2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 88)

Hoàng Hưng

881. In vivo desensitization: (sự) Giải nhạy cảm trong khung cảnh sống

Một kĩ thuật sử dụng trong Liệu pháp hành vi (Behaviour/ Behavior Therapy), thường để giảm hay trừ bỏ chứng ám sợ (phobias), trong đó người bệnh được đối mặt với những kích thích gây lo âu. Người chữa trị thảo luận với người bệnh, tạo ra những sự kiện gợi lo âu nhiều cấp bậc hay những tiết mục liên quan đến kích thích gây lo âu hay chứng ám sợ. Sau đó người bệnh được đối mặt với kích thích thực hơn là được yêu cầu tưởng tượng ra nó. Thành công phụ thuộc vào việc người bệnh vượt qua được nỗi lo âu khi gặp những sự kiện hay tiết mục nói trên. [Được phát triển lần đầu tiên bởi nhà Tâm lý học Mĩ Mary Cover Jones (1896-1987)].

882. Involved grandparent: Ông/Bà can dự sâu

Kiểu ông/bà có mối quan hệ yêu thương nồng ấm với cháu nội/ngoại và chăm lo hằng ngày cho cháu như đưa đón đi học, săn sóc ngoài giờ học, lo về tài chính. Khác với kiểu companionate grandparent (ông/bà đồng hành: yêu thương, quan tâm nhưng không chăm sóc hằng ngày) remote grandparent (Ông/bà xa cách).

883. IQ: Chỉ số trí khôn

Một cách đo trình độ trí khôn (trí thông minh) của cá nhân dựa trên các đo nghiệm tâm lí. Trong thời kì đầu, IQ được đo bằng cách chia tuổi tâm trí (mental age) cho tuổi đời (chronological age) rồi nhân với 100 để có ratio IQ (IQ tỉ suất). Khái niệm này giờ đây phần lớn được thay bằng deviation IQ (IQ chênh lệch) là một hàm chênh lệch của điểm số cá nhân với điểm số trung bình, điểm số trung bình là 100 và độ chênh lệch chuẩn là +15 hoặc -15 so với điểm số trung bình. Kết quả cho thấy khoảng 2/3 dân số có điểm giữa 85 và 115; 2,5% trên 130 và dưới 70.

Một số đo nghiệm cho những điểm số chuyên biệt hơn, như verbal IQ (trí khôn ngôn ngữ), performance IQ (trí khôn thực hiện). Những dữ kiện bổ sung được rút ra từ các đo nghiệm IQ như tốc độ thực hiện, phẩm chất không đãng trí, sự hiểu ngôn từ và tổ chức gíác tri (tri giác).

Có những người phê phán về khiếm khuyết của khái niệm IQ và những cách đo trí khôn khác. Họ chỉ ra rằng đo nghiệm IQ là đo đạc những kĩ năng và kiến thức đã học được hơn là đo khả năng bẩm sinh nằm bên dưới, và nhiều người tham dự chỉ đơn giản là không quen ngồi yên và tuân theo các mệnh lệnh (những điều kiện mà phần lớn đo nghiệm đòi hỏi), mặc dù họ vận hành tốt trong thực tế. Các nhà phê bình cũng nói đến những trường hợp trình bày sai các thực kiện trong lịch sử nghiên cứu IQ. Tuy nhiên, những vấn đề ấy dường như áp dụng vào sự diễn giải các điểm số IQ hơn là hiệu lực của bản thân các điểm số.

884. Irradiation theory of learning: Thuyết học bức xạ

Thuyết cho rằng mỗi kích thích khởi động một tổ chức tế bào chuyên biệt trong não, và sự khởi động ấy lan truyền (bức xạ). Hai kích thích trở nên liên kết khi các địa hạt khởi động của chúng chồng nhau. Sự bức xạ được giả thuyết là cơ sở thần kinh của việc điều kiện hoá kinh điển của Ivan Pavlov.

885. Irrational type: Kiểu phi lí tính

[trong Tâm lí học Phân tích của Carl Jung] Một trong hai loại hình chủ yếu của kiểu chức năng (functional type), bao gồm kiểu trực giác (intuitive type) và kiểu giác cảm (cảm giác) (sensation type). Khác với kiểu lí tính (rational type).

886. Isolated explosive disorder: Rối loạn bùng nổ đơn lẻ

Một rối loạn về kiểm soát xung động (impulse-control disorder) có đặc trưng là một thời kì đơn lẻ trong đó cá nhân phạm phải hành động bạo lực gây tai hoạ như bắn vào người lạ trong cơn giận dữ bất thần. Thời kì này không hề tỉ lệ với bất kì trạng thái căng thẳng dồn ép nào, không phải do bất kì rối loạn tâm trí nào khác hay do một điều kiện y tế chung nào, và không do thứ vật chất nào gây ra. Cũng gọi là catathymic crisis (khủng hoảng vô thức). Khác với intermittent explosive disorder (rối loạn bùng nổ cách quãng).

887. Jigsaw method: Phương pháp lắp hình

Kĩ thuật học nhóm thoạt tiên được thiết kế nhằm giảm bớt định kiến và thù hằn giữa các học sinh ở các trường học đa sắc tộc. Kĩ thuật này được dùng để cổ vũ môi trường hợp tác học tập, giảm bớt sự cô lập xã hội, và cải tiến thành tích học tập. Học sinh làm việc trong các nhóm về một đơn vị nội dung. Giáo viên giao cho mỗi thành viên nhóm một số chủ điểm trong đơn vị và cho phép những em có cùng chủ điểm rời nhóm của mình để học với nhau. Sau đó các em lại trở về nhóm và dạy lại cho nhóm về những chủ điểm mình đã học. Cũng gọi là jigsaw classroom (lớp học lắp hình). [Được phát triển vào những năm 1970 bởi nhà Tâm lý học thực nghiệm người Mĩ Elliot Aronson (1932-) và các đồng nghiệp].

888. Job enlargement: (sự) Mở rộng việc làm

Mở rộng các trách nhiệm liên kết với một việc làm cụ thể. Trong horizontal job enlargement (mở rộng việc làm theo chiều ngang) người làm công được yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ phụ nhiều hơn và đa dạng hơn, với cùng trình độ phức hợp so với nhiệm vụ đang làm; trong vertical job enlargement (mở rộng việc làm theo chiều đứng), người làm công được yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ phức hợp hơn và nhận thêm trách nhiệm và quyền tự trị.

889. Job involvement: (sự) Dấn thân với việc làm

Mức độ đồng nhất của một người với việc làm của mình. Một người có mức độ dấn thân cao vào việc làm thường có được sự thoả mãn cao về đời sống từ việc làm. Thành đạt trong việc làm dẫn đến tinh thần tự hào và tự trọng mạnh mẽ, trong khi những thất bại trong việc làm dẫn đến sự bất mãn và trầm cảm.

2000. Just-world phenomenon: Hiện tượng “Thế giới công chính”

Niềm tin rằng điều gì xảy ra cho mọi người là điều họ đáng nhận. Hiện tượng này được gán cho ước mong tin rằng các sự kiện diễn ra là hợp lí chứ không phải do may rủi. Một thái độ như thế có thể dẫn đến niềm tin rằng nạn nhân vô tội của một tai nạn phải có phần chịu trách nhiệm về, hay đáng nhận tai nạn ấy. Cũng gọi là just-world hypothesis (giả thuyết “thế giới công chính”). [Do nhà Tâm lý học người Canada (1929-) phát biểu].     

Comments are closed.