Dạ Thảo Phương
– Apsara điên, theo em trời thế này có nên uống khẽ tí không nhỉ?
– Nên, rất nên anh ạ.
UỐNG KHẼ
Không đếm nổi đã bao lần chúng tôi nói với nhau câu thoại đó trong suốt thời gian tôi làm việc cùng hoạ sĩ Trịnh Tú ở ban Cuối Tuần, báo Lao Động.
Ai nói, ai hỏi, “trời thế này” là thế nào, “uống khẽ” là uống gì và bao nhiêu lâu,… thảy đều không quan trọng lắm. Quan trọng là câu thoại này phải diễn ra đúng như thế. Nó giống như một dạng “di sản văn hoá phi vật thể” được lưu truyền trong “dân gian” những người sống quanh anh. Như một câu chú mà chúng tôi mơ hồ tin sẽ giữ lại chút vui và tươi vô hại trong một đời sống nửa văn nghệ sĩ trí thức nửa công chức, nửa phóng khoáng nửa tù túng, nửa mạnh mẽ nửa yếm thế, nửa tin tưởng nửa ngờ vực, nửa tha thiết với sự thực nửa chấp nhận sự cầm cương, thắng thế của những giả dối, bất công, ngu dốt, thô lậu…
Thỉnh thoảng lại có một “hảo huynh đệ” ở báo Lao Động hé cửa phòng ban Cuối Tuần, “tụng”:
– Cậu Tú ơi, trời thế này anh em mình có nên uống khẽ một tí không nhỉ?
– Nên, rất nên chứ. Nhưng anh còn phải vẽ nốt cái tranh Đốp này đã, đèo mẹ.
Uy lực của câu chú này mạnh lắm, mạnh hơn cả ý chí của Trịnh Tú, cha đẻ của nó.
Trịnh Tú uống nhiều. Với nhiều người và ở nhiều nơi. Cứ chắp nối những lời Trịnh Tú lầm bầm “khai”, khéo tưởng cả giới văn nghệ sĩ trí thức toàn những tên tuổi “không phải dạng vừa đâu” chỉ làm một việc chính là… uống với cậu Tú. Ký ức “uống khẽ” của anh không có điểm dừng: Đặng Đình Hưng, Trịnh Công Sơn, Đào Trọng Khánh, Hoàng Cầm, Lý Sinh Sự, Hoàng Hưng, Lê Thiết Cương, Bảo Ninh, Lưu Quang Định, Đặng Thái Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Hạnh, Ngô Mai Phong, Xuân Quang, Hà Phạm, Hà Linh Thư, v.v. Già, trẻ, dân văn, dân báo, dân nhạc, dân hội hoạ, kiến trúc, điện ảnh, thời trang, v.v. đủ cả. Trịnh Tú mang giữ một khối ký ức lẫn men rượu và men số phận của nhiều thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ. Tôi tiếc là Trịnh Tú không viết lại hiểu biết của anh từ những nhân vật từng cùng anh “uống khẽ” đó để chúng ta có thể hiểu hơn về con người và thời họ sống qua những câu chuyện không bao giờ có trên mặt báo.
Trịnh Tú uống rồi thành tâm giao với nhiều kiểu người, nhưng không vì cảm tình “uống khẽ” mà nhìn nhận người và việc thiếu thấu suốt chân tướng. Sau này tôi mới hiểu anh bạn được với nhiều kiểu người vì anh bao dung, không xét nét. Nhưng, là một người chính trực, anh có ý thức công bằng.
Trịnh Tú hay uống nhưng uống hay, không uống cốt say mà uống vì yêu thích việc uống với bạn bè. Bác Lý Sinh Sự bảo: “Thằng Tú uống có tâm. Rượu là cứ phải để cậu Tú thẩm, nhìn cậu nâng chén rượu lên, ria mép cậu múa một cái rồi mới từ từ nhấp, thế mới thú”.
Uống rượu với Trịnh Tú vui mà lịch. Như dạo vườn thiền am với một vị thiền sư.
Có lẽ vì thế mà ai cũng thích “uống khẽ” cùng anh.
