Mười năm trước, ra đời Tập san Tổ Quốc… (trích Hồi ký Nguyễn Thanh Giang)

Tập san Tổ Quốc số một ra mắt độc giả ngày 15 tháng 9 năm 2006. Chỉ là sự tình cờ nhưng linh diệu sao khi đúng nửa thể kỷ trước, 15 tháng 9 cũng là ngày chào đời của tờ Nhân Văn đầu tiên của nhóm Nhân Văn Giai phẩm. Phải chăng “Tổ Quốc” là “Nhân Văn” phục sinh? Cùng với tờ “Tự do Ngôn luận”, bán nguyệt san “Tổ Quốc” là một trong hai tờ báo đầu tiên của Phong trào Dân chủ Việt Nam sau Nhân Văn Giai phẩm. Ít năm sau đó nở rộ những “Ba Sàm”, “Bauxite Việt Nam”, “Tễu”, “Phạm Viết Đào”, “Trương Duy Nhất”, “Bùi Văn Bồng”, “Bà Đầm Xòe”, “Văn Việt”, “Việt Nam Thời báo” …

Dư luận trong nước và thế giới xôn xao chào mừng sự xuất hiện của “Tổ Quốc”. Nhiều trang web đăng bài RFA phỏng vấn tôi ngày 22 tháng 9 năm 2006:

MỘT TỜ BÁO ĐỐI LẬP VỪA PHÁT HÀNH Ở VIỆT NAM

Một tờ báo đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam được tán phát ở trong nước với lập trường phản ánh “suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam”. Tập san Tổ Quốc ra mắt độc giả số đầu tiên vào ngày 15-9 vừa qua.

Nhìn về lịch sử, 50 năm trước, vào ngày 15-9-1956, tập san Nhân Văn Giai Phẩm ra đời đánh dấu sự kiện phản kháng của văn nghệ sĩ miền Bắc. 50 năm sau cái mốc 15-9 đó, tập san Tổ Quốc chính thức ra đời. Mời quí vị theo dõi cuộc trao đổi của Việt Hùng với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là một trong những người thuộc nhóm chủ trương.

Xóa bỏ ngăn cách, hận thù

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Việc xuất hiện bán nguyệt san thông tin và nghị luận Tổ Quốc có lẽ là do yêu cầu nội tại của đất nước Việt Nam hiện bây giờ. Tờ báo Tổ Quốc tự nhận thấy trách nhiệm của mình cố gắng hướng tới để mà xóa bỏ mọi ngăn cách, mọi hằn thù trước đây do chính kiến khác nhau, do ý thức hệ khác nhau, do thành phần giai cấp khác nhau rồi để đóng góp phần nhỏ vào việc xây dựng một con người Việt Nam mới có tri thức về khoa học, về chính trị……

Việt Hùng: Bên cạnh đó chúng tôi cũng ghi nhận thành phần Ban biên tập xuất hiện những tên tuổi của một số nhà dân chủ tại Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Trong Ban biên tập và trong Hội đồng cố vấn xuất hiện những tên tuổi như là ông Nguyễn Minh Cần, cựu Ðại tá Phạm Quế Dương, cụ Nguyễn Hộ, cụ Nguyễn Hộ là một cách mạng lão thành, trước đây từng là người thành lập Câu lạc bộ kháng chiến, rồi một lý luận gia ở nước ngoài là ông Nguyễn Gia Kiểng, rồi Ðại tá Bùi Tín, một nhà báo nổi tiếng từng là Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân của đảng Cộng sản Việt Nam.

Về Ban biên tập có tên tuổi của những nhà dân chủ trẻ tuổi rất thông minh, năng động như Nguyễn Phương Anh, Tuệ Minh và cũng có những cụ lão thành từng nổi tiếng nữa như cụ Ðặng Văn Việt, từng là “con hùm xám đường 4” và bây giờ người ta nói trong thế hệ làm nên Ðiện Biên Phủ còn lại hai người được đặc biệt giỏi quân sự Pháp kính trọng, thứ nhất là Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và thứ hai là ông Ðặng Văn Việt, rồi còn có cả Luật sư Trần Lâm…

Một thành phần như vậy chứng tỏ có nhiều chính kiến khác nhau, cho nên từ đấy tờ Tổ Quốc tuyên bố rằng, họ không thuộc một đảng phái, không thuộc một ý thức hệ chính trị nào cả mà đây thực sự là vì nhân dân, vì tổ quốc, đây là tiếng nói cất lên từ suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam.

Cái ước vọng tha thiết nhất của nhân dân Việt Nam ngày nay là tự do và dân chủ, bởi vì có tự do dân chủ thì mới có thể khai thác được mọi ý kiến, mọi sáng kiến, tận dụng được mọi khối óc trái tim để xây dựng một đất nước dân giàu nước mạnh, có xã hội công bằng và văn minh.

Đảng CSVN cũng ra báo Tổ Quốc

Việt Hùng: Nhưng thưa Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Bộ Văn hóa Thông tin cũng có một tờ báo gọi là Tổ Quốc, như vậy dư luận có thể hiểu như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Cái ngày ra đời của bán nguyệt san Tổ Quốc này lại trùng với ngày ra đời của báo Nhân Văn Giai Phẩm đúng cách đây một nửa thế kỷ. Sau đúng nửa thế kỷ thì tờ Tổ quốc cũng xuất hiện, như vậy tờ Tổ Quốc sẽ mang sứ mệnh đấu tranh cho việc dân chủ hóa đất nước.

Một sự kiện thứ hai, không biết là tình cờ hay đây là sự tranh đua với nhau mà bán nguyệt san Tổ Quốc của chúng tôi xuất hiện ngày 15-9 thì bốn ngày sau đó, ngày 19-9 cũng xuất hiện tờ báo điện tử mang tên Tổ Quốc của Bộ Văn hóa Thông tin ra đời.

