Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 7)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XI

Ý MỚI – CHIN THANAKAAN MAI TỪ NHỮNG DÒNG SÔNG XÔN XAO

Mùa mưa như một trận mưa liền

Châu thổ mang mang trời nước sát.

Tô Thùy Yên

Cao có cung cách làm việc của một nhà báo, như nhận định của ông Khắc một nhà báo lão thành, cho dù nghề nghiệp chuyên môn anh là một kỹ sư về môi sinh. Tốt nghiệp ở Montréal nhưng chọn định cư ở Mỹ. Điều khiển một tổ hợp chuyên viên nhiều ngành, anh có uy tín và được biết đến như một công trình sư của những dự án lớn ngay trên đất Mỹ – sự kiện khá hiếm hoi vì anh là chuyên gia còn trẻ lại gốc sắc dân thiểu số. Theo một nghĩa nào đó anh đã sớm thoát ra khỏi cái ghetto của một cộng đồng di dân còn rất trẻ mới tới Lục Địa Mỹ Châu này cho dù anh vẫn là một trong số người hiếm hoi vẫn cứ bơi ngược dòng.

Khi từ Montréal vào Mỹ, Cao đã không chấp nhận ngay từ đầu kinh nghiệm được gọi là khôn ngoan của người đi trước khuyên hai anh em Cao và Duy nên đổi cái tên khó đọc sang một tên Mỹ – để tránh tình trạng mà họ gọi là “discrimination raciale à l’américaine” nhưng Cao lại coi đó như một chối từ – denial đáng hổ thẹn tấm căn cước đích thực về nguồn gốc của mình chỉ để có công ăn việc làm. Cho dù là sắc dân da màu lại có accent khá nặng khi nói tiếng Anh nhưng Cao hết sức tự tin cho rằng anh có bằng cấp, trí thông minh và cả óc sáng tạo nếu không hơn thì cũng chẳng thua gì các bạn đồng sự Caucasian Da Trắng. Đó không phải là thái độ bướng bỉnh mà Cao cho rằng nó bắt nguồn từ lòng tự trọng và thực tế đã chứng minh là anh đã không nhận định sai. Duy em Cao cũng có quan điểm giống anh, nên mới có tên là “Doctor Đui – Blind Doctor” theo cách phát âm tên Duy của các đồng nghiệp Mỹ.

Tuy gia đình gốc gác từ châu thổ Sông Hồng nhưng anh lại sinh ra và lớn lên từ vùng Hậu Giang Miền Nam. Có phải vì vậy mà Cao vẫn nói đùa “chân anh đã dính phèn” và bấy lâu anh vẫn bền bỉ quan tâm tới tương lai Hệ Sinh Thái Sông Mekong. Bản chất độc lập không ưa chánh trị, không thích bị ràng buộc vào những tổ chức nhưng anh lại có Nhóm Bạn Cửu Long – một tổ chức phi chánh phủ – quan sát và bảo vệ môi sinh, để cùng nhau sinh hoạt. Nhưng rồi anh cũng sớm nhận ra rằng không hoàn toàn có vấn đề phi chánh trị – apolitical trong môi sinh.

Chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Lào lần đầu tiên, Cao vào thư viện tìm tới thư mục về Lào cũng chỉ thấy một số ít oi những tài liệu tiếng Pháp trong thời thuộc địa, viết về cuộc phiêu lưu hào hùng nhưng không kém phần bi thảm của Francis Garnier và Doudart de Lagrée ngược dòng sông Mekong thời hoang dã để tìm một thủy lộ từ Sài Gòn sang Trung Hoa, nói về Auguste Pavie viên Lãnh Sự Pháp ở Luang Prabang với giai thoại đi chân trần trên một xứ sở đầy rắn, các bài viết của Trường Viễn Đông Bác Cổ, của Hội Thân hữu Pháp Lào, và gần đây là mấy luận án tiến sĩ nghiên cứu về phong tục xã hội Lào bên cạnh các bản tường trình của UNICEF liên quan tới cứu trợ trẻ em. Còn tài liệu hướng dẫn du lịch thường chỉ như phần phụ trong danh sách các nước khác như Thái Lan.

Chỉ riêng trang sử cận đại, Lào luôn luôn bị xâu sé bởi các thế lực ngoại bang. Năm 1820, Thái Lan xâm lăng Vạn Tượng chỉ để lại mấy ngôi chùa không bị tàn phá. Rồi Pháp Nhật và cuối cùng là Mỹ với cuộc chiến tranh bí mật của CIA với tướng Vang Pao và người thiểu số Hmong. Cũng phải kể thêm là trong trận Chiến Tranh Việt Nam, những trận oanh kích ngày đêm dọc theo Đường Mòn Hồ Chí Minh với hơn 2 triệu tấn bom trút xuống lãnh thổ Lào với số chết chóc không sao kiểm kê được và giới chức quân sự Mỹ chỉ gọi đó là “tổn thất phụ – collateral damages”. Nhưng có lẽ điều mà ít ai biết là Mỹ đã can thiệp vào nội tình “Vương quốc Lào Trung Lập” sớm hơn nhiều.

