Bàn về tương lai với sử quan Hégel, Phật, Nho và Ky tô giáo

Nguyễn Hoài Văn

(Góp ý nhân đọc bài “Triết học lịch sử Hégel và tương lai Việt Nam” của Nguyễn Hữu Liêm)

Hégel là một triết gia rất được tôn thờ và cũng rất bị chỉ trích. Người ta đã gọi ông là “bậc thầy tư tưởng của thời đại chúng ta”(Alain), là “Aristote tân thời” v.v…Quan điểm “lịch sử đã chấm dứt” do ông đưa ra vào thế kỷ 19 lại vừa được rao truyền rầm rộ lúc gần đây bởi một anh công chức bộ ngoại giao Hoa Kỳ, cùng lượt với việc công bố một “trật tự thế giới mới” của xếp anh ta. Tuy vậy, ngay từ khi Hégel ngự trị gần như một cách tuyệt đối trên trường tư tưởng Tây Phương vào giữa thế kỷ 19, thì ông đã bị công kích nặng nề: Schopenhauer (1788-1860) gọi Hégel là “tên thợ viết vớ vẩn, vô nghĩa” (écrivailleur d’absurdités) và là “kẻ làm rối loạn tâm trí” (détraqueur de cervelle). Stirner (1806-1856) và nhất là Kierkegaard (1813-1855), cha đẻ của thuyết Hiện Sinh, đều là những triết gia đối nghịch với Hégel. Ngày nay, quan điểm của ông về lịch sử, về quốc gia…đã bị phủ nhận bởi đa số các học giả. Người ta cũng nghi ngờ sự lương thiện của ông ta. Popper cho rằng Hégel chỉ nổi tiếng nhờ tung ra những lý thuyết khó hiểu, dao to búa lớn, áp đảo được tinh thần đám trí thức thời ông. Thậm chí, sự thành công vượt bực của Hégel đã làm cho cái cung cách thiếu khiêm nhường này trở thành một nền nếp cho giới trí thức noi theo cho đến gần đây. Popper nói những người trí thức vào đại học không phải để tìm tòi hiểu biết thực sự, mà để “học những phương pháp loè thiên hạ bằng cách nói cầu kỳ và khó hiểu”. Ông gọi đó là “chủ thuyết Hégel” (Hégelianisme).

HÉGEL VÀ KY TÔ GIÁO:

