Nền cộng hòa của các nhà thơ

Phạm Thị Hoài

Tiểu phẩm này, một tham luận đọc trước đại hội những người cầm bút, tôi viết cách đây gần 25 năm, ở thời điểm nền văn học Việt Nam vừa qua cao trào Đổi mới và lại bắt đầu bối rối chững lại. Những kỳ vọng ở văn chương mà tôi chứng kiến khi đó là có thật và thực sự nồng nhiệt, song chúng cũng dính chặt vào những hình dung tự huyễn hoặc, nếu không muốn nói là hoang tưởng, cũng như bị chi phối bởi toàn bộ nếp tư duy – cả cấp tiến lẫn giáo điều – và tổ chức – cả tự do lẫn nô lệ – của giới cầm bút, cho đến khi ấy chỉ sống cái định nghĩa về mình trong từ điển chính trị.

Một phần tư thế kỷ sau, sự tự huyễn hoặc và hoang tưởng, nếp tư duy và tổ chức cố hữu ấy vẫn sung sức như ngày nào, đại hội vừa tiến hành rất thành công của Hội Nhà văn Việt Nam cho thấy như vậy. Rất thành công ở khả năng ức chế nhận thức về vai trò đã suy giảm triệt để, đã tụt xuống gần đáy của văn chương như một loại hình nghệ thuật trong xã hội Việt Nam hiện đại, để tự xức nước thánh, bận rộn với bản thân và gọi tên sứ mệnh của mình. Và cũng rất thành công trong việc quy tụ những nhà văn thuộc hàng tài năng nhất: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh… Và Nguyễn Bình Phương, một trong những tác giả độc đáo nhất hiện nay, còn vừa trở thành một trong sáu người lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đồng thời tiếp tục kiêm chức Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, một cơ quan văn nghệ lấy bảo thủ làm phương châm tồn tại. Nền cộng hòa văn chương Việt Nam sẽ còn thọ lâu.  

__________________

Thưa quý vị,

Mở đầu tham luận này, cho phép tôi được đưa ra một so sánh thơ mộng: hôm nay, trong thời tiết ấm áp (cử tọa vỗ tay) và tuyệt vời thay, không quá oi bức như thường lệ (cử tọa vỗ tay nồng nhiệt), chúng ta họp nhau ở đây như đại hội các loài chim, trong đó tôi, à chúng tôi, xin làm những cánh chim hòa bình nhất.

Cảm ơn quý vị. Cho phép tôi đi ngay vào nội dung chính. Mô hình chúng tôi đưa ra sau đây là kết quả thảo luận tập thể, có bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu gồm những nhà thơ mà đạo đức và sức khỏe có thể nói là không suy suyển qua nhiều cuộc thăng trầm của nghệ thuật thơ ca cũng như nhiều biến động của lòng người và thói đời. Vâng, có thể nói là rất đáng tin cậy. Hy vọng rằng, trong một chừng mực nào đó, về một phương diện nhất định, theo một khía cạnh tương đối, nghĩa là nói chung, cụ thể là, mô hình này sẽ đóng góp vào việc vượt qua cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay của văn chương và chính trị.

Trước hết, để thống nhất về định nghĩa, xin nói ngay: phàm là một nền cộng hòa thì không có vua. Chúng tôi cần gì vua! Giữa vua chúa và các nhà thơ chân chính xưa nay bao giờ cũng có sự khó chịu thường trực. Ồ, không phải cơn hờn ghen giữa những người đàn ông thèm quyền lực và đã thế còn kiêu hãnh đâu nhé. Lối giải thích ấy dễ dãi và cũ rồi. Đơn giản, chúng tôi chưa bao giờ thực tâm coi những ông vua thi nhau làm thơ là đồng nghiệp. Phải, họ quá đủ điều kiện để phát động những phong trào tao đàn rộng rãi, khiến không ít tài năng quý báu trong chúng tôi, vì một phút nhẹ dạ, trở thành những cái máy sản xuất thơ, vâng, thơ chứ không phải phoi bào, vâng, tẻ nhạt và phí phạm khủng khiếp. Họ đã phung phí tài năng của không ít người trong chúng tôi vào những trò giết thời giờ của họ. Họ bảo vệ những tài cán nhạt nhẽo và xung đột với những nhà thơ lớn nhất trong lịch sử thơ ca của chúng tôi, lúc mời ra cộng tác, lúc đuổi về, hết sức vô nguyên tắc. Đấy thực sự không còn là vấn đế tranh chấp quyền lực. Đấy là chuyện bảo vệ tài sản tự nhiên. Có nghĩa là môi sinh. Tài năng chính là tài sản vô giá nhất mà thiên nhiên đã ban cho chúng ta một cách hoang phí và vô trách nhiệm. Rồi đến lượt mình, chúng ta lại tiêu nó một cách hoang phí và vô trách nhiệm chẳng kém.

