(Phần hậu ký của tiểu thuyết Đinh trang mộng)
Diêm Liên Khoa
Nguyễn Thị Thúy Hạnh dịch
10 giờ sáng tháng tám năm 2005, tôi hoàn thành trang cuối của cuốn tiểu thuyết Đinh trang mộng. Khi hạ bút ở dòng cuối cùng, tôi ngồi cô độc, bần thần trước bàn làm việc. Đột nhiên trong tôi dấy lên cảm giác buồn bực bất an, không biết phải làm sao, dường như tôi cần được tâm sự với người khác về cảm xúc đang trào dâng trong tôi. Điều đó thôi thúc tôi mãnh liệt đến nỗi giống như một người nghiện ma túy cần thuốc ngay tức khắc. Nhưng thời điểm ấy, vợ tôi trở về quê hương Hà Nam, con trai học ở Thượng Hải, lại đang lúc lên lớp, bạn bè tri kỷ của tôi chỉ có vài người. Điện thoại khi đó rõ ràng không tắt máy, mà là nằm trong vùng phủ sóng. Tôi gọi liền mấy cuộc. Cuối cùng, không hiểu tại sao, tôi vứt ống nghe lên bàn, ngồi phịch xuống đất, không ngăn nổi hai hàng nước mắt rơi lã chã. Cơ thể tôi cạn kiệt sức lực như bị rút thịt xương, cảm giác cô độc mà vô vọng ghê gớm bủa vây lấy tôi, như thể tôi bị ném xuống một biển lớn không người, một hòn đảo cô độc không có cỏ cây chim chóc…
Tôi ngồi cô độc trên ghế sô pha trong phòng khách, mắt mở trừng trừng nhìn lên bức tường màu tuyết trắng xóa, cơ hồ đang nhìn vào bên trong một cuốn tiểu thuyết như “một tấm khăn tang phiêu động tựa tuyết trắng” và như “câu đố mà nhà nhà đều dán lên cửa trong các căn hẻm lâu đời”, lại phảng phất như đang nhìn vào một “đồng bằng không có người ở mà rộng lớn vô hạn”. Thứ nội tâm đau khổ, tuyệt vọng và bơ vơ không nơi nương tựa đó, tôi đã từng trải qua vào cuối năm 1997, khi viết xong Nhật quang lưu niên, và, tôi cũng từng trải qua, vẫn cảm giác đó, vào tháng 4 năm 2004, khi hoàn thành Thụ hoạt. Nhưng cả hai lần ấy, cảm giác đau đớn của tôi đều không đến mức mãnh liệt như khi viết xong Đinh trang mộng, một cảm giác rất khó diễn tả bằng lời.
Tôi biết rằng, nỗi tuyệt vọng mạnh mẽ này, không vẻn vẹn chỉ là kết quả của một lần hoàn thành Đinh Trang mộng, mà là một quá trình nghiệm sinh về cảm giác đổ vỡ tự bên trong của sự viết, là một đài tưởng niệm cho sự kết thúc của Đinh Trang mộng. Từ năm 1994, khi bắt đầu khởi bút viết Nhật quang lưu niên, tới năm 2002 viết xong Thụ hoạt, cho đến năm 2005 hoàn thành Đinh Trang mộng, đó là những năm tháng chồng chất, tích lũy bao nỗi khổ đau và mệt nhọc của tôi. Ánh sáng mặt trời từ ngoài cửa sổ nhạt dần, chiếu rọi qua căn phòng, làm cho hình ảnh của làn bụi bay trong không khí nơi phòng khách có thể nhìn thấy rõ, giống như vô số linh hồn trong tiểu thuyết đang thì thầm vào tai tôi. Sau đó, tôi ngồi ngây ra như một khúc gỗ, nước mắt đầm đìa, tâm trí tôi trống rỗng mà hỗn loạn vô trật tự.
