Chủ nghĩa tư bản, một mình (kỳ 5)

Branko Milanovic

Nguyễn Quang A dịch

image

CHƯƠNG 4: TƯƠNG TÁC CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VÀ TOÀN CẦU HÓA

Trong lịch sử cổ xưa mỗi phát minh phải làm lại hàng ngày và, một cách độc lập ở mỗi vùng… Chỉ khi thương mại trở thành thương mại-toàn cầu và có đại công nghiệp như cơ sở của nó, khi tất cả các quốc gia bị kéo vào cuộc vật lộn cạnh tranh, thì tính lâu bền của các lực lượng sản xuất học được sẽ được đảm bảo.

—Karl Marx, Hệ Tư tưởng Đức

 

Trong chương này tôi xem xét các vai trò của vốn và lao động dưới toàn cầu hóa. Đặc điểm chính mà toàn cầu hóa truyền đạt cho cả hai là tính di động. Toàn cầu hóa phần lớn đã đồng nghĩa với sự chuyển động của vốn ngang các đường biên giới. Nhưng cả lao động nữa, gần đây đã trở nên di động hơn, và một trong những phản ứng lại tính di động tăng lên đó là việc dựng các rào cản mới tại các đường biên giới quốc gia. Tính di động của lao động là một sự phản ứng lại những sự khác biệt to lớn về tiền thu nhập cho cùng chất lượng và số lượng lao động ngang các quyền tài phán quốc gia. Các lỗ hổng (gap) này dẫn đến cái tôi gọi là “phần thưởng tư cách công dân” và “sự phạt tư cách công dân.” Phần thưởng tư cách công dân (hay rent tư cách công dân; các từ được dùng thay cho nhau), như tôi giải thích dưới đây, nói đến sự tăng thu nhập mà người ta nhận được đơn giản từ việc là công dân của một nước giàu, còn sự phạt tư cách công dân là sự giảm thu nhập từ việc là một công dân của một nước nghèo. Giá trị của phần thưởng (hay sự phạt) này có thể lên đến năm trên một hay mười trên một, ngay cả sau khi hiệu chỉnh cho các mức giá thấp hơn ở các nước nghèo hơn. Các lỗ hổng thu nhập này phần lớn là một sự thừa kế của các thế kỷ thứ mười chín và thứ hai mươi, trong đó các nước Tây phương, vài nước khác (Nhật Bản và gần đây hơn Hàn Quốc) đã vượt trước phần còn lại của thế giới về mặt thu nhập trên đầu người. Thật ngạc nhiên nếu các lỗ hổng như vậy đã không tạo ra những chuyển động của lao động. Điều này sẽ là lạ cứ như nếu một sự khác biệt giữa một tài sản sinh lời 3 phần trăm và một tài sản khác rủi ro ngang thế sinh lời 30 phần trăm đã không dẫn các chủ sở hữu vốn để đầu tư vào tài sản sau. Tính di động của lao động như thế cần được xem theo cùng cách như tính di động của vốn—như phần không tách rời của toàn cầu hóa.

Tôi bắt đầu chương này với một thảo luận về lao động dưới các điều kiện của toàn cầu hóa. Rồi tôi chuyển sang vốn, mà tính di động của nó, có lẽ được phản ánh tốt nhất qua cái gọi là các chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc sự tăng trưởng của các nước nghèo hơn, trong trung đến dài hạn, làm xói mòn rent tư cách công dân mà thúc đẩy sự di cư. Như thế cả hai chuyển động ngang biên giới, của lao động cũng như của vốn, là các các chuyển động làm cân bằng mà kết cục cuối cùng của chúng—có lẽ chẳng bao giờ đạt được—sẽ là một thế giới của sự khác biệt tối thiểu về thu nhập trung bình trên đầu người giữa các quốc gia.

Vì sao tôi chọn ra các chuỗi giá trị toàn cầu như đặc trưng của toàn cầu hóa? Tôi làm thế bởi vì tác động cách mạng gấp đôi của chúng. Thứ nhất, như tôi giải thích ở dưới, chúng làm cho có thể lần đầu tiên trong lịch sử để tách sản xuất khỏi sự quản lý và sự kiểm soát sự sản xuất đó. Điều này có các hệ lụy khổng lồ cho sự phân bố không gian của hoạt động kinh tế. Thứ hai, chúng lật đổ quan điểm của các nhà cấu trúc chủ nghĩa và các nhà tân-Marxist rằng sự ngưng-kết nối với Phương Bắc Toàn cầu (các nước đã phát triển) là cách để phát triển. Để làm rõ, tôi không lập luận chống ý tưởng rằng hầu hết sự tăng trưởng kinh tế Trung quốc có thể được giải thích theo một cách truyền thống hơn, như việc tiếp tục theo cùng con đường phát triển do xuất khẩu thúc đẩy với các mức độ tinh vi tăng lên mà đã được Nhật Bản và rồi Hàn Quốc và Đài Loan tiến hành hàng thập kỷ trước. Tôi tập trung vào các chuỗi giá trị toàn cầu vì các lý do vừa được nhắc đến, không như một sự giải thích toàn bộ sự biến đổi của Trung Quốc.

Tiếp theo tôi xem xét nhà nước phúc lợi bị toàn cầu hóa, cụ thể sự chuyển động của vốn vốn và lao động, tác động thế nào. Và tôi kết thúc bằng việc xem xét tham nhũng toàn thế giới. Thoạt tiên có thể có vẻ lạ để bao gồm tham nhũng trên cùng mức như sự chuyển động của hai nhân tố sản xuất và số phận của nhà nước phúc lợi. Việc này sẽ là lạ, tuy vậy, chỉ nếu chúng ta xem tham nhũng như một sự bất thường. Nhưng quan điểm đó là sai. Tham nhũng được liên kết với toàn cầu hóa không kém như sự chuyển động tự do của vốn và lao động. Nó được thúc bởi hệ tư tưởng làm-tiền, mà là hệ tư tưởng làm cơ sở cho chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, và nó được làm cho có thể nhờ tính di động của vốn. Nhưng ngoài ra, cả chủ nghĩa tư bản chính trị và xu hướng tới sự cai trị tài phiệt trong chủ nghĩa tư bản tự do “bình thường hóa” nó. Tôi đã lập luận trong Chương 3 rằng tham nhũng là một phần bản chất của chủ nghĩa tư bản chính trị. Đã đến lúc để bình thường hóa tham nhũng: chúng ta cần xem tham nhũng, trong cả hai kiểu chủ nghĩa tư bản, như một sự đền đáp (tương tự với một rent) cho một nhân tố sản xuất đặc biệt, quyền lực chính trị, mà một số cá nhân có và những người khác không có. Tham nhũng nhất thiết tăng với toàn cầu hóa, chủ nghĩa tư bản chính trị, và sự cai trị tài phiệt. Các nhà kinh tế học, mà không là các nhà đạo đức học, phải xử trí tham nhũng như bất kể kiểu thu nhập khác nào. Đấy là cái tôi làm trong phần cuối của chương.

4.1 Lao động: Sự di cư

4.1a Định nghĩa Phần thưởng hay Rent tư cách công dân

Những sự khác biệt mang tính hệ thống về thu nhập giữa những người được giáo dục, có động cơ thúc đẩy ngang nhau, và có cùng nỗ lực nhưng là các công dân của các nước khác nhau có thể được gọi là “phần thưởng tư cách công dân (citizenship premium)” hay “sự phạt tư cách công dân (citizenship penalty).” Vì sự đơn giản, tôi sẽ tập trung vào cái trước. Nhưng mặc dù sự tồn tại của phần thưởng có vẻ rõ đúng như sự thực, câu hỏi thực sự quan trọng, từ một quan điểm kinh tế, là liệu phần thưởng tư cách công dân có thể được ví như một rent, tức là, như một thu nhập mà nói nghiêm túc không cần thiết để sinh ra sự sản xuất. Nói cách khác, người ta có thể, trong một thí nghiệm tưởng tượng, thay thế những người có một mức kỹ năng cho trước trong một nền kinh tế tiên tiến bằng những người từ một nước khác, nghèo hơn mà có cùng mức kỹ năng và giống hệt trong tất cả các khía cạnh khác liên quan-đến công việc, trả họ tiền lương thấp hơn, và kết thúc với cùng đầu ra?1 Gần tương đương của thí nghiệm tưởng tượng này là để cho phép lao động quyền tự do đầy đủ để luân chuyển giữa các nước.

Phần thưởng tư cách công dân có là một rent? Như thí nghiệm tưởng tượng của chúng ta cho thấy, câu trả lời có vẻ là có. Vì những người lao động được trả lương cao có thể được thay thế bằng một nhóm y hệt của những người lao động mà sẵn sàng làm việc vì một lương thấp hơn, chi phí sản xuất sẽ giảm đi, và “cổ tức quốc gia” hay “cổ tức toàn cầu” (tức là, thu nhập ròng) sẽ tăng lên. Rent tư cách công dân tồn tại, trong sự xấp xỉ đầu tiên, bởi vì các dân cư hiện hành kiểm soát sự tiếp cận đến một phần địa lý cho trước của thế giới. Việc này, đến lượt, được liên kết với một dòng thu nhập cao suốt đời bởi vì các lượng vốn lớn, công nghệ tiên tiến, và các định chế tốt tồn tại ở đó. Yếu tố cốt yếu là sự kiểm soát đất, mặc dù điều này được chuyển qua sự kiểm soát đối với một phần “quan niệm” về tư cách công dân. Tư cách công dân trao cho người nắm giữ quyền để dự phần trong đầu ra được sản xuất ở phần đó của thế giới mà tư cách công dân áp dụng (và cả, trong một số trường hợp, với đầu ra được sản xuất ở nơi khác bởi các công dân của nước đó).2

Thoạt nhìn như thế có vẻ rằng rent tư cách công dân là giống với địa tô (land rent) hay rent tài nguyên thiên nhiên. Sự giống nhau này phát sinh từ sự thực rằng trong cả hai trường hợp yếu tố sinh ra rent là sự kiểm soát một mảnh bất động sản. Tuy vậy, sự tương tự chỉ đúng một phần. Địa tô phát sinh bởi vì năng suất khác biệt của các mảnh đất khác nhau. Giá của sản phẩm cuối cùng (ngô hay dầu) được xác định bởi chi phí sản xuất của nhà sản xuất biên [marginal producer] (đắt nhất) mà vẫn có cầu đủ cho đầu ra của nhà sản xuất đó. Vì thế, tất cả các nhà sản xuất dưới biên (inframarginal) lấy được một rent. Trong trường hợp tư cách công dân, mà, như chúng ta sẽ thấy, là một phạm trù “quan niệm” và có thể bị “không tiếp đất (degrounded-không có cơ sở),” sự liên kết với sự kiểm soát vật lý của đất là ít có ý nghĩa hơn. Hơn nữa, tất cả các công dân (như “các chủ sở hữu” chung) của mỗi nước cùng hưởng rent tư cách công dân, hay trong trường hợp của nước tồi nhất, họ không nhận được rent nào. Sự khác biệt thứ hai với địa tô là đối tượng (đất) gây ra rent là có thể tiếp thị được: nó có thể được mua và bán. Tư cách công dân, về nguyên tắc, không thể (mặc dù chúng ta sẽ thấy rằng có những ngoại lệ). Rent có xuất xứ từ tư cách công dân như thế là giống hơn với một rent độc quyền nhận được bởi hiệp hội như các phường hội hoạt động để kiềm chế buôn bán. Hệt như các phường hội, tư cách công dân có thể giành được bằng sự thâu-nạp, hay sự sinh. Phương thức sau là giống với tình huống của các nghề được kế tục cha truyền con nối.

Tư cách công dân là một loại “quan niệm” (“ideal” category)

Tư cách công dân vẫn phần lớn “được tiếp đất (gắn với đất-grounded),” tức là, nó áp dụng chủ yếu cho những người sống bên trong các đường biên giới địa lý của một nước cá biệt, với thu nhập cần để trả cho rent tư cách công dân được tạo ra phần lớn trong nước đó. Nhưng không chỉ ở đó. Điều này có thể được thấy rõ nhất trong thí dụ của những công dân mà không sống trong các nước mà họ có tư cách công dân (chẳng hạn, người Mỹ làm việc ở nước ngoài). Những người này có sự tiếp cận đến các phúc lợi của các nước quê hương họ, mà hình thành phần của phần thưởng tư cách công dân; các nguồn lực được dùng để tạo ra thu nhập cần để chi trả cho các phúc lợi là nguồn lực quốc gia, và hầu hết có cơ sở trong nước. Một công dân Mỹ sống ở Italy sẽ có sự tiếp cận đến an sinh xã hội Mỹ và các phúc lợi Mỹ khác, nhưng tiền để trả cho phúc lợi của người đó sẽ phản kiếm được phần lớn ở Hoa Kỳ. Với toàn cầu hóa tiến lên, các nguồn lực này, tuy vậy, có thể trở nên không được tiếp đất (degrounded): chúng ta có thể tưởng tượng một thế giới nơi một phần tăng lên của thu nhập Hoa Kỳ có thể được tạo ra bên ngoài Hoa Kỳ và rồi sẽ quay lại nước này qua lợi nhuận trên vốn được đầu tư ở nước ngoài. Một tình huống tương tự có thể là tình huống của một công dân Filipino sống ở nước ngoài đòi các phúc lợi của tư cách công dân Filipino trong khi thu nhập cần để chi trả cho các phúc lợi này đến từ tiền gửi về nước (kiều hối) của những người lao động Filipino di cư.

Mở rộng các xu hướng này vào tương lai, chúng ta có thể hình dung một tình huống nơi tư cách công dân trở nên hoàn toàn không tiếp đất (degrounded): hầu hết các công dân có thể không sống trong nước họ có tư cách công dân, và hầu hết thu nhập của nước đó có thể kiếm được bởi lao động hay vốn được dùng ở các nước khác—thế nhưng các phúc lợi của tư cách công dân sẽ tiếp tục nhận được theo cùng cách như chúng nhận được ngày nay.

Tư cách công dân như thế rõ ràng được xem như một loại “quan niệm. Nó không phải là một quyền tài sản hình thức theo cùng nghĩa mà tài sản tư nhân trên một miếng đất có. Nó thậm chí không phải là một quyền tài sản chung đối với một phần của bề mặt thế giới của những người sống ở đó. Tư cách công dân đúng hơn là một cấu trúc pháp lý chỉ tồn tại trong đầu chúng ta (và, theo nghĩa đó, “mang tính quan niệm”). Theo một nghĩa kinh tế, tư cách công dân là một độc quyền chung được thi hành bởi một nhóm người chia sẻ một đặc trưng pháp lý hay chính trị cho trước mà gây ra rent tư cách công dân. Việc có một tư cách công dân cho trước bị tách rời khỏi sự cần thiết để sống trong nước nơi người ta có tư cách công dân, như chúng ta đã thấy ở đây; hơn nữa, thu nhập để chi trả cho phần thưởng tư cách công dân không cần thiết phải kiếm được trong nước người ta có tư cách công dân. Tiền được dùng để chi trả cho các phúc lợi gắn với tư cách công dân không cần có xuất xứ chỉ từ sự sản xuất được thực hiện trong địa phương cá biệt được gắn chính thức với tư cách công dân, hay để được nhận được bởi những người sống ở đó (bởi vì bản thân nước đó có thể chứa những người nước ngoài mà theo cùng cách có thể nhận được rent tư cách công dân từ một nước khác). Như thế chúng ta thấy rằng tư cách công dân như một tài sản kinh tế, về nguyên tắc, có thể không gắn với đất (degrounded), hay mất tính vật chất (dematerialized), từ đất mà nó áp dụng cho.

4.1b Tư cách công dân như một Tài sản Kinh tế

Giống một thu nhập cho thuê (rental income) nhận được trong một thời kỳ, rent tư cách công dân có thể được chuyển thành một tài sản bằng việc chiết khấu các lợi tức tương lai có thể có. (Trong trường hợp của tư cách công dân, thời kỳ này kéo dài điển hình cho đến cái chết của người giữ tư cách công dân nhưng trong một số trường hợp, như với hưu bổng của những người sống sót, có thể kéo dài thậm chí dài hơn.) Nếu tư cách công dân của nước A mang lại x đơn vị thu nhập trên năm nhiều hơn tư cách công dân của nước B, thì giá trị của tài sản, tư cách công dân của nước A, sẽ bằng tổng của tất cả các x như vậy (được chiết khấu bởi tỷ lệ chiết khấu tích hợp) trong đời sống kỳ vọng của người nắm. Lợi lộc từ một tư cách công dân cho trước sẽ thay đổi theo hàm của tư cách công dân mà người đó hiện thời đang giữ, tuổi của người đó, và nhiều hoàn cảnh khác liên quan ít hơn đến chúng ta ở đây, như mức giáo dục. Từ một quan điểm cá nhân, rent tư cách công dân được ước lượng qua một dải những so sánh hai bên, nơi giá trị của tư cách công dân hiện hành của người ta được so sánh với tất cả các tư cách công dân khác hiện hành.3 Giá trị này có thể là dương cho một số tính toán và âm cho các tính toán khác. Rằng tư cách công dân là một tài sản trở nên rất rõ ràng nếu chúng ta xem xét tuổi của người nắm giữ tiềm tàng. Mọi thứ khác là như nhau (kể cả việc có và chăm lo về các con của người ta), tư cách công dân với tư cách một tài sản có giá trị hơn cho những người trẻ so với cho những người già. Dòng thu nhập chênh lệch mà những người trẻ chiếm được nếu họ chuyển sang một tư cách công dân “tốt hơn” là lớn hơn.4

Tư cách công dân như một tài sản có thể tiếp thị được

Chúng ta cần xem xét bây giờ hai vấn đề thêm mà sẽ đưa sự thảo luận của chúng ta gần hơn với thế giới thực: thứ nhất, Tài sản tư cách công dân có thể trở thành một đối tượng của các giao dịch thị trường? và thứ hai, Có các loại phân biệt (differential categories) về tư cách công dân? Vì câu trả lời cho cả hai câu hỏi sẽ là có, kết cục sẽ là để làm nhẹ bớt các sự phân đôi sắc nét được rút ra cho đến nay giữa (i) các tài sản có thể tiếp thị được và tư cách công dân, và (ii) tư cách công dân và không-tư cách công dân.

Trong hai mươi năm qua, tư cách công dân đã trở thành một tài sản có thể tiếp thị được một cách hợp pháp: các giấy phép cư trú mà dẫn tới tư cách công dân có thể được mua ở nhiều nước, kể cả Canada và Vương quốc Anh, bằng việc tiến hành một khoản đầu tư tư nhân đáng kể. Cấu trúc giống-phường hội mà bảo vệ tư cách công dân như thế đã được nới lỏng một chút, và tư cách công dân, trong một số trường hợp, và trên một quy mô rất khiêm tốn, đã trở thành một mặt hàng có thể tiếp thị được. Các chính phủ đã nhận ra rõ ràng rằng tư cách công dân quả thực là một tài sản và rằng có thể là vì lợi ích của các công dân hiện hành để cho chính phủ của họ bán nó, ngầm giả thiết rằng lợi lộc tiền tệ từ tài sản đó sẽ bù lại nhiều hơn cho thiệt hại của việc chia sẻ tư cách công dân với một người nữa. Là lợi ích của các công dân hiện hành để đặt giá tư cách công dân cao. Như thế tư cách công dân được tiếp thị chỉ cho các cá nhân giàu. Chi phí để có được nó, hoặc trực tiếp hay đầu tiên qua nhận được một giấy phép cư trú, là cao: chúng trải từ 250.000€ ở Hy Lạp đến 2 triệu £ ở Vương quốc Anh. Nhưng đấy hầu như không phải là các chi phí không thể vượt qua được cho các cá nhân có của cải ròng cao (những người mà các tài sản tài chính của họ là giữa 1 triệu $ và 5 triệu $): được ước lượng rằng khoảng một phần ba của các cá nhân giàu có này, tức là, khoảng 10 triệu người trên khắp thế giới, có một hộ chiếu thứ hai hay tư cách công dân kép (Solimano 2018, 16, được tính từ Credit Suisse Global Wealth Report 2017).

