Thuật ngữ chính trị (75)

Phạm Nguyên Trường

238. Freedom of speech – Tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận là nguyên tắc củng cố cho quyền tự do của một cá nhân hoặc cộng đồng trong việc biểu đạt quan điểm và ý kiến của mình mà không bị trả đũa, kiểm duyệt hoặc xử phạt. Thuật ngữ “tự do biểu đạt” (freedom of expression) cũng được sử dụng đồng nghĩa nhưng bao gồm cả hành động tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt bất kỳ thông tin hoặc ý kiến nào bằng tất cả các phương tiện truyền thông.

Tự do ngôn luận được công nhận là quyền con người theo điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) và được công nhận trong luật Nhân quyền quốc tế tại Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Điều 19 của UDHR quy định rằng “ai cũng có quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp” và “ai cũng có quyền tự do biểu đạt; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin và ý kiến các loại, không kể biên giới quốc gia, bất kể bằng lời nói, bằng văn bản hay in ấn, dưới hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác tùy theo sự lựa chọn của họ”. Điều 19 trong ICCPR sau đó cải thiện điều này bằng cách chỉ ra rằng việc thực hiện các quyền này mang theo “nhiệm vụ và trách nhiệm đặc biệt” và “theo đó phải tuân theo các hạn chế nhất định” khi cần thiết “để tôn trọng quyền hoặc danh dự của những người khác” hoặc “để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, hoặc sức khỏe hay đạo đức cộng đồng”.

Do đó, quyền tự do ngôn luận và tựm do biểu đạt có thể không được công nhận là quyền tuyệt đối và những hạn chế chung về tự do ngôn luận liên quan đến hành động phỉ báng, vu khống, tục tĩu, khiêu dâm, xúi giục, kích động, ngôn từ gây hấn, thông tin bí mật, vi phạm bản quyền, bí mật thương mại, nhãn dán thực phẩm, thỏa thuận bảo mật thông tin, quyền riêng tư, quyền được lãng quên, an ninh công cộng, và khai man. Các biện minh cho việc này bao gồm nguyên tắc gây hại, được đề xuất bởi John Stuart Mill trong tác phẩm Bàn về Tự do (On Liberty), trong đó: “mục đích duy nhất mà quyền lực có thể được thực thi một cách chính đáng đối với bất kì thành viên nào trong cộng đồng văn minh – chống lại ý muốn của anh ta với mục đích là ngăn chặn, không để anh ta làm hại người khác”.

Ý tưởng về “nguyên tắc xúc phạm” cũng được sử dụng trong việc biện minh cho các hạn chế về ngôn luận, theo đó, các hình thức biểu đạt được coi là ảnh hưởng xấu đến xã hội có thể bị hạn chế, tùy theo các yếu tố như mức độ, thời lượng, động cơ của người nói và mức độ dễ dàng trong việc tránh những hình thức biểu đạt như thế. Cùng với sự phát triển của thời đại kỹ thuật số, việc áp dụng tự do ngôn luận càng gây tranh cãi khi ngày càng có nhiều các phương tiện giao tiếp cũng như các hạn chế mới.

239. Free rider – Người hưởng thụ miễn phí. Người hưởng thụ miễn phí là người không tham gia, nhưng được hưởng lợi từ những hành động của tập thể . Mancur Olson, trong tác phẩm Logic của hành động tập thể (The Logic of Colletive Action, 1965), cho rằng, khi cần phải hành động tập thể để tạo ra hàng hóa công thì bao giờ cũng có những người duy lý và tư lợi muốn hưởng thụ miễn phí (dân gian gọi là “xài chùa”). Sư kiện là khi trở thành hàng hóa công thì “không thành viên nào trong nhóm bị loại trừ, không được hưởng lợi ích hoặc thỏa mãn mà thành quả của hành động tập thể tạo ra”. Do đó, mỗi thành viên đều có thể không muốn chia sẻ chi phí. Hơn nữa, nếu đấy là nhóm lớn, thì mỗi người đều nghĩ rằng việc họ hưởng thụ miễn phí sẽ không ảnh hưởng tới động cơ hành động của những người khác, không làm thay đổi hành vi của họ, vì việc họ không tham gia “sẽ làm gia tăng không đáng kể gánh nặng lên vai những người phải chịu chi phí”. Tuy nhiên, việc cung cấp hàng hóa công có thể bị đe dọa nếu mỗi người và mọi người đều tư duy theo cách này. Lúc đó tổ chức sẽ phải có những quy định ngăn chặn những hiện tượng hưởng thụ miễn phí. BOT là ví dụ điển hình của những biện pháp như thế.

