Thái Hạo
Nhà báo Hoàng Hải Vân vừa có bài “Nhà văn Nguyên Ngọc vẫn không có ý định sám hối”, đăng trên FB cá nhân. Xét thấy bài viết còn có nhiều điểm cần nói rõ và nói lại, tôi viết mấy dòng này.
Hoàng Hải Vân nói rằng việc Nguyên ngọc rời khỏi Đảng là “một động thái khá ồn ào có chủ đích do chính ông chủ động tạo ra”, và đi đến kết luận “Chủ động tạo thành một sự kiện để thu hút công chúng không phải là hành vi của bậc chính nhân quân tử”.
Khoan nói đến tính xác thực của điều mà Hoàng Hải Vân bảo rằng đó là “một động thái… có chủ đích”, nhưng cứ cho rằng là như thế đi nữa thì tại sao sự công khai, nói lớn lên về việc mình rời khỏi một tổ chức lại bị coi là “không phải là hành vi của bậc chính nhân quân tử”? Đảng Cộng sản Việt Nam có phải là một tổ chức bí mật để đảng viên phải vào ra một cách lặng lẽ, lén lút? Rõ ràng, các văn bản luật cao nhất của nước Việt Nam ghi rằng Đảng là lực lượng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, vậy thì việc một đảng viên vào hay ra khỏi đảng bằng tư thế công khai, đĩnh đạc, có gì là không hợp lẽ? Hơn thế nữa, có lẽ ông Hoàng Hải Vân cũng thừa biết rằng ở Việt Nam một người bỏ Đảng thì trở thành “đối tượng”, phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía, bị mất mát các quyền lợi bởi nhiều cách; vì thế cho đến nay dù đã có nhiều người bỏ Đảng nhưng không mấy ai công khai. Vì sao thế? Vì họ sợ, sợ phiền, sợ nhiễu, sợ những mất mát, những đè nén… Việc bỏ Đảng không hiếm, nhưng những người công khai điều đó thì thật sự rất ít. Hãy xem một người khi nói to lên rằng “Tôi bỏ Đảng” thì người ấy được lợi lộc gì hay là chỉ rước phiền phức vào thân? Từ góc độ thực tế này mà nhìn thì rõ ràng sự công khai của Nguyên Ngọc là một thái độ rõ ràng, thẳng thắn, trung thực, dứt khoát và dũng cảm. Vì lý do gì mà ông Hoàng Hải Vân lại cho đó “không phải là hành vi của bậc chính nhân quân tử”? Câu trả lời có lẽ chỉ ông Vân hiểu.
Điểm thứ hai mà Hoàng Hải Vân kết tội Nguyên Ngọc là về cái án của Phùng Quán: “Ông Nguyên Ngọc có sai lầm thuộc loại hại người, đó là ông đánh một phát “chết tươi” nhà văn Phùng Quán và tham gia cuộc “bêu đầu” những người chính trực trong phong trào Nhân văn Giai phẩm”. Có không? Có. Nhưng phải nói cho đầy đủ.
Hãy nhớ rằng những nhân vật của Nhân văn – Giai phẩm đều là đảng viên, hoặc người đi theo cách mạng của Đảng, trực tiếp làm công tác kháng chiến, tuyên truyền một cách nhiệt thành. Trần Dần, Hoàng Cầm đều làm tuyên truyền. Và cũng chớ quên rằng Nhân Văn – Giai phẩm có những trí thức lỗi lạc vì nghe theo tiếng gọi của Đảng mà trở về quê hương, như Trần Đức Thảo. Không một nhân vật nào của Nhân văn không phải là người của cách mạng.
Điều thứ hai cần nói là cái mà những nhân vật của Nhân văn – Giai phẩm đòi là “tự do sáng tác”, chứ không phải là thay đổi chế độ hay là chống lại Đảng Cộng sản, hoặc chống lại đường lối cách mạng. Tóm lại, họ không phải là một “phe” khác, càng không phải là một đảng phái khác. Họ cùng với Nguyên Ngọc là một phe, chỉ khác nhau về tiểu tiết, và chỉ khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề.
Cũng chớ quên rằng, chủ nghĩa cộng sản là một hấp lực khổng lồ, đến nỗi một nửa nhân loại đã ngã vào lòng nó. Ngay cả một nhà triết học lừng lẫy của Pháp là J. P. Sartre mà cũng không cưỡng nỗi sức “cám dỗ” ấy, thì việc những Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Đức Thảo, Nguyên Ngọc và dân tộc Việt Nam đi theo nó cũng là điều dễ hiểu.
Vậy thì cái đáng trách là ở đâu? Dẫn một câu nói khá quen thuộc và nổi tiếng mà không mấy ai không biết của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Tư Milovan Djilas: “20 tuổi mà không theo Cộng sản, là không có trái tim. 40 tuổi mà không từ bỏ Cộng sản, là không có cái đầu”.
