Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 8)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XII

BIỂN NGỌT Ở ĐÂU XA KHÚC VĨ CẦM TONLÉ SAP

Biển hồ cực lắm em ơi

Ban đêm sẻ cá, ban ngày phơi khô

CH 12_ Bé Chăm trên bờ Tonle Sap

Bé Chăm trên bờ Tonle Sap

Tin AFP 3/6/98: Tổ chức UNESCO tuyên bố công nhận Biển Hồ của Cam Bốt là Khu Bảo Tồn Sinh Thái Quốc Tế – International Biosphere Reserve, cùng với 337 kỳ quan thiên nhiên khác trên thế giới. Sự công nhận này giúp bảo vệ Biển Hồ và cũng khiến chánh quyền Cam Bốt tham gia vào sự phát triển hài hòa trong vùng…

Phản ứng từ các thành viên Nhóm Bạn Cửu Long rất khác nhau, riêng Cao đón nhận bản tin ấy với niềm vui và cả sự lạc quan. Cao cũng không ngạc nhiên bởi vì anh cũng đã biết và theo dõi các bước vận động trong những năm gần đây của các nhà môi sinh Cam Bốt muốn Biển Hồ được công nhận là vùng bảo tồn của thế giới. Bảo tồn hệ sinh thái Biển Hồ cũng là gián tiếp bảo vệ môi sinh cho vùng Đồng Bằng Châu Thổ Cửu Long. Kể từ khi con sông Mekong trở thành mối quan tâm của Cao thì tập hồ sơ về Biển Hồ của anh không ngừng ngày một dày thêm kể cả phần quan sát thực địa.

Chuẩn bị cho chuyến đi Úc, là kỹ sư môi sinh nhưng vẫn với phong cách làm việc của một nhà báo, Cao muốn cập nhật phần homework cho riêng anh và cũng là để giúp Bé Tư, cô em dâu của anh trong tương lai có một cái nhìn thoáng và toàn cảnh về Việt Nam trong vùng Đông Nam Á.

Biển Ngọt trên vùng đất hồi sinh. Bưng Tonle Sap tiếng Khmer có nghĩa là hồ nước ngọt, người Hoa đọc ra là Thôn Lôi Hồ người Việt gọi là Biển Hồ là hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á, cách Nam Vang 80 dặm về hướng tây bắc giống hình số 8 theo ngôn từ của các tay đo đạc nhưng thơ mộng hơn thì bảo giống như thùng đàn vĩ cầm, một tặng dữ thiên nhiên quý báu không chỉ cho dân tộc Khmer mà còn cho nông dân vùng châu thổ. Hồ rộng mênh mông, bề dài 160km rộng hơn 30km đứng bên này ngó sang chỉ thấy trời với nước không thấy đâu là bờ bãi, điều hòa lưu lượng nước con sông Mekong dũng mãnh, như trái tim của Cam Bốt và là một kỳ quan thứ hai sau khu đền đài Angkor. Phân nửa dân số Cam Bốt sống trong bảy tỉnh bao quanh Biển Hồ, ngoài nguồn tôm cá phong phú thì lúa gạo cũng chiếm gần phân nửa tổng sản lượng của cả nước. Có thể nói Biển Hồ chính là mạch sống của người dân Cam Bốt.

Theo kế hoạch của Bộ Điều Hợp Môi Sinh Cam Bốt thì trong khoảng diện tích 300 ngàn hecta có ba phân khu rất đặc thù sẽ trở thành vùng bảo tồn – core areas với hệ sinh thái được giữ nguyên vẹn và là đối tượng cho các cuộc nghiên cứu khảo sát khoa học: khu Prek Toal gần thị trấn Siem Reap, khu Boeung Chmaa một hồ nhỏ phía đông thông với Biển Hồ và Steung Sen là con sông phía nam chảy vào Biển Hồ với rừng lũ và các loài động và thực vật rất đặc thù đang có nguy cơ bị tiêu diệt – endangered species, như giống báo vằn mèo đốm cầy hương, các loài chim lạ và cả giống cá sấu Xiêm La. Phần còn lại sẽ được quy hoạch thành các vùng đệm – buffer areasvùng chuyển tiếp – transition areas với các hoạt động kinh tế ở những mức độ triển khai khác nhau. Quyết định của UNESCO như mặc nhiên công nhận giá trị lịch sử và môi sinh của Biển Hồ, đồng thời sẽ mang lại nguồn tài trợ phong phú và sự quan tâm của thế giới đối với các bước phát triển hài hòa trong vùng.

Mặc cho những toan tính lợi hại thiệt hơn của con người ra sao, con sông Mekong và cả Biển Hồ vẫn cứ tiếp tục nhịp điệu từ ngàn năm. Vào tháng 6, cùng với tuyết tan từ rặng Hy Mã Lạp Sơn và khối nước mùa mưa, con sông Mekong vốn trải rộng mênh mang nay càng thêm vẻ hùng vĩ, nước dâng cao tạo ra một hiện tượng kỳ lạ con sông Tonle Sap tự đổi chiều chảy ngược vào Biển Hồ đồng thời mang theo những giống cá tranh nhau đi tìm các khu rừng lũ – flooded forest để sinh nở và diện tích hồ tăng gấp năm lần, khoảng 1.5 triệu hecta chiếm 1/7 diện tích đất đai Cam Bốt, mực nước có nơi sâu tới 15 mét. Dưới bầu trời sấm chớp và mây đen vần vũ, giữa gió to sóng lớn lênh đênh trên Biển Hồ mà tưởng như đang trôi dạt giữa một đại dương. Khi trời quang mây tạnh thì Biển Hồ và cả con sông Mekong vẫn cứ lênh láng, nhưng dưới làn nước màu café au lait ấy là sức sống bừng bừng xủi bọt của mầm non và cá.

Vào những ngày cuối tháng 10, gió đổi chiều. Trước đó là gió nồm thổi vào từ vịnh Thái Lan, nay là những cơn gió bấc thổi mạnh xuống từ phương bắc làm cuộn sóng Biển Hồ và con sông Tonle Sap.

