Hai tác phẩm của vua Duy Tân

Trong hành trình ĐI TÌM DẤU TÍCH BA VUA (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân), sáng sớm 12/6/2008 nhóm làm phim chúng tôi đáp tàu bay từ Paris, khoảng 4 giờ chiều tới đảo Réunion, vùng hải ngoại của Pháp nằm tận nam Ấn Độ Dương, thuộc châu Phi. Đại gia đình Nguyễn Phước tộc, gồm các con, cháu của hai vua Thành Thái và Duy Tân bị lưu đày, đến nay, sinh sôi nảy nở thành một cộng đồng, đã đón tiếp ân cần và giúp chúng tôi làm việc ngay khi vừa gặp mặt. Đêm đó, tôi lướt qua vài cuốn sách tư liệu lưu trữ trong dòng họ được bà con cho mượn, chợt thấy hai bài văn bằng Pháp ngữ của tác giả Prince Vĩnh San (tức cựu hoàng Duy Tân). Một bài, Variations sur une lyre brisée (1923) (Biến tấu trên cây đàn lia vỡ nát), có ghi chú: Premier prix littéraire organisé par l´Académie la Réunion en 1924[1]. Bài thứ hai, Ce que dit la voix des choses (Tiếng nói của vạn vật) in trong sách Hồ sơ vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thược[2].

Nhớ, trước chuyến đi Pháp, nhóm làm phim chúng tôi gặp nhà văn Nguyên Ngọc tại Hà Nội và, phỏng vấn chớp nhoáng. Ông kể, thời học trò, ông có được học một bài văn Pháp ngữ rất hay của cựu hoàng Duy Tân, như một bài văn mẫu trong nhà trường hồi Pháp thuộc. Đó là Tiếng nói của vạn vật. Rồi ông đọc thuộc lòng một đoạn, Ce que dit la voix des choses

Sáng hôm sau, tôi lấy máy ảnh chuyên dụng chụp các trang Pháp ngữ ấy, gửi gấp bằng e-mail về Hội An cho Nguyên Ngọc, nhờ ông dịch ngay, xong càng sớm càng tốt để dùng vào lời bình phim. Ba ngày sau, 16/6/2008, tôi nhận được e-mail trả lời của ông, đính kèm hai bản Việt ngữ chuyển từ hai bài văn nói trên. Ngạc nhiên thay, Nguyên Ngọc lúc đó đã ở tuổi 76, mà chuyển ngữ văn chương thật nhanh và hay, chữ nghĩa cứ lung linh, lãng mạn, trữ tình, đầy chất thơ, giàu cảm xúc. Hai bài văn của Duy Tân do Nguyên Ngọc chuyển ngữ gợi hứng rất nhiều cho chúng tôi, nhóm làm phim Đi Tìm Dấu Tích Ba Vua… Đọc đi đọc lại vẫn sướng!

NGUYỄN DUY


[1] Trong cuốn Duy Tân, empereur d’Annam 1900-1945, exilé à l’île de la Réunion, ou, Le destin tragique du Prince Vinh San của Nguyen Phuoc Bao Vang do L’Harmattan xuất bản 2001. (Chú thích của Văn Việt)

[2] Hồ sơ vua Duy Tân, Mõ Làng xuất bản 1993. (Chú thích của Văn Việt)


Biến tấu trên cây đàn lia vỡ nát

(Giải nhất cuộc thi văn học do Viện Hàn lâm Réunion tổ chức năm 1924)

Hoàng tử Vĩnh San

Ôi, tiếng róc rách rỉ rả của vòi nước mới khiến tôi day dứt làm sao! Trong đêm khuya tiếng động ấy tràn vào đầu tôi, gõ vào tai tôi, nạo vào thần kinh tôi như một cành mộc tặc… Tôi buồn… Ý nghĩ của tôi quay cuồng. Vầng sáng tròn khiêm nhường nơi ngọn đèn nhỏ của tôi đứng yên một chỗ như cố sức làm cho lòng tôi yên tĩnh. Hoài công thôi, tôi muốn đắm mình trong bí ẩn của Koenigsmark, văn xuôi của Pierre Benoît cũng khiến tôi chán chê chẳng khác gì những câu thơ trường phái Parnasse của Leconte de Lisle mà tôi đã cố uống lấy cho say. Người đàn bà điên trong nhà không còn ở đấy nữa; bà ta, là người đã trang sức cho các câu và điểm tô cho các từ vẻ đẹp ta vẫn mong tìm, đã bỏ đi đâu mất rồi. Mới lúc nãy đây thôi, bà còn chăm chú theo rõi các trang sách của tôi… Vậy mà đột nhiên, bà bỏ ra đi.