240. Free Trade – Thương mai tự do. Thương mại tự do là hệ thống kinh tế quốc tế, trong đó không quốc gia nào áp đặt rào cản bằng thuế quan hoặc các biện pháp kiểm soát nhập khẩu khác đối với các sản phẩm từ những những nước khác và mỗi quốc gia có quyền như nhau trong việc bán hàng hóa của mình ở các quốc gia khác với những điều khoản tương tự như các nhà sản xuất bản địa. Có lẽ, từ khi hình thành các quốc gia dân tộc, chưa bao giờ thương mại được hoàn toàn tự do, và thực sự, việc giao thương giữa các khu vực trong nội bộ tất cả các quốc gia cũng không phải lúc nào cũng được tự do. Trên thực tế, liên minh các quốc gia đã tạo điều kiện cho tự do thương mại ở mức độ nào đó giữa các nước thành viên và đặt ra các rào cản tập thể nhằm chống lại các quốc gia khác. Liên minh như thế thường được gọi là liên minh thuế quan. Ví dụ quan trọng nhất hiện nay là Liên minh Châu Âu (EU). Ở đây không có rào cản hải quan hoặc thuế quan, không phân biệt đối xử giữa các nhà sản xuất ở ​​các nước thành viên khác nhau và áp dụng thuế quan thống nhất đối với hàng hóa của các quốc gia bên ngoài liên minh. Mặc dù về mặt lý thuyết là không có thuế quan, nhưng thật khó đảm bảo việc đối xử bình đẳng giữa các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài, Tòa án Công lý Châu Âu vẫn phải xét xử rất nhiều vụ kiện về việc phân biệt đối xử trên thực tế.

Các luận cứ kinh tế ủng hộ thương mại tự do khá phức tạp. Nói chung, lý thuyết kinh tế gọi là “lý thuyết về lợi thế so sánh” tuyên bố rằng, mở cửa cho cạnh tranh thương mại toàn cầu thì sản phẩm kinh tế thế giới sẽ đạt mức tối đa. Tuy nhiên, trong ngắn hạn hoặc trung hạn, một số ngành hoặc lĩnh vực kinh tế trong một quốc gia sẽ được lợi nếu được bảo hộ. Bảo hộ thậm chí có thể có lợi cho cả quốc gia, mặc dù ít có khả năng xảy ra như thế. Thông thường, câu hỏi về các mức thuế được áp dụng là vấn đề thuộc xung đột chính trị trong nước, cũng như xung đột thỉnh thoảng mới xảy ra giữa các ngành thâm dụng vốn và thâm dụng lao động về mức thuế ở Hoa Kì. Cho dù thương mại tự do là vấn đề của phe “Tả” hay phe “Hữu” ở một quốc gia thì nó cũng có thể thay đổi cùng với thời gian, tùy thuộc vào giá trị chính trị mà chính sách bảo hộ kinh tế góp phẩn bảo vệ. Ví dụ, cuối thế kỷ XIX, ở Anh, những người Bảo thủ thường muốn sử dụng hàng rào thuế quan để bảo vệ thương mại giữa các nước thành viên của Đế chế, trong khi những người theo phái tự do lại ủng hộ thương mại tự do. Tuy nhiên, Chủ nghĩa tự do là tín điều chính trị có truyền thống liên kết chặt chẽ nhất với tự do trong lĩnh vực thương mại.

Dù lý thuyết kinh tế có trừu tượng tới mức nào, việc áp đặt hay không áp đặt hàng rào thuế quan luôn luôn là vấn đề chính trị, và gây ra hậu quả quan trọng trong cả lĩnh vực chính trị lẫn kinh tế, cả quốc nội lẫn quốc tế. Trong những năm gần đây, thương mại tự do đã trở thành vấn đề xung đột giữa thế giới phát triển và thế giới kém phát triển hơn vì các rào cản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, làm cho các nước thuộc Thế giới thứ ba khó thu được ngoại tệ.

Comments are closed.