Nguyễn Hữu Liêm rất có lý khi cho rằng triết lý lịch sử của Hégel là một biến thể của giáo lý Ky Tô Giáo. Thật vậy, Hégel đã đưa Thiên Chúa vào lịch sử, coi lịch sử là sự thể hiện ý muốn của Thiên Chúa đem loài người đến với ngài. Ông cũng thần thánh hoá Quốc Gia, đặc biệt là quốc gia Phổ (Đức), coi quốc gia như sự biểu hiện của “hành trình của Thiên Chúa nơi trần gian”. Những gì xảy ra sau đó tại Đức và Âu Châu cho thấy sự nguy hiểm của quan điểm này…
Thật ra những suy nghĩ của Hégel về lịch sử có thể được coi như nằm trong một giòng tư tưởng rộng lớn hơn gọi là “thuyết tân tiến” (modernisme). Các học giả thuộc giòng tư tưởng này tin chắc rằng : tương lai luôn tốt đẹp hơn hiện tại, luôn đem lại sự giải quyết cho những vấn đề của hiện tại. Kết quả là lịch sử có một chiều đi, từ “thấp” tới “cao”, từ “xấu” tới “tốt”. Giòng tư tưởng này có nguồn gốc rất xa xưa. Thánh Kinh Cựu Ước khi nói đến lời hứa của Chúa với dân tộc của Ngài đã định ra một chiều đi cho lịch sử. Tiếp đó và gần với chúng ta hơn, ta có thể kể Thánh Augustin (354-430) rồi Vico (1668-1744) và một số học giả khác như Condorcet, Auguste Comte, Marx v.v…
Điều cần nhận rõ là sử quan của Hégel chỉ là một biến thể của giáo lý Ky Tô Giáo. Nó rất khác với những gì mà đức Ky Tô và truyền nhân của ngài giảng dạy. Các đoạn Phúc Âm Mathieu 24, Marc 13, Luc 21 thường được coi như báo trước một ngày tận thế, ngày mà tất cả những gì con người đã xây dựng được nơi trần thế đều sẽ bị huỷ diệt, “không còn viên đá nào chồng lên viên đá nào” như lời Đức Ky Tô mô tả qua thí dụ của Đền Thờ Jérusalem. Thế thì lịch sử có vẻ sẽ không phải là giòng sông đưa loài người đến bến hạnh phúc trong một xã hội tốt đẹp trường cửu như Hégel nghĩ. “Tất cả sẽ bị huỷ diệt”. Đó là lời Chúa!
Rồi sau đó, sẽ có gì? Giáo lý nói sẽ có một thế giới khác, hoàn toàn không phải sự nối dài của cái xã hội con người mà chúng ta đang chứng kiến. Chỉ cần một chi tiết: người chết sẽ đội mồ đứng dậy, là đủ hình dung được sự khác biệt của cái “xã hội” mới này đối với xã hội của chúng ta ngày nay. Vì thế quan điểm của Hégel về một sự nối dài của lịch sử xã hội con người hiện tại đến tận Thiên Chúa là trái với giáo lý Ky Tô Giáo. Trong Jean 15:19 đức Ky Tô nói: “các ngươi không thuộc thế gian này, ta đã đặt các ngươi ra ngoài thế gian”. Rồi khi Toàn Quyền La Mã Pilatô tra hỏi đức Ky Tô, ngài cũng trả lời: “Vương quốc của ta không thộc thế gian này” (Jean 18:36) Vậy, khi cứ nhất định lôi Thiên Chúa xuống trần gian để làm “chạy” cái lịch sử của ông ta, Hégel đã có thái độ không phù hợp với sự giảng dạy của Đức Ky Tô.
Thật ra, ông chỉ lập lại sự sai lầm của một số người ái quốc Do Thái xưa, khi họ mơ tưởng rằng Đức Ky Tô sẽ đánh đuổi người La Mã, đem lại cho quốc gia họ sự phú cường thịnh vượng. Nhưng Thiên Chúa đã không chịu “đầu tư” vào cái quốc gia mà họ cũng như Hégel tôn thờ !

HÉGEL VÀ PHẬT GIÁO:

Cái bẫy mà kẻ bàn về Phật Giáo hay vấp phải là cho rằng: Phật Giáo chủ trương thế này, quan điểm thế nọ. Giáo thuyết Phật Giáo vô cùng bao la, không thể quy kết vào một hệ thống. Kinh điển có chỗ nói thế này có chỗ lại nói ngược lại, tuỳ trình độ, tuỳ trường hợp, “tuỳ bệnh đối trị”. Điển hình nhứt trong cách “quản lý” các mâu thuẫn của Đạo Phật có lẽ là Kinh Kim Cương, khi Đức Phật đề cập đến một loạt vấn đề với cùng một mô thức như sau: Vì không phải là như thế nên tôi nói nó là như thế, và nếu thật sự nó là như thế thì tôi lại không nói như thế…
Nói như thế (tức không phải thế !), nhưng chúng ta cũng có thể hiểu một cách hạn hẹp rằng:
– Phật Giáo có thuyết Vô Thường, cho mọi sự vật đều luôn biến hoá, khó mà gán ghép được với quan niệm một điểm đến của lịch sử, như Hégel đã nghĩ.
– Phật Giáo cũng dạy rằng mọi sự vật đều có sanh có diệt. Xã hội loài người cũng sẽ có một thời “mạt kiếp” với “tam tai” (hoả tai, thuỷ tai, phong tai) huỷ diệt tất cả.
– Phật Giáo vạch ra con đường giải thoát như sự vứt bỏ hoàn toàn mọi ràng buộc nên có vẻ khó gần được với lý tưởng Tự Do trong khuôn khổ một xã hội Pháp Trị điều hành bởi một quốc gia được thần thánh hoá của Hégel.
– Sự giải thoát, tức sự tự do của Phật Giáo là kết quả của một quá trình tu luyện, trong đó lỗ lực chính yếu là một hành trình nội tâm đi tìm cái “bản lai chân diện mục” (mặt thật) của mình và từ đó, ý thức được thực tánh của mọi sự vật. Thành quả của cuộc hành trình nội tâm này không thể lệ thuộc vào sự hiện hữu của một xã hội lý tưởng nào đó. Từ đầm lầy hôi tanh, ngọn sen vươn lên, và nở ra đoá hoa kiều diễm ngát hương thơm…
– Ý thức được mặt thật của mình cũng là ý thức mình chỉ là một tập hợp của ngũ uẩn, mà ngũ uẩn thì lại “giai không” như lời kinh anh em mình thường tâm niệm. Vây, nếu con người (như mọi sự vật) không có tự thể, thì xã hội có tự thể hay không, và lịch sử hiểu theo nghĩa của Hégel phải chăng chỉ là một “vọng kiến”? Lịch sử bất quá chỉ là câu chuyện của những “giả hữu” giả hợp theo quy luật Nhân Duyên. Thế thì làm sao có được một hướng đi nào khác ngoài sự luẩn quẩn triền miên trong cái vòng Nhân Duyên thống khổ kia?
– Đạt đến Tự Do, tức được giải thoát, theo Phật Giáo là đạt đến một trạng thái không có người không có ta, không có chỗ này không có chỗ khác, không có lúc này không có lúc khác, không có quá khứ không có tương lai (lúc nào cũng là lúc này). Nếu không có thời gian, không có quá khứ và tương lai, thì nhét cái lịch sử, cái tiến trình đi đến Tự Do của Hégel vào chỗ nào? Ta nhớ lời công án:
Hỏi: Làm thế nào để được giải thoát?
Trả lời (hỏi lại): Anh có bị giam bao giờ đâu mà đòi được giải thoát?
Thật vậy, anh vẫn tự do đấy, có ai giam cầm anh được đâu? cần gì phải lệ thuộc nào lịch sử, nào quốc gia, nào luật pháp để được giải thoát? Biết Tự Do thì Tự Do! Đó có thể là câu trả lời cho Hégel.

