Nghiên cứu Ông cụ

(s15: Ba lần đi tìm… Mỹ)

Nguyễn Xuân Hưng

Hồi tôi làm kịch bản phim “Ý chí độc lập”, cố ý bỏ qua đoạn Ông Cụ bị bắt giam ở Tàu. Là vì cái đoạn ấy xương xẩu với dạng tiểu thuyết, càng xương với phim ảnh. Tài liệu đầy rẫy, mà kim chỉ nam là “Nhật ký trong tù”. Cụ bị giải đi loanh quanh, rồi cảm phục được các sĩ quan Trung Quốc quốc dân đảng, họ chả có bằng chứng gì kết tội Ông Cụ mà thả. Hồi xưa được giảng giải thế. (Nhưng rồi hội đồng duyệt hình như đọc được điều đó, yêu cầu viết thêm 1 tập đoạn thời gian này)

Từ trước đến nay, ai cũng biết Ông Cụ đi Tàu, bắt liên lạc với các tổ chức chống Nhật để tìm kiếm sự ủng hộ Việt Minh. Tìm ai?

Có tài liệu bảo Ông Cụ đi Diên An tìm cách bắt liên lạc với Cộng sản Tàu. Ngày nay những người chống đối Hà Nội cũng thêu dệt thế. Vô lý. Người ta cố tình quên thực tế ngày đó, là Quốc-Cộng TQ hợp tác chống Nhật, phái đoàn của Đảng Cộng sản TQ diễu dợt giữa Nam Kinh, họ có thế đứng hợp pháp. Cộng sản Tàu còn thế, Cộng sản Việt Nam thì quân của Trương Phát Khuê coi ra gì? Đọc sách báo một thời, cứ quy kết nhóm cách mạng hải ngoại mật báo với bọn Tàu đang giữ Ông cụ, rằng Ông Cụ là Nguyễn Ái Quốc, để họ trừ khử Ông cụ. Cũng có thể như thế. Nhưng không có lẽ có bọn ngu như vậy. Nếu Ông Cụ đi gặp Chu hay Mao, Ông Cụ cứ đàng hoàng mà đi qua mấy tỉnh, đố thằng nào làm gì được?

Khi Ông Cụ bị bắt, có giấy tờ chứng nhận là Phóng viên, lại có thẻ Ông Cụ là đại diện Phân hội Việt Nam của một hội do bà Tống Khánh Linh làm chủ tịch, Ông Cụ khai là đi gặp Tôn phu nhân. Đối với sĩ quan thường, danh tiếng Tôn Phu nhân như sấm bên tai. Nhưng rắc rối là họ khám thấy nhiều đô-la, yên Nhật Ông Cụ mang theo. Sau tra xét các giấy tờ, đều hết hạn xử dụng. Có lẽ Ông Cụ khai đi gặp Tôn Phu nhân để dọa bọn sĩ quan lèng tèng, nào ngờ chính chuyện to tầy đình thế khiến họ buộc phải nghi Ông Cụ là gián điệp, là Hán gian. Thời chiến mà bị nghi ngờ thế thì cứ xích, hậu xét. Nội vụ đại để được kể lại như mọi người đã biết.

Nếu quả thật Ông Cụ đi gặp Tống Khánh Linh thật, thì sao sau khi được giải đến nhà giam Cục Chính trị Quân khu 4 (là quân khu quản các tỉnh Nam Trung Quốc), gặp Tư lệnh Trương Phát Khuê rồi, sao Ông Cụ không tiếp tục đòi gặp bà Tống? Gặp bà Tống mang ngoại tệ phòng thân làm gì?

Ông Cụ không gặp cả hai phía chống Nhật ở TQ, vậy đi đâu? Bảo là đi gặp các tổ chức yêu nước Việt Nam tại Tàu để hô hào cùng chống Pháp giải phóng dân tộc thì mơ hồ, nhưng có lẽ là cái lý chính thức để Ông Cụ nói chuyện với các lãnh đạo Quân khu 4. Thế là Trương Tư lệnh phóng thích Ông cụ, rồi đưa vào làm Ủy viên Trung ương Việt Nam Cách mạng đồng minh hội, đúng ý đôi bên. Chuyện này cũng mãi sau này thông tin thuận tiện nhiều người mới biết. Làm sao lại từ trên trời rơi xuống ông Nguyễn Hải Thần làm Phó chủ tịch nước năm 1946, rồi hơn 70 ghế quốc hội cho nhóm người Việt theo chân quân Tàu vào Việt nam. Oan có đầu, nợ có chủ cả. Không hề như trước đây, hồi kháng chiến chống Mỹ báo chí cứ tuyên truyền họ vào theo quân Tưởng, Ông Cụ và các lãnh đạo rộng lượng, nhân ái muốn hòa hợp mà cho họ này kia. Người dàn xếp vụ Ông Cụ ra tù đưa Ông Cụ vào lãnh đạo Việt cách đến Hà Nội, đó là Tiêu Văn, một trong mấy đầu lĩnh quân Tàu ở VN. Cái lý diễn nôm na mách qué là: Ủy viên Trung ương làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Việt cách chỉ làm Phó, thì hơi khiêm tốn. Nhưng đó là chuyện sau này.

