Miền Hoang Tưởng (kỳ 12) – Tiểu thuyết của Đào Nguyễn

XIV

Ngọ đã lên rừng nhưng không phải bằng đôi chân. Ô tô nhà nước đã chở cả hai vợ chồng anh đi.

Một đêm, người nhà nước vây ga để bắt đi những kẻ sống lang thang. Lúc đó, vợ chồng Ngọ đang yên giấc trong cái túi ngủ. Người ta hỏi:

     –  Anh là gì?

     –  Tôi, phó thường dân.

    –  Phó thường dân! Làm gì có từ ấy trong từ điển tiếng Việt. Xin nói thực: chỉ riêng nói cái chữ ấy, anh cũng đáng được đi cải tạo. Còn chị, giây tờ đâu?

Người nhà nước nhìn giấy tờ của cô sinh viên, với con mắt ái ngại. Người ta kiểm tra cô ta bằng những câu hỏi, xem xét hồ sơ lưu trữ, rồi khuyên cô bằng những lời chân thành:

      –  Tốt nhất là cô nên trở về, về nhà.

Cô sinh viên trả lời rất khiêm tốn:

     –  Cảm ơn ông. Tôi hiểu ý ông rất tốt, nhưng sô phận tôi là gắn bó với anh ấy. Xin các ông cho tôi được phép đi cùng với chồng tôi.

Người nhà nước cười:

     –  Cô tưởng xin đi cải tạo dễ lắm sao? Phải đủ tiêu chuẩn.

Người ta nghiên cứu Ngọ đến hàng tuần: điều tra lý lịch, cân nhắc công tội, xem xét quá trình. Cuối cùng người ta thấy chẳng có cớ gì và cũng chẳng có lợi gì để bắt Ngọ đi tù lần thứ hai.

Và người ta đã đồng ý cho cả hai vợ chồng anh lên rừng.

Một chiếc ô tô nhà nước đã đưa vợ chồng anh đi.

Ngọ lên rừng, còn tôi, tôi chẳng thích lên rừng. Vì chán núi nên tôi mới hạ sơn. Bây giờ, chỉ nghe nhắc đến núi, tôi đã thấy lòng ớn lạnh. Ngọ lên rừng còn có lý do. Anh muốn làm một cái lều cho đứa con sắp ra đời của anh. Ở đây, anh chỉ là kể không vòm, kẻ ngủ nhờ ga công cộng. Còn lên đó, anh sẽ có vòm cho con anh, anh sẽ có một cái ga cho đời anh, dù đó chỉ là một cái lều – ga. Còn tôi, ngay cả đám tinh trùng trong bụng cũng chỉ là một đám dòi bọ bơ vơ. Làm gì có trứng của một người đàn bà cho chúng gặp gỡ. Tôi là kẻ tuyệt giống. Tôi không có đứa con để mà lo âu. Cái vòm đối với tôi chỉ là một điều háo hức, nhưng thực ra nghĩ đến chỉ thêm chua xót. Tôi hờn giận với đời thế thôi, chứ thực ra tôi rất quí cái vòm. Những hoang tưởng ở đời chẳng qua đều bắt nguồn từ cái vòm.

Ủa! Thế ra có lẽ nỗi khắc khoải của tôi từ bấy lâu nay cũng sinh ra chỉ vì thiếu mọt cái vòm? Nếu thế thì dễ vô cùng. Hưng đã vẽ cho tôi một kiểu nhà sàn, tổng hợp cái hay của nhà sàn Thái và Tây Nguyên. Hưng say sưa:

      –  Cái nhà ở thích nhất phải là cái nhà sàn. Các cụ xưa khôn ngoan lắm. Ở nhà sàn: sạch sẽ nhất, ấm cúng nhất, khoa học nhất, độc đáo nhất, mô đéc nhất …

Tôi cười vang, cắt lời Hưng, để ngăn anh khỏi phát ra những tráng “nhất” tiếp theo. Tôi xin đủ! Xin đủ! Tôi rất hiểu mình. Chắc chắn cái nhà ấy không phải là nguồn gốc của nỗi phấp phỏng trong tôi. Vậy tôi đợi chờ gì?