Sang tháng 11 mùa khô Biển Hồ đã lại đầy nhung nhúc những cá, con sông Tonle Sap trở lại xuôi dòng về Quatre Bras (tên do người Pháp đặt khi đến bảo hộ xứ Cam Bốt 1863) nơi hội tụ bốn dòng sông gần Nam Vang – ba sông kia là Mekong Thượng, Mekong Hạ và sông Bassac – hai nhánh sau này trở thành Sông Tiền và Sông Hậu khi chảy vào Nam Việt Nam.

Đợt cá sớm theo con nước rời Biển Hồ xuống hạ nguồn là loại cá trắng: cá chép, cá hô, cá trích, cá linh, cá thu nước ngọt…đây là lúc nguồn cá thật dồi dào từ biên giới xuống tới miền trên hai con Sông Tiền và Sông Hậu; cá nhiều tới nỗi dư ăn và làm mắm cũng không hết nhất là cá linh phải chất đống để làm phân bón rẫy. Riêng loại cá đen: cá lóc, cá rô, cá bông, cá trê … có mang hấp thu oxy từ khí trời sống được trong bùn nước cạn nên còn ở lại Biển Hồ và trong đêm sương lạnh người ta thường gặp loại cá đen đi bộ – Anabas Scandens, dùng vây ngực sau mang nâng mình lên và dùng đuôi trườn mình tới để di chuyển trên bộ tới trũng nước sâu hơn.

Vào tháng 2 mặt hồ co lại chỉ còn khoảng 300 ngàn hecta lúc đó Biển Hồ như “một nồi súp đầy rau tươi và cá”.

Sự co giãn của Biển Hồ đem lại vô số lợi lộc không những cho người dân Cam Bốt mà còn cho vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Biển Hồ giảm thiểu lũ lụt, đem lớp phù sa màu mỡ tới khắp ruộng đồng và sau cùng là nuôi dưỡng một vựa cá giàu có với hơn 300 giống cá năng suất lên tới 10 tấn trên mỗi km2 và là nguồn protein chính cho người dân Cam Bốt.

Hàng năm nơi Quatre Bras khoảng cuối tháng 10 khi con sông nước ngọt Tonle Sap trở lại xuôi dòng để ra biển mặn là lúc bắt đầu những ngày hội lễ Mùa Nước Giựt Bom Oum Touk khởi đầu cho mùa cày cấy và chài lưới rộn rã với những mẻ lưới nặng trĩu vẫn còn là một cảnh tượng kỳ diệu gây kinh ngạc đối với những barang – người ngoại quốc và chính Cao nữa.

Nhưng giữa sự sung túc đó là cả một hệ sinh thái rất mong manh đang có dấu hiệu ló dạng một thảm họa môi sinh – ecological disaster. Chưa tới mức ô nhiễm các chất phế thải kỹ nghệ nhưng theo Carbonnel thì Biển Hồ đang bị lấp cạn với tốc độ chưa từng thấy: 4cm mỗi năm, ngoài phù sa từ con sông Mekong còn thêm hàng tấn đất lở liên tục trút xuống hồ do các khu rừng lũ bị tàn phá. Điển hình là trong khu Snuoc Tru đất lấp cao tới mức nước con sông Mekong đã rất khó khăn để có thể chảy ngược vào Biển Hồ. Tình trạng thảm hại hơn dưới thời Pol Pot với chủ trương phá rừng lũ quanh hồ để có thêm đất canh tác. Chưa bao giờ mực nước cạn như những năm qua, trong mùa khô có nơi chỉ còn sâu chưa tới nửa mét, nước thì quá nóng khiến loại cá trắng không sống nổi chết nổi phều hoặc phải thoát xuống dưới các khúc sông hạ lưu.

Từ những năm 60, ông Hoàng Sihanouk không chỉ muốn biến Cam Bốt thành Thụy sĩ của Viễn Đông mà ông còn muốn Biển Hồ – nơi mà thời trai trẻ ông đã từng vùng vẫy bơi lội và trượt nước, một ngày nào đó sẽ trở thành Khu Di Sản Thế Giới – World Heritage Site nhưng rồi đã gặp chống đối mạnh mẽ của các nhà phát triển vì quyết định ấy có thể cản trở các dự án xây Đập Thủy Điện trên con sông Mekong “sẽ ngăn chặn sự canh tân nước Cam Bốt.”[sic]

Sót xa ngoài biển mặn. Hàng năm con sông Mekong đã phí phạm đổ ra biển 475 tỉ mét khối nước ngọt tạo ra hai thung lũng biển từ cửa sông ra tới ngoài biển sâu, cùng với lượng phù sa lớn lao bồi đắp thành một thềm lục địa hình bán nguyệt ra xa tới 400km. Nước lũ Sông Cửu Long 40 ngàn m3/giây gấp đôi lũ Sông Hồng nhưng nhờ có Biển Hồ nên chỉ dâng lên từ từ để làm ngập trên cả triệu mẫu đất trong vùng châu thổ. Lưu lượng con sông ấy mùa nước kiệt chỉ còn 2 ngàn m3/giây từ tháng 3 đến tháng 5 trong khi nhu cầu nước cho sanh hoạt châu thổ trong khoảng thời gian này là 4 tới 5 ngàn m3/giây và nhu cầu ấy dự trù tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ 21. Nếu không có chương trình giữ nước ở thượng lưu như trên Biển Hồ để có thể cung cấp nước trong mùa khô thì sẽ có hạn hán, sẽ thiếu nước để làm vụ lúa mùa nắng, lại thêm nạn nhiễm mặn và sông cạn ngăn trở tàu bè giao thông lên tới Nam Vang.

