Trong rừng cây du thủ (kỳ 6)

Tiểu thuyết ít chữ của Trần Quốc Toàn

TRONG RUNG CAY DU THU.2_thumb

(Phần cuối)

5.

họ đang tiếc nuối điều gì? hay là chiều nay tôi thấy trống vắng vô cùng, khi nghĩ về những ngày tháng tiếp nối! nhưng có gì đâu, dưới chân tôi là mặt đất của muôn vàn cây cỏ, nhưng tôi, tôi nghĩ cũng là thứ cây cỏ có tiếng nói đó thôi, gió từ những con đường quanh co, gió thốc cơn nóng ran giữa trưa hè đến chiều tối, đêm oi nồng như thế, tôi ngừng lại một chút, thấy thèm một cơn mưa, tháng ba dường như chỉ

còn một ít mưa, và lũng vắng lặng dấu chân người chăn bò, tôi trở về nhà và nhóm

lửa, con nhện như ký ức hiện hữu của bức tranh trắng đen, – sao tôi không thấy

nhân vật nào cả nhỉ? văn chương cần có sự hiện diện của con người, và những hoạt

động, những trăn trở suy nghĩ, có thể là ông ba Lít xóm trên, mỗi lần say rượu là ngủ ngay ở bờ đê, hay bà mẹ điên góa bụa chiều chiều ra bến sông khóc gào đòi chồng từ phía hư vô, không! tôi không muốn tái hiện lại những hoạt cảnh đầy sầu muộn ấy, nhưng, nếu viết về phố phường, những hàng quán, sinh hoạt, thì tôi đã

quá ngán ngẩm, phố phường dường như không phải là nơi tôi ao ước trú ngụ, hay là tôi đang mơ về cao nguyên, mơ về làng mạc, có gió nồm nam thổi giữa trưa mắc võng dưới bụi tre, à, nghe có vẻ tôi thích thú, nuôi hồn mình dưới bóng mát tre trảy, như thế lá tre rơi, tôi học được âm thanh của lá, nghe được lá đánh đàn trong

không trung và một nốt trầm nơi mặt đất bao dung, thế là, tôi chảy rong theo những

luyến láy ca từ từ tiếng chim trưa, chim trưa hót, chim chiều về nơi núi non trú

ngụ, mấy con thằn lằn bắt đầu bò lên trần nhà nhìn xuống nền nhà, các con tôi chạy

nô đùa quanh khoảng sân chơi tròn cút bắt, còn tôi ngồi nhìn mây bay chờ trăng ló

ra khỏi ngọn núi Thạch Long, dường như nơi ấy luôn cho tôi một niềm hứng khởi

tột cùng, lúc đó tôi nhớ những người làng vào mùa này đi chở từng thùng nước về

nhà, tiếng cười nói rôm rả, trời quê bát ngát những khoảnh khắc như thế, tôi lại nhớ

ông bảy Khánh, cứ chiều lấy ghế ngồi đầu ngõ để chờ người làng đến lấy nước,

ông ngồi hóng gió, cũng là ngồi để chuyện vãn với người làng về chuyện nhà cửa,

tuổi già như ông như thế là niềm vui, ông trồng một hàng cau quanh giếng, giếng

đá ong, bên cạnh giếng có cái vò nước và chiếc muỗng gáo dừa, hễ đi chở nước

mệt mỏi, thì có thể múc nước trong vò đã lắng cặn uống một hơi đã khát, ôi! tôi lại

nhớ như vậy, như vậy nhân vật đâu phải do tôi tưởng tượng ra, tưởng tượng chỉ là

cách thổi cái tâm thức của mình cho ký ức chân thật sống dậy thêm những khoảnh

khắc! nghìn năm có phải là ký ức, hay là cái muỗng gáo dừa là nghìn năm của ông

bảy Khánh làng tôi, tuổi thơ tôi cứ lặp lại những ký ức như thế, và khi nhớ, lại nhớ