Chúng tôi cần gì những ông hoàng? Ông hoàng cuối cùng chẳng trao ấn kiếm cách đây chưa tròn nửa thế kỷ, chưa xong một kiếp người đó sao? Việc ấy diễn ra đơn giản, gọn nhẹ hơn việc trao chìa khóa một căn hộ hỏa hồng hiện nay, nếu người ta muốn trốn thuế một trăm ngàn đồng một mét vuông. Chúng tôi đã hoàn toàn quên ông ta, nhanh hơn quên một món nợ nhậu nhẹt. Một chầu bia chẳng hạn. Bia hơi thôi. Với vài củ lạc. Quá khứ có vua thực ra dài gấp hàng trăm lần hiện tại không vua, nhưng than ôi cũng hàng trăm lần nhẹ hơn. Chúng tôi chẳng bao giờ áy náy về cái ông vua cuối cùng, thiếu sắc thái hơn cả một người tình thoảng qua đó. Chúng tôi chẳng buồn đặt những câu hỏi như: từ khi không làm vua nữa, ông ta ăn uống ra sao, sinh hoạt thế nào, sống ở đâu, cũng trong một căn hộ hỏa hồng trốn thuế hay đã có nhà riêng? Rồi ốm đau, chết chôn nghĩa trang nào, bạn bè còn năng lui tới? Các vị hẳn biết, trong chúng tôi có vài ba nhà thơ nổi tiếng về khuynh hướng hoài cổ. Cũng tốt thôi, phải không? Nghệ thuật cần nhiều bản sắc. Những niềm khắc khoải của mấy nhà thơ cự phách đó tập trung chủ yếu vào những đền đài lăng tẩm của các cố đô không ngừng được phát hiện thêm. Chao ôi, mấy thứ đó nhiều đến mức chúng tôi có cảm giác mỗi bước đi là giẫm lên xác một ông vua hay một ngai vàng mục nát nào đó. Phải nói là một cảm giác rất không yên ổn. Nhưng quả nhiên đền đài lăng tẩm cũng ưa nhìn hơn và không bốc mùi như những gì còn sót lại ở bản thân vài trăm ông vua đã chết và một ông cuối cùng chưa rõ sống chết ngắc ngoải ra sao. Còn lại, trừ mấy nhà thơ vị lai khá cực đoan, mấy nhà thơ chuyên ngành không trực tiếp liên quan đến lịch sử, mấy nhà thơ đả kích, sử dụng phương tiện chính là chắp nối các thời đại, và mấy nhà thơ tình cùng tập trung mất hồn cho một thiếu nữ, thì phần lớn chúng tôi tuy biết tên nhưng chẳng phân biệt nổi mặt mũi và đồng đảng của những ông vua nổi tiếng nhất. Điều này chẳng hề gợi một mặc cảm văn hóa nào. Như vậy đủ chứng tỏ chỗ đứng hết sức mỏng manh, hầu như không đáng là một chỗ đứng, của các vị vua trong tâm hồn chúng tôi. Nền quân chủ, ôi, ngay cái tên gọi nghe đã xa lạ và kỳ cục lắm, thực ra có để lại một ấn tượng, đó là trong trò chơi cờ tướng, và sau này, văn minh Âu Tây hơn, thêm cả cờ vua. Nhưng bây giờ, khi câu chuyện chính trị nổi lên hàng đầu, nền cộng hòa non trẻ cần được định nghĩa dứt khoát, vâng, cần được chính danh, chúng tôi đã yêu cầu các nhà thơ tạm dẹp thế giới của trò chơi và ấn tượng sang bên. Bây giờ, hành động, hành động và một lần nữa hành động là biểu hiện tự kính trọng mình. Cái Đẹp sẽ cứu thế giới. Đúng. Nhưng nó không từ trên trời rơi xuống. Cuộc khủng hoảng hiện nay của văn chương và chính trị rất có thể là do thiếu cái Đẹp. Vâng, vậy thì nói chung là.

