Nguyễn Phú Yên
CHƯƠNG V
DÒNG CA KHÚC LÃNG MẠN TRỮ TÌNH (I)
Có thể xem văn chương lãng mạn và âm nhạc lãng mạn Việt Nam là cặp song sinh ra đời sau khi có sự tiếp nhận chủ nghĩa lãng mạn phương Tây đầu thế kỷ XX. Thật vậy những chủ đề trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn và thơ mới vẫn có thể tìm thấy trong âm nhạc lãng mạn trữ tình với tính chất phong phú không kém, thậm chí neo vào lòng người sâu đậm hơn nhờ thế mạnh giai điệu âm nhạc cũng như sự phổ biến tác phẩm trong quần chúng.
Dòng ca khúc lãng mạn xuất hiện từ khi nền tân nhạc Việt Nam hình thành và với nhiều người là đồng nghĩa với từ “nhạc tiền chiến”. Về thuật ngữ “nhạc tiền chiến”, có người chưa đồng tình vì cho rằng nội hàm không rõ: trước chiến tranh là chiến tranh nào, vì đất nước ta có rất nhiều cuộc chiến tranh. Nhạc sĩ Lê Thương đã phân định thời gian này là từ 1938 đến 1946 trong bài viết Thời tiền chiến trong tân nhạc (1938-1946). Thực tế là sau năm 1946 vẫn còn cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai nữa. Vì vậy khái niệm này được mở rộng, bao gồm các tác phẩm được viết trong thời gian chiến tranh Pháp – Việt lần thứ hai. Nếu hiểu như vậy, giai đoạn nhạc tiền chiến dùng để chỉ các các bài hát cải cách, sau gọi là tân nhạc, từ khi ra đời cho đến khi cuộc chiến tranh chống Pháp chấm dứt, tức là tính đến năm 1954 – ngày đất nước chia làm hai miền. Cốt lõi của nhạc tiền chiến là âm nhạc lãng mạn, thật vô cùng phong phú về đề tài và đa dạng về ngôn ngữ âm nhạc.
Khác với chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn khẳng định cái tôi, cái bản ngã riêng tư đặc thù chứ không phải cái ta chung cho mọi người. Ta gặp trong âm nhạc lãng mạn những chủ đề đậm nét trong văn chương lãng mạn như hình ảnh người thiếu nữ, ngợi ca tình yêu, những giấc mộng tình, sự đam mê, nỗi buồn, sự cô đơn, sự luyến tiếc và nỗi bất hạnh. Nhà lãng mạn còn phô diễn tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, hoài niệm nét đẹp của dân tộc, mơ tưởng một thế giới khác lạ trong tưởng tượng, dấn thân vì khát vọng tự do, biểu lộ lòng yêu nước sâu sắc, lòng nhân ái, lý tưởng cao đẹp đầy tính nhân văn.
Hồi tưởng về dòng nhạc này, nhạc sĩ Hoàng Nguyên viết: “Những ngày đó, không khí trữ tình bàng bạc. Những ngày đó, nghệ sĩ không nhiều nhưng mỗi nghệ sĩ là một tâm hồn, một biểu hiện thật thà của tình cảm. Mỗi nghệ sĩ là một tâm hồn lãng mạn, lãng mạn đúng nghĩa của một ứ tràn tình cảm… Nên tiếng hát những ngày đó, những ngày chưa chiến tranh, là tiếng hát thoát đi từ tốn, không khó khăn, không kiêu kỳ, không phiền toái, không lập dị, là tiếng hát thật thà của những rung cảm thật thà, là tiếng vui tiếng buồn hồn nhiên của những tình tự hồn nhiên, là tiếng hát rất tĩnh của những tâm hồn không xê dịch… Nghĩ như vậy thì nhạc tiền chiến thật sự, nghĩa là nhạc của thời chưa chiến tranh, chẳng có được bao nhiêu. Tuy nhiên trong cái chẳng được bao nhiêu ấy, người ta vẫn tìm thấy cái yếu tố, cái chất liệu đã khiến nhạc tiền chiến thật sự sống lại thật huy hoàng, thật rực rỡ trong niềm yêu, trong sự suy tôn của nhiều người hôm nay. Cái yếu tố, cái chất liệu đó là tâm hồn, là sự rung cảm chân thật, là sự vô tư rất nghệ thuật của người sáng tác” (1).
I. Những ca khúc về tình yêu lứa đôi
Ca khúc lãng mạn đề cao tình yêu lứa đôi, vì vậy tình yêu đó là cảm hứng chủ đạo và bất tận của các nhạc sĩ lãng mạn. Tình yêu trong các ca khúc của họ xuất hiện dưới nhiều dáng vẻ phong phú, đi đến tận cùng sâu thẳm của cảm xúc, lột tả trọn vẹn mọi sắc thái cực đoan của tình cảm yêu đương. Đó thường là những bài ca đẹp đẽ, trong sáng hoặc đầy thương cảm, não tình, bi lụy được tác giả lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của chính bản thân mình hoặc hóa thân vào trạng huống của đối tượng được mô tả. Dù từ nguồn cảm hứng nào, tác giả phải truyền đạt được rung cảm để người nghe có thể sống lại rung cảm đó như chính mình, có như vậy tác phẩm mới thành công. Phần lớn ca khúc lãng mạn đều đạt được hiệu quả đó bởi chính tình cảm chân thực của tác giả, nguồn cảm hứng không bị tác động bởi những yếu tố ngoài nội tâm, điều này được minh chứng bằng sự tồn tại và sức sống của ca khúc lãng mạn trong nhiều thập niên kể từ lúc tác phẩm đầu tiên ra đời (2)
1. Hình ảnh người thiếu nữ
Trước hết, trong tình yêu ta luôn bắt gặp hình ảnh những thiếu nữ được xưng tụng với vẻ đẹp thuần khiết, sự dịu dàng đôn hậu mà nghệ sĩ thường gặp trên hầu hết các nẻo đường đất nước. Có thể cô gái sẽ rất đẹp trong tâm tưởng người nghệ sĩ nên hình ảnh đó luôn tạo được những tứ nhạc đầy lưu luyến:
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn
Trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng
Ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hòa…
(Văn Cao & Phạm Duy, Bến xuân)
Ngồi bên em anh quên hết ưu phiền
Hồn say sưa tắm giấc mơ thần tiên
Ngồi bên em ôi giây phút mơ huyền
Nguồn yêu đương tươi thắm tươi cho lòng…
(Hoàng Trọng, Khúc đàn tâm)
Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ hoa mận nở
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân…
(Từ Vũ, thơ Nguyễn Bính, Gái xuân)
Hôm qua đến tìm em
Anh thấy hoa xuân rơi đầy trước thềm.
Bâng khuâng bước nhẹ êm
Sợ làm tan bao giấc mơ hoa triền miên.
Anh yêu nét hồn nhiên
Yêu biết bao khi em ngồi khuất rèm.
Đôi tay nhấc đường kim
Làn môi hé cười thần tiên…
(Hoàng Trọng, Đẹp giấc mơ hoa)
Trong các bài hát xuất hiện sớm trong nền tân nhạc, ta thấy các nhạc sĩ luôn ngợi ca đôi mắt người thiếu nữ: đôi mắt nhung, đôi mắt huyền, đôi mắt đẹp, đôi mắt sầu mộng:
Hôm xưa anh đến nhà em
Thấy đôi mắt đẹp anh thèm muốn xin
Môi em nở nụ cười duyên
Thân em thoáng hiện, dáng hiền tình yêu.
Ra về anh thấy vương theo
Phấn hương ân ái gió chiều thoảng đưa…
(Ngọc Bích, Thiếu nữ trên ngàn)
Em tôi ưa đứng nhìn trời xanh xanh
Mang theo đôi mắt buồn vương giấc mơ
Vu vơ đắm đuối, vương ngàn áng mây
Bao đêm thầm đếm trên trời đầy sao sáng.
Buồn vương man mác theo lời gió reo lời thơ
Trầm tư se sắt tơ lòng đắm theo đàn khóc
Bao nhiêu nước mắt chôn sầu đắng cho lời thơ
Giờ này em hát câu chiều mơ.
(Lê Trạch Lựu, Em tôi)
Tôi nhớ ngày qua
Xinh xinh cô em đôi mắt dịu buồn
Hồn đắm mơ say
Tim tôi rộn ràng tình đầu mong nhớ
Đôi mắt huyền ơi
Rung lên bên tôi đôi tim nhịp nhàng
Ngày tháng xuôi sang
Cô em hững hờ tình tôi thờ ơ…
(Thông Đạt, Đôi mắt huyền)
Người em có đôi mắt huyền nhung
Anh bâng khuâng một chiều gió vàng
Chiều ấy gặp em
Anh mơ màng bóng em trên đường vắng
Làn mắt huyền nhung ánh xuân dịu dàng say
Bướm hoa vờn nơi đây
Em mang cả một trời bao la
Biết nhau khi ướt lệ chan hòa…
(Lê Mộng Nguyên, Đôi mắt nhung)
Rồi lòng ta từ đó đắm say mơ màng
Chìm trong đôi mắt. Ôi đôi mắt nhung huyền
Nhìn ta không nói, chiều thu ân ái…
(Lâm Tuyền, lời Dạ Chung, Lặng lẽ)
Ôi đôi mắt em sáng trong
Yêu làn môi hồng thắm hé rung
Kề bên em dưới trăng mơ huyền
Hồn theo gió tìm chốn thiên đường.
Trời về khuya nghe lòng man mác
Hương tình thơm ngát còn rung trần gian.
(Ngọc Bích, Hương tình)
Một chiều ái ân say hồn ta bao lần
Một trời đắm duyên thơ cho đời bao phút ơ thờ
Ngạt ngào sắc hương tay cầm tay luyến thương
Đôi mắt em nhìn càng say đắm
Mơ màng nào thấy đâu sầu vương…
(Dương Thiệu Tước & Minh Trang, Bóng chiều xưa)
Đôi khi người thiếu nữ để lại nhiều thương nhớ chỉ với suối tóc êm đềm và say đắm:
Làn tóc óng nuốt sóng đắm trăng
Lướt như tơ liễu buông
Say đùa cùng gió đàn
Áng mây thoáng ghen ngưng lưng trời
Lu mờ cùng làn trăng
Nét phai tan ngàn băng…
(Thẩm Oánh, Suối huyền)
Tôi có người em nhỏ
Xanh xanh đôi hàng mi
Môi hồng vừa đương độ
Chưa biết sầu biệt ly.
Ngày tôi đi vàng nắng
Nghiêng nghiêng một hàng cau
Mai ta nhìn mây trắng
Gửi lời về thương nhau.
Chiều nay buồn viễn xứ
Nhớ người em gái xưa
Tôi thấy phương trời cũ
Giăng giăng một hàng mưa…
(Nguyễn Hiền, Người em nhỏ, 1945)
Ta luôn tìm thấy hình ảnh người đẹp và thi sĩ được gắn kết bên nhau đầy thơ mộng:
Thơ anh làm em hát, tơ em dệt anh may
Ta xây đời bằng mộng, như tiếng rập con thoi.
Ta cứ yêu đời đi, như lúc ta còn thơ
Rồi để anh làm thơ, và để em dệt tơ.
(Đức Quỳnh, thơ Nguyễn Bính, Thoi tơ)
Hình ảnh ấy còn được tìm thấy ở Thẩm Oánh trong một ca khúc bày tỏ tình cảm với cô hàng hoa với nhịp tango êm đềm, dìu dặt:
Một chiều nắng đào phai sắc hoa mờ
Tần ngần trên đường dài bao thương nhớ
Một mình cô bán hoa bước ơ thờ
Đôi bao cánh phai tươi sắc hoa mờ.
Tần ngần ngoài song
Có chàng thi sĩ mơ mộng
Cao lời ca chờ mong
Lời lời ru ngân hòa trong gió lan xa gần
Trầm trầm lắng dư âm.
