Để có một hội nghề nghiệp thật sự

Phỏng vấn nhà phê bình nghiên cứu văn học NGUYỄN ĐĂNG MẠNH

PHÓNG VIÊN: – Từ nay tới ngày Đại hội các Nhà văn Việt Nam lần thứ IV thời gian chẳng còn bao lâu. Tháng 12 năm ngoái, Bộ Chính trị Trung ương Đảng vừa ra Nghị quyết Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới. Dưới ánh sáng của nghị quyết này chắc chắn Đại hội không thể không bàn bạc, thảo luận để định ra những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội Nhà văn. Xin anh cho biết ý kiến cá nhân về vấn đề ấy?

NGUYỄN ĐĂNG MẠNH: – Quả đã đến lúc cần thiết phải bàn bạc, thảo luận để định ra những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội. Bởi lâu nay Hội có đấy mà cũng như không. Chẳng mấy ai có ý thức về sự tồn tại của nó trong đời sống xã hội. Hình như mãi tới khi Hội có chế độ tạm cấp sáng tác, người ta mới lờ mờ cảm thấy sự có mặt của nó. Dĩ nhiên có nhiều người phải liên đới chịu trách nhiệm về tình trạng ấy.

P.V. – Xin anh cho biết cụ thể hơn?

N.Đ.M. – Theo tôi, có mấy lý do sau đây khiến cho lâu nay Hội Nhà văn có đấy mà cũng như không:

Thứ nhất. Hội không có bất kỳ một tý quyền hành nào. Sách, báo, bài vở của hội viên do những nơi nào duyệt kia, chứ Hội không được “ý kiến” vào đấy. Ngay cả công việc tổ chức của Hội, hội viên cũng không được quyền quyết định. Phải một thời gian dài, 20 năm liền (từ 1962 đến 1982) mới họp được Đại hội lần thứ III, nhưng lại mất dân chủ trầm trọng. Hội viên không tán thành nhiều Ủy viên Chấp hành và chấp hành không được bầu Ban Thư ký. Ban Chấp hành ít gắn bó với hội viên.

Thứ hai. Việc kết nạp hội viên của Hội luộm thuộm quá. Còn nhớ, một lần anh Tế Hanh và anh Chế Lan Viên giục tôi sao không làm đơn xin vào Hội đi. Tôi bèn viết đơn đem nộp, có kèm theo mấy chữ giới thiệu của anh Xuân Diệu và anh Lê Trí Viễn. Rồi một hôm, nhân chúng tôi họp tổ chuyên môn tại nhà anh Nguyễn Hoành Khung, có mời được anh Nguyễn Khải nói chuyện. Anh Khải tiện đấy báo cho biết, tôi đã được vào Hội. Chỉ có thế.

Thứ ba. Khi vào Hội rồi, giữa hội viên và Hội dường như không có một tý quan hệ công việc nào cả. Việc ai người ấy làm. Ngay cả việc tổ chức một cái câu lạc bộ để đôi khi anh em gặp gỡ, trao đổi cũng không có. Người ta làm việc với nhà xuất bản khác, nghĩa là làm việc với tư cách của một cộng tác viên bình thường chứ không phải với tư cách hội viên. Thậm chí Tác phẩm mới không hấp dẫn người ta bằng các nhà xuất bản khác. Bởi Tác phẩm mới trả nhuận bút thấp hơn so với nhà xuất bản kia.

Tóm lại, Hội Nhà văn không bằng bất kỳ một hội nào khác, nó hầu như chẳng có ích gì cho công việc của các hội viên. Gần đây, hình như việc bồi dưỡng nhà văn trẻ có được chú ý hơn.

P.V. – Cứ như anh nói thì có lẽ không cần thiết phải thành lập Hội Nhà văn nữa?

N.Đ.M. – Không phải thế! Về một phương diện nào đó, viết văn cũng là một nghề. Có nghề phải có hội chứ? Thực lòng, ai cũng muốn có hội, nhưng hội phải ra hội.

P.V. – Theo anh, chức năng xã hội của Hội Nhà văn là gì? Là tổ chức nghề nghiệp? Là cơ quan quản lý hội viên giống như nhà máy quản công nhân, hợp tác xã quản xã viên?

N.Đ.M. – Dĩ nhiên không nên biến Hội thành cơ quan quản lý mang tính chất hành chính. Hội Nhà văn là hội nghề nghiệp. Nó phải chịu trách nhiệm trước tình trạng phát triển của văn học nước nhà. Đặc biệt, nghề văn đòi hỏi tính nghề nghiệp rất cao. Cho nên Hội phải được tổ chức chặt chẽ để bàn bạc, thảo luận rút đúc kinh nghiệm sáng tác, kích thích sự sáng tạo nghệ thuật. Tổ chức Hội còn phải chịu trách nhiệm trong việc đào tạo lực lượng sáng tác, lực lượng phê bình, nhất là phải tạo điều kiện để các nhà văn nâng cao trình độ văn hóa. Muốn thế, Hội phải có kinh phí lớn để hoạt động, ít ra là để xây dựng một cái thư viện cho ra hồn. Tôi rất buồn về tình trạng thư viện của Hội Nhà văn. Sách thiếu, bản thảo của các nhà văn không có ai lo lắng bảo quản, giữ gìn, thất lạc mất cả. Cũng cần lưu ý, nghề văn không giống các nghề khác. Tôi tin rằng, cách mạng khoa học kỹ thuật không thể cơ giới hóa hay điện khí hóa lao động nhà văn. Bởi đây là lĩnh vực của tài năng và cả tính sáng tạo, Hội Nhà văn phải trở thành tổ chức của những tài năng. Nói rõ hơn, phải chú trọng tới tính tổ chức chặt chẽ của Hội, đồng thời phải quan tâm tới đặc trưng của ngành sản xuất tinh thần này. Đó là nghề có tính đặc biệt cá thể. Ở đây sự độc đáo cá nhân lại là một phẩm chất cần khuyến khích và bồi dưỡng. Mỗi người là một thế giới tâm hồn với những màu sắc và quy luật riêng. Vậy Hội phải tìm hiểu và chăm lo cho từng cá nhân (mỗi cá nhân là một tài năng kia mà! Tất nhiên không kể ngoại lệ).