Tôi cho rằng, dù sự canh tranh hay tình cờ nào đấy có lẽ sẽ góp phần tăng thêm trách nhiệm và uy tín cho bán nguyệt san Tổ Quốc này ở chỗ là có dịp để người ta so sánh tiếng nói ở đây với tờ Tổ Quốc của Bộ Văn hóa Thông tin…

… Thế rồi …. phong ba bão táp đùng đùng nổi lên tưởng chừng xé nát cơ đồ của chúng tôi. Rầm rập đội quân báo Đảng theo lệnh truyền của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đảng xuất quân truy diệt “Tổ Quốc” bằng những “trước tác” sau đây:

1 – Sự thật về “tờ báo lậu” Tổ quốc (báo Công an TP HCM ngày 06/12/2008). 2 -. Đội lốt “dân chủ” ăn chặn đô la (báo Công an Nhân dân ngày 06/12/2008).

3 – Bóc trần bộ mặt kẻ chống phá dân tộc (Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 6/12/2008)

4 – Bóc trần bộ mặt kẻ chống phá Nhà nước (Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 06/12/2008)

5 – Chân dung các “nhà dân chủ” thích… USD (Báo điện tử Vietnamnet ngày 06/12/2008)

6 -. Bóc trần bộ mặt kẻ chống phá Nhà nước (Báo Hà Nội mới bản giấy và bản điện tử ngày 06/12/2008)

7 – Bộ mặt thật của những “nhà dân chủ” (báo Đất Việt ngày 06/12/2008). 8 – Những hành vi lạc lõng xấu xa, đáng lên án (báo Nhân Dân ngày 13/12/2008).

V v ……

Bài đăng trên báo Nhân Dân còn có tý chút “lịch sự”:

NHỮNG HÀNH VI LẠC LÕNG, XẤU XA, ĐÁNG LÊN ÁN

Bắt đầu từ những nguồn tin quần chúng, cơ quan chức năng vừa bóc gỡ một “ổ nhóm” đối tượng có mưu đồ chống phá Nhà nước và gây mất ổn định xã hội. Vào các ngày 7, 8, 9 tháng 3 vừa qua chúng tụ tập giăng khẩu hiệu rải truyền đơn có nội dung chống phá Nhà nước kêu gọi lật đổ chính quyền, kích động các hành vi vi phạm pháp luật tại ba địa điểm ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương. Cầm đầu ổ nhóm này là Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh năm 1949 ở phường Quán Tữ (Kiến An – Hải Phòng). Nhưng chủ mưu và tài trợ cho hoạt động này là một số phần tử lưu vong ở Mỹ, Pháp, Ô-xtray-lia….. , luôn tìm cách phá hoại công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta, trong đó có tổ chức khủng bố Việt Tân. Để thực hiện âm mưu này, chúng đã lên kế hoạch rất chi tiết: Nghĩa chỉ đạo mấy giờ xuất phát, đến đâu, gặp ai, sau khi giăng khẩu hiệu, rải truyền đơn xong thì chụp ảnh rồi truyền ngay ra nước ngoài, vì đám người bên đó đang chờ sẵn để khuếch trương, bôi xấu Việt Nam. Nghĩa trả tiền công cho mỗi người thực hiện vài trăm ngàn đồng. Trực tiếp tham gia có Nguyễn văn Túc (Thái Bình), Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn văn Tính (Hải Phòng), Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh (Bắc Giang), Vũ văn Hùng (Hà Nội), là những đối tượng nhiều lần vi phạm pháp luật, được giáo dục, cảnh cáo nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Trước cơ quan điều tra, bọn chúng đã thừa nhận việc làm đáng hổ thẹn nói trên. Điều đáng nói là, những người này bị lôi kéo không phải ai cũng nhận thức được hành vi sai trái của mình. Có kẻ vì tiền, có kẻ vì dại dột, háo danh, cứ ngỡ có sự hậu thuẫn từ bên ngoài là có thể bất chấp pháp luật. Sau một thời gian “Đồng hóa với phong trào dân chủ” như cách mà Nguyễn văn Tính nói về những kẻ cơ hội chính trị, thì những lời sau đây của ông ta đã diễn tả đầy đủ bản chất của “phong trào”: “Những người tự cho mình là hoạt động đấu tranh cho “Dân chủ”, cho “Nhân quyền” thực ra không phải vì quyền lợi chung mà vì cá nhân họ, vì kinh tế. Qua những bài viết họ đấu đá nhau, chê bai nhau, tranh giành quyền lợi về kinh tế, được hưởng mà tôi đánh giá như vậy. Như Nguyễn khắc Toàn ở Hà Nội, Kim Thu ở Miền Nam đã ăn chặn tiền của nước ngoài gửi cho những người khiếu kiện. Ngay ở Hải Phòng, nơi tôi sinh sống, có Nguyễn xuân Nghĩa, năm 2006 hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất. Nhưng chỉ sau hai năm hoạt động cho “phong trào” kinh tế Nghĩa đã khá lên rõ rệt. Mục đích cuối cùng của những hoạt động đó là xin tiền tài trợ từ những người Việt sống lưu vong ở nước ngoài có tư tưởng chống đối Nhà nước .

