Đi tìm người Việt “bình thường” đã mất

Nguyễn Hoàng Văn

Vậy là, sau mấy năm trời quan sát, trầm tư, tôi đành lui về thế thủ, xốc lại kiến thức, rà soát lại phương pháp nghiên cứu bởi đã bó tay, không thể phác thảo bức chân dung chung cho những “người Việt bình thường”.

Đây là do tôi kém cỏi, bất tài? Hay do mẫu người ấy đã tuyệt chủng, như là hệ lụy từ cái lịch sử bất bình thường của chúng ta? Và tôi thấy tôi như con xạ hươu của Rabindranath Tagore, cái con thú hoang thỉnh thoảng vẫn bắt gặp trên phím đàn của nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn, ngơ ngác, lạc lõng, lanh quanh đi tìm cái mùi hương không biết là của chính mình: “Tôi đi tìm điều tôi không thể có, và tôi có điều tôi không thể tìm”. [1] Thâm tâm, lúc nào tôi cũng nghĩ về mình như một “người Việt bình thường” vậy mà tôi lại bất lực, không thể xác định nổi hình ảnh chung của cái cộng đồng mà mình thuộc về ấy.

Dự án “người Việt bình thường” ấy hình thành theo sự bùng nổ của các cuộc tranh luận nảy lửa quan đến các vấn đề… bất bình thường của đất nước. Đầu tiên là trên các diễn đàn trực tuyến và sau là mạng xã hội mà, ở đó, bao giờ cũng thấy nhắng nhít những kẻ tự xưng là “bình thường” với mục tiêu nhất quán là… bình thường hóa những điều bất bình thường của đất nước. Từ vụ “hành quân” bất bình thường của công an Hải Phòng ở Tiên Lãng năm 2012 đến vụ đánh đêm bất bình thường ở Đồng Tâm năm 2020. Từ dự án khai thác nhôm bất bình thường ở Tây Nguyên năm 2007 đến đề án đặc khu kinh tế bất bình thường ở Quảng Ninh năm 2017. Rồi bản án tử hình bất bình thường của thiếu niên Hồ Duy Hải đến bản án của nhà hoạt động dân sự Nguyễn Lân Thắng mới đây. Vân vân, bất cứ nỗ lực soi chiếu những vấn đề bất thường như thế bằng nghĩa lý thông thường cũng đều đụng độ với một đội ngũ những phá bĩnh viên cù nhầy, nói không bao giờ xong, nấp dưới danh nghĩa “bình thường”.

“Khôn nói không lại, dại nói không rồi”, nếu sân khấu chèo của chúng ta có Xúy Vân giả dại thì đây, cái cuộc chiến ngôn luận này, lại thấy một bọn dại giả… bình thường. Đây, phải chăng, là một sự tái điệp nhỏ nhỏ của lịch sử bởi nếu người xưa chứng kiến đội ngũ đấu tố viên được mớm lời trong cuộc cách mạng thổ cải “long trời lở đất” học theo nước Tàu và nay chúng ta lại chán ngán trước hàng hàng lớp lớp “ngũ mao quân”, những Chí Phèo ngôn luận trong danh xưng “dư luận viên”? Xưa thì trút lửa căm hờn giai cấp theo chỉ tiêu và nay thì đánh rối vấn đề đếm xu? Và đây, liệu, có phải là hệ lụy của tiến trình bạch hóa hay giải ảo lịch sử, dẫu là bán chính thức? Khi mà sự thật đã phơi bày, khi mà những thần tượng đã sụp đổ thì còn gì để nhân danh, thôi thì lui về cố thủ trong cái trường thành của những giá trị phổ quát, muôn đời: “Tôi chỉ là một người bình thường”.