nhà kế bên nhà ông bảy Khánh, nhà bà năm Bình, vườn rộng nằm trên mặt ruộng,

có ông anh nghỉ hè về quê phụ mẹ nuôi heo nuôi gà, cứ chiều chiều bọn trẻ chúng

tôi lại tụ tập, đúng 6 giờ chiều chờ anh mở ti vi trắng đen để xem phim Tây Du Ký,

nềm vui của chúng tôi mỗi chiều khi cơm nước xong là được xem phim Tây Du

Ký, đêm, về, nằm mớ ngủ, cứ thấy mình bay lượn trên không trung, phải rồi, ôi! cứ

tưởng chừng những ký ức ấy sẽ mãi ngủ quên, sẽ đi vào lòng thời gian vô tận, và

những trưa hè, chúng tôi lên núi chặt cành duối già về đẽo chiếc vụ (hồi nhỏ nơi

chúng tôi ở gọi là chiếc dụ) rồi mua dây tim đèn để làm dây quấn, để khi trời mát,

ra đường cái chọi, đường làng người đi xe đạp thì ít, đi bộ thì nhiều, nhà nào giàu

có lắm mới có xe gắn máy (thời đó gọi là xe Cúp, xe cánh én, xe 67) nên chúng tôi

chẳng có một trở ngại nào khi ra đường làng để chơi trò chọi Vụ, – phải chăng tôi

đã mở ra khoảng không gian trong ký ức của tôi,

và những lúc rầu rĩ như thế, tôi thèm một người ngồi ở hiên nhà trò chuyện, tôi sẽ

kể cho người nghe, về những buổi chiều xuống phía đỉnh núi Thạch Long, lúc tôi

nằm ngắm những đám mây bay và tưởng tượng ra đủ thứ hình hài trên mặt đất,

người sẽ cười hiền và uống chén trà, tôi biết, mùi trái cò ke chín sẽ khơi lại cho

người nhớ những cơn mưa mùa hè, hoa dâm bụt nở ngoài hàng rào, cây cò ke ra

hoa trắng như thứ màu acrylic tôi vẽ, và trái ra chi chít, trái chín ngọt, đất núi mưa

rửa trôi thứ bùn đỏ, trôi sạt theo con suối xuống làng, dăm ba trái cò ke chín rụng

trôi theo, tiếng quách tè te te, con chim có lông mi màu đỏ, bườm trắng và đôi chân

màu vàng, te te là con chim không dễ gì bắt được, ở làng tôi, loài chim ấy cứ đến

mùa trái cò ke, chim chim, dủ dẻ, chà là, chày chay, là chúng có mặt, trong tiềm

thức làng, loài chim này không có trong danh sách vật cảnh hay món ăn, dường

như chúng sinh ra là để làm dấu chứng cho ký ức của làng, chúng tụ họp thành bốn

đến năm con, đi quanh các bụi rậm để bới tìm giun đất và côn trùng, khi thấy người

xuất hiện, chúng cất cánh bay qua những ngọn đồi kế bên, lúc đó chúng tôi chia

nhau đi tìm tổ của chúng, tổ chim te te được làm bằng những viên sỏi nhỏ, tổ

thường có bốn đến năm trứng to bằng trứng cút và màu vỏ đậm hơn trứng cút,

những viên sỏi nhỏ xếp thành hình tròn, tổ của chúng nằm trên mặt đất, tôi thấy gió

đồi thổi qua bộ lông của chúng hay bộ lông của chúng đang làm tôi cảm thấy dễ

chịu hơn, tiếng chim te te trên đồi mà chúng tôi chăn bò mỗi trưa, là dấu hiệu của

mùa hè, mùa hè là dấu hiệu cho cuộc sinh sôi của chim te te quách, mà đâu chỉ có

chim te te quách, chim sa sả xanh cũng kêu cả trưa hè oi ả, chim sa sả xanh đục lỗ