Dưới-tư cách công dân (subcitizenship)

Để đề cập đến chủ đề tư cách công dân như nó tồn tại trong thực tế, chúng ta phải nhận ra rằng có các loại (mức) khác nhau của tư cách công dân. Mối quan tâm của chúng ta ở đây, tất nhiên, là với tư cách công dân như một phạm trù kinh tế: quyền cho một dòng thu nhập cao hơn. Trong hầu hết các trường hợp, tư cách công dân là một phạm trù nhị phân (0–1)—người ta hoặc là một công dân hay không là—và cần một tư cách pháp lý chính thức cho tư cách công dân để có được sự tiếp cận đến các phúc lợi kinh tế. Nhưng các tình huống khác là có sắc thái hơn. Cũng có các trường hợp của cái chúng ta có thể gọi là “dưới-tư cách công dân” mà liên kết với hầu hết nhưng không phải tất cả các phúc lợi kinh tế mà tư cách công dân cung cấp. Trường hợp nổi tiếng nhất là trường hợp của những người thường trú ở Mỹ (những người có thẻ xanh), mặc dù cũng có những dàn xếp tương tự ở hầu hết các nước Âu châu. Những người thường trú có sự tiếp cận đến hầu như toàn bộ các phúc lợi sẵn có cho các công dân, với sự ngoại trừ có thể của một vài sự chuyển giao xã hội và các quyền bỏ phiếu (các ngoại lệ thay đổi theo nước ở châu Âu và theo bang ở Hoa Kỳ và tỉnh ở Canada). Nhưng sự tồn tại của dưới-công dân là quan trọng bởi vì nó cho thấy hệ thống cứng nhắc của sự phân biệt nhị phân (công dân–không-công dân) có thể được làm cho linh hoạt hơn, phần lớn đáp ứng các nhu cầu lao động.

Dưới-tư cách công dân không hạn chế ở những người di cư nhằm để kiếm được rent tư cách công dân và rồi thấy bản thân họ trong một thời gian ở vị trí trung gian của dưới-công dân. Cho đến gần đây, các cá nhân sinh ra ở Đức của các cha mẹ không-Đức đã không có sự tiếp cận đến toàn bộ dải của các quyền và các phúc lợi của tư cách công dân, như thế họ cũng là dưới-công dân. Tình trạng của những người Arab sống ở Israel là tương tự. Một số người vẫn mãi mãi trong địa vị cư dân, mà không có bất kỳ hy vọng nào để gia nhập tư cách công dân hay chuyển địa vị người thường trú sang cho con cái họ. Nhưng các công dân Israeli gốc Arab còn ở trong một vị trí thậm chí lạ hơn. Họ được giải thoát khỏi một số nghĩa vụ, như phục vụ trong quân đội. Như thế họ ở trong một tình trạng nghịch lý: nếu nghĩa vụ quân sự được xem như một chi phí (mà phải là thế, vì nhiều lý do chính đáng kể cả thu nhập bị từ bỏ trong thời gian quân dịch), vị trí của họ là một hỗn hợp của việc là dưới-công dân, bởi vì sống trong một nước mà về mặt hình thức được xác định như một nhà nước của những người khác, và siêu-công dân, bởi vì họ có quyền đối với hầu hết phúc lợi nhưng được miễn một số chi phí. Có một số trường hợp khác của tư cách công dân được phân biệt như vậy.5

4.1c Sự Di chuyển Tự do của các Nhân tố Sản xuất

Như một sự nhắc nhở lịch sử, là đáng lưu ý rằng các vị trí hiện thời của các nước giàu và nghèo về sự di chuyển tự do của các nhân tố sản xuất là ngược với cái chúng đã thường là. Các nước giàu mà đã thường là các nhà xuất khẩu vốn đã ủng hộ sự di chuyển tự do của nó cho đến rất gần đây, khi các mối lo về thuê ngoài (outsourcing) nổi lên. Chúng đã không có lập trường cá biệt nào về sự di cư, vì đã có các luồng người tối thiểu sau sự chấm dứt những trục trặc do Chiến tranh Thế giới II gây ra.6 Các nước nghèo, mặt khác, dù đôi khi hoan nghênh vốn nước ngoài, đã luôn luôn cảnh giác bị bóc lột hay bị đặt sang bên lề. Như được thảo luận trong tiết đoạn tiếp theo, thái độ này đã trải qua một thay đổi lớn với sự đến của các chuỗi giá trị toàn cầu, mà bây giờ được các nền kinh tế thị trường mới nổi háo hức tìm kiếm. Các nước nghèo đã ủng hộ sự di chuyển người tự do trong quá khứ, như họ vẫn ủng hộ. Thái độ này đôi khi bị giảm đi bởi những quan ngại về chảy máu chất xám, nhưng tổng thể các mối quan ngại này đã có vẻ là nhỏ so với các lợi thế mà nhiều nước nghèo đã thấy từ việc giảm áp lực nhân khẩu học và việc nhận được các khoản tiền gửi (kiều hối) lớn hơn. Như thế, các nước giàu mà đã thường thờ ơ với hay thậm chí ủng hộ sự di cư (như Đức đã ủng hộ trong Wirtschaftswunder, “phép màu” kinh tế của nó trong những năm 1950 và những năm 1960) bây giờ cảnh giác về sự di cư nhiều hơn, trong khi các nước nghèo, mà đã thường đề phòng vốn nước ngoài, bây giờ cần mẫn ve vãn nó.7

Thái độ thay đổi đối với sự di chuyển tự do của các nhân tố sản xuất

Từ một quan điểm kinh tế, có ít sự nghi ngờ rằng việc cản trở lao động khỏi việc di chuyển giữa các nước là phi hiệu quả. Tính di động của mỗi nhân tố sản xuất được xem là ưu việt hơn tính bất động bởi vì mỗi nhân tố sản xuất sẽ có khuynh hướng tự nhiên để chảy tới các vùng địa lý hay lĩnh vực kinh doanh nơi lợi tức của nó là cao nhất, và lợi tức của nó là cao nhất ở đó bởi vì sự đóng góp của nó (giá trị của đầu ra được sản xuất) là cao hơn bất cứ nơi nào khác. Định đề chung này áp dụng với sức ngang nhau cho vốn và cho lao động.

Là quan trọng để làm rõ về định đề nào có nghĩa và định đề nào thì không. Nó ngụ ý rằng nhân tố mà di chuyển tới một địa điểm mới sẽ khấm khá ở vị trí mới hơn trước kia. Điều này suy ra đơn giản từ sự thực về nó có hai lựa chọn—ở lại hay di chuyển—và việc lựa chọn cái sau. Định đề cũng ngụ ý rằng tổng đầu ra sẽ là lớn với lựa chọn tính di động hơn là không có nó. Nhưng nó không kéo theo rằng mọi thứ khác liên quan sẽ là khá hơn. Sự di chuyển của lao động hay vốn từ vị trí hiện thời của nó sang vị trí khác có thể làm gián đoạn, thay thế, hay làm cho lao động và vốn tồi hơn ở vị trí gốc, hay nó có thể làm cho các điều kiện lao động tồi hơn trong vị trí mới. Yếu tố sau cùng là một nguồn ma sát chính và có lẽ là một trong những lý do chủ chốt vì sao tính di động lao động quốc tế bị hạn chế. Trong vũ đài chính trị, điều này thường là lý do mà các nước giàu viện ra chống lại sự nhập cư.

Sự di cư dưới các điều kiện toàn cầu hóa

Sự di cư là gì? Cho các mục đích của chúng ta (tức là, dưới các điều kiện của toàn cầu hóa), chúng ta sẽ định nghĩa sự di cư như sự di chuyển của một nhân tố sản xuất (lao động) khi toàn cầu hóa xảy ra dưới điều kiện của thu nhập trung bình không đều giữa các nước. Điều này có vẻ là một định nghĩa phức tạp, nhưng mỗi phần trong định nghĩa đó là cốt yếu. Thứ nhất, lao động (từ một quan điểm kinh tế nghiêm ngặt) chỉ là một nhân tố sản xuất, không khác gì với vốn. Về nguyên tắc, chúng ta không được đối xử với một nhân tố sản xuất khác với nhân tố khác. Vì lý do đó định nghĩa làm nổi bật, trong sự xấp xỉ gần đúng thứ nhất, rằng chẳng có gì đặc biệt về lao động cả.

Thứ hai, sự di chuyển người (lần nữa, như sự di chuyển của vốn) được toàn cầu hóa làm cho có thể. Nếu giả như thế giới không được toàn cầu hóa và các nền kinh tế là tự cấp tự túc, với sự kiểm soát mạnh về dòng chảy vào và ra của vốn và lao động, thì sẽ không có sự di chuyển ngang biên giới nào của cả hai nhân tố.

Thứ ba, nếu có toàn cầu hóa, nhưng giả như nó xảy ra dưới các điều kiện nơi thu nhập giữa các phần khác nhau của thế giới không khác nhau quá nhiều, thì lao động sẽ không có khuyến khích mang tính hệ thống nào để di chuyển. Chắc chắn sẽ có sự di cư nào đó, vì người ta di chuyển hoặc để tìm kiếm các cơ hội tốt hơn cho các kỹ năng đặc thù họ có hay tìm kiếm khí hậu dễ chịu hơn hay nền văn hóa thích hợp hơn, nhưng những sự di chuyển này sẽ là nhỏ và mang phong cách riêng. Những dòng người như thế là các dòng di cư mà chúng ta quan sát thấy bên trong Hoa Kỳ, nơi, chẳng hạn, các kỹ sư phần mềm chắc có nhiều khả năng hơn để di chuyển đến Silicon Valley và các thợ mỏ đến South Dakota, hay, bên trong EU15 (mười lăm thành viên trước-2004 của Liên Âu), nơi những người Anh về hưu chuyển đến Tây Ban Nha để tận hưởng thời tiết tốt hơn, hay những người Đức mua các villa ở Tuscany. Nhưng những sự di cư này là khác với loại di chuyển mang tính hệ thống có hiệu lực cho tất cả—tức là, khi những người thuộc tất cả các lứa tuổi và nghề nghiệp sống ở một nước nghèo hơn có thể có được thu nhập bằng việc di chuyển đến một nước giàu hơn.

Khi chúng ta xem xét sự di cư bên trong khung cảnh của toàn cầu hóa ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng hiểu nguồn gốc và logic của những sự di chuyển của người dân. Cũng trở nên rõ ràng rằng nếu có cả (i) toàn cầu hóa và (ii) những sự khác biệt thu nhập lớn giữa các phần khác nhau của thế giới, thì những người lao động sẽ không ở lại nơi họ sinh ra. Để tin họ [ở lại] sẽ đi ngược lại định đề kinh tế sơ đẳng rằng người ta mong muốn cải thiện tiêu chuẩn sống của mình. Tuy vậy, nếu chúng ta tin rằng người dân không được di chuyển giữa các nước (một tuyên bố giá trị), thì một cách logic chúng ta có thể cho rằng hoặc toàn cầu hóa sẽ bị đảo ngược (tức là, rằng các trở ngại cho sự di chuyển tự do của cả vốn và lao động được đưa ra), hay một cố gắng to lớn được đưa ra sao cho sự hội tụ thu nhập giữa các nước nghèo và giàu có thể được tăng tốc. Trong khi cách tiếp cận trước sẽ cắt sự di cư ngay lập tức, cách tiếp cận sau cần hàng thập kỷ để giảm nó xuống—nhưng cuối cùng nó sẽ giảm.8

Sự thực rằng chỉ có hai cách tiếp cận khả dĩ, và chỉ một trong số chúng hoạt động nhanh chóng, giải thích vì sao những người phản đối di cư có chỉ một đề xuất nhất quán về mặt logic. Đấy là làm cho các nước ít được toàn cầu hóa hơn, mà có nghĩa là để dựng các rào cản đối với sự di chuyển của cả vốn và lao động. Dù nhất quán, đề xuất vấp phải vài vấn đề. Một sự đảo ngược đột ngột như vậy của toàn cầu hóa là có thể để tưởng tượng nhưng chắc không có khả năng để thực hiện bởi vì cấu trúc tổ chức cực kỳ phức tạp ủng hộ toàn cầu hóa đã được dựng lên trong bảy mươi năm qua. Cho dù giả như vài nước có chọn không tham gia toàn cầu hóa, một đa số sẽ không chọn. Các rào cản thêm cho sự di chuyển tự do của vốn và lao động sẽ cũng dẫn đến sự giảm thu nhập trên toàn cầu, kể cả ở các nước đã chọn không tham gia. Sự chứng minh cho điều đó có thể được cung cấp bởi một argumentum e contrario (lý lẽ đối nghịch): nếu người ta cho rằng thu nhập quốc gia sẽ không bị tác động bởi các rào cản biên giới, thì người ta cũng phải cho rằng thu nhập sẽ không bị tác động bởi các rào cản bên-trong-quốc gia đối với sự di chuyển của vốn và lao động. Khi đó người ta sẽ cho rằng không quan trọng liệu người dân hay vốn có di chuyển hay không, chẳng hạn, giữa New York và California hay bất kể hai chỗ nào ở Hoa Kỳ. Tiếp tục cho các đơn vị địa lý còn nhỏ hơn nữa, người ta mau chóng đi đến kết luận rằng tính di động của lao động (dù về mặt địa lý hay do nghề nghiệp) không có tác động nào lên tổng thu nhập—một tuyên bố sai rành rành.9 Tính phi lý của một lập trường như vậy tiết lộ rằng cùng lập trường có hiệu lực liên quan đến sự di chuyển người tự do giữa các nước là phi lý ngang thế.

Sự không thỏa đáng của lý lẽ này để các đối thủ của sự di cư trong một ngõ cụt nơi họ phải bảo vệ các chính sách chống di cư bất chấp các tác động tiêu cực của các chính sách này lên phúc lợi toàn cầu và lên phúc lợi của nước mà họ cho rằng đang thử bảo vệ. Đấy quả thực là một lập trường rất khó để cãi lý, và rất ít người tiến hành bài tập logic được phác họa ở trên sẽ chọn nó.

Như thế có vẻ rằng, về phần buôn bán các hàng hóa hay sự di chuyển ngang biên giới của vốn, chính sách tốt nhất về lao động sẽ là sự di chuyển người hoàn toàn tự do và không bị trở ngại từ một nước sang nước khác. Nơi các tác động lên các nhóm cụ thể của những người lao động có thể là tiêu cực, các tác động như vậy phải được giải quyết bằng các chính sách đặc thù hướng tới các nhóm này, theo cùng cách như được tiến hành bình thường (chí ít về lý thuyết) để giảm nhẹ các tác động có hại của hàng hóa nhập khẩu lên các nhóm lựa chọn của những người lao động trong nước.

Như thế, chúng ta đã giải quyết được vấn đề di cư? Đáng tiếc, không.

Vì sao lao động là khác với vốn

Lý do chúng ta vẫn chưa quyết định được vấn đề di cư là những người phản đối di cư có một lá bài thêm để chơi mà cho đến nay chúng ta đã bỏ qua. Nó là niềm tin rằng lao động và vốn, trong khi cả hai là các nhân tố sản xuất và như thế theo một nghĩa trừu tượng là như nhau, chúng khác nhau cơ bản. Vốn, theo cách nhìn đó, có thể bước vào các xã hội mà không tạo ra những sự thay đổi đột ngột bên trong chúng, còn lao động thì không thể. Những người ủng hộ một quan điểm như vậy có thể cho rằng một công ty nước ngoài có thể đầu tư trong một nước, đưa vào một cách mới để tổ chức lao động, có lẽ thậm chí thay thế một số kiểu người lao động và thuê những kiểu người lao động khác, nhưng nó—không quan trọng bao nhiêu công ty nước ngoài như vậy đến—sẽ không làm xáo trộn các đặc điểm văn hóa hay thể chế then chốt của xã hội. Lập trường này, tuy vậy, có thể bị tranh cãi. Những gì công nghệ mới gây ra thường rất gây đổ vỡ về mặt xã hội: không chỉ là một số kỹ năng bị làm cho thừa, nhưng ngay cả một sự thay đổi có vẻ cho sự tốt hơn sẽ có nhiều tác động phụ, vài trong số đó có thể là tiêu cực. Các công ty nước ngoài, chẳng hạn, có thể ít thứ bậc hơn hay cởi mở hơn để thuê và không kỳ thị chống lại phụ nữ hay những người đồng tính. Trong khi nhiều người sẽ coi những sự phát triển như vậy như đáng mong muốn, dân cư bản xứ có thể coi chúng như làm xáo trộn cách sống mà họ sống và coi trọng. Điểm chính ở đây là để nhắc nhở những người gán các tác động gây đổ vỡ xã hội như vậy cho chỉ người lao động di cư rằng các tác động gây đổ vỡ tương tự có thể do vốn di cư tạo ra.

Nhưng vẫn có thể đúng rằng sự di chuyển lao động gây ra đổ vỡ nhiều hơn. Đấy quả thực là sự biện hộ cuối cùng và then chốt được những người phản đối di cư nêu ra. Các dòng chảy vào lớn của những người lao động nước ngoài mà các chuẩn mực văn hóa, ngôn ngữ, hành vi của họ, và sự tin cậy của họ với những người ngoài, chẳng hạn, là rất khác với các giá trị của dân cư bản xứ có thể dẫn đến sự bất mãn của cả hai bên (dân bản xứ và người di cư), đến xung đột xã hội, đến sự mất tin cậy, và cuối cùng thậm chí đến nội chiến.

George Borjas (2015) cho rằng những người di cư từ các nước nghèo mang bên trong họ các hệ thống giá trị của nước họ. Các hệ thống giá trị này, nhìn chung, đã là thù địch cho sự phát triển (đó là vì sao các nước của họ là nghèo), và bằng việc vào một nước giàu và việc mang theo họ những phương thức ứng xử thấp kém này, những người di cư làm xói mòn các định chế trong nước giàu mà là cần thiết cho sự tăng trưởng. Những người di cư, theo quan điểm đó, là giống các con mối; họ phá hủy các khung khổ ổn định và cường tráng, và như thế sẽ là hợp lý để chặn họ làm thế. Lưu ý rằng lập trường của Borjas là hoàn toàn mâu thuẫn với kinh nghiệm lịch sử Mỹ, cả về mặt sự thật và về mặt đặc tính của nó về “Hãy trao những đám đông mệt mỏi, nghèo, lộn xộn, khao khát tự do của ngươi cho ta” [phần câu thơ được khắc trên tượng Thần Tự do]. Theo logic của Borjas những đám đông “mệt mỏi và nghèo” này từ lâu đã phá vỡ sự thịnh vượng Mỹ.

Tuy vậy, có các ví dụ lịch sử mà ủng hộ quan điểm của những người giống Borjas. Khi những người Goth thấy bản thân mình dưới sự tấn công dữ dội của những người Hun trong đầu thế kỷ thứ tư, họ đã cầu xin những người Roman (La mã) để cho phép họ vượt qua limes, biên giới quân sự, ở sông Danube và để định cư ở vùng Balkan ngày nay. Sau sự cân nhắc nào đó, những người Roman đã đồng ý. Nhưng trong khi cho phép những người Goth vào, họ đã quyết định để trục lợi từ sự bất lực của họ và đã tiến hành một số sự lăng nhục—mang trẻ con của những người Goth đi, bắt cóc các phụ nữ, và bắt các đàn ông làm nô lệ. Cái đã có vẻ là một nước đi khôn ngoan và hào phóng đối với các lãnh đạo ở trung tâm của đế chế mà đưa ra quyết định đã biến thành hoàn toàn ngược lại trên thực địa. Kết cục là những người Goth “được cứu” đã nuôi dưỡng một lòng hận thù không nguôi chống lại Đế chế Roman mà đầu tiên đã dẫn đến sự nổi loạn và muộn hơn đến vô số cuộc chiến đấu, kể cả một cuộc chứng kiến cái chết đầu tiên của một hoàng đế Roman trên chiến trường và cuối cùng đến cuộc cướp phá Rome bởi Alaric lãnh tụ Gothic trong năm 410 (mặc dù Rome lúc đó đã không còn là thủ đô nữa). Sự di cư quy mô lớn và sự trộn lẫn các dân cư trong trường hợp này đã tỏ ra là tai họa. Các ví dụ tương tự có thể được viện dẫn hầu như vô tận, nhất là nếu chúng ta xem xét (như chúng ta phải xem xét) những người Âu châu xâm chiếm châu Mỹ như một ví dụ về sự di cư, tức là, sự di chuyển người tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Sự xâm chiếm đã là một thảm họa cho dân cư bản xứ, những người đã bắt đầu sự gặp gỡ với những người di cư Âu châu bằng việc rất hoan nghênh họ trong nhiều trường hợp.