Sau những biến cố ở báo Văn Nghệ, thời ở Lao Động tôi hầu như không “giao lưu ngoại khoá” với đồng nghiệp. Chỉ thỉnh thoảng “uống khẽ” cùng cả ban, và thích nhất là điểm danh ở phòng bác Lý Sinh Sự.
Toàn người hay, vui rộn ràng. Mọi người uống và nói, tôi không giỏi hai việc này nên chỉ “ỏn ẻn” tiêu diệt mồi. Bác Lý bảo: “Con Mực này, cậu Tú phanh nó lại cho tôi. Tao theo dõi rồi nhé, mày ăn mồi nhanh thế. Từ mai tao phải buộc cái dây lạt vào cổ chân mày, bao giờ tao giật dây mày mới được gắp”. Trịnh Tú nhìn tôi, cười khì. Anh thì chỉ uống, không ăn. Đầu cuộc, tôi lo lắng bảo: “Anh ăn chút gì đi rồi hẵng uống cho êm bụng”. “Ừ, bé cứ để đấy tí anh ăn”. Nhiều “tí” sau: “Anh ăn chút đi, anh Tú. Miếng này nhé!”. “Ờ, cảm ơn Apsara, anh ăn nãy rồi”. Điêu vãi.
Một lần, cả “đạo tràng” đang ngồi “hành lễ” thì có một vị sếp to ở đâu đi vào. Sếp nói, giọng gần gũi quần chúng: “Anh em làm việc xong tụ tập ở đây hả, vui quá nhỉ”. Rồi để gần quần chúng hơn, sếp bốc cả khúc salami chưa thái lát, bỏ miệng. Sếp đi rồi, Trịnh Tú làu bàu: “Đéo biết uống, mà cũng đéo biết ăn. Ai ăn salami như thế, phí cả salami với rượu. Văn hoá cả đấy. Đèo mẹ”. Người ta xem nhân tướng, xem tử vi, xem lý lịch, Trịnh Tú thì xem tướng qua uống rượu, ăn salami. Nhưng ai biết vị sếp này rồi, sẽ hiểu, Trịnh Tú không đo văn hoá một người chỉ vì chuyện ăn uống.
NGƯỜI NGỒI GÓC PHÒNG
Ban Cuối Tuần nửa nhân sự là nữ. Chị Kim Anh xinh đẹp và thân với anh Tú nhất, anh gọi là “em Kim Anh ơi”. Tôi – Apsara Điên. Bọn trẻ và xinh ngất ngây thì được Trịnh Tú gọi bằng những cái tên khủng: Vũ Quỳnh Hương – Bò Đẹp Bò Điên, Mai Hoa – Chim Sẻ Ăn Cứt Thối, Anh Thư – Ỏng Thối, Mai Châu – Maika điên, Thuỷ Lê – Thuỷ Lê Rồ, v.v. Các nam nhân số phận hẩm hiu, không được Trịnh Tú đổi tên. Thỉnh thoảng Trịnh Tú réo:
Chim Sẻ Ăn Cứt Thối, thật ra cuối cùng thì tên mày là gì nhỉ?
Dạ, tên cháu – từ đầu đến cuối và luôn rất thật – là Hoa ạ. Bác nhớ nhé, Hoa không thối.
Chả ai quên tên người ta mà dõng dạc như Trịnh Tú.
Trịnh Tú ngồi bàn góc trong cùng của phòng, cùng dãy với tôi. Đối diện là một khu tập thể, nghe nói có nhà anh hùng La Văn Cầu. Trịnh Tú mơ mộng: “Có khi nào đang ngồi vẽ thế này lại bắt gặp cảnh một em xinh đẹp thay áo làm mẫu luôn không hả mày?”. Rồi một hôm anh “ấm ức” thông báo: “Đợi mãi, hôm qua mới có người thay áo. Mà là ông La Văn Cầu”.
Trịnh Tú làm việc chậm rãi, chỉn chu, chăm chú. Nhìn mặt anh là biết anh đang làm gì. Mặt đần ra, nhìn chằm chằm vào ô cửa kính trước mặt như tra vấn sao người thay áo không phải một yểu điệu thục nữ mà lại là một vị anh hùng già cụt tay- nghĩa là, anh đang viết một bài phê bình. Mặt múa theo tay, thỉnh thoảng nheo mắt nhăn trán- đang vẽ. Bài và minh hoạ của anh thường được ký duyệt nhanh, nhưng cũng có khi gặp “sự cố”. Chim Sẻ – cô thư ký ban:
– Bác Tú ơi, sếp bảo tại sao bác vẽ cô hở ti lên báo, không duyệt nhé.