Những đối tượng nói trên khi làm việc với cơ quan điều tra đều nhắc đến một đối tượng như là nhân vật chủ chốt của “phong trào”. Đó là Nguyễn Thanh Giang, 72 tuổi, ở Trung Văn, Từ Liêm (Hà Nội). Nguyễn Thanh Giang có một quá trình vi phạm pháp luật, nhiều lần bị bắt quả tang và bị cảnh cáo về hành vi tàng trữ, phát tán tài liệu cũng như xuất bản trái pháp luật bốn đầu sách có nội dung chống phá đất nước. Ngựa quen đường cũ, lần này theo phát giác của một số đối tượng nói trên, thì Nguyễn Thanh Giang đã thành lập trái pháp luật cái gọi là tập san Tổ Quốc do y làm chủ bút, đã phát hành 54 số sau hơn hai năm. Nguyễn Thanh Giang đã khuyến khích, cho máy tính, máy in, máy photocoppi, tặng tiền, (nhiều lần) cho một số người, xúi họ viết bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xúc phạm nhân dân, bôi nhọ lãnh đạo … để đăng trên tập san lá cải nói trên. Từ những lời tố cáo ấy, ngày 26-11-2008, cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã làm việc với Nguyễn Thanh Giang. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thanh Giang thừa nhận là chủ bút, trực tiếp viết, biên soạn, in ấn và tổ chức phát hành cái gọi là tập san Tổ Quốc. Việc ra báo trái phép là vi phạm luật rõ ràng, không có gì phải bàn, nhưng tệ hại hơn là cái “tập san” tập hợp những bài viết, những tài liệu gây bất ổn xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước và làm ảnh hưởng uy tín của Việt Nam trên thế giới. Tuy Thanh Giang cũng lập ra ban biên tập, hội đồng “cố vấn” cho tập san, nhưng lập ra cho đủ lệ bộ thôi chứ mọi việc do một tay y làm dưới sự chỉ đạo của ông chủ thực sự là Nguyễn Gia Kiểng, kẻ cầm đầu tổ chức phản động lưu vong “Tập hợp dân chủ Đa nguyên” ở Pháp. Cũng chính Kiểng đã “bao” toàn bộ kinh phí cho hoạt động của tập san này, bước đầu là 125 triệu đồng. Nguyễn Thanh Giang còn là đầu mối nhận tiền của các tổ chức thù địch với Việt Nam ở nước ngoài để trao cho gia đình những đối tượng cơ hội chính trị mà họ gọi là “những nhà dân chủ”, bởi theo Nguyễn Thanh Giang, những người này không muốn trực tiếp nhận sợ mang tiếng nhận tiền của phản động nước ngoài. Về hành vi sai trái của Nguyễn Thanh Giang, chính Nguyễn Mạnh Sơn đã nói: “Theo tôi được biết, một tờ báo tồn tại hợp pháp là tờ báo có đăng ký với Nhà nước và được cấp phép hoạt động. Với tờ báo “Tổ Quốc” của Nguyễn Thanh Giang, đó là tờ báo ngoài luồng, tồn tại bất hợp pháp, phát hành chui lủi …”

Trong thời điểm hiện nay nền kinh tế đất nước sau những tháng lạm phát tăng cao nay lại có dấu hiệu giảm phát, chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính đang lan ra toàn cầu, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn và dự báo năm 2009, còn khó khăn hơn. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang dồn sức đối phó với tình hình để ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân đưa đất nước phát triển bền vững. Đã không góp sức chung tay giải quyết khó khăn thách thức, Nguyễn Thanh Giang và những đối tượng nêu trên còn móc nối với các phần tử và thế lực thù địch bên ngoài hòng làm mất ổn định xã hội, phá hoại thành quả của sự nghiệp đổi mới. Hành vi xấu xa, đáng lên án của họ thật lạc lõng giữa dòng chảy của đất nước.

Trường Sơn

… Công an thì liên tục bao vây, hăm dọa. Bài phỏng vấn sau đây của đài quốc tế Pháp RFI phản ánh một trong những buổi vây ráp đó:

TIẾN SỸ NGUYỄN THANH GIANG TỐ CÁO AN NINH SÁCH NHIỄU

Ngày 12/09/2013, vào khoảng 7 giờ sáng, các nhân viên an ninh Việt Nam đến nhà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang để tra hỏi về các bài viết của ông mới đưa lên mạng.  Điều khiến nhà bất đồng chính kiến phẫn nộ nhất là cùng lúc đó, cơ quan an ninh tiến hành một loạt các biện pháp để ngăn chặn các bạn hữu tới chung vui dịp kỷ niệm 7 năm thành lập Tập san Tổ Quốc.

Các nhân viên an ninh chất vấn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang về các bài viết “Đừng lũng đoạn luật pháp”, “Cần vinh danh Điếu Cày”, “Hãy để ước nguyện Lê Hiếu Đằng trở thành hiện thực”. Và đặc biệt là bài chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (bài “Mấy nghi vấn đối với bản Tuyên Bố Chung Việt Nam – Trung Quốc do ông Nguyễn Phú Trọng ký kết”), trong đó – theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang – có thỏa thuận «công an Trung Quốc vào để cùng chung sức lập trật tự trị an ở trong nước Việt Nam » (điểm 5 khoản 4 Bản Tuyên bố chung Nguyễn Phú Trọng – Hồ Cẩm Đào) và bài báo về nghi vấn Hồ Chí Minh là người Việt hay người Tàu của đại tá Phạm Quế Dương, đăng trên Tập san Tổ Quốc số mới nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang – chuyên gia địa vật lý đã nghỉ hưu hiện sống tại Hà Nội – là một trong những người thuộc thế hệ tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền đầu tiên ở Việt Nam, kể từ khi đất nước tái mở cửa. Ông là người phụ trách Tập san Tổ Quốc, lưu hành trong nước. Sau đây là cuộc phỏng vấn mà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang dành cho RFI Việt ngữ.

RFI : Xin kính chào TS Nguyễn Thanh Giang. Vừa rồi, có tin gia đình Tiến sĩ bị công an làm phiền. Xin Tiến sĩ cho biết cụ thể về chuyện này.

TS Nguyễn Thanh Giang: Phiền gia đình, nói là công an đến “làm phiền gia đình”, thì đối với tôi việc ấy là thường xuyên. Thành ra tôi không coi đấy là việc làm phiền. Họ, trung bình khoảng một tháng, hai tháng gì đấy, thì họ cũng rất lịch sự thôi. Họ báo cho tôi biết trước là mai chúng tôi sẽ đến thăm bác. Thực chất (những lần) họ đến đều là các cuộc thẩm vấn cả (…)

Thế nhưng mà sự việc xẩy ra hôm 12/09, tức thứ Năm vừa rồi, thì nó hơi nặng nề quá. Thì mới hơn 7 giờ sáng, họ bấm chuông họ vào. Vào thì có ba người. Hai người ở Bộ (Công an) và một người ở Sở (Công an) đến thẩm vấn tôi. Nội dung lần thẩm vấn này họ xoay quanh ba vấn đề chính :

Thứ nhất, họ bắt tôi phải ký xác nhận vào bốn, năm bài mà tôi vừa đăng trên các trang mạng gần đây. Sau đó, thì họ quay sang lên án tôi, cảnh cáo tôi, tại sao lại viết những bài đó. Và trong những bài đó, thì nặng nề nhất là bài phê phán ông Nguyễn Phú Trọng. Đối với ông Nguyễn Phú Trọng, thì tôi chưa bao giờ gặp gỡ ông ấy, và không có mâu thuẫn gì với ông ấy cả. Nhưng qua những việc ông ấy làm, và những lời ông ấy nói, thì tôi không thể đồng ý với ông ấy được.