Cô hàng hoa ơi! Xin vào với tôi
Hoa dù héo khô, tôi còn mến hoa…
(Thẩm Oánh, Cô hàng hoa)
Và cả với cô gái hái mơ trong ca khúc đầu tay của người nhạc sĩ họ Phạm:
Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư, đường còn xa
Mà ánh chiều hôm dần sắp tắt
Hay cô ở lại về cùng ta.
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương.
(Phạm Duy, thơ Nguyễn Bính, Cô hái mơ)
Vào thời xa xưa ấy ta chỉ thấy trong hầu hết bài hát là hình ảnh của cô gái ở miền quê:
Sương thu mênh mông hoàng hôn mờ xuống
Bơ vơ trên đê còn ai một bóng
Cô gái quê ơi gồng gánh đi đâu
Dưới bóng tre xanh lay lắt trên đầu…
(Chung Quân, Cô gái quê)
Từ hình ảnh người thiếu nữ lần đầu gặp gỡ đã dần xuất hiện vô vàn sắc thái tình cảm của người nghệ sĩ được diễn tả trong các ca khúc của họ:
Nàng ơi, anh đã yêu nàng
Quyết chí cùng nàng nên duyên (a)
Bỏ lúc vì nàng thâu đêm (a)
Rồi đây anh sẽ anh sẽ về
Nói với cùng mẹ cha anh (a)
Sẽ tới hỏi nàng cho anh (a)
Cùng nhau chung sống trong mộng thắm
Cùng nhau chung sống bao ngày xanh.
(Vũ Minh, Cô hàng nước)
Ngồi bên em anh quên hết ưu phiền
Hồn say sưa tắm giấc mơ thần tiên
Ngồi bên em ôi giây phút mơ huyền
Nguồn yêu đương tươi thắm tươi cho lòng…
(Hoàng Trọng, Khúc đàn tâm)
Hôm nao dưới bóng trăng mờ
Tôi mơ ngắm cánh tay ngà
Nhẹ nâng ly trà ướp sen ngạt ngào
Trông cô rón rén ra vào
Đôi môi thắm cánh hoa đào
Lòng tôi dạt dào muốn xiêu…
(Canh Thân, Cô hàng cà phê)
Đây là lời quyến luyến và tiếc nuối của chàng trai khi người con gái đành phải đi xa:
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi
Cô đành lỡ ước với tình quân
Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông.
(Nguyễn Đình Phúc, thơ Nguyễn Bính, Cô lái đò)
Dừng chèo lại đây cô lái đò ơi
Dừng chèo lại đây giây phút ngừng bơi
Cho tôi sang bến bến sông xa vắng
Đường xa đêm vắng khách sang mình tôi…
(Hoàng Quý, Cô lái đò)
Năm xưa khi tôi bước chân ra đi
Đôi ta còn đứng bên hàng tường vi
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi
Đừng nói đến phân ly.
Cô láng giềng ơi,
Nay bóng hoa bên thềm đã thắm rồi
Chân bước vui bên bờ đường quê
Em có hay chăng giờ tôi về.
(Hoàng Quý, Cô láng giềng)
Tình yêu đôi khi lớn dần chỉ từ sự gặp gỡ và gắn bó tình cảm với cô nàng kỹ nữ:
Đêm nay đôi người khách giang hồ
Gặp nhau tình trăng nước
Sánh vai nhịp bước mơ hồ
Kề vai ước xây nhà bên suối
Kề môi ước gây vài đường tơ…
(Phạm Duy, Tình kỹ nữ)
Không chỉ là lời tiếc nuối mà còn là lời trách móc người đẹp hững hờ quên cả tình anh:
Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân
Trên đường thẳm xa,
Tôi nhắn cô em đôi lời.
Lòng không lưu luyến,
Sao đành cô lãng quên
Quên người gặp gỡ
Trong một chiều mơ.
Chuông chiều ngân tiếng
Vấn vương lòng trông
Theo cô hái hoa
Bước đi bâng khuâng
Muôn ngàn sầu nhớ bóng mờ mờ xa…
(Hoàng Giác, Mơ hoa)
Mỗi khi vang âm ngàn phương
Nhạc chinh nhân trong chiều sương
Em có mong dòng sông cũ
Vẫn xuôi niềm thương
Tình anh như thông đầu non
Vời cao trong mây buồn đứng
Muôn kiếp cô liêu, ngàn năm còn reo.
(Tô Vũ, Tạ từ)
Không chỉ là lời trách móc mà còn là nỗi sầu thương vô hạn vì người đã cách biệt, tình đã phôi phai trong ngày ly tan:
Bông hoa nay vẫn còn hương
Lòng ta còn vết đau thương không cùng
Đính hoa ở một bên lòng
Ngàn năm tiếc giấc mơ mòng khi xưa.
(Lê Thương, Bông hoa rừng)
Nhớ ngày xưa ngày tôi ra đi
Nước mắt em tôi thắm thiết trên mi chia ly
Nhớ nhung còn thắm
Đôi khi còn thắm câu thơ năm xưa
Xa vắng bao ngày tháng…
Đời đã vắng tiếng cười làn môi hương phai rồi
Buồn nhớ tới dáng người yêu áo xanh.
(Lê Trạch Lựu, Nhớ)
Hoặc nhẹ nhàng hơn là sự hoài niệm về quãng thời gian êm đềm đã trôi qua:
Chiều nay nắng thu chìm trong rừng
Ngừng đây nghe gió theo mây vàng
Lãng du lên mấy cung đàn
Thời chinh chiến trôi
Ngày tháng bên suối ngàn.
Ngày thu ánh sương chiều buông mờ
Lòng khách say sầu muôn kiếp nhớ
Nhớ ai cười trong nắng vàng
Bao ngày xuân tươi thắm
Nay đã phai tàn…
(Phạm Duy & Ngọc Bích, Giấc mơ ngàn)
Rạt rào tình vương sơn nữ
Tình thơ ngây bên suối
Xót xa duyên tình xưa
Lạnh lùng ngồi trông trăng sáng
Ta nhớ ngày qua, nhờ làn gió đưa
Gió ơi đưa về chốn xưa
Phía xa bên bờ suối thơ
Bóng ai xa còn ước mơ…
(Văn Phụng, lời Văn Khôi, Trăng sơn cước)
Khi nói đến tình của người lữ khách với các nàng sơn nữ, các nhạc sĩ thấy niềm vui trước hương sắc núi rừng dù sau đó khi rời xa lòng không nguôi thương nhớ. Cả hai bài hát sau đây đều diễn tả tình cảm trong sáng, nhẹ nhàng bằng nhịp điệu luân vũ 3/4 tươi vui:
Ai về sau dãy núi Kim Bôi
Nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ
Hình dung một chiếc thắt lưng xanh
Một chiếc khăn màu trắng trắng
Một chiếc vòng sáng lóng lánh
Với nụ cười nàng quá xinh…
(Tô Hải, Nụ cười sơn cước)
Đường lên núi rừng sao hãi hùng
Ôi gió lộng, muôn lá động
Cành trong bóng thê lương
Chiều nay gió ngừng bên suối rừng
Giăng nước bạc, nghe tiếng nhạc
Hồn vương bóng cố hương.
Mây bay về đâu? Chim bay về đâu?
Xin cho tôi nhắn tới nàng đôi câu
Ra đi vì đâu? Chia ly vì đâu?
Khăn tay còn thấm lệ sầu…
(Lê Bình, Đường lên sơn cước)
Hầu như các nhạc sĩ trên đường lãng du thường ngợi ca các nàng sơn nữ được gặp mà họ xem như là những đóa hoa ngàn:
Một đêm trong rừng vắng
Ánh trăng chênh chếch
Đầu ghềnh thấp thoáng
Bóng cô sơn nữ
Miệng cười xinh xinh.
Một đêm trong rừng núi
Có anh lữ khách nhìn trời xa xa
Ngắm trăng say đắm
Một mình bâng khuâng.
Một đêm trong rừng vắng
Có cô sơn nữ
Miệng cười khúc khích
Ngắm anh lữ khách
Rồi lòng bâng khuâng.
Một đêm trong rừng núi
Có anh lữ khách nhìn trời xa xa
Biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm…
(Trần Hoàn, Sơn nữ ca)
Nàng sơn nữ ơi nàng sơn nữ
Bóng anh về đây
Vì nợ nước anh đành tạm xóa
Để mưu thù chung.
Nàng sơn nữ ơi nàng sơn nữ
Nhớ chăng tình xưa
Giờ đây nhé ta cùng chung sống
Bên hoa rừng mơ…
(Thanh Tuyền, Tình sơn nữ)
2. Nỗi buồn trong tình yêu
Tình yêu có thể đem lại cho người nghệ sĩ niềm vui hoặc nỗi buồn. Trong âm nhạc lãng mạn, tình vui không được tìm thấy nhiều nhưng tình buồn thì tràn ngập. Trong khuynh hướng buồn thương, bi ai đó ta nghe âm hưởng chủ đạo là nỗi buồn sâu đậm và nỗi cô đơn vây kín. Cái buồn trong âm nhạc lãng mạn cũng là nỗi buồn trong thơ mới, đó là tình cảm tất yếu của một lớp người đã từng trải nghiệm tình trường và nghịch cảnh trong cuộc sống. Nó xuất phát từ tình cảnh của người mất mát tình yêu, của người bơ vơ, trống trải, lạc lõng trên bước đường tìm kiếm tình yêu. Có thể có một số ca khúc diễn tả nỗi buồn trong tình yêu nhẹ nhàng, thoáng qua nhưng cũng có những bài não tình, thở than nhưng không hề bi lụy, không làm cho tâm hồn rơi vào sự đọa đày tuyệt vọng. Ta nhận ra tất cả giai điệu buồn thương ấy vẫn toát lên cái tình cảm chân thực, không tô vẽ; cái buồn bã đã trở thành vẻ đẹp của tâm hồn, như một nét đẹp thăng hoa, là chất men gây niềm gắn bó với cuộc đời… Nỗi buồn đó thường được tìm thấy trong những ca khúc viết về sự dở dang hoặc tan vỡ trong tình yêu, sự chia ly xa cách, sự thương nhớ não nùng, niềm tuyệt vọng đớn đau…
a) Nỗi buồn nhẹ nhàng
Bài hát về tình yêu buồn bã sớm nhất được nhận ra sau đây đã xuất hiện trước khi báo Ngày Nay đăng các bản nhạc lần đầu tiên ba năm sau đó. Cũng chỉ là nỗi buồn nhẹ nhàng được gửi trong nhịp điệu luân vũ dìu dặt, có chút trách móc nhưng không bi lụy:
Tình duуên đôi ta bẽ bàng
Đành để muôn năm lỡ làng
Còn nói ái ân làm chi?
Ngàу vui xưa qua mất rồi
Lòng thương xưa phai hết rồi
Tình уêu xưa tan nát rồi
Còn oán trách nhau làm chi?
Xin đừng nhắc những lời êm đềm ấу hết rồi
Sao không cùng chung sống trong уêu đương
Từ ngàу còn được gần gũi bên nhau
Khiến phút ấу qua mất rồi còn đâu?…
(Lê Yên & Văn Chung, Bẽ bàng, 1935)
Rung cảm đã cho người nghệ sĩ những giai điệu mượt mà. Đôi khi họ còn mượn tiếng đàn để giãi bày nỗi lòng. Chẳng hạn một khúc tango có từ rất sớm:
Trời khuya thanh vắng
Hồn ai khóc trong canh trường
Đường tơ ai buông trong sương rền khúc
Hồn ai quanh khuất
Đường tơ nhắn bao lời thương
Sầu tư chung khúc
Tầm tã châu buông…
Đàn ơi xa vắng, buồn thương
Nhớ ôm bên lòng
Buồn ơi mênh mông
Thương mây bạt gió.
Đàn than chi đó, đàn van
Gió thương cùng mây
Đàn than chi đó, như gió thương mây!