Những loại lý lẽ này chống lại sự di cư có sự hợp lệ nào đó. Sự trộn lẫn quy mô lớn của những người thuộc các nền văn hóa khác nhau, thay cho việc dẫn đến thu nhập cao hơn cho tất cả mọi người, lại tạo ra các cuộc đụng độ và chiến tranh có thể làm cho mọi người tồi đi. Một quan điểm rất bi quan về bản chất con người mà xem lớp phủ văn hóa (cultural overlay) của nhóm riêng của mình như cơ bản và thường không tương thích với lớp phủ văn hóa của nhóm người khác như thế sẽ chiến đấu ủng hộ sự di cư hạn chế hay không sự di cư nào—cho dù sự di cư, theo một nghĩa kinh tế thuần túy, sẽ là một điểm tích cực ròng cho dân cư bản xứ. Nhưng, trong dài hạn, theo các quan điểm như vậy, sự cho phép di cư có thể tỏ ra là tai hại.

4.1d Hòa giải các Nỗi lo của những người bản xứ với Mong muốn của những người Di cư

Chính sự thừa nhận về sự hợp lệ nào đó trong quan điểm rằng sự di cư gây phá vỡ về mặt văn hóa, hay nếu người ta muốn tuyên bố dè dặt hơn nữa, sự chấp nhận rằng quan điểm này—dù có hợp lệ hay không—được nhiều người nắm giữ ngầm định hay dứt khoát, mà dẫn tôi đến đề xuất một cách tiếp cận thay thế (và chắc chắn gây tranh cãi) tới sự di cư nơi—để nhắc lại—sự di cư xảy ra trong một môi trường thu nhập trung bình không đều giữa các nước và, như thế, những người sống ở các nước giàu được hưởng các phần thưởng tư cách công dân đáng kể.

Đề xuất về di cư

Đặc điểm chính của cách tiếp cận của tôi, trên đó nó sống sót hay sụp đổ, là định đề sau đây: Dân cư bản xứ chắc có khả năng hơn để chấp nhận những người di cư khi những người di cư chắc ít có khả năng hơn để ở lại vĩnh viễn trong nước và sử dụng tất cả các phúc lợi của tư cách công dân. Định đề này đưa ra một mối quan hệ âm giữa (i) sự sẵn sàng để chấp nhận những người di cư và (ii) sự mở rộng các quyền của những người di cư. Chúng ta hãy xem xét nó chi tiết hơn bằng đầu tiên xem xét sự ngược lại của nó. Một mối quan hệ dương giữa (i) và (ii) không chắc xảy ra. Nó sẽ ngụ ý rằng càng nhiều quyền mà những người bản xứ nhường cho những người di cư, cuối cùng đánh ngang bằng chúng hoàn toàn về mặt địa vị của họ với phần còn lại của các công dân, thì những người bản xứ càng thiết tha để nhận thêm những người di cư. Không phải là không thể để tin rằng những người bản xứ có thể tha thiết để hội nhập những người nước ngoài càng nhiều càng tốt, nhưng, tôi nghĩ, là khá không chắc rằng khi những người bản xứ trao đầy đủ các quyền cho những người di cư họ sẽ thậm chí muốn cho nhiều người hơn vào. Người ta có thể tưởng tượng điều kiện này có giá trị chỉ ở nơi dân số lớn hơn là hết sức cần thiết, chẳng hạn, bởi vì một mối đe dọa bên ngoài, hay nơi những người di cư đến từ một nhóm mà giai cấp cai trị tin là hữu ích để mở rộng. (Trường hợp sau là thế trong một số nước Mỹ Latin và Caribbe mà đã cổ vũ những người di cư từ châu Âu nhằm để giảm phần phần của dân cư bản xứ hay da đen.) Nhưng, nhìn chung, một mối quan hệ dương giữa hai thứ có vẻ rất không chắc xảy ra—và, trừ một số trường hợp đặc thù nơi một kiểu người di cư cho trước đóng một vai trò được gán trước, ngay cả các nước cởi mở nhất đã không từng biểu lộ nó. Như thế trường hợp tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng là những người bản xứ có thể đơn giản có một quan điểm mạnh về bao nhiêu người di cư họ muốn chấp nhận bất chấp bao nhiêu quyền được trao cho người di cư. Trong trường hợp đó, các nhân tố (i) và (ii) sẽ là trực giao (vuông góc) với nhau; chúng ta sẽ xử lý tình huống “cả mớ người di cư”: một số cố định của những người di cư—mà có thể là zero—mà những người bản xứ sẵn sàng chấp nhận dù sao đi nữa.

clip_image002

HÌNH 4.1. Sự đánh đổi giữa số những người di cư và các quyền được ban cho những người di cư

Đồ thị cho thấy rằng nếu rất ít quyền được trao cho những người di cư, những người bản xứ có thể sẵn sàng hơn để chấp nhận số lớn hơn của họ.

Nhưng trừ việc giữ quan điểm “cả mớ người di cư” (đến mức không lượng khuyến khích nào sẽ làm thay đổi quan điểm của những người bản xứ về di cư), có vẻ là hợp lý để tin rằng có một loại đường cong cầu cho những người di cư, nơi cầu là ít hơn khi chi phí của những người di cư, về mặt các quyền và việc chia sẻ phần thưởng tư cách công dân họ có thể đòi, là lớn hơn. Mối quan hệ này được cho thấy trong Hình 4.1.

Bây giờ hãy xét hai trường hợp cực (đối ngược) của mối quan hệ đó. Trong một cực, cái tất cả những người di cư được trao, khi đến, là chính xác cùng các quyền và các nghĩa vụ như các công dân. Hãy tưởng tượng rằng họ được trao các thẻ căn cước (ID) và hộ chiếu, sự tiếp cận đến các khoản chi trả phúc lợi, chuyển giao xã hội, sự bảo vệ việc làm, các quyền bỏ phiếu, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, và giáo dục miễn phí ngay khi họ đặt chân lên đất của nước mới. Chúng ta có thể giả thiết rằng, giả như chính sách là như vậy, những người bản xứ sẽ có khuynh hướng chấp nhận rất ít người di cư. Đấy là vì sao một vị trí gần zero người bản xứ khao khát sự di cư tương ứng với vị trí của các quyền đầy đủ và rộng rãi (Hình 4.1, điểm A). Thái cực đối diện là khi những người di cư được trao rất ít quyền: họ có thể không có sự tiếp cận đến giáo dục miễn phí, phúc lợi, và an sinh xã hội, hay quyền để mang gia đình họ, hay, như Richard Freeman (2006) gợi ý, họ thậm chí bị thuế cao hơn những người bản xứ (vì các lợi ích của họ từ sự di cư là hoàn toàn rõ ràng). Tôi cho là đúng rằng tại thái cực này những người bản xứ sẽ sẵn sàng chấp nhận nhiều người di cư hơn trong trường hợp thái cực thứ nhất, tức là, giá trị đó trên trục ngang trong Hình 4.1 (điểm B) sẽ lớn hơn.

Hai trường hợp này minh họa đề xuất của tôi về một mối quan hệ âm giữa sự sẵn sàng chấp nhận những người di cư và sự mở rộng các quyền của những người di cư. Hai điểm cực (A và B), trong thực tế, là đủ cho sự hiện diện của một mối quan hệ âm (giả thiết mối quan hệ là liên tục và đơn điệu). Chúng ta chỉ cần vẽ một đường (đường cong “cầu”) nối hai điểm. Phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng nước, tính rộng của bó các quyền nó cung cấp, lịch sử xử lý những người di cư của nó, hay tính hào phóng của dân cư địa phương, đường cong dốc xuống nối hai điểm có thể có các hình thù khác nhau. Nó có thể dốc hơn hay phẳng hơn; có thể có các phần nơi nó hầu như phẳng và các phần khác nơi nó đi xuống dốc hơn. Nhưng mối quan hệ cốt yếu của độ dốc âm được xác lập, và sẽ tùy thuộc vào từng nước để tìm thấy điểm nào trên đường cong cầu nó muốn chọn.

Mối quan hệ được gợi ý ở đây có thể làm cho thích nghi với một sự đa dạng rộng của các kết cục về mặt đối xử với những người di cư và các dòng chảy vào của họ. Dưới sự đối xử ít thuận lợi nhất cho những người di cư, người ta có thể hình dung một hệ thống di cư vòng tròn nơi một người di cư sẽ được phép ở lại cho chỉ một kỳ, chẳng hạn, bốn hay năm năm, không có gia đình, và sẽ được phép làm việc cho một chủ sử dụng lao động duy nhất. Tất cả các quyền liên quan đến việc làm của những người di cư sẽ cùng như các quyền của lao động trong nước (lương, bảo vệ tai nạn và sức khỏe, tư cách thành viên công đoàn, và các quyền tương tự), nhưng những người di cư sẽ không có các quyền công dân khác. Họ sẽ bị từ chối các phúc lợi xã hội không liên quan đến việc làm và sẽ không có quyền bỏ phiếu. Tóm lại, họ sẽ nhận được một phần thưởng tư cách công dân rất bị pha loãng. Trong kịch bản xấu nhất đó cho những người di cư, hệ thống sẽ giống với hệ thống hiện thời tồn tại trong các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và ở Singapore, vắng mặt sự ngược đãi và các sự đe dọa bạo lực, và giống với những visa nào đó ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Người ta cũng có thể di chuyển dọc đường cầu và chào nhiều quyền hơn; ở thái cực, sự chào mời sẽ là sự bình đẳng đầy đủ với các công dân trong nước.

Các lợi thế của đề xuất

Lợi thế của tư duy về di cư bên trong một khung cảnh không chỉ là nó cho phép tính linh hoạt về lựa chọn chiến lược di cư tốt nhất, mà quan trọng hơn, qua việc cung cấp tính linh hoạt, rằng nó ngăn chặn trước sự quyết định lựa chọn tồi nhất về zero di cư. Tôi thận trọng mô tả zero di cư như lựa chọn tồi nhất vì, so với bất kể thay thế nào khác, nó là tồi hơn cho những người di cư, cho các mảng lớn của dân cư bản xứ (mà các kỹ năng của họ bổ sung cho các kỹ năng của những người di cư hay sẽ được lợi từ các chi phí sản xuất thấp hơn của các hàng hóa và các dịch vụ do những người di cư sản xuất), và cho sự nghèo và bất bình đẳng toàn cầu. Việc trao các quyền có phân biệt cho các hạng cư dân khác nhau là một cách để chống lại kịch bản xấu nhất. Nó không là một giải pháp lý tưởng. Nếu giả như thế giới được tổ chức khác đi (thí dụ, không theo các nhà nước-quốc gia), hay nếu giả như các nền văn hóa của các dân tộc là đồng đều, hay nếu giả như kẽ hở thu nhập trung bình giữa các nước là nhỏ, hay nếu giả như người dân luôn luôn tử tế và hòa bình, thì không nghi ngờ gì nó có thể được cải thiện. Nhưng vì chẳng cái nào trong số đó là thế, chúng ta cần một giải pháp thực tế tính đến thế giới và ý kiến của người dân như chúng là và, bên trong các ràng buộc như vậy, triển khai một giải pháp khả thi.

Việc đối xử khác nhau đối với các hạng cư dân khác nhau, như tôi đã nhắc tới ở trên, là một thực tế rồi ở nhiều nước. Các giấy phép cư trú cho phép người ta sống và làm việc ở các nước tiếp nhận mà không được hưởng một gam đầy đủ của các quyền công dân. Tại Hoa Kỳ, hệ thống của các quyền và nghĩa vụ bị phân mảnh rồi. Dưới-công dân như những người di cư không có giấy tờ, mà số của họ được ước lượng là hơn 10 triệu, hay khoảng 3 đến 4 phần trăm dân số Mỹ, không có quyền nào đến các phúc lợi xã hội và thường đối mặt với các cản trở tới giáo dục miễn phí hay đơn giản bị từ chối trong một số bang hay một số trường của bang; họ có một sự lựa chọn việc làm rất hạn chế (chỉ các việc làm nơi không cần đầy đủ giấy tờ); và sống dưới sự đe dọa liên tục của sự trục xuất. Họ không thể đi ra ngoài Hoa Kỳ (mà làm cho vị trí của họ giống vị trí của các công dân của các nước thuộc khối phương Đông trước kia). Tuy vậy, họ chấp nhận các hạn chế ngặt nghèo này về các quyền và quyền tự do, cũng như một địa vị xã hội thấp hơn so với dân cư bản xứ, bởi vì lợi lộc thu nhập lớn, ít bạo lực hơn, và sự đối xử tốt hơn so với những gì họ trải nghiệm trong đất nước quê hương họ, cũng như trong kỳ vọng rằng các quyền của con cái họ sẽ không bị hạn chế như của họ. Các hạng cao hơn bên trên hạng những người di cư không có giấy tờ gồm những người với các kiểu visa tạm thời khác nhau, được phép ở Hoa Kỳ chỉ trong một số năm nhất định và để làm việc cho một nhà sử dụng lao động cụ thể. Những người có thẻ xanh, về mặt khả năng việc làm và cả sự đánh thuế, là tương đương với các công dân, nhưng họ không có quyền bỏ phiếu (và như thế không thể [tham gia] quyết định sự đánh thuế hay bất kể chính sách quốc gia khác nào). Như thế chúng ta thấy trong ví dụ này rằng có rồi các điều kiện thay đổi, một số có sự len lỏi vào một cách lén lút, và các mức độ thuộc về trong một lĩnh vực mà, về lý thuyết, phải thừa nhận chỉ một sự phân biệt nhị phân giữa công dân và không-công dân. Nhiều trong số những cách tiếp cận này là những sự thích nghi với toàn cầu hóa và thế giới không tự cấp tự túc, nơi loại phân chia sắc nét giữa công dân và không-công dân tồn tại trong thế kỷ thứ hai mươi, không còn có thể biện hộ được nữa.

Tính linh hoạt về sự lựa chọn điểm trên đường cong cầu không có nghĩa là tính linh hoạt về áp dụng các quy tắc. Chính sự đảo ngược là đúng. Để cho hệ thống di cư vòng tròn hoạt động, các kênh di cư hợp pháp phải được để mở. Nhưng đồng thời, tất cả các kênh di cư bất hợp pháp phải được đóng lại. Nếu chúng không, sự lựa chọn được cân nhắc kỹ về điểm tối ưu trên đường cong cầu sẽ trở nên không quan trọng, và mức di cư thực có thể vượt quá mức tối ưu đã được lựa chọn. Khi đó mối nguy hiểm về phản ứng dữ dội sẽ nghiêm trọng. Nếu một nước được thấy không có khả năng thực thi các quy tắc, các cử tri trong nước có thể quyết định rằng giải pháp có lý duy nhất là zero di cư. Để cho hệ thống hoạt động, tính linh hoạt về sự lựa chọn các mức di cư tối ưu phải cùng tồn tại với sự đàn áp đôi khi tàn nhẫn chống lại sự di cư quá mức.

Các bất lợi của đề xuất

Nhưng các đề xuất như vậy yêu cầu sự đối xử kỳ thị de facto đối với những người di cư cũng có các bất lợi của chúng. Nghiêm trọng nhất có lẽ là sự tạo ra một tầng lớp hạ lưu mà, cho dù không luôn luôn gồm cùng các cá nhân (trong trường hợp di cư vòng tròn), sẽ tồn tại mà không bao giờ được hấp thu vào cộng đồng bản xứ. Là có thể để nghĩ rằng điều này sẽ dẫn đến sự phát triển của các ghetto (khu biệt lập) địa phương, tội phạm cao, và một cảm giác chung về sự xa lánh khỏi dân cư bản xứ (và ngược lại). Vấn đề của sự ghetto hóa có thể là ít nghiêm trọng hơn nó thoạt tiên có vẻ, vì những người di cư có kỹ năng hơn và được trả lương tốt sẽ trộn lẫn dễ dàng hơn với dân cư bản xứ, nhưng chắc không có khả năng rằng sự sỉ nhục và các vấn đề loại trừ sẽ có bao giờ được loại bỏ hoàn toàn. Nó sẽ cũng đòi hỏi một sự thi hành việc về nước vững chắc và có lẽ mãnh liệt khi hết hạn, và những thay đổi lớn trong các nước không có các thẻ căn cước (ID) quốc gia.

Mối lo này gây ra vấn đề về làm thế nào bảo đảm sự ổn định xã hội trong một xã hội đa dạng và hơi bị phân cách như vậy nơi những người di cư có thể là một tầng lớp đặc biệt. Trong chừng mức mà những người di cư là đa dạng hơn về giáo dục và thu nhập, họ sẽ ít có khả năng hơn để được cảm nhận như một tầng lớp đặc biệt—có lẽ giống những người có thẻ xanh ở Hoa Kỳ ngày nay, mà không được thấy tạo thành một nhóm phân biệt chính xác bởi vì họ là các cá nhân với các mức giáo dục, các kỹ năng, và các văn hóa đa dạng. Những sự khác biệt về kỹ năng, và thu nhập có nghĩa rằng họ sẽ không sống trong các vùng địa lý tách biệt (xa khỏi những người bản xứ), và những sự khác biệt về bối cảnh sắc tộc có nghĩa rằng họ sẽ không là một nhóm có thể nhận ra về thể chất hay có nhiều cái chung với nhau.

Hơn nữa, khi chúng ta cân nhắc các sự bất lợi của giải pháp được đề xuất chúng ta không được phép đơn giản xem xét tổng của tất cả các sự bất lợi như vậy. Chúng ta phải cân nhắc chúng đối lại các sự thay thế, chẳng hạn, rằng viện trợ lớn hơn của các nước giàu có thể là một cách để ngăn cản sự di cư. Nhưng chống lại điều đó người ta phải lưu ý rằng viện trợ cho đến nay đã mang lại rất ít kết quả và rằng cho dù giả như điều này có thay đổi, sẽ cần một thời gian rất dài cho cách tiếp cận này để giải quyết vấn đề thực chất của sự khác biệt to lớn về các mức thu nhập, và như thế một khuyến khích không thể ngăn cản để di cư.10 Vì thế, sự thay thế cho menu linh hoạt về các quyền tư cách công dân sẽ lại hóa ra là một giải pháp của zero di cư, mà sẽ có nghĩa là Pháo đài châu Âu và Pháo đài Mỹ và nhiều cái chết hơn dọc các đường biên giới giữa hai vùng giàu này và các láng giềng miền nam nghèo hơn của chúng. Không phải là một kết cục đáng mong muốn theo bất cứ cách nào.

Tiếp theo chúng ta chuyển sang tính di động vốn dưới các điều kiện toàn cầu hóa.

4.2 Vốn: các Chuỗi Giá trị Toàn cầu

Chuỗi giá trị toàn cầu (global value chain), một cách tổ chức sản xuất sao cho các giai đoạn sản xuất khác nhau được đặt ở các nước khác nhau, có lẽ là sự đổi mới tổ chức (sản xuất) quan trọng nhất trong thời đại toàn cầu hóa này. Các chuỗi giá trị toàn cầu được cả khả năng công nghệ để kiểm soát từ xa một cách hiệu quả các quá trình sản xuất và sự tôn trọng toàn cầu cho các quyền tài sản làm cho có thể.

Trong quá khứ, sự thiếu hai yếu tố này đã hạn chế sự bành trướng của vốn nước ngoài. Adam Smith đã lưu ý gần hai trăm năm mươi năm trước rằng các chủ sở hữu vốn thích đầu tư gần nơi họ sống hơn như thế họ có thể để mắt đến sản xuất và đến cách công ty được quản lý (Wealth of Nations, book 4, chap. 2). Trước cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), mà cho phép những người ở xa hàng ngàn dặm để giữa sự kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, thì việc Smith gạt bỏ khả năng của vốn được toàn cầu hóa đã đúng.