Nhân danh sự “bình thường”, họ cãi cày cãi cối cho những biến tướng của cái xã hội mà, theo lý thuyết, phải được xây dựng bởi những con người vượt lên trên mức bình thường. Cái mô hình con người mà tôi, trong mái trường xã hội chủ nghĩa, từng ê a như vẹt: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người mới xã hội chủ nghĩa. Con người mới xã hội chủ nghĩa là con người, có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa, có ý thức làm chủ nhà nước…. Tôi ê a như vẹt còn nhà văn Thế Uyên thì, trong tập tùy bút Con đường qua mùa Đông, cho là bí hiểm, nhất là đối với người Việt sống ở nước ngoài bởi nghe chẳng khác gì một câu thần chú. Thần chú lại là thứ ngôn ngữ ma mị mà giới pháp sư sử dụng để lừa lọc thiên hạ mà cả họ, thậm chí, cũng chưa chắc hiểu hết. Chưa hình dung nổi chủ nghĩa xã hội là gì thì làm sao có thể luyện nên “con người mới xã hội chủ nghĩa”? Và tôi, cũng như bao nhiêu người cùng thời, đành chịu, bó tay, không đào đâu ra được một con người như thế để so cân giữa lý thuyết và thực hành.

Không tìm ra đâu được mẫu người lẽ ra phải tràn ngập giữa đời, tôi nhìn lên cao hơn, cái mô hình phát hiện qua lời thán phục của một nhân vật trong một cuốn phim trình chiếu đâu vào giữa thập niên 1980: “Thiệt đúng là một người cộng sản có học thức, được đào tạo chính quy.” [2] Được thán phục như thế này thì ắt phải có trình độ lý luận chính trị rất cao, ít nhất cũng phải trải qua một khóa học tập trung nào đó, tại một học viện nào đó tương đương Trường đảng Nguyễn Ái Quốc mà nhà văn Tô Hoài từng dùi mài những hai năm trời, vào đầu thập niên 1960.

Nhưng sự thật lại trớt quớt như thể là chuyện để chọc cười. Cũng là người có học thức thế mà, sau hai năm theo học chính quy và được chứng nhận “cao cấp lý luận chính trị như ai”, Tô Hoài – như đã kể lại trong chương thứ VII của hồi ký Chiều chiều – đã thú nhận rằng bao nhiêu chữ của thầy đều trả hết cho thầy. Ông giáo sư lặn lội từ Nga sang để truyền bá những lý thuyết kinh tế Mác-Lê vậy mà, sau hai năm học tập, nhà văn của chúng ta chỉ ghi tâm mỗi một điều là ông ta rất ghét học viên vào lớp vênh cằm vặt râu, bắt quả tang kẻ nào vặt râu là ông đuổi ngay ra khỏi lớp. Mà ngoài “những chuyện dớ dẩn” như thế, nhà văn cũng học được một điều thiết thực, khả dĩ áp dụng vào đời sống nhưng, oái ăm thay, đó chỉ là cách làm… dấm. [3]

Tô Hoài thì có ý hài hước nhưng nhà văn Nguyên Ngọc thì không, thẳng thừng hơn. Trong hồi ký Đồng bằng, chương VII, chương viết riêng về ông Hồ Nghinh, nguyên là bí thư tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng và sau là Phó ban Kinh tế Trung ương – nhà văn này kể: “Tôi có may mắn ít nhiều được ở gần anh cả trong và sau chiến tranh, Anh có dặn và nhờ tôi hai việc mà tôi đều không làm trọn được. Sau 1975, hết chiến tranh, hôm đến chào anh để trở ra Hà Nội, anh cười dặn tôi: Ra ngoài đó, muốn làm gì thì làm, nhưng mình dặn một điều, đừng có đi học trường Nguyễn Ái Quốc nghe, chỉ đần người đi.” [4]

Đến như vậy thì chúng ta còn có thể trông mong gì ở mẫu người người bề trên đó? Thôi thì hạ thấp kỳ vọng, thoát ly khỏi “thực tại khách quan” để tìm trên trang văn thôi, cái mẫu người hư cấu, những “nhân vật điển hình” của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Đó là mẫu người hội tụ hầu hết những đặc tính của cái cộng đồng mà mình đại diện nhưng, để sống, để thực, để cho ra… người hơn, họ phải thể hiện những cá tính nào đó. Nhưng, như có thể thấy qua hàng loạt tác phẩm, nền văn học đó chỉ có thể nặn ra những hình nhân gượng ép, nhợt nhạt, không chút sinh khí mà, vạn nhất, nếu có tạo nên một nhân vật đường được, thực sự… ăn và thở trên trang văn, thực sự có cá tính, đó lại là những nhân vật trái đạo, không hề mong muốn, như Lão Am trong Cái sân gạch của Đào Vũ.