(Cử tọa nhấp nhổm. Người nhìn ra cửa. Người liếc đồng hồ.)

Tôi xin sơ kết phần này: nền cộng hòa của chúng tôi nhất định không cần vua. Nên nói công khai, cởi mở điều đó. Đã đến lúc tính sổ với thói quen và nghê thuật ám chỉ. Không cần thiết phải giấu sự thật vào chỗ kín và vênh vang đố độc giả tìm ra như vậy. Nhà thơ chứ không phải gián điệp gài mìn. Độc giả chứ không phải công binh. Hãy hỏi bất kỳ ai trong phòng đại hội này, người từng có tuyển tập quốc gia, người mới rụt rè với dăm ba chùm thơ lang thang, người thậm chí chưa dám xuống tay gieo một vần chính thức nào vào cuộc đời; hãy hỏi, cả vị đang ngồi xa nhất, tít trong góc cuối phòng, giấu mặt giữa hai mắt cá chân kia, cả vị đang ngồi hàng ghế trên, nén sức mạnh giật từng cái râu chứ không nhổ tung cả mảng tội nghiệp; hãy hỏi, sẽ không ai trong chúng tôi và quý vị thừa nhận sự cần thiết phải có một ông con trời nào đó thay mình thưa chuyện với đấng tối cao quyền năng, một ông lù lù cho mình vừa lạy vừa nguyền rủa. Không! Chúng tôi có trong bản thân mình đấng tối cao. Chúng tôi nguyền rủa chính mình và ngả mũ trước chính mình trong những hoàn cảnh bình thường, nghĩa là khi không có một đồng nghiệp đáng nguyền rủa hoặc đáng kính trọng nào đó xuất hiện. Trường hợp này, theo chỗ riêng tôi biết, hầu như chưa bao giờ xảy ra. Để thực sự nguyền rủa hay kính trọng ai, không phải chỉ biết gieo vần là đủ.

Nhân nói kỹ phần đầu như vậy, tôi đề nghị đại hội nhanh chóng thông qua một mục khác tương tự: nền cộng hòa của chúng tôi tất yếu cũng không có các tập đoàn tôn giáo. Tín ngưỡng, thưa các quý vị có đạo, ngoại đạo và vô đạo, ở ngay trong niềm say mê sáng tạo. Nước Chúa hay cõi Phật mở rộng cửa đón chúng tôi ở ngay phút xuất thần vậy. Kinh nghiệm cho thấy, nhà thờ được dựng nên để xua đuổi xa-tăng, chứ cầu nguyện thì ở đâu chả được. Không phải vô cớ mà trong nhiều bài thơ bất hủ của chúng tôi luôn ngân vang tiếng chuông. Chúng tôi không vô thần. Tôn giáo của chúng tôi là cái Đẹp. Cái Đẹp không thể đem làm mẫu, không thể tổ chức, không thể rao lên như món hàng chợ phiên.

(Cử tọa rất bối rối. Người hăng hái vỗ tay. Người gục đầu trầm tư.)