– Hở có tị ti, đẹp thế này. Đèo mẹ. Thôi bố mày mặc cho thêm cái yếm.
Trịnh Tú phớt đời. Anh làm việc cẩn thận nhưng không trầm trọng hoá nghề nghiệp của mình như môt số đồng nghiệp khác. “Đèo mẹ, thằng này cứ hoắng lên. Viết báo chứ có phải viết kinh đâu”. Anh thừa hiểu sự hạn chế của báo chí khi nó không tồn tại độc lập với quyền lực chính trị. Có lần toà soạn nhận lời chê của một bạn đọc là báo đã “bớt tính chiến đấu”, chúng tôi phải “rút kinh nghiệm”. Trịnh Tú làu bàu: “Thời nay người tử tế ai còn nệ báo. Ai bảo đọc, lại còn chê, đèo mẹ”.
Một trong những việc chính của tôi là phụ trách trang Chuyên đề cuối tuần, những ngày làm trang bài vở dồn ngập, tôi thường phải làm việc ngoài giờ. Trịnh Tú cũng có khi ở lại muộn, chắc đang ngồi “uống khẽ” đâu đó thì bị réo biếm hoạ. Những buổi cùng làm việc muộn này làm tôi và anh có dịp nói chuyện nhiều hơn.
Có một chuyện tôi luôn không biết là thật hay anh nghe ai bịa. Trịnh Tú kể chuyện một ông tổng biên tập báo mới lên chức nọ. “Đi công tác miền Trung, Apsara hiểu không. Anh em phóng viên mới đưa đi tham quan mấy cái tháp Chàm đang trùng tu. Bèn hỏi anh em: “Lò gạch nhà mình to quá nhỉ. Sản lượng thế nào?”. Tôi cười rũ: “Bịa, anh bịa”. “Anh không bịa. Ngu văn hoá thật mà”.
Một lần, Trịnh Tú đi ký minh hoạ về, ném tập bản thảo lên bàn: “Đèo mẹ, anh vào phòng thì bắt gặp thằng X đang uốn lưỡi nịnh sếp. Tởm. Viết có đến nỗi nào mà sao phải làm những việc tởm thế”.
Thấy Trịnh Tú xuề xoà, hay đùa tếu táo, đừng tưởng anh không có những nguyên tắc rõ ràng của mình.
Trịnh Tú có tài uống rượu say mà vẫn thanh, nói đệm nhiều mà không tục tĩu. Anh làm tôi nhận ra tầm quan trọng của hệ từ tục trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Nếu hệ từ tục này chết đi, thì ngôn ngữ sẽ bị mất đi sự phong phú, tính hoàn chỉnh. Bậy, xấu, bẩn hay không không phải do bản thân từ, mà do cách dùng, người dùng. Trịnh Tú nói tục nhưng không phản cảm mà rất duyên dáng, như thể anh tự chơi đùa, giễu nhại cái cốt cách lịch lãm lạc thời nhưng đã ăn vào máu của mình.
Khi một người mới mất đi, người ta thường có xu hướng cất cao lời ca tụng, nếu chỉ đọc những ca tụng ấy, khó hình dung được những nốt nhạc trầm trong cuộc đời thật của họ.
Bản tính hiền hoà, chậm rãi, tưng tửng, không đua tranh, lại đã cứng tuổi, Trịnh Tú không phải là một nhà báo có tiếng nói uy lực ở cơ quan. Cái tầm văn hoá trong kiến thức và ứng xử của anh như ánh vàng trong tranh sơn mài, không dễ bắt mắt, không phải ai cũng nhận ra đúng giá trị. Có những lúc công việc của anh cũng chông chênh, có lúc bị ít nhiều xúc phạm, bị xử ép. Có lúc Trịnh Tú uất ức chút xíu, rồi, là người từng trải, anh chọn buông. “Bố mày đéo cần”. Nhưng thường, anh chỉ ngồi gật gù đợi “bão” qua, gương mặt phẳng lặng một nhếch mép kín đáo.
