Thơ Tân hình thức Việt: Kể sao hết được… (kỳ 1)

Đỗ Quyên

Tác giả gửi Văn Việt

doquyen

Nhà văn Đỗ Quyên

Tham luận Hội thảo khoa học

THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT – TIẾP NHẬN & SÁNG TẠO

Tạp chí Sông Hương, Huế  – 2014

Thơ là văn xuôi xuống dòng.

Trần Dần

Bài phê bình với tư cách một văn bản sẽ là đối tượng của một bài phê bình khác.

Về bản chất nó cũng là tác phẩm nghệ thuật hư cấu.

Jacques Derrida

Thơ vừa quên vần.

Viên Mai

 *

 MỤC LỤC

 I. Tân hình thức trên bậc thang sáng tạo thơ Việt theo trường phái, trào lưu

II. Tân hình thức trong cuộc đổi mới thơ Việt

III. Triết lý của Tân hình thức Việt

III.1. Tóm tắt                                                                                                                                                            

III.2. Nhận định chung                                                                                                     

III.3. Cứu cánh biện minh cho phương tiện                                                                

  III.4. Quá khứ gần, tương lai gần và tương lai xa

IV. Một số hoài nghi, phản biện, bài bác Tân hình thức Việt

V. Những vấn đề thi pháp                                                                                                 

V.1. “Nhân vật” thể loại trong Thơ Tân hình thức Việt                                               

V.2. Nhịp điệu với Tân hình thức Việt                                                                         

V.3. Tân hình thức Việt và kết cấu bài thơ                                                            

V.4. Cái Tôi của Tân hình thức Việt                                                                     

VI. Nói thêm về kỹ thuật vắt dòng

VII. Tạm kết 

 I. Tân hình thức trên bậc thang sáng tạo thơ Việt theo trường phái, trào lưu (*)

 

Hai mươi hai năm; kể từ sáng tác được xem là đầu tiên của Thơ Tân hình thức Việt [[]i]: bài Những nụ hồng của máu [[ii]] của Nguyễn Đăng Thường (5/1991). Và 13 năm; kể từ “tuyên ngôn” không chính thức về một thể thơ Việt không vần của một số nhà thơ Việt hải ngoại trên Tạp chí Thơ đầu năm 2000 với Khế Iêm là chủ bút và cũng là đồng tác giả khởi xướng, qua sự kiện lần đầu tiên dùng thuật ngữ Tân hình thức (New Formalism) của thơ tiếng Anh từng được phát triển ở Mỹ vào những năm 1980-1990. “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”? Hội thảo khoa học về Thơ Tân hình thức Việt lần đầu tiên trên thế giới đang trả lời.

Đây cũng là lần đầu tiên trong sự phát triển văn học Việt Nam, một trào lưu thi ca – có lý thuyết bài bản, có tranh luận sôi nổi, có thời gian thử thách, có ảnh hưởng dư luận và nhất là có thực hành sáng tác rộng khắp trong và ngoài lãnh thổ quốc gia – đã được cộng đồng văn học chấp nhận về học thuật. Trong môi trường lý luận, phê bình và sáng tác văn nghệ Việt Nam lâu nay chưa có tập quán trường/ phái/ nhóm, đây nên được xem là bước chuyển đổi lớn.

 Kể từ thời kỳ hiện đại, sau phong trào Thơ Mới như cuộc cách mạng nghệ thuật đồng thời với cuộc vận động toàn xã hội Việt Nam, nói về tập hợp văn học có chung quan niệm thay đổi thi pháp thơ Việt dường như chỉ có 5 nhóm văn nghệ, trường phái tạo ra hoặc liên hệ tới thi pháp: Xuân Thu Nhã Tập, Nhóm thơ Bình Định/ Trường thơ Loạn, Nhóm Dạ Đài, Thơ Tân hình thức Việt, và Nhóm Mở Miệng. Ngoài Nhóm thơ Bình Định, 4 nhóm phái còn lại đều có cao vọng – và ít nhiều đã tuyên ngôn hoặc thực hiện – ra khỏi thi pháp Thơ Mới.

Thi pháp Thơ Mới trong cuộc cách mạng lần thứ nhất đã lật lịch sử thi ca Việt Nam sang “chương hai”, từ ý niệm thẩm mỹ và tư duy nghệ thuật thời trung đại sang quan điểm hiện đại cùng các nền thơ khác trên thế giới. Tới nay cuộc cách tân thơ Việt về thi pháp với những đại biểu, theo thứ tự và thành tựu là: 1- Nguyễn Đình Thi (1946; tiên phong, dang dở); 2- Thanh Tâm Tuyền (1955; ảnh hưởng lớn, hiệu quả); 3- Trần Dần (1963; ảnh hưởng lớn, thể nghiệm); 4- Nguyễn Quang Thiều (1992; ảnh hưởng đáng kể, còn tiếp tục); 5- Thơ Tân hình thức Việt (2000; ảnh hưởng đáng kể, còn tiếp tục); Nhóm Mở Miệng (2001; ảnh hưởng giới hạn, thuộc về các vấn đề ngoài văn học).

Một cách tương đối, nếu xem hành trình sáng tác theo 4 bậc thang – Cách mạng (Cải cách) thơ: cần văn hóa, thời đại mới, thông qua chủ nghĩa, triết thuyết mới; Cách tân (mở đường) thơ: cần thi pháp mới, tạo khuynh hướng mới; Đổi mới thơ: bằng bút pháp mới tạo lối viết mới; Sáng tạo thơ: qua phong cách mới với thủ pháp mới – thì Thơ Tân hình thức Việt ở bậc thang Cách tân.