Về tòa án thì hơi khác. Chỗ này cần phân biệt. Chúng tôi đã dừng lại khá lâu trong phiên họp trù bị để tôn trọng thích đáng mỗi vị quan tòa trong từng con người, nhất là ở những lĩnh vực thuộc về lương tâm. Nhưng lương tâm không phải là thứ duy nhất trong cuộc sống này cần được hay cần bị xét xử. Quý vị thấy đấy, nếu cứ ngẫm nghĩ quanh quẩn thế này thì lương tâm hóa ra lại là thứ ít cần đụng chạm tới nhất. Ờ thời kỹ trị toàn diện hiện tại, chúng tôi tin rằng mỗi lương tâm hoàn hảo đều được trang bị một hệ thống chuông báo động cực nhạy. Lương tâm quá tải một chút là chuông kêu ro ro. Tóm lại, chuyện lương tâm có thể bỏ qua. Nhưng bề bộn những vấn đề khác lại rất cần được phân xử công minh. Chúng tôi có thể nhận định, về lý thuyết mà nói, xét theo một chừng mực nhất định, ở phạm vi cho phép, nói chung, cụ thể là, rất chính xác, rất khách quan, không thiên vị, với đầy đủ thẩm quyền chuyên môn, về tác phẩm của đồng nghiệp. Xin nhắc lại, về lý thuyết. Chứ thực tế, thực tế chính là những mối quan hệ. Tình bạn rượu là sơ đẳng nhất. Người ta tồn tại trong cộng đồng, phải không nào? Cho nên, trong thực tế, chúng tôi có ý kiến về những mối quan hệ chứ không về bản thân các tác phẩm. Đấy là chưa kể tác phẩm của chính mình. Chỗ này rất tế nhị. Vì vậy chúng tôi cần các nhà lý luận phê bình. Các nhà này thực ra cũng không thể chối bỏ quan hệ với cộng đồng, có khi họ còn quan hệ mạnh hơn chúng tôi là khác. Cứ thử đày một nhà lý luận hăng hái nhất ra một hòn đảo hoang vu nào đó, rồi đều đặn cấp cho anh ta đủ loại ấn phẩm, chắc chắn anh ta sẽ rất sớm hoang mang, sẽ nói lắp, nói nhịu và chẳng dám có một ý kiến nào nữa. Nhưng không, chúng ta không chủ trương cực đoan. Về phương diện nào đó, các nhà ấy vẫn là những quan tòa, nhất là khi họ không, hoặc không còn tham vọng sáng tác giống cái chúng tôi sáng tác. Vậy hơi khác với vua chúa và các tập đoàn tôn giáo, tòa án thi ca là tối cần thiết. (Cử tọa nhất trí vỗ tay.)

Nhưng thưa quý vị, tôi khuyến cáo: hãy cảnh giác với các thiết chế, một khi ta còn cần tới chúng. Hãy nhớ lại những vụ án văn chương không quan tòa. (Trong cử tọa có tiếng nhắc: “Và những phiên tòa phi văn chương!”) Hãy nhớ lại những vần thơ bị án treo oan nghiệt. Và trên hết, hãy nhớ tới những kẻ bất tài được đăng quang. Chỗ này, xin lỗi, cho phép tôi được bày tỏ lòng phẫn nộ một cách thuần túy chuyên môn nghề nghiệp. Phải, những thể nghiệm tuyệt vọng không ra kết quả, những cú nôn ọe chẳng ra hình thù gì, những cuộc nổi loạn vụ cảm giác, rồi chủ nghĩa duy mỹ lạnh lẽo vô hồn không sức sống, rồi những phóng sự đời sống không nghệ thuật, rồi chủ nghĩa tiền phong cẩu thả cùng là chủ nghĩa hiện sinh chớt nhả và những cuộc đầu cơ chính trị xã hội theo phương pháp ăn gỏi… tất cả những sự thật nửa chừng đó, nếu rơi vào tay một vị thẩm phán bị đầu độc bởi sự bẳn gắt của uy quyền, bởi kém tri thức hơn cả kém bản lĩnh, bởi thật thà và thiện chí không đúng chỗ, đi đôi với những cú huých ghê gớm, chẳng hạn của một bà vợ hãnh tiến, và khủng khiếp nhất, bởi cuồng tín, sẽ tùy thuộc cơ may mà trở nên tinh thần thời thượng duy nhất, đè bẹp mọi khuynh hướng thơ ca khác, hoặc chết ngóm ngay khi chưa kịp nêu một bài học về sự bất cập trong nền nghệ thuật mà chúng tôi nguyện phụng sự bằng cả cuộc đời. (Mồ hôi rịn ra trên trán những người ngồi hàng đầu. Lại nhìn ra cửa. Lại liếc đồng hồ.)

