Nguyễn Hoàng Văn
Sống sót trở về anh hùng rực chiến công
Cũng giống anh hèn ưa cuộc đời tối tăm
Sống sót trở về, ta đều ngập ước mong…
(Phạm Duy, Bình ca 2, “Sống sót trở về”) [1]
Trừ bọn vĩ cuồng hay hạng đá cá lăn dưa từ trứng nước ra thì, có lẽ, người bình thường nào cũng ngập cái ước mong ấy, cái niềm khát khao được sống trong một xứ sở mà anh hùng chẳng khác gì anh hèn.
Chẳng khác gì vì đó là một xứ sở yên ả, thanh bình. Nó không bị đẩy vào tình thế nguy cấp và tuyệt vọng để anh hùng xuất hiện làm người giải cứu, cũng không nhẫn tâm dồn ép con người đến chỗ phải hạ thấp nhân phẩm, phải hèn để sống. Đó, nói bằng chữ nghĩa quen dùng của Hồ Hữu Tường, là thời “thượng ngươn”, còn theo chữ nghĩa Nguyễn Công Trứ lại là “đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”. Và đó, nói theo Bertolt Brecht – nhà thơ, kịch tác gia, đạo diễn và nhà phê bình sân khấu Đức – là miền đất của phước hạnh bởi chỉ có những xứ sở bất hạnh mới “cần đến anh hùng”.
Hãy khoan kết tội Brecht là thiếu ý chí chiến đấu, là hư vô chủ nghĩa, là không tưởng hay, thậm chí, là phản động. Con người đa tài này là một tín đồ trung kiên của chủ nghĩa Marx và, vào những thập niên 1970 và 1980, đã là một trong những cái tên được những ngòi bút chính thống của chúng ta nấp bóng nhiều nhất, nếu không tính đến Marx, Lenin, hay “Bác chúng ta” và anh Ba Dưới ngọn cờ vẻ vang… Giới lý luận – phê bình sâu khấu vặc nhau “Bertolt Brecht đã nói như thế” đã đành mà, ngay cả Phùng Quán, trong thế quẫn, khi tìm cách thuyết phục Quốc hội lo hậu sự cho nhà thơ Đoàn Phú Tứ với gia cảnh cực kỳ đáng thương, cũng “Bertolt Brecht đã nói như thế” sau khi cắt xén mấy câu thơ cho hợp với hoàn cảnh của vị đại biểu Quốc hội từng bỏ kháng chiến, dinh tê về thành. [2]
Trong vở kịch The Life of Galileo viết trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít đang lên ngôi, Brecht đã cho nhà khoa học nổi tiếng này giận dữ phản ứng khi được môn sinh Andrea tâng bốc như bậc anh hùng. Người học trò tán thán “Bất hạnh thay cho những xứ sở không sản sinh ra anh hùng” thì nhà khoa học đang bị tòa án tôn giáo điều tra đã gầm lên giận dữ: “Không, bất hạnh thay cho những xứ sở cần đến anh hùng”. [3]
Tôi nghĩ đến lời này khi theo dõi một phóng sự truyền hình trên truyền hình Úc về cuộc chiến đấu của người Ukraine.