 

II. Tân hình thức trong cuộc đổi mới thơ Việt

 

Thơ Tân hình thức Việt đã tự và đang được khẳng định như một tiến trình đầy thử thách mà thành đạt trong sự nghiệp đổi mới thi ca Việt, bắt đầu từ sự kiện cuốn sách Thơ không vần – Blank verse xuất bản tại Mỹ (5/2006) gồm 65 tác giả ở trong và ngoài Việt Nam. Bài tựa của Khế Iêm, Tân hình thức bước ra từ nền văn học suy tàn, toát lên cao vọng với niềm “cực đoan dễ thương” thường thấy ở các nhà khai phá. Cuộc tranh luận ở hải ngoại (2002-2006) trên nhiều diễn đàn, rạo rực và căng thẳng; nhưng lành mạnh và khoa học. Kết quả mà Khế Iêm cùng các bạn thơ trong thi phái làm được là cao hơn nhiều bên mức độ cảm thụ thơ cùng sự phát triển văn hóa ở người Việt hải ngoại và người Việt Nam nói chung. Giá như nhóm Tân hình thức Việt giảm thiểu ý nghĩa “chuyển lửa Tân hình thức Mỹ” cho văn chương Việt, cho người Việt ở hải ngoại và ở Việt Nam thì sự tranh luận chắc sẽ dịu đi phần ồn ào không đáng có. [[iv]]

 Giữa cả ngàn báo chí văn học của cộng đồng người Việt ở ngoài nước sau 1975, nếu chỉ được kể 3 diễn đàn thì với chúng tôi Tạp chí Thơ, cùng với Tập san Hợp Lưu và Báo mạng talawas, là có giá trị nhất về phẩm chất văn chương và tính khai phá báo chí. Một trong các giá trị của Tạp chí Thơ là đã làm cái nôi, làm ngôi nhà cho sự hình thành, phát triển Tân hình thức Việt. Nói về thể loại, thơ và nhất dịch thơ là thành tựu lớn nhất của văn học Việt ở ngoài nước. Về phong cách và thẩm mỹ, Thơ Tân hình thức vẫn đứng đầu, kế sau là trào lưu hậu hiện đại, phong cách hiện thực thần kỳ, văn học nữ quyền, mỹ học của cái tục, của thân xác… Đứng đầu không chỉ ở phong trào sáng tác mà còn ở tiếp nhận lý thuyết từ văn học quốc tế qua những sáng tạo mới chứ không chỉ nối tiếp, minh họa. [[v]]

 

Trào lưu Tân hình thức Việt phát sinh ở Mỹ, từ “thủ phủ Bolsa” của người Mỹ gốc Việt, rồi phát triển ở hầu khắp hải ngoại và ở cả Việt Nam ngay từ 4-5 năm đầu cho tới nay; và cuối cùng nó đã chọn Việt Nam là nơi làm cuộc tổng kiểm thảo đầu tiên bên sông Hương núi Ngự dưới mái nhà Tạp chí Sông Hương như một diễn đàn văn học có thẩm quyền và sáng giá vào loại nhất không chỉ của địa phương mà cả đất nước Việt Nam. Một hành trình thơ sôi nổi nằm gọn trong cả hành trình đầy thương đau và lạ lùng của người Việt từ thời hậu chiến đến thời toàn cầu hóa.

 

Liên quan tới khái niệm thơ không vần, không kể thể thơ văn xuôi bộc phát tiếp nhận từ văn chương Pháp và thế giới, trong sự phát triển thơ Việt Nam có 2 cuộc cải cách xa nhau đúng nửa thế kỷ mang ý nghĩa phá thể, với thơ Nguyễn Đình Thi (1949) và Thơ Tân hình thức Việt (2000). Thơ không vần (so với Thơ Mới thời đó) của Nguyễn Đình Thi là loại thơ phá thể đầu tiên từ thơ tự do mà hiện nay thơ tự do đã phổ cập tới mức như một dòng chính song hành với tất cả các thể còn lại. Có thể so sánh: sông Hồng là dòng thơ truyền thống vần điệu Việt, và sông Cửu Long là dòng thơ tự do cách điệu Việt. Trên con sông thơ tự do, thơ không vần Nguyễn Đình Thi là của số đông; thơ không vần Thanh Tâm Tuyền là của Thanh Tâm Tuyền mà số đông cần có như một bến trên.

 

IIITriết lý của Tân hình thức Việt

 

III1. Tóm tắt

 

Triết lý Thơ Tân hình thức Việt tỏ ra rất… hình thức. Thoạt nhìn khá rắc rối; nhưng nếu nắm được đầu mối thì chẳng qua là một cách làm thơ dẫn cảm xúc theo tư duy.

Năm nội dung thi pháp Tân hình thức Việt: 1- Đặc trưng thể loại: Không vần, nhịp điệu khác hoàn toàn thơ bình thường; 2- Hai kỹ thuật tiên quyết: vắt dòng, tức xuống dòng theo số chữ (nói chung 5 đến 8 chữ), và lặp lại; 3- Tứ thơ theo một “chuyện” nào đó, tức có tính truyện; 4- Ngôn ngữ: đời thường, thông tục; không biện pháp tu từ; 5- Chất liệu: cuộc sống thường nhật.  

Tức là loại thơ không vần Việt này đã tiếp nhận đủ 4 yếu tố (từ 2 đến 5 trong danh sách trên) của thơ không vần Anh ngữ để làm ra một thể độc lập trong thi ca Việt.

Bài Vệt mực và tờ giấy của Nguyễn Tất Độ có thể coi là tương đối đại diện cho phong trào về phương pháp thể hiện và thế hệ sáng tác.

 Hạn chế về thi pháp Tân hình thức cũng rất rõ: tuy nương vào hình thức vuông vức của thơ niêm luật, Thơ Tân hình thức Việt phá khuôn phép cực đoan và diễn giải nghiêm chỉnh của các thể tài thơ truyền thống, thơ tự do bằng các thủ pháp cực đoan và diễn giải đơn điệu của mình, với ý đồ “chấm dứt và thanh lọc ngôn ngữ và phong cách thơ tự do và vần điệu”.