Một con chó tru lên ở đâu đó. Một con chó lai ghẻ lở, gầy đét vì phải nhịn bữa suốt đời. Thường nhìn thấy nó, ngủ trên một đống rác hay ngờ vực rõi theo những cử chỉ của một người qua đường. Hai sườn chảy xệ của nó đã bao lần phải chịu những cú đá, đầu nó chi chít vết sẹo là bằng chứng hùng hồn của những lần bị ném đá. Nó vừa tru lên, con chó ấy. Vì sao? Nó than thở nỗi bất công của số phận với ai kia vậy, nó tin ở điều gì khi thét lên tiếng kêu càng khiến hai sườn nó thêm đau?

Vì sao mà nó tru lên thế?

Ôi, nào ta có biết được!

Bao giờ cũng vậy trong ta có một kẻ khác âu lo và tìm kiếm.

Có thể đấy chính là cuộc hành trình đến chốn hoàn thiện, bởi chúng ta đã bị kết án là có thể trở nên hoàn thiện.

Tiếng chó tru đã tắt.

Dòng suy nghĩ của tôi đã trở lại. Quẩn quanh trong căn phòng này. Tôi vẫn buồn.

Lạ quá chừng!

Bí ẩn của một con ngươi mắt mở ra quá rộng đang nhìn ta, giấu sau hai hàng mi, một nụ cười ta không biết muốn nói gì đây hay tiếng kêu của một con vật, tràn đầy hy vọng hay đau đớn hay cả tiếc nuối nữa, chỉ chừng đó thôi đã đủ để khiến ta buồn, một nỗi buồn không sao tìm ra được nguyên cớ.

Tuy nhiên, ai biết được đây?

Trong tiềm thức tăm tối nơi đôi lúc cái tôi toàn vẹn của ta ẩn náu, có chăng một nỗi niềm nào đó mà ký ức nhuốm trí óc ta một màu u tối?

Ta nhớ lại…

Vâng, bây giờ ta đã hiểu vì sao trái tim ta đập nhịp ủ ê thế này trong lồng ngực ta.

Nó nhớ lại nỗi đau do những nan lồng đã chặn đứng cánh bay tung của nó ra bầu trời đầy tràn ánh sáng.

Vâng, vậy đó…

Ta ngồi dưới chân một thân cây đầy rêu cành lá còn giữ những giọt sương, rung rinh trong gió sớm. Toàn bộ cánh đồng quê trẻ lại sau một giấc ngủ đêm, trải ra giữa các đồi núi như một tấm áo choàng ngày hội. Trong giây phút ấy, ta tận hưởng một niềm vui thú được tham dự vào cuộc bừng thức của cỏ cây và muôn thú.

Tựa vào tay mẹ, cô gái ấy đi qua…

Khi ánh tóc đen nhánh của cô khuất sau khúc quanh của con đường thôn dã, ta vẫn còn dõi theo trong khoảng trống không khuôn mặt thoáng hiện của cô. Lặng người, ta hổn hển đuổi theo một ảo ảnh. Tiếng hót nhẹ nhàng của một con chim đâu đó ở bên trên khiến ta ngững mắt nhìn lên.

Một người đàn ông đi qua và phá tan mất niềm hứng khởi…

Ta rời bỏ niềm cô đơn của cây cối để trở về trong niềm cô đơn của con người.

Ngày tháng theo nhau rơi chìm vào hố sâu của quá khứ…

Một buổi sớm, trước khi mặt trời còn chưa rạng, ta hít thở không khí trong mát và mơ màng chẳng biết đến điều chi, đến một điều gì đó xa xôi, và tuy vậy do sự hiện diện của nó lại làm dịu bớt bóng tối đượm xanh của buổi rạng bình minh. Trên vầng trời cao kia, những ngôi sao run rẩy, cảm thấy đã gần đến lúc chúng không còn long lanh được nữa.

Một con gà trống cất tiếng gáy vang lừng, một khúc hoan ca mừng tình yêu, sự sống và ánh sáng.

Những con gà trống khác, được tiếng kèn sớm ấy đánh thức, đáp lời.