Sự bảo vệ toàn cầu của các quyền tài sản là sự thay đổi quan trọng thứ hai. Thời đại toàn cầu hóa thứ nhất, mà có thể định niên đại rộng rãi từ 1870 đến 1914, đã bị cản trở bởi sự thiếu một đảm bảo rằng tài sản của người ta sẽ an toàn khỏi sự lạm dụng hay sự quốc hữu hóa trong các địa phương nước ngoài. “Giải pháp” được tìm thấy trong chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân. Các quốc gia xuất khẩu vốn hoặc đã chinh phục các nước khác hay đã đảm bảo rằng họ kiểm soát chính sách kinh tế của các bán-thuộc địa sao cho các chỗ như Trung Quốc, Ai Cập, Tunisia, và Venezuela không có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ các quyền tài sản của những người nước ngoài.11 Cùng vai trò mà chủ nghĩa thực dân đã đóng tàn bạo hơn khi đó, ngày nay được đóng bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên, hàng trăm hiệp định đầu tư song phương, và các cơ quan quản trị toàn cầu khác: chúng là những người bảo vệ chống lại sự quốc hữu hóa và sự lạm dụng tài sản nước ngoài. Về khía cạnh này, toàn cầu hóa đã tạo ra cấu trúc quản trị riêng của nó.

Các chuỗi giá trị toàn cầu đã xác định lại sự phát triển kinh tế. Được cho trong quá khứ rằng sự tham gia của các nước đang phát triển vào sự phân công lao động quốc tế đã là độc hại cho sự phát triển của chúng theo ít nhất ba cách và sẽ dẫn đến “sự phát triển của sự kém phát triển (development of undevelopment),” như André Gunder Frank đã gọi nó trong một bài báo có ảnh hưởng được công bố trong năm 1966.

Thứ nhất, theo trường phái tư tưởng dependencia (hay lý thuyết về sự phụ thuộc), các liên kết với Phương Bắc Toàn cầu [các nước đã phát triển] đã gồm chỉ một số hạn chế của các khu vực xuất khẩu và đã thất bại để phát triển các liên kết ngược (backward) hay các liên kết xuôi (forward) trong nước để đẩy các nước đang phát triển lên con đường phát triển bền vững.

Quan điểm này được bổ sung bởi một lý lẽ thứ hai, được gọi là “chủ nghĩa bi quan xuất khẩu,” mà đã tiên đoán rằng Phương Nam Toàn cầu [các nước chậm phát triển] sẽ vẫn vĩnh viễn là một nhà xuất khẩu nguyên liệu thô, với tỷ lệ trao đổi (TOT=Terms of Trade [giá xuất khẩu/giá nhập khẩu]) dài hạn xấu đi.

Cuối cùng, Robert Allen (2011) gần đây đã cho rằng tiến bộ công nghệ luôn luôn xảy ra ở tỷ lệ vốn-lao động của nước phát triển nhất lúc đó. Thí dụ, nước Anh, nền kinh tế tiên tiến nhất trong năm 1870, đã có một lợi ích trong việc đưa vào những cách mới để tạo ra sản lượng (đầu ra) tại tỷ lệ vốn-lao động (K/L) nó đối mặt khi đó; tương tự, Hoa Kỳ, như nền kinh tế tiên tiến nhất ngày nay, có một khuyến khích để đổi mới cho các kỹ thuật sản xuất sử dụng các tỷ lệ K/L rất cao. Nói chung, các nền kinh tế tiên tiến không có một khuyến khích để đổi mới ở các tỷ lệ K/L mà tại đó chúng không sản xuất. (Chẳng hạn, không ai ở Hoa Kỳ sẽ tiêu tiền để tìm một cách tốt hơn để sản xuất xe hơi sử dụng lao động chân tay hơn là sử dụng các robot.) Hệ lụy là các nước nghèo ngày nay đối mặt với cùng hàm sản xuất có tuổi hai thế kỷ, lạc hậu về công nghệ bởi vì không ai trong thế giới giàu lại có một khuyến khích để cải thiện tính hiệu quả sản xuất tại các tỷ lệ K/L của chúng [các nước nghèo]. Nói cách khác, các nước tiên tiến về công nghệ không có một lợi ích trong việc tìm ra những cách sản xuất hiệu quả hơn tại các tỷ lệ K/L mà bản thân chúng không trải nghiệm, và các nước nghèo không có know-how để làm việc đó. Các nước nghèo như thế bị kẹt trong một bẫy nghèo: nhằm để phát triển chúng cần nâng cấp sản xuất của chúng, nhưng các công nghệ có tại các tỷ lệ K/L của chúng là lỗi thời và không hiệu quả.

Toàn bộ chủ nghĩa bi quan Phương Nam Toàn cầu này đã bị đảo lộn bởi sự lên của các chuỗi giá trị toàn cầu. Ngày nay, để cho một nước phát triển, nó phải được bao gồm trong các chuỗi cung Tây phương hơn là việc thử ngắt liên kết khỏi thế giới giàu có. Một lý do then chốt cho điều này là các nhà đầu tư nước ngoài xem các chuỗi giá trị toàn cầu như các phần không thể tách rời của các quá trình sản xuất riêng của họ: họ không còn phải “được cầu xin” để mang vào công nghệ tiên tiến nhất hay thích hợp nhất nữa. Bây giờ họ có khuyến khích để đưa vào sự phát triển công nghệ ở mức tiền lương và tỷ lệ K/L họ đối mặt trong các nước nghèo, như thế loại bỏ bẫy nghèo mà Allen đã nhận diện. Tầm quan trọng của sự thay đổi này, cả cho đời sống thật và cho cái nó nói với chúng ta về sự biện minh ý thức hệ của toàn cầu hóa như một con đường tiến lên cho sự phát triển của các nước nghèo hơn, không thể được đánh giá quá cao.

Toàn cầu hóa như sự tách ra (unbundling)

Những vấn đề này được phân tích rất khéo léo trong cuốn sách của Richard Baldwin The Great Convergence [Sự Hội tụ Lớn] (2016). Baldwin cho rằng chỉ những nước có khả năng chèn bản thân chúng vào các chuỗi cung (hay chuỗi giá trị) toàn cầu đã thành công trong việc tăng tốc sự phát triển của chúng. Các nước này, theo Baldwin, là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, và Ba Lan; vài nước khác (Bangladesh, Ethiopia, Burma, Việt Nam, Rumania) có thể được thêm vào danh sách. Tuy vậy, để hiểu vì sao chúng đã được lợi nhiều đến vậy từ toàn cầu hóa, chúng ta cần hiểu những cách kỹ thuật mà theo đó toàn cầu hóa ngày nay là khác với toàn cầu hóa trước, ngoài sự bảo vệ tốt hơn nhiều của các quyền tài sản (nhờ các hiệp ước quốc tế và các cơ chế thi hành). Chính các đặc điểm mới và đặc thù này của toàn cầu hóa mà đã làm cho các chuỗi giá trị toàn cầu quan trọng đến vậy.

Baldwin xác định ba thời đại toàn cầu hóa được đặc trưng bởi chi phí giảm đi của việc chuyên chở, lần lượt, (1) hàng hóa, (2) thông tin, và (3) người. Hai thời đại đầu tiên tương ứng với hai sự toàn cầu hóa tôi đã nhắc đến rồi, trong khi thời đại thứ ba nằm trong tương lai. Lý lẽ là như sau: Khi sự vận chuyển hàng hóa đã hiểm nghèo và đắt đỏ, sự sản xuất và sự tiêu dùng đã phải trùng nhau về mặt địa lý—các cộng đồng tiêu dùng bất cứ thứ gì chúng sản xuất. Trong ngay cả các xã hội phát triển nhất trước-hiện đại, như Rome cổ xưa, hàng hóa trao đổi đã gồm các món hàng xa xỉ và lúa mì. Nhưng Rome đã là một ngoại lệ; trong hầu hết xã hội trước-hiện đại, sự buôn bán đã là tối thiểu.

Rồi đến Cách mạng Công nghiệp, mà đã hạ thấp chi phí chuyên chở hàng hóa. Điều này làm cho việc giao hàng hóa tới các điểm đích (nơi nhận) xa xôi là có thể và đã tạo ra toàn cầu hóa thứ nhất, hay “sự tách ra (unbundling) thứ nhất,” như Baldwin gọi nó: hàng hóa được sản xuất “ở đây” và được tiêu thụ “ở đó.” Việc này cũng đã cho kinh tế học hầu như tất cả các khái niệm và bộ dụng cụ (toolkit) trí tuệ mà chúng ta vẫn dùng ngày nay. Sự tách ra thứ nhất đã tạo ra một mối lo mới với cán cân thương mại quốc gia và như thế đã đưa vào chủ nghĩa trọng thương. Nó cũng đã dẫn tới một sự tập trung vào sự sản xuất quốc gia của các hàng hóa qua tất cả các giai đoạn của chúng và một quan điểm về thương mại như gồm quốc gia A xuất khẩu một hàng hóa cho quốc gia B (nhưng không gồm công ty A bán hàng cho công ty B, hay công ty A bán các thứ cho chi nhánh của nó, mà rồi bán chúng cho công ty B). Cuối cùng, nó đã cho chúng ta một lý thuyết tăng trưởng mà xem các quốc gia tiến triển từ sản xuất thực phẩm đến sản xuất các mặt hàng chế tác và xa hơn nữa đến các dịch vụ. Hầu như tất cả các công cụ của kinh tế học hiện đại vẫn bén rễ vào cách sự tách ra thứ nhất xảy ra.12 Các đặc điểm chính của sự tách ra thứ nhất đã là (i) buôn bán hàng hóa, (ii) đầu tư trực tiếp nước ngoài (mà, sự vắng mặt của bất kể công cụ khác nào bảo đảm các quyền tài sản ở các địa điểm xa xôi, đã dẫn đến chủ nghĩa thực dân), và (iii) các nhà nước-quốc gia.

Toàn cầu hóa thứ hai

Ngày nay, trong cái Baldwin nhận diện như sự tách ra thứ hai (và toàn cầu hóa thứ hai), tất cả ba diễn viên chính đã thay đổi. Bây giờ, sự kiểm soát và điều phối sản xuất được tiến hành “ở đây,” nhưng sự sản xuất thực của các hàng hóa được tiến hành “ở đó.” Lưu ý sự khác biệt: đầu tiên bạn tách sự sản xuất và sự tiêu thụ ra, rồi bạn tách bản thân sự sản xuất ra.13 Sự tách ra của sản xuất đã được làm cho có thể bởi cách mạng ICT, cho phép các công ty để thiết kế và kiểm soát các quá trình từ trung tâm trong khi trải sự sản xuất ra cho hàng trăm đơn vị hay cho các nhà thầu phụ rải rác khắp thế giới. Chi phí giảm xuống của vận chuyển thông tin (về cơ bản, khả năng để điều phối và kiểm soát bất chấp khoảng cách) cho sự tách ra thứ hai là cái chi phí giảm xuống của việc chuyên chở hàng hóa đã là cho sự tách ra thứ nhất. Bây giờ, các diễn viên chính là (i) thông tin và sự kiểm soát (thay cho hàng hóa), (ii) các định chế ép buộc toàn cầu (thay cho chủ nghĩa thực dân), và (iii) các công ty (thay cho các quốc gia).

Vài thứ khác là phân biệt về sự tách ra thứ hai. Đầu tiên, tầm quan trọng của các định chế đã tăng lên. Khi toàn cầu hóa đã gồm chỉ sự xuất khẩu hàng hóa, các định chế trong nước mà hàng hóa được xuất khẩu đến đã không quan trọng mấy; dù các định chế “ở đó” đã tốt hay xấu, các nhà xuất khẩu đã được trả khoảng như nhau.14 Điều này không thế với sự tách ra thứ hai. Khi sự sản xuất được phi cục bộ hóa (delocalized-tách ra khỏi trung tâm), chất lượng của các định chế, cơ sở hạ tầng, và chính trị trong nước tiếp nhận là vô cùng quan trọng cho trung tâm. Nếu các bản thiết kế bị đánh cắp, hàng hóa bị tịch thu, hay sự đi lại của những người giữa trung tâm và địa điểm hải ngoại (offshore location) bị làm cho khó khăn, thì toàn bộ cấu trúc của công ty sụp đổ. Đối với trung tâm, chất lượng của các định chế ở địa điểm hải ngoại trở nên hầu như quan trọng như chất lượng của các định chế địa phương. Điều này có nghĩa rằng các định chế ở ngoại vi bây giờ hoặc phải đẽo càng sát hay càng được tích hợp vào các định chế tồn tại ở trung tâm càng tốt, mà chính xác là ngược lại cái trường phái dependencia đã dạy.

Thứ hai, tiến bộ công nghệ ở các địa điểm hải ngoại bây giờ có một màu sắc hoàn toàn khác hơn trong quá khứ. Trong khi trong quá khứ các nước đang phát triển đã phải cố gắng hết sức để xui khiến các nhà đầu tư nước ngoài để chia sẻ know-how của họ, bây giờ một công ty có cơ sở ở trung tâm (công ty mẹ) có các khuyến khích để đảm bảo rằng công nghệ tốt nhất được sử dụng ở địa điểm hải ngoại, mà đã trở thành một phần không tách rời của chuỗi sản xuất của trung tâm. Đấy là một sự thay đổi to lớn: thay cho các nước nghèo cố gắng khuyến khích các công ty nước ngoài để chuyển giao công nghệ, bây giờ chủ sở hữu của công nghệ nghệ đó tha thiết để chuyển giao cho địa điểm hải ngoại [của nó] càng nhiều trong số đó càng tốt.

Theo nghĩa nào đó, tình thế đã đảo ngược: bây giờ chính quốc gia nơi công ty mẹ có trụ sở đang thử cản trở công ty khỏi việc chuyển giao công nghệ tốt nhất của nó ra ngoại vi. Các rent đổi mới, nhận được bởi các lãnh đạo trong các công nghệ mới, đang bị tiêu tán đi khỏi trung tâm. Đấy là một trong những lý do then chốt vì sao những người trong thế giới giàu thường than phiền về sự thuê ngoài [outsourcing] (hay offshoring [chuyển sản xuất ra nước ngoài]). Họ phê phán nó không chỉ bởi vì các việc làm trong nước bị ảnh hưởng mà bởi vì các rent đổi mới được chia sẻ thường xuyên hơn với lao động nước ngoài hơn với lao động trong nước. Lợi lộc từ công nghệ mới dồn lại cho các nhà kinh doanh và các nhà tư bản ở trung tâm nhưng cũng cho những người lao động ở các vùng kém-phát triển hơn mà sự sản xuất được thuê ngoài (outsourced). Một dấu hiệu của quá trình đó là offshoring đã đặc biệt mạnh trong các ngành high-tech [công nghệ-cao]. Trong một nghiên cứu về tám nền kinh tế tiên tiến (Nhật Bản, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Italy, Hà Lan, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ), Bournakis, Vecchi, and Venturini (2018) đã tìm thấy rằng offshoring high-tech đã tăng từ 14 phần trăm giá trị gia tăng trong cuối những năm 1990 (mức mà tại đó nó đã là kể từ đầu thập niên đó) lên khoảng 18 phần trăm vào năm 2006. Offshoring trong các ngành low-tech [công nghệ-thấp] đã vẫn ổn định ở khoảng 8 phần trăm giá trị gia tăng. Những người bị cắt khỏi các phúc lợi là những người lao động ở các nước giàu. Sự thay đổi này cũng là một trong những lý do chính vì sao toàn cầu hóa ngày nay đi cùng với sự mất sức mạnh mặc cả của lao động ở các nước giàu và sự đình trệ tiền lương cho những người lao động ít-kỹ năng (hay chí ít những người mà có thể được thay thế dễ dàng bằng những người nước ngoài). Điều này cũng giải thích các nỗ lực gần đây để lùi toàn cầu hóa lại trong thế giới đã phát triển. Và quan trọng nhất, nó ở gốc của một liên minh ngầm được hình thành, ở mức toàn cầu, giữa những người giàu ở các nước giàu và những người nghèo ở các nước nghèo.

Toàn cầu hóa thứ hai mở đầu chủ nghĩa tư bản toàn cầu

Sự tách ra thứ hai cũng làm thay đổi cơ bản quan điểm của chúng ta rằng sự phát triển đi qua các giai đoạn ngăn nắp, được xác định trước. Quan điểm lỗi thời, theo sau cách nước Anh, và muộn hơn Hoa Kỳ và Nhật Bản, đã phát triển, rằng các nước đã đi qua một giai đoạn thay thế-nhập khẩu với sự bảo hộ thuế quan đáng kể, sau đó đã phát triển xuất khẩu các mặt hàng chế tác đơn giản, và muộn hơn từ từ chuyển vào các sản phẩm tinh vi hơn với giá trị gia tăng cao hơn. Đấy đã là ý tưởng làm cơ sở cho hầu hết chính sách phát triển giữa những năm 1950 và những năm 1980, Hàn Quốc, Brazil, và Thổ Nhĩ Kỳ đã là các ví dụ tốt nhất về các nước theo các chính sách như vậy. Trong những năm 1990, với toàn cầu hóa thứ hai, tình hình đã thay đổi. Cái đã trở thành cốt yếu cho thành công của các nước đang phát triển không còn là phát triển qua các giai đoạn được xác định trước khác nhau sử dụng các chính sách kinh tế riêng của chúng, mà để trở thành một phần của các chuỗi cung toàn cầu được trung tâm (Phương Bắc Toàn cầu) tổ chức. Và hơn nữa, không chỉ đi vào các giai đoạn giá trị gia tăng cao hơn bằng việc sao chép những gì các nước giàu hơn đang làm, mà, như Trung Quốc đang làm bây giờ, để bản thân trở thành các nhà lãnh đạo công nghệ. Sự tách ra thứ hai đã làm cho có thể để nhảy qua các giai đoạn mà trước đây được cho là cần thiết. Mới gần đây như những năm 1980, đã là không thể tưởng tượng nổi rằng các nước đã là nông thôn và nghèo một cách áp đảo, như Ấn Độ và Trung Quốc, trong vòng hai hay ba thế hệ sẽ trở thành các nhà lãnh đạo công nghệ, hay chí ít đến gần đường giới hạn khả năng sản xuất trong một số lĩnh vực. Nhờ việc chèn của chúng vào các chuỗi cung toàn cầu, nó đã trở thành hiện thực.

Cách để diễn giải thành công của châu Á trong thời đại hiện thời không phải là bằng việc xem Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, và vân vân như các phiên bản mới nhất của Hàn Quốc. Chúng là các người tiên phong mở con đường mới tới sự phát triển mà, qua sự hội nhập nền kinh tế của mình vào thế giới đã phát triển, nhảy qua vài giai đoạn công nghệ và thể chế. Các nước thành công nhất trong toàn cầu hóa thứ hai là các nước mà, bởi vì các nhân tố thể chế, kỹ năng và chi phí lao động của chúng, và sự gần địa lý của chúng với phương Bắc (Toàn cầu), có khả năng để trở thành một phần không tách rời của nền kinh tế phương Bắc (Toàn cầu). Hình mẫu này đảo ngược hệ thuyết (paradigm) dependencia, mà cho rằng sự ngắt liên kết (delinking) đã là con đường phát triển. Ngược lại, việc trở nên được liên kết là cái đã cho phép châu Á đi con đường từ sự nghèo tuyệt đối tới địa vị thu nhập-trung bình trong một khoảng thời gian ngắn đáng chú ý. Sự liên kết công nghệ và thể chế này là ở gốc của sự truyền bá chủ nghĩa tư bản ra phần còn lại của thế giới và sự thống trị phổ quát hiện thời của nó. Toàn cầu hóa thứ hai và địa vị thống trị của chủ nghĩa tư bản như thế đi cùng nhau.

Cái gì sẽ là toàn cầu hóa thứ ba, theo Baldwin? Sự tách ra cuối cùng (chí ít từ viễn cảnh ngày nay) sẽ đến với khả năng của lao động để di chuyển trơn tru. Điều này sẽ xảy ra khi các chi phí của việc di chuyển lao động hay sự làm việc từ xa trở nên thấp. Cho các hoạt động mà đòi hỏi sự hiện diện thân thể của một người, chi phí của việc di chuyển tạm thời người đó đến một địa điểm khác vẫn còn cao. Nhưng nếu sự cần thiết cho sự hiện diện thân thể của một người lao động được giải quyết qua sự kiểm soát từ xa, như chúng ta thấy rồi với các bác sĩ thực hiện các phẫu thuật từ xa dùng các robot, thì lao động cũng có thể trở nên được toàn cầu hóa. Sự tách ra thứ ba, sự tách ra của lao động (như một đầu vào trong quá trình sản xuất) từ địa điểm vật lý của nó sẽ khiến chúng ta nghĩ về sự di cư và về các thị trường lao động rất khác đi: nếu các nhiệm vụ mà bây giờ đòi hỏi sự hiện diện thân thể của một người lao động sẽ có khả năng được tiến hành từ xa bởi một người ở bất kể điểm nào trên địa cầu, thì sự di cư của lao động có thể trở nên ít quan trọng hơn rất nhiều. Như một kết quả của sự tách ra thứ ba, chúng ta có thể đạt một thị trường lao động toàn cầu mà sẽ bắt chước cách thế giới sẽ trông thế nào nếu giả như sự di cư hoàn toàn không bị hạn chế—nhưng với không sự di chuyển người thực nào.15

Có lẽ sự thấu hiểu quan trọng nhất do quan điểm của Baldwin về các sự toàn cầu hóa như những sự tách ra kế tiếp mang lại là nó cho phép chúng ta xem sự tiến bộ kinh tế của hai thế kỷ qua như một thể liên tục được thúc đẩy bởi những sự tạo điều kiện thuận lợi kế tiếp nhau của sự di chuyển hàng hóa, thông tin, và cuối cùng con người. Nó cũng cung cấp một cái nhìn lướt qua về một utopia [xã hội không tưởng] (hay có lẽ một dystopia [phản địa đàng]) nơi mọi thứ có thể được di chuyển hầu như ngay lập tức và trơn tru quanh địa cầu. Nó sẽ là chiến thắng cuối cùng đối với các ràng buộc của không gian và thời gian.