Khác xa với những con sông khác trên thế giới, đã tới cuối thế kỷ này con sông Mekong với độ dốc và dòng chảy mạnh như thế, rất lý tưởng cho các đập thủy điện vậy mà tương đối vẫn là một con sông còn khá nguyên vẹn cho dù đã có những kế hoạch khai thác từ hơn nửa thế kỷ trước. Không kể các đập Vân Nam, đã có ba dự án vùng hạ lưu được coi là ưu tiên của Ủy Ban Sông Mekong từ những năm 60:

Dự án Pa Mong cách Vạn Tượng 15 dặm là đập chứa nước chính vùng hạ lưu sông Mekong. Ngoài nguồn thủy điện với công suất 2000 MW, hồ nước cao 360 bộ dung lượng gấp hai lần rưỡi đập Hoover của Mỹ, cung cấp nước cho 2 triệu rưỡi mẫu Anh trên cao nguyên Isan khô cằn, cải thiện giao thông và phát triển cho toàn vùng đông bắc Thái.

Dự án Sambor cách Nam Vang 140 dặm về hướng bắc mở ra thủy lộ giữa Lào và Cam Bốt, tạo nguồn thủy điện với công suất 1000 MW đủ cung cấp cho nhu cầu kỹ nghệ, dân dụng và bơm tưới các vùng đất Cam Bốt và nam Việt Nam.

Dự án Tonle Sap được coi là hấp dẫn nhất không chỉ là đập thủy điện mà là một hồ chứa thiên nhiên đủ cung cấp nước cho hàng triệu mẫu đất trong mùa nắng. Công trình dự trù sẽ là một đập chắn nơi cửa sông giữa Nam Vang và Biển Hồ. Cửa đập mở ra trong mùa mưa để khối nước lũ theo con sông Tonlé Sap chảy ngược vào Biển Hồ tới mức dự trữ cao nhất như vậy sẽ giảm thiểu lụt nơi đồng bằng. Đến mùa nước thấp cửa đập sẽ được mở ra từng phần duy trì lưu lượng nước đủ cho canh tác, ngăn mặn đồng thời giữ mức sông đủ sâu cho tàu biển lớn vẫn có thể ra vào sông Mekong. Và như vậy sẽ tăng thêm 2 triệu rưỡi mẫu Anh đất canh tác mà trước đây bỏ hoang vì muối phèn, hạn hán hay lũ lụt. Và mực nước Biển Hồ sẽ luôn luôn được giữ ở mức cao hơn một mét so với mùa nước thấp sẽ làm gia tăng lượng tôm cá đang có nguy cơ bị sa sút.

Trong khi dự án Tonle Sap rất được Việt Nam quan tâm, một lần nữa được nêu ra trong hội nghị Ủy Ban Sông Mekong 1988 tại Sài Gòn thì Cam Bốt lại có quan điểm hoàn toàn khác, cho rằng dự án chỉ có lợi cho Việt Nam có nghĩa là hại cho Cam Bốt. Trước thái độ bất hợp tác của Cam Bốt, Ủy Ban Sông Mekong đã phải hết sức kiên nhẫn thuyết phục, một việc làm không dễ dàng gì khi mà Gia tài Thù hận Việt Khmer trong suốt ba thế kỷ chưa hề có dấu hiệu phai lạt nếu không muốn nói còn tích lũy thêm trong suốt chiều dài của cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Đặt dự án sông Mekong giữa những cuộc tranh chấp chánh trị giai đoạn trong vùng có thể làm tiêu ma mọi ý hướng tốt đẹp về hợp tác và phát triển hài hòa cho toàn vùng Đông Nam Á. Tinh thần sông Mekong phải là nguồn cảm hứng, chủ động và nhiệt tâm của chính các nước trong vùng chứ không để hoàn toàn bị khống chế bởi Trung Hoa Thái Lan hay bởi các thế lực tư bản bên ngoài như các Consortium liên quốc, Asian Development Bank hay World Bank với trụ sở ở mãi tận bên Nữu Ước.

Từ Phù Nam tới Chân Lạp và gia tài thù hận Việt Khmer. Lịch sử lập quốc của Cam Bốt đã có rất nhiều khoảng trống và cả những khác biệt giữa các nhà sử học Tây Phương. Cao thì có phần hồ sơ của riêng anh.

Từ thế kỷ thứ nhất nhóm người Môn Indo-Melanésien sống trong vùng Hạ Lưu Sông Mekong với ảnh hưởng sâu đậm văn minh Ấn đã lập nên Vương Quốc Phù Nam. Sinh hoạt chủ yếu là thương mại với các thuyền bè từ Ấn ghé qua hải cảng Óc Eo, họ còn giao thương với các quốc gia lân bang phía bắc sang tới tận Trung Hoa. Để có thêm hàng hóa, họ tiến sâu vào lục địa khai thác bóc lột các sắc dân khác. Ảnh hưởng văn hóa Phù Nam có thể đã vươn xa tới bán đảo Mã Lai hay ít ra cũng tới U Thong cách Bangkok 60 dặm về hướng tây bắc – Jean Boisselier đại học Sorbonne 1964 đã phát hiện nhiều di chỉ của thời kỳ Phù Nam trong vùng này.

Do bị áp bức quá mức, “những người con Kambu” vùng Trung Lưu Sông Mekong đã nổi lên đánh đuổi người Phù Nam và đến thế kỷ thứ 7 đã tiêu diệt luôn quốc gia này và lập nên nước Chân Lạp. Do luôn luôn có tranh chấp giữa các dòng vua Khmer, Chân Lạp bị phân chia thành Lục Chân Lạp Nam Lào hiện nay và Thủy Chân Lạp khu vực Biển Hồ và Hạ Lưu Sông Mekong, tới thế kỷ thứ 8 thì Chân Lạp bị phân rã thêm thành 5 lãnh địa khác nhau và bị người Mã Lai đô hộ.

Mãi đến thế kỷ thứ 9, một vị vương Khmer đã kết hợp dân chúng vùng dậy đánh đuổi người Mã Lai giành lại độc lập mở ra triều đại Angkor Jayavarman II, chọn Bà La Môn làm quốc giáo với kinh đô xa bờ sông Mekong để tránh các cuộc tấn công đường thủy của các nước lân bang. Nhưng các cuộc chiến vẫn xảy ra giữa Angkor Khmer với Champa, Xiêm La và cả với Việt Nam.

