Công nghệ “bán thân” âm nhạc!

Trần Minh Phi

Tác giả gửi Văn Việt

amnhac2Bên cạnh một nền âm nhạc chợ búa và ba xu trong showbiz Việt đương đại, được xem là đại lộ thênh thang , một “phố đèn đỏ vĩ đại” của âm nhạc giải trí là một cái lề âm nhạc song hành đại lộ đó, ít ồn ào hơn, thầm lặng hơn nhưng lại…chính qui hơn. Đó là hoạt động sáng tác của những nhạc sĩ đa phần là có học, có bằng cấp, có chân trong biên chế cơ quan nhà nước và họ sáng tác nhạc với mục đích duy nhất: Thực dụng viết theo đơn đặt hàng mà không cần đám quần chúng ít học có thích hay không, người sành nghệ thuật có ngửi nổi hay không, mà quan trọng là các quan chức, các Ban tổ chức “đặt hàng” có hài lòng hay không?

Đơn đặt hàng có thể là những cuộc thi mang tính hình thức, minh họa cho những khẩu hiệu, vuốt ve địa phương tính…cho đến những hành vi thỏa mãn cá nhân những nhà thơ bất tài vô danh nhưng nhiều tiền hoặc chịu chi cho cái goi là” Nhạc phổ thơ”.

Thơ dở có một đầu ra là đem đi phổ nhạc. Cho nên không ít nhà giàu làm thơ bèn lấy lòng dân nhạc từ trả tiền phổ thơ, cho đến những mối quan hệ hay đối đãi mang tính duy lợi cho người viết nhạc chịu phổ thơ họ!

Nhạc sĩ phổ thơ trong nhiều trường hợp này chắc chắn không ai vì cảm hứng từ BÀI THƠ mà chỉ vì NGƯỜI LÀM THƠ![Vì người làm thơ sẽ mang đến cho họ lợi ích vật chất hay quan hệ] Dĩ nhiên không ai công khai dám nhận điều đó mà họ sẽ lấp liếm rằng tôi cảm hứng vì thơ, họ dối lòng nên dối người là cái chắc. Có ai cảm hứng phổ thơ trong một đêm từ dăm ba bài cho đến đủ một album nhạc phổ thơ! Hoặc một năm có thể cho phát hành ít nhất đôi ba album phổ thơ! Là một người làm nghệ thuật chân chính thì con số đó sẽ khiến họ đỏ mặt vì xấu hổ! Quan trọng hơn, trong hàng đống cái trứng gà đẻ sai, mắn đẻ đó chả có bao nhiêu bài nghe được mà chỉ có những đơn vị bao cấp là che chở và phổ biến theo lối tuyên truyền hay cúng kỵ…

Tội nhất là những cuộc thi sáng tác âm nhạc minh họa cho khẩu hiệu. Bao nhiêu tiền thuế của dân sẽ nuôi béo những nhạc sĩ “bán thân” ít viết vì cảm hứng nghệ thuật mà vì cảm hứng kim tiền. Cho nên, mỗi năm có ít nhất cả trăm ca khúc dạng đó được rầm rộ trao giải, rồi tốn thêm khối tiền dàn dựng, nghe qua cho có rồi cuối cùng là bỏ đi như số phận một bài báo lá cải.

Những bài hát theo dạng”bán thân”này thường vô thưởng vô phạt. Nói “đạo”cũng không đúng nhưng nói không “đạo”cũng không được. Bởi chúng là sinh sản vô tính như những con ma-nơ-canh hàng loạt vô hồn. Những giai điệu đúng bài học thầy dạy nhưng nhợt nhạt tâm hồn và nhựa sống nghệ thuật. Tư tưởng thì đã bị dắt dây và vào khuôn một nếp não khô cứng văn bản diễn văn hay nghị quyết.

Lối thoát cho nhạc sĩ “bán thân”là sau những ca từ xếp đặt từ trước đã trở nên như cơm nguội là phổ thơ! Đừng tưởng rằng phổ thơ là dễ ăn. Nó rất dễ để có một bài hát thơ trong vòng 10 phút, nhưng cực khó nhiều khi cho cả đời để có một bài nhạc phổ thơ hay như của Phạm Duy,Phan Huỳnh Điểu và một số bậc tiền bối nhạc sĩ khác. Phổ thơ thành nhạc thì đã có nhà thơ lăng xê dùm, bỏ tiền làm nhạc dùm, làm album dùm hay chí ít cũng là hỗ trợ vì nhà thơ dốt nhạc và ngây thơ cứ nghĩ rằng thơ được phổ nhạc tất là thơ hay dù đó là thơ được vận động hành lang bằng tiền hay bằng tình cảm.

Không biết đến bao giờ những nhạc sĩ”bán thân”có một phút nhìn lại và tự phê những tác phẩm vô hồn vô sắc của mình nhỉ?

Họ cứ rung đùi tự sướng vì thấy bài mình được ghi âm, được trao giải trong cái không khí không phải nghệ thuật cũng không phải giải trí[Showbiz làm điều này xuất sắc hơn họ rồi] mà trong cái không gian quan hệ, hội hè, tuyên truyền đậm mùi tuyên giáo hay đậm mùi hư danh…

Họ cứ gật gù tự sướng vì thấy bài mình được đồng hội đồng thuyền khen, khen theo kiểu: mèo khen mèo dài đuôi, khen theo kiểu chơi hụi: Tao khen mày rồi mày khen tao, chúng ta đều đáng khen, chúng ta hay!

Trong khi đó Thần Nghệ thuật đang ói mệt nghỉ trong khu vườn xơ xác mang tên TÂM HỒN…

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Comments are closed.