Nhưng sự tách ra lớn thứ ba vẫn chưa đến, và như thế chúng ta vẫn sống trong một thế giới nơi lao động phải di chuyển về thân thể đến chỗ nơi công việc được thực hiện, và lợi tức cho cùng đơn vị lao động tiếp tục biến đổi nhiều phụ thuộc vào lao động đó ở đâu. Nói cách khác, chúng ta vẫn đang đề cập đến một thế giới nơi, như được thấy trong tiết đoạn trước, các khuyến khích để di cư là khổng lồ, và sự di cư của lao động là một vấn đề lớn.

Tiếp theo chúng ta sẽ xem xét sự di chuyển của vốn và lao động ngụ ý cái gì cho khả năng tồn tại của nhà nước phúc lợi—như thế mở rộng sự thảo luận từ Chương 2.

4.3 Nhà nước Phúc lợi: sự Sống sót

Sự tồn tại của rent tư cách công dân, và vì thế sự thực rằng tư cách công dân là một tài sản, xuất phát từ ba lợi thế kinh tế then chốt mà tư cách công dân trao cho người giữ nó: (a) một tập hợp lớn hơn nhiều của các cơ hội kinh tế, phán ánh tốt nhất trong tiền lương cao hơn và các việc làm lý thú hơn, (b) một yêu sách về dòng các phúc lợi xã hội có giá trị, và (c) các quyền phi-tài chính nào đó liên kết với các định chế hiện tồn (thí dụ, quyền đối với một sự xét xử công bằng và đối với sự không kỳ thị). Yếu tố (a) là không mới, mặc dù nó đã trở nên nổi bật hơn. Kể từ sự bắt đầu của lịch sử thành văn, các cộng đồng đã khác nhau về tiền lương và các cơ hội chúng đưa ra cho các công dân của chúng. Thí dụ, Rome và Alexandria đã đầy những người không-bản xứ mà đã đến đó vì nhiều việc làm có lương hơn và các triển vọng tốt hơn về tính di động hướng lên. Tuy vậy, kẽ hở giữa các xã hội giàu và nghèo đã chưa bao giờ rộng như bây giờ. Yếu tố (c) cũng chẳng mới: khi bị sự tra tấn đe dọa, tông đồ Kitô Paul đã la lên “Ego sum Romanus cis” (tôi là một công dân Roman), mà về nguyên tắc đã bảo vệ ngài khỏi sự đối xử như vậy—như quả thực đúng thế trong trường hợp của Paul.

Nhưng yếu tố (b)—các lợi lộc kinh tế xuất xứ từ sự tồn tại của nhà nước phúc lợi—là mới, bởi vì bản thân nhà nước phúc lợi là một cấu trúc hiện đại. Vì nhà nước phúc lợi đã dựa rõ ràng vào ý tưởng về tư cách công dân, một phần như một cách để vượt quá mâu thuẫn nội bộ giữa vốn và lao động, là khá bình thường rằng tư cách công dân trở thành tiêu chuẩn then chốt cho việc nhận được các khoản chuyển giao xã hội được nhà nước phân phát. Nhà nước-quốc gia, nhà nước phúc lợi, và tư cách công dân như thế trở nên được liên kết chặt chẽ. Hơn nữa, nhà nước phúc lợi, nhất là ở Scandinavia, đã được dựng lên trên giả thuyết về tính đồng đều văn hóa, và thường sắc tộc. Tính đồng đều đã có hai chức năng: nó đảm bảo rằng các chuẩn mực hành vi, mà là cốt yếu cho tính bền vững của nhà nước phúc lợi, sẽ là như nhau ngang hầu hết các bộ phận của dân cư, và nó đã nhấn mạnh ý tưởng về sự thống nhất quốc gia và như thế đã làm cùn lưỡi của mâu thuẫn giai cấp.

Trong thời đại toàn cầu hóa của chúng ta, một mâu thuẫn rõ ràng đã nổi lên giữa nhà nước phúc lợi, mà sự tiếp cận đến nó dựa vào tư cách công dân, và sự di chuyển tự do của lao động. Sự thực rằng có một nhà nước phúc lợi với các lợi ích được chỉ định cho chỉ các công dân và như thế tạo thành một phần của rent tư cách công dân của họ (trong một số trường hợp một phần đáng kể) buộc phải căng thẳng với sự di chuyển tự do của lao động. Nếu những người di cư được trao tư cách công dân ít nhiều một cách tự động, điều này ngụ ý sự pha loãng rent nhận được của các công dân hiện hành. Sự tồn tại của nhà nước phúc lợi, trong dài hạn, là không tương thích với sự toàn cầu hóa quy mô đầy đủ mà kể cả sự di chuyển tự do của lao động. Như chúng ta đã thấy, rent tư cách công dân nổi lên bởi vì một sự kiềm chế de facto về sự di cư được các công dân hiện hành sử dụng (na ná như sự kiềm chế về buôn bán được nhà độc quyền sử dụng). Sự kiềm chế này được áp đặt nhằm để bảo tồn yếu tố (a) của rent (tiền lương cao hơn), nhưng cả yếu tố (b)—các phúc lợi. Yếu tố (c), do là một hàng hóa công, từ quan điểm của các công dân hiện tồn, có lẽ là ít quan trọng hơn bởi vì nó có thể được chia sẻ với những người khác với chi phí tương đối ít.

Những sự khác biệt to lớn giữa các quốc gia về tất cả ba yếu tố (a, b, và c) dẫn đến các phần thưởng hay sự trừng phạt tư cách công dân cao, và đến lượt các chính sách hạn chế hơn về sự di chuyển tự do của lao động. Sự phân kỳ của thu nhập trung bình của các nước suốt hầu hết thế kỷ thứ hai mươi (tức là, khi các nước giàu đã tăng trưởng, trên một cơ sở đầu người, nhanh hơn các nước nghèo) và sự tồn tại của nhà nước phúc lợi cả hai chịu trách nhiệm cho các thái độ ít khoan dung hơn nhiều đối với tính di động của lao động trong các nước tiếp nhận. Một phần thưởng tư cách công dân lớn và các chính sách chống-nhập cư là hai mặt của cùng đồng xu. Một mặt không tồn tại mà không có mặt kia. Điều này dẫn chúng ta đến kết luận (được thảo luận rồi trong Tiết đoạn 4.1) rằng để cho sự toàn cầu hóa lao động ít trở thành một vấn đề chính trị, thì hoặc các khoảng cách giữa các thu nhập quốc gia phải giảm xuống (các nước nghèo hơn đuổi kịp các nước giàu), hay các nhà nước phúc lợi trong thế giới giàu phải giảm rất mạnh hay bị dỡ bỏ, hay những người di cư phải được trao ít quyền hơn những người bản xứ một cách đáng kể. Nếu chúng ta cho rằng tính di động tự do của lao động là đáng mong muốn bởi vì nó làm tăng thu nhập toàn cầu và thu nhập của những người di cư, như thế làm giảm nghèo thế giới, thì chúng ta phải kết luận, theo cùng lập luận, rằng một trong những cản trở chính cho những sự phát triển thuận lợi này là nhà nước phúc lợi trong các nước giàu. Nhưng, tiếp tục lập luận này thêm nữa, nếu nhà nước phúc lợi chắc không có khả năng giảm hay bị tháo dỡ bởi vì sự tháo dỡ của nó sẽ bị phản kháng về mặt chính trị, vì nó sẽ xóa sạch hầu hết sự tiến bộ xã hội được các công dân và những người lao động của các nước giàu thực hiện, thì nó dẫn ta đến đề xuất cắt bớt các quyền kinh tế của những người di cư.16

Các đảng cánh-tả và nhà nước phúc lợi

Một trong những hậu quả chính trị của sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước phúc lợi và tư cách công dân là thái độ chống-toàn cầu hóa của một số đảng cánh-tả nào đó (như La France Insoumise [Nước Pháp Bất khuất] ở Pháp, và các đảng Những người Dân chủ Xã hội ở Đan Mạch, Austria, Hà Lan, và Thụy Điển). Các đảng này chống cả các dòng vốn chảy ra (bởi vì outsourcing và đầu tư trong các nước nghèo hơn phá hủy các việc làm trong các nước giàu, cho dù chúng có thể tạo ra nhiều việc làm hơn ở nơi khác) và sự di cư. Các đảng cánh-tả này, mà đã đóng vai trò cốt yếu trong sự tạo ra nhà nước phúc lợi, như thế được đặt vào vị trí có vẻ nghịch lý về cả là dân tộc chủ nghĩa và chống-quốc tế chủ nghĩa, đoạn tuyệt với một truyền thống lâu đời của CNXH quốc tế chủ nghĩa. Sự thay đổi này về thái độ xuất phát từ một sự thay đổi về các điều kiện kinh tế cơ bản xảy ra trong một trăm năm mươi năm qua: một sự di chuyển xa khỏi tính chất đồng đều trong các điều kiện kinh tế giữa những người nghèo bất chấp quốc gia, và sự xây dựng các nhà nước phúc lợi phức tạp và toàn diện trong thế giới giàu có. Sự thay đổi chính sách của các đảng cánh-tả như thế không phải là ngẫu nhiên mà là một phản ứng lại các xu hướng dài hạn. Các đảng cánh-tả hay dân chủ xã hội có các khối cử tri được xác định tương đối tốt của những người lao động trong các khu vực công nghiệp và công cộng, mà việc làm của họ bị sự di chuyển tự do của cả vốn và lao động đe dọa. Bằng việc trên thực tế bỏ truyền thống của chủ nghĩa quốc tế, các đảng này đã trở nên giống hơn, và gần hơn về chính trị, với các đảng cánh-hữu mà bây giờ chúng thường (như ở Pháp) chia sẻ không gian chính trị và các cử tri. Chủ nghĩa quốc tế còn lại vẫn có thể được thấy, tuy vậy, trong các chính sách chống kỳ thị của các đảng cánh-tả, mà những người hưởng lợi chính của chúng là những người di cư đang sống rồi trong các nước nhận. Các cử tri của các đảng này như thế bày tỏ một thái độ hơi tâm thần phân liệt về ủng hộ các quyền của những người di cư đã tìm được cách vào trong nước rồi, trong khi lại chống nhiều người di cư hơn đang vào, và chống lại nhiều vốn hơn chảy ra để tạo việc làm cho những người nghèo hơn bản thân họ.

Bất bình đẳng cơ hội toàn cầu

Tôi kết thúc tiết đoạn này với một vấn đề triết lý hơn mà làm cơ sở cho thảo luận về di cư. Sự tồn tại của rent tư cách công dân ngụ ý sự bất bình đẳng cơ hội rõ ràng trên một quy mô toàn cầu: hai cá nhân y hệt nhau, một sinh ra trong một nước nghèo và một sinh ra trong một nước giàu, sẽ có các quyền cho các dòng thu nhập rất không ngang nhau suốt đời họ. Đấy là một sự thực hiển nhiên, nhưng các hệ lụy của nó đã không được rút ra đầy đủ. Nếu chúng ta đối sánh tình trạng của hai cá nhân này sinh ra trong hai nước khác nhau với hai cá nhân y hệt nhau sinh ra từ các cha mẹ nghèo và giàu trong cùng nước, chúng ta để ý rằng trong trường hợp sau sẽ có mối lo ngại nào đó về bất bình đẳng cơ hội và một niềm tin thường được chia sẻ giữa hầu hết các công dân của nước đó rằng những sự bất bình đẳng như vậy về vị trí xuất phát nên được san phẳng. Nhưng không có mối lo nào có vẻ tồn tại trong trường hợp trước. Công trình của John Rawls cung cấp một ví dụ hoàn hảo về sự khác nhau, hay sự không nhất quán này. Trong cuốn sách của ông A Theory of Justice [Một Lý thuyết về Công lý], ông ban cho các sự bất bình đẳng bên trong-quốc gia một chỗ có tầm quan trọng cao nhất và cho rằng các sự bất bình đẳng giữa những người sinh ra có cha mẹ giàu và nghèo cần được làm nhẹ bớt hay cần loại bỏ. Nhưng khi ông chuyển sang vũ đài quốc tế trong cuốn Law of Peoples [Quy luật của các Dân tộc], ông hoàn toàn bỏ qua các sự bất bình đẳng giữa những người sinh ra trong các nước giàu và nghèo. Thế nhưng theo lời của Josiah Stamp (1926), được viết gần một thế kỷ trước, “Trong khi chúng ta có thể chú tâm vào sự thừa kế cá nhân, nó không thể toàn toàn tách ra khỏi các khía cạnh công cộng. Khi [một người] sinh ra, với tư cách một đơn vị kinh tế, người đó phải liên kết với hai kiểu hỗ trợ, tức là những gì về mặt cá nhân người đó kế thừa từ cha mẹ mình, và những gì về mặt xã hội người đó thừa kế từ xã hội trước, và về cả hai thứ này nguyên lý kế thừa cá nhân đã hiện diện.”

Bất bình đẳng cơ hội toàn cầu nói chung không được xem là một vấn đề chút nào, còn ít hơn nhiều như một vấn đề cần một giải pháp. Bên trong các nhà nước-quốc gia, nhiều người coi sự truyền giữa thế hệ về của cải do gia đình kiếm được như khá đáng chê trách; nhưng giữa các quốc gia, sự truyền giữa thế hệ về của cải kiếm được một cách tập thể không được coi là một đối tượng lo ngại. Điều này là lý thú bởi vì các liên kết của các cá nhân với gia đình họ là chặt chẽ hơn các liên kết của họ với toàn bộ một cộng đồng, và người ta có thể nghĩ rằng sự truyền của cải gia đình ngang các thế hệ có thể được xem như ít đáng trách hơn sự truyền của cải xã hội ngang các thế hệ của các cá nhân không liên quan. Lý do rằng nó không có vẻ nằm trong một sự khác biệt cốt yếu, cụ thể là trong trường hợp đầu tiên, nơi sự truyền giữa thế hệ về của cải xảy ra bên trong cùng cộng đồng, các cá nhân có thể dễ dàng so sánh vị trí của họ với nhau, và họ ghét sự bất công; trong trường hợp kia, bất bình đẳng là quốc tế, và các cá nhân không dễ so sánh bản thân họ hay có lẽ không quan tâm để làm vậy (hay chí ít, những người giàu không quan tâm). Khoảng cách xa, như Aristotle lưu ý, thường làm cho người dân thờ ơ với số phận của những người khác, có lẽ bởi vì họ không xem những người khác như những người ngang hàng để so sánh thu nhập hay của cải của họ với.17 Sự chính thức thuộc về một cộng đồng (tư cách công dân) là chìa khóa để giải thích các sự khác biệt này. Vấn đề cơ bản được Adam Smith xác định với sự sáng sủa vô cùng trong Theory of Moral Sentiments [Lý thuyết về Tình cảm Đạo đức]: “Trong xã hội vĩ đại của loài người … sự thịnh vượng của Pháp [bởi vì số dân cư lớn hơn] phải có vẻ là một đối tượng có tầm quan trọng hơn sự thịnh vượng của Anh rất nhiều. Tuy vậy, thần dân Anh, mà vì lý do đó, thường xuyên thích sự thịnh vượng của nước trước hơn sự thịnh vượng của nước sau, sẽ không được xem là một công dân tốt của nước Anh” (part 6, chap. 2).

Theo tập quán lâu đời của chúng ta về “chủ nghĩa dân tộc phương pháp luận,” nơi về cơ bản chúng ta nghiên cứu các hiện tượng nào đó bên trong giới hạn của một quốc gia, chúng ta được dẫn đến lập trường rằng bình đẳng cơ hội có vẻ áp dụng, và được nghiên cứu, chỉ bên trong nhà nước-quốc gia. Bất bình đẳng cơ hội toàn cầu bị bỏ quên hay bị bỏ qua. Đấy có thể đã là một lập trường hợp lý về mặt triết lý và thực tiễn trong quá khứ, khi sự hiểu biết về sự khác biệt giữa các quốc gia là mơ hồ và bất bình đẳng cơ hội chưa được đề cập thậm chí ở quê nhà. Nhưng bây giờ nó có thể không là một lập trường hợp lý nữa. Những người theo chủ nghĩa thế giới và những người chủ trương trung ương tập quyền (statist) không nghi ngờ gì bất đồng nhau về vấn đề đó. Nhưng chúng ta cũng cần đưa vấn đề lên bàn về mặt kinh tế, và thảo luận nó liên quan đến sự di cư, mà là sự biểu hiện rõ rệt nhất của nó.

4.4 Tham nhũng khắp Thế giới

Tôi nghĩ, có một cảm giác chung rằng ở hầu hết các nước, tham nhũng ngày nay là lớn hơn tham nhũng ba mươi năm trước.18 Nếu chúng ta đo tham nhũng bằng số vụ tham nhũng bị tiết lộ, tuy vậy, ấn tượng đó có thể tỏ ra là đánh lạc hướng. Có thể rằng khả năng để kiểm soát tham nhũng và trừng phạt các tội phạm đang tăng lên, hơn là bản thân tham nhũng. Hay, một cách thay thế, có thể là cảm giác của chúng ta về tham nhũng tăng lên khắp thế giới được thúc đẩy bởi sự thực rằng bây giờ chúng ta có nhiều thông tin hơn chúng ta đã có trong quá khứ, không chỉ về tham nhũng địa phương mà cả về tham nhũng trong nhiều phần của thế giới. Chẳng khả năng nào có thể bị gạt bỏ một cách dễ dàng. Về điểm thứ nhất, chúng ta không có dữ liệu đáng tin cậy theo thời gian về sự thi hành (luật), và cho dù chúng ta có, một sự tăng lên về số các vụ tham nhũng bị truy tố không thể nói cho chúng ta bất cứ thứ gì về độ lớn của tham nhũng hay về sức mạnh của sự thực thi pháp luật. Điều này là bởi vì mức độ tham nhũng (mẫu số mà chúng ta muốn có khi đánh giá liệu sự thực thi [luật] có được cải thiện hay không) theo định nghĩa là ẩn số. Chúng ta sẽ biết chỉ về các vụ tham nhũng được đưa ra tòa án, không phải mức độ tham nhũng thật.

Sự thiếu hiểu biết này có thể được bù đắp mức độ nào đó qua các chỉ số dựa vào các điều tra hỏi ý kiến của các chuyên gia khác nhau về sự phổ biến của tham nhũng, như Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng của Transparency International và các Chỉ báo Quản trị khắp Thế giới của World Bank. Các khảo sát này không phải là về tham nhũng theo nghĩa hẹp mà thay vào đó là cảm nhận về tham nhũng.19 Nhưng chúng đã không bắt đầu cho đến giữa-những năm 1990, khi toàn cầu hóa đã diễn ra sôi động rồi. Quan trọng hơn, các chỉ báo như vậy cho phép chỉ những sự so sánh tương đối về tham nhũng (Nga có đã tham nhũng hơn Đan Mạch trong năm nào đó?), không phải sự tiến hóa của tham nhũng theo thời gian (trong năm 2018 Nga có tham nhũng hơn trong năm 2010?) hay các sự so sánh số lượng [cardinal] (Nga có tham nhũng so với Đan Mạch năm nay hơn năm vừa qua?). Điều này là bởi vì các chỉ báo đơn giản xếp hạng các nước nỗi năm; chúng không so sánh các giá trị từ năm này với năm khác. Chúng ta cũng không thể nói nhiều về bản thân các cảm nhận của người dân có thể bị ảnh hưởng bởi số vụ tham nhũng được báo cáo lớn hơn, báo chí cởi mở hơn, và hiểu biết lớn hơn về tham nhũng bên ngoài các giới nhỏ của riêng họ hay không.