Vào thế kỷ 12, cả một đoàn chiến thuyền dũng mãnh Champa đã ngược dòng sông Mekong vào Biển Hồ ngược dòng Siem Reap tấn công tàn phá Angkor Khmer. Phải tới những triều đại sau, đến đời Jayavarman VII, Angkor Khmer mới lại hồi phục. Những phù điêu trong đền Bayon còn ghi lại các trận chiến giữa Angkor và Vương Quốc Champa và người Khmer gọi người Chăm là yavana theo Sanskrit có nghĩa là rợ nước ngoài.

Vào cuối thế kỷ 13, một người Trung Hoa tên Châu Đại Quán – Chou Ta-Kuan trở về Trung Hoa, đã kể lại chuyến du hành từ Biển Đông theo sông Mekong lên Biển Hồ để tới thăm Angkor.

Các vua triều đại Angkor đã luôn luôn tập trung một lực lượng nô lệ khổng lồ cùng với sưu dân Khmer để không ngừng xây dựng các khu đền đài cho ngày thêm tráng lệ và vĩ đại hơn. Cả nhóm người Thái từ cao nguyên Vân Nam trốn giặc Mông Cổ xuống lập nghiệp dọc Lưu Vực Sông Menam – Chao Phraya cũng bị bắt về làm khổ sai. Angkor trở thành vùng đất thống khổ không chỉ của các nhóm nô lệ mà của cả chính những người dân Khmer nữa. Do bất kham nhiều người đã liều mạng phải trốn đi – they voted with their feet, nói theo các nhà sử học Tây Phương.

Tới thế kỷ 14 do quá chán ghét tinh thần bạo lực của Bà La Môn, một số Vương Tôn Khmer đã hướng về triết lý hiền hòa của Phật giáo, tranh chấp tôn giáo lại diễn ra và cuối cùng Phật giáo thắng thế và trở thành quốc giáo nhưng chỉ ảnh hưởng tầng lớp trên cao. Lịch sử Cam Bốt sau đó vẫn không ngừng là những chu kỳ của bạo lực và phân hóa. Cả Phật giáo và ý thức quốc gia dân tộc cũng không đủ là mẫu số chung để hóa giải những tỵ hiềm thù nghịch ngay giữa những người con Kambu với nhau.

Lợi dụng sự chia rẽ và cả thất nhân tâm của triều đình Angkor, từ thế kỷ 14 các vua Xiêm bắt đầu tổ chức những cuộc xâm lăng đánh phá. Cuộc chiến kéo dài ngót một thế kỷ với kết thúc là sự thất trận của Angkor và cả đế đô đã bị Thái thiêu rụi phá sạch và người Khmer bị bắt hết đem về Thái làm nô lệ. Sự hủy diệt tàn bạo và triệt để của Xiêm La đã biến vùng tây bắc Biển Hồ thành khu đất chết vùng đất không người – no man’s land, khiến trong suốt mấy thế kỷ cả một nền văn minh Angkor rực rỡ và lầm than ấy hầu như hoàn toàn bị xóa nhòa trong ký ức của những người Khmer chạy thoát và sống sót.

Từ thế kỷ 15 hơn nửa lãnh thổ phía tây Cam Bốt đã bị sát nhập vào Xiêm La. Tới thế kỷ 17 Chey Chetta II một vị Vương Khmer chạy sang cầu cứu Chúa Nguyễn, từ đó Việt Nam mới thật sự can thiệp vào nội tình Chân Lạp khiến Xiêm La không còn độc quyền làm mưa làm gió trên đất Chùa Tháp nữa.

Và điều ngạc nhiên là sự suy vong của đế quốc Angkor Khmer, một biến cố trong đại như vậy lại không được các tay thương lái hay giáo sĩ người Tây Phương biết tới trong suốt một thời gian dài. Họ chỉ biết Nam Vang là thị trấn thương mại nhỏ rồi Vạn Tượng trên bờ sông Mekong xa hơn nữa về phía bắc và cũng chẳng ai biết con sông Mekong dũng mãnh ấy khởi nguồn từ đâu. Mãi tới khi Louis Napoleon lên ngôi, nước Pháp mới thực sự xông xáo vào Viễn Đông để cạnh tranh với Đế Quốc Anh. Năm 1858, Pháp tấn công Việt Nam lấy cớ bảo vệ đoàn truyền giáo Pháp bị giết, nhưng chính là để mở mang thuộc địa đem lại vinh danh và quyền lực cho nước Pháp.

Bốn thế kỷ sau, người đầu tiên khám phá ra khu đền đài Angkor (1850) có lẽ là Bouilleveaux linh mục truyền giáo Pháp nhưng phải chờ tới Henri Mouhot nhà sinh vật Pháp trong khi mê mải vào rừng sâu tìm kiếm loài côn trùng hiếm, ông đã bàng hoàng khi thấy hiện ra trước mặt cả một khu đền đài tráng lệ bị lấp khuất trong khu rừng sâu. Chính Mouhot không tin rằng có thể có một kỳ quan như Angkor biểu tượng của nền văn minh sáng rỡ rất tương phản với một đất nước Cam Bốt còn ở trình độ man rợ thời bấy giờ.

Cuộc thám hiểm của Mouhot dở dang do cái chết đột ngột vào tháng 10 năm 1861, để lại cuốn nhật ký với mấy giòng chữ cuối cùng: “Bị cơn sốt rừng…” và rồi bốn ngày sau đó: “Thương cho tôi, Chúa ôi!…” xác Mouhot được vùi nông ngay bên bờ sông Nam Khan một phụ lưu sông Mekong với con chó trung thành vẫn không rời xa nấm mộ chủ và vẫn tru lên những tiếng kêu thảm não. Sau Mouhot là Doudart De Lagrée / Francis Garnier – biểu tượng cho một thế hệ thanh niên Âu Châu của Thế kỷ 19, can trường và khắc kỷ, đã lại ngược dòng thám hiểm sông Mekong trong một cuộc hành trình hào hùng và bi thảm với kết thúc thất bại trong nỗ lực tìm kiếm một thủy lộ giao thương với Trung Hoa.