Vào thập niên 50, không phải chỉ nước Mỹ mà cả thế giới biết đến Tom Dooley qua hình ảnh tuyệt đẹp của người bác sĩ trẻ dấn thân tận tụy chăm sóc những bệnh nhân nghèo khổ trong rừng rậm Á Châu. Nguyên là một bác sĩ Hải quân Mỹ nổi tiếng như cồn do tham gia chiến dịch “Hành Trình Tới Tự Do” di tản dân tỵ nạn trốn chạy Cộng Sản Bắc Việt vào Miền Nam Việt Nam sau Hiệp Định Genève 1954, và đồng thời là tác giả một cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ. Nhưng sự thật đã không đơn giản khi mà bản thân Tom có điều bí ẩn cần che dấu. Đang trên đỉnh cao danh vọng thì anh bị phát hiện là đồng tính luyến ái – điều rất cấm kỵ trong Hải quân Mỹ thời bấy giờ và có nguy cơ bị sa thải trong điều kiện mất danh dự. Để bảo vệ bí mật ấy anh “tình nguyện” ra khỏi Hải quân và thỏa hiệp hợp tác tích cực với CIA trong các công tác tuyên truyền sai lạc – disinformation về Đông Dương. Qua sắp đặt của tướng Lansdale, Tom “tình nguyện” sang Lào để mở một bệnh xá ở Nam Tha một vùng hoang sơ ở bắc Lào gần biên giới Trung Cộng – “thể theo lời yêu cầu” của Bộ Trưởng Y Tế Lào. Bệnh xá của Tom được rầm rộ quảng cáo như một thứ “tiền đồn của hòa bình” nhưng toàn thể bên trong là chuẩn bị cho chiến tranh. Bề ngoài là tiếp liệu y tế thuốc men nhưng Tom còn phải nhận cả vũ khí để bí mật chôn dấu, tự hậu có thể dùng cho các lực lượng quân sự Lào sau này. Dự án bệnh xá chỉ là trá hình nên thiếu nhân viên chuyên môn, thuốc men thì quá hạn do hạng thuốc Pfizer cho không. Trong khi đó thì Tom không ngừng được báo chí và truyền hình quảng cáo rầm rộ như một người Mỹ chói sáng, một Schweitzer của Á Châu. Anh được sắp hạng ba trong số mười người được dân chúng Mỹ ái mộ nhất, nghĩa là chỉ sau có Tổng Thống Eisenhower và Đức Giáo Hoàng. Tom chết vì bệnh ung thư melanoma ở vào tuổi 34. Ngày anh từ trần cũng là ngày bệnh xá ở Nam Tha bị quân Cộng Sản Pathet Lào tràn ngập và Hoa Kỳ thì đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến tranh Đông Dương, vùng đất mà trước Tom Dooley đã không được ai biết đến…

Rời Bangkok là rời xa một thủ phủ đã phát triển và ô nhiễm tới mức bão hòa. Chỉ nghe nói về tệ nạn hối lộ của nhân viên Hàng không Lào, Cao không tin cho tới khi chính anh trở thành nạn nhân. Cho dù đã có vé bay chánh thức nhưng Cao vẫn bị gạt ra khỏi danh sách để rồi phải đôi co hàng tiếng đồng hồ trước khi bước được lên chuyến bay 737 cũ kỹ không còn một chỗ trống. Hành khách đa số là những người Lào và cả Việt Nam từ Mỹ Pháp và Úc bắt đầu được phép về thăm quê hương. Chỉ khoảng hơn một giờ bay là đã tới không phận Vạn Tượng; máy bay giảm cao độ với tiếng động cơ phản lực thì cứ rung lên bần bật. Qua khung kính, bên kia là cao nguyên Isan Thái Lan, bên này là Lào xen giữa là con sông Mekong thắm đỏ phù sa trải ra tới tận chân trời xa trông như một tấm thảm hồng. Phi trường quốc tế Wattay vốn đã nhỏ hẹp lại còn chật trội hơn với những bảng hiệu tuyên truyền “Nông Công Binh đoàn kết bảo vệ Chủ nghĩa Xã hội”. Phòng đợi đông người lộn xộn với ngổn ngang những vali hành lý: quà cáp cho người thân và dĩ nhiên cả những món hàng buôn.

Sau 15 năm kể từ ngày các nhà lãnh đạo Mácxít Lào xuất thân từ trường Pháp rất biết thế nào là rượu chát và cigars ngon – họ từ các vùng hang động xuống thành phố áp đặt một nền kinh tế chỉ huy chỉ để làm lụn bại thêm nước Lào. Theo chân đàn anh Việt Nam nhưng bảo thủ và tàn bạo hơn, chánh phủ Pathet Lào ngay khi nắm chánh quyền đã thiết lập vô số nhà tù mà họ cũng gọi là “Trại Cải Tạo” để bắt giam các thành phần thuộc chế độ cũ. Do khiếp sợ cộng sản một số trí thức Lào đã thoát chạy được ra khỏi xứ trước 75, chỉ có vua Lào Savang Vatthana thì ở lại – ông vẫn được nhắc tới như một con người học thức đức độ và giản dị. Vua và cả Hoàng Gia cùng với hơn 40 ngàn người khác đã bị bắt và đầy ải trong các trại tù trong rừng rậm. Nhà vua đã chết tức tưởi trong một “trại cải tạo”gần Sầm Nứa vì thiếu thốn bệnh tật và cả buồn bã, Hoàng Hậu cũng chết sau đó và khi bị các nhà báo ngoại quốc hỏi ráo riết thì được giải thích: “Nhà Vua chết vì bệnh sốt rét còn Hoàng Hậu thì chết do nguyên nhân tự nhiên – natural cause”. Riêng Thái Tử thì bao nhiêu năm không có tin tức gì. Một dân tộc Lào hiếu hòa đã chấm dứt chế độ quân chủ của họ bằng các trại tù cải tạo. Mười năm sau số người được tha về mới có một phần ba, đa số đã già yếu và bệnh hoạn. Không còn một Hoàng Gia cũng chẳng còn một Vương Quốc Lào nhưng Hoàng Cung sau đó được trùng tu và trở thành Viện Bảo Tàng mở ra cho khách du lịch đến thăm viếng.