(Hoàng Trọng, lời Quốc Bảo, Tiếng đàn ai, 1943)
Đường đời nhiều se sắt làm gì, nhiều nỗi đắng cay
Người ơi! Vui lên tiếng làm chi, tôi thấy bẽ bàng.
Lạnh lùng nhìn đời người ta vui tươi
Với lòng người rạt rào sung sướng quá
Riêng lòng này buồn rầu tê tái hỡi người…
(Nguyễn Văn Khánh, Tâm sự với cây đàn)
Muốn quên xa đàn.
Quên đi cho hết đau thương giận hờn
Nhưng thôi ta có đành quên được nào
Ðời mà thiếu em ta vắng vui.
Hỡi dây tơ đồng.
Em ơi hãy giúp cho ta đường đời
Cho ta lên tiếng cùng em vài lời
Ðời mà thiếu em ta vắng vui.
(Nguyễn Văn Khánh, Nhạc sĩ với cây đàn)
Một bài hát mang nét nhạc dân tộc nhưng đã được lồng vào nhịp điệu Tây phương sớm nhất thời bấy giờ (tango habanera) với nội dung phác họa hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ với nỗi chờ đợi khắc khoải được tìm thấy nhiều trong tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn:
Những lúc em ngồi suốt canh khuya bên đèn
Miệt mài cùng một manh áo len
Vắng bóng anh em chờ mong anh.
Cố sức em đan thật nhanh.
Em đan áo cho xong
Còn hòng đông này vắng hình anh
Em lạnh lùng thay!
Xa anh em nhờ manh áo ấy
Khiến em quên lạnh lùng khi ngồi trước đèn.
Bóng ai qua thềm,
Vừa nhìn thoáng lướt trên nền trời đêm
Ngừng đan em thấy gió lay mành trúc
Bóng ai êm đềm…
(Văn Chung, Bóng ai qua thềm, 1937)
Hồn cầm phong hương hình bóng xuân tàn
Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn
Từ người ra đi chờ vắng tin người
Từ người ra đi là hết mơ rồi…
(Văn Cao, Cung đàn xưa)
Tâm hồn anh tìm em
Theo lần sang lầu Thúy
Dưới trăng ngà sao huyền
Lòng anh giá băng
Trong bóng sương mờ…
(Dương Thiệu Tước, Tâm hồn anh tìm em, 1938)
Đôi khi trong nỗi buồn của người nghệ sĩ có vướng chút đau thương tê tái:
Em, hồn anh đang sầu đau
Hồn anh đang thổn thức
Ai se tình duyên thắm đẹp
Kề mái tóc đầy hương
Tình như áng mây hồng.
Anh thường khóc khi chiều xuống
Lòng nhớ nhung triền miên
Trăng xưa về khuya bẽ bàng
Dường như nhắn người yêu
Tình mây nước còn đâu.
(Lâm Tuyền & Dạ Chung, Trở về dĩ vãng)
Chiều rơi cho lòng lạc loài chơi vơi
Ngày rơi ta buồn giây phút qua rồi
Thời gian luống phụ cho ai mãi đâu
Luống hận cho ai mãi đâu, muôn kiếp u sầu.
Chiều ơi trôi về miền nào xa xôi
Tìm ai tiếng lòng thổn thức vắn dài
Tình ơi mắt lệ chan chứa khắp nơi
Gió đừng khóc nữa gió ơi, tan nát tơi bời…
(Hoàng Trọng, Nhạc sầu tương tư, 1953)
Nhưng rồi chút đau thương tê tái ấy dễ chìm khuất trong thiên nhiên cô tịch dường như hờ hững trước tâm tình của người nghệ sĩ:
Chim ơi tình ta lỡ làng
Đường đời nhạc duyên bẽ bàng
Say sưa ân ái mơ màng bên nàng.
Bồi hồi lòng ta hững hờ
Thuyền tình lạc nơi bến bờ
Sao ai vẫn cố mong chờ ngày mơ…
(Tạ Tấn, lời Hoàng Dương, Luyến thương)
Bên cầu tơ liễu vương hai bóng đau thương
Gió ru cành than khóc trong chiều sương
Sông nước như làm thinh, áng mây vô tình
Thướt tha lướt trôi vờn nước non xanh…
(Thẩm Oánh, Xa cách muôn trùng)
b) Giây phút chia ly
Nỗi buồn trong ca khúc lãng mạn chính là nỗi buồn từ sự chia ly của những người yêu nhau, từ sự đưa đẩy của cuộc đời, sự trớ trêu của số phận. Riêng với nhạc sĩ Dzoãn Mẫn, đó không phải là tình riêng của ông mà từ sự chứng kiến sự chia tay của đôi tình nhân khi chàng trai lên đường đi lính lê dương tại ga Hàng Cỏ:
Mấy phút bên em rồi thôi,
Đến khi bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời,
Người ra đi với ngàn nhớ mong.
Mấy phút bên nhau rồi thôi,
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui…
(Dzoãn Mẫn, Biệt ly)
Lòng tê tái vương nhớ nhung
Người chinh phu với sầu đông
Thuyền không bến lắng trôi tới đâu
Đưa đón ai xa ngừng bến nào
Thầm gieo rắc chi sầu nhớ…
(Hoàng Trọng, lời Nguyễn Túc, Phút chia ly)
Thương nhau làm chi
Âm thầm lệ vương khi biệt ly
Xa xôi còn chi
Vô tình em nhớ mối duyên hờ
Tình như mây khói bóng ai xa mờ…
(Dương Thiệu Tước & Minh Trang, Bóng chiều xưa)
Phút chia ly đã gửi tình ta vào mây khói, có chút ngậm ngùi đấy nhưng biết đâu sẽ cho tâm hồn anh bay bổng về một phương trời xa xăm nào đó:
Biệt ly tình đôi ta vời vợi
Thuở ấy hồn anh đắm chơi vơi ngoài khơi
Người em sầu mộng của muôn đời
Thầm ước guồng tơ thắm không bao giờ phai.
Tình em như tuyết giăng đầu núi
Tình anh như ánh trăng trầm suối
Tình ta như áng mây chiều trôi
Về tràn trên gối chăn mờ phai.
Biệt ly! Ôi biệt ly!
Ngậm ngùi đêm thâu âm thầm đôi câu
Biệt ly, anh theo cánh gió chơi vơi
Phiêu du khắp bốn phương trời
Xa xôi tiếc nhớ khôn nguôi
Men say lấp kín môi cười. Biệt ly sầu bi.
(Lâm Tuyền & Dạ Chung, Trở về dĩ vãng)
Hãy cứ để tình anh trôi xa, em cách biệt nơi nào không hề biết nên chỉ còn để lại hồn bên suối vắng hay trên sông dài, chơi vơi theo bóng sương chiều, theo đêm chờ đợi:
Xa xa êm lướt trên làn sóng
Bóng in chiếc thuyền lững lờ trôi xuôi dưới trăng
Hỡi con đò tình trôi nơi đâu
Hãy mang mối buồn ta tới phương xa…
(Tạ Tấn & Nguyễn Túc, Bên sông vắng)
Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Đường chia hai ngả biết tới phương nào…
(Lê Mộng Nguyên, Trăng mờ bên suối)
Còn đêm nay nữa ta ngồi với nhau
Ngước mắt trông trời
Ngày mai anh đã xa rồi tình tan vỡ
Chìm trong lãng quên.
Thuyền anh mai ra đi rời bến
Mình anh ra đi nơi trùng sóng
Tìm hướng cho lòng tìm bến mơ
Từ nay xa cách rồi bến xưa.
(Đoàn Chuẩn & Từ Linh, Chuyển bến)
Chiều dần rơi chìm dưới sương mờ
Chạnh lòng lữ thứ đầy bao ý thơ
Tay nắn phím rung tơ
Tơ vương niềm thương nhớ
Ngày xa lắng trong mơ…
(Châu Kỳ, Nhạc sĩ trong sương chiều)
Hình ảnh người nghệ sĩ dường như gắn bó với trời đất bao la, khi nắng sớm lúc sương chiều, ở đâu và thời khắc nào thì lòng vẫn mãi xuyến xao:
Ngày vui tan theo bóng chiêu dương
Hoàng hôn buông trên tóc liễu xanh
Trời mênh mông thưa thớt áng mây lờ lững.
Nhạc chiều nay vang khúc tiễn đưa
Buồn lênh đênh theo gió bốn phương
Chiều lâng lâng mây nước cuốn theo ngày vui…
(Trần Ích, lời Hoàng Hôn, Chiều chia ly)
Chiều nay mây giăng nét sầu
Sông nước lững lờ xuôi thuyền về đâu
Chiều nay mưa gió dãi dầu
Hoa lá phai màu gợi niềm thương đau.
Biệt ly cách xa muôn trùng
Xao xuyến lòng từ nay khuất bóng
Ngàn xa sương khói mênh mông
Luyến tình núi sông khiến ai chờ trông…
(Ưng Lang, lời Châu Kỳ, Chiều tiễn biệt)
Ra đi một sớm buồn
Sương mờ chập chùng buông
Mênh mang ôi lạnh lùng
Hồn xao xuyến
Chia ly một bóng người
Âm thầm dìu chân tôi
Lưu luyến đưa vài tiếng lên đường…
(Châu Kỳ, lời Hồ Đình Phương, Từ giã kinh thành)
Không chỉ chia ly với người mình thương yêu, đôi khi với bạn bè thân thiết cũng phải rời xa vì cuộc sống riêng nhưng trong lòng còn nhiều lưu luyến:
Anh có nhớ ngày mới quen nhau
Có những lúc ta tự hỏi lòng
Không biết khi nào lại trùng phùng
Mà lòng ta hoài mong.
Anh có nhớ rằng phút chia tay
Quyến luyến biết bao tình bạn bè
Mong ước sao mau cho ngày về
Mặt nhìn mặt dưới trăng thề…
(Dương Thiệu Tước, Bạn cùng tôi)
Bạn lòng thân mến đây giây phút hồn tôi
Nghe chan chứa hương đời
Nhạc lời êm ái tôi ca ấm vành môi
Mong sao đến bên người.
Bạn là trăng sáng trong đêm tối hồn tôi
Soi lên bao ánh tươi
Bạn là hoa thắm trên hoang vắng tình tôi
Vun lên một mùa mới!
Gặp nhau năm ấy trao câu hát làm tin
Đem cung phím gieo tình
Cùng yêu sông núi
Yêu duyên nước trời xanh
Yêu hương lúa thơm lành…
(Hoàng Trọng, Bạn lòng)
Từ nỗi buồn lãng mạn đôi khi người nhạc sĩ còn khái quát một cách triết lý để mở rộng thành một nhân sinh quan của chính mình: từ nỗi buồn tình yêu trở thành nỗi buồn nhân thế, từ nỗi buồn nhân thế trở thành nỗi sầu vạn cổ…
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ
Trong mưa thu ai khóc ai than hờ.
Vài con chim non
Chiêm chiếp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi mưa buồn chi
Cho cõi lòng lâm ly.
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời
Châu buông mau dương thế bao la sầu.
(Đặng Thế Phong & Bùi Công Kỳ, Giọt mưa thu)
Sự chia ly không chỉ đem lại nỗi buồn da diết mà còn để lại nỗi cô đơn hiu quạnh đến xé lòng, nhất là người nghệ sĩ khi đang trên bước đường lãng du mà lòng thì ngàn mối tơ vò:
Mây bao la trời đen u tối
Đêm đông trường lữ khách bâng khuâng
Ngóng về phương xa chờ tin nhạn
Nhưng nhạn nào có biết nơi nao mà chờ
Nhạn còn véo von bay cao bay xa tít
Chẳng có hẹn ngày về tìm ai nơi nao.
(Tu My, Tan tác)
Không có hình tượng nào sâu sắc hơn để diễn tả nỗi cô đơn bằng hình tượng con thuyền lạc dòng và trôi dật dờ khi xa bến:
Theo gió thuyền xuôi sóng đưa bèo trôi
Tiếng đàn trầm trầm man mác lòng tôi.
