Chính quyền đã huy động đông đảo tất cả các lực lượng để ngăn, vây bắt người biểu tình, ngày 8/5/2016.
Nhiều cuộc biểu tình vì môi trường biển và minh bạch đã nổ ra ở các thành phố lớn của Việt Nam cuối tuần qua. Các nhân chứng mô tả và đăng nhiều hình ảnh cũng như các đoạn video cho thấy một lực lượng an ninh mặc đồng phục xanh lá cây đã đánh đập, bắt bớ hàng trăm người biểu tình. Trong một cuộc phỏng vấn với VOA Việt Ngữ, cựu Thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng những người biểu tình bị đánh đập, đàn áp có thể khởi kiện công ty chủ quản lực lượng an ninh kể trên. Mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn do An Tôn thực hiện.
VOA: Vừa rồi trên trang Facebook cá nhân, ông nhận định là một số hoạt động của công ty mang tên Thanh niên Xung phong trong việc giữ trật tự cho cuộc biểu tình ngày 8/5 có thể không nằm trong lĩnh vực kinh doanh của họ, và họ có thể bị kiện. Ông có thể cho biết gì về tính pháp lý và các chức năng của công ty này?
Ls. Phạm Công Út: Tôi cũng giống như mọi người được biết là đây là một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Công ty này được gọi là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Dịch vụ Công ích Thanh niên Xung phong. Cái tên Thanh niên Xung phong là một thương hiệu hay một lực lượng, chúng ta phải cần phân biệt. Tính tới hiện nay, giai đoạn hiện nay, tôi tin chắc rằng công ty này không có chức năng đàn áp người dân trong các cuộc biểu tình ôn hòa.
Cựu Thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở tp HCM.
Trong thời gian gần đây, ví dụ, ngày 15, 16/5/2014, tôi tình cờ thấy người bạn của tôi đi với lực lượng Thanh niên Xung phong đi khiêng người biểu tình chống Trung Quốc, như khiêng heo. Nhưng ngày 8/5/2016 vừa rồi lại tái lập hình ảnh người Thanh niên Xung phong kẹp cổ người biểu tình ôn hòa với vẻ mặt hung tợn. Tôi cảm thấy đây là một vấn đề đi quá đà một cái chức năng, một công việc của doanh nghiệp.
Có hai mảng người ta có thể áp dụng để trừng phạt đối với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Dịch vụ Công ích Thanh niên Xung phong. Thứ nhất là khởi kiện về dân sự, đòi bồi thường về sức khỏe, về nhân phẩm, về danh dự, uy tín…Vấn đề thứ hai là những hành vi mang tính bạo lực của công ty này, người ta có thể kiện, người ta sẽ khởi tố đối với những người mà có chứng cứ cho rằng họ đã dùng bạo lực đối với người dân.”
Cựu Thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm, nói.
VOA: Nếu muốn đưa công ty này ra tòa thì các thủ tục kêu gọi nhân chứng, thu thập bằng chứng, trình lên tòa án sẽ như thế nào?
Ls. Phạm Công Út: Ở đây có hai mảng người ta có thể áp dụng để trừng phạt đối với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Dịch vụ Công ích Thanh niên Xung phong. Thứ nhất là khởi kiện về dân sự, đòi bồi thường về sức khỏe, về nhân phẩm, về danh dự, uy tín. Đòi bồi thường thì người ta chỉ đòi một lời xin lỗi thôi. Sau lời xin lỗi thì anh phải thay đổi, không được động chạm tới cái quyền của người dân, không động chạm tới sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người dân. Vấn đề thứ hai là những hành vi mang tính bạo lực của công ty này, người ta có thể kiện, người ta sẽ khởi tố đối với những người mà có chứng cứ cho rằng họ đã dùng bạo lực đối với người dân. Tại vì Bộ luật hình sự không có sự loại trừ với bất kỳ ai, ngoại trừ những trường hợp miễn trừ ngoại giao. Chứng cứ là hàng trăm, hàng ngàn máy ảnh và máy quay phim chĩa vào. Những người biểu tình hôm đó có thể cung cấp cho một nơi tập trung.
Về vấn đề thắng hay thua, tôi không quan tâm đến kết quả thắng hay thua. Nhưng điều đó sẽ củng cố cho những lần tiếp theo. Nếu anh xâm phạm tới, những người biểu tình đó sẽ củng cố chứng cứ tốt hơn cho lần thứ hai, ít nhất cũng cảnh báo cho cái lực lượng này là anh phạm luật, có ngày sẽ bị lôi ra tòa. Một mặt khác là vấn đề hình sự. Có thể không khởi tố được nhưng nó là cú đấm về mặt truyền thông, cho mọi người biết là việc sử dụng một cái lực lượng doanh nghiệp đàn áp biểu tình đó là trái pháp luật, không được xã hội chấp nhận.
Người biểu tình vì môi trường bị vây bắt, một số người bị đánh đập.
VOA: Thưa luật sư, người Việt Nam vốn ngại kiện tụng như đã có câu nói “Chờ được vạ thì má đã xưng”. Vậy thì việc kêu gọi mọi người khởi kiện có khó không? Liệu có được bao nhiêu người dũng cảm sẵn sàng đứng ra nộp đơn, cung cấp để khiếu kiện?
Ls. Phạm Công Út: Ở đây chúng tôi không kêu gọi. Tôi khẳng định điều đó. Ở đây tôi phân tích việc một doanh nghiệp đã thực hiện một hoạt động trái với giấy chứng nhận dành cho mình. Chúng tôi không muốn bạo lực leo thang. Sự ôn hòa được đáp trả bằng sự ôn hòa, để đối thoại thay cho đối đầu. Điều đó sẽ tốt cho xã hội. Chứ chúng tôi không kêu gọi, không kích động những người khác đi kiện cáo, khởi tố thế này thế nọ. Nhưng ở đây đứng trên khía cạnh pháp luật, chúng ta muốn những cuộc biểu tình ôn hòa này được đáp trả bằng sự ôn hòa, được sự bảo vệ của nhà nước để cho họ biểu thị tình cảm của họ, dẫn tới đối thoại, sự lắng nghe giữa nhà nước và người dân, thì điều đó nó quá tốt. Nhưng nếu nhà nước sợ biểu tình thành bạo loạn thì trấn áp, thì điều đó đẩy người dân vào thế bạo loạn. Còn ai cần thì làm đơn, chúng tôi tiếp nhận đơn, ở đây mang tính chất bất vụ lợi, miễn phí, không tính toán để không mang tiếng các luật sư này kiếm tiền.
VOA: Xin cảm ơn Luật sư Phạm Công Út.
Hình ảnh người Việt xuống đường biểu tình vì môi trường ngày 8/5
Người Việt tiếp tục xuống đường biểu tình vụ cá chết
Nguồn: http://m.voatiengviet.com/a/luat-su-noi-co-the-khoi-kien-cong-ty-dan-ap-nguoi-bieu-tinh/3321904.html