Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 274): Bể dâu – Nam Dao (11)

MÙA RỪNG ĐỘNG (11)

*

Xông khói đuổi muỗi cả tối không xuể, Nhân đành buông chiếu màn rách tươm có lẽ chủ nhân nó khi xưa không thèm nhặt khi phải rời chỗ. Che được phần trên mặt trên cổ, người nhắm mắt chờ giấc ngủ. Tối, khí ẩm khiến trời lạnh buốt. Thỉnh thoảng, hàng đoàn máy bay từ biển Ðông xẹt ngang trời. Từ đâu đó, văng vẳng tiếng người kêu. Không phải một. Có lẽ phải ba, bốn người. Họ rì rầm như than vãn. Dăm ba phút sau, họ đồng thanh:

– Y Ban, Y Ban… togú ubé – nào dậy đi…

Cứ thế, tiếng đồng thanh cất lên, từng chập. Nhân đếm có đến trăm lần họ gọi Y Ban. Không ngủ được, Nhân vùng dậy. Khoác lên vai chiếc chăn dạ, Nhân khom lưng chui khỏi hầm. Khí lạnh lùa vào khiến Nhân rùng mình co người lại. Trên cao, trăng chập chờn qua kẽ lá rừng xao động trong gió đêm. Dưới ánh trăng, những căn lán của Khoa Ngoại xanh nhợt nhạt nhô ra chân núi khấp khểnh.

Bước dăm bước về phía con suối nhỏ cách dãy lán độ trăm thước, Nhân giật mình đứng lại. Cạnh một gốc cây, Thiện đưa tay lên miệng ra dấu cho Nhân im lặng, tay chỉ hướng cuối dốc. Cả hai im lặng đến gần nơi có những bóng người thấp thoáng. Ba thiếu nữ người dân tộc làm nhiệm vụ tải thương từ chiến trường Quảng Trị phủ phục cạnh một cái lỗ đào sâu xuống đất sát dòng suối.

Họ châu đầu chúi xuống lỗ, đồng thanh gọi ‘’ Y Ban, swaih yok, dậy thôi nào’’, dăm phút sau mới ngửng lên. Rồi cứ thế, lại cúi xuống, lại gọi. Thiện khẽ nói:

– Họ gọi cho hồn cô cấp dưỡng Y Ban biết đường trở lại. Họ gọi từ chiều. Họ tin hồn người bị nạn đi lạc, không biết lối về với xác. Ðây có lẽ là những người đồng ‘’ buôn’’ với Ban, xưa chắc rủ nhau đi phục vụ…

Chợt có tiếng cười nhạt. Thiện và Nhân quay lại. Chung đến ngồi xuống mô đất bên cạnh, giọng buồn bã:

– Y Ban vừa thở hơi cuối cách đây vài phút rồi!

Chung là y sĩ phụ Thiện giải phẫu Y Ban vào buổi trưa. Họ gắp đạn ghim vào phổi Y Ban, cắt xương lồng ngực, thắt động mạnh chính bị một ổ máu tụ đe dọa vỡ ra bất cứ lúc nào. Thiện đưa tay lên vò đầu, không nói gì. Chết hay sống ở chiến trường quyện vào nhau. Chết, không sống lại được, nhưng sống thì chết nay, chết mai, chết bất cứ lúc nào, theo thứ may rủi chẳng biết ai định đoạt.

– Thủ trưởng! Chung thì thào – Em khám lại và khẳng định là Y Ban có thai. Còn đạn gắp ra, là đạn AK mình, không phải đạn Mỹ…

Thiện nhổm người, mắt nhíu lại. Y Ban, Y Ban togú ubé. Tiếng gọi hồn vẫn vang lên. Vỗ nhẹ vai Chung, Thiện bảo:

– Cậu xuống báo cho họ biết! Gọi hồn vô ích. Nhìn lên trời, Thiện buột miệng – Ông Trời ông ấy bắt mất rồi…

– Thủ trưởng! Một cán bộ cấp dưỡng ở Ban Chỉ Huy phục vụ Chính Ủy mà lại theo đoàn lính chiến đấu đi truy kích một thám báo địch, thế là làm sao? Không thể cứ đổ tội mãi cho ông Trời được!