Ví dụ như việc ông ấy, khi còn là Chủ tịch Quốc hội, thì giữa lúc ngoài Biển Đông căng thẳng như vậy. Rồi Trung Quốc họ đã thành lập Tam Sa. Họ cướp mất Hoàng Sa của ta rồi, rồi họ cấm ngư phủ của ta đi đánh bắt cá, rồi họ bắt họ giết, họ cướp tàu… Thế mà Quốc hội yêu cầu cho nghe bên Chính phủ báo cáo, thì ông ấy gạt đi. Ông ấy bảo Biển Đông không có gì mới cả.

Thế vừa rồi, khi là Tổng bí thư, ông ấy sang ký tay đôi với ông Hồ Cẩm Đào (lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó). Tôi đã phản ứng (bản Tuyên bố chung này) nhiều lĩnh vực, nhưng có một lĩnh vực tôi phản ứng ông ấy gay gắt nhất là ông ấy lại ký kết với ông Hồ Cẩm Đào, để mà thỏa thuận với nhau, chủ trương đưa công an Trung Quốc vào để cùng chung sức lập ra trật tự trị an ở trong nước Việt Nam. Thì tôi ngạc nhiên quá… người ta đã biết rằng công an Trung Quốc họ đối với dân của họ, họ còn tàn bạo, thì đưa họ vào định để làm cái gì ?!

Đối với họ, thì họ còn làm Thiên An Môn, giết hàng trăm, hàng nghìn sinh viên của họ. Thế rồi, công an của họ không phải chỉ giết sinh viên, người thường, mà họ đã từng giết nhau. Họ đã giết Tổng bí thư của họ. Tổng bí thư Triệu Tự Dương đã từng bị chết trong tù ngục, chết bó chiếu. Rồi Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ… Thế bây giờ đưa công an Trung Quốc vào Việt Nam để làm gì?

Cho nên tôi rất không đồng ý với ông Phú Trọng và không thể có nhận xét tốt về ông ấy được. Họ bảo tôi “nói nặng nề“, “nói xấu lãnh đạo“. Tôi bảo không, tôi nói những sự việc có thật và tôi phát biểu những nhận thức của một người công dân. Thế đấy là cái nặng nề thứ nhất. Nặng nề thứ hai là…

RFI : Trước khi chuyển sang nói về cái nặng nề thứ hai, xin Tiến sĩ cho biết thêm về các phản ứng của ba người công an đến hôm thứ Năm vừa rồi.

TS Nguyễn Thanh Giang: Hôm ấy, chủ yếu là, coi như là họ cảnh cáo tôi là không được đụng chạm đến người lãnh đạo của đảng như vậy. Nhưng tôi bảo tôi không có nói sai, không có nói xấu. Tôi nói những điều mà tôi cho là ông ấy xấu với đất nước và dân tộc. Ông ấy đưa công an Trung Quốc vào cái đất nước này là tôi phản ứng kịch liệt.

RFI : Khi họ nghe Tiến sĩ nói như thế, thì họ tiếp tục phản ứng ra sao ?

TS Nguyễn Thanh Giang : Tôi nói thật là trên bảo xuống, thì họ cũng phải làm thôi, chứ họ cũng biết là họ không thể cải tạo tư tưởng tôi được. Thành ra, tôi nói thế, thì họ cũng tiếp nhận như thế thôi, chứ họ cũng không nói gì thêm được nhiều.

Cái việc thứ hai là họ tỏ ra phàn nàn và có ý tỏ ra nhắc nhở, cảnh cáo tôi, tức là tại sao cái tập san Tổ Quốc, họ nhắc nhở cảnh cáo tôi nhiều lần. Đến tịch thu, rồi khám nhà, rồi các thứ, rồi đưa lên thẩm vấn, mà không phải một ngày đâu, mà vài ba, bốn năm ngày liền. Rồi quay phim, chụp ảnh…đủ thứ như vậy. Thế mà, tại sao tôi vẫn để cho tập san Tổ Quốc vẫn tồn tại?! Mà không những phát hành trên mạng, mà lại còn tán phát bằng giấy ở trong nước. Tôi cũng nói với họ nhỏ nhẹ: «Thôi này, các đồng chí về nói với các đồng chí lãnh đạo ở cấp trên ấy, là thôi bây giờ, đất nước có bao nhiều việc mà nguy cấp, mà cần phải quan tâm, làm sao mà có mỗi tờ tập san Tổ Quốc của tôi cỏn con như vậy, mà cứ để tâm, để mắt vào đấy cho nó mất thì giờ?! Bây giờ, cả cái sa mạc lớn của gần 1.000 tờ báo giấy, báo nói, báo viết… của đảng như vậy, tờ tập san Tổ Quốc của tôi chỉ như một hạt cát, thì làm gì mà phải sợ nó thế, mà cứ phải răn đe tôi như thế?! ».

Việc thứ ba, mà họ không bằng lòng tôi, họ cảnh cáo tôi là cái việc: Tại sao số báo Tổ Quốc vừa rồi mới nhất đây lại cho đăng cái bài của ông Phạm Quế Dương, yêu cầu xem lại ông Hồ Chí Minh là người Việt Nam hay người Đài Loan?

Nguyên do cái chuyện ấy, ai cũng biết là trên mạng trong thời gian gần đây, có loan truyền một cuốn sách tên là “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” của một tiến sĩ người Đài Loan viết. Họ bảo rằng là ông Nguyễn Ái Quốc đã chết từ năm 1932-1933 rồi. Bây giờ cái ông Hồ Chí Minh ấy tên là Hồ Tập Chương, tức là người Đài Loan, do gián điệp quốc tế gài vào, để đóng giả ông Hồ Chí Minh. Tôi bảo, một việc như thế, thì quá sức hệ trọng. Cho nên là việc ấy muốn bịt cũng không bịt được, nó lan truyền không phải chỉ trong nước mà trên thế giới. Ông Phạm Quế Dương ông ấy nói với tôi chuyện ấy, thì tôi bàn với ông ấy việc ấy nên làm, nên viết. Tôi đồng ý cho ông ấy viết và tôi đăng, vì tôi cho rằng việc làm ấy là hết sức cần thiết. Bây giờ phải xác minh cho được, việc ấy họ nói có đúng không. Nếu là đúng, ông Hồ Chí Minh là ông Hồ Tập Chương, người Đài Loan, thì bây giờ phải xét lại lịch sử Việt Nam, còn nếu mà không đúng, thì yêu cầu phải đưa việc này ra tòa án quốc tế, không thể bôi nhọ lịch sử Việt Nam được. Thì tôi cho là đây là việc rất cần thiết, tại sao đảng không làm, chính phủ không làm ? (…)