Gia Tài Thù Hận Việt Khmer. Bấy lâu bị điều kiện hóa trong cảm giác thường trực bất an và luôn luôn bị ám ảnh về quá khứ bành trướng của người Việt, nên mọi chiến dịch chống Việt Nam bất kỳ trong hoàn cảnh nào vẫn đáp ứng một phần tâm tư thầm kín của người dân Khmer. Đối với các nhà hoạt động chánh trị Cam Bốt mị dân hay không thì bài xích chống Việt Nam là một bằng chứng yêu nước. Không ai ngạc nhiên cứ thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ thảm sát “cáp duồn” người Việt sống trên đất Cam Bốt rất ư là kinh hoàng. Lâu lâu lại có hàng trăm xác người kể cả đàn bà và trẻ em bị người Khmer chặt đầu mổ bụng thả trôi trên con sông Mekong vẫn là cảnh tượng hãi hùng gây xúc động cho toàn thế giới. Không cần che dấu ngay giữa thủ đô Nam Vang trên những bức tường những dòng chữ khích động chiến dịch giết hết người Việt trên đất Cam Bốt; cả bằng chữ Pháp chữ Anh nhắm vào đám ký giả ngoại quốc: We must kill all Viets in Cambodia. Thời Khmer Đỏ, Pol Pot không chỉ giết Bọn Bắc – Yuon tên gọi miệt thị người Việt, mà còn tra tấn sát hại rất nhiều người Khmer bị nghi là thân Việt Nam với tội danh bọn xác Khmer hồn Việt, như thứ cỏ dại cần phải tiễu trừ. Rồi cũng Pol Pot tố cáo ngược lại chính Việt Nam mới là thủ phạm của bấy nhiêu sọ người trên khắp Những Cánh Đồng Chết ở Cam Bốt và không phải là không có những người Khmer cả tin như vậy.

Câu chuyện kể hàng chục ngàn sưu dân Khmer bị Bảo Hộ Thoại Ngọc Hầu bắt làm khổ sai đào con kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc ra tới Hà Tiên vào đầu thế kỷ 19 với bao lầm than chết chóc, rồi chuyện quái đản của người Pháp về “Vị Quan Triều Nguyễn Trương Minh Giảng chôn sống ba người Khmer ngập tới cổ rồi dùng đầu họ làm kiềng ba chân đặt nồi nấu cơm.” Thật và không thật, các chuyện ấy vẫn được những người Khmer chống Việt Nam rêu rao như một bằng chứng hành hạ độc ác của người Việt.

Con số người Việt hiện ở Cam Bốt là 200 ngàn, 400 ngàn, hơn một triệu – không ai biết chắc. Cũng như không ai biết chắc dân số Cam Bốt còn lại là bao nhiêu: 5 triệu, 7 triệu, có thể đã lên tới 9 triệu do sinh đẻ vụt gia tăng thời kỳ sau Pol Pot. Đám người Việt ấy cư ngụ dọc theo sông Mekong, là những bạn biển tập trung quanh Biển Hồ, khá giả thì sống trên nhà nổi còn không thì sống trên những nhà sàn tạm bợ chênh vênh trên những cây cột cao có thể gỡ ra chất lên ghe xê dịch trên mặt hồ theo mùa nước lên xuống. Đa số sống bằng nghề hạ bạc đánh cá làm cá thuê vô cùng vất vả. Cực thì có cực nhưng họ đã đặt chân trên một vùng đất lên dễ khó về.

Nam Vang lên dễ khó về

Trai vô bạn biển, gái về tào kê

Số còn lại sống bằng những nghề thủ công khéo tay: thợ mộc, thợ may, thợ điện hay mở các cửa hàng tạp hóa buôn bán nhỏ, cũng phải kể tới một con số khá lớn những cô gái Việt tào kê trong số ngót 20 ngàn gái điếm rải rác trên khắp lãnh thổ Cam Bốt. Mức sống của đám người Việt này cũng ở nghèo khổ không khá hơn bao nhiêu so với người Khmer. Trong khi người Hoa là giới thương nhân giàu có thao túng nền kinh tế và người Thái đã từng chiếm hơn nửa lãnh thổ Cam Bốt nay đang là thủ phạm phá rừng bừa bãi và tận dụng khai thác những mỏ đá quý của xứ Chùa Tháp; vậy mà chỉ người Việt mới là mục tiêu của mọi chiến dịch bài xích và cả bạo động quá khích. Giữa nội bộ người Khmer chưa bao giờ có đoàn kết nhưng trên mặt trận chống Việt nam họ luôn luôn là một.

Trung Hoa luôn luôn là một ẩn số. Nhìn lại Con Đường Tơ Lụa cách đây 22 thế kỷ khi Marco Polo từ Ấn Độ tới buôn bán với Trung Hoa, cũng trên con đường ấy đang có dấu hiệu nhộn nhịp trở lại khi mà Trung Hoa nghiễm nhiên đang trở thành một siêu cường chánh trị quân sự và kinh tế – tự cho quyền hành xử như một thiên triều_ chuyên quyết, đơn phương khai thác con sông Mekong vốn là một con sông quốc tế, chẳng cần ethos nào để tiến tới hợp tác phát triển hài hòa trong vùng.

Trong khi các nhà chánh trị cơ hội của bốn tiểu quốc Đông Nam Á cứ việc nghi kỵ chia rẽ và cãi nhau bất tận thì nước lớn Trung Hoa vẫn lẳng lặng đơn phương thực hiện kế hoạch khai thác con sông Mekong của họ. Cách đây 5 năm (1993) khi mực nước con sông Mekong đột nhiên tụt thấp một cách hết sức bất thường cho dù không phải vào mùa khô, chỉ lúc đó mọi người mới biết điều gì đã xảy ra trên tỉnh Vân Nam: hoàn toàn không thông báo gì cho các quốc gia láng giềng, Trung Hoa đã xây xong con đập Manwan – có thể coi là con đập lớn đầu tiên trên dòng chính sông Mekong và lúc đó là thời gian họ bắt đầu lấy nước sông Mekong vào hồ chứa Manwan. Và sẽ còn thêm 8 con đập bậc thềm sau đập Manwan.