Tựu trung, ta có cảm tưởng Đức Phật không dạy cách xây dựng một xã hội lý tưởng. Ngài vạch ra một con đường giải thoát cho những cá nhân có ý thức để họ sớm thoát vòng Nhân Quả, chứ ngài không giải trừ quy luật Nhân quả ra khỏi xã hội (làm vậy là phủ nhận hẳn luật này). Vì thế, lịch sử sẽ vẫn nổi trôi lặn hụp trong cái bể khổ vô bờ của Nhân Quả triền miên, chỉ có những con người thức tỉnh quay đầu lại thấy bến bờ giải thoát mà thôi (1).

Không có sự giác ngộ của xã hội, chỉ có sự giác ngộ của những con người.

HÉGEL VÀ NHO GIÁO:

Nho Giáo chủ trương lịch sử tiến hoá theo chu kỳ. Đức Khổng luôn cho rằng cái thời của ngài đang sống không tốt đẹp bằng giai đoạn lịch sử của các bậc Thánh Vương chẳng hạn, và bổn phận mà ngài tự đặt ra là làm sao đem cái xã hội Chiến Quốc nhiễu nhương lúc ấy trở lại tình trạng tốt đẹp an bình của thời các vị Vua Thánh kia. Làm như thế là khép một chu kỳ, trong khi chờ đợi chu kỳ khác. Tuy nhiên, khép một chu kỳ không phải là trở lại y nguyên tình trạng đã có trong quá khứ. Trở lại, nhưng với những điều kiện thực tế đã đổi khác, sẽ cho ra một cái gì có một số sắc thái cũ, nhưng không hoàn toàn như cũ. Ví như bốn mùa luân chuyển, “xuân đến, xuân đi, xuân lại về”, nhưng mỗi mùa xuân đều khác nhau. Các nhà biện chứng cắt nghĩa điều này bằng quy luật “phủ định của phủ định”, có thể được diễn đạt sơ sài như sau:

Khi từ giai đoạn A sang giai đoạn B, tôi phủ định A,
Khi từ B sang C, tôi lại phủ định B, tức là tôi phủ định sự phủ định A,
Như thế là tôi trở lại A và coi như đóng một chu kỳ.
Tuy nhiên, vì điều kiện thực tế đã đổi khác, tôi chỉ có thể trở lại một cái gì tương tự với A, nhưng không thể hoàn toàn là A được.