Thế nhưng mà tôi nói thật, cuộc thẩm vấn này, cuộc vây ráp này, chủ yếu nó lại là, nó nặng nề ở phần khác. Thì nguyên do, không biết họ nghe ngóng, rình rập ở đâu, họ biết rằng là chúng tôi có thầm thì, có rủ nhau đến dự cái buổi kỷ niệm 7 năm ra đời bán nguyệt san Tổ quốc của chúng tôi.

Thế thì, họ tổ chức một chiến dịch ghê gớm lắm, với ba, bốn, năm cánh quân. Cánh quân công an thứ nhất họ xộc đến nhà những người mà họ biết là dự định sẽ đến đây, họ ngăn cấm ngay. Không phải chỉ là anh em trẻ, kể cả những bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa. Cánh quân thứ hai, họ ếm ở bên Ủy ban xã Trung Văn, tức là ngay đối diện nhà tôi. Ở đấy cũng phải hàng chục người, với xe cộ. Cánh quân thứ ba là những tốp ở đầu ngõ vào nhà tôi. Có những người bị đuổi về, người thì họ bắt đi…. Còn có một người lọt lưới vào được đến cổng nhà tôi, thì người nhà tôi vừa ra mở, thì bị chỉ mặt: “Cấm không được mở cổng!”. Và họ điệu người khách của tôi đí. Còn cánh quân ở trong nhà tôi, vừa làm nhiệm vụ thẩm vấn tôi, vừa làm nhiệm vụ ếm quân ở đấy không cho ai vào.

Tôi nói rất chân thành là trong buổi 12/09 ấy, tôi không có ý đồ gì gọi là tổ chức cả, không có bàn định kế hoạch gọi là lật đổ gì cả. Phải nói là cách đây mấy năm, tôi có sinh hoạt một cái, bảo là sinh hoạt câu lạc bộ thì cũng phải, mà không cũng phải. Chỉ một số anh em thân tình với nhau, đến với nhau một tháng một hai lần gì đấy, để trò chuyện: Chuyện thế giới, chuyện trong nước, chuyện con cháu, chuyện làm ăn… Thì họ đã bắt giải tán rồi, và chúng tôi không được gặp nhau nữa. Nhưng lâu quá, mà anh em nhớ nhau quá, nhân dịp ấy đến để mà uống với nhau một vài tách cafe, ăn một bữa trưa rất là sơ sài, để mà kỷ niệm 7 năm thành lập báo Tổ Quốc.

Thế mà họ làm cả một chiến dịch kinh khủng như vậy. Cho nên tôi bực quá đi. Họ dã man đối với tôi quá đi. Gần 20 năm nay, tôi chỉ nói và viết. Kính mong tất cả vị thính giả đang nghe, hãy bớt chút thì giờ ra, vào thư viện online của tôi: www.nguyenthanhgiang.com, để xem tôi nói như thế nào. Tôi nói rất nhẹ nhàng, có tình có lý, và không nói gì sai sự thật cả, không vi phạm pháp luật, thế mà họ hành hạ tôi đến như vậy. Bây giờ tôi già rồi, tôi gần 80 rồi, mà họ cũng không cho tôi sống với bạn bè tôi nũa, thì hỏi rằng, có một cái gì dã man, tàn bạo hơn đối với con người không?

RFI : Thưa Tiến sĩ, về cuộc gặp với các bạn hữu không thành hôm thứ Năm, Tiến sĩ có thể cho thính giả biết thêm đặc biệt là về những người bị bắt giữ, bị công an đưa đi?

TS Nguyễn Thanh Giang : Nói thế thôi, mục tiêu của họ chỉ là để phá cái buổi gặp gỡ đấy thôi. Chứ còn, cũng chẳng làm gì. Mấy người bị đưa lên trên đồn, trên huyện, trên sở gì đấy. Mỗi người cũng chỉ bị tiêu vào đấy của họ mất vài ba tiếng đồng hồ, nói có tính chất “nhắc nhở”, răn đe thôi. Trong đó, có nhiều vị lão thành cách mạng, có nhiều trí thức cũng có công… Tôi nghĩ họ cũng chẳng làm được gì, và cũng chẳng có chứng lý, họ có tội gì đâu. Thành ra cũng không làm được gì hơn là làm phiền họ trong mấy tiếng đồng hồ. Nhưng cái rất cay đắng là: Tại sao họ lại xem chúng tôi là… tội phạm thì không thể được, vì chúng tôi không hề có tội! Nhưng mà, tại sao lại xem chúng tôi là những người xấu, những người không được sống như những công dân bình thường như vậy? Thì cái đó, có Trời Đất nào mà có thể dung tha cho những hành động như thế đối với chúng tôi được?

RFI : Trước khi chia tay với thính giả, Tiến sĩ có thêm chia sẻ gì không ạ ?

TS Nguyễn Thanh Giang : Suốt trong 30 năm qua, tôi có phát biểu ý kiến. Có thể xem là tôi bất đồng chính kiến với đảng Cộng sản Việt Nam thật. Vì tôi cho rằng, đảng – suốt trong lịch sử vừa qua – có nhiều chủ trương đường lối không đúng. Chính vì chủ trương đường lối của đảng không đúng, nên đã phải dắt Dân tộc qua những cuộc chiến tranh núi xương, sông máu như vậy, mà hậu quả bây giờ là một nước Việt Nam tụt hậu.