Cho nhiều thông tin hơn, chúng ta có thể quay sang các ước lượng gần đây về lượng ngân quỹ được giữ tại các thiên đường thuế. Việc dùng các thiên đường thuế này không phải là một chỉ báo gọn gẽ về tham nhũng, nhưng hai thứ có liên hệ với nhau. Tất nhiên, tiền kiếm được qua tham nhũng không cần được giữ trong các thiên đường thuế; nó có thể “biến đổi” thành các hoạt động hợp pháp hay, chẳng hạn, được dùng để mua bất động sản ở London hay New York. Như thế, một mình sự đánh giá độ lớn của các thiên đường thuế có thể ước lượng thấp tham nhũng. Nhưng nó cũng có thể ước lượng quá tham nhũng, vì tiền kiếm được một cách hợp pháp cũng có thể được để trong các thiên đường thuế, đơn giản cho mục đích tránh thuế. Tuy vậy, trong cả hai trường hợp hầu hết tiền được giữ trong các thiên đường thuế là ngoài-pháp luật vì lý do nó là tham nhũng hoặc trong nguồn gốc hay trong ý định (để tránh thuế).20 Sử dụng dữ liệu về những sự bất thường trong các vị thế tài sản có (assets positions) ngang các nước, Gabriel Zucman (2013, 1322) đã ước lượng rằng trong năm 2008, khoảng 5,9 ngàn tỷ $—8 phần trăm của tài sản tài chính hộ gia đình toàn cầu, hay 10 phần trăm của GDP toàn cầu—được giữ trong các thiên đường thuế (ba phần tư của nó không được ghi lại). Con số đó đã ổn định từ năm 2000, khi Zucman đưa ra các ước lượng đầu tiên, đến năm 2015.21 Theo định nghĩa, nó gồm chỉ của cải tài chính và không tính đến nhiều hình thức khác (bất động sản, đồ châu báu, các công trình nghệ thuật) trong đó các tài sản ăn cắp, hay các tài sản kiếm được hợp pháp mà được bảo vệ khỏi sự đánh thuế, có thể được lưu trữ.

Một cách khác để đánh giá tham nhũng là để xem xét lỗi và sơ suất (errors and omissions) ròng toàn cầu, lỗi và sơ suất ròng là một hạng mục trong cán cân thanh toán của mỗi nước phản ánh, một phần, các lỗi thật, và một phần sự tẩu thoát vốn liên hệ với các hoạt động tham nhũng trong nước như tính hóa đơn thấp các khoản xuất khẩu hay tính hóa đơn cao các khoản nhập khẩu (sao cho hiệu số phát sinh được giữ ở nước ngoài), và các giao dịch bất hợp pháp khác. Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy rằng lỗi và sơ suất ròng toàn cầu, trong khi đã chẳng bao giờ vượt 100 tỷ $ hàng năm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, kể từ đó, trong 5 năm mà dữ liệu là sẵn có, đã lên đến một trung bình nhiều hơn 200 tỷ trên năm.22

Một cách tiếp cận khác để lượng hóa tham nhũng hay, chính xác hơn, lượng hóa một proxy (đại diện) cho của cải kiếm được qua các mối quan hệ chính trị, và được Caroline Freund sử dụng trong cuốn sách mở đường của bà Rich People Poor Countries: The Rise of Emerging Market Tycoons and Their Mega Firms [Dân Giàu Nước Nghèo: Sự lên của các ông Trùm tư bản Thị trường Mới nổi và các Hãng Khổng lồ của họ] (2016). Freund đã phân loại các tỷ phú khắp thế giới theo liệu nguồn của cải chính của họ đã là tự tay làm ra hay được thừa kế. Bên trong hạng trước, Freund đã tách ra một nhóm tỷ phú mà của cải của họ xuất phát từ các tài nguyên nhiên nhiên, các cuộc tư nhân hóa, hay các mối quan hệ khác với chính phủ.23 Hình 4.2 cho thấy tỷ lệ phần trăm của các tỷ phú (không phải tỷ lệ phần trăm của tổng của cải của họ) được ước lượng rơi vào nhóm đó. Trong các nền kinh tế tiên tiến, phần là khoảng 4 phần trăm (với một sự tăng cho các nước Anglo và Tây Âu giữa 2001 và 2014). Trong các nền kinh tế thị trường mới nổi, phần là giữa 10 phần trăm và 20 phần trăm, với ngoại lệ của một phần cực kỳ cao trong nhóm gồm Đông Âu, Nga, và Trung Á, được các tỷ phú từ các nước cộng hòa của Liên Xô trước đây dẫn dắt. Trừ trong khu vực cuối cùng này (mà được xem là tham nhũng nhất) và Mỹ Latin, tỷ lệ phần trăm tỷ phú có được của cải của họ nhờ các mối quan hệ chính trị tăng trong tất cả các vùng. Sự tăng là đặc biệt mạnh ở châu Phi hạ-Sahara và Nam Á (phần lớn do Ấn Độ). Phần toàn thế giới của tổng của cải của các tỷ phú được ước lượng đã kiếm được nhờ các mối quan hệ chính phủ đã tăng từ 3,8 phần trăm trong 2001 lên 10,2 phần trăm trong 2014, có thể tiên đoán được, với phần cao nhất ở Đông Âu, Nga, và Trung Á (73 phần trăm), Trung Đông và Bắc Phi (22 phần trăm), và Mỹ Latin (15 phần trăm).24

clip_image004

HÌNH 4.2. Tỷ lệ phần trăm của các tỷ phú mà của cải của họ được ước lượng xuất phát từ các tài nguyên thiên nhiên, tư nhân hóa, hay các mối quan hệ khác với chính phủ, 2001 và 2014

Các nước Anglo là Australia, Canada, New Zealand, và Hoa Kỳ. Đông Á đã phát triển bị bỏ bởi vì phần trong cả hai năm là zero. Nguồn dữ liệu: Dựa vào Freund (2016, bảng 2.4, pp. 37–38).

4.4a Ba Lý do cho Tham nhũng trong Thời đại Toàn cầu hóa

Bất chấp sự không thể đo trực tiếp tham nhũng và sự dựa vào các đại diện của chúng ta, có các lý do lý thuyết mạnh để tin rằng tham nhũng toàn thế giới ngày nay là lớn hơn hai mươi hay ba mươi năm trước, và có lẽ rằng nó sẽ tiếp tục tăng. Tôi thấy ít nhất ba lý do như vậy: (i) chủ nghĩa tư bản được siêu-thương mại hóa và toàn cầu hóa, nơi thành công cuộc sống được đo chỉ bằng thành công tài chính (được thảo luận chi tiết hơn trong Chương 5), (ii) các tài khoản vốn mở, mà làm cho dễ hơn để di chuyển tiền giữa các quyền tài phán và như thế cho sự rửa tiền ăn cắp được hay tránh thuế, và (iii) hiệu ứng đua đòi (demonstration effect) của toàn cầu hóa, mà theo đó người dân (nhất là các quan chức) trong các nước thu nhập-trung bình và nghèo tin rằng họ đáng được mức tiêu thụ sẵn có cho những người trong các vị trí tương tự ở các nước giàu, một mức mà họ, với tiền lương chính thức thấp của họ, chỉ có thể đạt được nếu họ tham nhũng. Điểm (i) về cơ bản là ý thức hệ và tổng quát (tức là, nó áp dụng ở bất cứ đâu trên thế giới và về nguyên tắc cho tất cả mọi người); điểm (iii) là hẹp hơn, áp dụng chỉ cho các nhóm người chọn lọc; và điểm (ii) là một điều kiện cho phép, một nhân tố tạo thuận lợi cho tham nhũng khắp thế giới.

Tôi lần lượt thảo luận ngắn gọn các điểm này.

Các hạn chế về tham nhũng ở các nước không hội nhập vào nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới

Ở đây tôi coi là đương nhiên một lý lẽ mà tôi trình bày chi tiết hơn trong Chương 5: siêu-toàn cầu hóa đòi hỏi một ý thức hệ biện minh cho sự kiếm-tiền (thuộc mọi lại) như thượng tầng kiến trúc trí tuệ của nó và trong đó thành công tài chính chi phối tất cả các mục tiêu khác và tạo ra một xã hội phi luân lý (amorality) cơ bản. Tính phi luân lý ngụ ý rằng xã hội và các cá nhân là thờ ơ về cách kiếm được của cải chừng nào các thứ được làm trên bờ vực của tính hợp pháp (cho dù phi đạo đức), hay ngoài pháp luật nhưng không bị phát hiện, hay theo một cách bất hợp pháp trong một quyền tài phán nhưng có thể được trình bày như hợp pháp trong quyền tài phán khác. Dưới các điều kiện này, suy ra trực tiếp rằng sẽ có các khuyến khích mạnh để hiến hành hành vi tham nhũng.25 Mục tiêu sẽ là để tham gia vào tham nhũng “tối ưu” hay “thông minh” mà có thể là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức nhưng là khó để phát hiện hay thậm chí để phân loại như tham nhũng. Cho dù các hoạt động như vậy sẽ bị coi một cách rộng rãi như đồi bại, điều đó không có nghĩa rằng chúng sẽ được phân loại về mặt pháp lý như tham nhũng và bị các nhà chức trách truy đuổi, như, chẳng hạn, ở Hoa Kỳ, nơi sự vận động hành lang luôn luôn ngấp nghé trên rìa giữa tính hợp pháp và tính bất hợp pháp.26 Tham nhũng được giúp thêm nữa bởi sự tạo ra một toàn bộ guồng máy luật sư mà lợi ích của nó để tư vấn cho các khách hàng làm thế nào để đạt các mục tiêu tham nhũng tốt nhất mà không công khai vi phạm luật, hay bằng cách vi phạm luật một cách tối thiểu. London, chẳng hạn, là chủ nhà của một ngành hợp pháp làm việc siêng năng để làm cho các cá nhân tham nhũng từ Nga, Trung Quốc, Nigeria, và nhiều nước khác để rửa tiền của họ ở Anh hay để dùng London như hub (trung tâm) qua đó để rửa tiền ở nơi khác.

Toàn cầu hóa lan ra tất cả các phần của thế giới đã rất quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho tham nhũng. Trong cuốn sách có ảnh hưởng của ông về tham nhũng ở Trung Quốc, Minxin Pei đã giải thích vì sao tham nhũng đã hầu như không tồn tại ở Trung Quốc Maoist (Pei 2006, 147–148). Ông đã nhận diện vài lý do: khả năng của người dân để giám sát các hình mẫu chi tiêu của các quan chức địa phương, mà đã sống gần các cử tri của họ và đã bị phơi ra cho các cuộc thanh trừng định kỳ (nếu bị nghi về tham nhũng27 hay không trung thành); sự nghèo và sự thiếu các hàng hóa hấp dẫn mà đã hạn chế nghiêm trọng những gì các quan chức tham nhũng có thể mua với tiền của họ; và sự cô lập của Trung Quốc khỏi phần còn lại của thế giới, mà đã làm cho các quan chức không thể chuyển tiền ra nước ngoài. Yếu tố cuối cùng đã có lẽ là quan trọng nhất.

Cách mà theo đó một hệ thống kinh tế khác cũng như sự tự cấp tự túc hay sự cách ly khỏi chủ nghĩa tư bản đã hạn chế tham nhũng quả thực được thấy tốt nhất trong trường hợp của các nước cộng sản. Hầu hết giao dịch tiền trong các nước đó đã xảy ra giữa các doanh nghiệp sở hữu nhà nước và đã hoàn toàn né tránh các dòng tiền hộ gia đình. Tiền doanh nghiệp như vậy đã thường chỉ là các đơn vị kế toán lưu hành bên trong khu vực doanh nghiệp và đã không thể được dùng cho các khoản mua sắm hộ gia đình. Có lẽ cách đơn giản nhất để hình dung nó là để tưởng tượng một tình trạng nơi tất cả các giao dịch kinh doanh giữa các công ty được tiến hành bằng tiền điện tử mà không để được dùng để trả lương hay cho các hàng hóa được tư nhân mua.28 Một công ty sản xuất đồ gỗ có thể bán đồ gỗ lấy tiền điện tử chỉ cho một công ty nhà nước khác. Bây giờ, thủ trưởng của công ty sau đã có thể ăn cắp đồ gỗ được giao, nhưng việc đó sẽ cả khó khăn (đồ gỗ nhận được sẽ được ghi vào sổ sách) và khá cồng kềnh và công khai. Nói cách khác, đã chỉ có cơ hội nhỏ rằng các hàng hóa được mua nhờ tiền doanh nghiệp sẽ kết thúc một cách bất hợp pháp trong tay của các cá nhân.

Các mối lợi và phần thưởng nhận được bởi các quan chức đảng-nhà nước chóp bu hay các thủ trưởng doanh nghiệp đã hầu như luôn luôn bằng hiện vật—sự sử dụng xe hơi sở hữu nhà nước, hay sự tiếp cận đến các hàng hóa tốt hơn hay các căn hộ lớn hơn. Chúng đã không thể được tiền tệ hóa, được tiết kiệm, hay truyền cho thế hệ tiếp theo. Hơn nữa, chúng có thể bị lấy đi tùy ý; thực ra, thông thường, chúng bị rút lại ngay khi một quan chức mất việc làm cung cấp các đặc ân đó. Chúng đã là các đặc ân ex officio (đương nhiên gắn với chức vụ) nghiêm ngặt. Việc này đã không phải tình cờ. Các đặc ân như vậy được cho là để bảo đảm sự vâng lời chính xác bởi vì chúng có thể bị rút lại dễ đến vậy. Một đặc ân mà có thể được tiền tệ hóa, được truyền cho những người thừa kế của người ta, hay nói chung bất khả xâm phạm tạo ra một phạm vi độc lập cho cá nhân. Việc trao sự độc lập như vậy là không tương thích với các chế độ độc đoán hay toàn trị. Nhưng về mặt tích cực, sự thiếu độc lập này đã hạn chế tham nhũng.

Một nhân tố quan trọng khác hạn chế tham nhũng đã là sự thiếu hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế (tư bản chủ nghĩa) quốc tế. Điều đó đã đúng thậm chí cho các nước tư bản chủ nghĩa giàu có, nhiều trong số đó trong những năm 1960 và những năm 1970 đã có sự kiểm soát tiền tệ hạn chế số lượng tiền mặt mà một người có thể mang ra nước ngoài, dù đi nghỉ hay trong các chuyến đi kinh doanh.29 Các sự kiềm chế thậm chí đã lớn hơn trong các nước đang phát triển với tiền tệ không chuyển đổi được. Và lần nữa chúng đã nghiêm ngặt nhất trong các nước XHCN hay nửa-XHCN (như Liên Xô, các nước Đông Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Algeria, Việt Nam, và Tanzania) mà đã không hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Cho dù các quan chức bằng cách nào đó có tiền (và nếu họ đã có khả năng để đổi nó thành ngoại tệ—một chữ “nếu” lớn), sự hiểu biết về chuyển tiền đó ra nước ngoài thế nào đã thiếu. Dựa vào sự giúp đỡ của những người có sự hiểu biết như vậy sẽ đưa một quan chức không chỉ đến tội tham nhũng mà cả tội phản bội, vì hầu hết những người với hiểu biết về các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hoạt động thế nào và tiến hành đầu tư ra sao điển hình là những người đã di cư từ các nước cộng sản và như thế bị coi là kẻ thù giai cấp.

Tôi nhớ một trường hợp từ giữa-những năm 1980, khi các chế độ cộng sản ở châu Âu đã ở giai đoạn tan rã rồi, sự kiểm soát đảng đã yếu đi rõ rệt, và ý tưởng rằng các quan chức ăn cắp tiền và giấu nó ở nước ngoài đã được xem như một khả năng, cho dù, tôi nghĩ, nó đã hầu như chẳng bao giờ là một thực tế—vào lúc đó. (Người ta phải đợi sự sụp đổ của các chế độ cộng sản và sự tư nhân hóa các tài sản sở hữu nhà nước để làm cho nó thành một thực tế.) Một tin đồn lan ra rằng thủ tướng Nam Tư đã mua một căn hộ ở Paris. Tôi thảo luận tin đồn với các bạn tôi và cho rằng nó chắc đã không đúng. Tôi chỉ ra rằng, thứ nhất, là khó để hiểu ông đã có thể lấy được nhiều tiền thế ở đâu khi đổi tiền mà cảnh sát mật lại không để ý đến chuyện này. Có lẽ, trong thời gian leo lên đến đỉnh, ông đã giúp một hãng nước ngoài có được một hợp đồng đặc biệt có lợi, mà có thể là hoạt động duy nhất nơi ông đã có thể hy vọng “kiếm được” một lượng tiền đáng kể. Nhưng ngay cả khi đó đã không rõ ràng ông được trả như thế nào cho “dịch vụ” này. Đã là bất hợp pháp để sở hữu các tài khoản ở nước ngoài, và việc mở một tài khoản, dù dưới tên của chính ông hay dưới tên của một người họ hàng, đã là một nước đi cực kỳ nguy hiểm, nếu bị phát hiện, sẽ chấm dứt sự nghiệp của ông lâu trước khi ông trở thành thủ tướng. Việc mở một tài khoản nước ngoài muộn hơn, khi ông ở vị trí quyền lực cao, cũng nguy hiểm ngang thế và khó khăn. Khi thăm các nước ngoài, các quan chức ở các mức cao như vậy chẳng bao giờ được để một mình. Là không thể tưởng tượng được rằng thủ tướng đã có thể đơn giản đi vào một văn phòng ngân hàng Paris và mở một tài khoản. (Bỏ sang bên một lát rằng, trong những năm đó khi sự kiểm soát vốn cũng đã tồn tại trong các nền kinh tế thị trường dẫn đầu, là khó cho ông để làm thế, vì ông không có khả năng cung cấp một địa chỉ địa phương và một ID.) Việc nhờ ai đó khác làm việc đó cho ông đã cũng nguy hiểm, mở ra khả năng ông bị tống tiền nhưng cả sự sụp đổ chính trị nếu hành động như vậy bị tiết lộ cho “các cơ quan có thẩm quyền.” Cuối cùng, lý lẽ của tôi tiếp tục, cho dù bằng cách nào đấy ông đã vượt qua được tất cả các trở ngại này, tôi chỉ không thể hiểu làm thế nào về mặt kỹ thuật ông có thể mua một căn hộ ở nước ngoài, vì hầu như chắc chắn ông đã không biết bất cứ thứ gì về đi đâu để có được thông tin về các căn hộ cần bán, giá cả của chúng, hay làm thế nào để làm công việc giấy tờ pháp lý. (Ông chắc chắn đã không thể thuê một luật sư nước ngoài.) Lưu ý rằng ngay cả các quan chức ở các nước không-cộng sản mà đã không là phần không thể tách rời của thế giới tư bản chủ nghĩa (Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ) đã thường thiếu hiểu biết và các mối tiếp xúc để chuyển tiền ra nước ngoài.

Sự bất lực để làm bất cứ thứ gì có ý nghĩa với tiền kiếm được một cách bất hợp pháp chắc chắn làm cho việc tham gia vào các hoạt động tham nhũng ít hấp dẫn hơn nhiều. Như thế không chỉ rằng các cơ hội kiếm tiền qua tham nhũng đã ít hơn trong các nước ít “hội nhập” hơn, mà có lẽ quan trọng ngang thế là sự bất lực để dùng tiền kiếm được một cách bất hợp pháp để đạt được các thứ đáng mng muốn đã hạn chế hơn nhiều. Là không rõ những gì các quan chức tham nhũng từ một nước không-hội nhập có thể làm với tiền đó. Chúng ta đã thấy rằng họ không có khả năng để mua một căn hộ nước ngoài, hay thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài. Họ chắc chắn đã cũng chẳng thể mơ về nghỉ hưu ở vùng Riviera Pháp. Hay, nói rằng họ muốn dùng tiền đen như vậy để tài trợ cho giáo dục nước ngoài cho con cái họ. Việc này cũng là không thể bởi vì việc gửi con cái sang các nước tư bản chủ nghĩa cho giáo dục được xem như một sự phản bội CNXH và giáo dục XHCN. Bất kể quan chức nào của một nước cộng sản mà con cái của họ được gửi sang Hoa Kỳ cho giáo dục (trừ trong thời gian họ được cử đi công tác nước ngoài) sẽ bị giáng chức ngay lập tức và nguồn ngân quỹ bị điều tra. Nói cách khác, quan chức sẽ phải chuẩn bị vào tù. Như thế không ngạc nhiên rằng chỉ các doanh nhân tư nhân (mà đủ giàu), hay ngay cả những người hơi độc lập với quyền lực chính trị (chẳng hạn, các bác sĩ hay các kỹ sư) và có họ hàng ở nước ngoài đã có thể tưởng tượng việc cung cấp giáo dục nước ngoài cho con cái họ.