Minh trả lời rất tàn nhẫn:

     – Tất cả chúng mình đều chờ đợi đám ma. Cậu đã xem tranh “ Đám ma” của mình rồi. Mình sẽ vẽ tiếp một sê-ri tranh đám ma. Rất nhiều ý thú vị. Xưa đã có đám cưới chuột, bây giờ có thể có đám ma chuột. Rồi … một đám ma quê… với những lá cờ sặc sỡ giữa cánh đồng xanh, với những bà vãi già lần tràng hạt, với những ông phường kèn nghệ sĩ làm ta sa nước mắt. Rồi… một đám ma lính… một nấm mồ chôn vội, còn để hở một đôi chân trên mặt đất, trong khi đó những ánh chớp giật trên nền trời đỏ sậm… Một đám ma trưởng giả rực những vòng hoa và những khăn ni lông, áo len áo dạ chen chúc chau.

Không, tôi không muốn cái điều định mệnh ấy của cuộc đời. Tôi chờ đợi một cái gì mối mẻ hơn, trong sáng hơn sẽ đến với tôi.

Mấy ngày tiếp theo nằm ở nhà Minh là những ngày căng thẳng. Tôi sốt rừng rực, đầu nóng như bếp than. Mồm tôi khát đắng, nhưng trí óc tôi vẫn không nguôi chờ đợi, tôi mong mỏi cái sắp đến đó sẽ như một dòng nước mát mẻ. Mà chắc chắn cái điều đó sắp đến thật. Con chim thần linh, từ hôm  biết khóc bỗng trở nên quý tôi. Nó đã dám trốn Chúa lẻn đến báo cho tôi biết cái tin đó. Trong cơn sốt miên man, thỉnh thoảng kêu lên: “Hãy đến đi” những cơn mê sảng và những giấc mơ đen sì. Những đám ma quái đản mỗi đêm diễn ra một cách khác nhau. Những con quỉ cụt đuôi nhảy múa hét hò, và những lời ngiọt sớt của Chúa chơi chim. Tôi lặng lẽ, giương mắt nhìn những tấn kịch náo nhiệt ấy diễn ra trong bộ óc ốm yếu nhưng vô cùng tỉnh táo. Tôi thầm nghĩ: hết cơn hoảng loạn này, chắc sẽ đến cơn mát mẻ. Cái gì phải đến, hãy đến đi!

Quả nhiên, cơn sốt lùi dần. Mấy hôm nay, tôi luôn trông thấy một màn sương đục như sữa và mỏng tang. Rồi sớm nay, qua màn sương trắng ấy, một bóng người hiền hậu, ông chúa sương, ông Chúa lành mà tôi gặp mấy lần, bỗng hiện ra. Ông ta cầm tay tôi ấm áp. Ông ta đến cùng những tiếng chim ríu rít …

Tôi nhắm mắt im nghe tiếng chim hiền hòa mà nhiều lần tôi đã nghe ở rừng Tây Bắc. Tiếng chim hót hay tiếng người rì rầm. Ô hay! Đúng là tiếng người nói thanh thanh, một tiếng đàn bà… quen thuộc. Tôi giật mình, choàng mở mắt.

Ai thế kia? Một vóc lưng thon thả … một mớ tóc đen nhánh thân thương… Tôi ngồi nhổm dậy, gọi to:

– Ngà!

– Ngà đấy ư? Anh chờ đợi em đã bao lâu nay. Trong những lúc buồn phiền nhất, anh vẫn tin là em sẽ đến. Ngà ôm lấy tôi, cô khóc. Còn tôi, tôi nói với Ngà những lời chôn kín đáy lòng từ bấy lâu nay:

– Anh vẫn gặp em trong giấc mơ. Anh là thằng si ngốc. Cả đời anh, đến bây giờ, anh mới chỉ biết một mình em là người đàn bà. Anh chỉ biết yêu em. Bao nhiêu lần, anh trách định mệnh: Chẳng nhẽ hạnh phúc lại bạc bẽo với tôi đến thế! Em còn gầy hơn nhiều so với giấc mơ.

Ngà vẫn ôm tôi và khóc.