Đó là cái thời mà nông thôn miền Bắc rùng rùng chuyển động trong cuộc “cách mạng quan hệ sản xuất” hay “cải tạo nông nghiệp” vào cuối thập niên 1950. Cái công cuộc “hợp tác hóa” nông nghiệp, gộp tài sản riêng thành tài sản chung để từng cá nhân không nhất thiết phải gánh vác trách nhiệm về tài sản và nguồn sống của mình. Nghĩa là “cha chung không ai khóc” và Lão Am, như một nông dân bình thường, với bản năng sinh tồn của mình, đã khư khư bám vào cái quyền “khóc” riêng cuả mình, đòi cái quyền tự mình gánh vác nguồn sống của mình, từ thửa ruộng cho đến con trâu. Và lão, như một nhân vật văn học, đã bị giới phê bình – lý luận thời ấy loại trừ trong cuộc bình chọn “điển hình” với lý do bộc lộ quá nhiều tính cách tiêu cực. Quá nhiều nét tiêu cực thì không thể là một “nông dân điển hình” mà, bất quá, chỉ là “điển hình” của những “nông dân tiêu cực”.

Tìm “con người mới…” đã khó. Tìm người “có học thức được đào tạo chính quy” càng khó hơn. Rồi tìm một “nhân vật điển hình” hư cấu thôi cũng khó nốt. Nhưng dẫu khó thì, trên lý thuyết, ba cái khó ấy còn dễ hình dung so với mô hình “người Việt bình thường” của tôi. Ba mẫu người ấy khó đấy nhưng đều đứng ở một phía và cùng nhìn về một hướng, còn cái mô hình “bình thường” thì ít nhất cũng từ hai phía ngược nhau, nếu không nói là ba, bốn, thậm chí có khi hơn.

Nhưng thể nào thì cũng phải xác định thế nào là một “người Việt bình thường”. Hết thứ để nhân danh, chỉ chăm chăm nhân danh sự bình thường, phải chăng đất nước đang ở trong một thời đại rất bất bình thường? Như thế, có nhận diện hay xây dựng được một hình mẫu chính xác của “người Việt bình thường”, chúng ta mới xác định một hướng đi bình thường cho đất nước.

Hình dung một cuộc khảo sát rộng lớn. Hình dung những câu hỏi đang làm người Việt cãi nhau nảy lửa. Như, ông bà đứng về phía nào trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine? Như, ông bà chọn lựa thế nào về tên gọi của ngày 30 tháng Tư? Rồi người Việt bình thường của tôi sẽ hí hửng vớ được một món hàng hào nhoáng với giá rẻ hay nhờm tởm vứt vào thùng rác khi phát hiện ra hàng chữ “Made in China”? Hay, những năm trước, người đó có xuống đường bày tỏ thái độ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, khi Formosa làm độc cả một vùng biển hay là nằm nhà mùi mẫn theo những “thần tượng boléro”? Tính cách một con người còn thể hiện ở cái gu thẩm mỹ và, liệu, đó là người chỉ “yêu màu tím, thích nhạc Trịnh Công Sơn”, hay chỉ say mê theo các “thần tượng boléro”, hoặc có thể hạng nhịn ăn nhịn uống để dành cho cái vé liveshow bạc triệu của Đàm Vĩnh Hưng?