Hồi đó Côn Minh (trước khi bị Nhật tiến đánh) là thủ đô tiền tuyến phía Nam của Trung Quốc chống Nhật. Quân khu 4 thực ra chữ Tàu dùng chữ “Chiến khu”. Chính quyền của Tưởng nằm trong khối đồng minh chống phát xit. Ở Côn Minh có Không đoàn 18 của Mỹ, tư lệnh Chenault, đồng thời là tư lệnh quân đội Mỹ ở Trung Quốc. Lúc đó,chắc các chiến hữu mà không thân thiết,cũng chả biết Ông Cụ đi đâu. Chỉ sau khi Ông Cụ được thả, thêm 2 chuyến đi nữa, thì mới có câu trả lời rõ ràng. Ông Cụ muốn đến bản doanh quân đội Mỹ ở Côn Minh. Đến đó mà nhờ các ông Tàu quốc dân lẫn Tàu cộng sản đều không ổn. Trong sách “Tại sao Việt Nam” và “OSS với Hồ Chí Minh”, người ta có thể đọc thấy đằng sau những tiếp xúc cấp điệp viên của hai phía, là một nỗ lực chuẩn bị cho các cuộc gặp “cấp cao”.

Thế là Ông Cụ bị hỏng chuyến đi thứ nhất.

Chuyến đi thứ hai là chuyện áp tải viên phi công Show. Chuyện này ông Phùng Thế Tài kể chi tiết trong hồi ký của ông ấy. Việc gì phải cần đến Chủ tịch Việt Minh áp tải một anh phi công về Không đoàn 18. Ẩn ý đến nay đã rõ, mà có thể bọn Trần Bảo Xương cũng đoán được, nên khi đến Tĩnh Tây, trụ sở của quân đoàn Nam Ninh do Trần Bảo Xương làm tư lệnh, Ông Cụ xin phép đi qua, Xương bèn hớt tay trên, bảo để bọn hắn dẫn tiếp, Ông Cụ không phải vất vả. Ông Phùng Thế Tài kể bọn Xương còn bàn chuyện cắt tiết “hai bố con” Ông cụ. Cứ khách quan mà phân tích, chắc ông Tài thần hồn nát thần tính, hoặc giả hồi ký ra trong thời làm bạn với Tàu Mao, cứ nói xấu Tàu Tưởng một tý… Trần Bảo Xương là người Việt, làm thiếu tướng trong quân đội TQ. Hồi ấy nhiều người Việt làm đến đại hiệu (đại tá), tướng trong quân đội TQ (Trương Bội Công, người thu nhận nhóm Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm để huấn luyện, cũng là môt người Việt. Nhóm 43 người của Lê Quảng Ba sau đó theo Ông Cụ về Cao Bằng cả). Bảo Xương chơi cho Ông Cụ một vố đau. Người Mỹ ở gần mà khó đến nơi thế nhỉ.

Lần thứ 3 Ông Cụ đi Côn Minh, đến ở nhà Trịnh Đông Hải, rồi thông qua Saclo Fenn[i], một điệp viên Mỹ, đến được bản doanh của Chenault. Câu chuyện đội Con Nai bắt đầu từ đó. Nhóm 6 người chuyên gia Mỹ đến Tân Trào huấn luyện Việt Minh. Trước đó, 2 ông Tan và Shin, 2 người Mỹ gốc Hoa, đã cùng Ông Cụ về Pac Bó, rồi lại cùng đi bộ về Tân Trào…

Sau này, các ông Con Nai viết lại, kể lại đầy tiếc rẻ. Người Mỹ bỏ qua một cơ hội mà nếu có thì lịch sử Việt Nam sẽ khác. Nghĩ lại, cái áo cộng sản của Ông Cụ được nhiều việc cho mục tiêu của Ông Cụ, nhưng có một lần hỏng chuyện,hỏng đau đớn, đó chính là hỏng cơ hội hướng đến nước Mỹ. Nước Mỹ chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, án tại hồ sơ, không thích tìm hiểu con người, họ không biết người Việt nói vậy mà không phải vậy, mới ra nông nỗi ấy. Hậu quả của chuyện này còn chưa bao giờ tính hết…

Nhóm Con Nai sát cánh cùng quân ông Giáp đánh Thái Nguyên, tiến về Hà Nội tháng 8/1945. Khi duyệt binh ngày 2/9/1945, đại diện thương mại của nước Nga Xô viết ở Hà Nội (tình báo của họ) quan sát thấy bộ đội Việt Minh đi cùng sĩ quan Mỹ duyệt binh. Nói chung là quê hương cách mạng tháng 10 lúc đó lãnh đạm nhìn Mỹ Việt chơi với nhau, xét đoán chắc bọn Việt Nam dân chủ cộng hòa đích thị là dân tộc, chứ chẳng cộng sản cộng siếc gì. Mà Ông Cụ cũng chả mặn mà gì liên lạc với họ. Kết quả vài năm sau thấy rõ. Liên Xô công nhận chính phủ Indonesia năm 1947, nhưng không đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ Ông Cụ đến 1951. Từ đó bắt đầu một đoạn mà tôi không có hứng tìm hiểu nữa.

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyenx1/posts/1710352632311508

[i] Charles Fenn, sĩ quan Hải quân Mỹ, rồi OSS, và AGAS (Cơ quan Hỗ trợ Mặt đất cho Không quân), lo giải cứu phi công bị rớt. Trong thời gian làm việc tại Nam TQ, ông được HCM giúp đỡ nhiều. Ông còn là tác giả kịch, tiểu thuyết và sách phi hư cấu. Năm 1973 viết tiểu sử HCM được xuất bản tại nhiều nước và đánh giá cao vì sự thấu hiểu và chuẩn xác (Văn Việt)

Comments are closed.