Được xếp vào hạng nghèo nhất thế giới, diện tích bằng nước Anh với dân số 4 triệu rưỡi người đa số mù chữ tuổi thọ trung bình 46, chưa có ô nhiễm kỹ nghệ, các bệnh tim mạch ung thư và bệnh AIDS nhưng tử vong vẫn rất cao do các bệnh sốt rét, bệnh lao, viêm gan, nhiễm trùng đường ruột và 20% trẻ em Lào thì chết trước 5 tuổi vì suy dinh dưỡng. Với lợi tức đầu người chỉ 220 đôla một năm nhưng xem ra cuộc sống của người dân Lào vẫn cứ vô cùng nhàn nhã, họ an phận với cái hiện hữu, không có tham vọng và không ham gieo trồng nhiều hơn mức mà họ cần rồi thì “ngả lưng nằm chờ xem những cây lúa mọc.” Đang từ Singapore Bangkok mà đặt chân tới xứ Lào, Cao có cảm tưởng như tới một hành tinh khác, thấy như được che chở với mọi sự đổi thay. Lần đầu tiên tới Lào phải công nhận đây là mảng đất của Viễn Đông còn khá nguyên vẹn, với những khu rừng mưa – rainforest gồm nhiều tầng thảo mộc xanh um với đủ loại thú hoang dã. Lào vẫn nổi tiếng về những đàn voi được mang tên là “Xứ Lan Xang – Xứ triệu thớt voi”. Các khu rừng mưa ở Lào như những tấm bọt biển khổng lồ giữ nước sáu tháng mùa mưa để rồi suốt năm rỉ rả chảy dần vào vô số những con suối tạo thành các phụ lưu đổ vào con sông Mekong hùng vĩ chảy dài theo suốt chiều dài nước Lào. Rồi những sắc dân thiểu số sống rải rác trên khắp vùng cao nguyên trong các khu rừng già với trình độ bán khai chưa xa Thời Kỳ Đồ Đá.

Không khác bao nhiêu với những trang sách của Graham Greene, Vạn Tượng vẫn chỉ là một thị trấn nhỏ, với những tàng cây xanh và còn nhiều tiếng chim hót. Nơi mà thời gian gần như ngừng lại. Trên đường xe hơi thưa thớt: mấy chiếc 4CV Renault cũ kỹ của Pháp, vài chiếc xe vận tải Molotova xốc xếch của Nga còn sót lại. Chỉ với bên kia sông thôi là thị trấn Nong Khai của Thái Lan với những tòa nhà cao sáng rỡ vào ban đêm thì Vạn Tượng vẫn còn những con đường nhỏ bụi bậm không tráng nhựa với những dãy phố trệt hoặc chỉ là những tòa nhà hai tầng màu gạch xây từ thời Pháp. Không thiếu những người Mỹ tới đây như tìm về một khoảnh khắc của Á Châu cổ xưa chưa bị văn minh Tây Phương làm ô nhiễm.

Lần thứ hai Cao trở lại Lào cùng với đại diện của 15 tổ chức phi chánh phủ_ NGO’s bảo vệ môi sinh nhằm quan sát tại chỗ về hậu quả tích lũy của các đập thủy điện trên xứ sở nhỏ bé này trước khi đưa ra khuyến cáo đối với Tổ Chức Ngân Hàng Thế Giới – World Bank và nhất là với Ngân Hàng Phát Triển Á Châu – Asian Development Bank đang chuẩn bị tài trợ rộng rãi cho 26 dự án đập trên hai con sông Se Kong và Se San – cả hai cùng xuất phát từ cao nguyên Trung Phần Việt Nam.

Từ Singapore bằng hãng Hàng Không Lụa tới Bangkok, thay vì bay thẳng tới Vạn Tượng, Cao chọn chuyến bay nội địa tới Udon, rồi bằng đường bộ tới Nong Khai. Và cũng là lần đầu tiên Cao vượt qua sông Mekong không phải bằng thuyền phà mà bằng cây cầu Hữu Nghị Mittaphap hai chiều đã được Úc xây nối hai bờ sông Mekong giữa Vạn Tượng và Nong Khai, đánh dấu một giai đoạn hợp tác và phát triển của hai nước Thái Lào.

Ngày khai mạc cây cầu tháng 4 năm 94, thủ tướng Úc vua Thái Bhumibol và thủ tướng Lào đã cùng tới cắt băng khánh thành. Bưu điện Hoàng gia Thái cùng ngày phát hành con tem mới với hình chiếc cầu đầu tiên bắc qua dòng chính sông Mekong trong vùng hạ lưu. Cho dù dự án đã có từ thập niên 50s, nhưng do chiến tranh và sự thù nghịch giữa Thái Lào nên phải hoãn lại cho tới khi cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc. Cây cầu dài 1200 mét là điểm nối then chốt của dự án xa lộ Liên Quốc từ Singapore tới Bắc Kinh. Với một nước cô lập như Lào thì chiếc cầu là bước mở đường sang Thái Lan rồi từ Thái ra biển. Với Thái thì đó là con đường trực tiếp để đi vào một nước kém phát triển nhất nhưng lại rất giàu tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác. Còn với Úc thì chiếc cầu là biểu tượng cho uy tín và ảnh hưởng của một nước vùng Nam Bán Cầu trong vùng Đông Nam Á.

Càng ngày Cao càng ý thức rõ không có vấn đề cục bộ hay biên giới quốc gia trong môi sinh. Đó là vấn đề của toàn vùng hay của cả hành tinh này. Và Cao đã không còn ngạc nhiên khi thấy những người bạn không phải chỉ từ Á Châu mà cả từ Bắc Mỹ, Úc và Âu Châu tới khu rừng mưa hoang sơ của xứ Lào này để bảo vệ sự thanh khiết của những dòng sông cho tới các giống cá.

Lane Sang Hotel, trên đường Thanon Fa Ngum. Đó là một tòa nhà 4 tầng lầu gồm hơn 100 buồng có gắn máy điều hòa không khí Liên Xô và được kể là khách sạn hạng sang so với tiêu chuẩn nước Lào. Bây giờ là tháng Tư mùa khô, bầu trời cao trong xanh, từ bao lơn khách sạn có thể nhìn ra sông Mekong với những chiếc thuyền nhỏ qua lại. Cao quay qua hỏi người bạn Thái Tiến sĩ Chamsak:

— Tôi nghe nói khúc sông Mekong này có loại cá Pla Beuk dài tới 3 mét nặng tới 650 cân Anh, có thật không?

Cham Sak thì rất am tường về hệ sinh thái sông Mekong kể cả những giai thoại dân gian Thái Lào sống hai bên bờ con sông ấy.