Chung gằn giọng.

– Cậu xuống báo cho ba cô dưới kia biết đi! Thiện ngắt lời Chung, kéo Nhân đứng dậy.

Nhìn Chung xuống dốc, Thiện đăm chiêu. Tuy không biết đích xác, Nhân mơ hồ cảm thấy có một chuyện gì cấn cái mập mờ qua mảng đối thoại vừa nghe.

*

B-52 thả bom tọa độ đánh thủ đô Hà Nội. « Ðây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa… » bị tiếng bom át đi. Nhưng chỉ dăm phút sau, tiếng phát ngôn viên lại trở lại, nhắc nhở chiến sĩ trên mọi chiến tuyến giữ cao ngọn lửa căm hờn, quyết tâm bảo vệ Tổ Quốc. Ðầu tháng 11, Nixon được tái nhiệm Tổng Thống. Tháng 12, Kissinger trở mặt, họp báo đổ tội đối phương kéo dài cuộc đàm phán. Lê Ðức Thọ bay về Hà Nội, báo có khả năng ký kết Hiệp Định trước lễ Giáng Sinh nhưng đêm 18 tháng 12, từng đoàn B-52 cứ ba chiếc một nối đuôi bay từ Thái Lan đến Tây Nguyên thì quay ngoắt sang hướng Bắc. Bom giải trên đầu Thủ Đô, bất kể trường học, bệnh xá. Sáng 19, không bắt được đài Hà Nội. Ðợi. Và sợ. Vài giờ sau, tiếng rè rè đưa tin Hà Nội bắn rơi bốn B-52. Sang ngày 20, giọng cô phát ngôn lại cất lên cao đọc một bài phóng sự mô tả trận đánh vào khu Khâm Thiên. Thiện bủn rủn. Gia đình Thiện ở ngõ Văn Chương. Nghe tin đài, số B-52 bị bắn rơi tăng dần, năm, mười… rồi đến ba mươi bảy chiếc. Nhưng còn gia đình mình, Thiện giấu lo lắng, gắng giữ bình tĩnh để không ảnh hưởng đến tinh thần cán bộ trong khoa. Đến khi chỉ còn một mình, Thiện ngạc nhiên thấy nước mắt mình đổ ra chan hòa, chảy xuống má, xuống cằm. Và cái viễn tượng gia đình tan nát chập chờn như đoạn kết một cơn mơ cuối giấc.

Một anh y tá từ trại tù chuyển qua tăng viện cho Khoa Ngoại bị mấy chú bảo vệ xô lại túm đánh. Một cậu mới vào chiến trường xông đến bóp cổ, quát:

– Cha tiên nhân thằng Ngụy, gọi máy bay Mỹ xâm lược đến ném vào làng ông…

Vài anh thương binh vừa lại sức cũng hăng tiết to tiếng ‘‘ Giết mấy thằng Ngụy, rồi muốn đến đâu thì đến’’. Thiện buộc phải đưa Nhân và hai y tá vào hầm chỉ huy để bảo vệ. Tiếng quát của anh thương binh vẩn vang vang trong đầu. Nhân ứa nước mắt, nhìn Thiện, lòng chua sót. Giết, giết, giết! Nhưng giết ai? Và ai giết? Nhân nghe hàng trăm lần chiến tranh này là người Việt đánh nửa triệu lính Mỹ xâm lược với sự đồng tình của chính quyền Ngụy. Nhưng Mỹ nay rục rịch rút quân, mục đích Việt Nam hóa chiến tranh nhằm đổi màu da trên xác chết thì ai giết ai chết phần lớn đều là những người anh em cùng huyết thống. Nhân rùng mình khi Thiện nắm tay mình an ủi. Mỹ rút, nhưng nếu chiến tranh này trở thành một cuộc nội chiến thì đất nước sẽ đi về đâu?Thiện lẩm nhẩm nói gia đình mình ở nơi bị đánh bom rồi quay mặt đi. Nhân bóp chặt tay Thiện, nói nhỏ, tất cả chúng ta đều cần may mắn!