Nhìn con thuyền xa bến lòng ta còn lưu luyến
Hát khúc chia ly cho trái tim não nùng đôi chút
Cho tiếng tơ thêm càng réo rắt
Mái chèo nhặt khoan xen lẫn tiếng đàn.
Tôi khóc biệt ly khóc cho ngày đi
Không còn ngày về chia mối tình si…
(Lưu Bách Thụ, Con thuyền xa bến)
Chưa hết. Một con thuyền khác lại không còn bến nữa, chẳng biết trôi dạt về đâu giữa dòng nước bao la trong đêm thâu quạnh vắng. Một nỗi cô đơn rờn rợn trong mênh mông. Hình tượng đó khiến ta liên tưởng đến tâm trạng bơ vơ não nùng của người nghệ sĩ:
Lướt theo chiều gió
Một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương
Nước chảy đôi dòng
Biết đâu bờ bến
Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu
Trên con sông Thương
Nào ai biết nông sâu…
Ánh trăng mờ chiếu
Một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la
Thuyền mơ bến nơi đâu.
(Đặng Thế Phong, Con thuyền không bến)
c) Sự hoài niệm, tiếc nuối
Khi mối tình đã rời xa, điều còn lại với người nghệ sĩ là niềm tiếc nuối vô hạn để rồi họ không thể nào quên những ngày tháng tươi đẹp với bao kỷ niệm ấm áp, êm đềm đã qua:
Dư âm tiếng hát
Reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung
Đê mê lòng nhớ
Đêm qua giấc mơ môi em hé rung
Anh muốn thành mây
Nương nhờ làn gió
Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây
Muôn kiếp bên nàng.
(Nguyễn Văn Tý, Dư âm)
Yêu ai, yêu cả một đời
Tình những quá khắt khe khiến cho đời ta
Đau tủi cả lòng vì yêu ai mà lòng hằng nhớ.
Năm tháng trôi lạnh lùng hoài
Tình đó nhắc nhớ luôn đến ta tình ai
Nhớ cả một trời
Tình yêu kia mà lòng nào quên…
(Nguyễn Văn Khánh, Nỗi lòng)
Chiều nay niềm ái ân xưa
Tìm đến bên ai kể nỗi nhớ thương
Lời thề cùng cánh hoa rơi
Tàn úa bên song dưới ánh tà dương.
Xuân nay bao sầu nhớ xuân xưa
Tiếc mối tình phai hương
Đang lòng hầu dứt muôn đường tơ vương
Sầu vương áng mây bao nhuốm màu tang…
(Vũ Thành, Nhớ bạn)
Lời thề nguyền ngờ đâu xa vắng
Lòng tràn đầy sầu chung non nước
Hồn em có cùng người chứng minh
Anh bước ra đi luyến tiếc hoài
Đời còn có em nay mà thôi…
Nhìn chiều vàng đồi thông thưa thớt
Lòng bùi ngùi tìm em trong gió
Giờ đây viếng thầm hồn cố nhân
Năm tháng trôi qua sóng gió đời
Chiều chiều nhớ em khôn lòng nguôi…
(Nguyễn Văn Khánh, Chiều vàng)
Tâm sự biết gửi về đâu? Xin nắn nót cung đàn nhưng mối duyên đã lỡ, dây tơ đã chùng. Thôi đành âm thầm một bóng trong nát tan cõi lòng:
Tha thiết gởi mấy cung đàn
Nửa chừng xuân cung đàn lỡ
Ai nhắn người nơi xa ngàn
Tơ vương nghìn năm nát tan.
Nơi ấy giờ đây âm thầm
Chiều chiều mơ nơi đầm ấm
Vương khói trầm luân cay nồng
Xe tơ tầm cho nát lòng…
(Hoàng Giác, Lỡ cung đàn)
Ngàn đường tơ lướt theo mây giang hồ
Ngàn lời thơ xa vời mơ mơ
Lệ sầu rơi luyến thương đôi lời
Dịu làn môi sóng lòng chơi vơi…
Chim ơi tình ta hết rồi
Chim bay bay mãi bốn trời
Hận buồn lòng ta rã rời theo ngày trôi…
(Tạ Tấn, lời Hoàng Dương, Luyến thương)
Đàn bao tuổi rồi đàn ca chẳng ngơi
Bao dây đứt trong quãng đời
Tình tang tang tính tính tình…
Của tình duyên số mạng người
Đàn ca nửa lời để cùng nhẹ lối…
(Lê Thương, Đàn bao tuổi rồi)
Người nghệ sĩ thường chọn một không gian gần gũi để hồi tưởng về những kỷ niệm buồn vui, những lời yêu đương và hẹn thề trong quãng thời gian đã qua. Không gian đó thường là buổi chiều với gió mây, với sương lam hiu hắt:
Anh ngồi nhớ tới em những khi sương chiều dần rơi
Che mờ mờ bao cánh buồm khơi
Ôi con nước bên sông lờ đờ đâu còn in bóng
Những phút giây khi xưa đôi ta im ngồi…
(Hoàng Quý, Đợi chờ, 1938)
Sương lam tuôn rơi hắt hiu
Trên hàng thông xám reo vi vu
Khiến xui bao nhiêu nhớ nhung
Tàn lòng ước mơ.
Người đi phương xa đâu ngờ
Miền quê hương ai mong chờ
Đau đớn xót thầm từ ngày biệt ly.
Gió thu về mang thương nhớ
Ðến cho lòng thêm chan chứa
Lá ngô bay trong sương sầu
Biết bao giờ còn thấy nhau…
(Đan Trường, Trách người đi)
Chiều buồn với bao nhiêu mong chờ; ngồi đây mà hồn trôi theo dĩ vãng, lòng như ai oán với khúc điệu blues, slow vọng lên từ trong hoài niệm:
Chiều vàng rơi trong khúc nhạc tương tư
Đời phiêu lãng sống những ngày mong chờ
Thấu tình ta chăng hỡi người phương xa
Cung đàn theo với lòng thiết tha…
(Ngọc Bích, Khúc nhạc tương tư)
Chiều nay gió xa xăm vang khắp nơi
Như dáng em theo cánh chim tung chốn xa vời
Gây nhớ mong cho người yêu đôi nơi.
Thầm nghe gió hoang mang đưa khúc ca
Tôi ước mong mơ thấy em chiều năm xưa
Cố ngân phím đàn lỡ làng hình dung bóng xa…
(Dzoãn Mẫn, Gió xa khơi)
Không chỉ có buổi chiều buồn bã mà đêm về mới thấm thía nỗi buồn thương. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về khiến cõi lòng dâng lên nỗi nhớ nhung se thắt con tim:
Nhớ nhung, nhớ nhung ngập trời
Buồn vương khắp nơi gió trăng lạc lối
Nhớ nhung sắt se lòng quá
Phía tây mây mờ sầu lắng trong mơ.
Bóng dáng mây huyền lướt như tóc ai
Tha thướt buông phương trời
Hầu lôi cuốn tim ta rối bời.
Đây nét mặt trong trăng
Âu yếm như mỉm cười
Cùng nhân thế sầu đầy vơi
Nhớ nhung, nhớ nhung ngập trời
Tìm đâu bóng ai cho tâm hồn say…
(Thẩm Oánh, Nhớ nhung)
Mênh mông nước xuôi
Chiếc thuyền lờ lững theo dòng
Lờ lững theo dòng
Đùa ánh trăng vàng đầy sông.
Sông sầu nghe hát
Gió đưa tiếng một cô nàng
Hát chi cho lòng càng buồn thương
Đau thương sầu nhớ.
Đêm đêm vắng tanh
Có người mộng vỡ tan tành
Nhìn mảnh trăng tàn
Chìm dưới sông một màu xanh
Sông sầu buông tiếng
Nước reo gió than sóng gào
Nhắc chi cho lòng gợi buồn thương
Tiếng hát vấn vương…
(Xuân Tiên, Tiếng hát trong sương)
Đêm nay trăng chiếu êm đềm
Xa xa mây tỏa lững lờ
Gió lướt qua hàng cây liễu phất phơ
Soi bóng gương hồ vờn gió say sưa.
Đêm nay trăng gió đề huề
Bâng khuâng tiếc thương khúc nhạc ái ân
Vấn vương, vương vấn nhớ ai đó
Ngoài bốn phương
Thương ai sống đời gió sương
Rớt đôi ngấn lệ sầu thương.
Ai đi trong lớp sương mờ
Hay chăng em vẫn mong chờ?
Những lúc đêm tàn buông gió hoài mơ
Em vẫn âm thầm buồn nhớ năm xưa.
Xưa, ngày ấy đã đi xa mờ mờ
Những đêm hôm nào
Đầy trăng soi sáng mơ màng
Tới đây, ngồi đây ta cùng ngắm
Gương hồ long lanh dưới ánh trăng…
(Tạ Tấn, Bâng khuâng)
Tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng là một khúc nhạc tình buồn trong tiết tấu luân vũ chậm rãi:
Vầng trăng sáng lắng soi bên thềm
Chiều mây nước tiếng dương êm đềm
Lòng sầu vương buồn lan theo gió
Nhớ thương ai khắc khoải chờ mong…
Tơ lòng vương vấn, tâm tình ai thấu
Dưới trăng khuya này
Mình tôi ôm khối sầu đau.
(Hoàng Trọng, Vầng trăng sáng, 1938)
Hoặc một khúc điệu tango đầy u hoài man mác giữa bóng chiều vơi:
Chiều ơi về đâu
Chiều đi lòng nhớ bao nỗi u sầu
Chiều sương im lắng buồn
Mờ xa đôi cánh chim lùa theo gió
Chiều xa ngoài khơi
Thuyền theo dòng nước về chốn xa vời
Cành hoa phai sắc tàn
Còn đâu trăng sáng mơ bên vườn lan.
Nhưng giấc mơ tan.
Vương theo gió bao cung đàn.
Đâu dáng duyên xưa
Một chiều thu ta còn nhớ.
Nhớ hồi còn thơ,
Vai kề vai trong tiếng tơ.
Tuy xa vắng ta vẫn mong chờ,
Chiều sao hờ hững lạnh lùng thờ ơ.
(Nhật Bằng, Bóng chiều tà)
Niềm thương dù cho xa cách
Muôn trùng không phai mờ
Ngày tháng vấn vương
Theo áng mây trôi đi bơ vơ
Tìm lúc chiều về những phút say mơ
Tìm về lối cũ nên thơ
Hàng cây im bóng bên hồ.
Đàn ơi hòa theo tiếng gió
Mơ màng đi xa vời
Lời ai sao mà tha thiết
Êm đềm như chơi vơi
Hình bóng ngày nào đã quá xa xôi
Một tà áo tím bên tôi
Thầm nghe lá vàng nhẹ rơi…
(Nguyễn Hiền, Tìm đâu)
Hay một khúc slow buồn áo não vì lòng như muốn quên hết cả cuộc đời:
Đàn chim tung cánh xa khuất mờ
Chiều thu lưu luyến màu thương nhớ
Nhớ mái đầu ai nhuộm nắng vàng
Buồn biết bao giờ cho hết nguôi.
Lòng ta ai oán man mác sầu
Nhìn xa xôi nhớ thầm mong ước
Như sóng trùng dương theo cánh buồm
Là lúc quên đời không tiếc thương.
(Lâm Tuyền, Hình ảnh một buổi chiều)
Thời gian gợi nhớ thường đi đôi với cảnh vật chung quanh, thường là hình ảnh cô liêu, quạnh vắng. Tình cảm thì diệu vợi được mô tả trong bài hát sau đây bằng màu sắc sinh động của giai điệu (re thứ chuyển sang re trưởng) và sự dìu dặt của nhịp điệu luân vũ:
Chiều chiều riêng đứng bên sông
Lòng tràn ngập đầy bao nỗi nhớ nhung
Dòng nước trôi lững lờ
Thuyền ai lướt nhẹ trên sóng xanh mơ
Lời nguyện trong lúc chia ly
Sầu vương vấn từ khi bước chân đi
Buồn nhớ người xa vắng
Lòng mến thương người đi đã mấy trăng.