Vậy, tạm thời, trong khi chưa có phương án nào hữu hiệu hơn, chúng tôi đề nghị thiết lập ít nhất hai tòa án phục vụ nền cộng hòa của chúng ta. Toà án thứ nhất thực hiện chức năng thông thường. Tòa án thứ hai phân xử sự phân xử của tòa án thứ nhất. Trong trường hợp đặc biệt, có thể huy động cả tòa án binh mà chúng tôi sẽ nhắc đến ở phần sau. Như thế, công lý không chạy đi đâu được. Công lý buộc phải nằm gọn trong tay ta. Ngoài ra, để đảm bảo tối đa tính bất khả xâm phạm của tư tưởng và nhất là của cảm xúc cá nhân, nền cộng hòa của chúng tôi cũng cho phép các thám tử văn học tư nhân được hành nghề. Đây là một thiết chế mới, vâng, triệt để đổi mới, chúng tôi khác với những nền cộng hòa vớ vẩn khác ở trọng điểm đó. Lẽ đương nhiên, các thám tử này không được hoạt động bừa bãi mà phải tuân theo những quy chế nghiêm ngặt mà chúng tôi đang tích cực soạn thảo. Chẳng hạn, không được phép tiết lộ bí quyết gieo vần, thủ đoạn lấy cảm hứng và kế hoạch chọn chủ đề của thân chủ của mình, cũng như ngược lại, không được phép dò la những bí mật nghề nghiệp tương tự ở đồng nghiệp của thân chủ mình. Không! Công việc của các thám tử tư nhân thuần túy là để bảo vệ cho các nhà thơ không bị đuổi ra khỏi nền cộng hòa, vừa đuổi vừa tặng hoa, như mong muốn của một nhà triết học cổ đại điên rồ nào đó. Nhưng một lần nữa tôi khuyến cáo: hãy coi chừng! Đây là nền cộng hòa của các nhà thơ chứ không phải của mật thám!

Thêm vào đó, chúng tôi đề nghị một cơ chế bắt buộc cho bồi thẩm đoàn, trong đó đại diện độc giả không được phép quá bán. Chúng tôi vẫn tôn trọng chế độ hơn phiếu, nhưng tiếc thay, hoặc may mắn thay, chân lý trong thơ ca có đặc điểm đáng kính nể là không nhất thiết lệ thuộc vào kẻ hơn phiếu. Một biện pháp phòng ngừa thích hợp, vì thế, là cần thiết. Chúng tôi nhất định không để lặp lại một lần nữa cái bi kịch nổi tiếng của một cộng đồng được tuyển lựa lại đóng đinh đứa con xuất sắc nhất của mình. Ngày nay, cái giá của bất tử không buộc phải đau đớn máu me như vậy. Hơn nữa, các vị thấy đấy, không thể đi tìm chân lý của nghệ thuật trong quan niệm của đám đông, khi các thể loại gần gũi với độc giả rộng rãi như truyện thơ, trường ca và ca dao không còn ở giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, mà nhật báo của chúng ta lại chưa có vần điệu triệt để. Vâng, cái Đẹp là thứ không thể bình bầu, không thể tổ chức, không thể rao lên như món hàng chợ phiên. (Tiếng bàn tán trong cử tọa nổi lên. Cãi cọ. Có người giơ nắm đấm.)