Việc “lầm lỡ” này không phải là vấn đề cá nhân, mà là dân tộc, là thời đại, là nhân loại. Nếu ông Hoàng Hải Vân đọc những gì mà các nhân vật của Nhân văn – Giai phẩm viết và làm trước khi có Nhân văn – Giai phẩm thì ông cũng sẽ kết tội họ y như vừa kết tội Nguyên Ngọc, nếu ông thật sự có một hệ giá trị khác.
Thế hệ đàn anh đi trước, sai lầm trước, và tỉnh trước – đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng cái sự “tỉnh” ấy thế nào thì còn phải bàn thêm. Hãy nhớ, khi được “ân xá” sau mấy chục năm nhục nhã khốn cùng, những Lê Đạt, Hoàng Cầm đã đưa tay ra nhận Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, lúc này Phùng Quán đã chết, nhưng gia đình ông vẫn nhận thay. Đó là thái độ gì? Thật khó nói! Nhưng không khó hiểu.
Còn Nguyên Ngọc? Nguyên Ngọc là người trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng. Con đường cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam vạch ra cũng chính là giấc mơ của ông. Ông đã sống hết mình, sống trọn vẹn với nó, không tiếc máu xương và tính mạng. Nguyên Ngọc là như thế, dứt khoát, tuyệt đối, không do dự, không khoan nhượng, một người “trung thực đến đáy” với lựa chọn của mình. Cũng chính vì tính cách ấy, sau này khi đã phản tỉnh, ông cũng vẫn là ông: tuyệt đối sống theo nhận thức của mình: ông từ chối giải thưởng Nhà nước đợt đầu năm 2000, sau đó lại tiếp tục rút khỏi danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Có khác với những Lê Đạt, Hoàng Cầm không? Khác, ông dứt khoát như đã từng dứt khoát đứng hẳn vào Đảng, chiến đấu cho lý tưởng của Đảng; và bây giờ ông bước ra, cũng dứt khoát như thế: không xàng xê, không đánh võng, không đu đưa…
Con người Nguyên Ngọc, vì thế, luôn thống nhất. Ông không chấp nhận sự nửa vời, một khi đã lựa chọn là sống chết với lựa chọn của mình. Cũng vì thế, khi đã bước ra, ông liền lao vào những hoạt động văn hóa, chính trị, xây dựng một chân trời khác cho “những người bay không có chân trời”: thành lập Quỹ và Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, thành lập đại học Phan Châu Trinh, thành lập Ban vận động Văn đoàn độc lập… Hoàng Hải Vân khẳng định “Nhà văn Nguyên Ngọc vẫn không có ý định sám hối”, vậy tất cả những hành động đó của ông phải gọi là gì nếu không phải là một lời “sám hối” chân thành, thiết thực, và quyết liệt hơn vạn lời đầu môi chót lưỡi? Nhà Phật quan niệm rằng sự sám hối chân chính phải là không bao giờ phạm vào lỗi lầm cũ nữa, và nỗ lực chuộc lỗi bằng hành động đúng. Ông Hoàng Hải Vân muốn một sự sám hối thế nào?
Nguyên Ngọc chưa bao giờ sống nửa vời, và không bao giờ tự chừa cho mình đường lui. Cái sai lầm của Nguyên Ngọc, vì thế, cũng như sự dấn thân của ông sau này, đều “nguyên” một khối “ngọc”, dù ngọc ấy có khi chìm trong đáy bùn, có khi lừng lững trên đường lớn. Nguyên Ngọc đã sống như thế, luôn luôn trọn vẹn cả với những lầm lạc lẫn những phản tỉnh của mình. Ở đó ta gặp một con người như tùng bách, chứ không phải là những ngọn tre; ở đó ta gặp một con sư tử chứ không phải rắn rết uốn éo…
Những sai lầm phát xuất từ sự chân thành bao giờ cũng đáng được bao dung hơn là những khôn ngoan cầy cáo. Và như thế, hơn hết, ta thấy, dù là ở chặng nào của cuộc đời, dù với lựa chọn nào, Nguyên Ngọc vẫn là Nguyên Ngọc, chứ không phải là một thứ “biến thể” hay tắc kè hoa thời cuộc.
Phải nhìn cái “sai lầm” của Nguyên Ngọc ở lòng yêu nước lớn lao và khát vọng cháy bỏng của ông, chứ không phải là những hành xử ti tiểu của việc tấn công cá nhân nhan nhản hay tính cơ hội nở rộ đã khiến con người bây giờ không sao quan niệm nổi về chất người nữa.
Sự trung thực của Nguyên Ngọc, là xuyên suốt, và nhất quán. Đánh giá Nguyên Ngọc mà chỉ cắt lấy một lát, rồi lờ đi cả một hành trình vốn thống nhất và trọn vẹn thì mới chính là hành vi “không phải của bậc chính nhân quân tử”, nếu không phải là một sự kém hiểu biết.
T.H
Bài viết của Hoàng Hải Vân