Sự khác biệt này giữa các nước đã hội nhập vào hệ thống tư bản chủ nghĩa và các nước không hội nhập (cũng như giữa các triệu phú và dân “thường”) đã gây ấn tượng rất mạnh cho tôi khi tôi đọc một bài báo tự truyện của José Piñera, con trai của một trong những người giàu nhất ở Chile và bản thân ông muộn hơn, dưới thời Augusto Pinochet, là bộ trưởng lao động và an sinh xã hội.30 Ông hơi lãnh đạm nhắc đến ông đã học Harvard thế nào. Tôi đã thấy tính hờ hững này, như trong nhiều trường hợp tương tự mà tôi quan sát giữa những người giàu, hầu hết từ Mỹ Latin, là khác thường. Bỏ sang bên ai đó không là con của một người rất giàu làm thế nào để vào một trong những trường dự bị dành riêng được dùng như đầu vào cho các đại học đỉnh cao, thực hành các môn thể thao đắt tiền, hay tìm được thời gian để theo đuổi các hoạt động lạ (nhảy dù, chơi trong một dàn nhạc) mà có thể giúp nó đủ tư cách vào Harvard hay các trường đỉnh cao tương tự, tiền cần cho học phí và chi phí hàng ngày cao đến mức không ai sống trong một nước không nói tiếng Anh với một mức thu nhập trung bình và sự bất bình đẳng vừa phải và không có ngoại tệ chuyển đổi có thể ngay cả ấp ủ ý tưởng về học ở Harvard. Tất nhiên, ở đây tôi có ý nói đến tình trạng trong những năm 1960 và những năm 1970 (khi quả thực Piñera đã học ở nước ngoài).

Trong một thế giới không-hội nhập, mà muộn hơn, sau khi đã hội nhập, cung cấp phần lớn tham nhũng quốc tế qua Nga và Trung Quốc, tham nhũng như thế đã bị hạn chế theo một cách mang tính hệ thống.

Các thứ giúp tham nhũng toàn thế giới ở các nước tiếp nhận

Lý do thứ hai cho việc tin rằng tham nhũng đã tăng lên liên quan đến khung khổ cho phép. Tôi đã chạm đến nó rồi bằng việc cho thấy sự kiểm soát tiền tệ, mà đã phổ biến khắp thế giới kể cả trong các nền kinh tế tiên tiến, cũng như các đồng tiền không thể chuyển đổi, đã hạn chế khả năng để chuyển tiền ra nước ngoài như thế nào. Ngoài ra, đã không phải là một khung khổ tại chỗ để cho phép tham nhũng ở các nước mà là các nước nhận tiềm năng của tiền.

Sự tăng trưởng của các ngân hàng chuyên về các cá nhân có của cải ròng cao và về các văn phòng luật, mà vai trò chính của chúng là để tạo thuận lợi cho sự chuyển tiền kiếm được một cách bất hợp pháp, đã xảy ra cùng với toàn cầu hóa. Các cơ hội tham nhũng càng lớn, hay trong trường hợp này “cung” tăng lên của các bên quan tâm đến việc che giấu hay việc đầu tư tiền của họ ở nước ngoài, gây ra “cầu” càng lớn cho các quỹ như vậy, như được phản ánh trong sự tạo ra các nghề mới chuyên về giúp tiền kiếm được một cách bất hợp pháp tìm được một chỗ ở mới. Như thế không tình cờ rằng cung và cầu đã cùng tăng lên và sự tăng trưởng của các khu vực ngân hàng và pháp lý tạo khả năng đó đã được kích thích bởi sự đào tẩu vốn khỏi Nga và Trung Quốc. Theo Novokmet, Piketty, and Zucman (2017), khoảng một nửa vốn Nga được giữ ở nước ngoài, nhờ các nhân tố trợ giúp (enabler) nước ngoài, và phần lớn số tiền đó được dùng để đầu tư vào cổ phần công ty Nga. Phát hiện này nêu bật một trong những khía cạnh mới của toàn cầu hóa, nơi vốn trong nước được để ở hải ngoại để hưởng thuế thấp và sự bảo vệ tài sản tốt hơn, nhưng sau đó được đầu tư vào nước xuất xứ dưới sự cải trang của đầu tư nước ngoài để hưởng các điều kiện tốt hơn được trao cho các nhà đầu tư nước ngoài—và cũng để khai thác các mối quan hệ địa phương, kể cả ngôn ngữ, các tập quán, và sự hiểu biết về hối lộ ai và như thế nào. Trường hợp Nga chỉ là một thí dụ cực đoan về hiện tượng phổ biến này; thí dụ khác là khoảng 40 phần trăm của đầu tư nước ngoài (vào) Ấn Độ đến từ Mauritius (nước đầu tư lớn nhất ở Ấn Độ!) và Singapore.31 Tiền của này, tất nhiên, chỉ là tiền của Ấn Độ được ngụy trang, nhiều trong số đó kiếm được một cách bất hợp pháp ở trong nước và rồi được chuyển ra nước ngoài, từ đó chúng lại nổi lên ở Ấn Độ như “đầu tư nước ngoài.” Đấy là cái gì đó khó để tưởng tượng ở Ấn Độ của những năm 1970 như ở Liên Xô của cùng thời kỳ, nhưng điều đó đã trở thành một kỹ thuật hơi tầm thường trong thời đại toàn cầu hóa.

Ở đây người ta cần xem xét thận trọng hơn vai trò cho phép của các trung tâm tài chính toàn cầu và các thiên đường thuế. Cái sau được thảo luận rộng rãi—nhất là những thiên đường thuế tại Thụy Sĩ và Luxembourg—bởi Gabriel Zucman trong Hidden Wealth of Nations (2015) [Sự Giàu có giấu giếm của các Quốc gia (2019)]. Vai trò của các thiên đường thuế cũng được tư liệu hóa rõ ràng bởi sự công bố Panama Papers (Hồ sơ Panama) và Paradise Papers, và trong cuốn sách của Brooke Harrington Capital without Borders [Vốn không có Biên giới] (2016). Nhưng vai trò của các trung tâm tài chính lớn như London, New York, và Singapore đã thu hút ít sự chú ý. Không có sự tạo ra toàn bộ các bộ công cụ về các dịch vụ ngân hàng và pháp lý để phục vụ và giúp nó, thì tham nhũng trên quy mô toàn cầu đã là không thể. Sự ăn cắp tiền trong nước là có ý nghĩa chỉ nếu tiền đó có thể được rửa về mặt quốc tế, và điều này đòi hỏi sự ủng hộ của các trung tâm tài chính toàn cầu chủ yếu. Các trung tâm tài chính này như thế đã hoạt động trực tiếp chống lại sự thiết lập, hay sự thực thi, luật trị ở Nga, Trung Quốc, Ukraine, Angola, Nigeria, và nơi khác—đơn giản bởi vì chúng là những người thụ hưởng chính của sự vô luật pháp của các nước đó. Chúng cung cấp một thiên đường an toàn cho tất cả tài sản ăn cắp. Thật mỉa mai rằng các lĩnh vực với luật trị tốt (và, tất nhiên, nơi có sự thờ ơ về tiền nước ngoài kiếm được thế nào) đã là các lĩnh vực cho phép lớn nhất của tham nhũng khắp thế giới. Chúng là phương tiện về rửa tiền ăn cắp với tốc độ lớn hơn bất kể sự kinh doanh rửa tiền truyền thống nào (như việc mở một quán ăn hay rạp phim bị lỗ) có thể đạt được rất nhiều.

Tiếp theo bộ máy đó của các ngân hàng và các văn phòng luật là các đại học, các think tank, các NGO, các gallery nghệ thuật, và các việc làm xứng đáng khác. Trong khi các ngân hàng tham gia vào việc rửa tiền, các tổ chức này đưa ra cái chúng ta có thể gọi là sự rửa tiền “đạo đức”. Chúng làm vậy bằng việc cung cấp cho các tài sản trú ẩn an toàn (safe havens) nơi các cá nhân tham nhũng, bằng việc biếu một phần nhỏ các tài sản ăn cắp được của họ, có thể giới thiệu mình như các doanh nhân có trách nhiệm xã hội, thiết lập các mối tiếp xúc quan trọng, và có được sự tham gia vào các giới xã hội tinh vi và tế nhị của các nước nơi họ đã chuyển tiền của họ đến.32Một ví dụ hay là doanh nhân Nga Mikhail Khodorkovsky, mà nhờ các mối quan hệ chính trị của ông ở Nga, đã mua các tài sản với giá bằng phần nhỏ giá trị của chúng, được cho là đã biển thủ số được ước lượng là 4,4 tỷ $ ngân quỹ chính phủ, và sau đó đã tiêu hủy bằng chứng bằng việc lao một chiếc xe tải xuống sông.33 Khodorkovsky và những người khác như ông bây giờ lại nổi lên như “các nhà tài trợ có trách nhiệm” ở phương Tây. Khodorkovsky đáng sự nhắc tới đặc biệt bởi vì ông đã là một nhà đổi mới trong nghệ thuật rửa đạo đức. Ông đã sớm (ngay từ sự chuyển sang thế kỷ thứ hai mươi mốt) nhận ra rằng để giúp cho sự kinh doanh của ông ở cả khắp thế giới và ở Nga, sự đầu tư sinh lời nhất ông đã có thể tiến hành là đóng góp cho các cuộc vận động của các chính trị gia Mỹ và cúng tiền cho các think tank Washington. Cách tiếp cận kể từ đó đã trở nên phổ biến hơn.

Mặc dù đối với bản thân Khodorkovsky chiến lược đã không hoạt động tốt (ông đã bị Putin bắt và bỏ tù), trong thời đại toàn cầu hóa, nơi nhiều quyết định then chốt được đưa ra trong các trung tâm chính trị như Washington hay Brussels, chiến lược này có lẽ đúng trong dài hạn. Các doanh nhân nước ngoài khác, nhất là các doanh nhân Saudi, đã chấp nhận cùng cách tiếp cận. Một số nhà tài phiệt (oligarch) khác—chẳng hạn, Leonid Blavatnik, mà đã kiếm bộn tiền trong những năm “miền Đông Hoang dã” của tư nhân hóa ở Nga những năm 1990—đã nghĩ rằng việc đầu tư vào một trường kinh doanh hay gallery nghệ thuật được mang tên [Blavatnik] có thể hoạt động tốt hơn các khoản đóng góp vận động như một phương tiện rửa đạo đức.34 Trong một trao đổi riêng tư, một nhà quản lý tại một đại học ở Ấn Độ đã kể với tôi rằng là rất khó để có được các khoản đóng góp từ những người siêu-giàu Ấn Độ, mặc dù họ tặng hàng chục triệu dollar cho các đại học Ivy League. Việc này, ông nói, bởi vì họ muốn trông giống các công dân tốt ở Hoa Kỳ khi các nhà lập pháp bắt đầu hỏi các câu hỏi rắc rối về số visa của những người lao động Ấn Độ họ thuê thay cho những người Mỹ. Họ sẽ không có được một lợi ích có thể so sánh được từ việc tặng cho một đại học Ấn Độ.

Sự bắt chước hình mẫu tiêu dùng của các nước giàu

Lý do thứ ba cho tham nhũng tăng lên trong thời đại toàn cầu hóa là hiệu ứng phô trương (demonstration effect), được biết theo cách khác như đua đòi với láng giềng. Mà, hiệu ứng đua đòi không phải là một hiện tượng mới. Các nhà cấu trúc chủ nghĩa ở Mỹ Latin đã tranh cãi từ những năm 1960 rằng một trong những lý do vì sao tỷ lệ tiết kiệm ở các nước Mỹ Latin thấp là những người giàu không sẵn sàng tiết kiệm để cho hình mẫu tiêu thụ của họ không bị xem là rớt xuống dưới hình mẫu tiêu dùng của các đối tác Bắc Mỹ (giàu hơn) của họ. Thorstein Veblen đã đưa ra điểm tương tự trong các tác phẩm của ông về sự tiêu thụ các hàng hóa xa xỉ để khoe mẽ—rằng tính lãng phí của sự tiêu thụ đã làm lệch hướng ngân quỹ khỏi những sự sử dụng sinh lời hơn, nhưng bản thân sự hoang phí là đối tượng được săn lùng.35 Quay lại xa hơn nhiều, Machiavelli đã nhắm vào cùng ý tưởng, cụ thể là, các quan hệ với các hàng xóm giàu hơn kích thích tham nhũng:

Lòng tốt được ca tụng hơn trong những ngày này vì nó hiếm đến vậy. Quả thực, nó có vẻ sống sót chỉ trong tỉnh [Đức] này. Việc này là do hai thứ. Trước nhất các thị trấn hầu như không giao thiệp với các hàng xóm của họ, những người hiếm khi đến thăm họ, hay được họ viếng thăm, vì họ hài lòng với hàng hóa, sống bằng thực phẩm, và mặc bằng đồ len do họ sản xuất. Dịp cho sự giao tiếp, và với nó bước ban đầu lên con đường tới tham nhũng, như thế bị loại bỏ, vì họ không có cơ hội nào để nhận các tập quán hoặc của những người Pháp, những người Tây Ban Nha hay những người Italia, các quốc gia, mà cùng nhau, là nguồn của tham nhũng khắp –thế giới (1983, book 1:55, p. 245).

Sự đóng góp của các nhà cấu trúc chủ nghĩa đã là họ xem sự bắt chước các hình mẫu tiêu dùng của những người giàu ngang các biên giới quốc gia. Theo nghĩa đó, các nhà cấu trúc chủ nghĩa đã là những người báo trước hiệu ứng phô trương đua đòi trong toàn cầu hóa. Nhưng ngày nay, hiệu ứng phô trương đua đòi, tôi lập luận, không chỉ dẫn tới sự tiêu thụ lớn hơn mà cũng thúc đẩy tham nhũng—tức là, nó gợi ra nhu cầu cho thu nhập cao hơn bất chấp tính hợp pháp của nó.

Một khía cạnh quan trọng của toàn cầu hóa là người dân có hiểu biết tốt hơn hiểu biết quá khứ nhiều về cách sống ở những nơi xa với nơi họ sống. Khía cạnh khác là những tương tác và sự làm việc cộng tác thường xuyên hơn với những người từ các nước khác nhau. Khi những người có mức giáo dục và khả năng giống nhau làm việc cùng nhau nhưng đến từ các nước khác nhau và nhận được thu nhập khác nhau trên đơn vị kỹ năng, thì kết cục, dù chúng ta đặt nó dưới tiêu đề ghen tị, đố kỵ, hay tiền lương công bằng, hay chỉ một sự oán giận bất bình đẳng, là những người từ các nước nghèo, không phải không có lý, cảm thấy bị lừa và nghĩ họ xứng đáng cùng thu nhập. Sự nhận ra này là đặc biệt mạnh ở nơi mọi người làm việc chặt chẽ với nhau và có khả năng để trực tiếp tìm ra các kỹ năng của họ là gì và cả họ được trả công khác nhau thế nào. Có lẽ không đâu điều này rõ ràng hơn trong trường hợp của các quan chức chính phủ từ các nước nghèo hay thu nhập-trung bình thường được trả lương tồi thế nhưng, trong các năng lực khác nhau của họ tại các bộ (phát triển, tài chính, năng lượng, và vân vân), thường tương tác với các nhà kinh doanh và các quan chức nước ngoài giàu.36

Cảm giác về cái đối với các cá nhân này từ các nước nghèo hơn có vẻ là bất công cung cấp một sự biện minh bên trong cho việc nhận-hối lộ, vì tiền hối lộ khi đó được xem chỉ như sự bù cho tiền lương thấp bất công, hay thậm chí cho số phận bất công về đã sinh ra trong một nước nghèo và phải làm việc ở đó. Quả thật là rất thách thức cho những người phải đưa ra quyết định về các hợp đồng đáng giá hàng chục hay hàng trăm triệu dollar trong khi được trả chỉ vài trăm dollar một tháng và, ngoài ra, tương tác với những người được trả vài ngàn dollar một ngày, để vẫn uể oải thụ động khi đối mặt với các sự khác biệt thu nhập như vậy. Là hoàn toàn bình thường rằng trong một tình huống như vậy, tham nhũng được xem như một bước hướng tới sự san bằng các bất công cuộc sống. (Một số người có thể nói rằng các công chức phải so sánh đúng đắn số phận của họ với những người nghèo hơn nhiều từ nước của chính họ. Nhưng điều này là không thực tế: tất cả chúng ta đều có khuynh hướng so sánh vị trí của chúng ta với vị trí của những người ngang hàng với mình, và trong trường hợp này, những người ngang hàng—mà họ thường tương tác với—là những người nước ngoài.)

Vai trò được đóng bởi tiền lương khác biệt cho công việc y hệt nhau, và tác động của nó lên tham nhũng, cũng dễ để thấy trong trường hợp các công dân bản xứ từ các nước nghèo hơn làm việc trong chính nước họ nhưng được các tổ chức quốc tế trả lương. Dù họ nhận các chức vụ chính phủ (được các nhà tài trợ nước ngoài trợ cấp) hay làm việc trong các đại học, các think tank, hay các NGO, tiền lương của họ vượt một bậc độ lớn [cỡ 10 lần] tiền lương của các đồng bào công dân của họ mà được trả mức lương trong nước. Không ngạc nhiên rằng các quan chức sinh ra trong nước được nước ngoài trả lương như vậy và các học giả hiếm khi tham gia vào tham nhũng: họ được trả lương rất tốt và phải lo về uy tín quốc tế của riêng họ. Nhưng cũng không ngạc nhiên rằng lương cao hơn nhiều mà họ kiếm được cho cùng việc làm sẽ làm nản lòng và làm suy yếu các công chức được trả lương trong nước, và rằng những người sau có thể bù thu nhập của họ qua sự ăn hối lộ.

Nếu ta coi nhẹ khía cạnh này (làm việc trên cùng việc làm cùng với những người được trả lương nhiều lần cao hơn), thì sẽ rất dễ để đổ lỗi tham nhũng cho văn hóa địa phương. Thực tế là phức tạp hơn: tham nhũng được xem như một thu nhập, tức là, theo nghĩa nào đó, do những người được sinh ra với một sự phạt tư cách công dân. Sự di cư, như chúng ta đã thấy, là một trong những cách để cải biến sự phạt tư cách công dân của người ta thành phần thưởng [tư cách công dân]; tham nhũng là chỉ một cách khác.37

4.4b Vì sao Chẳng gì được Làm để Kiểm soát Tham nhũng

Thế chúng ta phải xử lý tham nhũng ra sao trong thời chủ nghĩa tư bản toàn cầu bị siêu thương mại hóa? Đáng quay lại ba lý do cho tham nhũng tăng lên mà tôi đã nhận diện ở đầu tiết đoạn này. Lý do thứ nhất, mang tính ý thức hệ, đến từ chính bản chất của hệ thống mà đặt việc kiếm tiền bất cứ loại nào vào bệ đỡ của các giá trị của nó. Các khuyến khích cho tham nhũng là vốn có trong hệ thống, và chẳng có gì ta có thể làm, trừ phi thay đổi các hệ thống giá trị, để tác động đến nó.