Khi làm tuyển tập Thơ kể, thư cho tôi và chắc cũng vậy với các tác giả khác, vị chủ biên viết gọn, “cần các bài thơ có ý tưởng đặc sắc, ngôn ngữ bình dị và nhịp điệu hay”. Nghe qua thấy cũng như 3 tiêu chí thông thường cho nhiều loại thơ, nhưng cùng một “lò” ai cũng hiểu 3 cái ấy sẽ phải biến hóa ra sao trong Tân hình thức.

 

III.2. Nhận định chung

 Kế thừa thủ pháp văn học của tiếng Anh từ chủ nghĩa Tân hình thức Mỹ, thể Thơ Tân hình thức Việt có cơ sở lý thuyết và lý luận – cùng các phản biện – vừa đủ khoa học, tiên tiến và thực dụng. Thông thường, trong văn học thế giới và Việt Nam, nếu như các cải tổ đều có thể quy về 3 hướng: lựa chọn đề tài thức thời (nhân thế, thời cuộc), chuyển đổi tư duy nghệ thuật (quan niệm mới về hiện thực) và sáng tạo kỹ thuật viết mới lạ (thể thức, phong cách lấn át nội dung), thì Tân hình thức Việt đã đồng loạt tiến hành cả ba chứ không chỉ quanh quẩn thủ pháp “đếm chữ ngắt dòng” nặng về hình thức như nhiều người nhầm tưởng.

 Về quan điểm thẩm mỹ: sau Thơ Mới đây như một cuộc “tiểu cách mạng” khi phá vỡ tư duy thơ để tạo ra thể thơ mới chưa từng có, góp phần đưa thơ Việt trong tiếng nói thời hậu hiện đại đến với các nền thơ toàn cầu. Nó khước từ kiểu cảm xúc lộ liễu Đông phương (trữ tình luận – nói nôm là lấy nước mắt) mà theo lối mô phỏng Tây phương (tri thức luận – lấy cái đầu bảo trái tim).

 

Về loại hình, Thơ Tân hình thức Việt đong đưa giữa hình thức của thể thơ truyền thống Việt và hình thái nghệ thuật của thể thơ tự do Việt [[vi]]. Trở về thơ truyền thống, cách viết Tân hình thức cũng dùng vài luật lệ bắt buộcnhưng là để dẫn dắt cảm xúc theo tư duy chứ không duy trì cảm xúc nguyên chất. Các tiêu chuẩn kinh điển như nhịp điệu, niêm, luật bằng trắc, hiệp vận, âm luật, vần, khổ thơ… đều trọn gói trong 2 kỹ thuật vắt dòng và lặp lại. Về diễn ngôn, Thơ Tân hình thức không tả như thơ trung đại, cũng không gợi như Thơ Mới và thơ hiện đại. Nó kể, như một kiểu văn bản thời hậu hiện đại [[vii]]. Không giống Thơ Mới và thơ hiện đại, cái tôi tác giả lúc này muốn đứng xa cái tôi đối tượng để như một “người máy” bị dẫn bởi lý trí chứ không bằng trực giác. Quyết định trong một hình thái thi ca là tính nhạc: quả là Thơ Tân hình thức Việt có giai điệu “lập dị”. So với các thơ không-Tân-hình-thức giai điệu này không trầm bổng lục bát, không siêu thoát Đường luật, không khúc mắc siêu thực… Nó đơn điệu, nếu nghe bằng cái tai cũ. (Tiếp mục V.2.)

 Về cảm hứng chủ đạo, cũng có thể xem Tân hình thức là một trong các cách kéo dài sang thơ của khuynh hướng văn học dòng ý thức khởi từ đầu thế kỷ 20 với đỉnh cao là phong trào Tiểu thuyết mới hồi giữa thế kỷ 20. Thủ pháp dòng ý thức tỏ ra hữu hiệu khi Tân hình thức muốn diễn đạt ý tưởng, cảm xúc theo những liên tưởng bất ngờ, liên tiếp, đôi khi bất thường. Nhà thơ Tân hình thức muốn độc thoại vô hồi hơn là đối thoại rành mạch. Kết quả của cảm hứng dẫn tới hành vi kỹ thuật là sự biến dạng của câu thơ. (Mục V.1.)

 Về đề tài, “đời sống bình thường tự nhiên, thoải mái, thể hiện mong ước của con người mang tính nhân bản, niềm vui và hạnh phúc trong tinh thần cảm thông bình đẳng” của Tân hình thức rất dễ bị coi là ‘tân nội dung’ khi chỉ là những thứ lặt vặt, tầm thường (…) dễ dãi nhàm chán.” (Mã Giang Lân [[viii]]).Quả vậy, nếu như không đưa tài thơ vào Thơ Tân hình thức! Thì cũng như thế cho thơ Haiku cổ điển với nội dung thuần thiên nhiên, không dùng cảm xúc, chỉ là thoáng nghĩ về sự việc vụt hiện. Và cho rất nhiều loại thơ khác chuyên về một thể tài. Cần thiết nêu lại luận cứ kinh điển: Một nghệ thuật đạt tới chỗ chỉ ra được trạng thái thế sự, tức là đã đạt tới trạng thái sử thi. Do vậy, có thể nó mang tính sử thi dù chỉ miêu tả sinh hoạt thông thường, không nhất thiết bao giờ cũng phải trực diện các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu. (G. W. F. Hegel; dẫn theo Lại Nguyên Ân [[ix]])

