Huỳnh Mùi
Hôm qua, chúng ta đã nói đến bức tranh của một thủ đô nghèo, nghèo văn hoá, nghèo người lãnh đạo lo cho dân. Hôm nay, 21-4, tình cờ sang thăm trang nhà của anh Nhung Trần Văn, tôi thấy anh ấy chia sẻ với Facebooker Nguyễn Trường Uy hai bức ảnh đối chiếu nhau.
Ảnh Nguyễn Trường Uy
Một bức ảnh là cảnh người dân Nhật ở một thị trấn xếp hàng mua xăng dầu về thắp đèn khi trận sóng thần ập đến tàn phá bốn năm trước (11-3-2011) làm mất điện toàn vùng Tohoku, và một bức ảnh là cảnh người dân Hà Nội vượt rào nguy hiểm tràn vào bể bơi để được tắm miễn phí hôm kia, tức hôm 19-4 vừa qua tại Công viên nước Hồ Tây.
Đối chiếu hai bức ảnh, tác giả đã “đau đớn” trích dẫn ý kiến một người Việt nào đó so sánh họ và ta đã cho rằng đó “là vì đất nước người ta có văn hóa, nhân văn. Nhìn lại mình đi, đúng là suy thoái đạo đức trầm trọng vài thập kỷ gần đây”.
Tôi đã ở Nhật nhiều năm, đã từng chứng kiến nhiều lần cảnh chen lấn nhau ở đó cũng hay cảnh các bạn trẻ xếp hàng như xếp hàng hai ba ngày để mua một chiếc vé đi xem một sự kiện như chương trình do The Beatles biểu diễn. Chen lấn ngày nay vẫn còn thí dụ những lúc lên xuống tàu điện, xếp hàng cũng vẫn thế nhưng thường có cố gắng làm cho hàng dài được rút ngắn đi.
Nhớ lại vào cuối thập niên 1970 khi tôi mới về nước làm việc tại Hà Nội, bạn bè hỏi tôi: “Cũng phải xếp hàng mua gạo à?”. Tôi thản nhiên vui vẻ nói: “Có gì đâu”. Sau câu hỏi, tôi thường đã nhận được câu than thở tiếp theo: “Chủ nghĩa xã hội xếp hàng mà”. Dân ta đã khá quen với việc xếp hàng. Khổ nỗi người lãnh đạo không biết cách cho dân hay đó là một nét văn hóa, đó là sự nhường nhịn nhau. Trong những năm tháng đó, dần dần tôi hiểu được rằng dân ta không cho xếp hàng là một nét văn hóa, ngược lại đã cho đó là một cực hình, bắt dân xếp hàng thường xuyên từ sáng sớm để mua được hai ba cân gạo hay vài lạng thịt. Xếp hàng cả buổi nhưng không mua được là chuyện bình thường. So sánh với những cửa hàng dành riêng cho các quan to, không phải xếp hàng, cung cấp thừa tiêu chuẩn, người dân cho việc xếp hàng là một cực hình cũng phải lạ. Do đó, khi không phải xếp hàng, lại được như một sự “ban ơn”, thế là tha hồ chen lấn giành chỗ.
Tôi muốn chia sẻ nỗi đau đớn mà anh Nguyễn Trường Uy đã cảm nhận, nhưng không thấy đau đớn về dân ta như anh ấy đã nêu lên. Thật sự tôi thấy thất vọng về “cái nghèo văn hóa”, “cái nghèo người lãnh đạo lo cho dân” ở Thủ đô Hà Nội. Có nhiều lúc chứng kiến cảnh dân không chịu xếp hàng mải ham chen lấn, tôi đã cố nói với người bán: “Các chị nói mọi người xếp hàng đi mới bán để cho đỡ lộn xộn”. Nhưng có nói vẫn như không, khuôn mặt của họ thật đáng sợ, lạnh như tiền. Lãnh đạo của họ chẳng bao giờ biết lo cho dân, nên họ cũng chẳng màng nghĩ đến cảnh không lộn xộn “có văn hóa hơn” cảnh lộn xộn. Bao nhiêu năm, dân ta vẫn mãi cam chịu cái cảnh “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” của các cấp ngay ở trong thủ đô này.
Vụ việc hôm qua ở Công viên Nước Hồ Tây, trên mạng sáng nay nhiều người nhắc đến những cảnh “giật gân”, những cô gái mặc váy trơ trẽn trèo tường hay lũ con trai sàm sỡ quấy nhiễu con gái trong bể bơi… Những cảnh tượng hôm qua có bạn đưa ra một comment rằng đó là “tâm lý đám đông của người Việt Nam thôi”. Tôi muốn chia sẻ với nhận xét này, nhưng cũng chỉ muốn chia sẻ một nửa, bởi vì tâm lý đám đông không phải chỉ riêng của người Việt Nam. Hiện tượng đúng là như thế, nhưng suy cho cùng không phải do đám đông, mà là do người tổ chức, do cái nghèo văn hóa của những người tổ chức. Những người này để ra một hai ngày không lấy vé đã chẳng khác gì những kẻ quẳng tiền xu vào đám đông, rồi đứng cười kinh bỉ đám đông đang giành giựt những đồng xu do chúng ban phát.
Với một bể bơi chứa hằng nghìn người mà không lường trước những gì sẽ xảy ra khi mọi “khách hàng” miễn phí, không lo trước thật chu đáo cho sự an toàn đối với những “khách hàng” này, cái nghèo văn hóa là ở chỗ những người tổ chức thiếu văn hóa trong tổ chức. Hơn nữa suy cho cùng Hà Nội vẫn thiếu những người lãnh đạo thật sự lo cho dân, những người thường hay vênh vênh tự đắc tự cho rằng mình đứng trên muôn người, tức là những người vốn nghèo văn hóa trong chức năng lãnh đạo.
Người Nhật họ “dạy dân” phải nói là rất giỏi, nói đúng hơn là rất kiên trì. Đâu đâu, trong nhà ga chẳng hạn, khi một con tàu sắp đến, giọng nói nhẹ nhàng của cô phóng thanh viên bao giờ cũng dặn dò mọi người nên như thế này, nên như thế kia. Hơn 50 năm trước hay dù ngay gần đây, mỗi khi ở trong nhà ga, tôi vẫn được được nghe cùng những câu nói giống nhau.
Còn ở nước ta, người ta có làm gì, cũng chỉ làm cho có, không một chút kiên trì. Ơ hay! “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.
H. M.
Nguồn: https://www.facebook.com/huynh.mui.9/posts/10153286339657899:0