Ta nhớ trước Cách mạng Tháng Tám, ta phải hơn Hàn Quốc. Ngay cả năm 1975, ta hơn nhiều nước, ở mặt bằng cao trên thế giới. Đến bây giờ (tại sao) ta tụt hậu so với Đông Nam Á như vậy? Đấy là cái hậu quả của chủ trương đường lối không đúng. Rồi bây giờ đầy rẫy những tham nhũng, những gì cũng nhất thế giới cả: Tai nạn giao thông, rồi… giáo dục cũng sút kém, mọi thứ như vậy… tức là cái hậu quả của chủ trương đường lối không đúng. Thế thì phải cho dân người ta bàn để mà sửa sang! Thế mà tôi cũng chỉ làm một việc đó thôi, làm một chức năng đó của một người tạm gọi là trí thức thôi. Và tôi nói rất nhỏ nhẹ, tôi nói rất có tình có lý… nhưng mà tại sao lại đầy đọa tôi.

Và tôi có cảm giác là càng ngày, cái sự thù hận của họ đối với tôi, nó càng sâu sắc: Họ rình rập tôi như vậy. Không biết là họ đã làm những việc táng tận lương tâm như là đối với những người khác, như là vu khống cho người ta là trốn thuế, hay là chỉ dùng hai bao cao su để bắt người nọ, người kia… Đối với tôi, thì bây giờ những bài bản ấy không thể giở ra được với tôi, tôi gần 80 tuổi rồi và tôi vốn trong sạch từ xưa đến giờ. Nhưng không biết là rồi họ còn làm những cái gì tồi tệ với tôi hơn nữa không.

Tôi chỉ mong bà con là, tôi không cầu xin cái gì cả. Tôi chỉ mong hễ có cái gì, bà con làm sao đọc lại những trang viết của tôi, mấy nghìn trang viết trên thư viện online của tôi. Rồi khoảng gần chục đầu sách, gồm cả sách khoa học kỹ thuật, sách chính luận, rồi thơ ca của tôi, để hiểu rõ, xác minh cho con người của tôi. Và hãy làm những việc gì mà các quý vị thấy rằng cần thiết phải làm, không chỉ vì số mệnh của tôi, mà còn vì vận mệnh của nhân dân, đất nước.

May sao, cũng có nhiều người thương yêu, đùm bọc, luật sư Trần Lâm, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, viết:

HÀI KỊCH “ĂN CHẶN ĐÔ LA” VÀ KHÚC BI TRÁNG “CHUYỆN BA NHÀ”

1 – Một vụ việc được mở màn – Báo Đất Việt ngày 6-12-2008 đưa tin ngày 5-12-2008 Tổng cục An ninh cho biết sắp khởi tố vụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa” Cùng ngày 6-12, nhiều tờ báo của Đảng đồng loạt đưa tin liên quan đến vụ việc này. Một chiến dịch truyền thông tuồng như đã mở màn. Không biết có còn tiếp tục hay hô to một tiếng rồi im bặt? Đọc qua một lượt các tờ báo này thì lại thấy đề cập đến vụ án đã nêu chỉ rất sơ lược trong khi xóay vào ông Thanh Giang, một nhân vật nổi trội trong cái gọi là “phong trào dân chủ ”. Nội dung những cáo buộc có thể tóm lược: Ông Thanh Giang làm tờ Tổ Quốc để làm tiền nước ngoài; ông Thanh Giang khi trung chuyển đô-la từ nước ngoài có ăn bớt của anh em; ông Thanh Giang cấp tiền cho các nhóm của ông ở các tỉnh… Các báo không nói gì về mối liên quan trực tiếp của ông Giang với vụ việc các nhóm treo băng, biển ở các nơi. Theo các bài viết của nhiều người, cả của ông Thanh Giang, thì ông bị khám nhà, tịch thu tài liệu, bị Công an thẩm vấn nhiều ngày… Mọi chủ trương biện pháp của cơ quan chức năng đều rất kín, sự việc lại mới mở màn, mọi người chỉ có thể tìm hiểu dần dần. Lúc này, nếu có thể làm được thì cũng chỉ là tìm hiểu và suy đoán. Với tấm lòng ngay thẳng và vì lợi ích chung, hãy cùng nhau lên tiếng về vụ việc này.

2 – Trò chuyện với ông Thanh Giang- Ông hỏi tôi: Sự việc sẽ đi đến đâu?

Tôi trả lời: Người ta gọi ông là “đội lốt dân chủ” nghĩa là “phản động giả”. Nhiều người được gọi là dân chủ thực, phản động thực, nguời ta còn chưa động đến kia mà. Người ta bảo ông ăn chặn đô-la nhưng người gửi, người nhận không ai tố cáo ông thì Nhà nước can thiệp theo lối nào. Còn chưa ai nghĩ đến việc ông bỏ tiền nhà hay quyên góp để nuôi phong trào phản động đâu …Cho nên ông chuẩn bị ra tòa, e là một việc thừa. Nếu ông chưa tin thì cũng hãy cứ nên yên tâm mà quan sát đã.

Ông hỏi tôi: Họ có cấm tờ “Tổ Quốc” không?

Tôi trả lời: Khả năng cấm không nhiều, tập san Tổ Quốc tồn tại đến 54 số, hơn hai năm, như vợ chồng cưới chui, đã sinh con đẻ cháu, lôi chuyện cũ ra làm gì? Cấm tờ này thì phải cấm 3, 4 tờ báo khác, việc nhỏ thành việc to. Là tờ báo mạng, có khi luật pháp đối xử khác với báo in. Xử sai phạm đường lối ư? Về nội dung thì báo không kích động, không chia rẽ, không có tin thất thiệt…không vi phạm luật hình sự, có chăng vi phạm hành chính ở chỗ nó không có phép. Hơn nữa, xử một ấn phẩm phải đi sâu từng câu, từng chữ để tìm sai phạm…rồi còn phải bình luận tranh cãi. Có thể trước đã lờ đi thì nay nên “đánh chữ đại xá”. Và đã biết đâu: “Tổ Quốc” còn có thể được lợi dụng để làm cái “hạt đẹp” trang trí cho cái bộ mặt toàn trị bớt “mặt sắt đen sì” và như vậy may chăng dễ coi hơn chút xíu …

Ông lại hỏi tôi: Thế sao lại có việc lôi thôi vừa rồi?