Cham Sak kể:

— Không phải chỉ có cá Pla Beuk mà còn có cả cá voi nữa. Cá Pla Beuk thì đã được các nhà ngư học Tây Phương khảo sát từ những năm 1930 nhưng thực ra nhà thám hiểm Anh James McCarthy thì đã nhắc tới giống cá này sớm hơn nhiều (1881) trong cuốn du ký “Surveying and Exploring in Siam” ông ta cho biết trứng cá Pla Beuk còn có hương vị tuyệt ngon nữa. Ông ta còn ghi lại cả huyền thoại về giống thuồng luồng – như một loại rắn nước khổng lồ trên sông Mekong thân to tới hơn nửa mét dài tới 16 mét chuyên sống nơi vùng ghềnh thác. Theo người dân Luang Prabang kể lại thì khi thuồng luồng gặp người chết đuối con quái vật ấy sẽ vặt tóc nhổ răng và hút hết máu. Xác tìm thấy mà biến dạng như vậy thì người ta biết ngay đó là nạn nhân của con thuồng luồng “nguak”. Chuyện thật và cả không thật cứ thế mà thêm thắt thành cả một kho tàng chuyện dân gian về con sông Mekong.

Bây giờ thì Cham Sak kể về ngày hội truyền thống đánh cá Pla Beuk vẫn còn lưu hành trong một ngôi làng Thái bên hữu ngạn sông Mekong:

— Hàng năm cứ vào tháng Tư dân làng Had Kai huyện Chiang Khong bên Thái đều có tổ chức Hội thi Pla Beuk. Đó là một loại Catfish khổng lồ, cứ vào mùa này rủ nhau bơi ngược dòng sông Mekong từ mãi phía nam sang tới hồ Nhĩ Hải – Lake Erhai bên cổ thành Đại Lý tây Vân Nam bên Trung Hoa để đẻ trứng. Buổi sáng ngày lễ hội dân làng tụ tập hai bên bờ sông đón xem các tay ngư dân thiện nghệ chèo thuyền ra sông thử vận may kiếm cá Pla Beuk. Ngư dân Lào thì kể rằng đoàn cá Pla Beuk khi ngược dòng sông Mekong đều hội tụ ở vũng sâu Luang Prabang phía bắc Vạn Tượng để bầu chọn xem con nào sẽ tiếp tục lên hồ xa đẻ trứng, con nào sẽ hy sinh làm mồi cho ngư dân Hội Pla Beuk. Ngư dân Thái cũng như Lào đều tin rằng Pla Beuk là thứ linh ngư, năm nào bắt được Pla Beuk mà trên lưng nhiều vết đốm thì năm đó sẽ hên và lưới được thật nhiều cá. Nhưng những năm gần đây ngày hội của dân làng Had Kai đã kém vui vì ngư dân ít bắt được cá Pla Beuk và lượng cá đánh được hàng năm cũng ít dần đi.

Cao không ngớt ngạc nhiên về con sông Mekong, anh hỏi:

— Lại còn có cả cá voi trong sông sao?

— Có chứ, đó là giống cá voi mõm ngắn Irrawaddy Dolphin có tên khoa học là Orchaella brevirostris, dài trung bình từ 2m -2.5m tương đối nhỏ so với các chủng loại Dolphin khác. Theo ngư dân thì Dolphin sống từng cặp có khi từng đàn mươi mười hai con; săn bắt cá nhỏ nhưng do nước sông Mekong đục ngầu phù sa, cá Dolphin không thấy gì nên phải dùng một cơ quan đặc biệt như một máy siêu âm phía trước trán và định vị trí bằng sóng âm phát đi và phản hồi từ con mồi. Giống cá voi này còn thấy được trên mấy con sông lớn của Châu Á như Sông Hằng ở Ấn, sông Irrawaddy ở Miến hay trong các vịnh Bengal vịnh Thái Lan.

Cham Sak giọng trầm xuống tiếp:

— Chỉ trong 4 năm từ 1975-1979 là cả một giai đoạn phải nói là thảm sát cá Dolphin ở Biển Hồ, sông Tonlé Sap và hạ lưu sông Mekong của Pol Pot và Khmer Đỏ, cá Dolphin bị bắt giết hàng loạt để lấy mỡ cá ép ra làm dầu máy. Rồi sau đó là tiếp tục cái cảnh dùng chất nổ, điện giật để giết cá bất kể lớn bé hàng đàn trên các khúc sông từ Lào xuống Cam Bốt sang Việt Nam. Đánh cá kiểu tự hủy như thế thì chẳng bao lâu nhiều loại cá quý phải tuyệt chủng.

Cao quay sang hỏi Cham Sak:

— Nhưng chính anh đã thấy cá Dolphin trên sông Mekong chưa?

— Chỉ một lần trên bờ sông Se Kong nhưng là một cá Dolphin mới chết bị trôi dạt vào bờ. Anh cũng biết ngư dân không bao giờ lưới bắt cá Dolphin mà tiếng Lào gọi là Pakha hay là nhân ngư vì họ tin là giống cá thiêng. Có rất nhiều giai thoại trong dân gian Thái Lào là Pakha luôn luôn giúp ngư dân trong mùa chài lưới, cả cứu người bị chết đuối. Họ tin rằng giống cá voi này gốc từ người nên có vú và âm hộ như đàn bà. Các ông già bà cả thường kể lại rằng thuở rất là xa xưa khi hai nước Tàu và Việt bị động đất rồi thiên tai thật khủng khiếp nên họ bị chết hết cả. Người Tàu tái sinh thành cá Pakha, người Việt thành loài giang nhạn. Khi trời yên biển lặng rồi thì cá voi gặp chim nhạn hỏi han nhau. Nhạn nói: ‘Tôi sinh ra từ kiếp người nên chẳng bao giờ hại người ta cả.’ Cá Pakha cũng nói: ‘Tôi cũng vậy, sinh ra từ kiếp người nên chỉ biết có cứu người ta thôi.’ Vào mùa mưa mực nước dâng cao, có khi dân làng thấy cá voi từ sông Mekong lội ngược lên con sông Se Kong. Nhưng rồi sau những năm bom đạn chiến tranh người ta rất ít con thấy cá voi xuất hiện trên sông Mekong nữa.