Mọi vật đều yên tĩnh; quấn một vầng khăn mây, các ngọn núi trông như những Hiệp sĩ trang trọng trong một Hội nghị Bàn tròn kỳ diệu vào đêm thức thụ phong kỵ sĩ, hay như những thủ lĩnh thổ dân Nam Mỹ đang họp hội đồng tướng lĩnh chiến tranh, họ ngồi trong làn khói tỏa ra từ chiếc ống điếu dài. Chung quanh các thủ lĩnh, những ngọn núi nhọn hoắt là những vệ sĩ đứng canh.

Mọi người còn đang yên giấc. Trong giấc ngủ, nhân loại quay về cái thời kỳ khi những dục vọng ngốc nghếch còn chưa hủy hoại sự hài hòa của con người và tạo vật.

An tịnh mênh mông…

Mây từ từ sáng lên và tản ra; không khí trong suốt hơn và bầu trời bớt tối đi.

Đột ngột, ở phía bên trái, một đỉnh núi nhuốm màu hồng vàng rực, rồi lần lượt tất cả các đỉnh núi nối tiếp cùng sáng lên một màu long lanh.

Dẫu chẳng muốn, tâm trí con người bỗng mở rộng ra trước cảnh bình minh ấy, một bản giao hưởng sắc màu trong đó tất cả các pha đều gợi lên cùng một cảm giác hùng vĩ và nguôi ngoai.

Khối núi oai nghiêm nơi tầm nhìn của ta dừng lại lần lượt trở màu tím, rồi hồng, rồi đỏ, vàng óng và cuối cùng chói lọi một màu trắng trong veo chẳng gì sánh được.

Vạn vật đều thức dậy; khu rừng, mới lúc nãy, chỉ khẽ rì rào, bây giờ dang rộng các cành cây cho ánh sáng vuốt ve.

Ta rõi nhìn…

Được tham dự sự bừng nở của ngày, ta cảm thấy vượt qua được mọi nỗi thống khổ của thế gian.

Đôi mắt ta, vui mừng, ngắm nhìn các sắc màu rực rỡ của những đóa hoa trên nền xanh tràn trề cùa cảnh vật. Ngay sát hai bên một lối đi, hai hàng rào hoa đào gai kéo dài một dải trắng.

Ta rõi nhìn…

Một run rẩy nhẹ… như là một mối hiểm nguy bất ngờ hay một mong ước quá đổi bồn chồn.

Giữa lối đi, kia là nàng đang thức dậy…

Song, có ai biết, suốt những ngày qua từ khi sự xuất hiện của nàng giữa những hàng cây khiến ta chú ý, ý nghĩ của ta chẳng mấy vấn vương niềm mong ước được gặp lại nàng…

Đối với một số người, lối mòn của bệnh hoài nghi và thói quen mỉa mai tất cả, khiến cho tác động của xúc cảm trở nên khó khăn. Trong thế tự vệ đạo đức, hoài nghi là tự khoác cho mình một chiếc áo giáp, mỉa mai là giữ lấy tay khiên. Nhưng không thể cứ lúc nào cũng trang bị đầy vũ khí; sẽ đến một lúc nào đó ta cảm thấy mình đã an toàn, ta cởi bỏ áo giáp, mà thật kiên cường ta từng đến ngạt thở trong ấy mà vẫn cười, và tới lúc đó ta sẽ rất dễ bị tổn thương dù chỉ bởi một cái chích nhẹ hay một vuốt ve thoảng qua.

Ngoài ra còn có những phút mà vẻ tráng lệ mênh mông của bầu trời buộc ta quên bẵng đi mặt đất, và lại cũng còn có những giây phút khi tiếng rền rĩ của một chiếc phong cầm lải nhải một bản tình ca nghe được từ ngày xưa bỗng khiến ta nới lỏng cuộc canh giữ quyết liệt từng bố trí chặt chẽ quanh tâm hồn mình.

Buổi sáng hôm đó ta bị tước hết vũ khí. Những cánh hoa đang bừng nở rạo rực trước mắt ta kia làm trào lên trên đôi môi ta niềm khát khao được nếm chất mật tuyệt diệu, ẩn sâu trong những đóa hoa, mới mẻ xiết bao sau một đêm say ngủ.

Nhìn thấy nàng là hoàn tất tác động của buổi bình minh.

Ta tìm giữa màu xanh đón mừng ngày mới ấy điều bí ẩn của sự tương cận khiến con người mơ tưởng trước những vật thể câm lặng kia và bỗng nhiên cộng vào bí ẩn của vạn vật lại có thêm bí ẩn của con người .