Chính Ủy Toán xuống Khoa trấn an. Không ít cán bộ và nhân viên cho rằng ta bị Mỹ lừa, chẳng còn khả năng giải quyết sớm cuộc chiến. Toán khoa tay, phát biểu như ta vừa thắng lớn khiến Mỹ điên cuồng đánh phá vì tuyệt vọng. Lúc đó, cán bộ ở Hà Nội và những thành phố lớn chưa biết tin gia đình nghe nhưng không mấy nhiệt tình, đến vỗ tay ‘‘nhất trí’’ cũng quên không làm, lầm lũi lảng đi.

Toán hỏi Thiện về tình trạng của Y Ban. Thiện báo cái chết của cô cấp dưỡng, nhưng thình lình Chung xen vào, giọng gay gắt:

– Báo cáo đồng chí Chính Ủy, đồng chí cấp dưỡng Y Ban ‘‘sung sướng trái phép’’, kéo theo cái chết của một bào thai. Về hai viên đạn lấy ra, một từ phổi và một cạnh cột sống, đạn là đạn AK… Và thế là do ta bắn chứ chẳng phải biệt kích biệt kiếc gì cả!…

Toán giơ tay ngưng Chung nói, mặt tái đi, giọng nghiêm nghị:

– Bắn nhầm trong chiến tranh là chuyện cơm bữa. Xin các đồng chí đừng phổ biến những việc có thể gây dao động trong hàng ngũ chúng ta…

Chung cười nhạt:

– Báo cáo, cái thai trong bụng nạn nhân chỉ vài ba tháng. Còn kẻ hoặc chủ mưu hoặc đồng lõa ‘‘ sung sướng trái phép’’ thì chưa biết nó là thằng nào. Ðề nghị đồng chí cho điều tra, và biết đích xác thì phổ biến, để tránh cho chị em phụ nữ Viện bị nó lừa vào những hành động có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc chiến đấu thần thánh chống Mỹ cứu nước…

Cười nhạt, Toán gật đầu. Làm như không có Chung trước mặt, Toán kéo Thiện đi ra, miệng giả lả:

– Tôi nghe nhà anh ở khu bị B-52 đánh phá. Tôi vội làm ngay giấy phép để anh về. Vậy anh ghé lên Viện lấy giấy. Anh phục vụ lâu gấp hai lần người khác, về là chính đáng. Tôi sẽ cho người thay anh nội trong hai tuần. Anh đồng ý chứ!

– …

– Anh giúp tôi, tránh làm sao đừng để những phát biểu kiểu linh tinh vừa rồi xảy ra. Anh biết, tình hình bây giờ là lúc phải giữ vững tinh thần, Toán khẩn khoản.

Ðúng lúc ấy, ba thiếu nữ người dân tộc ở đâu xô ra. Quây lấy Toán, họ lớn giọng, nhưng nói bằng ngôn ngữ của họ nên chẳng mấy ai hiểu.

*

Hiệp định Paris ký ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Nói là ngưng bắn nhưng súng vẫn nổ. Bộ đội Bắc Việt tiếp tục mở rộng vùng giải phóng, cắt đường 14 và 19 áp sát Pleiku, Komtum. Sáng 30, vẫn nghe tiếng máy bay và tiếng bom. Nhưng không thấy B-52. Các cấp Ðảng Ủy phổ biến lệnh tiếp tục cảnh giác và đề phòng ‘‘ngụy’’ đánh chiếm lại đất, tiếp tục mở rộng vùng ta chiếm đóng cho đến khi Ủy Ban Quốc Tế tới giám sát. Chiến sự trở nên ác liệt hơn sau khi cả thế giới vỗ tay cho nền hòa bình ký trên giấy chưa ráo mực.

Sau Tết, cuộc trao trả tù binh bắt đầu dưới sự quan sát quốc tế và các cơ quan truyền thông. Cán bộ quân y mọi Khoa, ngành được điều động đến những trại tù. Ðể giữ hình ảnh một miền Bắc tốt đẹp trong dư luận thế giới, tù binh được săn sóc sức khỏe trước khi xuất hiện trước ống kính máy quay phim, truyền hình. Trại K7 náo nức. Ðám trẻ con vừa đi vừa hò ‘‘hoà bình, hoà bình…’’. ‘‘Nhỏ không’’ lẽo đẽo theo sau, mắt tròn như hòn bi, miệng chỉ nhếch lên cười. Ðến cạnh Nhân, nó nắm tay lắc lắc, ngây ngô hỏi ‘‘hòa bình là gì, chú?’’