(Võ Đức Thu, Nhớ người xa vắng)
Còn đây là điệu ru êm ái nhẹ nhàng khi hồn đắm chìm trong chiều thu để nghĩ về mối tình xa xưa ấy:
Chiều về thu chiều buồn
Chiều về thu, chiều ơi chiều vương lạnh lùng
Mà làm ta sao như vương vấn
Chiều lâng lâng dịu dàng
Cảnh đó đây buồn mơ tựa dâng nỗi niềm
Lòng buồn tình xưa sao xa xa vắng…
(Nguyễn Văn Khánh, Lời thề xưa)
Chiều nay sớm về với sắc thu đắm u buồn
Cùng gió vàng với sương thu mờ buông
Ai có về nẻo xưa
Cho nhắn cùng người xa.
Nhớ khi hoàng hôn cùng ai dưới màn sương
Bước dần trên đường lòng réo rắt yêu đương…
(Nguyễn Thiện Tơ, Nhắn gió chiều)
Ngàn đường tơ lướt theo mây giang hồ
Ngàn lời thơ xa vời mơ mơ
Lệ sầu rơi luyến thương đôi lời
Dịu làn môi sóng lòng chơi vơi.
Ôi cánh chim buồn lướt sóng tha phương
Chốn nào tàn rơi một chiếc bóng xa
Bay qua ngàn trùng dương
Mang bao niềm thương
Say sưa nhạc sóng chim hoài chờ mong.
Chim ơi tình ta lỡ làng
Đường đời nhạc duyên bẽ bàng
Say sưa ân ái mơ màng bên nàng
Bồi hồi lòng ta hững hờ
Thuyền tình lạc nơi bến bờ
Sao ai vẫn cố mong chờ ngày mơ…
(Tạ Tấn, lời Hoàng Dương, Luyến thương)
Không gian đó có thể là một chiều có khuôn mặt thánh thiện của người yêu với mưa buồn ngoài giáo đường im vắng:
Thánh giá xa vời lắm với chuông chiều ngân
Hồn thánh thoát mưa dầm buồn tối âm thầm
Nơi giáo đường im bóng thầm mong ngóng
Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ.
(Nguyễn Thiện Tơ, lời Phi Tâm Yến,
Giáo đường im bóng)
Hoặc là một đêm thanh vắng, cô tịch với vầng trăng mà trong lòng tràn ngập cả nỗi buồn chơi vơi khi nhớ tới lời thề xưa và nhìn lại nỗi cô đơn trong giây phút hiện tại:
Dâng sóng sầu đàn ơi ta nhớ xuân nào
Xa khuất rồi một mùa bên ánh trăng soi
Ngợp hồn nhớ người tình xưa
Dưới ánh trăng mờ đã thề thốt lời mong chờ.
Xa vắng rồi người đẹp về bến mơ nào
Đâu những lời hẹn thầm ta sống bên nhau.
Chiều buồn tới nhạc hồn ơi
Sống âm thầm với đời giang hồ lẻ loi.
Xa xôi nhớ cung đàn, đêm nao giấc mơ tàn
Yêu em thiết tha dù lòng nát tan
Hôm xưa dưới trăng thề, sao ơi vẫn thẫn thờ
Khi nghe tiếng tơ tràn về thương nhớ…
(Ngọc Bích, Lời hẹn xưa)
Ánh trăng lan dần
Cô lái đò chờ trên bến sông
Lòng mơ hình bóng chàng
Dắt trăng theo
Thuyền sang ngang bến
Hồn nặng vương vấn
Bóng con đò nghiêng…
(Hoàng Trọng, Trên bến vắng)
Đêm nay sao trong mắt ta hoen mờ
Nhạc hồn ơi về dâng sầu nhớ!
Nhớ ai trong mơ, giấc mộng chiều xưa
Kiếp giang hồ theo gió mưa…
Đêm nay trăng thương xót ai trăng mờ
Trời về khuya thầm vương sầu nhớ
Trách ai năm xưa, nỡ đành thờ ơ
Xót xa chùng muôn phím tơ!
(Ngọc Bích, Hồn theo gió)
Đôi khi người nghệ sĩ không chỉ buồn trong tim mà còn phóng cái buồn ra khắp cả thế gian:
Nhớ nhung, nhớ nhung ngập trời
Buồn vương khắp nơi, gió trăng lạc lối.
Nhớ nhung sắt se lòng quá
Phía tây mây mờ, sầu lắng trong mơ.
Bóng dáng mây huyền lướt như tóc ai
Tha thướt buông phương trời
Hầu lôi cuốn tim ta rối bời
Đây nét mặt trong trăng âu yếm
Như mỉm cười cùng nhân thế sầu đầy vơi.
(Thẩm Oánh, Nhớ nhung)
d) Mong chắp cánh uyên ương
Khi chia ly, mỗi người theo một nẻo đường riêng của mình. Người đi thì về nơi xa, người ở lại thì cô đơn chiếc bóng trong cô phòng:
Cô liêu lòng ai sắt se đau thương
Tìm đâu cho thấy bóng ai
Sầu căng ôi đứt giây tơ đồng
Hận tình lạnh lùng theo gió đông
Một trời buồn nhớ bao la
Lời thề lòng ta vẫn thiết tha…
(Dương Thiệu Tước & Minh Trang, Buồn xa vắng)
Cô đơn khiến người nghệ sĩ mong ước người xưa quay lại, nhất là khi đêm về, đó là thời khắc dễ vang lên tiếng lòng khắc khoải. Ta hãy nghe giai điệu êm đềm trong bài dạ khúc (nocturne) của hai tác giả cùng chung tâm trạng:
Gió gây hương nhớ nâng tiếng đàn xa đưa
Sầu vương vấn gây mơ khóc trên dây tơ
Trong sầu nhớ bóng ai thoáng về cô phòng
Nào đâu thấy tình xưa mơ mòng.
Đàn ai lên cung oán (tang tình) gieo hờn
Đàn ai ngân theo gió (xế xang) gieo buồn
Bồn chồn trong đêm tối
Lần dò chân theo lối mấp mô…
(Nguyễn Mỹ Ca, Dạ khúc)
Đêm về trong bước phong sương lùa gió phũ phàng
Ai cười kiếp sống mong manh, lệ thắm cung đàn
Ai cất chén mong say sưa quên hận sầu
Mơ bóng dáng xưa
Trong tiếng tơ ngập ngừng, ai oán.
Đêm về trên bến cô liêu mờ xóa chiều tà
Lau thầm xơ xác run nghe sương chìm băng giá
Hồn ai về rền tiếng than như chập chờn
Hòa tan cùng nhịp sóng nước
Reo mịt mùng vẳng xa…
(Nguyễn Văn Quỳ, Dạ khúc)
Mối tình tan vỡ để lại trong lòng người nghệ sĩ không chỉ tiếc nuối mà còn nỗi mong ước một ngày nào đó được gặp lại, nối kết tơ lòng để còn được bên nhau trong một ngày đoàn viên để sống lại tình xưa êm đẹp:
Nàng ơi đường còn xa
Nào sánh bước đôi đi cùng
Khấn nguyền trăng già, nối duyên tao phùng.
Tôi tin rằng trời cao xui khiến chi đây
Không dưng thì làm sao đã có nơi này.
Cho đôi mình cùng đi xuyên núi qua đồi
Dưới bóng trăng đằng kia
Bước nàng khiến bước tôi.
(Đan Trường, Miếng trầu duyên)
Một hôm lại gặp nhau
Đời tươi vui cùng tia nắng
Trên cành hoa đào
Ta được gần bên nhau
Mặc không gian
Mặc cuộc sống ra thế nào.
Lòng ta được hân hoan
Cùng nhau ta có thể mơ những ngày sáng
Say đắm trong câu ca mơ màng
Ta hát theo cung đàn của giấc mộng vàng.
(Lam Minh, Mơ khúc tương phùng)
Bóng trăng xưa còn đây
Nhắc duyên tình bao ngày cùng ai mơ say
Bóng chim bay về đâu
Mắt vương sầu mi nhìn chân trời lòng đau.
Người xưa nơi đâu thấu chăng lòng ta
Buồn trông mây trôi lôi cuốn bao mơ
Tàn theo bóng trăng trong ngàn sương mờ.
Bóng trăng xưa còn đây
Xót xa lòng đâu người cùng ta mơ say
Gió mây đưa về đâu
Mắt vương sầu mơ nhìn chân trời lòng đau.
(Hoàng Trọng, Bóng trăng xưa, 1940)
Mối tình chẳng hề phai nên lúc nào cũng vang lên tiếng lòng tha thiết cùng hình ảnh đầy luyến thương và một ngày hẹn hò với người năm cũ có chăng chỉ về trong giấc mơ? Tâm sự được phô diễn trong khúc điệu tango say đắm:
Đàn ơi dù người xa cách
Nhạc còn tha thiết những khi chiều vắng
Nhớ chăng đêm nao
Đôi lòng hòa tiếng tơ vàng.
Chiều buồn về nhạc dâng ý thơ
Cung đàn nhớ nhung lời thề xưa
Còn đâu tiếng lòng
Còn đâu hình bóng một mùa chờ mong?
Hẹn ngày nào về trong giấc mơ
Ôi buồn nhớ nhung một chiều xưa
Hồn say đắm rồi
Chờ ta theo với
Người em ngoài phương trời.
(Xuân Tiên & Ngọc Bích, Chờ một kiếp mai)
Hay một lời tự tình chứa bao niềm mong ước chạy trên giai điệu ngũ cung và nhịp điệu slow não nề:
Mộng đẹp về trong đêm lắng mơ
Nhạc triền miên lâng lâng ý thơ
Bóng em tôi tha thướt mơ hồ
Đến bên tôi trong lúc không ngờ
Nhắc cho tôi phút giây mong chờ.
Rồi nhìn nhau không nói mấy câu
Thời gian đợi chờ ai mãi đâu
Lúc xa nhau muốn nói muôn lời
Ước mang sao cho đến bên người
Mắt nhung huyền ngất ngây hồn tôi…
(Hoàng Trọng, Tiếng lòng, 1953)
II. Những ca khúc ca ngợi thiên nhiên
1.Thiên nhiên tươi đẹp
Âm nhạc lãng mạn cũng tràn đầy cảm xúc trước thiên nhiên. Người nghệ sĩ ca ngợi vẻ đẹp của đất trời, mây nước, vẻ đẹp muôn sắc của thiên nhiên. Thảng hoặc một đôi bài hiếm hoi mang màu sắc quan điểm duy mỹ, còn hầu hết đều là cảnh quan gắn liền với miền đất cụ thể của đất nước. Thiên nhiên ấy hiển nhiên không phải là cảnh đẹp trừu tượng, hư cấu mà chính là hình ảnh quê hương, đất nước của người nghệ sĩ. Các tác giả đi vào cuộc sống, bước chân trên mọi nẻo đường, phác họa và ghi chép biết bao hình ảnh thân thương in dấu trong tâm hồn họ. Hình ảnh đó là cảnh thiên nhiên tươi đẹp hiện ra với bao dáng vẻ biến đổi theo từng mùa được các nhạc sĩ mô tả và rung động theo nhịp đập trái tim biết xao xuyến trước mỗi sắc màu, trước bao tình tự, bao mối u hoài, bao kỷ niệm được gợi lên từ đó. Thiên nhiên ở đây bao giờ cũng thắm đượm tình cảm đậm đà của người đối diện; cảnh và tình trong tâm hồn người nghệ sĩ không tách biệt mà chỉ là một, cảnh là cái nền cho tình trải rộng và tình được phô diễn hay gợi lên từ cảnh. Nói khác đi, người nghệ sĩ từ nội tâm bước ra ngoại giới và từ ngoại giới trở về nội tâm. Trong một số ca khúc ta tìm thấy thiên nhiên tươi đẹp, ấm áp, ở đó không gian như mở ra thanh thoát, tình cảm dịu êm và hương vị ngọt ngào trong niềm vui ái tình.