Tại sao trước khuôn mặt nhìn nghiêng nào đã rõ kia ta bỗng cảm thấy khát khao vô cùng được đứng bên khung cửa sổ nọ, ở đấy mãi, mãi suốt bao nhiêu thế kỷ và ta mong ước biết bao mọi sự sẽ vĩnh viễn tuyệt đối bất động, để cho ở nơi ấy cái bóng nhỏ nhoi kia sẽ chẳng bao giờ biến mất?

Cũng giống như những người lên cơn sốt nghe đau nhức trong mình mà đoán được cơn kịch phát đang đến gần, ta cảm thấy điều gì sẽ đến với ta từ buổi sáng ở nước Tây Ban Nha rộng lớn này nơi ta xây những lâu đài.

Dẫu giữa các hàng thông

Có một nòng súng tịt

Thì nơi kia các con thỏ

Vẫn rên rỉ: THÔI HẾT RỒI!

Rostand

Còn kháng cự làm gì nữa, khi ta đã trúng đạn mất rồi?

Tốt hơn cả là để cho cơn đau cứ thế mà tiếp diễn và bởi vì ta biết nó chẳng làm chết người đâu, thôi thì cứ mặc vậy.

Đầu óc ta cứ vậy mà lý lẽ, sẵn sàng khỏi ngay mọi căn bệnh, nhưng là theo lối của nhà giải phẫu bẻ đi một cái xương lấy cớ là để nắn cho nó thẳng lại!

Viện Hàn lâm khoa học và văn học Réunion được thành lập năm 1913.

Năm 1925, do Paul Harman làm chủ tịch, ông đồng thời là chủ tịch Hội đồng Toàn lãnh thổ Réunion. Viện Hàn lâm này gồm 25 thành viên trong số đó có Joseph Bédier và Đô đốc Lacaze là viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp.

Tiếng nói của vạn vật

Duy Tân

Tôi yêu tiếng rì rào của gió khi gió hát hay than khóc trong các cành cây. Tôi yêu những lời tâm sự du dương của gió với cây rừng, với sóng biển, với sao trời. Nhưng còn hơn thế nhiều, ru đưa hồn tôi, khiến tôi rạo rực, yêu thích, là tiếng nói lớn của đại dương, lời than thở lan khắp vũ trụ cất lên trong vắng lặng của đêm khuya tựa một bản tụng ca bất tận. Giữa mùa hè, khi tôi lưu lại bên bãi biển, những đêm thao thức, tôi rất thích được nghe các biến tấu của tiếng nói ấy. Trong những đêm thanh vắng, tưởng như đấy là tiếng thở của một vị thần Léviathan đang thiêm thiếp, vào những lúc khác, tiếng nói ấy bổng vang lừng, gào thét, đầy đe dọa trong cơn gầm rú của bão tố.

Tiếng ru đưa hay tiếng thở than của các yếu tố vũ trụ phải chăng chính là âm vang dội lại của những dục vọng trần thế, tiếng ca hào hùng và tiếng thét của một thế giới tiềm ẩn? Chúng biểu lộ, lúc thì niềm vui hay nỗi đau, lúc thì nỗi lo sợ hay sự hung bạo, khi là niềm dịu dàng hay cơn giận dữ. Đấy là một bản hòa tấu hân hoan hay đau đớn trào dâng thành những rung động, những đợt sóng truyền lan cho đến cõi vô tận để rồi hòa tan trong bản giao hưởng vĩ đại những người trai trẻ trên khắp thế gian và khơi nguồn cảm hứng cho bậc thiên tài. Chính vì thế mà chúng gây cho ta những cảm giác không sao có thể cắt nghĩa và sâu xa, bởi chúng tái hiện và thâu tóm toàn bộ cuộc sống của con người trong những hóa thân vĩnh cửu của nó.

Toàn bộ tự nhiên mênh mông là một nguồn phát lộ cho tâm hồn những ai biết nhìn thấy, biết cảm nhận, biết thấu hiểu. Những hơi thở của đất và của nước, những phát xạ của thế giới các thiên hà, tất cả đều nói về niềm bí ẩn của cuộc sống và số phận vĩnh hằng.

