2015 – NĂM CÔNG DÂN

 

Chủ thể, chủ lực của tiến trình dân chủ hoá đất và phát triển nước Việt Nam chính là lực lượng công dân – cử tri Việt Nam. Tiến độ dân chủ hoá phụ thuộc căn bản vào tiến độ chuyển mình của mỗi người dân từ phận  “thần dân” dưới ách thống trị độc tài toàn trị thành người công dân thật sự.

 Với mong muốn chuyển hoá một cách ôn hoà êm thuận chế độ độc tài toàn trị hiện tồn sang chế độ dân chủ, cố gắng đẩy nhanh tiến độ dân chủ hoá với những bước đi thích hợp, chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự có tên dưới đây quyết định lấy

NĂM 2015 LÀM NĂM CÔNG DÂN

       Chúng tôi xác định người công dân là :

– người lao động (chân tay và trí óc trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh lưu thông phân phối, giáo dục – đào tạo, nghiên cứu và hoạt động xã hội), chủ thể tạo ra và thúc đẩy sự phát triển các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội;

– người đóng thuế – người đi lính;

– người cử tri – người ứng cử – bầu cử.

Chúng tôi mong muốn xây dựng người CÔNG DÂN VIỆT NAM với những tiêu chí sau:

–  Là người có ý thức rõ rệt về các quyền và trách nhiệm của mình;

–  Là người có ý thức làm chủ, ý chí làm chủ, kỹ năng làm chủ; làm chủ trong mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói và việc làm, trước hết là làm chủ tiếng nói chính trị, kinh tế  và văn hoá, làm chủ lá phiếu;

–  Là người thấy rõ các quyền công dân cơ bản của mình như “quyền tự do ngôn luận,” “quyền tự do báo chí, xuât bản,” “quyền tự do biểu tình,” “quyền tự do hội họp, lập hội, lập nghiệp đoàn,” “quyền tự do ứng cử bầu cử,” về hình thức cũng được long trọng ghi trong Hiến pháp nhưng dưới chế độ toàn trị này đã bị thủ tiêu trên thực tế; công dân phải có trách nhiệm tự đứng lên tích cực chủ động thực hiện các quyền ấy; công dân phải đòi Nhà nước thực hiện trách nhiệm của Nhà nước là tạo môi trường thuận lợi để người dân thực thi các quyền con người của mình, đòi Nhà nước chấm dứt việc hạn chế trên thực tế các quyền đó dưới mọi hình thức.

Dự kiến một số công việc chính trong chương trình hoạt động của NĂM CÔNG DÂN

          Hoạt động bao trùm là vận động.

          Vận động trên bề nổi công luận.

          Vận động thầm lặng trực tiếp qua các mối quan hệ cụ thể của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân công dân và gia đình.

          Vận động mọi đối tượng: dân vận, đảng vận, nghị vận, binh vận; trong dân vận đặc biệt chú trọng thanh vận – tức vận động thanh thiếu niên.

          1 – Vận động đưa môn giáo dục công dân thành một môn quan trọng ngang với các môn văn, sử trong nhà trường (đồng thời vận động bổ sung phần “Giáo dục công dân” vào nội dung giáo dục gia đình và xã hội).Vận động các nhà giáo, các luật gia, các chuyên gia hàng đầu về môn học này viết sách giáo khoa cho các cấp học từ lớp 6 đến lớp 12. Phấn đấu để sớm nhất có thể ra một cuốn “Giáo dục công dân” tinh gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, phát hành rộng rãi. Hình thành và dấy lên phong trào bán sách, tặng sách “Giáo dục công dân”.

2 – Vận động xây dựng người công dân có ý thức làm chủ, ý chí làm chủ, kỹ năng làm chủ; trước hết là làm chủ tiếng nói và làm chủ lá phiếu

–   Làm chủ tiếng nói: nói thẳng nói thật những điều mình nghĩ, mình biết, mình thấy về tình cảnh đất nước, tình cảnh người dân, về người cầm quyền, giới cầm quyền và thể chế chính trị độc tài toàn trị, nói đúng nói rõ, không thêm không bớt.

–  Làm chủ lá phiếu: Ý thức rõ rệt về sức mạnh lá phiếu trong tay mình, mỗi công dân – cử tri chỉ có một lá phiếu, nhưng nếu đó là lá phiếu tự do tự chủ thì hàng triệu lá phiếu tự do tự chủ sẽ tạo ra chuyển biến cục diện chính trị có tính bước ngoặt theo hướng dân chủ hoá. Muốn làm chủ được lá phiếu thì trước khi bỏ phiếu, công dân – cử tri tích cực chủ động vận động cùng nhau đấu tranh đòi các ứng cử viên phải minh bạch công khai về lập trường Tổ Quốc trên hết Quyền Dân trên hết, về nhân thân, tài sản và chương trình tranh cử, rồi căn cứ vào đó mà quyết định dùng lá phiếu của mình dành cho ai hoặc dùng quyền tẩy chay bầu cử.