Nói về Ukraine thì, thú thật, những ấn tượng đầu tiên của tôi chẳng mấy hay ho. Thời sinh viên tôi đã cùng hai bạn học khác – một Úc và một Singapore – va chạm với một sinh viên lười nhác và vô trách nhiệm gốc Ukraine khi cùng tham gia một dự án nghiên cứu nhỏ, trong một môn học. Rồi, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, là từ Ukraine. Rồi, lai rai trên các chương trình đời sống trên các đài truyền hình Úc, tôi lại nghe những ông Úc trung niên cay đắng bộc lộ nỗi niềm sau những hành trình chạy theo ảo ảnh, là những cô dâu Ukraine đặt hàng qua mạng. Tuy nhiên những dấu ấn như thế đã tan biến hẳn khi người Ukraine chứng tỏ phẩm chất anh hùng trước cuộc xâm lăng làm cả thế giới rúng động. Đây là một anh thợ điện, một chủ tiệm trong vai trò của những dân quân tự nguyện, ngày ngày chơi trò mèo vờn chuột với quân thù trong khẩu đội súng cối của mình. Kia là một cựu nữ giáo viên trung học rời trường rời trò để đảm nhiệm vai trò một nhân viên tình báo, ngày đêm liên lạc với đồng bào mình tại các vùng bị chiếm nhằm thu thập thông tin về kẻ thù. Vân vân, biết bao nhiêu con người từng rất bình thường như thế đang xắn tay lên với những hành động phi thường, những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Nhưng, nói theo Brecht, đó cũng là sự bất hạnh của Ukraine.
Một xứ sở may mắn và hạnh phúc là xứ sở mà những anh thợ điện có thể yên tâm sữa chữa những mạch điện, một chủ tiệm chỉ nên cần mẫn phục vụ khách hàng và một giáo viên thì chỉ nên chuyên tâm vào những học trò của mình. Và cả những thiếu nữ hay thiếu phụ khao khát đổi đời bằng hôn nhân, hãy cứ chưng diện tươi mát trong vai những cô dâu đặt hàng qua mạng để mặc anh đàn ông dại gái ở xứ giàu có lao vào. Chính vì đất nước của họ bất hạnh nên những thợ điện và chủ tiệm phải làm quen với khẩu súng cối và cô giáo viên phải bận tâm với nơi trú quân hay những kho hàng, kho đạn của quân thù.
Nhưng đó lại là số phận họ không thể né tránh, như là nạn nhân của vị trí chính trị địa lý. Cái sự bất hạnh mà, nói theo ông José de la Cruz Porfirio Díaz Mori, là “Thượng Đế thì xa quá mà nước Nga thì gần quá?” [4]
Không né tránh được thì phải sống, phải đối đầu với thực tế và, may mắn thay, họ lại cực kỳ anh hùng. Hầu như tất cả, từ trên xuống dưới, đều chứng tỏ những phẩm chất tuyệt vời, mở đầu với ông Volodymyr Zelenskyy, vị Tổng thống đã kiên cường, không nao núng ngay trong cái giây phút mà cả thế giới đều cho rằng sẽ bỏ chạy: “Cuộc chiến ở ngay tại đây, tôi cần vũ khí, không cần quá giang”. [5]
Ukraine, như thế, đang xứ sở của cái sự “ra ngõ gặp anh hùng”.
Chúng ta cũng từng hiu hiu tự đắc về cái ngõ lượn lờ đầy anh hùng như thế. Và chúng ta cũng bất hạnh y như là Ukraine khi “Trời” thì hầu như không có, và nếu có thì quá xa trong khi tên láng giềng Đại Hán thì gần quá. Bất hạnh nên chúng ta cần anh hùng. Nhưng càng bất hạnh hơn khi chúng ta không có những anh hùng của hôm nay mà chỉ có những anh hùng của hôm qua và cái “ngõ” hiu hiu tự đắc ngày nào trơ lại là một hẻm cụt với cái sân khấu dã chiến nhếch nhác, quanh đi quẩn lại mấy vở tuồng anh hùng biết rồi, khổ quá, diễn hoài.
Càng bất hạnh hơn khi đó chỉ là những tuồng hùng anh vô thưởng vô phạt. Chúng ta đóng bộ là anh hùng nhưng lại rón rén nhìn trước nhìn sau để đoan chắc rằng gã láng giềng gần hơn cả Trời kia không bị mếch lòng. Chúng ta sang sảng trong vai những anh hùng xa xưa nhưng sợ sệt kiểm duyệt những anh hùng trong cuộc chiến gần nhất với gã láng giềng rất gần. Mà, để làm sâu đậm thêm cái sự bất hạnh của số phận địa lý và sự nhếch nhác của cái sân khấu anh hùng, những vai chính vừa đóng bộ anh hùng, vừa thập thò thập thõm tìm đường quá giang: cuộc chiến thì đang ở đây, ngay trên đất này nhưng thần trí thì hướng về đất khác.