Trong cuộc hội thảo mới đây về “Phát triển vùng hạ lưu sông Mekong” ở Melbourne Úc Châu với tham dự đông đảo đến ngạc nhiên của các nhà chánh trị ngoại giao, giới doanh thương Úc và cả nhóm bảo vệ môi sinh. Bé Tư với tư cách là một Visiting scholar Đại Học Melbourne là chuyên viên môi sinh trong Ủy Hội Sông Mekong Việt Nam đã dõng dạc phát biểu:

– Là nước ở thượng nguồn, Trung Hoa nghiễm nhiên ở vào vị trí thượng phong. Chẳng ai có thể bảo Trung Hoa phải làm gì và không nên làm điều gì. Đồng ý hay không thì cũng không ai trong chúng tôi có thể tới Thiên An Môn để mà biểu tình phản đối – nhiều tiếng cười trong hội trường. Nhưng điều mà chúng tôi có thể yêu cầu phái đoàn Ủy Hội sông Mekong của Bắc Kinh có mặt hôm nay là khi khai thác con sông Mekong ở tỉnh Vân Nam, liệu Trung Hoa có biết được các con đập ấy sẽ ảnh hưởng dây chuyền ra sao trên hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong hay không?

Câu hỏi của Bé Tư đã mở màn cho một loạt những chất vấn đôi lúc gắt gao hướng về đoàn đại biểu Trung Hoa. Đại diện cho đoàn, giáo sư Wang chủ tịch Phân Cục Thủy Điện Vân Nam, đầy vẻ tự tin trả lời bằng một thứ ngôn ngữ ngoại giao qua thông ngôn:

— Dĩ nhiên trước khi khởi công chúng tôi đã khảo sát rất nghiêm túc về hậu quả và ảnh hưởng các con đập Vân Nam đối với các quốc gia Vùng Hạ Lưu sông Mekong.

Khi bị hỏi tiếp ảnh hưởng đó rao sao thì ông Wang chỉ nói một cách rất chung chung:

— Trước hết các con đập Vân Nam sẽ giữ nước để gia tăng lưu lượng trong mùa khô cũng có nghĩa là giảm lũ trong mùa mưa và cải thiện thủy lộ giao thông trên con sông Mekong.

Bé Tư đã gây một ấn tượng mạnh cho toàn hội nghị bằng kiến thức vẻ đẹp thông minh tự tin và tiếng Anh rất lưu loát của cô:

— Thế Trung Hoa có trao đổi những thông tin ấy với các thành viên Ủy Hội Sông Mekong chưa?

Thì ông giáo sư Wang không còn bình tĩnh và trả lời giọng thách đố:

— Trung Quốc không có trách nhiệm về tất cả nguồn nước của con sông Mekong, bởi vì dọc theo suốt chiều dài của con sông ấy luôn luôn được tăng cường bởi các phụ lưu và nguồn nước mưa. Còn việc xử dụng và khai thác khúc sông Mekong trong tỉnh Vân Nam ra sao thì đó là vấn đề nội bộ và quyền hạn của Trung Quốc.

Cũng bên lề cuộc hội thảo ấy, một giáo sư về Trung Hoa học Đại Học Melbourne đã nói với Cao:

— Đối với các chuyên gia am hiểu tình hình Á Châu thì ai cũng biết là Trung Hoa chưa hề có một hồ sơ theo dõi tốt – good track record trong những công cuộc hợp tác đa phương. Kế hoạch khai thác con sông Mekong của họ là một điển hình.

Cao nhận xét các khuôn mặt nổi bật trên bàn chủ tọa quá bán là phụ nữ, như bước vào thời đại của nữ quyền, phải chăng đó là trào lưu để bước vào thế kỷ mới.

Đến lượt bà Đại Sứ Thái Lan tại Úc Châu được mời phát biểu, bằng một ngôn ngữ rất ngoại giao bà hướng về các doanh nhân Úc:

— Úc là nước phát triển với kho tàng kiến thức và kỹ thuật mà các nước Đông Nam Á đang rất cần. Đây chính là cơ hội của các công ty Úc tuy đó còn là một vùng khá xa lạ… Nhưng bù lại thì Thái Lan là một nước trung tâm có mối tương quan địa dư chánh trị mật thiết với các nước khác trong vùng và bấy lâu vẫn đóng vai trò chủ chốt – anchor role trong kế hoạch phát triển vùng hạ lưu sông Mekong. Vậy sao chúng ta lại không nghĩ tới giải pháp “Liên Doanh – Joint Venture”giữa Úc và Thái trong mọi kế hoạch phát triển vùng?

Phát biểu của bà Đại sứ Thái đã được đón nhận nồng nhiệt từ phái đoàn doanh nhân Úc nhưng lại với nhiều ngờ vực từ các nhóm bảo vệ môi sinh.

Ngồi cạnh bà Đại sứ Thái Lan trên bàn chủ tọa là Công Chúa Simone Norodom đến từ Nam Vang. Như những người Khmer lai bà có dáng cao đẹp khỏe mạnh mái tóc vấn cao đen lánh có nét quý phái của một người xuất thân từ Hoàng Gia. Công Chúa ở cái tuổi ngoài 40 nhưng vẫn thanh gọn trong chiếc áo lụa ngà với chiếc khăn rằn krama trên cổ và quấn một chiếc váy vải dệt dày y phục cổ truyền của xứ Chùa Tháp. Bà tới đây không với tư cách đại diện cho Cam Bốt mà là chủ tịch văn phòng môi sinh của UNESCO tại Nam Vang. Công chúa được coi là người có công đầu thúc đẩy tổ chức UNESCO đi tới chấp nhận Tonlé Sap là vùng bảo tồn hệ sinh thái quốc tế – giấc mộng cách đây 20 năm phụ thân cô là Hoàng Thân Sihanouk đã không đạt được.

