Tô Nhuận Vĩ
Lời dẫn của Ngô Minh: NXB Tri Thức chỗ anh Chu Hảo vừa ấn hành cuốn sách mới của nhà văn Tô Nhuận Vỹ có đầu đề rất luận bàn: BẢN LĨNH VĂN HÓA. Đây là những vài viết, tiểu luận nhà văn viết trong nhiều năm qua, rất tâm huyết, gửi NXB nào họ cũng “sợ”, may có Tri Thức cuốn sách mới đến với bạn đọc. Gần đây một số tờ báo như Hồn Việt, Văn nghệ TP HCM đã in lại những bài viết “đánh” cụ Phạm Quỳnh. Chúng tôi xin in bài viết của nhà văn Tô Nhuận Vỹ trong BẢN LĨNH VĂN HÓA để nói rõ quan điểm cổ hủ một thời, rằng “ai không theo ta là địch”.
Đã có quá nhiều bài viết, nhiều dẫn chứng sinh động, cả trong nước và nước ngoài, và ngay ở cuốn sách của tác giả Nguyễn Văn Khoan, về sự đóng góp của Phạm Quỳnh cho Văn hóa Việt Nam. Tôi chỉ xin đi thẳng vào vấn đề cụ thể.
1. Điều gì còn băn khoăn về Phạm Quỳnh?
+ Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều cuộc kỷ niệm về Phạm Quỳnh, đã có nhiều nhà xuất bản đã in lại nhiều tác phẩm của Phạm Quỳnh sau năm 1975… khẳng định sự đóng góp to lớn của Phạm Quỳnh đối với sự gìn giữ, phát huy nền quốc ngữ, nền văn học văn hóa dân tộc.
+ Ai cũng biết, băn khoăn còn lại, tựu trung là Phạm Quỳnh đã từng trực tiếp hợp tác với Pháp (Từ Nam Phong cho đến việc tham chính ở cấp cao nhất của chính quyền do Pháp lập nên).
2. Với điều băn khoăn này, suy nghĩ của tôi là:
+ Trong suốt chiều dài lịch sử, đất nước ta liên tục bị các thế lực lớn mạnh bên ngoài chế áp, xâm chiếm. Lực lượng tiên tiến nhất, quyết liệt nhất của nhân dân yêu nước là cầm súng chiến đấu, nhưng không phải tất cả nhân dân yêu nước đều ra Liên phòng, lên chiến khu, lên R. Nhiều người phải ở lại vùng địch, buộc phải liên quan tới địch, thậm chí làm cho địch. Nhưng không phải tất cả những người ở lại đó đều không yêu nước, đều theo địch. Bác Hồ còn nói “yêu nước tùy theo sức của mình”. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn là cực khó, không phải ai cũng làm được. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã chỉ rõ: không phải chỉ có những người cộng sản mới yêu nước. Sự giỏi giang nhất là người cộng sản đã tập hợp được cả những người không ưa cộng sản trong mặt trận chống Mỹ, đến cả tổng thống cuối cùng của chế độ ngụy Sài Gòn cũng có hành động có lợi cho Cách mạng. Đó chính là TẦM NHÌN HỒ CHÍ MINH trong việc đãi cát tìm nhân tài, trong việc đoàn kết dân tộc, đặc biệt trong việc đối xử với các nhân vật lớn mà cả “địch” và “ta” đều chú ý.
Với Phạm Quỳnh, Bác Hồ đã thảng thốt khi nghe tin ông bị giết.
Điều gì còn băn khoăn về Phạm Quỳnh? “Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được ích lợi gì?”. Hỏi là đã trả lời, khẳng định: Phạm Quỳnh là một học giả và việc xử như vậy là một sai lầm. Với tầm nhìn đổi mới ấy, trong những năm qua, mặt bằng dân trí cũng như mặt bằng quan trí đã có những thay đổi lớn trong việc thẩm định nhiều giá trị văn hóa. Chúng ta đã trả lại đúng giá trị cho Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, một số tác giả nhóm Nhân văn Giai phẩm, cho Léopold Cadière…
Tôi muốn nhắc lại trường hợp P. Cadière. Ông là linh mục được dòng chính thống Paris bổ nhiệm, theo chân đoàn quân thực dân Pháp đi truyền giáo xứ An Nam. Nhưng trên mảnh đất này, tâm hồn con người và đầu óc bác học của ông đã được “khai sáng”. Ông trở thành một nhà bác học lớn về xã hội học, dân tộc học, địa chất học, ngôn ngữ học, sinh vật học… của Việt Nam mà bao chục năm trời vì vấn đề chính trị (không phải là vô lý) mà chúng ta “quên” đi sự đóng góp vĩ đại của ông. Vừa qua, cuộc hội thảo đánh giá sự nghiệp của ông đã được tổ chức long trọng, chu đáo, trong ba ngày liền tại Huế.
Hỏi là đã trả lời, khẳng đã chứng minh cho sự đúng đắn của tầm nhìn sáng. Khái niệm “địch”, “ta”, “bên này”, “bên kia” trong nhiều trường hợp khi sử dụng phải hết sức cẩn trọng, trong đó yếu tố thời gian lịch sử nếu bỏ qua sẽ “là acid sunfuric phá hủy hết mọi giá trị”, như J. P. Sartre đã nói.
Cách nay hơn 30 năm, tôi có tiểu thuyết Ngoại ô, viết về cuộc sống của một vùng ngoại ô Huế sau giải phóng. Trong cuốn sách này có sự xung đột gay gắt giữa tư tưởng “ai không theo ta là địch” với tư tưởng “ai không theo địch là ta”. Cuối cùng tư tưởng “ai không theo địch là ta” thắng thế. Với Phạm Quỳnh, tôi nghĩ, với nhiều lý do chính đáng, đã đến lúc Nhà nước, ở đây là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần kết luận và vinh danh chính thức sự đóng lớn lao cho văn hóa dân tộc của ông.
Huế ngày 30/8/2012
(Trích sách BẢN LĨNH VĂN HÓA)
————
1 Nguyễn Văn Khoan, Phạm Quỳnh – Một góc nhìn, Nxb Công an nhân dân, 2011, tr.280.
(Tác giả gửi cho QTXM)