Vân vân, có quá nhiều yếu tố khác nhau và, liệu, chúng ta có thể áp dụng các công thức của môn xác suất thống kê để xem mô hình phổ biến nhất là mẫu “người bình thường”? Bằng những phần mềm (software) đặc biệt, chúng ta có thể đăng nhập các dữ kiện rồi tính mức trung bình của các đặc điểm, đổ đồng như là khái niệm “average”? Hay đơn giản ghi nhận theo “mode”, tức bốc ra những phẩm chất phổ biến nhất, có tần số lặp lại cao nhất? Hoặc đơn thuần là “median”, chọn lấy phần trung tâm, giữa hai đầu mút cực đoan cao – thấp?

Nhưng vấn đề không phải là thế. Không phải là “tổng kết” hay “đánh giá tình hình chung” từ những dữ liệu thu thập. Làm như thế nghĩa là chấp nhận cái status quo rất bất bình thường và rất không đáng mong muốn của đất nước và của con người mà, vả lại, ai có thể đoan chắc rằng những dữ kiện thu thập sẽ không bị nhiễu loạn bởi đội âm binh mang màu sắc ngũ mao quân? Vấn đề là cái gì đã đưa đẩy đất nước và con người vào cái tình trạng này.

Đã tiện bàn tới Lão Am thì, thôi, hãy bàn luôn về lão; một “nông dân tiêu cực điển hình” của những của ba phần tư thế kỷ trước nhưng rồi, thời thế đổi thay, lão được lau mặt xức dầu để trở thành “nhân vật mang tính dự báo”, như là động lực của thời kỳ đổi mới. [5]

Trông lão có khác gì người “nông dân bình thường” trong lời tự phán của Blaise Meredith, một nhân vật trong The Devil’s Advocate của Morris West? Phụng sự Chúa trong tháp ngà của Tòa thánh Vatican, tu sĩ này ý thức rằng ông ta có thể có một đời sống đạo hạnh nhưng lại kém xa phần công quả so với những nông dân khác ngoài đời. Chăm chút giữ mình trong tu viện thì cái đời sống chuẩn mực trong bốn bức tường kín mít thì có ích gì cho đời so với những nông dân đang lăn lộn ngoài kia? Tranh đấu gay go để kiếm sống cho gia đình, họ có thể trần tục, có thể lấm láp tội lỗi nhưng lại là những con người đầy trách nhiệm. Họ lăn lộn và xông pha với đời, họ dám gánh vác trách nhiệm với đời và chính điều này đã làm nên phần “công quả’ của họ.

Lão Am cũng vậy. Lão có thể xấu, có thể tham lam, có thể keo kiệt nhưng đó là lão, lão chẳng làm hại đến ai trong khi cái chính là lão đã làm tròn trách nhiệm với gia đình qua trách nhiệm riêng với cơ nghiệp đã thấm mồ hôi của mình. Từ con trâu cho đến thửa ruộng, lão muốn giữ quyền sở hữu chỉ để khai thác một cách bền vững và hiệu quả để làm ra lúa gạo ở mức cao nhất, cho mình và cho đời. Và đó chính là “công quả” của lão, cái phần công quả càng rõ nét hơn nếu so sánh với lối làm ăn vô trách nhiệm và thiếu bền vững của mô hình “hợp tác hóa” mà nhà cai trị chăm chăm xây dựng. Khi đóng dấu ô nhục “nông dân tiêu cực điển hình” trên trán lão, những nhà phê bình lý luận thời ấy đã tuân lệnh nhà cầm quyền để áp đặt một khát vọng sống bình thường là… bất bình thường.

Đó, nói theo Michel Foucault, là hệ giá trị “bình thường – bất bình thường” như là đặc điểm của mỗi xã hội, cộng đồng hay chế độ, nảy sinh từ hệ thống giáo huấn và trừng phạt để rồi hình thành nên diễn ngôn của con người. [6] Và đó cũng là lý do khiến chúng ta va chạm nảy lửa va chạm với nhau. Đèo bòng những quá khứ khác nhau, chúng ta đối mặt nhau với những “tự sự” khác nhau. Chúng ta khác nhau từ hệ thống giáo dục và hệ thống nhà tù. Chúng ta khác nhau từ môi trường thông tin và tuyên truyền. Chúng ta khác nhau ở sự gởi gắm niềm tin vào hệ thống quyền lực cai trị mình. Rồi còn khác nhau ở nhận thức về trách nhiệm với mình và với xã hội. Chính vì khác nhau ở nhận thức hay khả năng phản vệ khi bị nhồi sọ và tẩy não về sự “bình thường”, chúng ta lại gay gắt… bất bình thường hóa những xác tín về sự bình thường của nhau.