đẻ trứng ở những đoạn dốc, có thành đất bị sạt lở, mùa hè khô lại, chúng đáp cánh

vào những thành đất ấy như có một cách thức mà tạo hóa đã ban cho chúng, như

thế chúng moi một cái hang tròn trịa, bên trong chúng làm một cái vòng tròn và tha

cành cây khô, lá cỏ làm tổ, chim te te, chim sa sả xanh, và còn chim ấp muỗi nữa

chứ, ấp muôi cũng làm tổ trên đất, nhưng ở những chỗ có nhiều đá lởm chởm, dưới

những bụi chành rành, tôi làm con chim núi, tôi thấy con chim núi là tôi, hay là con

chim núi luôn làm tổ trong giấc mơ tôi nhỉ, làm sao nói hết được sự vui thích ấy

một cách lịch duyệt nhất,

tôi kể cho người nghe, cái buổi chiều khói đốt đồng bay phủ cả một vùng trời, bọn

muỗi mòng cay mắt bay loạn xạ, gió thổi nghe ra người quê đang chiêm nghiệm

bầu trời và mặt đất, ai bảo người quê không chiêm nghiệm chứ? những câu ca dao,

châm ngôn, tục ngữ là từ những người làng, tôi là giọt nước trong cái ao làng nghìn

năm không cạn ấy, nơi mây trời thả mình soi xuống, mặt trăng mặt trời, và cả

những mùa lá, hoa, trái, chim muông, trong cái ao làng chật hẹp, nhưng không bao

giờ thôi là ký ức, và tôi là là giọt nước là con chim núi mỗi mùa hè lặn lội hang

cùng ngõ hẻm, lúc ở trên ngọn cây trứng cá, lúc đi rình bọn chim núi làm tổ trên

đồi, có khi lại ra ao ngồi buông cần câu câu cá rô cá chốt, tuổi thơ là con trùng nhủi

trong gốc đu đủ, là đêm nhớ về bạn bè cùng trang lứa trốn giấc ngủ trưa, ra vườn

làm nhà bằng cây bông bay, chui vào đống rơm khô giả vờ nằm ngủ, rơm cạ vào da

thịt ngưa ngáy, thứ ngứa ngáy trên da đã quen với màu đồng ruộng,

cái chuông nhỏ treo ở cổ tay xe đạp, trưa nắng nóng, dưới bóng râm gốc xoài tượng, tôi và em trai tôi

hay ngồi chờ tiếng chuông cà rem, ông bán cà rem chở một thùng làm bằng gỗ, bên trong có lớp xốp

cách nhiệt, đựng đầy kem cây, cây kem đậu xanh, đậu đen, kem trắng có mít và mãng cầu, mẹ cho anh

em chúng tôi mỗi thằng hai tờ hai trăm đồng, mua được hai que kem thơm mát, trưa ông bán cà rem

ngang qua ngõ, – ông bán cà rem ơi, bán cà rem cho cháu nghen! khuôn mặt khô ráp, nở nụ cười, chân

đạp thắng bố, rồi mở nắp thùng, hơi lạnh tỏa ra mùi thơm mùa hè, có chăng tuổi thơ ở góc trời quê luôn

làm chúng tôi nhớ nhung đến vô cùng, sau bao nhiêu sự di dời của thời gian, ông bán cà rem cũng đã về

bên kia thế giới của người xưa, cái chuông nhỏ treo ở cổ xe đạp vẫn là hình ảnh đẹp, đêm nào nằm ngủ

tôi vẫn thấy ông bán cà rem đứng chờ chúng tôi ở đầu ngõ, và tiếng leng keng leng keng ấy cứ trì níu trong

cái nắng trưa hè, như đang vẽ vào tôi màu nụ cười của giọt mồ hôi nhễ nhãi trên khuôn mặt người mang

quà mùa hè cho tuổi thơ tôi,

gió thốc qua những sườn đồi, tôi muốn về lại ngày xưa quá đỗi, nằm trong phòng buổi trưa, ngó ra

ngoài, những bông hồng tú cầu nở như con nhím biển, bây giờ, có lẽ trái đất đang dần nóng lên, lớp cây

cỏ tàn lụi, và bị đốn hạ, tôi còn nghe tiếng chim te te quách kêu, nhưng hiếm hoi lắm, có lẽ chúng cũng

lận đận với cảnh núi non, với mùa khô đến, dân làng dùng nước sạch của nhà máy, những cái giếng đá

ong một phần bị vùi lấp, còn lại chỉ đủ để dùng cho gia súc,

ai về qua đầm nghe đêm khua tiếng chèo thuyền,

có cô gái hái trăng hát nhớ người đi biển,

hay là, quê ngoại, tôi ngồi bên bờ cỏ

nhìn ánh sáng nhà thờ làng sông phả xuống những tiếng chuông,

tôi đi lang thang trên xứ sở tôi, nhặt lại ánh mặt trời chiều trên con đường đi xuyên qua cánh đồng, đèn