P.V. – Theo tôi, chỉ khi nào Hội Nhà văn thoát ra khỏi cơ chế quản lý bao cấp của Nhà nước, đặc trưng của lao động nghệ thuật mới thực sự được coi trọng. Làm thế nào để thực hiện được điều đó?

N.Đ.M. – Nhà văn không chỉ phản ánh hiện thực mà còn bộc lộ quan niệm của mình về con người và cuộc đời. Với ý nghĩa ấy, văn học là tiếng nói của tư tưởng, là sự phát ngôn cho quan điểm. Lâu nay văn học chưa được quyền phát ngôn. Cần chỉ ra tình trạng lời nói không đi đôi với việc làm ở khá nhiều nhà lãnh đạo văn nghệ. Khi nói, người ta cao giọng tuyên bố: văn học là mặt trận, nhà văn là chiến sĩ. Trong thực tế, họ lại xem văn nghệ như trò giải trí, có cũng tốt, mà không có nó cũng chẳng chết ai. Tình trạng nhuận bút rẻ mạt thì cứ kéo dài mãi (không có nghề nào bị trả giá rẻ mạt như nghề văn hiện nay). Mặt khác, mỗi khi có ai đó dám phản ánh trong tác phẩm của mình một sự thật nào đấy không hợp với ý lãnh đạo, lập tức lại bị xem như cái gì nghiêm trọng lắm, cứ y như là vì nó mà mất nước đến nơi. Tệ nhất là một thời gian khá dài, văn học bị biến thành phương tiện minh họa thô thiển cho những tư tưởng có sẵn hay cho những chủ trương chính sách. Nhiều tác phẩm có tư tưởng lại bị xem là thiếu tư tưởng hay tư tưởng kém. Ngược lại, nhiều tác phẩm thiếu tư tưởng lại được đề cao là có tư tưởng tốt. Lộn xộn quá! Văn học ta nghèo đi là vì thế. Cho nên, muốn thoát khỏi cơ chế quan liêu bao cấp của Nhà nước, trước hết phải có dân chủ; trong lĩnh vực văn nghệ thì phải chấm dứt tình trạng bao cấp tư tưởng. Và để thực hiện được điều đó, Hội phải tổ chức được bộ máy làm việc riêng của mình. Chẳng hạn muốn cho các tác phẩm tốt không bị trù dập, muốn phát hiện tài năng, động viên sáng tác kịp thời, Hội phải có các ban, các hội đồng chuyên môn. Phải tổ chức các ban theo thể loại. Không nên có ban theo đề tài. Cũng nên đổi mới cơ cấu, thành phần của các ban. Ví như không nên có sự ngăn cách như hiện nay về mặt tổ chức giữa lý luận, phê bình và sáng tác. Phê bình không được sáng tác coi trọng thì không thể xem là phê bình tiêu biểu được. Cho nên chỉ nên để những nhà phê bình, lý luận được các nhà văn tín nhiệm tham gia vào ban phê bình, lý luận. Trong ban lý luận, phê bình nên có cả những người sáng tác. Ngược lại, trong các ban thơ, văn xuôi… cần có sự tham gia của các nhà phê bình, lý luận được tín nhiệm.

P.V. – Theo anh, lần này Đại hội nên tiến hành theo cách thức thế nào để đảm bảo dân chủ?

N.Đ.M. – Theo tôi, không nên đại hội đại biểu. Nhất thiết phải đại hội toàn thể.

Nhiệm kỳ vừa rồi, Ban Thư ký không phải do Đại hội, cũng không phải do Ban Chấp hành bầu ra mà do cấp trên chỉ định. Lần này nên có hình thức thăm dò trước xem những ai xứng đáng được bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thư ký. Nhưng đến Đại hội, việc bầu bán phải được tự do hoàn toàn, không thể chấp nhận mọi hình thức áp đặt từ bên ngoài. Sau khi bầu Ban Chấp hành, nên để Đại hội tự bầu Ban Thư ký và Tổng thư ký của Hội.

Tôi xin nhắc lại, cốt lõi vẫn là vấn đề tự do dân chủ. Có dân chủ, tự do, Đại hội lần này sẽ thành công tốt đẹp. Có tự do dân chủ, văn học nước nhà mới có thể phát triển nhanh, mạnh, kịp bước tiến của thời đại.

P.V. – Xin chân thành cảm ơn anh.

(LÃ NGUYÊN thực hiện)

Văn nghệ, Hà Nội, số 10 (5.3.1988)

w Rút từ bộ sưu tập ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI,

Lại Nguyên Ân và Nguyễn Thị Bình sưu tầm biên soạn;

bản đánh máy: Trung tâm VH-NN Đông Tây, Hà Nội

Comments are closed.