 Trong các trao đổi với Mai Văn Phấn [[x]] cùng các bạn thơ đều không/ chưa là tác giả có thể thơ này, chúng tôi cho rằng Thơ Tân hình thức Việt nhờ tính truyện đã tạo được những thời khắc vụt hiện, mơ hồ trong cảm xúc. Xung động mới của riêng mình sẽ đạt được, nếu khéo kết hợp tính bí ẩn Đông phương với tính thực tiễn Tây phương. Cái bất ngờ của loại thơ kể gần giống trong truyện cực ngắn, nhưng không chỉ bằng điều phi lý hay hư ảo. Mà là nhờ kỹ thuật lặp lại, cái vô lường được vụt hiện. Còn kỹ thuật vắt dòng thì đưa đẩy cái mơ hồ. Hai mâu thuẫn ấy góp phần tạo ra sự khó chịu của Tân hình thức ở những độc giả không chịu nó. Nhưng ai đã ưng, sẽ có lúc thấy nó “ngâm nga như khúc du mục, dân ca của các tay thảo khấu, hảo hán trên sông dưới núi Lương Sơn Bạc”. Cảm tưởng đó từ một bạn đọc trùng với lý luận của Đặng Tiến khi xếp “thơ Tân hình thức là một loại ca dao tân thời”. Trong thơ nói chung người ta tránh nhắc lại ý, coi đó như hồn vía ở một bài thơ, góp phần làm nên tứ. Mà nếu phải lặp lại, tức có chủ ý nào đó. Ngược lại, Tân hình thức dùng sự lặp đi lặp lại, trước hết, như sự tồn tại của hình thức. Bí quyết lặp lại không thể giống nhau ở các tác giả và ở một tác giả cũng không giống nhau với mỗi bài. Riêng tôi thấy nên nói như sau về một tiêu chuẩn của Tân hình thức: Lặp lại với sự khác biệt. (Chữ của Kenzaburo Oe).

 Frederick Feirstein – một trong các tác giả “quan trọng nhất và độc sáng nhất” của Tân hình thức Mỹ – có nhận xét đáng giá về điều đáng giá nhất trong Tân hình thức Việt: “Việc sử dụng kỹ thuật vắt dòng cũng cho phép Khế Iêm viết nên những bài thơ tự sự ngắn vốn phụ thuộc vào tính liên tục của tư duy và cảm nghĩ. Dòng chảy này được tuôn trào dễ dàng hơn nhờ cách diễn đạt thẳng thắn của ông, là cách diễn đạt mà Trường phái Tân hình thức Mỹ coi là yếu tố quan trọng.” [[xi]]

 Năm 2007 trang mạng thotanhinhthuc.org tổ chức 2 giải thưởng Thơ Tân hình thức Việt như là giải thi ca đầu tiên cho người Việt toàn cầu. Nguyễn Tất Độ (sinh năm 1983, sống tại Việt Nam) là tác giả trúng giải lần thứ nhất. Giải lần hai với Biển Bắc (1977, Hà Lan) là nhà thơ được vinh danh. Tiêu chuẩn của 2 cuộc thi là sáng tác “phải có nghệ thuật (kết hợp các yếu tố thơ) và tạo được cảm xúc nơi người đọc”, tức là đạt được “chất thơ, nội dung và nhịp điệu riêng của Thơ Tân hình thức.” Kết luận của Ban tuyển chọn [[xii]] đã nói lên nhiều điều. Thơ Biển Bắc đoạt giải vì có “ngôn ngữ đúng thực là ngôn ngữ đời thường. Phong cách và ý tưởng diễn đạt liên tục, khác với tính đứt đoạn của thơ vần điệu và tự do. Với Nguyễn Tất Độ: về cảm xúc thơ, 2 bài Một ngàn lời nói dối và Cà phê sáng: “khiến cho người đọc cảm nhận đựơc những điều mà một lớp trẻ đang nhìn thấy nỗi bất lực trong bứt phá đổi mới không khí họ đang hít thở. Những câu lập đi lập lại trong cả 2 bài tạo nên một âm thanh ray rứt và đầy tính kêu gọi khiến người đọc phải tự hỏi chúng ta sẽ làm gì.’ (Nguyễn Thị Khánh Minh); về ngôn ngữ thơ: “(…) bài thơ Những tòa nhà gần với ngôn ngữ Thơ Tân hình thức hơn cả, còn các bài khác vẫn còn là ngôn ngữ trừu tượng (có thể là cả nội dung nữa) của thơ tự do”. (Trầm Phục Khắc).

 Toàn diện, mạn phép dùng chữ và lối bình của Viên Mai: Cho tới nay Tân hình thức Việt đã qua giai đoạn tiêm xảo để tới mức tân kỳ, chưa bình đạm vì còn khô khan, đang tung hoành mà chớ coi thường tạp loạn; Tiên sinh cũng từng dặn “mấy cái đó hình như giống nhau mà kỳ thực khác nhau, sai một ly đi một dặm.” [[xiii]]

 III.3. Cứu cánh biện minh cho phương tiện

 Về mục đích, Tân hình thức Việt là để đưa thơ Việt tới các nền văn hóa khác. Khế Iêm đã hơn một lần nêu trên các bài vở, diễn đàn… Khi các nhà tiên phong phất cờ Tân hình thức Việt, đấy là mệnh đề hút hồn nhất (kế tiếp là khẩu hiệu của trang nhà thotanhinhthuc.org: “Vận động sáng tác và thảo luận”.) Một thiện ý chính đáng và hấp dẫn. Nó kích thích tinh thần truyền bá văn hóa, văn nghệ Việt ra trường quốc tế khi mà toàn cầu hóa đang là mục đích sát sườn của nhiều quốc gia, cộng đồng “thiểu số”, “ngoài lề”… Và cũng là nguyện vọng ở nhiều tác giả thuộc về quốc gia, cộng đồng đó, ngay cả khi họ là thành phần của các cường quốc, như trường hợp Tạp chí Thơ và nhóm Tân hình thức Việt tại Mỹ.