Nói cách khác, bọn họ đang diễn anh hùng trong tư thế anh hèn.
Xem ra, cái gọi là “chủ nghĩa anh hùng” đã bị phá sản và nó làm tôi nghĩ đến đoạn đối thoại khô khốc giữa hai nhân vật của Ernest Hemingway: “‘How did you go bankrupt?’ Bill asked. ‘Two ways,’ Mike said. ‘Gradually and then suddenly.’”
Sự phá sản nào cũng diễn ra như thế cả. Nó xảy ra từ từ, từng chút một, từng chút một rồi, đùng một cái, đặt bên những xứ sở đang dũng cảm đứng lên, chúng ta lột bộ mặt thật rất hèn.
Mấy câu trên được Hemingway viết trong The Sun Also Rises, nói lên rằng “Mặt trời vẫn mọc” dẫu cả một thế hệ đang bị lạc loài với một tương lai mù mịt và sự tuyệt vọng sâu thẳm qua số phận bi thảm của nhân vật Jake Barnes. Bởi thế, trong tuyệt vọng, tôi vẫn cố nuôi hy vọng. “Mặt trời vẫn mọc” như đã và đang mọc từng ngày và rồi, sẽ có một lúc nào đó, bất thình lình, đất nước sẽ bừng sáng trở lại như một đất nước anh hùng.
Chú thích & tham khảo:
[1] https://www.youtube.com/watch?v=BULUKEy_81g
[2] Phùng Quán, “Chút nghĩa cũ càng”
https://tonvinhvanhoadoc.net/chut-nghia-cu-cang-phung-quan/
“Cảm thấy chừng ấy lý lẽ cũng chưa đủ thuyết phục họ, tôi liền vận dụng đến thơ. Tôi nói: ‘Một nhà thơ cộng sản người Đức tên là Bectôn Brếch, từng viết những câu thơ đầy sức giáo huấn’:
Một người đấu tranh một giờ là một người tốt.
Một người đấu tranh nhiều ngày là một người tốt hơn
Một người đấu tranh nhiều năm là một người tốt hơn nữa
Một người đấu tranh suốt đời thì rất hiếm…
Thật ra đoạn thơ này còn có câu cuối cùng:
“Những người đó mới thật cần thiết cho chúng ta”, nhưng tôi đã cắt bỏ câu này để cho việc trích dẫn thơ có lợi cho mục đích của tôi. Tôi nói tiếp: “Như vậy nhà thơ Đoàn Phú Tứ là ‘một người tốt hơn nữa’, vì ông đã đấu tranh nhiều năm”.
[3] Galieo đang bị quản thúc, học trò Andrea đến thăm ca tụng ông là anh hùng: “Unhappy is the land that breeds no hero!”, tuy nhiên Galileo phản bác: “No, Andrea… unhappy is the land that needs a hero.”
The Life of Galileo được Bertolt Brecht viết năm 1938, trình diễn lần đầu tiên năm 1943 tại Thụy Sĩ. Đoạn đối thoại trên thuộc về hồi 12, trang 115.
Theo thông tin trên mạng, vở kịch này đã được Lê Chu Cầu dịch sang tiếng Việt:
http://nhanam.com.vn/sach/21/cuoc-doi-galilei
[4] Tổng thống Mexico từ 1876 đến 1880, từng phát biểu: "Poor Mexico, so far from God, so close to The United States".
[5] “The fight is here; I need ammunition, not a ride,”
https://edition.cnn.com/2022/02/26/europe/ukraine-zelensky-evacuation-intl/index.html