Lan man về văn hoá

Lê Học Lãnh Vân

Lâu rồi, trên nửa thế kỷ lận, tụi tui học Anh văn với một ông Thầy lo cho học trò mà khó tánh. Thầy biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, và đương nhiên, tiếng Việt.

Thầy kể cách chửi cũng cho thấy văn hoá một cộng đồng.

Người Anh trọng lý trí nên ghét ai thì chửi stupid, nghĩa là Ngu Ngốc.

Người Pháp trọng sự giáo dục nên ghét ai thì chửi mal élevé, mal éduqué nghĩa là Thiếu Giáo Dục, Mất Dạy…

Rồi Thầy cười kết luận: nghe tiếng chửi của người Việt mình, biết văn hoá người mình trọng chữ Hiếu!

Tiếng chửi không chỉ tuỳ vào văn hoá cộng đồng, dân tộc, mà còn tuỳ vào môi trường sống, nghề nghiệp nữa. Thí dụ cũng một tiếng chửi Mất Dạy, nếu dùng chửi người giữa chợ thì ít nặng nề hơn dùng chửi người trong ngành giáo dục, văn hoá. Trường hợp này, hoặc người chửi quá tệ, hoặc người bị chửi quá tệ, quá không xứng đáng đứng trong ngành giáo dục, ngành văn hoá.

Văn hoá là gì?

Có câu danh ngôn “Văn hoá là những gì còn lại sau khi quên hết”.

Nhìn một cách đơn giản văn hoá là cái gì ta không suy nghĩ, tính toán mà tự nhiên ta hành động theo.

Thí dụ, khi ta đang đi, nếu có người muốn xin nói chuyện với ta, ta phải dừng lại, đối diện và nhìn nhau mà lắng nghe. Ta không thể tiếp tục đi để người cần phải chạy theo mà nói. Nếu bận quá, ta nên dừng lại, xin lỗi, hẹn khi khác. Chính văn hoá tôn trọng con người khiến ta tự nhiên hành xử như vậy. Người không có cách hành xử đó thì không có văn hoá tốt đẹp đó.

Thí dụ khi ta đang ngồi trong bàn tiệc, người thầy cũ tới bắt tay. Có bận gì ta cũng phải buông việc của ta ra, đứng lên và quay lại bắt tay thầy. Nếu ta có cao lớn và vóc dáng Thầy nhỏ bé, ta cũng nên thu mình sao cho khiêm tốn để nâng vị Thầy đã dạy ta năm xưa. Chính văn hoá tôn trọng con người, văn hoá biết ơn nghĩa trước sau, văn hoá yêu kính Thầy khiến ta tự nhiên hành xử như vậy. Người không có cách hành xử đó thì không có văn hoá tốt đẹp đó.

Văn hoá là điều khiến ta biết nên làm gì, không nên làm gì, văn hoá tạo hành lang cho cách hành xử, ứng xử của ta. Người có văn hoá thì trong muôn vàn tình huống, dù khó khăn hay phức tạp cách mấy, vẫn giữ được phong cách tinh tế, tốt đẹp trong từng lời nói, tư thế, cử chỉ… Người thiếu văn hoá thì dù trong tình huống trang trọng và dù cố gắng ra vẻ tới đâu cũng lộ ra những điều thiếu văn hoá!

Ngẫm cho cùng, câu danh ngôn “Văn hoá là những gì còn lại sau khi quên hết” đúng quá. Nếu một người thiếu văn hoá thì cho dù được huấn luyện cấp tốc, cho dù được đặt vào vị trí tôn nghiêm mấy, người ta vẫn thấy sự kệch cỡm, thiếu văn hoá!

Xã hội gồm nhiều người, có người thấm đẫm văn hoá và có người thiếu văn hoá. Điều này bình thường. Trong hoàn cảnh bình thường, xã hội được chỉ đường bởi những người có văn hoá. Khi điều bất thường xảy ra, người thiếu văn hoá chiếm vị trí cao, càng tai hại hơn khi họ thống lĩnh ngành giáo dục, văn hoá. Từ những vị trí đó, họ gieo mầm thiếu văn hoá vào thế hệ học sinh, sinh viên và gieo ra xã hội rộng rãi…

Đáng sợ thay nếu người thiếu văn hoá đứng ra chủ trì một cuộc tập họp đông đảo quần chúng nhằm vào các chủ đề văn hoá. Về nền hành chánh công, họ sẽ chỉ đường về hướng văn hoá liêm chính phụng sự hay về hướng vơ vét tham nhũng? Về hoạt động kinh doanh, họ sẽ chỉ đường về hướng cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh hay về hướng công ty sân sau? Về môi trường học thuật, họ sẽ chỉ đường về hướng văn hoá trung thực khoa học hay về hướng gian dối, đạo văn?

Về nếp sống chung trong xã hội, họ sẽ chỉ đường về một xã hội thiện lương, chân thực, từ nào nghĩa đó hay về hướng lươn lẹo vòng vo, bẻ cong chữ nghĩa nhằm mưu lợi bất chánh cho mình và cho phe nhóm?

Thực ra, dưới muôn vẻ biểu hiện của văn hoá, điều chung nhất, cốt lõi nhất là vì con người, vì một xã hội chan hoà, hiền lành, trung thực…

Nghe nói đâu đó có tổ chức hội nghị Văn hoá gì đó, tự nhiên suy nghĩ lan man… Mong sao người Việt mình chọn được cho mình những người chỉ đường đủ tầm văn hoá, đủ sức tập họp để cùng nhau xây dựng một xã hội như vậy…

Ngày 25 tháng 11 năm 2021

Comments are closed.