3 – Vận động xây dựng những địa bàn dân cư có số lượng công dân hội đủ các tiêu chí trên (gọi là đạt chuẩn) ngày càng đông đảo.Vận dụng và tận dụng chủ trương “dân chủ ở cơ sở” của Nhà nước để tiến hành công việc này, bắt đầu từ sự hình thành những nhóm công dân đạt chuẩn cao nhất làm nòng cốt và nhận rộng dần. Vận động, cổ vũ cho các ứng cử viên tự do xứng đáng trong các cuộc bầu cử ở mọi cấp. Chuẩn bị những địa bàn dân cư có tỷ lệ công dân – cử tri đạt chuẩn cao hậu thuẫn cho các ứng cử viên tự do đáng tin cậy.

4 – Vận động đổi mới mối quan hệ giữa công dân – cử tri với đại biểu dân cử (ở đây tập trung nói về đại biểu Quốc hội nhưng cũng áp dụng cho các cơ quan dân cử khác). Nói “đổi mới” thực chất là đấu tranh để buộc đại biểu phải có trách nhiệm giải trình với cử tri, phải là người đại diện thật của cử tri trong mọi hoạt động đại diện của mình trong các cơ quan dân cử.

          Một số nội dung vận động cụ thể :

          4.1- Vận động đấu tranh để xoá bỏ cung cách vi Hiến bấy lâu đại biểu chỉ tiếp xúc theo đoàn với một số cử tri chọn lọc do một thiểu số đương quyền hoặc một thế lực bè phái nào đó sắp đặt; đấu tranh đòi đề ra và thực hiện định chế cá nhân đại biểu ra thông báo mời cử tri rộng rãi đến dự tiếp xúc, tất cả mọi cử tri đều có quyền đến dự, không ai được phép ngăn cản, lực lương công an phải có nhiệm vụ đảm bảo cho mọi cử tri đến tiếp xúc với đại biểu, đồng thời vận động anh chị em công an không ngăn cản hoặc ngầm hậu thuẫn cho mọi cử tri tự do đến gặp đại biểu.

         4.2 – Vận động đấu tranh để định ra chế độ thù lao đủ cao cho mỗi đại biểu Quốc hội, thù lao ấy đủ đảm bảo mức sống dư dả cho đại biểu cùng gia đình và đủ để mở một văn phòng riêng thực hiện tiếp xúc/làm việc thường xuyên giữa đại biểu với cử tri, đồng thời vận động đấu tranh để 100% đại biểu phải là đại biểu chuyên nghiệp.

4.3- Vận động đấu tranh đòi đảng CSVN nếu muốn giành được vị trí đảng cầm quyền thì phải bãi bỏ cung cách đảng cử dân bầu (thực chất chỉ là sự sắp đặt của một vài nhóm lợi ích trong giới quyền lực chóp bu); phải có đường lối đúng được đa số công dân tán thành và giới thiệu được những đảng viên thực sự là tinh hoa về năng lực và phẩm chất ra ứng cử  trong một chế độ ứng cử bầu cử tự do, nếu các đảng viên trúng cử chiếm đa số trong Quốc hội thì đảng trở thành đảng cầm quyền một cách đàng hoàng theo thực chất tín nhiệm của công dân – cử tri; phải tôn trọng quyền tự do ứng cử của những người không thuộc đảng CSVN và phải tôn trọng sự cạnh tranh của các lực lượng chính trị khác. Thực chất đây là cuộc vận động cho một luật bầu cử tự do, công bằng, không bị bất kỳ lực lượng duy nhất nào chi phối.

       5 – Trong khi tích cực chủ động tổ chức những sinh hoạt chính trị – văn hoá với nội dung xây dựng người CÔNG DÂN VIỆT NAM, các tổ chức xã hội dân sự cũng vận động Quốc hội và chính phủ hoặc cá nhân các đại biểu Quốc hội và thành viên chính phủ tổ chức một sinh hoạt chính trị với nội dung tương tự và nếu Nhà nước đứng ra tổ chức thì các tổ chức xã hội dân sự sẽ tích cực góp phần cho các sinh hoạt ấy có thực chất.

       6 – Năm 2016 sẽ là năm tiếp tục phát triển phong trào CÔNG DÂN để tạo ra một chuyển biến chính trị quan trọng theo hướng dân chủ hoá qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14 trong thời gian tới.

7 – Lập một Ủy ban điều phối chung của các tổ chức tham gia phong trào NĂM CÔNG DÂN để điều phối công việc liên quan đến chương trình NĂM CÔNG DÂN.

8- Hoan nghênh các tổ chức khác tiếp tục tham gia chương trình NĂM CÔNG DÂN.

CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ THAM GIA BAN ĐẦU:

–          Diễn Đàn XHDS, đại diện Nguyễn Quang A

–          Giáo hội Mennonite Thuần túy, đại diện Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng

–          Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, đại diện Nguyễn Bắc Truyền

–          Hội Anh Em Dân Chủ, đại diện Luật sư Nguyễn Văn Đài

–          Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đại diện Ts. Phạm Chí Dũng

–          Hội Phụ Nữ Nhân quyền Việt Nam, đại diện Trần Thị Nga, Trần Thị Hài, Huỳnh Thục Vi

–          Hội thánh Chuồng bò,  đại diện Mục sư Lê Quang Du

–          Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, đại diện nhà văn Nguyên Ngọc

Ngày 01-01-2015

Comments are closed.