Khoan đã, thưa quý vị, chớ quá xúc động! Nghịch lý trên là hoàn toàn dễ hiểu, nếu các vị chịu khó nhìn sâu vào bản chất của sáng tạo thi ca. Nghệ thuật của chúng tôi, như một nhà thông thái từng chỉ rõ, không cốt ở chỗ nói về sự việc đã thực sự xảy ra, mà nói về cái có thể xảy ra. Khả năng tiên tri này dĩ nhiên không thể được công nhận bởi một đám đông bị ràng buộc rất nhiều vào một hiện tại cụ thể. Giải pháp chúng tôi đề nghị là không loại trừ đại diện của đám đông, nhưng cũng không cho họ số phiếu quá bán. Tốt hơn cả, họ sẽ là lực lượng thứ ba, quyết định cán cân giữa hai lực lượng ngang bằng khác là đại diện các nhà phê bình chuyên nghiệp, tôi nhấn mạnh, chuyên nghiệp, và đại diện của chính các nhà thơ. Đấy chính là một tam giác lý tưởng.

(Cử tọa hết sức sốt ruột. Bắt đầu chửi thề, văng tục. Khi một thanh niên hùng dũng đứng phắt dậy, gầm lên một tiếng, rồi điềm nhiên ngồi xuống, cử tọa lại im thin thít.)

Vâng. Cảm ơn. Như vậy là. Chúng tôi xin chuyển ngay sang vấn đề quân đội và cảnh sát. Về cảnh sát, quả thực chúng tôi chưa có ý kiến dứt điểm. Một mặt, đã có đội thám tử văn học tư nhân, rất phù hợp với tính chất cá nhân của hoạt động sáng tạo. Hơn thế nữa, các vị hẳn biết, đối với một nhà thơ thì làm gì có ranh giới giữa điều có thể và điều không thể. Chúng tôi bất chấp chứ. Vâng, một khi đã làm thơ, thì. Luật lệ nào bắt chúng tôi phải dừng lại? Chỗ này cấm chó, chỗ kia cấm chợ, chỗ kia nữa cấm đại tiểu tiện. Những chỗ nào dám cấm chúng tôi gieo vần? Phải, thơ ca không trông thấy biển cấm. Đấy là nói thứ thơ ca thực sự xuất phát từ con tim. Còn loại thơ trước hết phải nhìn quanh xem mình đang ở đâu thì xin lỗi, chúng tôi đây không bàn. Nhưng mặt khác, cái Đẹp, mục đích của chúng tôi, phương tiện của chúng tôi, sở trường của chúng tôi và đồng thời cũng là chỗ yếu duy nhất của chúng tôi, vâng, cái Đẹp lại là thứ dễ bị chà đạp nhất, dễ tổn thương nhất, mong manh và kém đề kháng nhất. Nó đáng được đặt dưới sự bảo trợ của một hệ thống an ninh rộng khắp biết bao. Các nhà thơ có được trang bị gì để làm vệ sĩ bảo đảm cho cái Đẹp ra đường không bị hành hung, hay chí ít không bị vu khống đâu. Vậy, trước khi mỗi nhà thơ được chính thức cấp dùi cui, súng ngắn và hóa đơn phạt tiền, cộng thêm chiếc còi nữa, trước khi toàn xã hội kịp làm quen với hình ảnh nhà thơ kiêm vai canh giữ an ninh công cộng cho cái Đẹp, chúng tôi đề nghị tạm thời hãy giữ nguyên hệ thống cảnh sát. Từng bước một, hệ thống này sẽ được thay thế bằng các thi sĩ kiêm vệ sĩ. Như vậy, nó tồn tại để từng bước một tiến tới sự xóa bỏ chính nó. Đó mới thật sự là biện chứng.

(Ở góc cuối phòng, ông ngồi giấu mặt giữa hai mắt cá nhân rụt rè đề nghị trong tiếng cười ồ của cử tọa: “Xin lỗi, có thể cấp cho cả tôi súng ngắn được không?”)