Lý do thứ hai, sự tạo khả năng tham nhũng, được liên kết với sự cởi mở của các tài khoản vốn và bộ các dịch vụ, nằm ở hoặc trong các nước giàu hay trong các thiên đường thuế, mà mục tiêu chính của chúng là để thu hút bọn kẻ cắp từ các nước nghèo hơn hay những kẻ trốn thuế từ các nước giàu bằng việc hứa hẹn với chúng, một cách tương ứng, sự miễn khỏi truy nã pháp lý nếu họ mang tiền của họ đến các nước nơi luật trị có hiệu lực, hay tìm chỗ ẩn náu thuế. Ở đây có rất nhiều thứ có thể được làm. Việc trừng trị thẳng tay các thiên đường thuế sẽ là tương đối dễ nếu các nước quan trọng, mà bản thân chúng là những kẻ thua lớn bởi vì các công dân của chính chúng tránh thuế, quyết định để làm vậy. Một số thí dụ gần đây cho thấy rằng các nước lớn, nếu và khi họ quyết định hành động, có sức mạnh để trừng trị tham nhũng thẳng tay: Hoa Kỳ đã thách thức thành công các luật bí mật ngân hàng Thụy sĩ, Liên Âu đã ra quy tắc chống lại các thuế suất công ty bằng zero ở Ireland và Luxembourg, Đức đã tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt chống lại sự lách thuế được Lichtenstein khuyến khích, và quốc hội Anh đã đòi đưa vào sự đăng ký của cải tại các thiên đường thuế do Anh cai trị như Cayman Islands và British Virgin Islands. Nhưng các loại cố gắng này sẽ kiểm soát chỉ một phần tham nhũng—phần tác động đến bản thân các nước giàu, đang thất thu vì sự tránh thuế của các công dân của chúng.

Là khó hơn nhiều để xử lý khía cạnh khác của tham nhũng mà trong đó các nước giàu là những người thụ hưởng trực tiếp, tức là, nơi các hệ thống ngân hàng và pháp lý khuyến khích tham nhũng trong các nước nghèo bằng sự hứa hẹn miễn truy tố. Trong trường hợp đó, các chính sách của các nước giàu sẽ phải hướng tới chống lại các nhóm đặc lợi mạnh bên trong chính các quốc gia họ: các nhà ngân hàng và các luật sư được lợi trực tiếp từ tham nhũng; các đại lý và các nhà phát triển bất động sản mà kiếm tiền từ những người nước ngoài thối nát; và các chính trị gia, các đại học, các NGO, và các think tank tham gia vào sự rửa tiền đạo đức. Việc đơn giản liệt kê tất cả các nhóm có lợi ích trong sự tiếp tục của tham nhũng Thế giới thứ Ba là đủ để cho chúng ta tạm ngừng về sự có thể rằng bất cứ biện pháp chống-tham nhũng nghiêm túc nào sẽ được thực hiện.

Tình hình với kiểu tham nhũng này là giống với tình hình được khuyến khích trong buôn bán ma túy và mãi dâm. Các cố gắng để chữa trị tham nhũng và giảm sử dụng ma túy và mãi dâm nhắm chỉ đến bên cung—bằng việc nói với các nước như Ukraine và Nigeria để kiểm soát tham nhũng của chúng, với Colombia và Afghanistan để cắt sự sản xuất cocaine của chúng, hay với những người lao động tình dục để thay đổi nghề của họ. Chẳng trong lĩnh vực nào trong số này chính sách được hướng theo hướng tới bên cầu, tức là, chống lại những người ở các nước giàu được lợi từ tham nhũng, chống lại những người tiêu dùng ma túy ở châu Âu và Hoa Kỳ, hay những người sử dụng các dịch vụ của những người lao động tình dục cả. Lý do vì sao điều này là thế không phải là cách tiếp cận chống cung là hiệu quả hơn; thực ra, có các lý lẽ mạnh rằng nó là ít hiệu quả hơn. Lý do là việc đuổi theo bên cầu là khó hơn nhiều về mặt chính trị. Vì thế người ta phải hoài nghi rằng sự tính toán chính trị này, liên quan đến tham nhũng, sẽ thay đổi sớm.

Lý do cuối cùng cho tham nhũng liên quan đến toàn cầu hóa là hiệu ứng phô trương đua đòi. Cũng là rất khó để thấy việc đó có thể thay đổi thế nào, vì những sự khác biệt thu nhập rất lớn và được biết rộng rãi giữa các nước (và như thế sự tồn tại của các phần thưởng và sự trừng phạt tư cách công dân lớn) sẽ vẫn còn trong tương lai gần, trong khi sự cộng tác giữa người dân từ các nước khác nhau mà được trả lương khác nhau cho cùng việc làm sẽ trở nên thậm chí phổ biến hơn. Có thể, chúng ta có thể kỳ vọng loại tham nhũng tự-biện minh này tăng lên.

Việc chống kiểu tham nhũng tác động trực tiếp đến các nước hùng mạnh qua sự thất thoát thu nhập thuế của chúng có thể được kỳ vọng có được sự ủng hộ chính trị đủ, và có lẽ tham nhũng như vậy có thể giảm. Tất cả các thứ khác được gắn cứng vào kiểu toàn cầu hóa mà chúng ta có; chúng ta nên quen với tham nhũng tăng lên và đối xử với nó như một nguồn thu nhập có logic (hầu như bình thường) trong thời đại toàn cầu hóa. Do chính bản chất của nó chẳng bao giờ nó trở nên hợp pháp cả—có lẽ trừ trong một số biểu hiện của nó như việc vận động hàng lang (lobbying) chính trị—nhưng nó đã được bình thường hóa rồi, và nó sẽ trở nên thậm chí còn hơn thế. Chúng ta cũng nên nhận ra tính đạo đức giả của mình và ngừng đạo đức hóa về tham nhũng và dọa nạt các nước nghèo: nhiều người trong các nước giàu được lợi từ tham nhũng, và kiểu toàn cầu hóa, mà chúng ta có, làm cho việc này không thể tránh khỏi.

——-

1. Một định nghĩa hơi khác nhưng xác đáng ngang nhau về rent là định nghĩa của Marx: “nó … là [một thu nhập] chắc chắn không được xác định bởi các hành động của người nhận nó, mà … đúng hơn bởi các sự phát triển độc lập … mà trong đó người nhận không tham gia vào” (Capital, vol. 3, part 6, chap. 37; xem http://www.marxists.org/archive/marx/works/1894-c3/ch37.htm).

 2. Cộng với, trong một số trường hợp, lợi nhuận từ bất cứ thứ gì được sản xuất ở nơi khác sử dụng vốn được sở hữu bởi những người với cùng tư cách công dân.

 3. Xem Milanovic (2015), nơi giá trị của tư cách công dân của mỗi nước được so sánh không chỉ cho tất cả các cặp nước mà cho tất cả các sự kết hợp của các nước và các thập phân vị thu nhập (thí dụ, giá trị của tư cách công dân Thụy điển đối với một người Brazilia là khác nhau phụ thuộc vào liệu ông ta ở đáy hay đỉnh của phân bố thu nhập Brazilia).

 4. Mặc dù đôi khi một tư cách công dân “tốt hơn” có thể cần cấp bách hơn bởi người già khi, chẳng hạn, tư cách công dân trao quyền cho chăm sóc sức khỏe miễn phí hay chỗ ở nhà dưỡng lão miễn phí.

 5. Các nô lệ cũng là dưới-công dân (subcitizen). Tại Rome Đế quốc tình trạng nô lệ đã là một phạm trù pháp lý, không phải một phạm trù kinh tế (xem Veyne 2001), nhưng các quyền của các nô lệ bị cắt bớt, so với các quyền của các công dân tự do, ngay cả trong các trường hợp nơi họ là giàu. Thậm chí các quyền của các nô lệ đã được giải phóng không phải trong mọi khía cạnh là cùng như các quyền của các công dân sinh ra tự do.

 6. Vương quốc Anh là một ngoại lệ đối với sự thiếu quan tâm chung này—vì các lý do hiển nhiên, vì nó đã kiểm soát lượng lãnh thổ khổng lồ được cư trú bởi những người với thu nhập thấp hơn nhiều. Trong năm 1948, nó xác nhận sự di chuyển người tự do bên trong Khối Thịnh vượng Chung (mà về nguyên tắc đã tồn tại thậm chí trước Chiến tranh Thế giới I), nhưng rồi hai mươi năm muộn hơn đã hủy bỏ nó với Bộ luật Nhập cư Khối Thịnh vượng Chung. Avner Offer (1989) đã lưu ý thái độ thường phức tạp và nước đôi của Đại Anh đối với sự di chuyển của dân cư “da màu” vào các lãnh thổ “tự-quản” như Australia và Canada, mà trên danh nghĩa ngang bằng với Ấn Độ nhưng thường xuyên từ chối sự di chuyển tự do của lao động. Các lãnh thổ tự-quản đã lo lắng nhất về việc chấp nhận lao động không da trắng, có lẽ bởi vì các dòng Ấn Độ chảy vào lớn sẽ làm nghiêng cán cân quyền lực chính trị đối lại dân cư da trắng.

 7. Zygmant Bauman (trong “Le coût mondial de la globalisation,” được trích trong Wihtol de Wenden [2010, 70]) đã nêu đúng điểm rằng quyền đối với tính di động là một lợi ích cao cấp mới. Những người từ các nước giàu có thể di chuyển tự do, còn những người từ các nước nghèo bị kẹt ở bất cứ nơi nào họ ở.

 8. Tuy vậy, đầu tiên nó có thể làm tăng sự di cư bằng việc loại bỏ sự thiếu tiền như một ràng buộc cho việc di chuyển ra nước ngoài.

 9. Việc bỏ các rào cản hiện thời đối với sự lưu thông của lao động quốc tế, theo một tính toán, sẽ tăng hơn gấp đôi thu nhập thế giới (Kennan 2014). Theo Borjas (2015, bảng 1), sự tăng thêm dưới kịch bản tập trung (không lạc quan cũng chẳng bi quan) là gần 60 phần trăm của GDP thế giới. Trong tất cả các tính toán như vậy, sự tăng thêm đến từ sản phẩm cận biên (marginal product) tăng lên của người lao động di cư mà có thể tận dụng cơ sở hạ tầng tốt hơn nhiều và lượng vốn cao hơn một khi ở trong một nước giàu hơn.

 10. Các nghiên cứu về các khoản vay Ngân hàng Thế giới và IMF luôn luôn tìm thấy một tác động ròng gần zero lên sự tăng trưởng của các nước tiếp nhận (Rajan and Subramanian 2005). Điều này bất chấp sự thực rằng các suất lợi tức trên các dự án riêng lẻ được tài trợ bởi viện trợ nước ngoài hay các khoản vay ưu đãi thường là dương (Dalgaard and Hansen 2001).

 11. Xem, chẳng hạn, một thảo luận về sự giảm phần bù rủi ro (risk premium), cái gọi là tác động đế chế (empire effect), trong Ferguson and Schularick (2006).

 12. Vài trong số các công cụ này có thể là lỗi thời (thí dụ, cán cân thanh toán quốc gia và nhất là các cán cân quốc gia song phương) bởi vì toàn cầu hóa ngày nay khác căn bản với toàn cầu hóa thứ nhất. Nhiều trong số những cách tư duy kinh tế của chúng ta vẫn có nguồn gốc từ toàn cầu hóa như nó đã là trong quá khứ.

 13. Đấy là vì sao thuật ngữ “sự phân mảnh toàn cầu” của sản xuất cũng được dùng (Los, Timmer, and de Vries 2015).

 14. Các định chế là quan trọng, tuy vậy, cho các nhà xuất khẩu vốn.

 15. Sự hiện diện thân thể của lao động có thể vẫn là cần thiết cho một số nghề, nhưng điểm then chốt là sẽ có ít nghề nghiệp như vậy hơn.*

 16. Chúng ta giả thiết, như trước đây, rằng việc làm giảm khoảng cách (gap) thu nhập giữa các quốc gia không phải là một lựa chọn thực tế ngắn hay trung hạn.

 17. Aristotle, Nicomachean Ethics, book 8, cho rằng bên trong mỗi cộng đồng có một philia (sự yêu thương; thiện ý), nhưng rằng philia giảm bớt, như trong các đường tròn đồng tâm, khi chúng ta di chuyển ra xa hơn khỏi một cộng đồng rất hẹp.

 18. Đáng tiếc không có nghiên cứu thực nghiệm nào xem xét sự liên kết giữa toàn cầu hóa và tham nhũng. Theo hiểu biết của tôi, gần nhất là một bài báo của Benno Torgler and Marco Piatti (2013), mà tìm thấy, trong một nghiên cứu ngang-quốc gia, rằng cả một index toàn cầu hóa của một nước và một index tham nhũng của một nước có tương quan dương với số các tỷ phú.

 19. Các khảo sát này là khác với các khảo sát về “tham nhũng được trải nghiệm,”mà, theo ý kiến tôi, là tốt hơn, nhưng thậm chí ít sẵn có hơn.

 20. Các kết quả từ một thí nghiệm tự nhiên đã tiết lộ vì sao hầu hết các tài khoản trong các thiên đường thuế được giữ (Johannesen 2014). Trong năm 2005, khi Liên Âu thuyết phục chính phủ Thụy Sĩ để áp thuế khấu trừ tại nguồn (withholding tax) trên lãi kiếm được bởi các cư dân EU có các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, số các tài khoản như vậy đã giảm 40 phần trăm trong vòng chỉ bốn tháng.

 21. Một số ước lượng khác về số tiền được giữ ở các thiên đường thuế đã cao hơn một chút; Becerra et al. (2009), chẳng hạn, đã ước lượng 6,7 ngàn tỷ $ versus ước lượng của Zucman 5,9 ngàn tỷ $. Về các ước lượng cho đến 2015, xem Alstadsaeter, Johannesen, and Zucman (2017).

 22. International Monetary Fund, Balance of Payment Statistics Yearbook 2017, table A-1; IMF Committee on Balance of Payments Statistics, Annual Report 2010, table 2.

 23. Freund đã nhận diện các tỷ phú như được kết nối về mặt chính trị “nếu có vài câu chuyện kết nối của cải của ông hay bà ta với chức vụ đã qua trong chính phủ, các họ hàng thân thiết trong chính phủ, các giấy phép đáng ngờ” (2016, 24). Nhóm cũng gồm các tỷ phú mà hãng của họ là các doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hóa (bởi vì sự cần thiết hiển nhiên cho chính phủ để đồng ý với những sự chuyển giao như vậy) và các tỷ phú mà của cải của họ đến từ dầu, khí tự nhiên, than đá, và các tài nguyên thiên nhiên khác. Lần nữa, trong trường hợp này, sự kiểm soát vùng vật lý nơi có các tài nguyên thường xuyên phụ thuộc vào sự cho phép chính phủ.

 24. Được tính từ dữ liệu được Caroline Freund và Sarah Oliver vui lòng cung cấp.

 25. Đấy là quan điểm của Machiavelli. Trong khi tự do (liberty) dẫn tới sự giàu có (“vì kinh nghiệm cho thấy rằng các thành phố đã chẳng bao giờ tăng về quyền thế hay về sự giàu có trừ khi chúng đã tự do,” ông tuyên bố trong một bức thư cho Francesco Vettori [được trích trong Wootton 2018, 40]), của cải là nguồn của tham nhũng. Đấy là vì sao tự do cộng hòa [republican liberty] (mà chúng ta gọi là nền dân chủ) có thể được tìm thấy trong các xã hội nông nghiệp nghèo như Rome Cộng hòa và các thành phố Đức trung cổ, nhưng không trong xã hội thương mại như Florence của Machiavelli.

 26. Jack Abramoff đã trở thành một trường hợp khá khét tiếng về một nhà vận động hành lang mà, bởi vì nhiều thương vụ mờ ám và dịch vụ cho các khách hàng đáng nghi, cuối cùng đã bị kết tội và bỏ tù sáu năm. Nhưng, tôi được những người làm việc trong cùng “ngành” bảo rằng cái Abramoff làm đã không phải là ngoại lệ; nó có thể đã chỉ rành rành hơn.

 27. Loại tham nhũng này, hạn chế ở vài lãnh đạo chóp bu, không phải là cái gì đó có thể được xem như tham nhũng tổng quát hóa. Hơn nữa, các lợi thế này đã không thể được chuyển giao cho thế hệ tiếp.

 28. Trong một cuốn sách về tham nhũng ở Nigeria, Ngozi Okonjo-Iweala (2018) cho thí dụ về các giao dịch điện tử giữa các bộ khác nhau như một trong những biện pháp được đưa vào để chống tham nhũng.

 29. Những sự kiểm soát vốn Anh trong những năm 1960 và những năm 1970 phải chịu trách nhiệm cho sự tạo ra các khu vực tài chính hải ngoại như Channel Islands, nơi sự kiểm soát tiền tệ đã có thể được lẩn tránh.

 30. José Piñera, “President Clinton and the Chilean Model,” Cato Policy Report, January/February 2016, https://www.cato.org/policy-report/januaryfebruary-2016/president-clinton-chilean-model.

 31. Xem “Mauritius Largest Source of FDI in India, Says RBI,” Economic Times, January 19, 2018, https://economictimes.indiatimes.com/articleshow/62571323.cms.

 32. Trong một bài điểm sách về cuốn sách Moneyland: Why Thieves and Crooks Now Rule the World and How to Take It Back (2018) của Oliver Bullogh, Vadim Nikitin (London Review of Books, February 21, 2019) trích một phần của cuốn sách nơi một người PR London xác định các mục tiêu của ông về các khách hàng nước ngoài tham nhũng ông phục vụ như để làm cho họ “không thể bị giết” bằng cách biến họ thành “các nhà từ thiện,” và “không có khả năng viết về được (unwriteabout-able)” bằng việc đe dọa các vụ kiện phỉ báng đắt tiền. Phương pháp hoạt động tốt.

 33. Black, Kraakman, and Tarassova (2000, 26) viết rằng “Sau khi Ngân hàng Menatep sụp đổ trong giữa-1998, Khodorkovski đã chuyển các tài sản tốt của nó sang một ngân hàng mới, Menatep-St. Petersburg, để những người gửi tiền và các chủ nợ nhặt xác của ngân hàng cũ. Để bảo đảm rằng các giao dịch không thể được lần vết, Khodorkovski đã dàn xếp cho một xe tải chứa hầu hết hồ sơ của Ngân hàng Menatep trong nhiều năm cuối để bị đẩy ra khỏi một cây cầu rơi xuống sông Dybna. Nơi được cho là chúng sẽ ở đó.” Họ cũng mô tả việc mua các cổ phần Yukos và sự cáo buộc rằng khoảng 4,4 tỷ $ ngân quỹ chính phủ được ngân hàng của Khodorkovsky quản lý “đã chẳng bao giờ đến đích dự kiến của chúng” (p. 14).

 34. Từ 2018, Leonid Blavatnik là người giàu nhất thứ ba ở Vương quốc Anh; ông đã được phong tước hiệp sĩ vì những sự phục vụ của ông cho từ thiện.

 35. Giả thuyết thu nhập tương đối về tiêu dùng được James Duesenberry đề xuất trong 1949 đã dựa vào lập luận tương tự: rằng sự tiêu thụ của chúng ta đáp ứng với cái chúng ta cảm thấy như bình thường hay sự tiêu dùng đáng mong muốn bên trong cộng đồng của chúng ta.

 36. Một người bạn Serbia người làm việc trong một doanh nghiệp cung cấp thức ăn cho các lực lượng Hoa Kỳ ở Iraq bảo tôi, có lẽ với sự cường điệu một chút, rằng câu chuyện giữa các nhà thầu đã là đối với cùng việc làm một người Mỹ được trả 100$, một người Đông Âu 10$, và một người châu Phi 1$.

 37. Một lần, ngay trước chung kết World Cup bóng đá, tôi đã mua một vé đầu cơ (scalped ticket) rất đắt từ một quan chức bóng đá từ một quốc gia châu Phi người có lẽ đã nhận được vé miễn phí. Ông đã không cảm thấy bất kể sự ngượng ngùng nào khi bán nó, tôi cũng chẳng cảm thấy bất cứ sự bối rối nào khi mua nó. Tôi nghĩ rằng ông ta hẳn đã so sánh (một cách chính đáng) lương thấp bình thường của mình với lương của một quan chức bóng đá giống hệt ở, chẳng hạn Thụy Sĩ, và quyết định rằng ông có quyền để kiếm thêm chút tiền nào đó. Là khó để lập luận ông đã không.

 



* Và chính sách giáo dục, nghiên cứu và triển khai (R&D) sao cho lực lượng lao động của quốc gia có khả năng tham gia ngày càng nhiều vào sự tách ra thứ ba này (mà làm việc từ xa cho các công ty, các viện nghiên cứu, các đại học khắp thế giới, cũng như các tổ chức Việt Nam thu hút người lao động quốc tế, là một xu hướng rất quan trọng).

Comments are closed.