Bài hát về chủ đề thiên nhiên được đăng sớm nhất trên báo Ngày Nay ngày 31-7-1938 có nhịp điệu tươi vui, rộn rã là bài thơ phổ nhạc:
Chờ đợi bình minh, hồn non nước
Đang âm thầm sống trong gió sương
Chờ đợi bình minh, hồn hoa thắm
Đang êm đềm đắm trong giấc hương.
Đàn chim bay xuyến xao trên cành
Cùng mây trông đón đưa tin lành
Khắp nơi mơ màng, khắp nơi vui mừng
Chờ đợi ánh dương.
Bao nguồn sống, bao tưng bừng
Đầy mây nước, tiếng vang lừng nhường reo.
Bướm tung bay say đắm trên hoa
Hoa đón làn gió cùng nhau múa theo
Khúc thanh âm bình minh tươi sáng
Tươi khắp non sông
Khắp non sông vang tiếng ca
Vui mừng reo ánh dương.
(Nguyễn Xuân Khoát, thơ Thế Lữ, Bình minh)
Ngay từ rất sớm, hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và Thẩm Oánh đã phác họa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp cùng giai điệu dặt dìu trong nhịp luân vũ ở hai bài hát sau:
Vườn xuân hoa hé cười
Nhởn nhơ bướm lượn
Cỏ cây cùng hoa đua tươi.
Hương sắc hoa nhuần đượm
Gió thoảng đôi nơi
Ướp thơm riêng một góc trời.
(Nguyễn Văn Thương, lời Ngô Ganh,
Người đẹp vườn xuân)
Xuân về rồi, muôn đóa hoa đào tươi
Cười trong nắng sáng tươi
Buông mành tơ liễu soi hồ gương
Rộn màu sắc xuân vừa sang
Ngàn muôn tiếng vang lừng ca
Chim ghép đôi tung trời bay
Và âu yếm bên ngàn hoa
Cô gái mơ màng say…
(Thẩm Oánh, Xuân về)
Ta nghe tiếng reo vui trong sáng vang khắp đất trời của mùa xuân với muôn sắc màu tươi thắm:
Xuân tươi xuân vui
Xuân đẹp trong ý thơ đẹp trong tiếng ca
Đẹp trong sắc muôn ngàn hoa.
Xuân về ta chào xuân khắp nơi
Chào xuân thắm tươi
Chào xuân với bao ngày vui
Nắng xuân loáng in gương hồ
Bướm xuân giỡn nô trên bờ.
Làn gió vi vu hoài
Làn sóng rung rinh hoài
Làm cho ta luôn luôn khoan khoái
Với xuân tới ta vui cười…
(Lê Yên, Xuân nghệ sĩ hành khúc)
Xuân tưng bừng mừng xuân múa hát
Cho bao người cùng xuân vui chơi
Reo ca lên lời oanh gieo vang
Đời xuân ta đang thắm tươi…
(Nguyễn Hữu Ba, Xuân…xuân)
Trời huy hoàng chân mây
Nắng hồng phớt nhung
Non nước bốn phương nghe xuân về
Vườn xa thấp thoáng mưa hoa đào rơi
Chờ tin lành, hồ xuân sóng vàng nắng rung…
(Hùng Lân, Một mùa xuân huyền ảo)
Và đây khúc hát mừng đón bình minh với giai điệu tươi sáng được lồng trong nhịp luân vũ dìu dặt:
Bình minh tươi sáng đây đó khắp nơi
Trời xanh thắm tươi bao vật đều vui cười
Ðàn chim líu lo như đón chào bình minh
Nhởn nhơ bay liệng trên cành.
Ngàn hạt sương mai long lanh khắp nơi
Muôn ánh sáng tươi trên những cành hoa xa vời
Làn mây thướt tha đang êm đềm trôi qua
Gió đưa cành trúc la đà…
(Võ Đức Thu, Bình minh ca khúc)
Đây là lời ngợi ca bình minh với muôn tia sáng rọi chiếu khắp cảnh vật yêu kiều:
Trời bình minh nhẹ theo chiều gió
Muôn cánh hoa thơm hắt hiu lòng
Khoe sắc êm dịu dưới ánh hồng
Nhìn hoa thắm lòng bao nhớ nhung.
Ngàn tia nắng xuyên qua cành lá
Chim hót vang như muôn tiếng đàn
Tiếng trúc vi vu trong gió ngàn
Trời tươi sáng nhiều muôn sắc hồng…
(Hoàng Trọng, Mùa hoa thắm)
Trời bình minh lướt theo chiều gió
Bướm bay bướm bay chàng đi tìm yêu
Đầu cành muôn đóa hoa hàm tiếu
Lả lơi mỹ miều trêu bướm đa tình.
Vườn hồng nhung ẩn sau màn sương
Cánh phong kín hương nàng chưa hề yêu
Thường nàng trông những con bướm tơ
Nàng không ước mơ đời hoa thơ trinh…
(Nguyễn Văn Thương, lời Kim Minh,
Bướm hoa, 1942)
Có nhạc sĩ yêu loài hoa mai, quý mến cả sắc và hương rồi đem ví như người thiếu nữ đang yêu:
Hoa mai trong gió cười lả lơi
Hoa như ngây ngất say tình đời
Hoa như quyến luyến tâm hồn tôi
Như hẹn nhau từ ngàn kiếp xa xôi.
Hoa dâng hương ngát thơm vườn xuân
Nhụy vàng không chút vương bụi trần
Như cô gái nhớ mong tình quân
Hoa cười đang chờ đợi phút ái ân…
(Canh Thân, Hoa mai)
Đôi khi nhìn đóa hoa khoe sắc ngoài kia mà tưởng như người đẹp của lòng mình. Nhưng thiên nhiên tươi đẹp không chỉ mang lại niềm vui. Người nghệ sĩ lắm lúc suy tư khi nhìn đời hoa sớm nở tối tàn mà nghĩ về cuộc sống ngắn ngủi, phù du:
Nàng hoa sáng nay khoe thắm
Cùng hương trời say đắm
Dáng yêu kiều lắm
Hương ngát mơ màng
Ngàn hoa kém thua sắc nàng
Và giống ngàn lá vàng
Đều nghiêng nghiêng
Lá hoa như buồn ý riêng…
(Dzoãn Mẫn, Sao hoa chóng tàn)
Nhưng bên luống hoa
Kìa ai ngồi thở than
Thương cho đời hoa
Khéo sao sớm nở tối tàn.
Mà giờ đây muôn hoa thắm tươi
Hương theo gió đưa
Trong muôn sắc huy hoàng
Ai có ngờ đâu khi ánh tà dương
Lắng sau màn sương
Hoa lìa cánh biếc
Hồn theo gió vương…
(Dương Thiệu Tước, Kiếp hoa, 1948)
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vốn say đắm cảnh đẹp thiên nhiên nên viết nhiều bài hát về chủ đề này. Chẳng hạn cảnh đẹp mùa xuân tươi thắm:
Một ngày đẹp tươi hồng
Chúng ta thăm cảnh trời xa
Khi chân núi khi ven rừng
Gió mây chờ mong.
Nhạc rừng tràn âm thầm
Suối mơ reo và ngàn thông
Chim đua hót ca trên cành
Tiếng vang rừng xanh…
(Dương Thiệu Tước, Dưới nắng hồng)
Bên cạnh đó là những bài hát vẽ nên hình ảnh buổi chiều êm đềm, trầm lắng. Dĩ nhiên tác giả vẫn lồng vào đó chút tình riêng nhẹ nhàng của người nghệ sĩ. Giai điệu hai bài hát sau đây được chuyển tải trong nhịp luân vũ êm ái:
Trời hoàng hôn nắng vàng xao xuyến
Kìa làn mây gió quyến xa đưa
Mây trôi lững lờ, hồn ai luống ngẩn ngơ
Chiều lắng lắng xuống dần
Lắng lắng gieo buồn, chiều mơ.
Nhìn áng mây chiều
Thuyền mây lướt tha thướt về bến nao
Chìm trong bóng tà dưới trời u sầu
Làn mây kia gió đưa về đâu…
(Dương Thiệu Tước, Áng mây chiều)
Thuyền mơ trên dòng sông vắng
Buồm in bóng trên ngàn dâu xanh
Núi lam khuất sau ngàn cây
Như bức tranh chiều nắng tơ xây mộng vàng.
Làng ai bên dòng sông vắng
Kề bên núi lam miền Trường Sơn
Nhà ai khói tỏa mây mờ
Giống niềm thương nhớ
Chìm theo mây nước bao ước mơ
Bên sông lững lờ
Thuyền trôi trôi khuất xa mờ.
Thuyền ơi trôi về bến nao
Hồn thơ reo khúc ly tao.
Trong bóng chiều từ không trung
Chuông chùa buông
Tiếng trầm ngâm âm u.
Triền miên trên dòng sông vắng
Thuyền mơ bến xưa
Dòng trường giang
Buồm trông bóng in núi xanh
Gió về lưu luyến
Buồn thơ chan chứa trong sương chiều
Bến sông tiêu điều
Thuyền ai ai nhớ ai nhiều…
(Dương Thiệu Tước, Thuyền mơ)
Ngoại giới cũng là cái cớ để người nghệ sĩ giãi bày tâm trạng, nhất là cảnh vật tuyệt đẹp như tranh vẽ: rừng thu, suối mát – nơi ghi dấu bao kỷ niệm những ngày đã qua:
Suối mơ bên rừng thu vắng,
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng
Ngày chưa đi sao gió vương
Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương.
Suối ơi ôi nguồn yêu mến
Còn ghi khi bóng ai tìm đến
Đàn ai nắn buông lưu luyến
Suối hát theo đôi chim quyên…
(Văn Cao & Phạm Duy, Suối mơ)
Không gian tuyệt vời không kém là đêm trăng. Trăng bên bờ sông, trăng qua vòm lá, trăng chiếu làn mây, trăng phai bên thềm với âm thanh của tiếng tiêu, tiếng đàn và cả tiếng lòng nữa. Có lẽ vì thế nên nhiều nhạc sĩ đã say đắm ánh trăng khi muốn bày tỏ tâm tình hoài niệm của mình:
Bóng trăng dần xuống
Hàng cây hắt hiu theo gió buồn
Mây trắng mờ trong bóng đêm
Không gian lắng chìm vắng im.
Bóng trăng dần xuống
Xa vời bao bóng dáng yêu thương
Tơ trùng ai nắn buông
Cho lòng rung lên ngàn tiếng…
(Nguyễn Văn Quỳ, Nhớ trăng huyền xưa)
Chờ trăng lên ánh trăng e lệ mãi
Vương vấn mong lá rơi bên thềm vắng
Gió thu như cùng chia mối âu sầu của bóng cây tàn lá
Trong đêm hờ hững
Rồi trăng lên ánh trăng mơ huyền quá
Âu yếm hoa ý tơ dịu dàng say
Nghe ý thơ sắc hoa phô
Tình hương dưới ánh trăng mùa thu.
(Đoàn Chuẩn & Từ Linh, Ánh trăng mùa thu)
Ngày nào một giấc mơ
Đâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ
Khi áng mây thành thơ nhẹ gió đưa
Theo tiếng đàn thuyền mơ tìm bến xưa.