Tôi trả lời: Ông không xưng hùng xưng bá nhưng lúc nào cũng hành động như một người đấu tranh dân chủ hàng đầu ở Việt Nam. Người ta làm việc gì ông cũng thọc, cũng khía, chê bai, trách cứ, răn dạy,…Ông phê phán, chỉ trích đích danh cả những người “vĩ đại”. Người ta không thể không điên tiết lên mà ra tay “cho ông một bài học”. Họ muốn đánh ông theo cái bài bản của người Tàu: “đánh một trận, thiên hạ sẽ ổn định”. Tôi rào đón: Đây là đoán định, có thể đúng, có thể sai. Ông vui vẻ tỏ ra độ lượng với tôi.

3. Ông Thanh Giang với tờ Tổ Quốc và đồng đô-la. Các báo nói ông Giang nhận 125 triệu đồng để làm tờ Tổ Quốc, có bớt xén. Có hai người tôi gặp, họ cười ngất và chê các báo “nói sai”. Họ nói: Ra đến 54 số rồi thì tiền tỷ chưa chắc đã đủ. Ông Giang có biển thủ được tất cả thì cũng chỉ mua được 5m2 đất chứ mấy (ý họ muốn so sánh với các quan tham của Đảng)…Kinh nghiệm bản thân: Tôi viết quyển sách nhỏ, in mấy lần, vài ba trăm quyển đã mất 6-7 triệu. Sách ông Giang viết, in gấp 5-6 lần tôi. RFA đưa tin: Ông Phạm Hồng Đức đi từ nhà ông Giang ra, mang theo 100 tờ Tổ Quốc đưa về Nghệ An bị Công an bắt. Việc này nhờ Công an xác minh. Cũng có thể giả định, nếu đúng thì 100 tờ Tổ Quốc tính ra đã gần 800 ngàn đồng còn gì. Báo Công an Nhân dân liệt kê một danh sách gồm nhiều nhà báo, có người đã cầm bút đến 50, 60 năm, nhiều người có tên tuổi, hiện nay có người nghèo nhưng chưa ai sắp chết đói…Thế mà báo viết rằng mỗi người được chia vài trăm ngàn đồng (!). Tôi được nêu tên trên cùng. Tôi vừa buồn cười vừa giận người viết quá non kém và bừa bãi. Chỉ riêng bài báo tôi đang viết đây, đi lại chi tiêu 3-4 trăm ngàn vẫn chưa xong. Chuyện tiền nong như vậy nghe kỳ quái lắm, không hiểu nổi, không tin được. Đành phải giải đoán thế này: Cuộc đánh gồm khám nhà, thẩm vấn, gây chuyện, chẳng qua mục đích là để hăm dọa, khủng bố, “hãm phanh“ ông Giang. Khi khám nhà bỗng chộp được một số giấy tờ về tiền nong, cách đánh được điều chỉnh: “Đội lốt Dân Chủ – Ăn chặn đô la”. Tiền bạc vốn là cái chỗ chết của các chính khách. Bao nhiêu Tổng thống, Thủ tướng đều bị lột áo, vô khám vì đồng tiền. Chuyển hướng kịp thời, mũi nhọn tấn công cần thay đổi, và hý hửng rằng phen này Giang tan xác là cái chắc. Tiếc thay khi đếm từng tờ, cộng từng món, thì số tiền ít quá. Đáng lẽ phải trở lại cách cũ thì thoát, nhưng bảo thủ thành ra như một đạo quân xuất kích mà hết lương khô, hết đạn … Thế rồi lấy lời văn thay cho con số, gây thêm “ép phê” bằng cách nửa mở, nửa úp ….. Thật là dở khóc, dở mếu! Tiến lên không được, rút lui không xong, khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào. Bây giờ, lờ đi im tịt, có khi là lối thoát duy nhất cho mà xem, như chưa đánh đã thua. Giá cứ theo đúng nghề nghiệp: đưa các sự việc, khêu gợi sự chú ý của mọi người và chờ sau phiên tòa sẽ kết luận,…thì hay biết mấy!

4 – Ông Thanh Giang với việc trung chuyển đô-la – Ông Giang nhận tiền nước ngoài về rồi giao cho anh em. Các báo ghi bao nhiêu vụ việc, bao nhiêu số tiền, …. Các liệt kê này tuy vô nghĩa nhưng rất nguy hiểm. Nó gây ra nhận xét lệch lạc: Ông Giang nhận nhiều tiền lắm …. nhiều thì xoay sở được là cái chắc!

Đáng lý phải chia ra các khoản: Tiền do bên ngoài cung cấp chi tiêu cho việc chống phá; Tiền cứu trợ cho những người đấu tranh; Tiền các cá nhân được giải thưởng … Việc này làm rõ rất khó, nhưng nguyên tắc phải thế … chưa làm được khoản nào thì phải để lại. Hơn thế nữa, còn phải phân định ra: khoản nào Nhà nước can thiệp, khoản nào của dân thì dân phải đứng ra kiện cáo … Và, trên hết tìm tội phạm hình sự: Chiếm đoạt tài sản người khác, chống phá Nhà nước … Liệt kê cái khoản tiền trung chuyển, chỉ là một việc làm vô nghĩa về mặt pháp lý, có thể chỉ để gây dư luận, gây nghi ngờ, thương tổn danh dự công dân bằng cái cách vu cáo mập mờ. Có một vài người xem xét, suy nghĩ về việc này, không ai thấy dấu hiệu bớt xén, chiếm đoạt … Chỉ có thể nghĩ rằng là ông Giang làm việc trung chuyển đồng đô la vì ông có điều kiện, ông muốn giúp mọi người, ông muốn làm tốt cho cái điều mà ông ưa thích. Cái mặt trái mà chúng tôi nghĩ tới, cần phải xem xét thêm, chưa thể kết luận: Phải chăng ông Giang cũng muốn khẳng định vai trò của mình trong cái mà ta gọi là “Phong trào Dân Chủ ” bằng cách chi phối đồng tiền, tức là nắm cái dạ dày của phong trào.