Cham Sak xuống giọng trầm buồn:

— Rồi ra khi con đập Pa Mong mà xây xong thì cũng chẳng còn đoàn di ngư hay ngày hội của dân làng Chiang Khong nữa. Ngày nay ngư dân chuyển qua đánh cá bằng tàu lớn, lại thêm lính Việt lính Cam Bốt dùng đủ loại chất nổ điện xuẹt sát hại cá bừa bãi chắc rồi cũng chẳng còn đủ cá ăn chứ nói chi tới loài linh ngư như cá Pla Beuk hay cá Dolphin Pakha.

Câu chuyện giang nhạn và cá Pakha, ngày truyền thống hội cá Pla Beuk như đưa Cao về một quá khứ rất xa của nền văn minh sông Mekong nay đang có nguy cơ bị tiêu vong.

Trong tâm cảnh đó, Cao và người bạn Thái Cham Sak rời khách sạn tới quán Nam Phou để gặp Fuji, viên đại diện của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu – ADB. Nam Phou nằm trên đường Thanon Pangkham, là nơi lui tới của khách từ các tòa đại sứ, nhân viên Liên Hiệp Quốc, các chuyên gia Úc và các tay doanh thương Thái Lan, Nhật, Hồng Kông và dĩ nhiên cả bọn nhà báo. Nơi đây thực đơn Pháp là chính nhưng vẫn có thể gọi thức ăn Lào kiểu Hoàng Gia hay kêu món blue cheese hamburger kiểu Mỹ. Quầy rượu thì đủ thứ, nếu đã quá quen với rượu vang Pháp, khách có thể nếm thứ rượu nhập cảng từ Đông Âu, rượu chát Sofia rất ngon từ Bulgaria. Chủ quán là một phụ nữ Lào lịch lãm kiểu Tây Phương. Cô ta ở cái tuổi xấp xỉ 40, vẻ đẹp điềm đạm và phúc hậu, mái tóc đen cuốn cao ngực tròn đầy nhưng vẫn thanh gọn trong chiếc áo lụa ngà mỏng và quấn quanh một chiếc váy bằng vải dệt theo lối y phục cổ truyền của xứ Lào. Nam Phou ngoài thức ăn ngon, khung cảnh thanh lịch và cách phục dịch thì “impeccable”. Giá trung bình một bữa ăn cho một người là 9 ngàn kip – 180 tờ giấy bạc 50 đồng có hình đập Nam Ngum, nghĩa là khoảng 1/10 lợi tức hàng năm của người dân Lào.

Fuji người Nhật đầy quyền uy là nhân viên cao cấp Ngân Hàng Phát Triển Á Châu cũng tới quan sát thực địa để tài trợ cho các kế hoạch Phát triển vùng Lưu Vực Lớn Sông Mekong – GMS / Greater Mekong Subregion. Hắn không chống lại các khoản tài trợ cho nước Lào nhưng giọng nói thì đầy khinh bạc, với thứ tiếng Anh rất ít accent so với những người Nhật khác:

— Các ông biết chứ, Lào là xứ sở cuối cùng của Á Châu mà người ta muốn đổ tiền vào, hàng triệu Mỹ kim cũng chỉ để làm lụn bại thêm xứ sở này. Người Úc tới xây cầu, người Nhật đổ vào những đoàn xe bus, Thái Lan thì lập những đội phá rừng mở đường cho những Công Ty Liên Quốc – Consortium giành giật những con sông xây đập thủy điện. Cuộc sống người dân Lào có khá hơn gì không thì chúng ta không cần biết miễn sao thấy lương tâm yên ổn…

Vẫn giữ bình tĩnh nhưng Cao giọng nghiêm khắc:

— Không phải cuộc sống người dân Lào có khá gì hơn không mà ông phải hỏi là họ sẽ cơ cực ra sao khi họ mất hết nhà cửa, sinh cảnh sông ngòi bị phá hủy bởi hàng chuỗi những con đập do ngân hàng các ông tung tiền vào rồi thật giản dị bảo các nhà thầu “Làm đi”.

Fuji rơi vào thế tự vệ và bào chữa:

— ADB thì đã tài trợ và Ủy Hội Sông Mekong đóng vai điều hợp cuộc nghiên cứu của Tổ Hợp Tham Vấn về những ảnh hưởng tích lũy của các con đập trên hệ sinh thái và xã hội vùng lưu vực hai con sông Se Kong và Se San. Tổ hợp này có sự tham gia rộng rãi của UK Engineering Firm của Anh, Electric Power Development Co. International của Nhật và MK Centennial của Mỹ – họ đang đi vào cuộc khảo sát chi tiết để chứng minh “sự bền vững hài hòa – sustainability, khi xử dụng nguồn tài nguyên tái sinh_ renewable resourse, để sản xuất năng lượng mà vẫn không gây hậu quả ô nhiễm trên toàn thể hay riêng trong vùng.”

Đến lượt Tiến sĩ Cham Sak giọng gay gắt:

— Chắc ông Fuji phải thừa biết ngay từ đầu kết luận cuộc nghiên cứu kéo dài 20 tháng của Tổ Hợp Tham Vấn ấy sẽ ra sao chứ? Dựa theo kinh nghiệm quá khứ của nước Thái Lan chúng tôi với hơn 30 con đập đã hoàn tất, người ta có thể tiên đoán mà không sợ sai lầm là Nhóm Khảo Sát sẽ đi tới kết luận rằng hậu quả xã hội và môi sinh của tất cả những con đập trên lưu vực hai con sông Se Kong Se San “sẽ không có gì là nghiêm trọng, có thể chấp nhận được và có thể giảm thiểu” hoặc “kế hoạch ấy là có giá trị bền vững hài hòa và có thể chấp nhận được về phương diện môi sinh – sustainable and environmentally acceptable.” Thiếu vô tư và thiên vị như vậy sẽ chỉ đưa tới thảm họa cho những người dân sống trong vùng.