SỐNG KHẼ
Trịnh Tú sinh năm 1949, là con thứ 10 trong một đại gia đình trí thức nổi tiếng.
Cha của anh là hoạ sĩ – thiền sư Trịnh Hữu Ngọc, tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông từng là người giúp việc của hoạ sĩ Nam Sơn – một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Ông cũng là học trò môn hội hoạ của Victor Tardieu – Hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Năm 1939, ông thành lập thương hiệu nội thất MÉMO, trở thành nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, làm ăn phát đạt.
Theo tờ Vietnam Finance, “năm 1954, xưởng MÉMO đóng cửa dưới chế độ mới. Ông Trịnh Hữu Ngọc đứng trước nguy bị đi cải tạo tư bản tư doanh và tịch biên tài sản nhưng may mắn thoát được. Xưởng MÉMO được bán cho Bộ Quốc phòng với giá “xóa hết nợ ngân hàng của Ông MÉMO”. Năm 1959, khu xưởng MÉMO ở 78 Hàng Bông Nhuộm cũng được nhường lại cho Sở Công nghiệp Hà Nội sử dụng”.
Trịnh Hữu Ngọc đặc biệt chú trọng đến việc học của con cái, gia đình Trịnh Tú có rất nhiều người hoạt động trong giới văn nghệ sĩ trí thức. Các chị em gái Trịnh Thị Ánh, Trịnh Thị Nhàn, Trịnh Thị An, Trịnh Thị Nhân, Trịnh Ngọc Anh đều là nghệ sĩ piano, (tiếng đàn của Trịnh Thị Nhàn đã đi vào câu thơ của Phan Vũ “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”). Đi theo con đường hội hoạ ngoài Trịnh Tú còn có các anh chị khác của anh như hoạ sĩ Trịnh Hữu Trí, Trịnh Thị Nhã, Trịnh Lữ (Trịnh Lữ còn là một nhà văn, dịch giả nổi tiếng). Thế hệ sau trong gia đình: Con gái anh là hoạ sĩ Trịnh Cẩm Nhi, các cháu là pianist Phó An My, KTS Phó Đức Tùng…
Trịnh Tú học đại học Mỹ thuật, nhưng đến năm thứ ba thì bị đuổi học vì “tội” sơn một bức tường giúp nhà thờ. Được vị cha đạo tặng cho một đĩa xôi gà, nhưng đường học thì đứt gánh. Giáo sư – bác sĩ Tôn Thất Tùng, bạn thân của hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc, nhận anh làm thư ký riêng. Tài năng và nhân cách của Tôn Thất Tùng có nhiều ảnh hưởng đến Trịnh Tú, anh coi ông như người cha thứ hai. Nhà báo Lưu Quang Định nhớ lại. “Như tôi được biết, anh là người cung cấp thuốc chữa bệnh (thời đó, đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, vẫn còn bao cấp, thuốc chữa bệnh hiếm vô cùng) cho một nửa văn nghệ sĩ của Hà Nội. Ai có bệnh gì cũng nhờ anh. Chỉ riêng trong gia đình tôi, chị Lưu Khánh Thơ, cháu Lưu Minh Vũ mấy lần vào Bệnh viện Việt Đức mổ đều nhờ anh”.
Sau này anh chuyển về báo Lao Động, chuyên vẽ minh hoạ, biếm hoạ, viết bình luận các sự kiện mỹ thuật và nhạc cổ điển (ký tên Trịnh Tú, Trịnh Cẩm Nhi, Đốp, v.v.)… Có thể nói, suốt mấy chục năm làm công chức ngành y rồi công chức ngành báo, Trịnh Tú là một cái tên được biết đến và yêu mến trong khắp giới văn nghệ sĩ trí thức hàng đầu của xã hội, nhưng vẫn là một một gương mặt nghệ sĩ “im lặng”. Không ít người nói anh tài hoa, có nền tảng văn hoá tốt, nhưng lông bông, không bằng cấp, chỉ thích uống với bạn. Bản thân anh cũng tự nhận mình là kẻ “ham chơi”, “bất cần”. Nhưng tôi không nghĩ vậy.