Một chiều mùa chiến chinh
Xuân ngát hương thanh bình say mối tình
Khi ánh trăng về vui đời thắm xinh
Bên dáng huyền thầm mơ lúc tuổi xanh…
(Ngọc Bích, Trở về bến mơ)
Ai nhớ chăng một đêm hè
Bên khúc sông dòng êm lắng
Dưới ánh trăng huy hoàng gió đưa lời than
Hòa với cung đàn u huyền
Trong gió đưa từ xa vắng
Tiếng tiêu như mơ hồ ngân dưới trăng ngà…
(Nguyễn Thiện Tơ, Tiếng trúc bên sông)
Trong âm nhạc lãng mạn có rất nhiều tác phẩm viết về thiên nhiên trong sự đổi thay thời tiết từng mùa. Nhiều nhất là các bài hát viết về mùa xuân. Bài hát sau đây mang tính chất trữ tình với những hình ảnh trong sáng, tươi vui được viết trên nhịp luân vũ tươi tắn, bộc lộ niềm hân hoan của con người trước mùa xuân mới:
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn luôn luôn cười với hoa.
Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi…
(La Hối, lời Thế Lữ, Xuân và tuổi trẻ)
Mùa xuân gắn với hình ảnh khu vườn có nắng hồng, có hoa khoe sắc thắm, có bướm lượn bay như muốn chào mừng cảnh vật đẹp tươi:
Vườn xuân hoa hé cười nhởn nhơ bướm lượn
Cỏ cây cùng hoa đua tươi.
Hương sắc hoa nhuần đượm
Gió thoảng đôi nơi ướp thơm riêng một góc trời.
(Nguyễn Văn Thương, lời Ngô Ganh,
Người đẹp vườn xuân)
Mùa xuân còn đem tới cho mọi người niềm tin non sông tươi sáng:
Xuân ơi sao nỡ đành dứt đi
Núi rừng mong chờ
Bao lâu đem trời tươi đẹp
Đến cho ngàn giấc mơ
Muôn cây sống
Bao ngày tháng êm đềm
Trong lúc xuân về
Non sông đã cười tươi
Trong nắng êm đềm chờ xuân…
(Ngọc Bích, Nhớ xuân)
Không chỉ có mùa xuân, thiên nhiên còn rực rỡ hơn nữa trong mùa hè. Ở đó niềm vui còn dâng trào và luôn thôi thúc trái tim người nghệ sĩ khi được trải lòng giữa bầu trời xanh bao la:
Hè bừng tia nắng,
Hè bừng tia nắng thúc tơ lòng căng.
Đóa hoa tươi cười,
Chập chờn rung nắng gió đưa lâng lâng,
Hồn hoa thắm tươi dâng đời
Tình ngập nồng dưới nắng hồng.
(Dương Thiệu Tước & Minh Trang, Nắng hè)
Trời hè trưa nắng xa xa trên đồi vắng
Dưới bóng thông xanh theo gió lả đưa
Đôi chú mục đồng đôi mắt buồn mơ.
Phía xa xa xóm làng
Buồn trong ánh nắng vàng
Êm êm nằm bên núi đồi xa vắng…
(Hoàng Quý, Trên đồi thông xanh)
Mùa hè ơi gió theo mây đến phương trời
Về muôn nơi lướt trên dòng nước trôi
Đời đầy vui cớ sao mây nỡ ngậm ngùi
Chiều hè sang với muôn lòng chứa chan.
Ta cười trong nắng hè
Hồn thơ lai láng đây khúc nhạc vang
Đời ta vui tiếng đàn
Hòa trong ánh vàng bóng dương ngời sáng…
(Hoàng Trọng, Vui cảnh mùa hè)
Không chỉ có mùa xuân và mùa hè, cảnh thu hiu hắt cũng vẽ nên được cái đẹp dưới đôi mắt của người nghệ sĩ:
Chiều về trên sông vắng
Chỉ thoáng có đôi cò trắng
Màn sương thu xuống dần
Vương vấn tiếng chuông chùa ngân.
Nhịp cầu đang duyên dáng
Nhìn bóng trên sông gợn sóng
Thuyền ai theo gió đưa
Lững lờ trôi qua bến mơ.
Sương thu xuống rồi
Trên núi đồi dưới biển khơi
Sương thu trắng ngần
Đang xuống dần khắp trần gian…
(Văn Phụng, Sương thu)
2. Thiên nhiên buồn bã
Các nhạc sĩ đã tô điểm những nét tươi vui của mùa xuân. Nhưng mùa xuân không chỉ đem lại niềm vui. Đôi khi nhìn thấy cảnh vật tươi thắm bên ngoài nhưng trong lòng người đợi chờ vẫn vang lên nỗi niềm thương nhớ và luyến tiếc một thời đã qua:
Đàn xuân tủi lòng nẩy cung đợi mong
Reo ai oán trong khuê phòng
Tình tang tang tính tính tình
Tình tang tang tính tính tình
Lạnh lùng hơn gió ngoài đồng.
Ngồi se chỉ hồng hỏi ai hiểu không
Tiếng oanh muốn nhắn lời
Thay những tiếng ngân
Như chiếc bóng người
Chưa dám nhắc chân
Chờ tin thơ chim hoàng oanh đưa
Còn xa bay trong áng sương mờ.
(Lê Thương, Bản đàn xuân)
Buồn nhớ bao la xuân xưa hoa còn tươi
Ngập trời hương sắc xuân tưng bừng
Tưng bừng khắp nơi
Bầy én chào đón vui cười ca hót vang lừng
Chúc hoa bao lời nồng say.
Xuân nay màu tàn sắc phai
Hoang vu vườn âm u tối
Bầy oanh yến vui đùa chốn đau thương
Cho hoa biết bao sầu đau…
(Dương Thiệu Tước, lời Thẩm Oánh, Tiếc một thời xuân)
Mùa xuân còn gợi mối tơ lòng, ở đó cung đàn dệt nên bao yêu thương chất chứa và nỗi chờ mong thầm kín của người nghệ sĩ:
Chiều nay sương rơi
Ướt vai người khách giang hồ,
Trời thu hiu hắt lá rơi nhẹ cuốn theo dòng
Rồi còn tìm đâu những năm xưa ngày ấy
Bên nhau tiếng đàn êm đềm nhẹ lá vàng rơi.
Đàn còn vang nhịp theo tiếng xưa
Dưới trăng bên thềm vai kề ta xây ước mơ
Còn tìm đâu thấy những khi nhịp bước trên cầu
Mộng đẹp đầy thơ ước xây bên nhà ấm
Nay thu đã về như nhủ lòng nhớ tình xưa.
(Nhật Bằng, Một chiều thu)
Thiên nhiên khi nhìn qua lăng kính con tim của người nghệ sĩ đã nhuốm màu sắc buồn bã vì trong lòng họ còn bao nỗi u hoài khi vắng bóng người yêu thương:
Lênh đênh theo gió hồn về đâu
Chơi vơi trong khúc nhạc vương sầu
Mùa xuân đến mơ dáng em về
Nụ cười đê mê bên làn tóc thề.
Mênh mang thương nhớ trôi về đâu
Xa em anh nhớ mùa trăng nào
Đời phiêu lãng theo sóng giang hồ
Từ ngàn kiếp xưa neo thuyền bến mơ…
(Ngọc Bích, Bến đàn xuân)
Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
Người yêu thoáng qua trong giấc mộng
Vui nguồn sống mơ những ngày mong chờ
Trách ai đành tâm hững hờ…
(Ngọc Bích, Mộng chiều xuân)
Thậm chí nỗi buồn đó dường như người nhạc sĩ còn tìm thấy trong dáng hình của con chim lẻ loi vì lạc bầy:
Trời xuân dịu êm như đắm say
Nắng xuân in vàng mái hiên ngoài
Hoa đào thắm tươi phô sắc tía
Gió uốn cành lá bướm lượn bay
Ý xuân nồng say tưng bừng khắp
Vườn xuân có một con đỗ quyên
Hót lên hoài ngàn muôn tiếng sầu thảm
Vì đâu hỡi chim mi buồn phiền…
(Phạm Văn Chừng, Con chim lạc bạn)
Thật vậy, trong dòng ca khúc lãng mạn đậm nét hơn cả là một thiên nhiên buồn bã, thể hiện rõ màu sắc đa dạng của tâm trạng người nghệ sĩ. Cũng như trong thơ ca lãng mạn, mùa thu bao giờ cũng được các nhạc sĩ nhắc đến nhiều nhất, ở đó biết bao tình cảm đậm đà được phô diễn. Dưới mắt họ, đó là mùa của nỗi buồn, của sầu thương và cô đơn:
Nhạc thu lắng trầm
Reo sầu gió hắt hiu bờ lau
Ánh nắng thu tàn
Sen úa vương màu nhớ thương nhau.
Nhạc thu lắng trầm reo sầu
Mây lướt trôi về đâu
Xa xa mờ sương phớt màu
Cây úa rơi hàng châu…
(Thẩm Oánh, Nhạc thu)
Vương màu nhớ thương nhau
Đàn chim bay thiết tha
Trên núi cao miền xa
Mang theo những nỗi buồn mộng mơ
Nguồn thảm sầu đã qua.
Khi ta đi liễu đang còn xanh lá
Trong đám cây
Oanh hót vài lời ca để chòng đám hoa…
(Lê Thương, Thu trên đảo Kinh Châu)
Nỗi sầu thương dấy lên tự cõi lòng vì cảm giác cô đơn, vì khuê phòng chiếc bóng trong khi bên ngoài thì gió thu se lạnh cùng âm thanh não nề. Đây là khúc tango của nhạc sĩ Hoàng Dương:
Chiều tàn mây thu man mác buồn vương
Vật vờ chim kia lướt cánh ngoài sương
Theo vút làn mây bên đường
Gió táp từng cơn điên cuồng
Buồn thu lai láng cố hương.
Chiều tàn mây thu lơ lửng về đâu
Dừng chèo thuyền ơi, ta nhắn vài câu
Có biết lòng ai ưu sầu
Theo bóng người đi bên cầu
Mịt mờ xa khuất về đâu.
(Hoàng Dương, Tiếc thu)
Chiều nay gió thu đã về
Đàn rung bao huyền âm não nề
Ai ơi ngoài xa sương gió
Nhớ chăng ngày nao đã nặng thề.
Người phương xa thấu chăng khi mùa thu tới
Phòng đơn chiếc thiết tha
Hằng trông ngóng người…
(Ngọc Bích, Thu về)
Từ nội tâm nhìn ra ngoại giới, người nghệ sĩ cũng chỉ thấy một không gian quạnh hiu, buồn tẻ. Không gian đó là chiều thu hiu hắt với lá vàng vèo bay trong cơn gió heo may:
Chiều thu lướt thướt bao đám mây thu vàng
Lờ lững trôi về rừng núi xa xăm
Chiều thu lớt phớt trên cô thôn êm đềm
Cùng bầy trâu đoàn mục tử trở về.
Đây đàn chim loáng thoáng bay
Trên ngành cây gió phất lay
Trong tiếng gió đưa hắt hiu
Vang theo trầm ngân tiếng tiêu.
(Nguyễn Văn Khánh, Thu)
Thu cô liêu, tịch liêu
Cô thôn chiều, ta yêu thu
Yêu thu, yêu mùa thu.
Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi
Một mùa thu, một mùa thu
Lá rơi, rơi rụng buồn chi lá vàng…
(Văn Cao, Thu cô liêu)
Trời thu bao la thuyền ai
Lướt trôi trên dòng nước xanh
Chìm trong sương sa
Muôn ánh sao huyền lấp lánh
Buồn vương tiếng ca như oán thương
Tình ta đã lỡ khuất ca
Sóng vàng triền miên
Lắng câu ca hò tình duyên…
(Hoàng Trọng, Bến mơ, 1951)
Không gian đó cũng có thể là khu vườn, là con thuyền trôi trong đêm trăng huyền diệu:
Vườn khuya trăng chiếu
Hoa đứng yên như mắt buồn
Lòng ta xao xuyến lắng nghe lời hoa
Cánh hoa vương buồn trong gió
Áng hương yêu nhẹ nhàng say gió lay…
Qua lá cành ánh trăng lan dịu dàng
Ru hồn bao nhớ nhung
Đêm lắng buồn tiếng thu như thì thầm
Trong hàng cây trầm mơ…
(Đặng Thế Phong, Đêm thu)
Thuyền trôi êm đềm con thuyền trong mơ
Lá reo u huyền lướt trên dòng thơ
Thuyền trôi bâng khuâng tiếng ca trầm dâng
Nhặt khoan mái chèo trên suối ái ân…
(Hoàng Quý, Đêm thu chơi thuyền dưới trăng)
Hay đêm mưa lạnh lẽo với hình ảnh cánh nhạn lẻ loi cũng gợi bao niềm nhớ nhung:
Mưa đêm thu trời lạnh lẽo gió thu vi vu
Cành rụng rơi lá vàng đầu ghềnh
Tiếng dế sầu canh.