Fuji quay sang hỏi ngược lại như một thách đố:

— Trước khi đầu tư hàng trăm triệu đô la vào xứ sở nghèo nàn đầy bất trắc này , ADB đã chi thêm hàng triệu đô la khác chỉ để làm yên lòng các nhà tranh đấu môi sinh như các ông, vậy các tổ chức NGO’s các ông còn đòi hỏi gì ở chúng tôi nữa chứ!

Không chút nhân nhượng, Cao đáp Lại:

— Có chứ! Thay vì các ông cứ đẩy tới tiến trình xây thêm đập, thì trước hết hãy tập trung nỗ lực hoàn tất một cuộc lượng giá “trung thực và công khai hóa”có nghĩa là trong mọi trường hợp, chính người dân sống hai bên bờ những con sông ấy sẽ có tiếng nói cuối cùng rằng phát triển nào là hài hòa, dạng năng lượng nào là sạch, chứ không phải mọi quyết định là từ ADB…

Hai người rời quán Nam Phou vào trước nửa đêm. Fuji thì vẫn còn ở lại và uống rượu như hũ chìm. Bên ngoài trời mát dịu với những cơn gió nhẹ từ sông Mekong thổi vào, trên bầu trời là vầng trăng tròn tỏ, đêm nay là đêm trăng rằm. Nơi xứ Phật thì là ngày đi chùa ăn chay và tụng niệm. Sinh hoạt quen thuộc của mỗi buổi mai trên đất Chùa Vàng Xứ Phật là hình ảnh các vị sư áo vàng đi khất thực, dân chúng đứng hai bên đường cúi lạy và cung kính dâng xôi. Đấy cũng là cảnh cũ nơi ngôi làng Na Bon năm xưa nay đã chìm sâu dưới đáy hồ Nam Ngum. Có điều mà dân làng Na Bon đã không hề biết là số phận của họ đã được người bên ngoài quyết định cách đây từ hơn 40 năm trước và họ cũng chưa bao giờ được hỏi ý kiến. Và rồi đây liệu còn biết bao nhiêu ngôi làng như Na Bon trên cao nguyên Na Kay sẽ cùng chung một số phận do quyết định của những con người phũ phàng không tình cảm và xa lạ như Fuji.

Tiến sĩ Cham Sak giáo sư kinh tế Đại Học Thammasat Bangkok được biết đến như một nhà hoạt động môi sinh cấp tiến. Theo ông qua kinh nghiệm Thái Lan, thì khác xa với những hứa hẹn khi xây đập lập các khu kỹ nghệ là để đem lại thịnh vượng cho nhân dân nhưng thực ra chỉ đem lại giàu có cho một thiểu số chủ hãng bóc lột với cái giá phải trả là sự tàn phá rộng lớn trên môi sinh. Ông đưa ra nhận xét tiếp:

_ Như ông cũng đã thấy ở Thái Lan, phồn thịnh kinh tế chỉ là ảo tưởng. Nó che dấu tình cảnh bất lợi của đa số người dân. Nếu cứ khăng khăng cho rằng phát triển đất nước theo phương cách ấy là thật sự thành công: nhưng mà là thành công cho ai? Đúng là cho thiểu số các nhà kỹ nghệ doanh nghiệp nhưng cho đa số dân chúng thì dứt khoát là không.

Đập Nam Ngum trên tờ giấy bạc 50 kip. Như một trớ trêu của lịch sử, khi tòa đại sứ vĩ đại của Liên Xô vừa mới xây xong ở Vạn Tượng, cũng là năm Lào phải chứng kiến sự xụp đổ của khối Đông Âu và Liên Xô. Không còn chọn lựa nào khác, một lần nữa các lãnh tụ cộng sản Lào lại theo chân đàn anh Việt Nam, cũng bắt đầu áp dụng một chánh sách mở cửa nhưng họ tránh không muốn gọi là Đổi Mới – Glasnost mà được biết đến qua tiếng Lào – Chin Thanakaan mai, có nghĩa là Ý Mới, Tư duy Mới: bãi bỏ hàng rào mậu dịch, chuyển qua kinh tế thị trường và cho nông dân quyền tư hữu đất đai. Bức Màn Tre đã rơi xuống và dấu Búa Liềm đã được kín đáo xóa đi trên bảng quốc huy của Lào. Từ ngày có “Tư Duy Mới” Nam Ngum trở thành một tụ điểm du lịch. Là đập thủy điện lớn đầu tiên trên đất Lào cách Vạn Tượng 90 cây số về hướng Bắc. Cao chọn quốc lộ 13 thay vì 10 để có thể qua thăm làng Lai nơi nổi tiếng về thủ công nghệ và đồ xứ. Anh cũng kịp tới phiên họp chợ sớm của các sắc dân miền núi ở thị trấn Phon Hong, chợ sớm vì họp từ sáng tinh mơ và chợ tan lúc 9 giờ sáng.

Hồ chứa đập Nam Ngum lớn hơn một phần ba diện tích đảo Singapore, là một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục đối với du khách: nước thì trong xanh, với thấp thoáng chấm phá hàng trăm những cồn và đảo nhỏ nơi cư trú của những loài chim và rắn nước; và chân trời xa là cảnh sắc núi non như bức tranh thủy mạc không phân biệt được đâu là cuối bãi cuối bờ. Thật khó mà tin rằng đang có cả một khu rừng ở dưới đó với nguyên vẹn những cây gỗ trắc quý đã không được khai thác trước khi ngập nước và cả một ngôi làng Na Bon với hơn 600 nóc gia đã bị dìm sâu. Dân làng Na Bon thì thất tán đi tứ phương bắt đầu cuộc sống vô định và không được phần trợ giúp nào. Mất làng mất ruộng lại chưa quen canh tác trên rẻo cao, họ chỉ biết phá rừng bừa bãi để có đất làm rẫy. Hậu quả là những triền núi trọc bị nước mưa sói mòn hết lớp đất màu mỡ chỉ còn trơ lại những lớp đá. Đất liên tục trút xuống hồ mau chóng làm cạn con đập. Giống như số phận những con đập ở Thái lan, đập Nam Ngum đã có triệu chứng bị thiếu nước và trở thành vô dụng trong một tương lai không xa.