Dẫu vậy, theo chúng tôi, có sự bất cập trong “mục đích” như thế! Dễ thấy, ở từng thành phần thi pháp, dù có một số bản tính của thơ Việt nhưng Tân hình thức Việt chưa thể và sẽ là không thể tiêu biểu cho thơ Việt đương đại để “mang chuông (Tân hình thức) đi đấm xứ người”. Đó chỉ là – ngay cả khi thành tựu – một lối thơ đặc biệt như một hiện tượng, trong đó đặc biệt nhất là dễ chuyển dịch sang các ngôn ngữ khác. (Tiếp phần V.)

 

Chỉ cần nhìn trên bình diện lao động nhà văn sẽ thấy như có sự nhầm lẫn khi đã coi hệ quả làm mục đích/ cứu cánh ở đường lối Thơ Tân hình thức Việt. Không khó nhận chân rằng, xét cho cùng mọi hành vi sáng tạo nghệ thuật không có cứu cánh nào khác ngoài đáp ứng nhu cầu nội trạng của chủ thể sáng tạo. Chủ thể: đó là cá nhân tác giả; và trong không ít trường hợp, đó là cộng đồng, dân tộc có chung ngôn ngữ, văn hóa với tác giả. Các yếu tố khách thể và ngoại cảnh chỉ là hệ quả, là thứ sinh; nói nôm “ăn theo”. Đặc biệt với việc chuyển dịch sáng tác văn học từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích, nơi hưởng lợi – về tác động nghệ thuật – chính là quốc gia, văn hóa, ngôn ngữ đích. Tác giả cùng ngôn ngữ, văn hóa gốc hưởng các lợi ích thường là ngoài văn bản (tác phẩm) mà truyền bá, ảnh hưởng chỉ là một trong các thu hoạch trên “cánh đồng năm tấn” đó.

Nhưng, ngay cả khi bị quan niệm không chuẩn trong quan hệ nhân quả, thực chất của kết quả sáng tạo không thay đổi nhiều, miễn sao phương tiện phù hợp. Nó không hoàn toàn triệt tiêu thể loại. Nó biến hoán các thể loại “truyền thống” sang những hình thái “hiện đại”.

 Khế Iêm cũng hiểu “giữa Tân hình thức Mỹ và Việt không hề giống nhau vì có 2 mục đích khác nhau, chúng ta chỉ mượn thuật ngữ ‘Tân hình thức’ để giới thiệu vào thơ Việt một thể thơ mới. Thơ Tân hình thức Mỹ, sử dụng ngôn ngữ nói thông thường, để chuyển đời sống thực tại, xảy ra trong sinh hoạt thường ngày vào thơ.” Inrasara và một số người, vì thế, gần thực chất khi nói thể văn học này là “cách để làm mới lại tính cổ điển trong thơ, nhằm kéo thơ đương đại lại gần với độc giả hiện thời hơn”. Thật ra, giống ở nhiều hoạt động văn nghệ khác, không mấy thi sĩ Tân hình thức Việt quá coi trọng “tôn chỉ” của nhóm làm thơ tự giác, phi tổ chức, nghiêm túc mà rất vui vẻ ấy. Họ “chơi” Tân hình thức, vì thấy mới lạ và thu về được kết quả của riêng mình. Tất nhiên, ít nhiều họ hiểu tài-tâm-tầm của Khế Iêm cùng các tác giả mở đường, cũng như về phong trào Tân hình thức Mỹ. Đúng như tiêu đề Thư mời của Ban tổ chức, họ “tiếp nhận” rồi “sáng tạo”. Như mọi trường phái văn học trước và sau Tân hình thức…

 III.4. Quá khứ gần, tương lai gần và tương lai xa

 

Một loạt biểu hiện trong vài năm qua ở Việt Nam cho thấy phong trào đang được thừa nhận không chỉ trong dư luận mà cả ở một số báo chí, xuất bản chính thống và uy tín.

Tuyển tập Thơ kể – Poetry narrates, Nxb Lao Động 2010, với 21 tác giả từ trong nước tới hải ngoại, Lời giới thiệu của Angela Saunders, là tập thơ song ngữ Việt-Anh thứ hai của Tân hình thức Việt và là tuyển tập đầu tiên xuất bản tại Việt Nam, không kể các tập thơ cá nhân.

Lần đầu tiên ở trong nước, chuyên đề Thơ Tân hình thức do Tạp chí Sông Hương số 280 – tháng 6/2012 đã thực hiện chu đáo và ngoạn mục trên nhiều mặt, và trang nhà tapchisonghuong.com.vn có chuyên mục Thơ Tân hình thức. Tới tháng 9, báo Nghệ Thuật Mới của Hà Nội cũng dành chuyên trang tuyển thơ của 8 tác giả Tân hình thức Việt, như là lần đầu tiên trên báo chí chính thống ở các tỉnh phía Bắc. Là một tạp chí địa phương mang tầm quốc gia, Sông Hương từ khi ra đời, nhất là thời Đổi mới và hậu Đổi mới đã đặc sắc ở chỗ tạo ra, tìm thấy các vấn đề và trong nhiều sự kiện đã giải quyết vấn đề với không ít gian nan. Gần đây, lý luận và phê bình ở các đề tài vượt tầm quốc gia vẫn là thế mạnh mà Tạp chí luôn chiếm hàng đầu trên mặt bằng báo chí văn học Việt Nam. Mới nhất, hồi tháng 6 điều đó được thấy qua chính nhan đề diễn văn của Tổng Biên tập Hồ Đăng Thanh Ngọc (và cũng là một tác giả Tân hình thức có tiềm năng) – Từ dấu mốc 30 năm thành lập, tiếp tục giữ gìn bản sắc Huế, tôn vinh các giá trị đích thực, cổ súy những trào lưu sáng tác mới” – và qua cả nội dung của bài.