Nho Giáo lấy căn bản từ thuyết Âm Dương cũng quan niệm sự vật biến hoá không ngừng theo những quy luật điều hành mâu thuẫn trong những sự vật ấy (được biểu tượng bằng Âm và Dương), để cho ra nhiều chu kỳ vận động ảnh hưởng lẫn nhau. Xã hội con người chịu ảnh hưởng những chu kỳ như vậy. Và cái khéo trong việc điều hành xã hội là biết thích nghi được với những chu kỳ này, tức nắm được các yếu tố THỜI và CƠ, như hai câu thơ của cụ Trần Văn Ân:
Tráng kiện Thân, Tâm minh định chí
THỜI, CƠ nắm vững lộ đồ tiền.

Câu hỏi mà Hégel có thể đặt ra cho Nho Gia là: liệu mỗi chu kỳ như vậy có đưa xã hội con người “lên” một trình độ “tốt” hơn, “cao” hơn hay không?
Dường như các nhà Nho xưa đã không trả lời câu hỏi này. Phải chăng vì ảnh hưởng của học thuyết Âm Dương đã khiến họ tương đối hoá các khái niệm tốt-xấu, cao-thấp ? Cái gì tốt chẳng có mặt xấu, cái gì cao chẳng có chỗ thấp ? Cũng có lẽ đối với họ, thích hợp với quy luật của vũ trụ thì “tốt”, ngược lại là “xấu”.Vả lại, “tốt-xấu” có chăng cũng phải vận động theo chu kỳ như mọi mâu thuẫn khác…
Vậy quan niệm lịch sử tiến hoá theo chu kỳ của Nho Giáo có lẽ cũng không thích hợp lắm với Sử Quan Hégel.

TRÍ THỨC NHƯ MỘT BẦY BÒ:

Sử quan Hégel có một khía cạnh rất tiêu cực (2). Nó cho phép người ta định hướng ra một hướng tiến của lịch sử, rồi kềm chế suy nghĩ của mọi người trong chiều hướng đó. Cũng như Hégel, người ta phùng mang trợn mắt nạt nộ thiên hạ với những từ ngữ dao to búa lớn như “năng lực hướng thượng vô biên của giòng lịch sử”, “ngọn cờ thời đại”, “đội ngũ tiền phong của xã hội, của tiến bộ”, “lý lẽ mới của thời đại”, “trào lưu tiến hoá của nhân loại”, “đường đi tất yếu của con người, của nền văn minh nhân loại” v.v…Cộng sản đã dùng sự khủng bố ấy để đàn áp tinh thần nhiều thế hệ trí thức khắp nơi, bắt họ quỳ gối tuân phục, trong các nước CS lẫn (phải nói: và nhất là) trong các nước tự do. Hầu hết các tên tuổi sáng giá nhất trên trường tư tưởng, những người được giải Nobel, những đại văn hào, đai triết gia, những nghệ sĩ tài danh nhất, những nhà khoa học lỗi lạc nhất của nhiều thập niên đều đã nhất loạt quy hàng “lịch sử”, như một bầy bò được dẫn đi bởi vài tên mục đồng ngơ ngáo. Họ đã không dám cưỡng lại “đường đi tất yếu” của lịch sử mà Hégel, rồi Marx (4) đã chỉ cho họ, không thể ngờ vực cái “chân trời không thể vượt qua của lý trí” như lời Sartre, người đã từng được tán dương là “triết gia cuối cùng của lịch sử”, với ý nghĩa Sartre đã giải quyết tất cả các vấn đề còn lại của triết học, sau ông, không còn gì để nói nữa ! Những trí thức lớn cũng như nhỏ ấy vì danh lợi hay vì sợ bị “nghiền nát bởi bánh xe lịch sử”, sợ bị gọi là “chó” (bọn chống Cộng là đồ chó! vẫn lời của Sartre) đã “hồ hởi” ùa theo “ngọn cờ thời đại”, xin được lập công chuộc tội (tội trí thức, tội tiểu tư sản) trước những kẻ mà trong những lúc nhã nhặn nhất chỉ coi họ như những “cục phân”. Rồi, thời gian trôi, chính những người trí thức ấy, những kẻ “thức thời” của thủa nào, những kẻ đã từng tôn vinh “thiên đường Liên Xô”, lại tự sắc phong mình là những người chống Cộng “đứng đắn” nhất, để phán dạy dân đen, những người luôn bị thiệt thòi, những bài học đạo đức mới của thời đại mới cho một thiên đường mới. Người ta “anh dũng” đạp lên ngọn cờ đã đổ để lại vui vẻ hùa nhau chạy theo một ngọn cờ mới, một chiều đi “tất yếu” mới của lịch sử!
Đó là một điều tiêu cực, không phải vì nó làm lộ ra cái tiêu cực của trí thức, mà vì nó hạn chế sự suy nghĩ của con người, và hạn chế khả năng sinh tồn của nhân loại.