– Em nín đi! Em bé bỏng và gầy guộc! Người ta đã dày vò em đến thế hay sao? Hay là, em tự dày vò? Người ta định cướp mất em khỏi tay anh. Nhưng anh tin là em sẽ từ giã tàn nhẫn và đến với anh hiền hậu. Nín đi! Đừng khóc! Em về với anh và anh không bao giờ thả em ra nữa. Dù có chết, anh cũng không buông rơi hạnh phúc.

Ngà sợ hãi ôm lấy tôi và khóc òa to.

– Em nín đi! Hay là em sợ hãi? Sao từ nãy đến giờ em không nói? Em sợ Mai? Em sợ cái sức mạnh thô lỗ đó sao? Sợ gì? Bây giờ hắn là kẻ điên cuồng.

– Ai nói với anh Mai điên?

– Chẳng ai nói, nhưng anh biết. Qui luật bạo tàn tiên tri cho anh biết. Con vượn ma quái và những vũng máu tiên tri cho anh biết.

Ngà rúm người lại. Tôi vẫn bình tĩnh:

– Cả sắc mặt em. Cả những thây người bồng bềnh trong khe suối lạnh cũng tiên tri cho anh biết.

Ngà thét lên, ôm lấy mặt:

– Em van anh. Em xin anh. Hãy tha thứ cho em. Sao con mắt anh ghê gớm? Đầy âu yếm mà cũng đầy thù hận.

– Không căm thù sao được. Chính vì yêu em quá nên anh càng giận em. Sao em có thể bỏ anh để sống với Mai? Sao em có thể giã từ một mối tình chân thật nhất, cuồng dại nhất để đến với Mai?

– Anh ấy là người tốt.

– Em không cần bào chữa. Dù sao anh cũng tha thứ cho em rồi. Nhưng hãy để cho lửa căm giận ào ra và tan đi để yêu thương có chỗ mà ngập đọng trong từng thớ thịt anh. Em khóc ư? Hãy khóc nữa đi, cho những gì là tì ố, cho những vết nhơ trên tâm hồn em được rửa sạch.

Ngà quỳ xuống. Tôi nâng Ngà dậy. Tôi vuốt ve. Tôi yên lặng vuốt ve, và những giận hờn trong lòng tôi dần chìm xuống đáy.

Cái bóng người mờ sương nhòe nhòa hiền lành trong những cơn hoang tưởng gần đây bỗng hiện ra trước mắt, Chúa lành đã đến an ủi:

“Lòng con đã vơi nhẹ. Con hãy vui những ngày vui hiếm có của cuộc đời. Ta hiểu. Giận hờn trong lòng con chỉ là những cơn bão ngắn.”

 

Những bức tranh kỳ quái trong phòng Minh hôm sau biến mất. Minh đã lặng lẽ gửi những bức tranh ấy đi nơi khác. Buổi sáng tỉnh giấc, tôi hỏi Minh:

– Ngà đi đâu?

– Đi chợ?

– Cậu vẽ gì vậy?

– Tình yêu. Tôi đã gác lại, ngừng vẽ sê ri tranh ma quái. Hôm nay tôi vẽ tình yêu.

– Cám ơn cậu.

– Sao lại thế? Chính tôi phải cám ơn anh chứ. Anh là nguồn cảm hứng của tôi. Sống cùng anh, tôi như đứa lên đồng. Lúc anh mê sảng, tôi vẽ tranh Chúa; lúc anh điên rồ, tôi vẽ tranh đám ma; lúc anh hiền hòa, tôi vẽ tranh thú vật… Còn lúc này… tôi muốn vẽ tranh tình yêu tặng anh. Đừng nghĩ tôi là bản sao của tâm hồn anh đâu. Tôi, anh và Hưng chỉ là những người đồng bệnh.

Tôi gật gù:

– Chúng ta cùng mắc chứng bệnh hoang tưởng. Chúng ta cùng lạc đến những xứ sở hoang vu, lúc nào trái tim cũng phập phồng đợi chờ một cái gì rất huyền diệu sẽ đến.

Minh lùi ra xa, để tôi ngắm bức tranh đang vẽ. Một bức tranh đen trắng. Những nét, mảng đen trên một nền trắng tinh khiết. Một con người đầu cúi xuống đương mê say kính cẩn ôm một con gấu trắng toát. Con gấu cái chăng? Một người đàn bà trần truồng trắng toát cũng nên. Một người đàn bà rất hoang dại rất thơ ngây. Một người đàn bà nguyên thủy, vẻ mặt cuồng dại sung sướng nhưng lại tinh khiết.