Vấn đề tiếp theo là quân đội. Cũng tương tự như trên, quân đội cộng hòa tạm thời vẫn là cần thiết. Nhưng về lâu dài, khi các cuộc chiến thô lậu đã hết thời và con người dần dần đạt tới độ nhạy cảm khiến cái chết không nhất thiết phải xảy ra theo nghĩa đen nữa thì thơ ca, vâng, chính thơ ca sẽ trở thành vũ khí. Việc giải trừ quân bị mà chúng tôi hoàn toàn ủng hộ sẽ diễn ra theo hướng đó. Xu hướng này thực ra đã có mầm mống từ những bài thơ viết trên báng súng những năm xưa, cũng như từ liều lượng chất nổ đáng kể trong những bài thơ nổi tiếng nhất của chúng tôi. Vấn đề chỉ còn là thời gian. Chúng tôi hy vọng rằng quá trình thay thế quân đội cộng hòa bằng thơ ca sẽ đem lại cho thơ ca một nguồn cảm hứng hào hùng hơn bao giờ hết, ồ, một chủ nghĩa lãng mạn thứ thiệt, tươi nhuận, cường tráng, giúp chúng ta tránh khỏi cái định mệnh tăm tối bệnh hoạn của tuyệt đại đa số các nền thi ca cạn kiệt cảm xúc khác. Khi ấy, thi sĩ và chiến sĩ mới thực sự là một trong những cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng. Và muốn nói gì chăng nữa, biện chứng vẫn cứ là phương pháp tối ưu. Nó có thể cung cấp câu trả lời trong bất kỳ tình huống nào. Khi cái Đẹp được hiểu một cách biện chứng nhất, nó đương nhiên sẽ thống trị thế giới, một thế giới mà nhìn vào chỗ nào, thú thực, ta cũng thấy xấu ghê gớm. (Cử tọa xôn xao.)

Xin lỗi, tôi không có ý gì nhằm vào quý vị. Chỉ là một cách nói. Trở lại vấn đề quân đội. Trong khi thơ ca giải trừ quân bị thì để biện chứng triệt để, đội ngũ thi sĩ chúng tôi sẽ tiếp thu và ứng dụng mô hình tổ chức đáng khâm phục và hết sức ưu việt của quân đội ta. Đấy không phải là phát hiện mới mẻ của riêng chúng tôi. Nhiều đồng nghiệp trên thế giới đã đưa ra đề nghị này từ lâu, nhưng rất tiếc, họ không có điều kiện thực hiện. Trước hết, chúng tôi phân ra thi sĩ thường và sĩ quan thơ. Sĩ quan thơ lại gồm dự bị, úy, tá, tướng và nguyên soái. Một ban tham mưu, một bộ tư lệnh, với một hay hai, có lẽ hai tốt hơn, vâng, với hai tổng tư lệnh toàn cõi thơ. Hàng năm, giải thưởng thơ ca cao quý nhất sẽ là danh hiệu anh hùng nghệ thuật. Đồng thời, chúng tôi cũng thấy nên trợ cấp thích đáng cho những nhà thơ tàn phế, ở đây nói về thương tích tâm hồn. Về toàn cục, lực lượng thơ ca sẽ được tổ chức thành thi đoàn, gồm các nhà thơ chủ lực, và thi khu của các thi sĩ địa phương. Có thể áp dụng uyển chuyển cả cách thức phân ngành trong quân đội để củng cố lực lượng nghệ thuật tinh túy nhất trong các loại hình nghệ thuật này. Chúng ta sẽ có các bộ phận thơ chỉ huy, thơ hậu cần, thơ phòng không, thơ văn công, thơ đặc nhiệm, thơ đại bác, thơ cảm tử, thơ thiết giáp… nói chung là hết sức phong phú. Một tòa án đặc biệt chuyên ngành, vâng, tòa án binh, sẽ tập trung xét xử những vi phạm đẳng cấp và nghi thức trong nội bộ đội ngũ các nhà thơ kiêm chiến sĩ. Nhìn chung, mô hình tổ chức này chẳng những tăng cường kỷ luật, vâng, kỷ luật sáng tạo là rất nghiêm khắc, mà trên hết, còn thúc đẩy ý thức vươn lên của mỗi cá nhân sáng tạo. Không còn tình trạng mập mờ đồng hạng giữa các tài năng và thâm niên cống hiến nữa. Thông thường thì năm năm chúng tôi sẽ cho lên một bậc, có tác phẩm thì đặc cách chỉ cần ba năm. Cũng không còn những cuộc tranh cãi rất chướng và bất tận mỗi khi làm một tuyển tập quốc gia. Cái Đẹp loại I, loại II cho chí loại bét không còn pha trộn tùm lum như trong thùng nước mắm mậu dịch nữa. Cuộc khủng hoảng hiện nay của văn chương và chính trị có thể do cái Đẹp không được xếp hạng chu đáo lắm chứ. Nhưng chúng tôi khuyến cáo: hãy cảnh giác với các hạng mục, một khi ta còn cần tới chúng. Hạng mục đi liền quyền lợi. Đảo chính trong quân đội hay đảo chính trong vương quốc của cái Đẹp sau này đều có thể làm tổn thương trầm trọng nền cộng hòa non trẻ. Chúng tôi kêu gọi: hãy tự trọng!