đường đã thắp vào đêm, mỗi ngày tôi hay đi ngang qua và đứng lại trong giây lát, để nhìn cái xóm nhỏ,

và trong nhưng giây phút ấy, những người xưa cũ chợt vang lên tiếng nói của đất đai, như đang lật từng

đường cày và tiếng hô dọ vung roi cho con trâu đi tới trước, lũ chim cò đậu trắng trên những thửa ruộng ăm ắp nước,

ngoài cửa đông, những con hàu bám vào đế tàu thuyền, cậu tôi đi uống rượu về nằm ngủ ở thềm hè, mùi gió biển thổi, rong rêu một cõi mơ hồ, tôi nhìn chiếc đồng hồ cát trôi chảy, như ảo ảnh về sự tồn tại của đêm, mây trời cứ quần vũ suốt cả tuổi thơ tôi,

6.

cánh đồng mùa thu có chút mưa nhẹ gió khẽ và bông lúa nhả lên không trung phấn hương tạo thành một dải trắng kết tụ một vùng sáng trong mắt chim trời cá nước tôi buông nhẹ cần câu đứng trên bờ mẫu đắm chìm trong phút giây tinh khôi mà cũng đầy hoang lạc bởi khắc giây gặp gỡ đầy định mệnh mà cũng đầy huyền tích trên mảnh đất xưa kia vốn là nơi biển lấn nay khuất xa sau những di dời của thời gian hay là biển vẫn lưu dấu đâu đây âm thanh tiếng gió cỏ mộ ôi tôi đã thấy bông lúa rung lên và tung lên không gian phấn trắng gió đẩy phấn bay cao tầm một tầm tay như thế cả một thời thơ đến hiện tại tôi mới được cảm nhận trọn vẹn thời khắc giao hoang trên ruộng lúa là thời khắc thiên nhiên huyền nhiệm ôi chỉ có thế thôi và bây giờ tôi ngồi trong khoảng sân vắng lặng cũng là nơi trú ẩn của một người đàn ông cô đơn mà không hai người đàn ông cô đơn và tôi kể lại cho họ nghe và gió mùa thu lùa qua ngõ ngách của ký ức họ đang nhớ rất nhiều cảnh vật nơi làng quê xóm giềng nơi cây duối mọc thành hàng rào những cây bằng lăng nở hương thị xóm rừng thơm ngào ngạt tôi ngả lưng vào ghế uống ly rượu cay say mê kể về cái thời khắc ấy tôi còn gì ngoài một vẻ đăm chiêu có thể những tháng ngày kế tiếp sẽ tiếp nối những câu chuyện vốn đã cũ và có lẽ ai cũng từng sống với nó nhưng sẽ là một cách nói khác cho những gần gũi và thời trời đã đến lúc nhắc nhở tôi phải ngồi lại nơi bóng chiều để nhìn đàn cò bay qua đám cây bạch đàn trước nhà nghe từng tiếng chim cu nghĩ ngợi thật lâu để viết người bảo tôi rằng vốn dĩ phải viết là vì đó là máu của sự suy tư người ngồi trong căn phòng nhỏ đầy sách trà và âm nhạc