh vào việc hiểu những cảm nhận hiện tại và phản ứng liên cá nhân xảy ra trong liệu trình chứ không nhấn mạnh hay khai thác trải nghiệm quá khứ hay những lý do nằm bên dưới của ý nghĩ, cảm xúc hay hành vi của người bệnh.

714. Herstory: Lịch sử theo nhãn quan nữ quyền

Thuật ngữ được chế bởi các nhà tranh đấu nữ quyền ở Mỹ năm 1970, chơi chữ từ danh từ history (lịch sử) được diễn giải thành his story (chuyện kể của anh ta – nam giới), từ đó herstory có nghĩa là her story (chuyện kể của chị ta – nữ giới).

715. Heterosociality: Quan hệ xã hội nam nữ

Quan hệ giữa hai phái ở trình độ xã hội (hơn là tính dục hay lãng mạn).

716. Heuristic: (sự) Lựa chọn theo thói quen

Một qui trình vội vã, sẵn sàng lựa chọn quyết định, phán xét hay giải quyết theo thói quen chứ không áp dụng một thuật toán hay so sánh kỹ càng các phương án có thể có, do đó không bảo đảm có kết quả đúng hay tối ưu. Khái niệm được tìm thấy dấu vết trong tác phẩm của nhà khoa học chính trị và lý thuyết gia về sự quyết định người Mỹ Herbert Alexander Simon (1916-2001), ông gợi ra từ năm 1957, rằng những người ra quyết định có hạn chế về lý tính sử dụng những qui trình như thế khi không dễ dàng có được sự xem xét mọi phương án. Khái niệm được giới thiệu lại trong Tâm lý học đầu thập kỷ 1970 bởi các nhà Tâm lý học Mỹ gốc Israel Amos Tversky (1937-96) và Daniel Kahneman (1934-). Cũng gọi là cognitive heuristic.

717. Hidden observer: Người quan sát giấu mặt

Trong một người bị thôi miên, có một phần tâm trí vận hành riêng rẽ, trải nghiệm mọi chuyện mà người bị thôi miên có vẻ không nhận biết. Chẳng hạn, một người bị thôi miên được tiêm thuốc giảm đau có thể không có cảm giác đau, nhưng khi nhà thôi miên nói: “Khi tôi đặt tay lên vai ông, tôi sẽ có thể nói chuyện với một phần giấu mặt của ông, phần ấy biết được những chuyện xảy ra trên cơ thể ông mà cái phần tôi đang nói đây không biết”, thế là ngườI quan sát giấu mặt có thể hiện ra và ngườI bị thôi miên có thể thấy cảm giác đau. Hiện tượng được quan sát vào năm 1899 bởi nhà Tâm lý học người Mỹ William James (1842-1910) và nhiều nhà nghiên cứu sau đó, nhưng đã được nghiên cứu thử nghiệm lần đầu vào năm 1973 bởi nhà Tâm lý học người Mỹ Ernest Roquiequit Hilgard (1904-2001), ông đã khám phá lại nó nhờ một cơ duyên trong một thí nghiệm, khi một người điếc được thôi miên được khe khẽ yêu cầu giơ ngón tay trỏ nếu như “phần nào đó” của ông ta nghe được tiếng của nhà thôi miên, thế là ngón tay giơ lên và người được thôi miên lập tức hỏi có phải thính giác của mình đã phục hồi, vì ông đã cảm thấy ngón tay mình cử động.

718. Hindsight bias: Thiên kiến phán đoán hậu kiện

Xu hướng đánh giá quá lố phán đoán hậu kiện (sau khi sự kiện đã xảy ra), coi là mình đã dự đoán được sự kiện từ trước. Được tường trình lần đầu vào năm 1975 bởi nhà Tâm lý học người Mỹ Baruch Fischhoff (1946-), thoạt tiên ông mời mọi người tiên đoán việc có vẻ như sẽ xảy ra (như Tổng thống Mỹ đi thăm China) và sau đó nhớ lại dự đoán của họ. Kết quả cho thấy họ có thiên kiến là mình dự đoán đúng như sự việc xảy ra.

719. Histrionic personality disorder: Rối loạn nhân cách kịch tính

Đặc trưng là một mẫu cảm xúc quá mức và hành vi tìm kiếm sự chú ý, bắt đầu từ tuổi mới lớn. Các dấu hiệu và triệu chứng là: khó chịu khi mình không phải trung tâm chú ý, tương tác quyến rũ tính dục không thích hợp, thể hiện cảm xúc dễ dãi nông cạn, kiên trì sử dụng ngoại hình để thu hút sự chú ý, phong cách nói năng gây ấn tượng mà không có đủ nội dung, tự kịch tính hoá và xu hướng coi các mối quan hệ thân thiết quá sự thực. Viết tắt: HDP

720. Hoarding disorder: Rối loạn tích cóp

Rối loạn tâm trí có đặc trưng là khó chia sẻ, xa rời, vứt bỏ tài sản bất kể giá trị thực của chúng, và đau buồn khi bị buộc phải xa rời, tạo nên sự suy giảm trong vận hành xã hội, nghề nghiệp hàng ngày. Người mắc tật chứng này thường tích cóp đồ vật đầy chỗ ở cho đến khi không còn dùng được. Theo một thống kê thì độ phổ biến của tật này là 2% ở Mỹ và 6% ở châu Âu.

Comments are closed.