(Cử tọa hết sức mệt mỏi và chán nản. Một số nhấp nhổm, nhưng bị một số khác lừ mắt ra hiệu ngồi im.)

Thưa quý vị, để kết thúc phần quân đội, chúng tôi hình dung một ngày nào đó không xa, nhưng bây giờ thì chưa, bút tích hay chữ ký của các nhà thơ danh tiếng sẽ lấp lánh trên ve áo các công dân nước cộng hòa của chúng ta thay cho huy chương. Những bài thơ, viết lối đại tự, sẽ được đóng khung treo tường thay cho bằng gia đình thương binh liệt sĩ. Cũng là Tổ quốc ghi công cả. Kìa, mong quý vị đừng làm ồn lên thế. Không, chúng tôi không hề dám đụng tới hương hồn những người thân của quý vị đã ngã xuống cho Tổ quốc. Chúng tôi hiện vẫn tán thành duy trì chế độ ưu tiên đãi ngộ, đúng rồi, bán vé tàu xe ưu tiên, vào đại học ưu tiên, ưu tiên tuốt, cho các gia đình bộ đội và thương binh liệt sĩ đấy chứ. Ồ, không, không ai phủ nhận phần hài cốt thiêng liêng của quý vị, à của con cháu quý vị, à của cha anh quý vị. Danh dự của gia đình quý vị vẫn còn nguyên trên tường đấy thôi, chúng tôi đâu dám tự tiện gỡ xuống. Đồng ý, trăm phần trăm, danh dự là trên hết. Danh dự tuốt. Chúng tôi chỉ hình dung… Chúng tôi chỉ đề nghị… Chỉ đưa ra một mô hình tham khảo… Nói đúng ra là chỉ mơ mộng tí chút, xưa nay mơ mộng có làm chết ai… Quý vị muốn gì nữa ạ? Chế độ hưu trí của quân nhân ư? Chúng tôi hứa sẽ tìm hiểu. Tuy nhiên, các nhà thơ không bao giờ về hưu. Cái Đẹp không bao giờ về hưu. Cái Đẹp là thứ chẳng thể ăn lương, chẳng thể tổ chức, chẳng thể rao lên như món hàng chợ phiên. Dẫu sao thì. Nói chung là. Rất mong quý vị.

(Cử tọa ùn ùn bỏ về. Ghế xô ầm ầm. Nước bọt nhổ tung tóe.)

Không sao. Có nghĩa là. Thưa quý vị.

(Duy nhất còn lại trong phòng là người đàn ông ngồi giấu mặt giữa hai mắt cá chân. Bây giờ ông ta đứng dậy, nhắc lại lời đề nghị: “Thưa, có thể cấp cho cả tôi súng ngắn được không?”)

Tháng 1/1991

Nguồn: http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Le-Cheo/nen-cong-hoa-cua-cac-nha-tho.html#.Va_7xOpRadM.facebook

Comments are closed.