Từ những nhà văn hoá, trí thức, nghệ sĩ tài hoa và bặt thiệp bậc nhất Việt Nam cho đến các anh em làm báo trẻ lang bạt kỳ hồ, mọi người yêu quý anh hẳn không chỉ vì anh lương thiện, hào hoa, uống rượu, nói chuyện hay ho đều hay ho. Cũng không chỉ vì anh tốt tính, ân cần, là anh “cựu thư ký của ông Tùng”, nhiệt tình với bạn bè khi ai đó cần bác sĩ giỏi, thuốc tốt, là người phóng viên cần mẫn đưa tin các sự kiện nghệ thuật. Cái tư chất văn hoá và trí thức ăn sâu vào tận máu của anh, chỉ những người ở tầng văn hoá xô bồ mới không nhận thấy và nể trọng.
Tôi thường nhớ đến dáng vẻ hiền, tĩnh của anh trong góc phòng báo Lao Động. Đôi khi nói, đôi khi cười, đôi khi cáu, nhưng thật ra luôn luôn im lặng. Mấy chục năm đó nhìn như thể anh bơi trong rượu, sống vô mục đích, nhưng thực ra người nghệ sĩ trong anh không yên phận đời công chức nửa mùa hời hợt, mà vẫn im lặng thẩm thấu, im lặng tra vấn. Như một hũ rượu quý ẩn nhẫn im lặng trong quá trình lên men.
Nhiều năm tôi hầu như không còn giữ liên lạc với người quen cũ ở Việt Nam, cách đây mấy tháng mới gặp lại Trịnh Tú trên mạng. “Apsara à, anh Tú đây” – giọng anh hơi yếu nhưng vẫn ấm áp như xưa. Trịnh Tú trò chuyện với tôi gần 2 tiếng đồng hồ, thoải mái thân thuộc như thể chưa có nhiều năm xa cách. Trịnh Tú không khoẻ nhưng hạnh phúc, hạnh phúc của một nghệ sĩ đã tìm thấy ngôn ngữ của mình, của một con người đã tìm thấy tự do trong tâm tưởng.
Hũ rượu đượm thời gian đã được mở nắp rồi.
Tôi kinh ngạc trước cơn lốc sáng tạo phóng khoáng, mãnh liệt của Trịnh Tú trong mấy năm trở lại đây. Anh vẽ nhiều. Vẽ đẹp. Vẽ ra được ngôn ngữ của riêng mình. Và vì cơn lốc đó là của Trịnh Tú, nên nó mãnh liệt nhưng vẫn tĩnh tại. Nó không phá huỷ cái gì, vì bản thân việc phá và xây đều không phải mục đích tối thượng. Nó chỉ cuốn anh và những người đồng cảm vào khoảng không gian trong thực tại mà không phải là thực tại, một thế giới nguyên lành của ký ức một vùng văn hoá, một vùng ngôn ngữ của Cái Đẹp. Anh là người từng trải, có những lúc mất mát, bất lực và cay đắng, nhưng tất cả đều đã được hoá giải trong men ủ im lặng của cả một đời người. Những hơi thở bằng thứ màu sâu lắng mà nhẹ bẫng, vừa vô thường vừa vĩnh cửu, như mây. Tranh anh không có cái áp lực muốn lập ngôn, muốn chứng tỏ điều gì với ai. Nó là nụ cười dịu hiền của một người đã tự làm hoà được với ngoại cảnh, với số phận, với chính mình. Một thứ tình âu yếm, bao dung, không sở hữu.
Trịnh Tú hẹn, “Về Việt Nam Apsara phải qua nhà thăm anh để anh vẽ tặng em một bức cẩn thận nhé. Hồi xưa chỉ toàn vẽ ký hoạ em, tiện gì vẽ nấy, có khi đang vẽ bút bi còn bị chảy mực, Apsara nhớ không. Với anh Tú, Apsara lúc nào cũng là cô em gái anh rất quý, rất thương, rất trọng”.
Trịnh Tú vẫn vậy, anh làm những người bên anh, dù tầm thường như tôi, cũng có cảm giác được anh đối xử một cách đặc biệt, với tình yêu mến trong lành.
Những lời độ lượng, hào phóng đó của anh, đâu ngờ, là món quà cuối cùng anh tự mình lịch thiệp trao tôi.