Cảnh người đã vậy, số phận thú rừng cũng chẳng hơn gì. Nếu không bị chết chìm ngay thì cũng bị tù hãm trên những cồn nhỏ giữa hồ, nếu chưa bị chết đói thì cũng bị săn giết như những con thịt. Cá cũng không sống được khi mà lá cây rừng bắt đầu bị thối rữa, nước mất hết dưỡng khí và trở nên nặng mùi, đến cả ánh sáng mặt trời cũng không thể chiếu qua. Nhưng khối nước tù hãm ấy lại chính là thiên đàng cho những ổ muỗi lan truyền bệnh sốt rét sốt xuất huyết và của loài sên gây bệnh sán gan.

Cao được biết thêm là ngay dưới mặt nước trong xanh kia vẫn còn nguyên những ngọn cây không chỉ thường làm rách lưới của những ngư dân nhưng còn khiến việc di chuyển trên mặt hồ cũng trở thành bất trắc. Các tàu ngoạn cảnh chỉ chạy theo một thủy trình, đi qua những đàn sếu như đứng bất động trên bờ hay thỉnh thoảng gây động làm hoảng sợ những đàn diệc cất cánh tung bay kêu lên quàng quạc.

Cao chọn ở qua đêm trên một khách sạn nổi và anh đã xử dụng tối đa insecte repellent xoa khắp các vùng hở của cơ thể để chống muỗi – thứ muỗi anopheles truyền bệnh sốt rét ác tính.

Nam Ngum được xây dựng trong những năm giông bão của chiến tranh, lúc ấy chẳng ai còn bụng dạ nào mà nghĩ tới ngôi làng nào hay khu rừng nào sẽ bị phá hủy. Con đập được hoạch định rất sớm bởi ECAFE – Economic Commission for Asia and Far East của Liên Hiệp Quốc từ 1957. Các cố vấn Ủy Ban Sông Mekong, Ngân Hàng Thế Giới và nhóm chuyên viên xây đập, họ chỉ quan tâm tới kỹ thuật và những con số trong khi chánh phủ Vạn Tượng chụp ngay cơ hội để thu về ngoại tệ cho điều mà họ gọi là “canh tân nước Lào”. Và rồi con đập cũng được hoàn tất bằng tiền của Ngân Hàng Thế Giới và nhiều nước khác. Cũng khoảng thời gian đó, để hỗ trợ cho cuộc chiến tranh Việt Nam đang bước vào giai đoạn cao điểm, Hoa Kỳ ào ạt đổ tiền vào Isan xây dựng cầu cống xa lộ và cả 4 sân bay đồng thời giúp chánh phủ Thái cải thiện đời sông nông thôn bằng kế hoạch dẫn thủy, phát triển những khu trồng trọt kỹ nghệ và điện khí hóa. Mỹ cũng đổ thêm tiền vào giúp Lào hoàn tất xây đập Nam Ngum. Kết quả rất sớm là một đường cáp dẫn 30 ngàn Kilowatt từ Nam Ngum đã tới được Udon một tỉnh Đông Bắc Thái đang là căn cứ không quân chiến lược Mỹ thời bấy giờ. Năm 71, Nam Ngum hoàn tất giai đoạn một và đó là một ngày lịch sử khi hai vua Lào Thái đã gặp nhau trên một con phà lộng lẫy hoa đèn giữa dòng chính sông Mekong cùng bấm một nút nhấn để cùng một lúc điện và đôla chảy ngược chiều về hai quốc gia với những khuôn mặt quan trên rạng rỡ. Nam Ngum không những đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho Lào mà còn cung cấp điện cho vùng Trung Lào.

Lợi lộc đem về thì như thế nhưng còn cuộc sống của những dân làng Na Bon ra sao là điều rất ít được ai quan tâm tới nhưng đó lại chính là mối ưu tư của Cao. Bữa ăn chiều cũng trên khách sạn nổi trên hồ Nam Ngum ấy, Cao được giới thiệu cho gặp Cham Thao, con chim lạc đàn của ngôi làng Na Bon ấy.

“Từ bao đời rồi chúng tôi quen sống và chết trên mảnh đất nơi chúng tôi sinh ra. Đang sống dưới một thung lũng phì nhiêu bên bờ con sông Nam Sane, chúng tôi đang có tất cả: đất đai và lúa gạo, sông ngòi và tôm cá, với chùa chiền và trường học, chúng tôi đang có một cuộc sống thanh bình và hạnh phúc, chúng tôi đâu cần có con đập chúng tôi không muốn phải rời đi đâu cả! Làm sao mà chúng tôi quên được cảnh thanh bình nơi ngôi làng Na Bon ấy: trẻ con thì bơi lội trên sông, phụ nữ trên bờ ngồi giặt rũ, đàn ông nếu không bận cầy cấy với các thửa ruộng xanh thì xuống những chiếc thuyền nhỏ đi lưới những thúng cá tươi đem về. Ngay cả những năm chiến tranh giữa quân Hoàng gia và Pathet Lào, cả với quân cộng sản Bắc Việt, cuộc sống có khổ hơn nhưng chưa bao giờ dân làng Na Bon có ý nghĩ sẽ bỏ làng mà đi. Thế rồi một buổi sáng, tôi còn nhớ rất rõ, có toán kỹ sư Nhật và một tiểu đội lính Hoàng Gia tới bảo chúng tôi phải dọn đi vì con đập sắp xây xong và hồ nước sẽ phủ ngập cả ngôi làng. Chúng tôi thì vẫn không tin vì nghe nói đập xây cách xa làng tới cả trăm cây số. Lại thêm ban đêm những người du kích cộng sản Pathet Lào trở về trấn an chúng tôi rằng họ sẽ bảo vệ ngôi làng, rằng chuyện ấy chẳng thể nào xảy ra và họ sẽ cho đặc công đặt mìn phá vỡ con đập… Nhưng rồi thật là bất ngờ chỉ mấy tháng sau con nước từ xa đổ về dâng ngập hết cả nhà cửa và ruộng vườn, dân làng chỉ còn kịp chạy thoát lên núi với tay trắng. Hai mươi lăm năm qua rồi, cuộc sống của chúng tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác vẫn thật nghèo và chật vật. Chúng tôi nghe nói có kế hoạch bồi thường nhưng khi hỏi thì được trả lời là nhà nước không có tiền và chỉ hứa cho chúng tôi dùng điện nhưng do không có đường dẫn nên cho đến nay chúng tôi vẫn chỉ có những ngọn đèn dầu… Đấy ông xem, người ta nói cho chúng tôi nghe bao nhiêu điều lợi lộc khi xây đập thủy điện nhưng với dân làng Na Bon chỉ thấy toàn sự bất hạnh!”