Một lần nữa, hãy nhìn lại Lão Am. Những năm cuối của thập niên 1950 lão bị giới phê bình – lý luận chan chát bất bình thường hoá, xem như một nhân vật kỳ dị của xã hội. Thế rồi, gần nửa thế kỷ sau, họ lại mang lão ra tế, không chỉ là bình thường hóa mà còn thiêng hóa, xem lão là nhân vật “đầy tính dự báo”. Nhưng nếu chúng ta chỉ có thể “dự báo” về những gì chưa xảy ra thì, đằng này, những người như Lão Am lại là những nông dân bình thường của bao đời nên cái trò dự báo bất bình thường kia, chính là sản phẩm của một lịch sử lắt léo, bất bình thường.

Với những đường đi lắt léo của lịch sử, người Anh sử dụng hình tượng “S-bend of history”, cái khúc quanh hình chữ S còn ở đây, cái bất bình thường trong lịch sử chúng ta lại nằm ở những khúc quanh theo hình chữ N. Chữ S thì dẫu gì cũng chỉ là một đường cong mềm mại còn lịch sử chúng ta thì oằn mình qua những khúc gấp ngặt nghèo với những góc nhọn của chữ N. Những khúc gấp mang tên cách mạng, cải tạo ở đó bao gia đình bị tan nát, bao nhiêu phận đời hay tương lai đầy hứa hẹn bị vùi dập. Rồi những khúc gấp nhân danh sự đổi mới chỉ để quay về lối cũ. Những khúc gấp mà ở đó Lão Am bị quay đi lại như cái chong chóng giữa sự bình thường và bất bình thường.

Nhưng những giá trị bình thường chỉ có thể hình thành trên nền móng của nghĩa lý thông thường, cái nghĩ lý cân bằng giữa lý tính và cảm tính, gắn bó với đời sống thực sự, những nhu cầu và ước mơ rất thực nên, do đó, phải xây dựng trên nền tảng của bản năng và ý thức sinh tồn. Hoàn toàn không có sự bình thường nào kết trái từ những giáo điều duy ý áp đặt chỉ để bôi trơn cho những khúc quanh hình góc nhọn đầy oan khiên của lịch sử.

Như cái nghĩa lý thông thường từ câu hỏi thăm dò đã hình dung ở trên là đứng về phía nào, Ukraine hay Nga, chẳng hạn. Về lý tính, chúng ta phải dựa trên lẽ phải, và lẽ phải không bao giờ đứng về phía của kẻ cậy mạnh, xông vào nhà người yếu với bất cứ lý do gì để ăn cướp. Về cảm tính, từ bản năng sinh tồn của một dân tộc đang bị nước láng giềng khổng lồ hà hiếp, nhất định chúng ta phải đứng về những dân tộc đồng cảnh ngộ. Cả lý trí và cả cảm tình đều hướng về phía Ukraine. Vậy mà, như là hệ lụy từ một lịch sử oan khiên, vẫn có kẻ nhao nhao trên con đường ngược hướng, cũng với chiêu bài “người Việt bình thường”.

Một người Việt bình thường và tử tế phải là người nằm ngoài tầm ảnh hưởng của thứ diễn ngôn áp đặt và thiếu tử tế ấy, cái diễn ngôn hình thành từ một nền học thuật và chính trị hoạt đầu, từng dí những nông dân chí thú và đầy công quả trên thửa ruộng của mình xuống bùn dơ, sau đó lại lôi lên rửa sạch rồi hí hửng như một kỳ tích tiên tri.