 

Theo Ban tổ chức, đến nay đã có hàng trăm nhà thơ theo đuổi Tân hình thức Việt, với khoảng 15 tập thơ Việt-Anh và sách lý thuyết được xuất bản trên thế giới. Tham khảo 3 danh sách trong 2 tập song ngữ đã nêu và danh mục trang thotanhinhthuc.org, chúng tôi có được con số khoảng 122 tác giả Tân hình thức Việt. Nếu bổ sung những vị chưa được danh mục cập nhật và từ các trang mạng, báo chí khác, sẽ khoảng 150 tác giả?

Chỉ về số lượng, với một trào lưu mới, một thể mới của thơ Việt được vậy là thành quả. Thử nhìn lên số lượng nhà thơ Việt nói chung và nhìn sang 2 phân loại khác. Qua vài thống kê, chúng tôi ước tính có khoảng 2000 nhà thơ Việt Nam hiện đại. [[xiv]] Với thể loại trường ca [[xv]], từ Thơ Mới tới nay (cập nhật 20/9/2013) dòng trường ca Việt có khoảng 426 tác giả, trong đó khoảng 305 tác giả trường ca và khoảng 121 tác giả thơ dài có chất trường ca. Với danh sách Các nhà thơ cần giải thích giá trị, hiện là 38 tác giả thì 5 người có sáng tác Tân hình thức. (Xem Chú thích 19, 21, 34, và mục V.3.).

Tân hình thức Việt đã thu hút số lượng tác giả và dịch giả đáng quý trọng ở cả 4 thế hệ Việt làm thơ. Số tác giả trong nước gần một phần ba (1/3). Số tác giả nữ khoảng một phần bảy (1/7). Có khá nhiều nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình thành danh của thế hệ U40: Đặng Tiến, Đinh Cường, Nguyễn Tiến Văn, Vũ Huy Quang, Nguyễn Đạt, Nguyễn Đăng Thường, Hoàng Xuân Sơn, Khế Iêm, Nguyễn Lương Ba, Nguyễn Đình Chính… Có không ít tác giả dường như nổi lên sau cao trào Tân hình thức: Biển Bắc, Gỷang Anh Iên, Nguyễn Tất Độ, Huy Hùng, Trần Vũ Liên Tâm…

 

Vượt thắng các đợt sóng phản biện, phản bác, chê bai trên nhiều báo chí, diễn đàn hải ngoại; bỏ qua những nhược điểm đương nhiên thuộc về ý đồ phủ nhận thể loại [[xvi]] trong mọi lý thuyết mới, những hồn nhiên với thói quen cực đoan, đại ngôn cho một trào lưu; nhất là nhờ kiên trì theo con đường mới với sự vận động sáng tác, nghiên cứu trong thi giới Việt và cả Mỹ; các thi sĩ Tân hình thức Việt, đi đầu là thi sĩ – lý thuyết gia Khế Iêm đang trao tặng thi ca Việt hiện đại một thể thơ mới và ổn định về thi pháp trên phạm vi chấp nhận được của cộng đồng văn chương Việt Nam và quốc tế. 

 

Cá nhân người viết khó chia sẻ hoàn toàn ý tưởng dù đẹp mà Khế Iêm đoan quyết: “Chúng tôi tin rằng, chừng nào còn những nhà thơ có nhu cầu thay đổi và giao tiếp với thế giới bên ngoài, tìm kiếm người đọc từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác, thì thể thơ-không-vần sẽ còn là phương tiện hiệu quả và cần thiết.” [[xvii]]. Tới thời điểm này, xin mạnh dạn nhìn về tương lai gần và xa của Tân hình thức Việt…

Theo quan sát của chúng tôi, ở hải ngoại vài năm nay Tân hình thức hầu như đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”. Cao trào, qua đỉnh cao đang thoái trào. Gần 15 năm thai nghén, tạo dựng và bảo vệ lý luận, hơn 10 năm phát triển phương pháp, hình thành sáng tác và in ấn quảng bá. Kể cũng là “chuẩn” cho một phong cách nghệ thuật ở chuẩn quốc tế! Lối thơ đều chữ và tự sự đã được mặc định là “thơ thứ thiệt”: không kể “lò” thotanhinhthuc.org, trên các trang mạng văn học quen thuộc như damau.org, tienve.org chừng dăm tuần lại xuất hiện một đôi bài, và nếu có in trên báo chí chắc sẽ không còn phải trương dòng chữ “Thơ Tân hình thức” ở trên bài thơ nữa. Với một số tay bút coi đây như sân chơi thì thấy “game over”. Với những tác giả thấy đó như một phong cách thì hẳn nó đã ngấm vào họ, để thỉnh thoảng trở lại như mọi thể thơ khác hoặc mang tinh thần Tân hình thức trong việc thơ về sau. Dường như chỉ còn Khế Iêm cùng trợ giúp từ một số dịch giả vẫn chuyên tâm với và chỉ với Tân hình thức, từ sáng tác, dịch thuật đến lý luận, thảo luận, và 7 năm qua chăm sóc trang nhà thotanhinhthuc.org, quảng bá, giao thiệp, xuất bản, in ấn với kết quả mĩ mãn đến không ngờ mà biểu hiện chót là cuộc hội tụ hôm nay.

Lúc này câu hỏi đầu môi là: Tương lai gần của Tân hình thức trong nước ra sao? Nói chung, khó có thể với sáng tác thơ nhưng “thầy bói xem voi” vẫn là điều có thể với việc sinh hoạt thơ. Chắc chắn Ban tổ chức cùng chúng ta đều tin Hội thảo sẽ làm cú hích mạnh và đúng lúc cho xu hướng này, khi nó đã tương đối quen thuộc với không ít tác giả ở khu vực văn học ngoại biên (nhất là ở các tỉnh thành phía Nam) và một số đáng kể trong vùng văn học trung tâm trên cả nước. Riêng tôi mường tượng trong vòng 6-7 năm tới, nói tròn đến năm 2020, riêng về số lượng nếu tác giả Tân hình thức Việt toàn cầu (mà người mới xuất hiện chắc sẽ từ ở trong nước) lên tới mức 250 vị: kể như “phe ta thắng đậm”! Hình dung đúng ngày Hội thảo ở Huế, các tờ báo đại chúng như Tuổi Trẻ trong Sài Gòn, Tiền Phong ngoài Hà Nội với góc báo khiêm tốn nhưng bắt mắt dành hẳn một khuôn viên Thơ Tân hình thức khiến bên các sạp báo vỉa hè nổi lên những câu hỏi “Thơ gì vậy cà?”, “Thơ thế lày là thế lào?”: coi như khởi đầu “phe ta thắng đậm”. Bởi đó là biểu hiện đầu tiên trong quan hệ độc giả – tác giả cho loại thi ca “ngồi bệt xuống cỏ (hướng lên bầu trời)” mà Tân hình thức là một đại biểu trong thời hậu hiện đại Việt.