Wendy Chamberlin, đại sứ Mỹ hiện nay, từng là đoàn viên Đoàn Chí Nguyện Quốc tế IVS vào những năm 70, nói thông thạo tiếng Lào, đã nhận định: “Sau bao năm tự giam hãm sau bức màn tre, nhìn sang các nước láng giềng phát triển thịnh vượng, họ cũng muốn trở thành một thành viên trong đó.” Họ đây là những nhà lãnh đạo Cộng Sản Lào già nua chỉ mong sao Lào thoát ra khỏi danh sách 25 nước nghèo nhất thế giới. Đổi Mới, Tư Duy Mới – Chin Thanakhaan Mai, hay gì đi nữa chỉ thì vẫn chỉ là độc quyền của Bộ Chánh Trị Đảng Cộng Sản Lào. Cũng ý tưởng mới ấy nếu phát xuất từ người trí thức Lào thì bị kết án ngay là phản động. Đó cũng là tình cảnh của ba người Lào bị kết án đang bị đầy ải giam cầm trong điều kiện hết sức ngặt nghèo và có thể chết trong tù.

Chỉ với khoảng cách một thập niên, lần thứ hai trở lại thăm Lào, Vạn Tượng đang có dấu hiệu trỗi dậy sau một giấc ngủ dài. Như một con tầm vừa thoát ra khỏi chiếc kén, đất nước Lào mà biểu trưng là Vạn Tượng đang có những chỉ dấu của môt xã hội tiêu thụ với những bảng hiệu quảng cáo “Xuất Nhập Cảng” bằng tiếng Anh treo khắp nơi, bắt đầu tràn ngập các hàng nhập từ Thái Lan Nhật và Trung Hoa. Thanh niên thiếu nữ Lào bây giờ thì biết là họ muốn gì: thích phóng xe gắn máy Nhật, thích quần Jean Levi từ Mỹ và nhạc Rock từ Thái Lan; ban đêm họ rủ nhau ra bờ sông Mekong dạo mát uống cà phê uống bia và yêu đương. Thay cho mấy chiếc 4CV Renault cũ rỉ, xe hơi mới kể cả Mercedes bắt đầu xuất hiện trên những đường phố chật hẹp. Phi trường đang được mở rộng với đường bay mới. Chánh phủ Lào luôn luôn được các chuyên gia ngoại quốc nhắc nhở rằng tài nguyên của họ rất phong phú và chưa được khai thác: vàng đá quý than sắt và nhất là thủy điện – chỉ mới khai thác 1% của 18 ngàn megawatt và các nhà lãnh đạo cộng sản Lào đang ôm mộng biến Lào trở thành xứ “Kuwait về thủy điện”. Thái Lan vẫn là khách tiêu thụ điện chính của Lào và Ngoại Trưởng Thái đang viếng thăm Lào đã rục rã: “Các dự án thủy điện của Lào cũng như nàng công chúa còn im ngủ, phải chờ có vị hoàng tử – phải hiểu là Thái Lan, tới đánh thức nàng dậy.” Và bây giờ không phải chỉ một mà có quá nhiều “ông hoàng thô bạo” là các consortium liên quốc đang đổ xô vào Lào để chiếm hữu những con sông đang vui xôn xao và rồi bắt phải câm nín.

Phụ lục: Bản tiếng Anh của sách CLCDBĐDS mới phát hành

THE NINE DRAGONS DRAINED DRY 

THE EAST SEA IN TURMOIL

Dr. Ngô Thế Vinh is alarmed by the existential threat hovering over the Mekong that is running the risk of being drained dry caused by water diversion and the construction of a series of gigantic hydroelectric dams across her current. The ensuing consequences include: depleted fish stock, reduced agricultural production, seawater intrusion, and potential reservoir triggered seismicity…
Dr. Ngô Thế Vinh traveled to the very source of the river and countries that it meanders through to do on-site research, collect materials to write this book and issue a clarion call to the pressing need of saving the Mekong, its ecology, and the 70 million inhabitants living along its banks.

clip_image001

Advanced testimonials the book received are quite encouraging:
“In an apparent attempt to sound the alarm on the dangers facing the Mekong and the East Sea, Ngô Thế Vinh was first among The Friends of the Mekong to awaken public opinion to this immediate issue which undoubtedly will remain to be so for many decades to come.” Dr. Trần Ngươn Phiêu, author of “The North East Monsoon”
“We are in the year 2016, the Mekong is drying up and its ecosystem gradually degraded. Those geological phenomena are no longer predictions but have become undisputed facts that sadly verify Ngô Thế Vinh’s forewarnings. He is an author who lives with his time and yet sees well ahead of it.” Ánh Nguyệt, former Radio France International / RFI Reporter.

Publishers Group: Viet Ecology Press, Người Việt, Nxb Giấy Vụn

This book is available at:

www.amazon.com, www.nguoivietshop.com,

and your local bookstores

ISBN 978-1-5306-7082-6

http://vietecologypress.blogspot.com/2016/05/press-release-nine-dragons-drained-dry.html

Comments are closed.