HÀNH TINH LANG THANG:

Ngày nay niềm tin sắt đá vào một tương lai huy hoàng của nhân loại đã phai mờ. Edgar Morin gọi quả địa cầu của chúng ta là “một hành tinh lang thang”, không biết sẽ đi đâu? Thật vậy, ai dám quả quyết rằng ngày mai nhân loại sẽ dắt tay nhau đi vào một kỷ nguyên hạnh phúc trường cửu, khi ý thức được những hiểm hoạ đầy dẫy trước mặt: nào môi sinh ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên khánh kiệt, dân số gia tăng vượt mức, chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp võ khí tàn phá tập thể ngày càng phổ biến…Tiến bộ ngày nay đồng nghĩa với gia tăng tiêu thụ, gia tăng ô nhiễm, gia tăng chênh lệch giàu nghèo với hệ quả là gia tăng tranh chấp. Thế thì, cứ cái đà “tiến bộ” này, người ta sẽ “tiến” tới đâu? (3)

SÁNG TẠO LÀ TƯƠNG LAI CON NGƯỜI:

Có một cái gì tuyệt vọng và hoang mang trong đầu óc các nhà tư tưởng hiện đại. Tuyệt vọng vì những yếu tố hiện có không giải quyết được các vấn đề đặt ra. Hoang mang vì không biết sẽ phải làm gì ? Chỉ còn một phương cách để thoát bế tắc, đó là sáng tạo, là tìm ra những yếu tố mà trong hiện tại ta không có, để giải quyết các vấn đề không giải quyết nổi với những yếu tố hiện có. Sự sáng tạo ấy phải lần theo nhiều hướng đi, để nếu sáng tạo này thất bại, trên lý thuyết, hay trong thực tế áp dụng, thì có thể có sáng tạo khác thành công. Có như thế mới hy vọng được rằng một trong những sáng tạo ấy sẽ giải quyết được những vấn đề nan giải hiện đặt ra, và sẽ cho phép nhân loại tồn tại thêm một thời gian nữa…Gò bó sự sáng tạo trong một “hướng đi tất yếu của lịch sử”, một “trào lưu của nhân loại” là loại bỏ những con đường sáng tạo khác, là hạn chế khả năng sinh tồn của loài người. Chạy theo một mô hình phát triển như một “trào lưu tất yếu” đã nhấn chìm nhiều quốc gia kém phát triển, đặc biệt là tại Phi Châu, xuống vũng lầy nghèo đói.
Đối với Việt Nam, hạn chế sự sáng tạo trong một chiều hướng, dù là chiều hướng Xã Hội Chủ Nghĩa hay ngược lại, đều là hạn chế khả năng sinh tồn của nước nhà.
Không có một con đường lịch sử tất yếu. Mọi tương lai đều khả hữu, kể cả sự huỷ diệt của giống người. Tương lai Việt Nam cũng vậy.
Đừng chỉ cho cuộc sống một hướng đi, đừng dạy cho cuộc sống một bài học, mà hãy khiêm tốn học bài học của cuộc sống.

16/10/1992
N.H.V.

(1) Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn
(2) Một số khía cạnh tích cực đã được Nguyễn Hữu Liêm trình bày một cách sâu sắc
(3) Cần định nghĩa lại khái niệm “tiến bộ”( đề tài của một bài viết khác)

(4) Quan điểm của tôi về quan niệm lịch sử của Marx đã thay đổi, xin đọc : Những Ngộ Nhận Về Học Thuyết Marx

Nguồn: http://nguyen.hoai.van.pagesperso-orange.fr/Hegel.htm

 

 

 

 

Comments are closed.