Lòng tôi thấy mát rượi.

Đêm hôm ấy, tôi yêu Ngà.

Lần đầu tiên tôi chung sống với một người đàn bà. Cái sức sống bơ vơ, bị lãng quên ở một xó trong lòng tôi bỗng dưng bừng tỉnh sau một giấc ngủ đằng đẵng.

Tôi bỡ ngỡ như một anh học trò mới nhập trường, mà Ngà là người chị cầm tay dẫn dắt tôi đi.

– Anh sợ ư?

– Anh yêu em.

– Còn giận không?

– Hết rồi. Em kể cho anh nghe đi. Mai điên như thế nào?

– Con vượn, chỉ tại con vượn. Đêm nào con vượn cũng từ dãy núi đá chóp nón chuyền xuống. Nó đứng ở đầu nhà để hú và khóc. Mới đầu Mai làm ngơ, nhưng dần dần Mai trở nên bồn chồn tức giận. Mai bỏ em đêm này qua đêm khác, vào rừng săn con vượn. Có đêm em nghe thấy hàng chục phát súng trong rừng, nhưng con vượn vẫn không chết, nó vẫn đến đầu nhà và hú như trêu tức. Mai lại bị tiếng hú ấy cuốn hút. Anh liên tục mất ngủ, và đêm đêm lang thang trong rừng, để sáng về chân tay lạnh ngắt. Con vượn và Mai quần nhau ròng rã suốt ba tháng trời. Một bận Mai mang lương khô bỏ nhà đi hai hôm, lúc về anh cười sằng sặc khoe đã bắn chết con vượn. Từ đó, hết tiếng hú của con vượn trong đêm, hết những âm thanh ma quái. Anh Mai cẩn thận, khi bắn chết con vượn còn xé xác nó ra làm mấy mảnh vứt đi ở mấy chỗ khác nhau, để hồn con vượn hết tìm lại một hình hài ma quái. Nhưng tai vạ này đi, tai vạ khác lại đến. Từ khi đó, anh Mai mắc bệnh cười. Hết bệnh cười, lại đến bệnh khóc. Trông thấy bóng em là Mai xô tới, ôm chầm lấy. Em sợ hãi, chạy trốn. Mai đuổi bắt và đánh đập em tàn nhẫn…

Tôi lặng im, và biết rằng còn có những điều mà Ngà vẫn giấu tôi. Một cảm giác ghen tị nhen lên trong lòng.

Ông Chúa chơi chim ghé về thì thầm trong những phút ân ái của tôi:

“ Cậu thua Mai rồi, cậu làm gì có sức mạnh.

Sức mạnh ư? Tôi thiếu gì. Chỉ có điều, tôi đã quên nó ở một xó xỉnh nào đó trong tôi. Ngà vẫn thì thầm bên tôi. Tôi chẳng nghe rõ gì cả. Chỉ còn thấy làn da mịn màng và đôi vú mềm mại của Ngà. Ôm lấy cái vóc thon thả nhưng lẳn chắc ấy, tôi hiểu vì sao Ngà có thể lấy được Mai.

Tôi ghen! Tôi ghen! Và tôi thì thầm:

– Em nói thực đi, em có yêu Mai không?

– Không! – Ngà trả lời hổn hển.

Tôi biết Ngà nói dối. Tôi nắm lấy đôi vú. Đôi vú căng nhựa ấy làm tôi hiểu Ngà hơn. Tôi giận hờn tự nhủ: Ta mà không có sức sống thật sao?

Tôi sống! Tôi sống! Tôi sống!

Hãy thử xem. Một góc máu, một phần cơ thể tôi bị mất đi, nhưng sức sống có bao giờ cạn. Toàn thể con người tôi chợt bừng tỉnh dậy.

Tôi thèm sống.

Tôi muốn sống.

Tôi rất sống.

Tôi đang sống. Sức sống trong tôi dần điều hòa. Nó trở nên nhịp nhàng uyển chuyển. Vòng tay Ngà siết chặt thêm. Vòng tay người đàn bà quấn quít làm tôi hiểu sức mạnh của bừng tỉnh.