Mưa rơi rơi, từng giọt nhỏ mái hiên rơi rơi
Kìa nhạn kêu dưới trời mù mù biết bay về đâu…
(Võ Đức Thu, Mưa đêm thu)
Trong không gian đìu hiu như thế, người ta dễ hồi tưởng mối tình xưa, tưởng như nàng đang về giữa chiều thu khiến lòng ta say đắm:
Lá thu nhẹ rơi rơi, nắng thu vàng phai phai
Ai về âm thầm nẻo cũ bâng khuâng tình xưa
Hiu hiu luồng hơi may, du du làn mây bay
Ai nhắn theo mây
Niềm quê vấn vương xa đó ngàn dâu thưa…
(Tô Vũ, Tiếng chuông chiều thu)
Nàng từ đâu tới đây, gieo sầu mùa thu
Nàng nhìn ta dưới hoa, nhìn thôi chẳng nói
Cớ sao nhìn ta?
Rồi lòng ta từ đó đắm say mơ màng
Chìm trong đôi mắt. Ôi đôi mắt nhung huyền
Nhìn ta không nói. Chiều thu ân ái…
(Lâm Tuyền, lời Dạ Chung, Lặng lẽ)
Hồi tưởng ngày qua mà trong lòng không nguôi thương nhớ: giờ ta đang ở đây mà người tình thì đi xa quá hoặc nàng còn ở lại mà ta thì đang trên đường gió sương:
Chiều nay sương rơi
Ướt vai người khách giang hồ
Trời thu hiu hắt lá rơi nhẹ cuốn theo dòng
Rồi còn tìm đâu những năm xưa ngày ấy
Bên nhau tiếng đàn êm đềm nhẹ lá vàng rơi.
Đàn còn vang nhịp theo tiếng xưa
Dưới trăng bên thềm vai kề ta xây ước mơ.
Chiều về lòng nhớ tới những phút ấy
Ngày nào đầy vui thơ nay khuất xa rồi
Chiều thu đem tới với ta bao nỗi u sầu
Còn tìm đâu thấy
Những khi nhịp bước trên cầu
Mộng đẹp đầy thơ ước xây bên nhà ấm
Nay thu đã về như nhủ lòng nhớ tình xưa.
(Nhật Bằng, Một chiều thu)
Chiều thu vấn vương vì đâu
Người ra đi nhớ chăng hôm nao
Trong lúc chia tay nhìn nhau
Thầm giấu ai đôi hàng lệ sầu.
Tìm đâu cố nhân giờ đây
Lòng quạnh hiu
Gửi cùng mây gió ngàn phương
Mơ bóng ai trong chiều sương
Hồn thêm nhớ thương cho lòng buồn vương…
(Dương Thiệu Tước, Ước hẹn chiều thu)
Người nghệ sĩ cảm thấy cô đơn trong không gian hiu quạnh đó. Và hình ảnh quen thuộc thường được mô tả về nỗi cô đơn chính là môtip người thiếu phụ ngồi đan áo hoặc dệt áo chờ chồng cả trong văn chương lẫn trong âm nhạc:
Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng nghe em
Mơ ngày bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng.
Đêm mùa thu chết
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo, lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng…
(Văn Cao, Buồn tàn thu, 1939)
Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ.
Nàng ngừng con thoi, có khi nhớ chàng
Có muốn gì đâu, lệ thấm tơ vàng…
(Phạm Duy, Chinh phụ ca)
Có thể nói nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – Từ Linh là người tình của mùa thu. Đó là mùa của muôn chiều lá đổ, của tà áo xanh, của thu vàng ấm, của gió trong mây ngàn, của lời hẹn ái ân…Vẫn là mùa thu buồn bã luôn bàng bạc trong tình yêu lỡ làng, tan vỡ và chia ly của ông:
Thu đi cho lá vàng bay
Lá rơi cho đám cưới về
Ngày mai, người em nhỏ bé
Ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt.
Có những đêm về sáng
Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi
Đã vội chi men rượu nhấp đôi môi
Mà phung phí đời em không tiếc nhớ.
Lá đổ muôn chiều ôi lá úa
Phải chăng là nước mắt người đi
Em ơi đừng dối lòng
Dù sao chăng nữa không nhớ đến tình đôi ta…
(Lá đổ muôn chiều)
Anh mong chờ mùa thu
Tà áo xanh nào về với giấc mơ
Màu áo xanh là màu anh trót yêu
Người mơ không đến bao giờ.
(Thu quyến rũ)
Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm
Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng
Mơ tới bên em em tô quầng mắt
Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung…
(Tình nghệ sĩ)
Với bao tà áo xanh đây mùa thu
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa.
Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian…
(Gửi gió cho mây ngàn bay)
Nhớ tới mùa thu năm xưa
Gửi nhau phong thư ngào ngạt hương
Nét bút đa tình lả lơi
Nhớ phút ngập ngừng
Lòng giấy viết rằng chờ đến kiếp nào
Tình đầu trong gió mùa người yêu ơi
Em nay về đâu phong thư còn đây
Nhớ nhau tìm trong ánh sao
Nhớ tới ngày nào
Cùng bước đến cầu ngồi xõa tóc thề
Hẹn lời ân ái
Trôi đến bến nào hình dáng thuyền yêu…
(Lá thư)
Với nhạc sĩ, giữa mùa thu lá rụng, chiếc lá lìa cành cũng đồng nghĩa mối tình sẽ chia ly, tan tác. Chuyện lứa đôi rồi sẽ trôi theo quá vãng và hình ảnh người tình cũng chìm khuất theo dòng nước vô tình:
Thôi thế từ đây
Anh cố đành quên rằng có người
Cầm bằng như không biết mà thôi
Lá thu còn lại đôi ba cánh
Đành lòng cho nước cuốn hoa trôi…
(Lá đổ muôn chiều)
Mùa thu dễ xui cho lòng bâng khuâng, tê tái. Tâm trạng đó của người nghệ sĩ thường được nhận ra trong khoảnh khắc thời gian của buổi chiều tà:
Chiều buồn len lén tâm tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa.
Quạnh hiu về thấm không gian
Âm thầm như lấn vào hồn
Buổi chiều chợt nhớ cố nhân
Sương buồn lắng qua hoàng hôn…
(Cung Tiến, Hoài cảm)
Lòng sao vẫn còn mang
Nỗi sầu mỗi thu về
Khi bóng ác tà
Khuất dưới làn sương chiều buông.
Còn đây núi kia đây dòng sông này
Nào ai biết chăng tấm lòng nát tan…
(Nguyễn Thiện Tơ, Nhắn gió chiều)
Đàn chim tung cánh xa khuất mờ
Chiều thu lưu luyến màu thương nhớ
Nhớ mái đầu ai nhuộm nắng vàng
Buồn biết bao giờ cho hết nguôi.
Lòng ta ai oán man mác sầu
Nhìn xa xôi nhớ thầm mong ước
Như sóng trùng dương theo cánh buồm
Là lúc quên đời không tiếc thương…
(Lâm Tuyền, Hình ảnh một buổi chiều)
Chiều về thu chiều buồn
Chiều về thu, chiều ơi chiều vương lạnh lùng
Mà làm ta sao như vương vấn.
Chiều lâng lâng dịu dàng
Cảnh đó đây buồn mơ tựa dâng nỗi niềm
Lòng buồn tình xưa sao xa xa vắng…
(Nguyễn Văn Khánh, Lời thề xưa)
Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống chiều thắm muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa thu về tơ vàng vương vương…
(Cung Tiến, Thu vàng)
Khoảnh khắc thời gian đó cũng thường là đêm tối yên tĩnh với khung cảnh cô liêu dễ khiến lòng gợi lên niềm thương nhớ:
Đêm nay riêng có bóng ta trong đêm trường
Cô liêu lòng ai sắt se đau thương
Tìm đâu cho thấy bóng ai
Sầu căng ôi đứt giây tơ đồng
Hận tình lạnh lùng theo gió đông
Một trời buồn nhớ bao la…
Lời thề lòng ta vẫn thiết tha…
Tơ vương thê lương ngàn hướng
Cách xa nhau muôn ngàn tiếng tơ
Muôn lời nhớ thương…
(Dương Thiệu Tước & Minh Trang, Buồn xa vắng)
Ngày nào một giấc mơ
Đâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ
Khi áng mây thành thơ nhẹ gió đưa
Theo tiếng đàn thuyền mơ tìm bến xưa.
Một chiều mùa chiến chinh
Xuân ngát hương thanh bình say mối tình
Khi ánh trăng về vui đời thắm xinh
Bên dáng huyền thầm mơ lúc tuổi xanh…
(Ngọc Bích, Trở về bến mơ)
Nhưng không chỉ có mùa thu, người nghệ sĩ cũng buồn vương theo cái lạnh lẽo tê tái của mùa đông, nhất là trên quê hương miền Bắc và miền Trung. Mùa đông luôn gieo cái sầu áo não trong tâm hồn họ:
Trời mưa rơi tí tách phố xá sao u buồn
Mình ta trên đường vắng lòng mơ ước yêu đương.
Kìa trên gác nhà ai thấp thoáng sau lá cành
Có đôi đầu chung bóng dưới ánh đèn dịu xanh…
(Hoàng Quý, Dưới ánh đèn xanh)
Mưa rơi hiu hắt ai sầu mùa đông
Không gian u ám sương mờ mờ buông
Xa trong đêm vắng chuông buồn buồn ngân
Mùa đông xưa rét mướt bến sông ngừng chân
Chờ ai trong tê tái lắng nghe chuông ngân…
(Lâm Tuyền, lời Dạ Chung, Tiếng thời gian)
Đêm đông xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng.
Đêm đông thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…
(Nguyễn Văn Thương, lời Kim Minh, Đêm đông, 1943)
Mưa rơi chiều nay vắng người
Bên thềm gió lơi mơ bóng ngàn khơi
Mưa rơi màn đêm xuống rồi
Mây sầu khắp nơi thương nhớ đầy vơi.
Bâng khuâng nghe tiếng tơ dịu dàng
Nhìn lá úa theo hoa tàn
Tiếc than phút giây lìa tan…
(Ưng Lang, lời Châu Kỳ, Mưa rơi)
Em đến thăm anh một chiều đông
Em đến thăm anh một chiều mưa
Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều.
Em đến thăm anh người em gái
Tà áo hương nồng
Mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh
Em đến thăm anh chiều đông giá
Em đến thăm anh trời mưa gió
Đường xa lạnh lùng…
(Tô Vũ, Em đến thăm anh một chiều mưa)
Đông về ngồi buồn nghe gió lơi,
Lá úa rơi hiên ngoài
Đông về ngập trời vương nhớ thương
Cho lòng không bao giờ nguôi…
(Ưng Lang, Nhạc chiều đông)
Mây chiều đông nay âm u trôi về đâu
Mang theo biết bao thương đau
Đàn ai buồn ngân trong gió rét chiều sương
Khơi bao nhớ thương sầu bên lòng.
Bên lầu xưa ta mơ hát khúc tình ca
Cho vang tới nơi phương xa
Nhìn mây chiều tan theo gió cuốn ngàn hướng
Có riêng mình ta mến thương…
(Hoàng Trọng, Gió lạnh chiều đông)
(Còn tiếp)