Thiện dẫn một đoàn cán bộ Khoa Ngoại sang K7. Gặp Nhân, Thiện vui vẻ chào. Từ dạo B-52 oanh tạc Hà Nội gây ra những xúc động không thể kiểm soát được của một số nhân viên, Thiện buộc phải trả Nhân và hai y tá ‘’ ngụy’’ về trại tù để tránh những diễn biến phức tạp. Nhân bắt tay Thiện, hỏi ngay:

– Gia đình anh ở khu Khâm Thiên thế nào? An toàn chứ?

– Cám ơn anh, bom B-52 đánh phía trái. Ngõ nhà chúng tôi bên phải nên người không sao, chỉ nhà là cháy!

Nhìn quanh, Nhân không thấy Chung. Thời gian làm ở Khoa Ngoại, Chung là người Nhân cộng tác hàng ngày. Trực tính và hồn nhiên, Chung có gì nói nấy, không cân nhắc e dè như phần đông những cán bộ khác. Một hôm chuyện trò, Nhân mới biết Chung lấy vợ cách đây không lâu, và mười lăm ngày sau thì vợ phải ra bệnh viện dã chiến Z27 phục vụ tuyến đầu trên chiến trường Quảng Trị. Chung chép miệng: ‘‘Ấy cái số mình nó thế, anh ạ! Thôi thì ở hiền gặp lành, nhờ giời chứ biết sao’’. Bật cười, Nhân đùa: ‘‘Các anh mà cũng tin Trời à? Tôi cứ tưởng các anh sắt đá, duy vật và chỉ tin Ðảng thôi chứ!’’. Chung thở ra: ‘’Ấy, tin Ðảng thì phải tin chứ! Còn duy vật thì cấp 3 được học qua loa, đến nay cũng chẳng có thời giờ mà nghĩ tại sao nó lại đưa đến đấu tranh giai cấp. Bên ngoại, ông tôi bị qui địa chủ thời Cải Cách Ruộng Ðất, nhưng đến khi sửa sai thì xuống trung nông, dặn con cháu khi chết lập bàn thờ phải ghi rõ ràng thành phần giai cấp!’’. Nhân gặng hỏi, giọng nghịch ngợm: ‘‘Thế còn Trời? Bàn thờ ghi thành phần là…’’. Chung cười phá lên, ngắt: ‘‘…là để có xuống Ðịa Ngục thì Diêm Vương cũng không kết nạp. Ðấy ông tôi nói thế!’’. Hềnh hệch, Chung tiếp: ‘‘Thời trước nó thế, giờ khác rồi. Chiến tranh nên chỉ còn một thành phần, yêu nước cả, cho gọn. Ðảng bảo đi là đi, đánh là đánh. Gian khổ bao nhiêu cũng ba sẵn sàng. Còn sống chết thì có số, sợ cũng thế mà không cũng vậy! ‘’

Không thấy Chung đi kèm Thiện như thường lệ, Nhân ngạc nhiên, hỏi:

– Anh Chung chắc sắp đến? Dạo này anh ấy thế nào?

Thiện ngoảnh mặt, đáp vội:

– Chung không đến được nữa…

Linh cảm một điều chẳng lành, Nhân nhìn vào mắt Thiện, sửa soạn tâm thế đón nhận mọi bất ngờ. Chần chờ một lát, Thiện kể:

Trưa hôm ấy, tôi trốn xuống hầm, nằm quay mặt vào vách giả như ngủ, nhưng nước mắt cứ ứa ra. Xế chiều, tôi cầm tờ công văn của phòng Chỉ Huy Mặt Trận, thu hết can đảm, đưa vào tay Chung, không nói thêm một câu. Chung rú lên, vùng mình đập đầu vào vách hầm. Tin báo Mai đã hy sinh trong trận đánh bom cuối cùng ở bờ Tây sông Thạch Hãn đúng ngày Chúa Giáng Sinh. Chung gào thét suốt một buổi. Sau đó, Chung chửi. Trời, rồi Phật. Rồi Chúa. Chung quát vào thinh không, ‘‘ Bọn mi xuống đây, chỉ báo tin của sự chết. Vậy thì ta nguyền, bọn mi đời đời là bóng tối trên mặt đất này!’’.