Nhưng chính trong niềm an tịnh của những lúc cô đơn những tiếng nói bí ẩn kia mới thổ lộ hết với những ai biết chăm chú và trầm tư. Chính vì thế mà các nhà thơ, các nhà văn, các nhà tư tưởng thường thích lui tới các ngôi đền của tự nhiên, những chốn ẩn dật giấu kín, xa các đô thành, nơi nguồn cảm hứng bùng lên và sự thần giao trở nên sâu kín hơn cả.

Gió nói gì kia khi khua động cành lá? Ngọn núi cao có vầng trán kiêu hãnh kia, chiếc hồ kia, khu rừng kia, dòng thác kia đang nói với ta những gì? Tất cả đều cất cao lời: “Hãy ngợi ca Thượng Đế, hỡi Linh hồn con người, và hãy gắng sức mà vươn cho đến được nơi Người!”. Vươn cho đến được với Người, đấy là mục đích của sự sống và của mọi cuộc đời, hãy học lấy tình yêu, đấy là bí mật của hạnh phúc, hãy học biết đau khổ, đấy là bí quyết của sự thanh lọc, của con đường đến với ánh sáng, nỗi đau là chị em của niềm vui, cả hai hòa tạo nên sự hài hòa, bổ sung và làm đẹp cho nhau. Hãy học lấy nghệ thuật tự nhận thức về mình và làm chủ những năng lực tiềm tàng và ẩn giấu. Bằng con đường đó, ngươi sẽ khám phá ra điều bí ẩn của Vũ trụ và các động lực của nó. Vẻ tráng lệ của công trình thần thánh sẽ bộc lộ trong chính ta và trong mọi vật.”


Đọc Duy Tân

Nguyên Ngọc

Những năm đầu cấp trung học dưới thời Pháp, tương đương với lớp 6, lớp 7 ngày nay, tôi thường được đọc tạp chí P.J.S. , tên viết tắt của “Pour la Jeunesse Scolaire” (“Dành cho giới trẻ học đường”), một thứ học báo phổ biến thời bấy giờ. Chính trên tờ tạp chí ấy, một hôm tôi bắt gặp bài “Tiếng nói của vạn vật” viết bằng tiếng Pháp của vua Duy Tân. Trên P.J. S. người ta thường chỉ trích đăng tuyệt tác của các văn hào được coi là kinh điển, những Victor Hugo, Balzac, Rimbaud, Verlaine, Anatole France, Alphonse Daudet… Chỉ riêng việc xuất hiện trên P.J.S. đã là một xác nhận hùng hồn tài năng văn học kiệt xuất của vị vua bị lưu đày. Tác phẩm, cao quý về cảm hứng, tuyệt mỹ về văn chương, hay đến nỗi chỉ vài lần đọc qua tôi đã thuộc lòng như thuộc lòng một bài thơ bằng văn xuôi, và đến tận ngày nay, sau hơn 60 năm, vẫn có thể nhắm mắt đọc lại từ đầu đến cuối không sai sót một từ nào. Một trong những ấn tượng văn học sâu sắc sẽ theo tôi suốt đời chính là bài văn kỳ diệu ấy, lạ thay, lại được viết bởi người tù hoàn toàn cô đơn trên một hòn đảo mất hút giữa đại dương mênh mông. Ắt phải có tâm hồn của một quân vương cỡ Napoléon trên đảo Sainte-Hélène để có thể viết được những trang bi tráng đến thế…

“Biến tấu trên cây đàn lia vỡ nát” thì mãi sau này tôi mới được đọc, và thật bất ngờ, ngay cả so với “Tiếng nói của vạn vật”. Lãng mạn hơn, sâu lắng và kín đáo hơn, vẫn là tư cách quân vương cao quý của con người ấy, nhưng vừa đau đáu hơn nỗi niềm cá chậu chim lồng, quặn lòng đuổi theo một bóng hồng thoắt hiện thoắt biến – hay chính là hình bóng cố quốc đau thương –, vừa đã thanh thoát hơn tâm hồn của một nhà thơ lớn, một bậc hiền triết nghiệm suy về lẽ tồn vong muôn đời của con người và cõi thế…

… Đọc Duy Tân không thể không nghĩ: những bậc quân vương đứng đầu đất nước ngày xưa của chúng ta là như thế đấy, những con người có tâm hồn và nhân cách thật vời vợi, được nuôi dưỡng và học tập rất sâu và rất cao, những tài năng thật lớn, thật xứng đáng với dân tộc mình, cả trong những hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt nhất.

Comments are closed.