– Anh ơi! – Ngà âu yếm gọi tôi trong giấc mơ.

Tôi sống! Tôi sống! Tôi nhịp nhàng sống.

– Em yêu anh ghê gớm. – Ngà thì thầm.

Tôi sống! Tôi sống! Cơn hạnh phúc lúc sáng rực, lúc đen ngòm kỳ lạ. Tôi chợt hiểu một điều đơn giản: sự sống chỉ dành cho sức mạnh. Điều vừa phát hiện đó làm tôi vừa yêu Ngà vừa ghét Ngà. Tôi yêu vì Ngà cho tôi sự sống. Tôi ghét Ngà vì như vậy Ngà đã phỉ nhổ lên những ước mơ lý tưởng của tôi. Chiến thắng. Tôi cần phải thắng.

Tôi sống! Tôi sống!

Nhịp nhàng sống!

Sức sống cười giòn.

Hạnh phúc… tối lòa…

Chúng tôi sống với nhau đã được một tuần. Ngà đã dần dần tươi tỉnh lại. Mắt Ngà lúc nào cũng sáng. Má Ngà lúc nào cũng đỏ. Ngà cười. Thi thoảng hát. Đôi khi làm nũng. Ngà cho tôi ăn. Ngà cho tôi uống. Nhưng nhiều lúc, trong những phút sung sướng nhất,  Ngà lại khóc. Khóc vì hạnh phúc chăng? Khóc vì hối hận chăng? Khóc vì nghĩ đến Mai chăng? Chúng tôi sẽ sống chung với nhau ra sao? Sẽ sống bằng gì? Sống ở đâu? Chúng tôi có được yên lành sống với nhau không, hay là số phận sẽ như Ngọ và cô sinh viên? Chúng tôi sẽ lại lên rừng chăng? Còn Mai nữa, hiện nay anh đang trong cơn điên dại, rồi sau sẽ ra sao? …

Bao nhiêu câu hỏi mà chẳng biết đường nào giải quyết. Cứ như mớ bòng bong. Tôi tặc lưỡi, thì cứ mặc. Cứ mặc cho thời gian tìm cách giải quyết hộ. Hơi đâu nghĩ nhiều. Cuối cùng, chuyện nào cũng có lối đi riêng của nó.

Hơn một tuần đắm chìm với người đàn bà, tôi gầy tọp hẳn đi. Hai con mắt trũng xuống, nhưng đầu óc lại thấy thanh thản, tỉnh táo.

Tôi cầm cây ghi ta và đánh toàn bộ khúc Trương Chi. Từ những nét nhạc bằng an phẳng lặng, tôi đi dần vào những con sóng tâm hồn:

……  

Vàng ư! Than ư! Vàng thau lẫn lộn!

Nỗi chua xót của cái đẹp bơ vơ trong cõi tục tằn.

Con sông rộng kêu lên: bao giờ bão nổi cho yên?

Hãy khóc đi! Muôn giọt khóc sẽ thành mưa bão.

Mị Nương ơi! Giọt khóc sẽ rửa sạch vết nhơ cho nàng.

Vết nhơ mù lòa làm nàng chẳng nhìn thấy ngọc.

…    …

Mị Nương khóc và chén trà xanh kia sẽ bình an phẳng lặng sao? Không! Chẳng lẽ cái kết thúc của những cơn khắc khoải lại là một khúc sông lặng tờ? Chẳng lẽ nỗi đợi chờ chỉ là: Ngà đến? Chẳng lẽ số phận tôi lại là yên vui?

Đêm qua, những nhà sư gậy bị đi ăn mày lại về điều hành trong tâm tưởng. Tôi lại lên cơn rồ dại hay sao? Đêm qua, những giấc mơ khủng khiếp bị giam giữ từ khi Ngà đến, lại sổ lồng vụt qua óc tôi.