Tương lai xa của Tân hình thức Việt? Văn học kim cổ nghệ thuật đông tây, khi đã mệnh danh trào lưu, trường phái tất phải nghĩ về “ngày chết”, và nếu may mắn sẽ sống mãi như một tinh thần, một bút pháp phụ cho đời sau. Phong trào Siêu thực Pháp là ví dụ rực rỡ và thuyết phục nhất về tính sinh tử của trường phái trong sáng tác, sinh hoạt văn nghệ thế giới hiện đại. Ưu tư của Ban tuyển chọn giải Thơ Tân hình thức Việt 2007 nói lên khó khăn thường thấy ở các thi phái: “Ngay cả người đọc cũng đọc theo cách đọc cũ vì Thơ Tân hình thức chưa làm nổi bật lên được đặc tính của nó. Có lẽ vì thế mà đa số chỉ làm một thời gian ngắn rồi ngưng, không đi tiếp được. Họ ghé qua chơi cho vui một lát rồi thôi, không có ý ở mãi với dòng thơ này.” Tôi cũng đồng ý rằng, chưa nói hay-dở, về “dáng dấp của loại ngôn ngữ Tân hình thức” chỉ có ở rất ít tác giả như Lưu Hy LạcNguyễn Hoài PhươngGỷang Anh IênNguyễn Thị Khánh Minh.

 Trừ thao tác ngắt dòng, hình thức của Tân hình thức Việt thực ra rất phiếm chỉ, bất định. Như cái bẫy cho các tay mơ sa vào “đếm chữ ăn”… thơ! Cao tay ấn là kỹ thuật lặp lại. Nhưng nó chỉ tạo hình thức bên ngoài. Nhà thơ Tân hình thức phải tự tìm hình thức bên trong của riêng bài thơ sau khi đã nhắm nội dung nào đó. Nói gọn, tạo tứ Tân hình thức cực khó, khi mà không một hình tượng nào có thể phủ lên toàn bài thơ luôn cuộn chảy. Đâu phải cứ nhào vô một câu chuyện đầu cua tai nheo là ăn được tình của thiên hạ Tân hình thức! Thật khó lòng tin một người chưa “sạch nước cản” với các loại hình căn bản của thơ vần điệu, nhất là lục bát, và thơ tự do lại có thể làm một bài Tân hình thức “sạch nước cản”, trừ phi có “di truyền Tân hình thức”! Một oái oăm nữa, cũng như thơ văn xuôi, thể thơ này quá khó định chuẩn: Bạn đã thấy bài thơ văn xuôi nào lọt vào danh sách thơ hay nào đó chưa? (Tiếp mục V.)

 Sẽ bàn thêm với từng thành phần thi pháp trong các mục sau. Cần nói ngay, tôi cho rằng Tân hình thức không thể là “chính thi” trên nền thi ca Việt đương đại. Nó khó đọc và cũng hơi khó hiểu trong những lần đọc đầu. Tân hình thức không thể phổ cập được; như một loại “đặc sản” chỉ hợp số ít trạng thái thi cảm của người viết và người đọc. Âu cũng chuyện thường trong sáng tạo, thượng thặng như Haiku Nhật còn phải vậy. Thơ-kể sẽ chỉ là một trong các dòng thơ phụ. Độc đáo với một số đề tài và đối tượng; lại có tác dụng khôn lường trong dịch thuật. Và nó không thể và cũng không muốn tham dự vào vùng trung tâm văn học. Chưa hẳn vì nội dung, cảm xúc không bao trùm mọi tiêu chí văn chương, nó xởi lởi và cuồn cuộn tự định vị ngoại biên qua phương thức lê thê và thủ thuật lập dị của mình. Với niềm hãnh diện quên dị nghị.

Riêng tôi hay nghĩ, giữa hàng chục thể, loại, hình thi ca Việt, chắc chỉ có 2 tiểu thể loại là thơ lục bát và thơ tự do đủ khả năng tiêu biểu cho thơ Việt trên trường quốc tế; vì chúng hài hòa một cách dung dị 2 tính chất riêng chung: bản sắc Việt và nhân loại hiện đại. Đưa cái nhìn ra 20 năm nữa: trong số 100 nhà thơ Việt cầu mong có được 10 người biết ít nhiều về Tân hình thức, 5 người coi nó cũng-là-thơ, và một đôi người (đều đặn hay thỉnh thoảng) là tác giả Tân hình thức.  

 IV. Một số hoài nghi, phản biện, bài bác Tân hình thức Việt

 San sẻ với Tạp chí Sông Hương trong Lời dẫn chuyên đề Thơ Tân hình thức về “việc truy vấn, hoài nghi về Tân hình thức là điều dễ hiểu bởi thông qua sự hoài nghi thì giá trị của nghệ thuật mới được kiểm chứng”, chúng tôi mạn phép chọn lọc một số hoài nghi, phản biện, bài bác Tân hình thức Việt từ những năm đầu cho đến nay.