mỗi ngày run lên lời ca bi thiết cô độc hay đó là nơi quy tụ mọi biến động của thế giới hay đó là những vui sầu có lẽ tôi đã chuẩn bị cho mình một ít lương thảo để tiếp tục cày xới và nghe ra hơi thở của mùa màng đang căng trong lồng ngực trai trẻ mọi kết nối vô hình đến khi ta suy nghĩ mà phải là suy nghĩ sâu thẳm đôi khi cũng là bâng vơ nơi cố xứ nào đấy phải chăng là nơi không có bóng người qua lại hay là chỉ ánh bình minh lóe lên sau đêm đen muộn mằn có lẽ một bản nhạc của người da đỏ hiển hiện trong bộ não của tôi những cơn mưa thu giọt giọt lắng đọng khi trên căn gác khuya tôi ngồi bên ô cửa sổ nhìn trăng và uống bia lúc đó tôi nhớ thành thị xa xôi như nhớ bầy ong vỡ tổ mùa dịch bệnh tràn lan hay bực tức trong lòng bởi những giọng điệu kệch cỡm lừa mị nhưng giờ là thời trời chẳng còn ai tin vào những mị ngôn đó nữa phải người nói với tôi như thế những lúc thời vận thay đổi người luôn ở bên tôi bằng hình bóng nghìn năm mây trắng bay ánh trăng mờ gió thu lành lạnh tôi thấy xa xôi tuổi thơ thấy mẹ tôi tóc bới lên cao ngồi lựa rau cho ngày mai chợ sớm thấy đàn bò trong chuồng vẫy đuôi đuổi muỗi mòng thấy người làng đi về đường tối đạp xe đạp chở thúng tre đựng chuối thấy bè bạn rủ nhau đi hái trộm thị xóm rừng thấy bao thứ rưng rưng nuôi lớn đời tôi như thế làng quê tre trảy cúm núm bìm bịp cò lép chim bói cá tôi nghĩ làng quê như một người khổng lồ đã sống hàng trăm thế kỉ hàng trăm nghìn thời đoạn chuyển giao những cỏ mộ chìm sâu sau nhiêu di dời như thế nhỉ có chăng khi nằm nghĩ ngợi nơi căn gác khuya trực canh nơi nhà máy tôi đã nghĩ rất nhiều về tôi về người làng về những năm tha phương đất khách đèn đường xe cộ những năm tháng tuổi trẻ hồn nhiên sống phóng túng cà phê thuốc lá sách vở ôi những tháng năm chưa bao giờ ngồi lại giờ đây bỗng sống dậy như một hồn ma đầy những luồng mê sảng tôi phải viết ư và bằng cách nào đó tôi thấy tôi khuyết đi rất nhiều những trang sách vậy là tôi trở mình trằn trọc lục lọi những gì mình chưa đọc kỹ hay là đã kinh qua đời sống thế sự mà chưa điểm lại chăng có lẽ vậy tôi hẹn hò với chính mình bằng con đường phía trước nghĩa là mỗi ngày đọc và viết liên tục như là cách thức hàm dưỡng nội thức chính mình