Dậy đi hãy dậy đi: Đoàn sư gậy bị đi ăn mày gày gò khốn khổ. Họ vừa tụng kinh vừa gào la: Hỡi nhân thế u mê …

Tôi giật mình toát mồ hôi, nhỏm dậy. Ngà vẫn ngủ ngon. Trong ánh đèn dầu mù mờ, tôi ngồi lặng ngắm Ngà. Nét mặt người đàn bà đăm đăm, hình như hơi co rúm, trong giấc ngủ Ngà còn sợ hãi. Thì ra tiếng cười ban ngày chỉ là tấm áo lành che đậy cho cái bên trong chua xót chưa tan. Vậy, không phải bình an là kết thúc Trương Chi.

Vậy mỗi đợi chờ đến đây vẫn chưa phải là đến bờ đến bến. Chao ôi! Thế ra số phận tôi vẫn là khắc khoải. Trước mặt tôi vẫn còn là cái ngày mai đầy bí ẩn. Khúc Trương Chi vẫn chưa kết thúc. Bản nhạc của tôi vẫn còn viết dở …

Trong bóng tối, Ngà sợ run rẩy nép vào tôi:

– Tư ơi! Em sợ lắm.

– Em sợ cái gù?

– Không hiểu.

– Em sợ ngày mai ư?

– Em sợ đêm tàn. Lúc trời rạng sáng, tỉnh dậy không thấy anh bên cnhj, thế là em lo lắng. lo đến phát điên. Em nhìn đồng hồ, nhìn cái kim cứ nhích, cứ quay mãi…Mà anh vẫn chẳng về. Thế là em khóc. Em cứ nghĩ rằng có chuyện gì đó xảy ra với anh…

– Em lây bệnh của anh mất rồi.

– Bệnh gì?

– Khắc khoải!

– Em không hiểu?

Đang đêm. Chợt thấy một bàn tay vô hình nào đó đâm vào ngực tôi buốt nhói. Tôi tự rút lưỡi dao ra khỏi ngực. Máu phụt ra hai bàn tay đỏ lòm. Tôi thét to, Ngà hoảng hốt:

– Anh ơi! Sao thế?

Tôi giơ tay lên trời, và dùng cùi tay gạt Ngà ra!

– Đừng chạm vào người anh

– Kìa, anh…

– Đừng ôm anh. Máu! … Máu! …

– Trời ơi! – Ngà luống cuống bật điện. – Máu ở đâu?

Tôi nhớn nhác nhìn chằm chằm vào hai bàn tay. Chúng chuyển từ màu đỏ lòm, sang mầu hồng, rồi thành mầu trắng. Hóa ra một giấc mơ điên.

Ngà ôm lấy tôi và khóc:

– Anh ốm mất rồi. Tội nghiệp! Xưa kia, anh khỏe mạnh, vui tươi biết bao nhiêu. Thế mà… em lại bỏ anh từng ấy tháng trời.

Những phút tinh thần xáo động như vậy làm chúng tôi càng thêm gắn bó với nhau. Chưa bao giờ tôi được sống  những ngày hạnh phúc đến thế.

Hơn một tuần qua.

Minh đã vẽ được mấy bức tranh tình yêu. Bức “Quấn quít” là bức tranh cấu trúc bằng những nét lượn uyển chuyển. Bức mới nhất là bức “Mẹ con”. Người mẹ với đôi vú khổng lồ, và đôi cánh tay xòa ra như cánh chim: đứa con nằm gọn trong lòng mẹ với đôi mắt đen trong sáng hân hoan như một thiên thần…

Ngà thì thầm với tôi:

– Chúng mình sẽ có đứa con.

Tôi tê tái:

– Anh cũng mong như em.

– Sao anh buồn vậy?

– Anh rất vui.

Tôi nói dối. Tôi bảo thế, nhưng bụng tôi lại nghĩ rằng đứa con sẽ chẳng bao giờ đến với chúng tôi. Lòng tôi mấy bữa nay, bồn chồn như lửa đốt. Đức Chúa cùng con chim đội mũ hào quang đã thấp thoáng lởn vởn quanh nhà.

Hưng đến than thở với tôi:

– Vợ mình hóa câm mất rồi, cả ngày cô ấy không nói một tiếng. Được cái, cô ấy im lặng, thì mình làm việc được.

Anh khoe:

– Mấy hôm nữa mình sẽ tặng cậu cái này … thú lắm.

Cái gì?

Phấp phỏng.