Đơn cử các tác giả Mã Giang Lân, Nhã Thuyên, Mai Văn Phấn, Nguyễn Hòa, Chân Phương, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Vũ Văn, và Ban biên tập talawas, chúng tôi đã trích lược về nội dung thi pháp, tư liệu, tinh thần học thuật, ảnh hưởng…[[xviii]]. Các ý kiến mở màn của Nguyễn Vũ Văn và khép màn của Chân Phương có thể xem là dữ dội nhất trong những cơn sóng phản bác Tân hình thức ở hải ngoại vào chính các năm hoàng kim của thể thơ này 2002-2007. Dù chúng tạo ra các hiệu ứng tốt xấu khác nhau nhưng đều mang mức học thuật cần thiết. Đó là điểm son cho phê bình văn nghệ Việt. Do phải lấy sự tồn tại làm mục tiêu tối hậu và nhiều hạn chế nhất là về nhân sự, sinh hoạt văn chương Việt ở ngoài nước rất khó có phê bình văn học chuyên nghiệp và khách quan, dù ở ngay trong lòng các quốc gia sở hữu một nền phê bình như thế. Chúng ta càng thấy quý cuộc tranh luận Tân hình thức như đã từng. Nó tỏ ra không bị chính trị và thời cuộc can thiệp; tính chất phe bè cũng không là bao. Đỗ Kh. từng ví cộng đồng văn chương di dân chật chội mà vui vầy như gia đình “tứ đại đồng đường” với một căn hộ khép kín. Giữa các tác giả hải ngoại với nhau, ai viết được gì quý cái đó nếu như không “phạm giới” chính trị. Hầu như không có những cuộc tranh luận học thuật về phương pháp sáng tác, ngoại trừ sự kiện Tân hình thức. Rất cần tìm hiểu về những phê phán, chỉ trích, hoài nghi Tân hình thức từ dư luận bạn đọc, giới phê bình ở trong nước. Đó có là một trong các chủ đề của Hội thảo?



(*) Được rút gọn từ bản tham luận với cùng nhan đề, đây là bản đã in trong tuyển tập “Thơ Tân hình thức Việt – Tiếp nhận và sáng tạo”; Kỷ yếu Hội thảo, Tạp chí Sông Hương (Huế) & Tan Hinh Thuc Publishing Club (California) – 2014. Bài viết như nén hương xa viếng tặng bạn văn Đà Linh.
[i]. Trong bài, ở nhiều chỗ cụm từ “Thơ Tân hình thức Việt” tùy ý nghĩa được viết gọn là “Thơ Tân hình thức”, “Tân hình thức Việt”, hoặc “Tân hình thức”.

[ii]Những nụ hồng của máu lần đầu in trên Tạp chí Thế Kỷ 21 – tháng 7/1991.

[iii]Đỗ Quyên, Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức hậu hiện đại Việt, Tạp chí Sông Hương số 257 tháng 7/2010, và tapchisonghuong.com.vn 30/7/2010.

[iv]. Đỗ Quyên (Thơ đến từ đâu, Nguyễn Đức Tùng, Nxb Lao Động 2009, và ebook damau.org 26/12/2011).

[v]Đỗ Quyên, Chỉ là đợt thử mắt bên phảiTham luận Hội thảo “Văn học hải ngoại: Thành tựu và tiềm năng” – California 27/1/2007, và damau.org 23/12/2006. 

[vi]. Ba điểm abc của thể thơ tự do Việt liên hệ với Tân hình thức Việt: a. Có yếu tố nước ngoài cụ thể; b. Thơ tự do có vần hoặc không vần; c. Chữ “tự do” được hiểu theo nhiều nghĩa (hình thức niêm luật, hình tượng, tình cảm), khéo dùng ba cái tự do đó sẽ có nhạc tính tự do.

[vii]. Phác họa về diễn ngôn và mục đích trong thơ Việt: Thơ trung đại tả, kể để thuyết, giải; Thơ Mới tả, gợi để cảm; Thơ cách mạng và chiến tranh tả, kể, gợi để thuyết, cảm, giảng; Thơ hiện đại gợi, diễn để giải; Thơ hậu hiện đại kể, bày để diễn, tỏ; Thơ Tân hình thức kể để cảm, thấy. Trong tất cả, cái ít-thơ nhất là giảng.

[viii]Mã Giang Lân,Thơ và không chỉ là thơ, Tuần báo Văn Nghệ số 39/2013.

[ix]. Lại Nguyên Ân, Thử nghĩ về chất văn xuôi, Tạp chí Sông Hương số 8 tháng 8/1984.

[x]. Đỗ Quyên, Tân hình thức – Ba bài thơ và các bình luận, damau.org 26/10/2009.

[xi]. Feirstein, Frederick; Giới thiệu tuyển tập thơ Khế Iêm, Phạm Kiều Tùng dịch; tập Thơ khác.

[xiii]. Viên Mai, Tùy Viên thi thoại, Nguyễn Đức Vân tuyển dịch; nguyentrongtao.info 2/10/2013.

[xiv]. Tiêu chí các danh sách nhà thơ Việt Nam hiện đại chặt chẽ, chính tắc hơn so với ở các danh sách phong trào, thể loại…

[xv]. Đỗ Quyên, Trường ca Việt Nam: Tác giả và tác phẩm, vanhocviet.org 25/7/2013, vanvn.net 27/9/2012, và bản thảo cập nhật 20/9/2013.

[xvi]. Như cách nhìn do khắt khe nên có phần sai lạc của Khế Iêm cùng một vài thi sĩ mở đường Tân hình thức về thơ tự do Việt (vai trò trên nền thơ Việt; nhạc tính, vần) mà nhiều tác giả cũng từng phê phán.

[xvii]. Xem: Văn Giá, Về một nỗ lực làm mới thơ ViệtTạp chí Sông Hương số 280 tháng 6/2012.

[xviii]. Phụ lục trong bản đầy đủ.

 

 

 

Comments are closed.