Mải mê nhìn chiếc khăn krama vốn gốc bình dân ấy nhưng nơi bà công chúa lại là một trang sức đẹp đẽ. Như một flashback chiếc khăn rằn krama đưa Cao về cả một bối cảnh xã hội của những tháng năm hạnh phúc và máu me của sáu triệu dân Cam Bốt. Tấm hình Pol Pot đã già và đau yếu chụp trong chiến khu xuất hiện trên tờ báo Sidney Tribune mới đây cũng không thiếu chiếc khăn rằn trên bộ black pyjama cố hữu. Cũng chiếc khăn rằn ấy đã rất gần gũi thiết thân với người nông dân Khmer và với cả người dân Việt nơi đồng bằng Nam Bộ. Khăn che nắng gắt ngoài đồng lúa, khăn bọc rau trái đem về nhà, bà mẹ dùng khăn rằn địu con trên đường đi, khăn che thân khi xuống sông tắm, khăn quấn quanh bụng trong chiều gió mát và nếu là một cô gái đang yêu thì thêu tên người yêu lên đó và khi xa nhau anh có thể ôm vào lòng hôn lên chiếc khăn rằn và nhớ tới nàng. Không phải chỉ có vậy, dưới thời Pol Pot, thời của chua chát và đắng cay – peal chur chat, trong hoàn cảnh bi quẫn thì chiếc khăn rằn biến trở thành sợi dây treo cổ cho thoát khỏi địa ngục trần gian này. Chiếc khăn rằn ấy cũng đã từng được dùng để bịt mắt nạn nhân trước khi hành quyết. Và trên khắp Những Cánh Đồng Chết giữa vô số những sọ người lăn lóc bên những gốc cây thốt nốt vẫn còn một hai chiếc sọ mang nguyên chiếc khăn rằn bịt ngang mắt chưa bị khí hậu và thời gian làm cho tiêu đi. Và trong những hốc mắt sau mảnh khăn rằn ấy tưởng như vẫn thấy được ánh mắt kinh hoàng của nạn nhân ngay trước khi chết, cả những cây thốt nốt tưởng như vật chứng vô tri mà vẫn còn như đang ghê sợ rùng mình theo từng cơn gió thoảng. Trong các khu đền đài Angkor và cả rải rác trên Những Cánh Đồng Chết vẫn còn đâu đó những cây thốt nốt trơ gan cùng tuế nguyệt sống cả ngàn năm vẫn cứ trổ buồng ra trái vẫn làm chứng cho bao thế kỷ máu me và bạo lực của dân tộc Cam Bốt. Với Cao thì chiếc khăn rằn krama là chiều sâu xã hội và cây thốt nốt ấy là chiều dài lịch sử rất ít hạnh phúc nhưng lắm lầm than của người dân Khmer.

Khi được mời phát biểu, công chúa Simone Norodom đưa ra nhận định:

— Áp lực thúc đẩy Lào và Cam Bốt phải tận dụng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên đến từ nước láng giềng đang có nhu cầu về điện năng như Thái Lan. Trên Vân Nam Trung Hoa thì vẫn không ngừng xây thêm các đập, Thái Lan còn có thêm kế hoạch đổi dòng lấy nước từ con sông Mekong chảy xuống từ Trung Hoa. Mối quan tâm hiện nay của các quốc gia hạ nguồn như Lào Cam Bốt và Nam Việt Nam chưa biết phải đối phó ra sao với hậu quả dây chuyền ấy. Nhưng rõ ràng đã có sự bất bình đẳng trong việc khai thác con sông quốc tế này: đó là sự đơn phương hành động của Trung Hoa và Thái Lan trước sự yếu kém và thụ động của ba nước Việt Miên Lào… Riêng với nước bạn láng giềng Lào, theo chúng tôi được biết thì đang là thí điểm rộng rãi của kế hoạch 60 con đập với tài trợ của World Bank, Asian Development Bank, qua các consortium chủ yếu là từ Úc Châu?

Đại diện Cơ Quan Phát Triển Á Châu của Úc lên tiếng:

— Như quý vị đã biết do bị nhiều chỉ trích, World Bank không còn muốn tài trợ trực tiếp cho các dự án Đập lớn nữa. Thay vì bỏ tiền đầu tư trực tiếp thì World Bank đóng vai trò môi giới với các consortium tư bản liên quốc. Mẫu điển hình BOOT (Build, Own, Operate, Transfer) có thể thấy ngay trên đất Lào. Với bảo đảm rủi ro của World Bank, các công ty tư bản nhảy vào ký kết các hợp đồng Xây đập, Sở hữu và Vận hành để lấy lại vốn và lấy lời trong khoảng thời gian từ 20 tới 30 năm trước khi Chuyển nhượng lại cho chánh phủ Lào. Phải nói là các nhà lãnh đạo Vạn Tượng rất nôn nóng muốn đi tới ký kết càng sớm càng tốt các hợp đồng phát triển theo mô thức này.

Cũng lại chính Tiến sĩ Cham Sak giáo sư kinh tế Đại Học Thammasat, người bạn vong niên Thái Lan của Cao trong chuyến viếng thăm Lào hai năm trước, ông luôn luôn được biết đến như một nhà hoạt động môi sinh cấp tiến lên tiếng phản bác:

— Người Úc đang rao bán cho Lào một huyền thoại – myth rằng Lào không còn một chọn lựa nào khác ngoài dâng hiến những dòng sông để xây đập để biến nước Lào thành một Kuwait về thủy điện để có ngoại tệ và ngân sách. Theo tôi xâu xé nước Lào với 60 đập thủy điện là một quyết định tệ hại nhất. Điều ấy chỉ có lợi cho giới đầu tư và các công ty xây đập ngoại quốc. Họ đang bị phá sản thất nghiệp bởi vì không ai còn muốn xây các con đập lớn ngay như trên nước Úc hay các quốc gia Bắc Mỹ do hiệu quả kinh tế không bù đắp được cho những tác hại rộng lớn và lâu dài trên môi sinh.