Ai đốt lửa trong lòng tôi?

Ai đánh trống gõ mõ trong long tôi?

Những tiếng động ồn ào suốt đêm ngày. Âm thanh hỗn độn. Phải thật khuya, khi tôi đã mệt lử rã rời, tiếng động trong tôi mới ngừng, và lúc đó tôi mới chợp mắt ngủ được. Giấc chẳng sâu; nó chập chờn, mong manh; chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng đủ tan tành …

Cộc cộc! Cộc cộc!

Tôi choàng mở mắt khi nghe thấy tiếng gõ cửa. Ngà ngái ngủ hỏi:

– Ai đó?

Cộc cộc! Cộc cộc! Cộc cộc!

Tiếng gõ cửa thúc giục dồn gấp. Tôi bật dậy, trống ngực thình thình. Tôi hét to:

– Ai?

Tiếng xô cửa, tiếng đấm cửa ầm ầm. Tôi vội đứng phắt lên. Cánh cửa bị phá bỗng bật mở. Trong bóng tối mờ, có tiếng chân chạy vào buồng tôi ở. Ngọn đèn điện bỗng bật sáng. Một bóng người lưng gù gù, vạm vỡ, đầu tóc bù xù quen thuộc. Ánh đèn quá đột ngột làm tôi chưa nhận được ra ai. Bỗng Ngà thét thất thanh:

– Mai!

Mai à? Tôi chưa định thần và nhận ra con người dã cùng sống với tôi từ Trường Sơn. Mắt Mai hoang dại đỏ rực. Cái ánh mắt ấy, tôi đã gặp. Chợt thoáng nhớ những thây người bồng bềnh trong khe suối lạnh …

Mai không nói một lời. Tôi cũng im lặng. Chúng tôi gườm gườm nhìn nhau.

Rồi thình lình chúng tôi xô lại, ôm lấy nhau vật lộn. Tôi đấm. Mai đấm. Túi bụi, hỗn loạn. Mắt tôi bỗng hoa lên. Tôi loạng choạng. Mai liên tục đánh mạnh vào đầu tôi. Tôi lấy hết sức đạp. Mai bật ra xa, ngã ngồi. Ngà thét to:

– Trời ơi! Dao! … Anh Mai! Bỏ dao ra!

Mai đã rút con dao nhọn từ cạnh sườn. Tôi thụt lùi, tay chợt vớ được chiếc gậy chặn cửa ở góc nhà. Mai nhảy xô tới. Tôi vung mạnh chiếc gậy lim. Tiếng “cốc” ròn, khô và gọn. Đồng thời, tôi cũng cảm thấy một cái gi đó buốt nhói nơi lồng  ngực, tôi ôm lấy ngực, ôm lấy lưỡi dao … Máu chảy đỏ lòm đôi bàn tay. Tôi nhìn máu của mình và mắt hoa lên. Tôi lảo đảo, ngã gục xuống.

Ngà thét to điên dại. Tôi ngất đi. Thoang thoảng bên tai tôi tiếng khóc.

Những đám ma, những âm thanh ma quái lại về diễu hành trong tâm tưởng. Tiếng Chúa cầu kinh lầm rầm. Tiếng con chim thần linh thì thầm:

” Ngủ đi! Ngủ đi!

” Ta chết rồi ư?

” Ngủ đi! Ngủ đi! Sẽ bằng an.

Chúa chơi chim ngồi bên tôi:

” Con chẳng nghe lời ta. Con đã thấy chưa? Sự tàn nhẫn đã nổi khùng.

Tôi bình tĩnh:

” Thế ra đó là điều mà tôi vẫn chờ đợi, phấp phỏng?

” Con hãy tự hiểu mình.

Sương trùm lên mi mắt tôi nặng trĩu. Tôi hỏi con chim thần linh, nó vẫn đậu ngay trên ngực tôi:

” Sắp sửa rồi phải không?

” Sắp sửa gì?

Một màn sương thật dày … thật trắng … sẽ phủ kín người ta … rồi lặng lẽ … Và thế là kết thúc chứ gì?

” Hãy tự tin ở nơi mình!

” Thế nghĩa là sao?

” Ngủ đi! Rồi anh sẽ hiểu.