Sau hai ngày vật vã, Chung có vẻ nguôi ngoai, ngôi im lặng hàng buổi, tay ôm khẩu K-54 thường chỉ lúc cần tự vệ cán bộ mới lôi ra. Vuốt ve qui lát, rồi thông nòng súng, Chung lẩm bẩm một mình. Tôi lo, nhưng chẳng biết làm gì, chỉ lẳng lặng theo dõi. ‘‘Biến đau thương thành căm thù!’’ Chung đáp khi tôi hỏi, tay vỗ vào báng khẩu K54 giắt trong bụng. Nhìn lên trời, Chung tiếp, quai hàm bạch ra như một con rắn hổ mang sắp sửa phun nọc: ‘‘Tôi sẽ xin Chính Ủy cho ra mặt trận như một chiến sĩ… Biến đau thương thành căm thù! Phải thế!’’. Nhìn lửa bùng lên trong ánh mắt Chung, lòng tôi bỗng như một phím đàn chùng, âm điệu lạc lõng, tâm trí lãng đãng không chỗ víu bắt. Thế rồi Chung năn nỉ cho mình lên Viện kỳ giao ban giữa những Khoa để trình bày nguyện vọng với cấp Ủy. Ðang họp, thình lình Chung xông vào. Mũi K54 chĩa vào ngực Toán, Chung quát:

– Mày giết vợ tao, con tao!

Chưa ai kịp phản ứng, Chung bóp cò. Toán ngã xuống. Chung nhảy xổ đến, chúc mũi súng vào đầu Toán, bắn thêm một phát. Quì xuống, Chung há miệng ngậm đầu nòng, đưa mắt nhìn như trối trăn một điều gì không thể nói bằng lời. Tất cả kết thúc bằng một tiếng súng cuối cùng. Như tiếng vỡ giọng của một niềm tuyệt vọng không lối nào thoát ngoài sự tự hủy diệt để giải thoát.

*

Ngày trao trả tù binh.

Tù được cấp phát quần áo lành lặn. Ðoàn bảo vệ cũng vậy, trông khác hẳn thường lệ. Lính Cộng Hoà được phép tìm vợ, con. Trên con dốc dẫn tới địa điểm trao trả tù binh, họ đi từng gia đình, nói cười cứ như đi trẩy hội. Nhân viên Ủy Ban Quốc Tế có mặt từ sớm, nhận danh sách, kiểm tra những thủ tục qui định. Lính gọi nhau ầm ĩ. Ở tù thì chung chạ, ra tù chia tay, chắc ai ở binh chủng nào ắt về binh chủng ấy.

Tách ra theo chân bố mẹ, bọn trẻ con cười nói bi bô. Trừ ‘‘ Nhỏ không’’. Nó đi cạnh Nhân, tay nắm lấy chéo áo. Không ai nhận, trại trưởng K7 đành nói ‘‘ Bác sĩ lo hộ con bé. Cha nó bây giờ điên điên tỉnh tỉnh, chẳng biết là thế nào’’. Theo lời trại trưởng, ‘‘Ác ôn’’ chuyển qua K11. Tù trại này cũng sắp sửa tới địa điểm trao trả, nhưng đến muộn vì có một số phải cáng. Khi Nhân nhận lời, anh bảo vệ, người đã cho ‘‘Nhỏ không’’ cái lược làm bằng nhôm vỏ máy bay Mỹ mới đến gần, ngậm ngùi ‘’ Thôi mày về với ông bác sĩ, ông ấy lo cho! Ở với chúng tao thì chỉ có ăn sắn…’’ Nói xong, anh quay vội đi, không nhìn lại để thấy ‘‘Nhỏ không’’ ngượng nghịu giơ bàn tay nhỏ xíu lên vẫy biệt.