Đi tìm một người Việt bình thường, xét cho cùng, cũng là tìm một con người như trong ý nghĩa trách nhiệm, công quả và ý thức sinh tồn cũng như sự tử tế với đời.

Chú thích:

[1]

https://www.youtube.com/watch?v=CNmxhepcWY4

Bài số 15 trong trong tập The Gardener của Rabindranath Tagore. Tuy nhiên tôi “nhập tâm” ý thơ này là từ ca khúc “Bài ca con xạ hươu”, nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn soạn theo ý bài thơ này.

“I run as a musk-deer runs in the shadow of the forest mad with his own perfume.

The night is the night of mid-May, the breeze is the breeze of the south.

I lose my way and I wander, I seek what I cannot get, I get what I do not seek.

From my heart comes out and dances the image of my own desire.

The gleaming vision flits on.

I try to clasp it firmly, it eludes me and leads me astray.

I seek what I cannot get, I get what I do not seek.”

Bản dịch của Đỗ Khánh Hoan:

“Tôi chạy như con xạ hươu trong bóng tối rừng cây, say vui vì hương thơm ngào ngạt của chính mình. Đêm nay là đêm giữa mùa Xuân; gió này là gió từ phương Nam thổi lại.

Lạc lối, tôi đi lang thang; tôi tìm cái mình không thể có và tôi có cái mình không thể tìm.

Từ tim tôi hình ảnh của ước muốn riêng tư bay ra rồi nhảy múa. Ao ảnh chập chờn nhè nhẹ lướt qua. Tôi cố ghi ảo ảnh trong tay; ảo ảnh tuột thoát khiến tôi lạc loài. Tôi tìm cái mình không thể có và tôi có cái mình không thể tìm.”

[2] Tôi thuật lại theo trí nhớ, có lẽ đây là câu thoại trong phim Về nơi gió cát (?).

[3] Học chính trị cao cấp những hai năm nhưng chỉ thu hoạch được cách làm dấm? Tô Hoài giải thích: “Trước nay, tôi hay ghi thoắng cho tôi đọc. Nhưng lần này, sổ ghi tôi viết nắn nót không trốn nét. Chỉ vì ở bàn trên tôi có một chị ở cấp ủy địa phương lên học, chị ghi không kịp thầy giảng, phải mượn sổ tôi để chép. Chị đã trả ơn, biếu tôi chai dấm làm bằng chuối chín và chị dạy tôi cách làm dấm chuối. Quí lắm, các cửa hàng nước chấm nhà mậu không mấy khi bán dấm. Nếu có chỉ bán ngữ một góc lít, không chua mà nhạt như nước lã. Đằng này, có cốt nước sôi tinh khiết, cắt quả chuối chín bỏ vào, nút kỹ để một tuần lấy ra ăn, cũng chua mà lành. Có người bảo tôi ngày trước chị ấy bán rau ở chợ tỉnh, thạo rau cỏ, mắm muối. Chị mặc áo vét ka ki đeo túi tài liệu, nào ai đoán được ai.”

[4] http://vanviet.info/van/dong-bang-7/

[5]

https://tapchicuaviet.com.vn/van-hoa-thoi-dai/tien-trinh-van-dong-cua-tieu-thuyet-viet-nam-viet-ve-nong-thon-giai-doan-1932-1985–7843.html

https://vnexpress.net/nha-van-dao-vu-qua-doi-1902208.html

[6]

Normal vs abnormal. Ý tưởng này thường được Foucault nêu lên trong các công trình bàn về quan hệ giữa tri thức và quyền lực . Có thể tham khảo:

Foucault, M. (1977) Discipline and Punish: The Birth of the Prison. London: Penguine Books.

Part Three: Panopticism, tr. 195 – 228. Tại đây Foucault phân tích biện pháp mà một thị trấn đối phó vào thế kỷ 17, những biện pháp đã hình thành nên sự phân chia như mad/sane; dangerous/harmless; normal/abnormal (tr. 199).

Comments are closed.