5.Tờ Tổ Quốc với cộng đồng –Trong cái sôi sục hiện nay người ta nói nhiều đến tờ Tổ Quốc. Nghĩ nên có đôi dòng về tờ báo. Thế là tờ báo Tổ Quốc đã tồn tại hai năm bốn tháng, với 54 số, không một số lỡ hẹn, 32 trang khổ A4. Đánh giá một tờ báo ai cũng nghĩ đến người chủ xướng, đội ngũ các cây viết. Người có kinh nghiệm thì chỉ đọc, suy ngẫm và đánh giá từng bài, từng mục để có cái đánh giá chung. Số người đọc tăng, biểu hiện bằng số người săn đón, nhiều người tự in thêm,… Có người nói: Nếu ta tách các phần của “Tổ Quốc” theo từng chủ đề lớn: đối ngoại, chống tham nhũng, cải tạo nhận thức xã hội, vấn đề biên giới, hải đảo … sẽ thấy chúng khá sôi động vào các vấn đề lớn của đất nước; đã có cái gì bổ ích cho người đọc … Các cá nhân nổi tiếng đã có nhiều người góp ý cho chúng tôi, phê phán chúng tôi, chúng tôi coi đó là phần thưởng cao nhất …. Thôi ! Ai muốn gọi tờ báo Tổ Quốc là tờ báo chui, tờ báo lậu, tờ báo phản động chúng tôi cũng đành chịu . Chỉ xui nên tìm đọc để thấy nó tỉnh thức như thế nào. Hơn 50 năm trước đây Cộng hoà Dân chủ Đức xem xét việc kết nạp ông Trần Huy Liệu vào Viện Hàn lâm … đã cử sang hai nhóm chuyên gia đọc hết các bài báo từ hồi Pháp thuộc của ông Liệu. Họ đã kết luận: Ông Liệu không viết bài báo nào vì “cảo phí” (từ cũ chỉ nhuận bút), vì bản thân, mà tất cả cho cộng đồng. Chúng tôi đang cố noi theo con đường của ông. Đấy, báo chí cộng sản thời cha ông chúng ta như thế. Tập san Tổ Quốc có tính chống đối không? Có phản động không? Chưa thấy có ai, có tổ chức nào làm việc xem xét này và viện dẫn một cách nghiêm túc. Không đọc nó nghiêm túc mà phê phán nó, quy chụp nó thì khác nào “đấm bốc” trong đêm. Thật là vung mạng! Còn tiền nong, nếu không bị phanh phui, có lẽ cái nghi ngờ còn dai dẳng. Ai cũng cho rằng tờ tập san Tổ Quốc gặp nạn, ai ngờ trong cái rủi lại có cái may to lớn. Mặc dù tự biết còn nhiều thiếu sót, nhưng qua đây, chúng tôi có thể hoàn toàn bác bỏ hai cáo buộc vô lối: Làm tập san Tổ Quốc để làm tiền, làm tập san Tổ Quốc để chống phá.

6. Đọc lại một bài báo – Ngày 6-12-2008, nhiều báo đều đưa tin về vụ việc này. Na ná như nhau cả thôi. Một tiếng động ban đầu gây tiếng vang, tiếng vang cứ thế rền rĩ kéo dài … Muốn tìm hiểu thì phải xem xét tíếng động ban đầu. Chúng ta chỉ cần xét bài của báo Công an Nhân dân. Cái tít của bài báo: “Nguyễn Thanh Giang – một tay sai của tổ chức Việt Tân, đội lốt dân chủ, ăn chặn đô-la”. Cái tít mắc sai phạm: Bảo ông Giang là Việt Tân. Nhưng Việt Tân là ai ? Ông Giang là Việt Tân ư, lấy gì làm căn cứ? Bảo rằng thế là đánh đố người đọc, kết luận bừa, vu khống… có đúng không? Thế rồi bài báo nói về các hành vi của ông Giang: Làm tờ báo, làm các buổi tiếp tân, gửi tiền cho người này người nọ, bớt xén đến mức bị chất vấn ông Giang phải cười trừ, xí xoá… Bài báo lại nói tiếp việc ông Giang nhận trung chuyển tiền từ nước ngoài cho một số người, rồi cái số tiền lớn đối với đời sống hiện nay, lại mô tả cả những người nhận tiền phải viết biên nhận tỷ mỷ ra sao … Ngôn ngữ tư pháp chỉ có thế nói: Số tiền là bao nhiêu? thủ đoạn chiếm đoạt ra sao? thực đã chiếm đoạt là bao nhiêu? trong vụ việc, tổng hợp là bao nhiêu? Công an nhân dân dùng các sự việc, mang các việc này gắn việc kia … mô tả cái hình thức của vụ việc chỉ là một cách tung tin thất thiệt, và rõ ràng là vu khống – một hành vi phạm pháp. Lắt léo hơn, bài báo lại dẫn lời khai của bị can trong một vụ án khác, lời khai nói rằng có nhiều người “Dân chủ cuội” chuyên lừa tiền … Thế là đưa việc nhận xét chung làm nhận xét riêng vụ việc của ông Giang, mang cái khái quát giành cho cái đặc định, mang «râu ông nọ cắm cằm bà kia» …. Cũng lại là một hành vi vu khống lập lờ. Tóm lại, bài báo trên mô tả một vụ việc chiếm đoạt mà chỉ bằng lời văn, không có con số. Buồn thay, báo chí mà chỉ biết áp bức người đọc, bắt phải nghe, không nghe không được. Người viết vì thế muốn viết gì thì viết, bất chấp sự thật, bất chấp lẽ phải, luật pháp. Báo chí của ta giống người sáng bia, chiều rượu, kèm thuốc lá và không quên ma túy và karaoke, đang chết từng ngày. Việc thông báo trước khi xét xử có mục đích tạo dư luận, để nhân dân tham gia, để việc xét xử được công minh, thành một bài học cho toàn dân. Ta lại đưa ra vụ việc như đã xét xử xong, vậy là điều tra ra sao, xét xử như vậy. Tiếc thay việc điều tra lại cũng nhiều sai phạm…Oan sai là thế…! Thực tế kiểu này báo chí thì như tay mình tát má mình. Xét xử thì như gậy của mình đập lưng mình.

*

* Tiến sỹ Hà Sỹ Phu tặng đôi câu đối:

Tặng ông chủ nhiệm Tập san Tổ Quốc, tác giả “Suy tư và Ước vọng”

Tổ quốc vẫn Suy tư: đất Việt dân không nô lệ mãi Nhân dân còn Ước vọng: trời Nam quan hết đế vương thôi

Comments are closed.