nằm trên thảm cỏ xanh, chiều gát chân nhìn mây trôi về đâu đó, mơ vùng trời lang thang, hoa với nắng, mưa với tiếng chim trong bụi rậm, tháng sáu người làng tôi lên núi cắt từng lát bàng chải về lở gai đem xắt thành từng miếng nhỏ, đó là nguồn thực phẩm cho bọn gia súc, nghĩa là đem cả thúng bàng chải sau khi làm sạch gai cho vào nồi hầm nhuyễn, đợi nguội đem đổ vào máng, gia súc trong làng cứ thế lớn lên trong suy nghĩ của người làng, trái bàng chải chín đỏ là phần quà cho lũ trẻ chúng tôi, mỗi khi đi chăn bò, chim dồng dộc làm tổ, chúng tôi hái trái, rồi lót một đùm lá bạch đàn phủi cho sạch gai tơ, dùng que củi nhỏ rạch dọc quả, một màu đỏ au tràn ra nước ngọt, cứ thế chúng tôi ăn ngon lành, hương vị của quả thơm mọng, miệng lũ trẻ đỏ như son môi, nhớ lại mới ngọt ngào làm sao, đứng trên lưng chừng đồi, trời chiều xanh thẳm, ngọn tháp bánh ít phía tây mặt trời lặn như một kết thúc của ngày vãn, lùa bò về chuồng ra đống rơm rút cho vào giỏ tre đan, quay lưng gùi vào chuồng, xếp cho đầy máng, mùi rơm nồng, còn vương những hạt lép, gió chập tối thổi qua hiên nhà, từng gàu nước mát trút xuống, cả cơ thể rung lên vì sung sướng, những ngày đồng áng cũng gần tới, chúng tôi sẽ cho bò ra đồng ăn cỏ bờ ruộng sau khi đã cắt xong, cứ cho chúng ăn còn chúng tôi thì thả diều, bắt cá, rình tổ chim, đào hang chuột, người lớn thì bó lúa thành từng gánh, những gánh lúa nhấp nhô, người làng tôi hay làm một sô đá chanh đường đen, mỗi khi nghỉ mệt bẻ miếng bánh tráng nướng nhai rôm rốp, rồi uống nước đá chanh đường đen giải khát, đêm, ở ruộng canh máy ngốn lúa, trăng lên, chàng trai học ở xa về phụ mẹ trông lúa, nằm trên những bao lúa chắc nịch và hát lên niềm nhớ nhung một cô gái khi xa, ôi, hạ ơi anh xa em mấy mùa phượng rồi, giọng hát cứ như niềm nhớ vỗ cánh trời xa, rồi sau này tôi mới biết đó là mối tình đầu của chàng trai, và giờ hạ ơi, chàng trai vẫn cô đơn sống với một mái nhà gỗ, đêm đêm chàng leo lên căn gác nhỏ, vẫn thao thức trầm tư về cuộc đời, chàng bảo rằng, bởi tuổi trẻ chàng có những lỗi lầm khi vào đời bươn chải, chàng sống không nghĩ ngợi gì nhiều, chàng đã ăn nằm với một cô gái làm tiền, và một thời gian cô gái ấy chết vì tai nạn xe, từ đó chàng không còn ham mê với lạc thú của người trần, chàng trồng rất nhiều cây, trông chàng như một nhà tu hành khổ hạnh, đêm buồn tôi hay ghé nhà chàng, để nhìn dòng sông phía trước, những ngày thơ ấu qua mất rồi, những ngày bươn bả cũng khép lại, thôi thì hãy xem đó là đau thương và huyễn mộng, là ảo ảnh tan vỡ, có gì đâu, rồi tất thảy mọi khổ não dày vò chúng ta, hay những sự ngẫm ngợi, sẽ là tháng ngày tiếp nối vô cùng tận, cứ nghe trong tôi một xào xạc gió mùa, hơi thở của con người, hay là tôi đã hiểu ra một điều gì đó ở phía sau sự tồn tại, có một tiếng chim trời đang hót bên dòng xanh…

chiếc lá rơi, vậy là, mùa không tiếc nối, phải rồi, trên khay đựng của vị trưởng lão, chỉ còn nỗi muộn phiền, lúc đó, làng đã ngủ quên, men theo lối về ngôi nhà mới xây, một căn biệt thự, xe cộ quanh năm, chúng chạy miết, đến nỗi cái bình yên xưa cũ cũng phải im lìm trong mớ kí ức lẫn lộn,

7.

ruộng rẫy cũng tuồng một vở bi thương, cái thời xa lắc xa lơ rồi, cái gì còn bỏ vào mồm được là cứ nghiễm nhiên bày ra trước mắt, thế là chỉ đợi ngày về, là khuất bóng cho hết nỗi can trường,

những bóng xưa cổ quế, đêm, nhịp thở vào sinh linh nơi chốn, chẳng phải mặt trời cũng không là vầng trăng, là cố thổ, một ly rượu tuổi trẻ, bỗng sống dậy cái khát khao, nếu như mùa này là nắng dậy hương bùn, nhão nhét cả hồn ấy chứ, rít một ly, quang tái, nhìn chiều trôi đã đời gân cốt,

bỉ cực gì những mệt mỏi cơ chứ, lão uống lắm, nhiều khi lão mỏi, lão bảo, thời ta đắm vậy rồi, mong sao cháu con đừng như ta, ấy vậy, lửa rượu cứ bình minh mãi, thức giấc là uống, rồi nói chuyện cỏ may, con cháu về lại, thương nhớ thời xa,