Đến lúc này thì Cao không thể không lên tiếng với quan điểm của một kỹ sư môi sinh.

— Qua kinh nghiệm những con đập Thái Lan và con đập Nam Ngum ở Lào, hiệu quả kinh tế tới đâu và tác hại trên môi sinh ra sao không ai biết rõ bằng Tiến sĩ Cham Sak. Rằng khác xa với những hứa hẹn ban đầu khi xây đập là để đem lại thịnh vượng cho nhân dân nhưng thực ra chỉ đem lại giàu có cho một thiểu số chủ hãng bóc lột với cái giá phải trả là sự tàn phá rộng lớn trên môi sinh. Đồng ý rằng Lào là một nước nghèo nhưng có thật Lào không còn một chọn lựa nào khác ngoài các con đập thủy điện hay không? Công thức BOOT mới xem ra có vẻ đơn giản và hấp dẫn vì chỉ cần thuận dâng hiến những dòng sông trinh nguyên với tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên là sẽ được cho không for free các hạ tầng cơ sở. Tưởng vậy nhưng không phải vậy, cái gia sản cũ kỹ trao lại sau 30 năm ấy có còn giá trị gì nữa không? Những con đập với turbin đã mòn và hồ chứa cũng đã cạn, đó là chưa kể tới cảnh điêu tàn của hệ sinh thái và nỗi điêu linh của những người dân sống trên đó… Và như vậy đã có cả một khoảng cách đại dương giữa thực tế và lý thuyết của những dự án BOOT. Chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết kinh tế của nước Lào sẽ ra sao? Hậu quả trên môi sinh sẽ ra sao? Người dân Lào có hạnh phúc gì hơn không? Chưa ai có lời giải đáp và vẫn còn là những ẩn số.

Giọng thiết tha và đầy tính thuyết phục của người kỹ sư trẻ Việt Nam đến từ Bắc Mỹ đã khiến cả hội trường như lặng đi. Cuộc hội thảo trong ba ngày với rất nhiều ý kiến và đã không đi tới một kết luận nào nhưng tất cả đồng ý với nhau về một nhận xét: Vấn đề cơ bản là chưa có sự phối hợp hiệu quả và đáng tin cậy trong kế hoạch sử dụng và khai thác liên quốc gia đối với con sông Mekong.

Bấy lâu nói tới Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày cũ là nghĩ ngay tới những dòng sông bến nước, những cánh đồng thơm mùa lúa mới, là nghĩ tới gạo trắng nước trong vườn xanh trái ngọt tôm cá đầy đồng.

Bây giờ thì chỉ thấy mọi người Việt cũng như Khmer đều lam lũ mới thấy cái ảo tưởng về sự giàu có bất tận của đồng bằng châu thổ sông Mekong.

Có phải vì vậy mà Cao nuôi giấc mộng trăm năm sao cho Biển Hồ mãi mãi là trái tim khỏe mạnh với nhịp đập rộn ràng quanh năm đem nguồn nước mát cho cả Cam Bốt và Đồng Bằng Châu Thổ. Với quy chế là một vùng bảo tồn sinh thái, dĩ nhiên sẽ có những cuộc khảo sát sâu rộng về chiều hướng thay đổi và phát triển Biển Hồ như một biển cá một hồ dự trữ nguồn nước ngọt để không phí phạm đổ ra biển mặn ngót 500 tỉ/m3 nước ngọt mỗi năm trong khi người dân Khmer cũng như người dân vùng đồng bằng Nam Bộ vẫn cứ thiếu nước làm mùa thiếu cả những ngụm nước ngọt trong lành trong những ngày nóng ran mùa khô hạn. Bảo tồn và phát triển Biển Hồ hai điều ấy không có gì mâu thuẫn và triệt tiêu nhau.

Sự hợp tác trên căn bản thành thật và tin cậy trong kế hoạch phát triển Biển Hồ không chỉ thuần mục tiêu kinh tế mà còn mang ý nghĩa nhân văn để từng bước làm vơi đi cái gia tài thù hận Việt Khmer tích lũy đã từ mấy thế kỷ.

Có những chủng tộc khi còn ở nước họ tưởng như có mối thù truyền kiếp như người Ấn và người Pakistan, nhưng cũng vẫn đám người ấy với tôn giáo khác biệt ấy khi họ gặp nhau và chung sống ở Mỹ nghĩa là bên ngoài quốc gia họ, họ dễ dàng thân thiện với nhau và cũng để thấy rằng mối thù tưởng như bất cộng đái thiên ấy là không có thật. Cao cũng có cảm nghĩ như vậy với người Việt và người Khmer và điều đó chỉ có thể bắt đầu đến từ bên ngoài. Đêm nay tới dự buổi tiếp tân do Công Chúa Simone Norodom chủ tọa, mà Cao và cô em dâu tương lai Bé Tư là khách mời đặc biệt qua giới thiệu của bác sĩ Duy – do con gái duy nhất của công chúa là học trò của Duy ở Stanford. Đó cũng là một đêm “grand succès” của đoàn vũ công Hoàng gia xứ Chùa Tháp. Cao và Bé Tư còn có thêm niềm vui đã cùng chia xẻ với công chúa ý tưởng về những bước hòa hợp có thể tới từ bên ngoài ấy.

Và cùng trên chuyến bay ngày hôm sau rời Úc Châu là đông đảo những người Việt và Khmer đang lũ lượt trở về quê hương họ với những giấy thông hành ngoại quốc, với đầu óc là những ý tưởng mới với kiến thức trí tuệ và cả tiền bạc để tham gia sinh hoạt trên mọi lãnh vực. Đã từng là nạn nhân của chiến tranh và thù hận, là những người sống sót nay sao họ lại không thể chia xẻ với nhau một giấc mơ chung cùng nhìn về một hướng trong khúc giao hưởng thái hòa của con sông Mekong với cây đàn vĩ cầm Tonlé Sap.

Comments are closed.