Ðoàn tù bắt đầu xuống dốc. Hai bên lối đi là những bãi mìn, nay bảo vệ cắm bảng trên đề « NGUY HIỂM » và vẽ cái đầu lâu đỏ chét dưới có hai khúc xương làm thành hình chữ X đen xì. Ði cạnh Trung tá Thiệp, Cao cười ha hả:

– Về đến thị xã Quảng Trị là phải đòi phát lương rồi đi ‘‘đá’’ một phát, Trung tá muốn thì em tiền kích dẫn đường.

Thiệp cười. Cao quay sang Nhân:

– Cả bác sĩ nữa. Vùng chiến thuật này, ‘‘ổ’’ nào tui cũng đã vô ‘‘nằm vùng ’’, biết ráo trọi. Nhìn ‘‘ Nhỏ không’’, Cao cụt hứng, chép miệng – nhưng bác sĩ còn cái ‘‘nợ’’ này, chắc kẹt!

Cao chưa dứt lời thì có một người cao lòng ngòng ở đâu xô đến. ‘‘Nhỏ không’’ rú lên, nép mặt vào Nhân, vừa giãy vừa khóc. Nhân bồng nó, quay phắt lại nhìn. Người đàn ông giơ về phía Nhân một tấm giấy gấp làm tư, miệng lắp bắp ‘‘ Làm ơn, làm ơn…’’. Cao hiểu ra anh ta chính là ‘‘Ác ôn’’, xông vào đứng chặn, miệng quát:

– Ðừng có nổi cơn điên nghe, cha nội!

‘‘Ác ôn’’ lắc đầu, tay đưa tấm giấy cho Cao, tay chỉ Nhân, vẫn lắp bắp ‘’ Làm ơn, làm ơn…’’ rồi quì xuống lạy. ‘‘ Nhỏ không’’ ôm chặt lấy Nhân, không dám ngó xuống. Nước mắt ròng ròng, ‘‘Ác ôn’’ nhìn lên, rên rỉ. Khi đó, thấy huyên náo, hai bảo vệ trờn tới, xốc ‘‘Ác ôn’’ dậy, lôi về phía sau. ‘‘Ác ôn’’ vùng chạy, vừa chạy vừa la lớn, ‘’ Sương ơi, tha lỗi cho cha!’’, cắm đầu nhắm bãi mìn có cắm bảng vẽ chiếc đầu lâu đỏ chót.

Một tiếng nổ. ‘‘Ác ôn’’ ngã xuống, rồi lại nhổm người lên bò bằng đầu gối. Lại thêm một tiếng nổ. Ðất cấy tung lên, khói đen bay lờ mờ che hai chữ NGUY HIỂM viết trên chiếc bảng cắm gần đấy. Bấy giờ, đoàn tù bình đứng khựng lại. Tiếng xôn xao tự nhiên im hẳn. Ðám bảo vệ nhìn nhau ngơ ngác. ‘‘Nhỏ không’’ vẫn rúc đầu vào ngực Nhân thút thít. Nhân mở tấm giấy gấp tư, đọc nhanh: ‘‘Bà nội nhỏ Sương, tên Nguyễn Thị Mừng, bán trái cây ở chợ Tân Cảnh’’. Trung Tá Thiệp thở dài, giọng buồn rầu:

– Hắn tỉnh rồi. Điên không ai chết như vậy!

Chân tay bủn rủn, Nhân ngồi xệp xuống. ‘‘Nhỏ không’’ tên Sương hai tay quàng xiết cổ Nhân. Ôm lấy nó, Nhân thầm thì:

– Vết thương do những lầm lỗi của chiến tranh chỉ có thể lành bằng sự sống gầy lại được, từ mọi hủy diệt…

Nhân biết con bé không thể hiểu gì ngay. Nhưng sống, có thể một ngày nào đó nó sẽ hiểu. Hiểu để quên đi được cái chết của mẹ nó, của em nó. Và bây giờ, ở cái phút lẽ ra có thể khác được, cái chết của cha nó.

Comments are closed.