Tôi không thể nói rõ được vì sao mình đau khổ, vì sao mà rơi lệ, tại sao lại cảm thấy tuyệt vọng và bất lực chưa từng có như thế. Là vì cuộc sống của bản thân chăng? Hay vì thế giới bên ngoài? Hay vì quên hương Hà Nam của tôi? Hoặc thậm chí, vì còn biết bao nhiêu người bị bệnh AIDS ở các tỉnh và khu vực mà tôi không biết được? Cũng có thể, do công việc sáng tác của tôi, đối diện với thời điểm hoàn thành Đinh Trang mộng, tôi đã vắt kiệt sức của mình, tưởng như đã đi đến tận cùng con đường. Vì vậy, tôi không biết mình ngồi khóc hết bao nhiêu nước mắt, không biết mình khi nào ngừng khóc, rồi bỗng trở nên câm nín, không động đậy, không thốt nên lời. Chỉ nhớ rằng, buổi trưa hôm đó tôi không ăn uống gì. Vào khoảng 1 giờ, tôi đi ra khỏi nhà, men theo phần đường của người đi bộ trên tuyến đường sắt Bắc Kinh số 13 cách nhà tôi không xa, đến một nơi hoang vắng không bóng người. Và, lại một lần nữa, cô độc ngồi bên cạnh bìa rừng, cho đến khi mặt trời lặn mới lần trở về nhà. Lúc đó, tôi mới cảm thấy ý thức dần dần hồi phục, cảm thấy mình đang sống lại, cảm thấy những nhu cầu trần tục tất yếu đối với đời sống cá nhân.
Khi trở về nhà, tôi đã ăn một gói mì ăn liền, không rửa mặt, cũng không đánh răng, không thay quần áo, lên giường nằm ngay. Tôi ngủ một mạch đến sáng ngày thứ hai, giống như một lữ khách sau một hành trình dài dằng dặc, vào lúc hoàng hôn, buông mình xuống chiếc giường nơi quán trọ. Ba tháng sau, tôi tiến hành vài lần chỉnh sửa tiểu thuyết. Mỗi lần chỉnh sửa, là lại thêm một lần cảm thấy nỗi tuyệt vọng sâu sắc đối với đời sống, thêm một lần cảm thấy tuyệt vọng trong công việc sáng tác. Bây giờ, Đinh Trang mộng cuối cùng đã nằm trong tay nhà xuất bản. Nhưng tôi cảm giác không chỉ là giao cho họ một cuốn tiểu thuyết, mà là giao cho khối đau khổ và tuyệt vọng của tôi. Còn lại đây, vẫn là cuộc sống thực, là thế giới hiện thực mà tôi vẫn phải đối diện. Tôi không biết Đinh Trang mộng hay hay không hay, nhưng tôi có thể nói với một lương tâm trong sáng rằng, khi chỉnh sửa bộ tiểu thuyết hai mươi mấy vạn chữ thành gần hai mươi vạn chữ, nó biểu đạt không chỉ là tình yêu của tôi đối với đời sống, mà còn thể hiện tình yêu và lý trí của tôi đối với thứ nghệ thuật tiểu thuyết còn vụng về này.
Bây giờ, độc giả và các chuyên gia có thể nói đôi ba câu về cuốn tiểu thuyết, có thể nhổ nước bọt lên cuốn Đinh Trang mộng, nhưng tôi đã có thể bình thản, bình tâm tĩnh khí mà nói với bất cứ ai rằng: “Khi viết Nhật quang lưu niên, Thụ hoạt, Đinh trang mộng, tôi đã dùng hết tâm lực, dùng cả sinh mạng của mình ra để viết”. Bạn có thể không đọc Đinh Trang mộng, không đọc Thụ hoạt, không đọc Nhật quang lưu niên, nhưng một khi các bạn đọc, tôi nhất định không làm phụ lòng các bạn, không làm phụ lòng mỗi độc giả của tôi.
Điều duy nhất khiến tôi băn khoăn, đó là, trong thế giới tràn đầy niềm vui và khoái lạc này, khi các bạn đọc tiểu thuyết của tôi, cuốn Đinh Trang mộng, tôi lại chỉ có thể mang đến cho các bạn nỗi khổ tâm. Về điều này, tôi xin thành thực cáo lỗi cùng các bạn.
Xin hướng về mỗi độc giả vì nỗi đau buồn mà tôi mang lại để biểu thị niềm áy náy và day dứt của tôi.
Thanh Hải, Bắc Kinh, ngày 23 tháng 11 năm 2005
Nguồn: Đinh trang mộng, tác giả Diêm Liên Khoa, Nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải, 2006.