Tôi ngủ, giấc ngủ lơ mơ. Lại thấy sương trắng bay về, lại thấy nhòe nhòa hình bóng … Một hy vọng chợt nhen lên. Tôi thì thào hỏi:

” Ai đấy? Có phải … Ta nghe như hơi ấm phập phồng nơi tay.

” Ta đây …

” Ngươi là ai?

” Là bạn.

” Bạn ư? Bạn nào đến với tôi lúc này?

” Bạn thân nhất của con

” Ta hiểu rồi … Chúa lành … Chúa khoác áo màu sương trắng.

Ô kìa, sao mắt Chúa lại … nhòe nước mắt? Xin cảm ơn. Xin Chúa hãy cho biết mắt người.

Xin người hãy vén màn sương lên.

Chúa lành lắc đầu:

“Ta là bạn của nước mắt. Ta không có quyền  hiện thân. Vì nếu ta hiện rõ ràng thì ta đâu còn là niềm phấp phỏng chờ đợi… và lúc đó nước mắt sẽ đuổi ta sang với tiếng cười…

Tôi trầm ngâm:

” Bây giờ tôi hiểu rồi. Xin cảm ơn… Nhưng, còn một điều mà tôi muốn hiểu … Xin Chúa hãy chỉ dẫn cho, bao giờ màn sương đặc sẽ…

Chúa ngắt lời:

” Con sợ cái kết thúc đến thế ư?

Tôi gật đầu:

” Con không thích điều ấy. Nhưng, thú thực, có lúc điêu đứng quá, con lại mong điều ấy đến cho nhanh.

” Con phải chịu đựng… Con chưa giã từ được nước mắt đâu.

” Thế nghĩa là sao?

Màn sương nhòa dần. Chúa lành trắng toát trong vắt chỉ im lặng và lắc đầu.

Có tiếng người reo:

” Tỉnh lại rồi!

Tôi mở mắt. Nhiều người mặc áo trắng xúm quanh.

Tôi gọi:

– Ngà ơi!

– Em đây, em vẫn ở đây.

Tôi chìa tay cho Ngà nắm. Tôi nhắm mắt lại. Đối với tôi thế là đủ. Ngà sẽ chẳng rời tôi.

Hai hôm sau người ta đến hỏi cung:

– Anh đã giết người?

– Mai đã chết rồi ư? – Tôi thì thầm hỏi. – Đáng tiếc! Tôi với Mai nào có hằn thù gì nhau.

– Anh đã giết người? – Tiếng hỏi lắp bắp lại cáu kỉnh.

– Tôi không giết ai cả. Tôi không giết ai bao giờ. Chính sự tàn nhẫn đã tự giết mình.

– Tôi không hiểu ý anh. Anh điên hay sao?

Thì có bao giờ ai hiểu tôi. Tôi im lặng không trả lời nữa.

Một tuần sau, tôi đứng lên được. Người ta đưa tôi đi. Ngà không khóc, lặng lẽ bước theo tôi. Thế là đủ. Tôi im lặng.

Anh Trần đến thăm. Anh ủ rũ buồn. Còn tôi hoàn toàn bình tĩnh. Những cơn khắc khoải đã lắng đi. Anh Trần bắt tay tôi. Mặt anh đầy những nếp nhăn hằn sâu. Anh đã hết tự tin. Hình như anh định nói với tôi một chuyện gì đó, song cuối cùng anh chỉ nói được:

– Cậu hãy… tha thứ…

Tôi trầm ngâm:

– Nếu anh còn có cái gì đó là… lý tưởng thì không bao giờ anh có quyền được tha thứ.

Anh tôi gật đầu khe khẽ…

Hưng đem cho tôi một bản vẽ về một ngôi nhà tương lai… thật tiện và đẹp. Minh khoe với tôi đã vẽ xong xê-ri tranh “Nước mắt”. Tôi mỉm cười và chợt nhớ đến Ngà. Chỉ ít bữa nữa Ngà và tôi sẽ đến một nơi đau buồn nhất. Con chim thần linh đến chào tiễn biệt. Nó đã học được giọng lưỡi của Chúa lành:

“Nước mắt là xứ sở ta đáng đặt chân đến nhất”.

1973 – 1974

Comments are closed.