con cáy còn bò cày trên sân, xin đừng đem súng ống làm nhiễu thời gian, phải rồi, tôi về ngồi tựa cái bóng tôi, chẳng vì cô đơn, là vì chiều về ngồi như thế, mới mát, mới thoả một ngày dang nắng,

vị trưởng lão bảo, các cháu cứ sống thời các cháu, ta chẳng buồn đâu, vì thời của ta, ta cũng chẳng nghe ai cả, giờ ta lại thèm ấy chứ, vì vậy, tháng năm cứ trôi, đứa trẻ mười năm trước, giờ phải trải qua bao điều mà thời đại đến tuổi phải đi qua, thời niên thiếu qua rồi, qua rồi, tôi lại nghĩ, cứ tôn trọng quá quãng, còn giờ thì sống tiếp, trong mỗi nỗi bất an thượng đế đã vắng xa….

thời gian mãi cuốn phăng mọi thứ khi lớp đất nâu vẫn hiền lành neo vào ruột trái đất, con chim đậu trên nóc ngói, lời của sấm, hay là khuya mưa ướt vào tôi nhỉ? tôi lùi vào sâu trong tán cây, lùi vào bóng tối, lùi vào trăm triệu năm, u uẩn những đêm nằm trầm mặc với khói thuốc,

sóng biển, nơi thành phố sáng mai, lóe lên hồn tôi cái khoảng xao động, tôi thấy tôi là vó ngựa chạy miệt mài ngoài chiến trận, có lúc bị rách một đường gươm tứa máu, tiếng trống thúc quân hay gương mặt của đức thánh Trần giục ngựa lui binh, ôi, tôi là con ngựa chạy đường dài, mỗi khi ngồi đọc sử, tôi thấy tôi vọng lên tiếng hí đầy bi thương, và đứng trước dòng sông Cái, lúc đó tôi là con ngựa lạc mất chủ, cô đơn nằm dưới màn đêm đầy sao, tiếng côn trùng, ngàn lau sậy soi bóng xuống dòng sông trôi,

loài người đến kỳ diệt vong rồi sao?

tôi không biết, tôi chỉ là con ngựa lạc mất chủ nhân,

không, ngươi là hậu duệ của đức thánh Trần!

tôi không biết, chủ nhân tôi đã xa tôi gần cả nghìn năm rồi,

sao giờ ngươi chưa chịu hoá kiếp, mà lại đơn độc ở bến sông này,

vừa khép lại cơn hoang mang, tôi mới tách mình ra khỏi cơn nghĩ ngợi vừa rồi, trước mặt tôi là biển, và biển vắng người, những con đường giờ giới nghiêm, có bao giờ nghĩ rằng có lúc bị cấm túc như thế này cơ chứ, tôi quay xe trở lại căn nhà gỗ, mở cửa sổ và trộn màu trên tấm phin trắng để vẽ, tôi vẽ không nhiều, vì giờ tôi ít thời gian để thực hiện những ý đồ sáng tạo, tôi thích neo mình vào cuộc sống thường ngày, ngoài giờ đi làm, thì tôi sẽ chăm sóc lũ trẻ,

mấy năm qua, tôi trở thành người kỹ tính, ngủ ít hơn, sáng dậy sớm, một thói quen thành kỷ luật, tự do là khi tôi hoàn thành những kỷ luật của thoái quen,

mẹ tôi đau ốm lúc tuổi cao, vợ tôi thì lo cho lũ trẻ, tháng mưa, bão sẽ kéo về miền đất này, sau những ngày cách ly, không biết có cơ hội gặp lại những bạn bè, gặp lại thầy dạy chữ của tôi, tôi thấy khi viết, con chữ như máu trong cơ thể, nuôi lấy hồn mình lúc mất phương hướng, nhưng phương hướng là gì nếu nó không là từ chỗ tối ra chỗ sáng, từ con đường đến lòng người,

(Hết)

Comments are closed.